Ngày 12/4, Ngoại trưởng Saudi Arabia Faisal đã tiếp phái đoàn Syria dẫn đầu là Ngoại trưởng Migdad. Đây là chuyến thăm đầu tiên được thực hiện bởi một nhà ngoại giao cấp cao của Damascus tới Saudi Arabia kể từ khi chiến tranh Syria bùng nổ vào năm 2011.
Trong một tuyên bố chung được đưa ra sau chuyến thăm ngày 12/4/2023, Saudi Arabia và Syria đã nhất trí rằng Syria cần duy trì quyền kiểm soát đối với toàn bộ lãnh thổ của mình và “chấm dứt sự hiện diện của các lực lượng dân quân vũ trang”. Hai bên cũng thảo luận về các bước cần thiết để đạt được một giải pháp chính trị toàn diện cho cuộc khủng hoảng Syria, nêu rõ mục đích của giải pháp chính trị là “đạt được sự hòa giải dân tộc, đưa Syria trở lại môi trường Ả Rập và khôi phục vai trò của nước này trong thế giới Ả Rập”.
Vào năm 2014, Miqdad, lúc đó là Thứ trưởng Ngoại giao Syria, đã chỉ trích gay gắt sự ủng hộ của Saudi Arabia, Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ đối với phe đối lập Syria, nhưng vào thời điểm đó, ông cũng nói rằng vị thế của Syria trong thế giới Ả Rập sẽ dần được cải thiện. Ngày nay, dự đoán này đã trở thành sự thật, và Syria thực sự đã đạt được những bước tiến lớn trong việc bình thường hóa với các nước Ả Rập khác.
Trong những tháng gần đây, các nước Ả Rập đã ngày càng tương tác nhiều hơn với chính phủ Assad của Syria. Cùng ngày Migdad đến thăm Saudi Arabia, Syria và Tunisia thống nhất trong một tuyên bố chung rằng Syria quyết định mở lại đại sứ quán Syria ở Tunisia và bổ nhiệm một đại sứ càng sớm càng tốt. Vào tháng 3 năm 2023, Tổng thống Tunisia Said tuyên bố rằng ông có kế hoạch khôi phục quan hệ ngoại giao với Syria.
Từ tháng 2 đến tháng 3, Tổng thống Syria Assad đã liên tiếp đến thăm Oman và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Đầu tháng 4, Migdad cũng đã tới Ai Cập để gặp Ngoại trưởng Ai Cập Shoukry. Với tư cách là chủ nhà của hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn các quốc gia Ả Rập năm nay, Saudi Arabia sẽ tổ chức một cuộc họp của các ngoại trưởng khu vực vào ngày 14 tháng 4 để thảo luận về việc Syria trở lại Liên đoàn Ả Rập. Trước đó, truyền thông đã nhiều lần đưa tin ông Assad có thể tham dự hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Ả Rập vào tháng 5 năm nay, tín hiệu này cũng đồng nghĩa với việc quan hệ giữa Syria và toàn bộ khu vực Ả Rập đã chính thức ấm lên.
Trong mọi trường hợp, Syria đang thoát khỏi sự cô lập ngoại giao khu vực mà nước này đã phải chịu đựng trong hơn một thập kỷ, và đại gia đình thế giới Ả Rập đang nhanh chóng dang rộng vòng tay của mình.
“Ngoại giao động đất” xúc tác quá trình hòa giải
Nối lại quan hệ hữu nghị với Syria không phải là “xu hướng” mới có trong thế giới Ả Rập. Ngay từ năm 2018, UAE đã đi đầu trong việc mở Đại sứ quán tại Damascus. Trong hai năm qua, Saudi Arabia vốn là “thủ lĩnh” của thế giới Ả-rập, cũng đã tăng cường tiếp xúc ngoại giao với Syria. Bình thường hóa quan hệ với Syria là việc nằm trong “danh sách những điều cần làm” của ngoại giao Saudi Arabia.
“Trên thực tế, từ năm 2021 đến 2022, các nước vùng Vịnh và một số nước láng giềng từng có quan hệ căng thẳng với Syria đã bắt đầu có một số liên hệ quân sự và ngoại giao với Damascus”, Wang Jin, Phó giáo sư tại Viện Trung Đông, Đại học Tây Bắc, nói với The Paper rằng: “Đỉnh điểm của mối quan hệ tương tác trong giai đoạn gần đây là sau tháng 2 năm nay. Trận động đất ở miền bắc Syria và miền nam Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành một cơ hội. Một mặt, Syria cần hỗ trợ, mặt khác nó cũng mang lại cơ hội liên lạc giữa hai bên”.
Đối mặt với thảm họa, lòng trắc ẩn và tình đoàn kết là cơ hội để gắn kết các quốc gia lại với nhau. Thảm họa có thể dẫn đến sự hợp tác ngay cả giữa các quốc gia có truyền thống thù địch. Kể từ giữa tháng 2, dư chấn liên tục xảy ra ở Syria và những “dư chấn” ngoại giao cũng bắt đầu xuất hiện trên các phương tiện truyền thông: Ngày 12/02, Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác quốc tế của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Abdullah, đã gặp Tổng thống Assad tại Damascus; Bộ trưởng Ngoại giao Ai Cập Shoukry đến Damascus và “nhấn mạnh tình đoàn kết với Syria”; Ngoại trưởng Saudi Arabia Faisal hồi tháng 2 cho biết “Cô lập Syria là vô ích, ít nhất là đối thoại với Damascus để giải quyết các vấn đề nhân đạo”.
Khi các bên đều viện trợ, ông Assad cũng đồng ý với yêu cầu của cộng đồng quốc tế cho phép hàng viện trợ đến các khu vực không do chính phủ Syria kiểm soát mà không cần đi qua thủ đô Damascus. Chính phủ Syria cũng đồng ý mở thêm hai cửa khẩu để tạo điều kiện cho viện trợ của Thổ Nhĩ Kỳ vào Syria trong những tháng tới. Trước đây, chỉ có một điểm qua biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria được mở và chỉ Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc mới có thể cho phép gia hạn tiếp cận thường xuyên.
Chỉ hai tuần sau trận động đất, ông Assad đã có chuyến thăm lịch sử tới Oman. Kể từ khi “Mùa xuân Ả Rập” bùng nổ vào cuối năm 2010, Assad hiếm khi ra nước ngoài và chuyến thăm này cũng tạo ra hiệu ứng hình ảnh và ý nghĩa tượng trưng mạnh mẽ – hành trình của Tổng thống Syria không còn bí mật nữa, mà ông đã sử dụng máy bay của Hãng hàng không Syria. Nó dường như tuyên bố rằng “Syria đang trở lại vũ đài thế giới”.
Mặc dù Assad đã đến thăm Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất vào năm ngoái, nhưng ông đã nắm bắt cơ hội sau trận động đất vào tháng 2 năm nay để thăm lại Abu Dhabi vào ngày 19 tháng 3. Đệ nhất phu nhân Asma cũng cùng đi với ông Assad. Đây là lần đầu tiên sau hơn 10 năm, hai người cùng nhau công du nước ngoài. “Syria đã rời xa những người anh em Ả Rập của mình quá lâu và giờ là lúc quay trở lại vòng tay của họ”, Tổng thống UAE Mohammed nói trong cuộc hội đàm với ông Assad, theo Hãng thông tấn chính thức của Emirates .
Wang Jin tin rằng có nhiều động cơ khiến Saudi Arabia và các nước Ả Rập khác đưa cành ô liu cho Syria. Trước hết, chiều hướng phát triển của vấn đề Syria đã có những thay đổi cơ bản và chính quyền Assad đã có thể ổn định tình hình trong một thời gian dài. Thứ hai, Saudi Arabia, với tư cách là quốc gia hàng đầu trong thế giới Ả Rập đã giao thiệp nhiều hơn với Syria. Điều này có thể duy trì sự ổn định nội bộ của thế giới Ả Rập và củng cố sự đoàn kết trong Liên đoàn Ả Rập.
“Cuối cùng, vấn đề Syria là một vấn đề rất quan trọng và nhạy cảm. Giống như vấn đề Yemen, đây cũng là một mô hình thu nhỏ quan trọng liên quan xung đột khu vực. Vì vậy, việc giải quyết vấn đề Syria cũng có lợi cho việc nới lỏng quan hệ trên toàn Trung Đông khu vực“. Wang Jin nói.
Đối với phe đối lập, ‘thời thế đã thay đổi’
Giữa tháng 3, các nước Ả Rập do Jordan đứng đầu đã bắt đầu đàm phán và đề xuất gói viện trợ trị giá 1 tỷ euro để giúp Syria tái thiết sau trận động đất. Ngoài ra, họ muốn giúp Syria tăng cường quan hệ ngoại giao với Washington và Brussels để nới lỏng lệnh trừng phạt. Đổi lại, ông Assad nên đàm phán với phe đối lập Syria, cho phép các nước Ả Rập khác đóng quân, đảm bảo hành lang tị nạn giữa miền bắc Syria và Thổ Nhĩ Kỳ, trấn áp buôn lậu ma túy và ngăn chặn ảnh hưởng ngày càng tăng của Iran.
Tuy nhiên, kế hoạch này khó có thể được Assad chấp thuận hoàn toàn. Trong tiến trình Geneva không mấy suôn sẻ, chính phủ của Assad đã tham gia vào các vòng đàm phán với phe đối lập mà không đạt được kết quả nào. Hiện tại, phần lớn Syria đã được lực lượng chính phủ thu hồi và Assad không có lý do gì để hòa giải với phe đối lập. Ngoài ra, người ta nghi ngờ rằng Assad sẽ đồng ý giảm sự hiện diện của Iran ở Syria, vì viện trợ của Iran cho Syria đang là một trong những yếu tố giúp ổn định tình hình.
Các nước Ả Rập không “ngây thơ” khi dang rộng vòng tay với Syria một lần nữa. Trên thực tế, trong hơn một thập kỷ, một số phe phái đối lập ở Syria đã trở nên “Hồi giáo” hơn trong định hướng ý thức hệ của họ và các nước Ả Rập cũng muốn đảm bảo rằng các lực lượng tôn giáo cực đoan này bị kiềm chế và ngăn chặn lan sang lãnh thổ của họ. Hiện tại, ngoại trừ khu vực đông bắc do người Kurd lãnh đạo, độc lập với chính phủ Syria, thành trì cuối cùng của phe đối lập ở Syria chủ yếu là tại Idlib ở phía tây bắc. Idlib được kiểm soát một phần bởi nhóm cực đoan HTS, vốn ly khai khỏi phe đối lập Syria, và các nước Ả Rập ủng hộ hòa giải với Syria cũng phản đối các phần tử cực đoan này.
“Từ quan điểm hiện nay, đàm phán và đối thoại vẫn cần một cơ sở pháp lý tương đối quan trọng: phe đối lập có tính chính danh hay không? Ít nhất về mặt tuyên truyền, chính phủ Syria vẫn trực tiếp gọi các nhóm chính trị và quân sự của phe đối lập này là ‘những kẻ khủng bố’”. Wang Jin cũng nói: “Điều này cũng tương tự đối với phe đối lập. Họ có kiên trì phủ nhận tính hợp pháp của chính phủ Assad không?” Vấn đề này sẽ vẫn tồn tại trong tương lai.
Các nước Ả Rập cũng cảnh giác với “phe đối lập ôn hòa” do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn, nhưng khi tình hình địa chính trị thay đổi, các nhóm đối lập này cũng đứng trước sự lựa chọn. Vào năm 2021, một quan chức cấp cao của phe đối lập Syria “Quân đội Tự do” (FSA), người có mối quan hệ chặt chẽ với Saudi Arabia, đã hòa giải với chính quyền Assad, chia sẻ với Al Jazeera rằng: “Thời thế đã thay đổi, ‘Mùa xuân Ả Rập’ đã là quá khứ và khu vực đang hướng tới sự chuyển tiếp sang một tương lai mới”.
Trong khi đó, ngay cả Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang tìm cách làm tan băng mối quan hệ với Damascus. Theo Deutsche Welle hồi tháng 2 trích dẫn các nguồn thạo tin, “Mặc dù các chi tiết của cuộc đối thoại vẫn chưa được biết, nhưng có thể tin rằng nó sẽ bao gồm việc khôi phục dần quyền kiểm soát của chính phủ Syria đối với miền bắc Syria”, với điều kiện hai bên đạt được thỏa thuận về các vấn đề như thiết lập vùng đệm và hồi hương người tị nạn.
“Mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục hỗ trợ phe đối lập Syria, nhưng cách thức hỗ trợ đã khác. Trước đây, Thổ Nhĩ Kỳ cho phép phe đối lập Syria ở trên lãnh thổ của mình và tài trợ cho họ, cho phép họ hoạt động làm phức tạp tình hình ở miền bắc Syria. Nhưng hiện tại, họ đã bị đẩy về miền bắc Syria và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ kiểm soát họ từ xa”. Đồng thời, Wang Jin nói rằng: sự tương tác của Thổ Nhĩ Kỳ với chính phủ Syria cũng ngày càng tăng và Thổ Nhĩ Kỳ có thể điều chỉnh hơn nữa chính sách, thái độ trong thời gian tới và tích cực tham gia vào các cơ chế đối thoại.
Mỹ vẫn đang cố gài “cái nêm”
Ngoài sự hỗ trợ của các nước Ả Rập, Mỹ cũng đã đề nghị hỗ trợ nhân đạo cho Syria. Bộ Tài chính Hoa Kỳ tuyên bố rằng “các biện pháp trừng phạt đối với Syria sẽ không cản trở các nỗ lực cứu hộ người dân Syria”. Giống như việc các quan chức từ các nước Ả Rập thường xuyên đến và đi từ Damascus sau trận động đất, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Price nói rằng Chính phủ Hoa Kỳ sẽ “khuyến khích” bình thường hóa với chính phủ Syria nếu các hướng dẫn nêu trong Nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc được thực hiện.
Theo “Wall Street Journal”, một số quan chức châu Âu và Trung Đông cho biết, trong các cuộc gặp với các nước Ả Rập, Mỹ và các nước châu Âu đã thúc giục họ có lập trường phối hợp chống lại chính quyền Assad. Các nước phương Tây ủng hộ nghị quyết của Liên hợp quốc kêu gọi ngừng bắn toàn diện ở Syria, đảm bảo an toàn cho người dân Syria di cư, trả tự do cho các tù nhân chính trị và bầu cử tự do.
Việc thuyết phục phương Tây dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với chính quyền của ông Assad sẽ không dễ dàng đối với các nước Ả Rập, kể cả đối với Saudi Arabia. Vào tháng 3, một nhóm cựu quan chức và chuyên gia Hoa Kỳ về Syria đã cùng nhau viết một lá thư cho Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, nói rằng nỗ lực của các nước Ả Rập nhằm bình thường hóa quan hệ với Syria mà không có cải cách chính trị “mâu thuẫn với chương trình nghị sự về an ninh và nhân quyền của Hoa Kỳ”.
Các đảng viên Cộng hòa trong Quốc hội Hoa Kỳ đã có lập trường cứng rắn hơn chống lại việc bình thường hóa với Syria. Ngày 28/02, McCaul, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, đã ra tuyên bố thúc giục chính phủ Mỹ cam kết thực hiện “Đạo luật Caesar” do cựu Tổng thống Mỹ Trump ký ban hành, trong đó có các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc đối với chính phủ Syria và gia đình Assad. Ông cũng cho biết, ông đang “theo dõi chặt chẽ” các đề nghị ngoại giao với Assad từ nhiều quốc gia và bất kỳ sự bình thường hóa nào với ông sẽ là “ghê tởm về mặt đạo đức và là một sai lầm chiến lược”.
Trong bối cảnh đó, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ một lần nữa nhấn mạnh trong tuyên bố ngày 12 tháng 4: “Lập trường phản đối bình thường hóa của chúng tôi là rất rõ ràng. Chúng tôi sẽ không bình thường hóa (mối quan hệ) với chế độ Assad, và chúng tôi không ủng hộ những người khác bình thường hóa mà không có tiến triển nào về một giải pháp chính trị”.
Về vấn đề này, Wen Shaobiao, trợ lý nghiên cứu tại Viện Trung Đông của Đại học Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải, chỉ ra với The Paper rằng mặc dù Hoa Kỳ đã điều chỉnh chính sách triệt để nhằm lật đổ chính quyền Assad, nhưng họ vẫn tiếp tục duy trì chiến lược kiềm chế và cô lập chính phủ Assad, cố gắng buộc chính phủ Syria đưa ra những thỏa hiệp chính trị với phe đối lập và tạo ra một cấu trúc quyền lực toàn diện.
“Ngoài ra, một khi Saudi Arabia và các nước khác cho phép Syria hội nhập vào trật tự chính trị, an ninh và kinh tế khu vực, điều đó có nghĩa là chính quyền Assad sẽ có khả năng chống Mỹ mạnh mẽ hơn, điều này sẽ làm suy yếu đáng kể đòn bẩy của Mỹ nhằm gây ảnh hưởng đến các vấn đề nội bộ của Syria, dẫn đến việc Mỹ phải gánh chịu chi phí khổng lồ của lực lượng chống Assad trong khoảng một thập kỷ qua”, Wen Shaobiao nói.
Lo ngại diễn biến của tình hình “nối lại quan hệ ngoại giao”, Mỹ không có kế hoạch rút quân khỏi Syria. Vào tháng 3, Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân của Lầu Năm Góc, lần đầu tiên đến thăm một căn cứ quân sự của Mỹ ở đông bắc Syria. Tuần trước, quân đội Mỹ cho biết họ đã tiến hành một cuộc không kích ở Syria, giết chết một thủ lĩnh cấp cao của tổ chức cực đoan “Nhà nước Hồi giáo” ở Syria. Người phát ngôn của Bộ Tư lệnh Trung ương Hoa Kỳ cho biết, “Các hoạt động chống lại Nhà nước Hồi giáo rất quan trọng đối với an ninh và ổn định khu vực”
Wen Shaobiao tin rằng Hoa Kỳ vẫn giữ hơn 900 binh sĩ đóng quân ở đông bắc Syria, động cơ đằng sau là tiếp tục hỗ trợ “lực lượng dân chủ” do lực lượng vũ trang người Kurd Syria lãnh đạo và chiến đấu chống lại tàn dư của các tổ chức cực đoan với tư cách là “Nhà nước Hồi giáo”, Thứ hai là ngăn chặn Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành các cuộc tấn công quy mô lớn vào các khu vực do người Kurd kiểm soát ở đông bắc Syria; và thứ ba là giành được nguồn tài nguyên dầu khí phong phú từ đông bắc Syria; cuối cùng, duy trì triển khai quân sự quy mô nhỏ ở Syria, cân bằng ảnh hưởng an ninh của Iran và Nga ở Syria, đồng thời tạo một số “mầm mống” để tiếp tục can thiệp vào các vấn đề của Syria./.
Biên dịch: Hoàng Hải
Tác giả: Vu Hiểu Huyên, Phóng viên của The Paper
Nguồn: 喻晓璇, 中东局势新动向:沙特率阿拉伯世界拥抱叙利亚, 澎湃新闻 ∙ 澎湃世界观, 14.4.2023