Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra vào ngày 16/10/2022 tới đây đang là sự kiện được dư luận quốc tế quan tâm cao độ. Về phương diện đối ngoại, Đại hội là dịp để Trung Quốc tổng kết và thể hiện với thế giới những thành tựu phát triển vượt bậc đã đạt được trong 10 năm qua – kể từ Đại hội Đảng XVIII đến nay với mong muốn chứng minh rằng “Trung Quốc thịnh vượng, thế giới sẽ càng phồn vinh” – như nhan đề bài xã luận của Tân Hoa Xã đăng tải ngày 1/10 vừa qua nhân dịp kỷ niệm 73 năm Quốc khánh Trung Quốc.
Một số động thái ngoại giao đáng chú ý của Trung Quốc trước thềm Đại hội Đảng XX
Trước thềm Đại hội Đảng XX, một trong những động thái ngoại giao thu hút nhiều sự chú ý từ dư luận quốc tế nhất của Trung Quốc thời gian gần đây chính là sự kiện Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tham gia Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 22 của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) diễn ra tại Samarkand, Uzbekistan từ ngày 14 – 16/9/2022, đồng thời thăm chính thức cấp nhà nước tới Kazakhstan và Uzbekistan. Đây không chỉ là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Tập Cận Bình sau hơn 2 năm kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát trên toàn cầu, mà còn là hoạt động ngoại giao cấp nguyên thủ quan trọng nhất của Trung Quốc trước Đại hội Đảng XX, theo lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho biết, chuyến công du hướng tới lục địa Á – Âu lần này của Chủ tịch Tập Cận Bình được tiến hành giữa một thời khắc lịch sử quan trọng, có ý nghĩa to lớn và thời cơ đặc thù. Việc ông Tập Cận Bình lựa chọn Trung Á làm điểm đến cho chuyến công du đầu tiên sau hơn 2 năm này là một quyết định mang tính chiến lược nhằm sử dụng mạng lưới quan hệ của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải để phá vỡ thế bao vây của Mĩ đối với Trung Quốc hiện nay, đồng thời thể hiện tâm thế tự tin và tầm ảnh hưởng của ông Tập cũng như địa vị quốc tế của Trung Quốc.
Ngoài ra, chuyến thăm chính thức cấp nhà nước tới Kazakhstan và Uzbekistan của ông Tập cũng cho thấy sự trọng thị của Trung Quốc đối với hai quốc gia này nhân dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Trung Quốc – Kazakhstan và Trung Quốc – Uzbekistan, bởi đây là hai nước lớn ở khu vực Trung Á, cũng là các đối tác chiến lược toàn diện láng giềng phía Tây Bắc Trung Quốc, đồng thời là hai trong số những nước sớm ủng hộ và tham gia Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) của Trung Quốc, trong bối cảnh Trung Quốc sẽ kỷ niệm tròn 10 năm đề xuất và triển khai thực hiện sáng kiến này vào năm sau.
Một sự kiện đáng chú ý khác bên lề Hội nghị chính là cuộc gặp song phương giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Putin diễn ra vào ngày 15/9. Mặc dù chiến sự Nga – Ukraine vẫn tiếp tục leo thang với một số diễn biến có phần bất lợi dành cho Nga, cuộc gặp đã cho thấy sự đồng nhất cao độ về nhiều mặt giữa Trung Quốc và Nga cùng những khẳng định chắc chắn về sự bền vững “trước sau như một” của quan hệ hai bên giữa những biến đổi nhanh chóng và phức tạp của tình hình quốc tế. Theo Thời báo Hoàn cầu, cuộc gặp này có triển vọng đóng góp tính ổn định cho cục diện thế giới nhiều biến động phức tạp hiện nay khi Trung Quốc có thể đảm nhận vai trò điều tiết, cân bằng, thậm chí xoay chuyển tình hình giữa các bên, qua đó thể hiện trách nhiệm và năng lực lãnh đạo của một nước lớn.
Trước đó không lâu, vấn đề Đài Loan một lần nữa trở thành tâm điểm khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đến thăm hòn đảo này vào ngày 2 – 3/8 bất chấp sự phản đối dữ dội từ Trung Quốc. Trung Quốc sau đó đã tiến hành các cuộc tập trận tại khu vực biển xung quanh Đài Loan và phát hành sách trắng Vấn đề Đài Loan và sự nghiệp thống nhất Trung Quốc trong thời đại mới vào ngày 10/8, trong đó tái khẳng định nguyên tắc “một Trung Quốc” là bất khả xâm phạm. Trung Quốc sẽ kiên trì phương châm cơ bản “thống nhất hòa bình, một quốc gia – hai chế độ”, nỗ lực thống nhất đất nước bằng phương thức hòa bình, nhưng bảo lưu quyền sử dụng vũ lực đối với những hành động can thiệp của các thế lực bên ngoài và những hành động ly khai của một số phần tử đòi Đài Loan độc lập.
Gần đây nhất, trong bài phát biểu tại Phiên thảo luận chung Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77 ngày 24/9, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nhấn mạnh, “mọi âm mưu và hành vi ngăn cản sự nghiệp thống nhất Trung Quốc tất yếu sẽ bị bánh xe lịch sử nghiền nát”. Ông cũng giới thiệu, Đại hội Đảng XX được tổ chức vào tháng 10 tại Bắc Kinh sẽ là một mốc khởi đầu lịch sử mới trong tiến trình hiện thực hóa “công cuộc phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa” bằng sự nghiệp hiện đại hóa kiểu Trung Quốc. Trung Quốc sẽ tiếp tục cùng các nước trên thế giới nỗ lực hết mình vì hòa bình và phát triển, đoàn kết và tiến bộ, chung tay xây dựng “cộng đồng chung vận mệnh nhân loại” để kiến tạo nên một thế giới tốt đẹp hơn.
Những yếu tố quốc tế tác động đến đường lối đối ngoại của Trung Quốc giai đoạn tới
Đại hội lần thứ XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh quốc tế phức tạp, được dự báo sẽ có nhiều ảnh hưởng đến sự phát triển của Trung Quốc giai đoạn tiếp theo.
Cạnh tranh chiến lược toàn diện với Mĩ vẫn sẽ là yếu tố tác động hàng đầu mà Trung Quốc ưu tiên cân nhắc cho đường lối đối ngoại của mình trong thời gian tới. Giáo sư Kim Xán Vinh của Viện Quan hệ quốc tế – Đại học Nhân dân Trung Quốc nhận định, việc Mĩ tham vọng “toàn cầu hóa” NATO, thúc đẩy các cơ chế tiểu đa phương như Thỏa thuận An ninh ba bên (AUKUS – gồm Mĩ, Anh, Australia), Cơ chế Đối thoại An ninh bốn bên (QUAD – gồm Mĩ, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia) hay Liên minh Tình báo Ngũ Nhãn (FVEY – gồm Mĩ, Anh, Canada, Australia, New Zealand) khiến Trung Quốc đã và đang ngày càng tích cực trong việc chủ động mở rộng “vòng tròn bạn bè”, mối quan hệ và tầm ảnh hưởng của mình, mà những động thái của Trung Quốc tại Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) mới đây là minh chứng điển hình. Trong năm nay, nhiều khả năng SCO sẽ kết nạp thêm thành viên chính thức thứ 9 là Iran và bắt đầu thảo luận về việc kết nạp thành viên thứ 10 là Belarus. Bên cạnh đó, Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) cũng đang rục rịch kế hoạch chào đón những thành viên mới gia nhập với mô hình “BRICS+” do Trung Quốc đề xuất. Trung Quốc có tiếng nói quan trọng mang tính quyết định tại các cơ chế đa phương này và coi đây là những lực lượng đối trọng nhằm cân bằng trật tự thế giới do phương Tây nắm quyền chủ đạo hiện nay. Vì vậy, việc đẩy mạnh tiến trình mở rộng quy mô và nâng cao vị thế của SCO và BRICS là một trong những nước đi chiến lược mới của Trung Quốc nhằm đối phó với Mĩ và đồng minh, song song với việc tiếp tục triển khai sâu rộng Sáng kiến “Vành đai và Con đường”.
Trong mối quan hệ “hai bờ eo biển lớn” quanh Thái Bình Dương với Mĩ, quan hệ “hai bờ eo biển nhỏ” với Đài Loan chính là vấn đề nổi cộm nhất tác động đến đường lối đối ngoại của Trung Quốc. Chuyến thăm Đài Loan hồi đầu tháng 8 của bà Nancy Pelosi được coi là bước ngoặt tạo nên một số biến đổi trong chính sách của Trung Quốc đối với Đài Loan và Mĩ, củng cố thêm quyết tâm thống nhất đất nước của Trung Quốc.
Về xung đột Nga – Ukraine và quan hệ với Nga, Trung Quốc luôn khẳng định quan điểm “kết bạn chứ không liên minh”, không phải là quan hệ đồng minh nhắm vào Mĩ hay một bên thứ ba nào như lời của phương Tây. Theo giáo sư Diêm Học Thông – Viện trưởng Viện nghiên cứu Quan hệ quốc tế – Đại học Thanh Hoa, chiến tranh Nga – Ukraine một mặt khiến Trung Quốc và Nga càng thêm “gắn bó khăng khít”, mặt khác cũng khiến cho mối quan hệ vốn đã tồn tại nhiều căng thẳng giữa Trung Quốc với Mĩ và phương Tây ngày càng phát triển theo chiều hướng xấu đi, gây ra những bất lợi cho Trung Quốc. Do vậy, Trung Quốc sẽ cần phải có những suy tính thận trọng để cân bằng lợi ích của mình giữa các mối quan hệ nói trên, nhất là việc cân nhắc sự ủng hộ về mặt quân sự và chính trị đối với Nga. Tuy nhiên, hợp tác về kinh tế, năng lượng, lương thực, v.v… giữa Trung Quốc và Nga vẫn sẽ tiếp tục được thúc đẩy bởi Trung Quốc cho rằng đây là quan hệ hợp tác hoàn toàn chính đáng và cùng có lợi giữa đôi bên, đã được tiến hành từ trước khi chiến tranh Nga – Ukraine nổ ra, không cần thiết phải e ngại hay dè chừng bất kỳ một sự đe dọa nào từ bên ngoài. Bên cạnh đó, những đặc điểm tương đồng về bối cảnh quốc tế giữa hai nước và tiên lệ chiến tranh Nga – Ukraine đã nổ ra cũng sẽ khiến Trung Quốc suy ngẫm và rút ra những bài học kinh nghiệm cho riêng mình, như việc giữ vững thái độ cứng rắn, dứt khoát với phương Tây trên phương diện an ninh quốc gia, đặc biệt là vấn đề Đài Loan.
Những trọng tâm của công tác đối ngoại Trung Quốc thời gian tới
Các học giả dự đoán, sẽ không có những thay đổi lớn trong công tác đối ngoại của Trung Quốc sau Đại hội Đảng XX, mà chủ yếu là những thay đổi mang tính cụ thể hóa, làm sâu sắc hơn hoặc đẩy nhanh tiến trình thực tiễn dựa trên các khung chiến lược có sẵn. Trong bài phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh SCO lần thứ 22 vừa qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết, mục tiêu hướng đến của Trung Quốc vẫn sẽ là kiên trì thực hiện “công cuộc phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa” theo mô hình hiện đại hóa kiểu Trung Quốc, tiếp tục kiến thiết “cộng đồng chung vận mệnh nhân loại”, dùng những bước tiến mới của Trung Quốc để mang lại vận hội mới cho thế giới, đóng góp trí tuệ và sức mạnh cho hòa bình và phát triển của thế giới cùng sự tiến bộ của nền văn minh nhân loại. Tại buổi họp báo với chủ đề “Trung Quốc 10 năm qua” của Ban Tuyên truyền Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc vào ngày 29/9 mới đây, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Mã Triều Húc cũng bày tỏ, tiếp nối những thành tựu 10 năm qua, đường lối ngoại giao nước lớn mang đặc sắc Trung Quốc và tư tưởng ngoại giao Tập Cận Bình sẽ ngày càng được củng cố nhằm tạo dựng môi trường quốc tế thuận lợi để hiện thực hóa hai mục tiêu phấn đấu 100 năm và “giấc mộng Trung Quốc” về “công cuộc phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa”.
Xét tổng thể, những trọng tâm trong công tác đối ngoại của Trung Quốc từ Đại hội Đảng XX được cho là sẽ xoay quanh các nội dung sau:
Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện và đưa ra những lý luận, quan điểm, sáng kiến mới mang đặc sắc Trung Quốc tương tự như Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI), “Sáng kiến Phát triển Toàn cầu” (GDI), “Sáng kiến An ninh Toàn cầu” (GSI), làm phong phú thêm nội hàm và củng cố vững chắc vị thế “kim chỉ nam” của tư tưởng ngoại giao Tập Cận Bình. Trong đó, chú trọng tìm kiếm và nhấn mạnh những giá trị chung toàn cầu nhằm khẳng định mong muốn đóng góp “phương án Trung Quốc”, “mô hình Trung Quốc”, “trí tuệ Trung Quốc” vào việc xây dựng hệ thống quan hệ quốc tế kiểu mới, cải tổ hệ thống quản trị toàn cầu và kiến tạo “cộng đồng chung vận mệnh nhân loại” giữa bối cảnh thế giới đang trải qua “cục diện thay đổi to lớn trăm năm có một” – theo nhận định của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Chuyến công du Trung Á mới đây của ông Tập Cận Bình cũng cho thấy hàm ý cụ thể hóa trong phạm vi khu vực của khái niệm “cộng đồng chung vận mệnh nhân loại” với “cộng đồng chung vận mệnh Trung Quốc – Trung Á” và cụ thể hơn nữa là các mối quan hệ song phương “gắn kết vận mệnh” của Trung Quốc và các quốc gia tại đây. Năm 2023 là kỷ niệm tròn 10 năm Trung Quốc đề xuất và triển khai thực hiện Sáng kiến “Vành đai và Con đường”, do đó kinh nghiệm phát triển, kinh nghiệm xóa đói giảm nghèo của Trung Quốc đối với các nước đang phát triển dọc tuyến “Vành đai và Con đường” cũng sẽ là một nội dung được Trung Quốc tích cực nhấn mạnh và tuyên truyền trong thời gian tới.
Thứ hai, tiếp tục xây dựng và thể hiện phong cách ngoại giao nước lớn mang đặc sắc Trung Quốc. Những năm gần đây, Trung Quốc đã có sự thay đổi từ phong cách ngoại giao theo lối “phản ứng” một cách bị động thành phong cách ngoại giao tích cực, chủ động và cứng rắn khi cần thiết, nhất là trước các vấn đề liên quan đến chủ quyền và an ninh quốc gia mà truyền thông phương Tây gọi là phong cách “ngoại giao chiến lang”. Theo giáo sư Kim Xán Vinh, sự thay đổi phong cách này là tất yếu trong bối cảnh Trung Quốc đã bước vào giai đoạn phát triển “mạnh lên” (so với hai giai đoạn trước đó là “đứng lên” và “giàu lên”) và sẽ tiếp tục được duy trì. Với việc Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình nhiều khả năng sẽ tiếp tục nhiệm kỳ thứ ba của mình, hình thức “ngoại giao nguyên thủ” mà ông Tập trực tiếp “thân chinh” nhằm tiên phong dẫn dắt, thị phạm và thể hiện phong thái gần gũi, bình dị, chân thành của lãnh tụ quốc gia vẫn sẽ là một mũi nhọn của ngoại giao Trung Quốc. Chuyến công du Trung Á và cuộc gặp Tổng thống Nga Putin vào tháng 9 vừa qua chính là những ví dụ điển hình.
Thứ ba, quyết tâm tuyên truyền rộng rãi và hiệu quả câu chuyện về Đảng Cộng sản Trung Quốc và nhân dân Trung Quốc. Trải qua chặng đường 100 năm xây dựng và phát triển Đảng, bước vào giai đoạn thực hiện mục tiêu phấn đấu 100 năm thứ hai, Đại hội XX là cột mốc để Đảng Cộng sản Trung Quốc nhìn lại và tổng kết những thành tựu vượt bậc của “thời đại Tập Cận Bình” 10 năm qua kể từ Đại hội Đảng XVIII đến nay, qua đó tiếp tục khẳng định vai trò lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt của Đảng đối với sự vươn lên lớn mạnh của Trung Quốc. Xây dựng và quảng bá hình ảnh chính đảng lớn có bề dày lịch sử trăm năm và vẫn đang tiếp tục phát triển rực rỡ sẽ là trọng tâm của công tác thông tin đối ngoại của Trung Quốc trong nỗ lực nâng cao sức nặng, sức thuyết phục của “tiếng nói Trung Quốc” cũng như tái cấu trúc cục diện truyền thông và dư luận quốc tế theo chiều hướng có lợi hơn cho Trung Quốc nhằm đối kháng với phương Tây.
Thứ tư, quyết tâm thúc đẩy hoàn thành tiến trình thống nhất đối với Đài Loan. Theo giáo sư Kim Xán Vinh, Trung Quốc đại lục đã hình thành một trạng thái “bình thường mới” có lợi cho mình trong vấn đề Đài Loan, đó là đạt được thế chủ động về chiến lược trong quan hệ giữa hai bờ eo biển và quan hệ với Mĩ. Đối với Mĩ, Trung Quốc sẵn sàng đưa ra những động thái đáp trả mạnh mẽ hơn giai đoạn trước; đối với Đài Loan, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ đẩy nhanh tiến trình thống nhất khi đã có được những ưu thế áp đảo về quân sự. Để chuẩn bị cho quá trình này, Trung Quốc sẽ tiếp tục chú trọng hiện đại hóa quân sự và dự phòng về mặt chiến lược, đồng thời tìm cách xử lý tài sản ở nước ngoài trong trường hợp bị Mĩ và phương Tây gia tăng sức ép hay áp dụng những đòn trừng phạt tương tự như với Nga.
Thứ năm, nâng tầm quan trọng của kênh ngoại giao láng giềng. Trong năm qua, tuy tình hình đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, các lãnh đạo cấp cao Trung Quốc đã liên tiếp thực hiện những chuyến công du nước ngoài mà điểm đến tập trung chủ yếu tại các quốc gia láng giềng như Hàn Quốc, Mông Cổ, các nước Đông Nam Á và Trung Á – những ưu tiên hàng đầu của ngoại giao láng giềng Trung Quốc. Chiến sự Nga – Ukraine và mối quan hệ ngày càng mật thiết với nước láng giềng Nga cũng khiến Trung Quốc tập trung nhiều hơn vào kênh ngoại giao láng giềng. Đây được xem là một chìa khóa quan trọng của Trung Quốc nhằm tìm cách nắm thế chủ động trong cấu trúc an ninh khu vực, mở rộng “vòng tròn bạn bè” và mạng lưới quan hệ trước sự kìm tỏa của Mĩ và phương Tây.
Phân tích, tổng hợp: Hạnh Trang