Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine đến nay đã kéo dài được 6 tháng, Nga vẫn đang từng bước mở rộng phạm vi kiểm soát của mình trên lãnh thổ Ukraine. Các cuộc phản công của Ukraine tỏ ra thiếu hiệu quả trong việc đẩy lùi quân đội Nga về phía Đông. Ngược lại, chiến lược tổ chức chiến tranh của quân đội Nga đang khiến Ukraine tiêu hao rất lớn. Bộ Quốc phòng Ukraine cũng đã công bố có 9.000 quân nhân đã thiệt mạng kể từ khi cuộc chiến nổ ra. Con số này thực tế không phản ánh được thiệt hại thực sự của quân đội Ukraine và các lực lượng vũ trang tư nhân thân Kiev khác. Trong tình hình đó, phương Tây đã buộc phải đẩy nhanh tiến độ “chi viện” cho Ukraine. Gần đây, một số nhà phân tích đã nhận định rằng, Quân đội Ukraine đang có dấu hiệu chuyển sang chiến lược chiến tranh du kích. Vậy liệu rằng đó có phải là một lựa chọn đúng đắn đối với Ukraine hay không?
Một số vấn đề cốt yếu của chiến tranh du kích
Chiến tranh du kích về cơ bản là một cách thức tổ chức chiến tranh thường được bên yếu thế hơn áp dụng, nó sử dụng một lực lượng hạn chế với lối đánh phục kích bất ngờ, chớp nhoáng nhằm tiêu hao lực lượng đối phương, bảo toàn lực lượng phía mình tối đa. Loại hình chiến tranh này có một số nguyên tắc bất di bất dịch như sau: (1) Tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu. (2) Tránh các giao tranh lớn, hạn chế sử dụng lực lượng lớn, tiêu tốn nhiều nguồn lực (3) Linh hoạt phân tán, tập trung lực lượng du kích tùy theo tình hình (4) Đảm bảo yếu tố bí mật của các lực lượng. Thông thường, lối đánh du kích chỉ phù hợp với địa phương quân, những người lính thông thạo địa bàn nhất.
Một điều cần lưu ý đó là chiến tranh du kích không thể giúp mang đến một chiến thắng quyết định, mà cần phải kết hợp chiến tranh du kích với chiến tranh tổng lực khi cần thiết để đạt được hiệu quả. Trong lịch sử, chiến tranh du kích đã được áp dụng rất thành công tại một số quốc gia trong các cuộc chiến chống lại các thế lực mạnh hơn. Nhưng cũng có những nơi, chiến tranh du kích không phát huy được hiệu quả như mong muốn.
Chiến lược quân sự của Kiev
Trên cơ sở tiếp tục nhận được chi viện từ các nước phương Tây, chiến lược quân sự hiện tại của Ukraine có một số điểm chính như sau: (1) Tiếp tục tổ chức các hoạt động quân sự quy mô đáng kể tập trung vào Donbass và Kherson. (2) Duy trì triển khai các hoạt động quân sự phá hoại vào các khu vực biên giới Nga nhằm cố gắng làm tiêu hao nguồn lực của đối thủ. (3) Tận dụng các lực lượng đánh thuê, các tổ chức vũ trang tư nhân. (4) Kêu gọi những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan tiến hành các hành động chống quân đội Nga và cả những người thân Nga.
Nếu buộc phải chuyển sang chiến lược chiến tranh du kích, Kiev sẽ phải điều chỉnh nhiều vấn đề trong chiến lược tổ chức chiến tranh hiện tại bao gồm: Dừng các cuộc phản công quy mô tại khu vực phía Đông và Đông Nam; rút toàn bộ lực lượng chủ lực, cố gắng bảo toàn lực lượng cho cuộc chiến lâu dài với quân đội Nga; Kiểm soát chặt chẽ các lực lượng vũ trang tư nhân, lính đánh thuê, đảm bảo tính bí mật của các hoạt động quân sự; tái tổ chức lại lực lượng địa phương quân, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền nhằm thu hút toàn dân chúng ủng hộ cuộc chiến chống lại quân đội Nga.
Tuy nhiên, việc lựa chọn chuyển hướng sang chiến tranh du kích đồng nghĩa với việc thừa nhận thất bại chiến lược ở giai đoạn đầu của quân đội Ukraine trong việc đối phó với quân đội Nga. Rằng quân đội chính quy của nước này đã không đủ khả năng hoàn thành nhiệm vụ “ngăn chặn đối thủ và đòi lại những khu vực đã mất”. Liệu rằng Kiev có dễ dàng chấp nhận được thất bại đó để chuyển chiến lược?
Một loạt các thách thức khiến chiến tranh du kích khó có thể là một lựa chọn tốt đối với quân đội Ukraine
Như đã nêu trên, không phải quốc gia nào áp dụng chiến tranh du kích cũng thành công và tình hình Ukraine hiện nay đang tồn tại quá nhiều thách thức cho việc triển khai chiến tranh du kích:
Thứ nhất, hạn chế về nền tảng lý luận; cùng với “cách mạng Maidan” (năm 2014), Ukraine đã từ bỏ học thuyết quân sự Xô Viết và chịu ảnh hưởng rất lớn từ các tư tưởng quân sự từ phương Tây. Trong khi đó, chiến tranh du kích chưa bao giờ là một thế mạnh đối với các học thuyết quân sự hiện đại của phương Tây. Đây là một điểm yếu đầu tiên.
Thứ hai, hạn chế về trình độ của chỉ huy cấp chiến lược; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine – ông Oleksii Yuriyovych Reznikov vốn không xuất thân từ quân ngũ. Do vậy, quyền chỉ huy trực tiếp quân đội Ukraine được giao cho Tổng tham mưu trưởng – Đại tướng Valerii Zaluzhnyi, người vừa được thăng hàm vượt cấp từ Trung tướng lên Đại tướng một cách vội vã để đảm nhiệm vai trò chỉ huy toàn quân đối phó với chiến dịch quân sự của Nga. Thậm chí, tướng Valerii Zaluzhnyi đã lựa chọn phụ tá cho mình là một lãnh đạo theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan và cũng không hề có chuyên môn về quân sự. Điều này làm dấy lên những nghi ngờ về khả năng lãnh đạo tổ chức một cuộc chiến thực thụ.
Thứ ba, kể từ khi chiến sự nổ ra, đã có khoảng 10 triệu người dân Ukraine rời bỏ quê hương, trong khi dân số Ukraine đầu năm 2022 chỉ có hơn 41 triệu người. Phần còn lại phân hóa sâu sắc, tỷ lệ người dân ủng hộ Nga và thờ ơ với cuộc phiêu lưu của Kiev chiếm tương đối lớn. Việc đảm bảo bí mật cho các lực lượng du kích Ukraine sẽ gặp thách thức rất lớn. Hơn nữa, dân số thấp, việc bổ sung tân binh sẽ không đảm bảo cho một cuộc chiến lâu dài.
Thứ tư, lực lượng vũ trang Ukraine phân hóa rất mạnh giữa quân đội chính quy và các lực lượng vũ trang của tư nhân bao gồm cả lính đánh thuê. Rất khó để “cưỡng chế” các lực lượng này thực hiện theo đúng chiến lược quân sự mà Kiev đề ra.
Thứ năm, tình báo Nga tỏ ra vượt trội trong thời gian diễn ra cuộc chiến; đã có khá nhiều cơ sở huấn luyện, kho tàng, trận địa được Ukraine bố trí bí mật đã bị Nga tấn công tiêu diệt. Kiev không tạo ra được quá nhiều bất ngờ cho cuộc chiến này. Với sự yếu kém như vậy, không có gì có thể chắc chắn quân đội Ukraine có thể đảm bảo được một nguyên tắc sống còn của chiến tranh du kích đó là “bí mật, bất ngờ”.
Thứ sáu, điểm yếu của Kiev lại là điểm mạnh của Moskva; hơn ai hết, quân đội Nga có sự am hiểu sâu sắc về chiến tranh du kích. Họ cũng là lực lượng có nhiều kinh nghiệm trong việc chống chiến tranh du kích qua nhiều cuộc chiến. Trong cuộc đua thực hiện cũng như chống lại loại hình chiến tranh này, Moskva là bên có được ưu thế.
Thứ bảy, một cuộc chiến kéo dài sẽ khiến phương Tây mất kiên nhẫn và cắt chi viện; hệ lụy từ việc đối đầu đầu với Nga đang đè nặng lên châu Âu. Cuộc chiến tại Ukraine càng kéo dài sẽ càng gây bất lợi đối với họ. Do vậy, việc Ukraine chuyển chiến lược chiến tranh du kích sẽ khiến châu Âu ngày càng chia rẽ, viện trợ cho Kiev sẽ dần mất ổn định và giảm dần.
Có quá nhiều thách thức khiến chiến tranh du kích khó có thể thành công đối với Ukraine. Mặc dù trong thời gian qua, Kiev đã tích cực thực hiện các hành động tấn công phá hoại nhằm tiêu hao Nga, nhưng những thiệt hại mà Ukraine gây ra cho Nga còn quá hạn chế, rất khó có thể giúp xoay chuyển cục diện.
Trước mắt trong thời gian tới, Ukraine vẫn sẽ buộc phải duy trì chiến lược quân sự như hiện tại đó là tiếp tục tổ chức phản công trên các mặt trận mặc dù chiến lược này cũng không tỏ ra hiệu quả. Đồng thời, Ukraine sẽ cần phải nghiên cứu một chiến lược khác, không thể lựa chọn phương án chuyển hoàn toàn sang chiến tranh du kích. Nếu không có bước đột phá chiến lược nào, họ sẽ sớm phải chấp nhận một thỏa thuận không có lợi để kết thúc chiến tranh./.
Hoàng Hải