Hai kỳ họp “lưỡng hội” mang tính lịch sử của Trung Quốc là Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (Nhân Đại) và Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (CPPCC) đã kết thúc. Diễn biến của hai kỳ họp này thu hút sự quan tâm lớn của toàn thế giới. Bởi lẽ kết quả chính trong Kỳ họp thứ nhất Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc – các đại biểu đã đồng lòng bầu đồng chí Tập Cận Bình giữ chức Chủ tịch nước và Chủ tịch Quân ủy Trung ương nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp.
Trong khi các nhà lãnh đạo phương Tây không vội vã chúc mừng ông Tập Cận Bình tái đắc cử vị trí đứng đầu quốc gia thì giới truyền thông đã tung ra những bài báo chỉ trích gay gắt về những quyết định “chưa có tiền lệ” và “không thể đoán trước” của chính phủ Trung Quốc. Những phát ngôn cuồng loạn của họ trên thực tế đã đặt nhầm chỗ. Việc ông Tập tái đắc cử chức Chủ tịch Trung Quốc là điều hoàn toàn có thể dự đoán trước, ít nhất là sau kết quả của Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XX khi đồng chí Tập tái đắc cử chức vụ Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc. Còn đối với những nhà nghiên cứu chuyên sâu thì việc tái đắc cử nhiệm kỳ thứ ba của ông Tập đã được dự đoán từ 5 năm trước. Những tiêu đề như “lần đầu tiên trong lịch sử” Trung Quốc của các phương tiện truyền thông phương Tây là điều khó hiểu. Xin nhắc lại rằng Mao Trạch Đông đã nắm quyền từ khi thành lập CHND Trung Hoa vào năm 1949 cho đến khi ông qua đời năm 1976.
Đáng ngạc nhiên là phần lớn thế giới, bao gồm cả thị trường tài chính đều có phản ứng tích cực với tin tức mới này từ Bắc Kinh. Các chuyên gia nhận thấy sự ổn định của Trung Quốc trong cuộc tái đắc cử của ông Tập Cận Bình và sự phát triển hoàn toàn có thể dự đoán được trong nhiệm kỳ mới.
Giống như 10 năm trước, Liên bang Nga được lựa chọn là quốc gia đầu tiên trong chuyến công du nước ngoài kể từ khi đắc cử của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Từ ngày 20 – 22/03/2023 nhận lời mời của Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin, Chủ tịch Tập có chuyến thăm cấp nhà nước tới Nga. Sự kiện này chỉ ra sự ổn định trong đường lối chính sách đối ngoại của Trung Quốc.
Vào tháng 3 năm 2013 tác giả bài viết này đã có cơ hội tham gia vào nhóm chuyên gia Nga tiếp phái đoàn Chủ tịch Tập tại Điện Kremlin. Cùng với hội nghị thượng đỉnh và việc ký kết nhiều văn kiện song phương tại Điện Kremlin, tác giả đặc biệt ấn tượng bài phát biểu của người đứng đầu Trung Quốc tại Đại học MGIMO. Ngay thời điểm đó, một nền tảng vững chắc đã được thiết lập không chỉ trong mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Nga và Trung Quốc mà còn là tình bạn vững chắc của hai người đứng đầu nhà nước.
Tiếp đó vào năm 2014, Tổng thống Nga Putin đã tiếp Chủ tịch Tập Cận Bình tại Thế vận hội Olympic được tổ chức tại Sochi. Ngày khai mạc Thế vận hội đã trùng với ngày Tết Nguyên đán. Trong bầu không khí thân mật, nhà lãnh đạo Trung Quốc đề xuất hợp tác trong khuôn khổ sáng kiến “Một vành đai, Một con đường”. Vào năm 2015, Điện Kremlin đã ký một tuyên bố chung về hợp tác nhằm xây dựng liên kết giữa Liên minh Kinh tế Á-Âu và Sáng kiến “Vành đai và Con đường”. Quá trình này sau được gọi là “sự liên kết của các liên kết”.
Mùa thu cùng năm tại phiên họp kỷ niệm của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, những người đứng đầu Nga và Trung Quốc đã đồng nêu lên những thông điệp quan trọng gửi tới các nước phương Tây.
Trong mười năm qua quan hệ giữa hai nước đã phát triển lên tầm đối tác toàn diện và tương tác chiến lược. Có thể thấy rõ là ngay trong năm nay, nhiệm vụ gia tăng thương mại song phương lên hơn 200 tỷ đô la mà các nguyên thủ quốc gia đặt ra sẽ hoàn thành trước thời hạn. Bên cạnh đó, phần lớn các khoản thanh toán theo hợp đồng đã chuyển sang sử dụng đồng tiền tệ quốc gia. Hợp tác giữa hai nước không chỉ tiến hành trong lĩnh vực năng lượng mà còn trong các lĩnh vực công nghệ cao như: phát triển năng lượng hạt nhân vì hòa bình, lĩnh vực không gian, thám hiểm mặt trăng và kỹ thuật quân sự. Đáng chú ý là, sự tăng trưởng đáng kể trong xuất khẩu các sản phẩm hữu cơ của Nga sang thị trường Trung Quốc. Người tiêu dùng Trung Quốc có nhu cầu lớn với các mặt hàng như : mật ong, kem và kẹo. Còn tại thị trường Nga, hàng hóa Trung Quốc đang dần chiếm được cảm tình của người tiêu dùng với sự gia tăng đáng kể về kỹ thuật và chất lượng. Ô tô và thiết bị xây dựng của Trung Quốc đã chiếm vị trí vững chắc trên thị trường so với các thương hiệu hàng đầu châu Âu.
Hợp tác nhân văn cũng được tăng cường mạnh trong các lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch. Không phải ngẫu nhiên mà trong Tuyên bố chung ngày 4 tháng 2 năm 2022, các nguyên thủ đã nhận định rằng không có giới hạn trong tình hữu nghị giữa hai nước. Trong đại dịch COVID-19, Nga đã trợ giúp các đồng chí Trung Quốc từ những ngày đầu. Hội hữu nghị Nga-Trung đã gửi hàng viện trợ nhân đạo đến Trung Quốc bằng đường hàng không. Nhưng chỉ vài tháng sau đó, sự hỗ trợ dưới dạng các thiết bị bảo vệ cá nhân cần thiết đã được chuyển ồ ạt từ Trung Quốc sang Nga.
Quan hệ đầu tư giữa hai nước cũng phát triển mạnh. Nhân dịp chuyến thăm của người đứng đầu Trung Quốc tới Nga, trung tâm thương mại Trung Quốc “Park Huaming” ở Mátxcơva đã mở cửa chào đón những khách hàng đầu tiên.
Các công ty xây dựng Trung Quốc đang triển khai xây dựng nhiều công trình công nghiệp, cơ sở hạ tầng và khu dân cư trên khắp nước Nga. Theo các quyết định được đưa ra tại các diễn đàn xây dựng Nga-Trung các dự án cũng thu hút sự tài trợ từ các ngân hàng Trung Quốc.
Người dân Trung Quốc tín nhiệm cao nhà lãnh đạo của họ là do những thành tựu to lớn đã đạt được trong thập kỷ qua ở Trung Quốc. Hãy xem xét những con số sau: GDP của Trung Quốc đã tăng gấp đôi trong 10 năm và vượt quá 20 nghìn tỷ USD. Xét về sức mua, quy mô nền kinh tế Trung Quốc đã vượt qua Hoa Kỳ, và trong 5 năm tới, theo nhiều ước tính khác nhau, nền kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ thay đổi lãnh đạo từ Mỹ sang Trung Quốc. Vào năm 2021, nhân kỷ niệm 100 năm Đảng Cộng sản Trung Quốc, xã hội Trung Quốc đã đạt được mục tiêu “Tiểu Khang xã hội” (xã hội thịnh vượng hài hòa về mọi mặt). Toàn bộ dân số Trung Quốc đã thoát nghèo theo các tiêu chí của Chương trình phát triển bền vững và chống đói nghèo đến năm 2030 của Liên Hợp Quốc, tức là 10 năm trước thời hạn do thế giới đặt ra.
Bất chấp nhiều lệnh trừng phạt khác nhau mà nhiều công ty Trung Quốc phải chịu kể từ năm 1989, Trung Quốc đã trở thành quốc gia dẫn đầu về công nghệ trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, 5G, v.v. Về số lượng bằng sáng chế, Trung Quốc cũng đã vượt qua Hoa Kỳ. Đồng thời, tầng lớp trung lưu tăng lên đáng kể. Gần nửa tỷ người Trung Quốc có sức mua cao, theo các nhà kinh tế, điều này biến CHND Trung Hoa thành một hệ thống tự sinh đặc hữu.
Các sáng kiến trong chính sách đối ngoại mới nhất của Trung Quốc, chẳng hạn như Sáng kiến Phát triển toàn cầu và Sáng kiến An ninh toàn cầu đã được đưa ra tại Liên Hợp Quốc và các diễn đàn quốc tế hàng đầu khác, đang đưa Trung Quốc thành một cường quốc thế giới.
Trong hội nghị thượng đỉnh tới đây, kế hoạch hòa bình do Trung Quốc đề xuất để giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine chắc chắn sẽ được đem ra thảo luận. Xét cho cùng, Trung Quốc không chỉ có lực lượng gìn giữ hòa bình lớn nhất tại Liên Hợp Quốc mà còn có kinh nghiệm trong việc hòa giải giữa Iran và Ả Rập Xê Út. Gần đây, tại hội nghị “Đối thoại cấp cao của các chính đảng trên thế giới”, ông Tập đã đề xuất Sáng kiến văn minh Toàn cầu (GCI). Đây là sáng kiến lớn tiếp theo của Trung Quốc sau Sáng kiến Phát triển Toàn cầu (GDI) và Sáng kiến An ninh Toàn cầu (GSI). Sáng kiến này đề xuất xây dựng trên cơ sở hiện đại hóa kiểu Trung Quốc dựa trên sự đa dạng của các nền văn minh, phát huy các giá trị chung của toàn nhân loại, coi trọng sự kế thừa truyền thống và đổi mới văn minh, tăng cường giao lưu và hợp tác văn hóa quốc tế.
Quan trọng nhất là, trên cơ sở học thuyết tạo dựng cộng đồng chung vận mệnh của đồng chí Tập Cận Bình đã nhiều lần khẳng định tuyên bố của Tổng thống Putin về kết quả không đổi của Chiến tranh thế giới thứ hai và công nhận Chiến thắng vĩ đại trước chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa quân phiệt là di sản của nhân loại. Nga và Trung Quốc – đề xuất tạo ra một trật tự thế giới mới, bình đẳng, an toàn hơn và đa cực. Chính trong thế giới mới này, các vấn đề cụ thể ở các khu vực khác nhau trên thế giới có thể được đưa ra xem xét.
Nền tảng vững chắc trong quan hệ của Nga – Trung là tình hữu nghị bền chặt của nhân dân hai nước, được hình thành từ những năm 1950, khi Liên Xô tận tâm giúp đỡ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa non trẻ. Hơn 150 cơ sở công nghiệp lớn đã được các chuyên gia Liên Xô xây dựng trên khắp Trung Quốc. Sự hỗ trợ đó không giống như các dự án đầu tư tư nhân ngày nay bởi lẽ tất cả các cơ sở đã được chuyển giao ở cấp độ nhà nước. Hàng ngàn chuyên gia Liên Xô đã đến Trung Quốc để chia sẻ kinh nghiệm của họ. Và hàng ngàn công nhân Trung Quốc đã đến Liên Xô để học tập và rèn luyện các kỹ năng.
Bước vào giai đoạn mới, Trung Quốc và nước Nga đã xây dựng một cơ chế hợp tác độc đáo, dựa trên Hiệp ước láng giềng hữu nghị và hợp tác thân thiện năm 2001. Có năm ủy ban chung và hàng chục tiểu ban ngành hoạt động liên chính phủ giữa hai nước. Hai bên đồng quan điểm về một trật tự thế giới bình đẳng, an toàn, được đa số các quốc gia và nhân dân trên thế giới ủng hộ. Các tổ chức quốc tế SCO và BRICS được thành lập bởi hai quốc gia đã chứng tỏ khả năng tồn tại của mình và đang mở rộng nhanh chóng.
Một phần tư thế kỷ trước, khi thành lập Trung tâm Hợp tác Kinh tế và Thương mại Nga-Trung, tác giả đã dự đoán sẽ đến thời điểm Nga và Trung Quốc cùng nhau cứu lấy nền văn minh nhân loại. Cho đến hôm nay có thể nói rằng kỷ nguyên đó đã đến. Và đây sẽ là một kỷ nguyên mới của thế giới.
Biên dịch: Thảo Anh Nguyễn
Bài viết của tác giả Sergey Sanakoev, Chủ tịch “Trung tâm Nghiên cứu Châu Á-Thái Bình Dương”, chuyên gia Ủy ban Nga-Trung về chuẩn bị cho các cuộc họp thường kỳ cấp cao của chính phủ, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Nga-Trung, thành viên của Trung tâm Nghiên cứu Hội đồng Nga về các vấn đề quốc tế.