Theo “Liên hợp buổi sáng” ngày 1/8, sau khi thông tin Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi có thể dẫn đầu đoàn đại biểu Quốc hội Mỹ đến thăm Đài Loan được phát đi, Trung Quốc đại lục đã đưa ra những cảnh báo và phản đối đanh thép. Tuy nhiên, Mỹ cũng không chùn bước mà kiên quyết thúc đẩy chuyến thăm, khiến cho tình hình eo biển Đài Loan leo thang căng thẳng toàn diện. Hiện nay, mấu chốt của vấn đề là liệu chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi có trực tiếp dẫn đến xung đột quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc hay không và hậu quả liên quan sẽ như thế nào.
Muốn dự báo chính xác rủi ro xung đột quân sự Mỹ-Trung, cần xem xét hai góc nhìn là quỹ đạo lịch sử và tư duy lằn ranh đỏ. Trước tiên là lịch sử Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô, điều mà mọi người thường nghĩ đến. Cuộc đối đầu giữa hai bên kéo dài nửa thế kỷ, nhưng lại không diễn biến thành chiến tranh nóng quy mô lớn. Vậy nên có quan điểm cho rằng cái gọi là cạnh tranh Mỹ-Trung hiện nay cũng có thể chỉ là “hòa bình lạnh”, không phải “đối đầu nóng”. Tuy nhiên, có một sự khác biệt lớn đáng chú ý: Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, giữa Mỹ và Liên Xô không tồn tại cục diện đặc biệt như trong vấn đề Đài Loan hiện nay.
Tính đặc thù của Đài Loan nằm ở chỗ hòn đảo này xét về mặt địa lý và văn hóa thuộc về Trung Quốc truyền thống, nhưng xét về mặt chính trị và thể chế lại tương thích với xã hội dân chủ hiện đại. Một mặt, Trung Quốc luôn sử dụng khẩu hiệu “thống nhất quốc gia” để kêu gọi Đài Loan quay trở lại, nhưng xã hội chủ lưu của Đài Loan và Trung Quốc lại kiên trì ủng hộ tính tự chủ của thể chế và giá trị. Nếu Trung Quốc và Đài Loan vẫn liên tục bất đồng, thì sẽ có một ngày xung đột quân sự bùng phát và có thể dẫn đến chiến tranh nóng trực tiếp giữa Mỹ và Trung Quốc.
Lằn ranh đỏ của Mỹ đối với vấn đề Đài Loan
Một góc độ khác chính là tư duy lằn ranh đỏ của Mỹ và Trung Quốc về vấn đề Đài Loan. Tư duy lằn ranh đỏ của Trung Quốc đại lục về vấn đề này cơ bản chính là thống nhất bằng vũ lực. Chẳng hạn, Luật chống ly khai ban hành năm 2005 nhấn mạnh nếu các thế lực ly khai ủng hộ Đài Loan độc lập dưới bất kỳ danh nghĩa nào hoặc hình thức nào khiến Đài Loan ly khai khỏi Trung Quốc, nếu xảy ra các sự vụ nghiêm trọng dẫn đến Đài Loan ly khai khỏi Trung Quốc, hoặc nếu khả năng thống nhất hòa bình biến mất hoàn toàn, thì Trung Quốc sẽ phải thực hiện phương thức phi hòa bình và các biện pháp cần thiết khác để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.
Tuy nhiên, không khó để nhận ra rằng “lằn ranh đỏ” nói trên của Trung Quốc chủ yếu là cách hành xử đối với Đài Loan, chứ không phải đối với Mỹ, và Trung Quốc dường như chưa vạch ra giới hạn đỏ cho hành vi của Mỹ đối với Đài Loan, mà chỉ lấy tuyên bố của Trung Quốc về ba thông cáo chung Trung-Mỹ làm tiêu chuẩn cơ bản – nghĩa là trên thế giới chỉ có một Trung Quốc, Đài Loan là một bộ phận của Trung Quốc và Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là chính phủ hợp pháp duy nhất đại diện cho Trung Quốc.
Vậy lằn ranh đỏ của Mỹ đối với vấn đề Đài Loan là gì? Câu trả lời có vẻ dễ đoán – đó là nếu Mỹ và Trung Quốc đối đầu hoàn toàn về vấn đề Đài Loan, thì lập trường của Mỹ sẽ là thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan, cam kết trực tiếp điều quân tham chiến khi xảy ra xung đột ở eo biển Đài Loan và không tiếp tục cam kết không ủng hộ Đài Loan độc lập.
Từ trước đến nay, Mỹ và Trung Quốc chủ yếu thể hiện 3 trạng thái về vấn đề Đài Loan: trạng thái hợp tác và hòa bình, trạng thái không hợp tác – “chơi bóng biên” – và trạng thái phá vỡ lằn ranh đỏ – đánh bài ngửa xung đột. Dựa trên cơ sở đó, có thể nói việc Pelosi sang thăm Đài Loan vẫn thuộc trạng thái thứ hai, chứ không trực tiếp phá vỡ lằn ranh đỏ đánh bài ngửa xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc về vấn đề Đài Loan.
Tại sao phản ứng của cả Mỹ và Trung Quốc đối với việc Nancy Pelosi sang thăm Đài Loan lại gay gắt một cách bất thường như vậy? Có quan điểm cho rằng việc nhượng bộ là hành động nhục nhã đối với nhà lãnh đạo tối cao và thể diện quốc gia. Điều này có thể đúng, nhưng không phải là mấu chốt. Vấn đề căn bản là phải nhìn vào bối cảnh và xu thế chủ đạo của quan hệ Mỹ-Trung.
Bối cảnh và xu thế chủ đạo của quan hệ Mỹ-Trung được tính từ khi Tổng thống Mỹ Richard Nixon sang thăm Trung Quốc vào năm 1972 cho tới nay. “Phương châm hòa hợp với Trung Quốc” được các chính quyền sau đó tuân thủ đã đi đến hồi kết. Điều cần lưu ý ở đây là “Trung” không phải để chỉ mỗi Trung Quốc, mà là chỉ đảng cầm quyền và thể chế chính trị-xã hội hiện có của Trung Quốc – sự khác biệt này là rất quan trọng. Bởi vì sau khi Trung Quốc đi theo con đường cộng hòa vào năm 1911, chính sách và phương châm của Mỹ đối với Trung Quốc về cơ bản nhất quán, không có nhiều thay đổi về nguyên tắc. Nguyên nhân ý thức hệ đã dẫn đến việc quan hệ Mỹ-Trung hiện tại có một số mâu thuẫn và vướng mắc cốt lõi. Hiện nay, “phương châm hòa hợp với Trung Quốc” của Mỹ đã đi đến hồi kết, nguyên nhân là do đảng cầm quyền và đảng đối lập của Mỹ đã đạt được đồng thuận mới về việc kiềm chế Trung Quốc.
Tất nhiên, Trung Quốc có cách lý giải khác về những thay đổi quan trọng trong thái độ và lập trường của Mỹ đối với Trung Quốc hiện nay. Họ cho rằng mục đích của Mỹ là ngăn chặn và kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc. Mỹ không hoàn toàn phủ nhận điều này, nhưng không ngừng nhấn mạnh “Trung” mà Mỹ đề cập và “Trung” mà Trung Quốc đề cập là không giống nhau. Theo nhận định này của Mỹ, những điều Trung Quốc tiếp tục nói với Mỹ như “Mỹ đã đánh giá sai về Trung Quốc” hay “quan hệ Trung-Mỹ ổn định đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của thế giới” về cơ bản không còn tác dụng. Hiện tại, Mỹ nhận định rằng họ không cần phải thay đổi bất cứ điều gì – Trung Quốc mới là bên cần thay đổi.
Nếu đặt kế hoạch chuyến thăm của Nancy Pelosi vào trong bối cảnh lớn và xu thế chủ đạo của quan hệ Mỹ-Trung đã nói ở trên để phân tích, thì có thể phán đoán rằng Mỹ ít có khả năng thay đổi quan điểm về vấn đề này, hai nước có thể đụng độ ở eo biển Đài Loan trong sự kiện lần này và những đụng độ như vậy có thể sẽ trở thành chuyện bình thường.
Mỗi khi tình hình eo biển Đài Loan leo thang căng thẳng, không ít người bắt đầu phân tích, so sánh sức mạnh quân sự, trang thiết bị, chiến thuật của Trung Quốc, Mỹ và Đài Loan. Đây là điều không thể tránh khỏi, nhưng cũng không được quên rằng vấn đề Đài Loan không phải là vấn đề quân sự và an ninh đơn thuần. Xét cho cùng, vấn đề Đài Loan là vấn đề chính trị. Điều này tương tự như việc Nga tấn công Ukraine: Putin tìm cách tuyên bố với dư luận trong nước và thế giới rằng vấn đề Ukraine liên quan đến tranh chấp địa lý và an ninh, nhưng cộng đồng quốc tế chính thống lại coi cuộc chiến Nga-Ukraine là cuộc quyết đấu giữa hòa bình dân chủ và xâm lược chuyên chế, là cuộc cạnh tranh về thể chế và giá trị, và do đó không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đánh bại Putin.
Ảnh hưởng của chiến tranh nóng Mỹ-Trung chắc chắn sẽ vượt ra ngoài eo biển Đài Loan
Vì vậy, nếu xung đột quân sự trực tiếp giữa Mỹ và Trung Quốc nổ ra tại điểm nóng eo biển Đài Loan, thì ảnh hưởng của nó chắc chắn sẽ vượt ra ngoài phạm vi một cuộc tranh chấp an ninh ở eo biển Đài Loan, đồng thời sẽ tác động đến quan hệ quốc gia toàn diện giữa Mỹ và Trung Quốc, bao gồm cả chính trị vĩ mô, cấu trúc địa chính trị, cầu nối kinh tế-thương mại và giao lưu nhân dân. Liệu hai bên đã chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống xấu nhất và lật bài ngửa hay chưa? Nhiều báo cáo và thông tin trong những năm gần đây cho thấy Mỹ không ngừng tìm cách tách khỏi Trung Quốc trên những lĩnh vực quan trọng, điều động quân đội theo bố cục chiến lược và điều chỉnh trọng tâm sức mạnh sang khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Trong khi đó, Trung Quốc lại tăng cường thu mua và dự trữ các loại vật tư để chuẩn bị cho chiến tranh trên khắp thế giới như lương thực và dầu thô, đồng thời nâng cao năng lực tự nghiên cứu và tự cung tự cấp các loại công nghệ then chốt – đây là động thái để chuẩn bị ứng phó với các lệnh trừng phạt kinh tế-thương mại hay thậm chí là một cuộc xung đột quân sự có thể xảy ra với Mỹ và phương Tây. Tuy nhiên, chuẩn bị và chuẩn bị tốt là hai cấp độ trạng thái khác nhau. Về phương diện này, điều quan trọng nhất là phải hiểu rõ chính mình.
Tóm lại, quan hệ Mỹ-Trung, khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và thậm chí toàn thế giới đều có thể xảy ra biến động nghiêm trọng xung quanh vấn đề Đài Loan. Do đó, việc giải quyết một cách thông minh và hợp lý vấn đề Đài Loan cũng trở thành một thử thách lớn. Muốn vượt qua thử thách này, phải dựa chủ yếu vào Trung Quốc và người Trung Quốc. Hai bờ eo biển Đài Loan đều thuộc về dân tộc Trung Hoa, con cháu Viêm Hoàng. Người dân đều khát khao hướng đến hòa bình, dân chủ, pháp quyền, phát triển cuộc sống hiện đại và tiến bộ. Trong khi đó, các nước khác như Mỹ và Nhật Bản chỉ là nhân tố bên ngoài.
Nếu có thể thực sự xuất phát từ lập trường căn bản và lợi ích lâu dài của quốc gia-dân tộc, thì vấn đề Đài Loan không phải là vấn đề nan giải và chìa khóa để hóa giải sự quy thuộc của Đài Loan là nâng cao cảnh giới văn minh của mình. Về phương diện này, có một ví dụ điển hình đáng để tham khảo và học hỏi một cách nghiêm túc: Năm quốc gia hiện đại bao gồm Anh, Mỹ, Canada, Australia và New Zealand đã lấy tiếng Anh làm tiếng mẹ đẻ và nguồn gốc văn hóa. Cho dù thuộc Khối thịnh vượng chung Anh hay đi theo đường lối độc lập tự chủ, thì họ vẫn có thể đoàn kết, thống nhất, không tiến hành nội chiến, hợp tác phát triển toàn diện, dẫn dắt nền văn minh, mang lại lợi ích và hạnh phúc lớn nhất cho nhân dân mỗi nước./.
(Theo TTXVN)