Tháng 11/2023, Hội nghị các quan chức cấp cao Hợp tác Mê Kông – Lan Thương (MLC) lần thứ 10 đã được tổ chức tại Myanmar. Một tháng sau đó, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao MLC lần thứ 8 đã diễn ra tại Bắc Kinh (Trung Quốc). Các kết quả đạt được từ loạt sự kiện liên quan sẽ là cơ sở quan trọng phục vụ cho Hội nghị Cấp cao MLC dự kiến diễn ra trong năm 2024. Điều đáng chú ý, đây là “một sự kiện đặc biệt diễn ra vào một thời điểm đặc biệt”. Năm nay, MLC đang tích cực hướng tới kỷ niệm 10 năm hiện thực hóa ý tưởng hợp tác giữa Trung Quốc và 5 nước lưu vực sông Mê Kông ở Đông Nam Á (2014-2024). Gắn với dấu mốc quan trọng này, các hội nghị liên quan đang cho thấy tham vọng nâng tầm hợp tác trong bối cảnh đầy phức tạp của khu vực và toàn cầu. Cùng nhìn lại những kết quả đạt được sau một thập kỷ hợp tác Mê Kông – Lan Thương và triển vọng hợp tác của các nước sông Mê Kông – Lan Thương trong tương lai.
Thực tiễn hợp tác Mê Kông – Lan Thương
Năm 2014, ý tưởng về việc thiết lập Cơ chế Hợp tác Mê Kông – Lan Thương (MLC) được đề xuất tại Hội nghị Cấp cao Trung Quốc – ASEAN lần thứ 17 bởi Thủ tướng Trung Quốc, khi đó là ông Lý Khắc Cường. Ngày 23/3/2016, Hội nghị Cấp cao hợp tác Mê Kông – Lan Thương lần đầu tiên được tổ chức. 6 quốc gia thành viên gồm: Trung Quốc, Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan và Myanmar thông qua Tuyên bố Tam Á. Tuyên bố này đã chính thức xác lập “bộ khung hợp tác 3+5” – tức là 3 trụ cột và 5 phương hướng ưu tiên. Trong đó, 3 trụ cột bao gồm: (1) các vấn đề chính trị và an ninh, (2) phát triển kinh tế bền vững, và (3) giao lưu xã hội, văn hóa và nhân dân. 5 phương hướng ưu tiên gồm: kết nối, năng lực sản xuất, kinh tế xuyên biên giới, tài nguyên nước, nông nghiệp và giảm nghèo, thực hiện nhiều dự án có lợi cho dân sinh, tạo cơ sở vững chắc cho hợp tác toàn diện, lâu dài[1]. Trải qua 7 năm hợp tác sâu rộng, hợp tác Mê Kông – Lan Thương đã gặt hái được nhiều kết quả quan trọng trên 3 trụ cột:
Hợp tác chính trị, an ninh MLC
Ngay tại Hội nghị cấp cao lần thứ nhất năm 2016, với tư cách là một thành viên đồng sáng lập, Thủ tướng Trung Quốc khi đó là ông Lý Khắc Cường đã chia sẻ rằng, cơ chế hợp tác Mê Kông – Lan Thương là một sự bổ sung hữu ích cho hợp tác Trung Quốc – ASEAN[2]. Do vậy, có thể nói, cơ chế hợp tác này song hành, thuận chiều và không nằm ngoài xu hướng phát triển của cơ chế ASEAN + 1 (+ Trung Quốc), thậm chí còn có những điều kiện thuận lợi hơn khi dễ dàng tận dụng các đặc điểm tương đồng trong hợp tác. Trừ trường hợp của Việt Nam vẫn còn tồn tại những mâu thuẫn về vấn đề chủ quyền trên biển với Trung Quốc, 4 quốc gia Mê Kông – Đông Nam Á còn lại hầu như không có mâu thuẫn chính trị đáng kể với đối tác láng giềng phía Bắc. Đồng thời, Trung Quốc cũng là đối tác kinh tế và nhà đầu tư lớn nhất đối với các quốc gia MLC. Đó đều là những tiền đề quan trọng giúp hợp tác chính trị, an ninh MLC được thúc đẩy thuận lợi hơn so với cơ chế hợp tác ASEAN + 1 (Trung Quốc).
Từ năm 2016 đến nay, các hội nghị lãnh đạo các cấp trong khuôn khổ hợp tác được diễn ra định kỳ thường xuyên, ngay cả trong các năm 2020-2022 ứng phó với đại dịch Covid-19 đầy phức tạp. Đáng chú ý, tại Hội nghị cấp cao MLC năm 2020 tại Lào, 6 thành viên đã thông qua tuyên bố Viêng Chăn với những nội dung hết sức quan trọng, cam kết phát huy tinh thần hợp tác trên tất cả các trụ cột. Tuyên bố này có giá trị nền tảng đặc biệt đối với MLC trong thập niên thứ 3 của thế kỷ XXI.
Ở góc độ hợp tác an ninh, vấn đề an ninh nguồn nước có tầm quan trọng đặc biệt và luôn được ưu tiên hàng đầu. Đây cũng chính là lý do quan trọng thúc đẩy quá trình hình thành hợp tác giữa 6 quốc gia cùng chia sẻ con sông Lan Thương – Mê Kông. Trong vấn đề hệ trọng này, các quốc gia thành viên MLC đã cùng xây dựng “Kế hoạch hành động 5 năm về tài nguyên nước Mê Kông – Lan Thương (2018-2022). Cùng với đó, nhóm công tác chung về hợp tác tài nguyên nước đã được thành lập với tư cách là cơ quan điều phối, ra quyết định về các vấn đề liên quan tới hợp tác tài nguyên nước. Thông qua Diễn đàn hợp tác tài nguyên nước Mê Kông – Lan thương được tổ chức 2 năm/lần, đầu đầu tiên diễn ra vào năm 2019, các nước thành viên đã thể hiện những nỗ lực đáng ghi nhận trong việc cùng ứng phó với những thách thức trong vấn đề an ninh nguồn nước,
Một vấn đề hợp tác an ninh đáng chú ý khác và các hoạt động tuần tra chung, chống tội phạm. Đây cũng là một vấn đề nóng vốn đã sớm được thúc đẩy từ trước khi thành lập MLC. Sự xuất hiện của MLC từ năm 2016 đã góp phần tăng cường hơn nữa các hoạt động hợp tác giữa các thành viên, đặc biệt là giữa các nước ở khu vực thượng nguồn, nơi điểm giao giữa Trung Quốc với Đông Nam Á lục địa. Ví dụ, tính đến năm 2023, một số quốc gia trong cơ chế gồm Trung Quốc, Lào, Myanmar, Thái Lan đã triển khai hoạt động tuần tra chung và thực thi pháp luật lần thứ 133 trên sông Mê Kông. Ở hoạt động này, bên cạnh các hoạt động hợp tác đấu tranh chống các loại tội phạm, các cơ quan thực thi pháp luật của Trung Quốc, Lào, Myanmar và Thái Lan sẽ tổ chức cuộc họp trao đổi thông tin và các hoạt động giao lưu văn hóa, thể thao và nhiều hoạt động khác[3].
Các hoạt động chống tội phạm khác cũng đã được chia sẻ ở nhiều cấp độ, nhiều quy mô khác nhau giữa các lực lượng an ninh của các nước. Về phía Việt Nam, từ năm 2019, Việt Nam đã tham gia cơ chế “Sông Mê Kông an toàn”[4], qua đó chính thức kết nối, hợp tác đầy đủ với các nước MLC trong vấn đề an ninh phức tạp này.
Phát triển kinh tế bền vững
Ở trụ cột thứ hai, hợp tác giữa 6 quốc gia MLC xoay quanh 6 vấn đề lớn bao gồm: mở rộng thương mại và đầu tư song phương cũng như đa phương giữa các thành viên; thúc đẩy hợp tác tài chính; thúc đẩy hợp tác và quản lý tài nguyên nước; thúc đẩy hợp tác năng lượng; thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân.
Thứ nhất, trong thương mại, đầu tư và hợp tác tài chính, dấu ấn đáng chú ý hàng đầu là quá trình kết nối, hợp tác kinh tế giữa các nước thành viên MLC được gia tăng nhanh chóng trong bối cảnh Trung Quốc đẩy mạnh Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI). Bản thân các nước trong cơ chế MLC đóng vai trò cửa ngõ quan trọng ở phía Nam Trung Quốc. Do đó, các quốc gia khu vực này là điểm đón đầu nguồn đầu tư khổng lồ từ phía Bắc Kinh. Thực tế cũng đã cho thấy, từ lâu, Trung Quốc trở thành đối tác thương mại và cũng là nhà đầu tư lớn nhất đối với các quốc gia ở tiểu vùng sông Mê Kông[5]. Đầu tư của Trung Quốc đã và đang tập trung vào việc phát triển cơ sở hạ tầng, tạo ra nền tảng quan trọng cho sự phát triển bền vững của các nền kinh tế trong khu vực.
Một điểm mới đáng chú ý gần đây trong hợp tác tài chính nằm ở việc, các bên đang nỗ lực đẩy mạnh việc giao dịch trực tiếp bằng đồng nội tệ của mình thay vì sử dụng ngoại tệ trung gian (cụ thể là đồng Đô la). Các hoạt động giao dịch bằng nội tệ của các nước đã được nêu rõ trong Báo cáo Quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ hằng năm của Trung Quốc (年人民币国际化报告).
Thứ hai, trong hợp tác quản lý tài nguyên nước, lương thực và hợp tác năng lượng, tuyên bố chung của Hội nghị Bộ trưởng Hợp tác Tài nguyên nước Mê Kông – Lan Thương lần thứ nhất năm 2019 đã nhận định rất rõ 6 quốc gia đang phải đối mặt với những thách thức giống nhau về tài nguyên nước, năng lượng và lương thực do hàng loạt các nguyên nhân chủ quan và khách quan khác nhau. Những thách thức chung này, cùng với các mục tiêu chung về thịnh vượng và phát triển bền vững, tạo thành cơ sở chiến lược cho hợp tác giữa các nước đi vào thực chất[6]. Trên cơ sở đó, mọi hoạt động có khả năng tác động tới nguồn nước chung của dòng sông đều phải có sự tham gia, tham vấn ý kiến của tất cả các nước thành viên MLC.
Thứ ba, phát triển bền vững trong khuôn khổ MLC không chỉ đơn thuần là câu chuyện của khu vực kinh tế nhà nước, phụ thuộc vào các doanh nghiệp nhà nước của mỗi quốc gia. Các nước đã và đang khuyến khích sự tham gia sâu rộng, ở nhiều cấp độ, quy mô khác nhau của khu vực kinh tế tư nhân. Điều này đã và đang mở ra nhiều thời cơ mới, tận dụng được nhiều nguồn lực phục vụ cho chiến lược phát triển cộng đồng thịnh vượng chung.
Hiệu quả phát triển kinh tế đã được chứng thực phần nào trong thời gian qua. Tính đến năm 2022, tổng giá trị thương mại giữa Trung Quốc với 5 quốc gia thành viên MLC còn lại đã đạt con số kỷ lục 416,7 tỷ USD[7]. Tăng hơn 2 lần so với trước khi cơ chế hợp tác này được hình thành (năm 2015, con số này chỉ đạt 193,9 tỷ USD)[8]. Các nước MLC đều ghi nhận sự tăng trưởng kinh tế cao, trở thành một trong nhưng khu vực phát triển năng động nhất thế giới, bất chấp bối cảnh khó khăn của đại dịch Covid-19.
Giao lưu văn hóa, xã hội và nhân dân
Kể từ năm 2016, quy mô hợp tác giáo dục, văn hóa giữa các nước MLC được mở rộng nhanh chóng. Tuần lễ Mê Kông – Lan Thương được tổ chức tại các quốc gia thành viên với nhiều sự kiện khoa học, văn hóa đặc trưng của các nước trong khu vực.
Giao lưu nhân dân tiếp tục được đẩy mạnh, các quốc gia MLC đang có những động thái nới lỏng điều kiện xuất nhập cảnh đối với người dân các nước trong cơ chế. Ví dụ, vào mùa cao điểm du lịch, Thái Lan đã miễn thị thực đối với du khách Trung Quốc. Bản thân Trung Quốc cũng đang thí điểm “mở cửa du lịch có điều kiện”, đồng thời có những động thái nới lỏng quy định cấp thị thực đối với khách quốc tế. Ở phía 5 nước Mê Kông Đông Nam Á, việc đi lại giữa các nước trong khu vực cũng ngày càng được đơn giản hóa hơn. Bên cạnh đó, nằm trong tổng thể hợp tác ASEAN và ASEAN + 1, giao lưu nhân dân đã, đang và sẽ tiếp tục là một điểm nhấn đáng chú ý. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trong một bài viết đã nhận định rằng: “Sự trao đổi nhân dân và trao đổi văn hóa đa dạng đã thắt chặt thêm mối quan hệ tình cảm giữa người dân sáu nước và củng cố ý thức cộng đồng rằng các nước Lancang-Mê Kông gần gũi như một gia đình”[9].
Ở lĩnh vực giáo dục, hợp tác giáo dục đã được mở rộng ở nhiều cấp học từ giáo dục mầm non cho tới giáo dục đại học và sau đại học. Mô hình dạy và học ngôn ngữ giữa các nước thành viên MLC ngày càng được nhân rộng. Ví dụ, một số nơi ở Việt Nam đã đưa tiếng Trung vào dạy tại các cấp học, thậm chí cả bậc tiểu học. Hay tính đến năm 2022, theo thống kê của Bộ Ngoại giao Việt Nam, ở Thái Lan đã có 39 lớp học tiếng Việt, số trung tâm dạy tiếng Việt ở Campuchia và Lào lần lượt là 33 và 13[10]. Đối với trường hợp của Trung Quốc, Viện Khổng Tử của nước này đang ngày giữ vai trò quan trọng trong việc mở rộng ảnh hưởng văn hóa, giáo dục ra các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, bao gồm cả các nước trong khuôn khổ MLC.
Với những gì đã đạt được, hợp tác Mê Kông – Lan Thương giữa 6 quốc gia có nhiều nét văn hóa tương đồng vẫn còn nhiều dư địa tiếp tục phát triển ngoại giao văn hóa, ngoại giao nhân dân trong những năm tiếp theo.
Triển vọng hợp tác trong tương lai
Năm 2023, với việc đã thống nhất xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai với Việt Nam, về cơ bản, Trung Quốc đã hoàn thành việc xây dựng cộng đồng tương lai chung với toàn bộ cơ chế hợp tác Mê Kông – Lan Thương ở cả cấp độ đa phương và song phương với các nước thành viên. Điều này nằm trong tham vọng lớn của Bắc Kinh nhằm xây dựng cộng đồng chung vận mệnh toàn nhân loại mà châu Á là điểm khởi đầu[11]. Về phía các nước Đông Nam Á thuộc lưu vực sông Mê Kông, thị trường khổng lồ Trung Quốc, mối quan hệ kinh tế sâu sắc với đối tác làng giềng phương Bắc cũng như sự gắn kết tự nhiên với các quốc gia trong khu vực đã, đang và sẽ tiếp tục là một động lực thúc đẩy MLC hơn trong tương lai. Triển vọng hợp tác cụ thể trên từng lĩnh vực thể hiện như sau:
Hợp tác kinh tế có nhiều điều kiện mới để bứt tốc. Tăng trưởng trong hợp tác kinh tế giữa các nước thành viên kể từ năm 2016 tương đối ấn tượng và các nước trong khuôn khổ MLC nằm trong nhóm các quốc gia tăng trưởng khá cao trên toàn cầu. Tuy nhiên, đó chưa phải là giới hạn của các quốc gia bên dòng Mê Kông – Lan Thương. Có nhiều yếu tố có thể đẩy cao hơn nữa tốc độ phát triển kinh tế của các nước Mê Kông – Lan Thương, bao gồm: (i) Sự bùng nổ được báo trước của kinh tế kỹ thuật số. (ii) Hợp tác tài chính dần tháo gỡ được sự ràng buộc vào đồng tiền trung gian. (iii) Quá trình đầu tư vào của các cơ sở hạ tầng và kết nối chúng trong đại Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc đã bước vào giai đoạn gặt hái kết quả. Thậm chí, với vị trí kết nối hai thị trường 3 tỷ dân Ấn Độ – Trung Quốc, các nước tiểu vùng sông Mê Kông đang nắm giữ không ít cơ hội để có thể bứt tốc trong những năm tiếp theo.
Hợp tác chính trị, an ninh trong khuôn khổ MLC có nhiều điều kiện tiếp tục phát triển sâu sắc hơn. Như đã trình bày, trừ trường hợp của Việt Nam vẫn còn những mâu thuẫn trên biển chưa được giải quyết với Trung Quốc, ngoài ra, một vài khúc mắc chủ quyền giữa Thái Lan và Campuchia vẫn còn tạo ra những vết gợn đối với lòng tin chính trị trong khuôn khổ hợp tác. Tuy nhiên, trước năm 2016, các nước đã có nhiều nỗ lực tìm kiếm tiếng nói chung về các vấn đề này. Và kể từ năm 2016 đến nay, các thành viên MLC đã không để phát sinh ra những mâu thuẫn đáng kể mới. Điều đó đang cho thấy một xu hướng tích cực hơn trong quan hệ chính trị, an ninh giữa 6 thành viên. Cùng với việc hợp tác kinh tế có nhiều tiềm năng đạt được sự bùng nổ, sẽ không có nhiều lí do để các quốc gia bỏ qua lợi ích lớn trong những năm tiếp theo.
Một số hàm ý đối với Việt Nam
Trong những năm tiếp theo, các nước tiểu vùng sông Mê Kông có thể dễ dàng lựa chọn đối tác chủ lực của họ, nhưng Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc đưa ra quyết định tương tự. Hiện nay, Việt Nam đã tham gia vào một mạng lưới quan hệ quốc tế tương đối phức tạp và tạm thời đạt được trạng thái cân bằng với các nước lớn. Việc gia tăng hợp tác với bất cứ đối tác nào trong thời gian tới cũng sẽ là một bài toán cần cân nhắc kỹ lưỡng đối với Hà Nội. Trong hoàn cảnh như vậy, Việt Nam có thể lựa chọn chính sách như thế nào? Có thể tham khảo một số khuyến nghị như sau:
Thứ nhất, cơ hội hợp tác kinh tế trong khuôn khổ MLC tương đối lớn, Việt Nam cũng đang có những kế hoạch xây dựng các cơ sở hạ tầng chiến lược trong nước. Do vậy, Việt Nam có thể cân nhắc kết nối với các dự án trong khả năng có thể hợp tác với thành viên MLC. Điều này sẽ góp phần giảm bớt gánh nặng về chi phí, tạo được sự đồng bộ toàn diện với hệ thống hạ tầng trong khu vực, biến chúng trở thành động lực phát triển kinh tế trong tương lai. Tuy nhiên, cơ hội cũng sẽ đi kèm với thách thức. Việc này sẽ đòi hỏi năng lực quản lý cũng như các phẩm chất khác của các cấp lãnh đạo có liên quan.
Thứ hai, Việt Nam có thể chủ động thúc đẩy quá trình mở rộng tương tác và làm sâu sắc hơn nữa quá tình hợp tác giữa cơ chế hợp tác Mê Kông – Lan Thương với các cơ chế hợp tác khác trong khu vực. Ví dụ như việc tăng cường hợp tác với các đối tác khác trên các hệ thống sông có chung thượng nguồn từ dãy Hymalaya. Điều này cũng có thể làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác toàn khu vực Đông Nam Á và Nam Á, làm tăng quy mô cũng như tăng cường hợp tác với nhiều đối tác lớn khác như trường hợp của Ấn Độ. Điều này có thể tạo ra một cơ chế rộng mở, cân bằng hơn, mở ra nhiều cơ hội hợp tác hơn đồng thời có thể ngăn chặn sự chia rẽ của các thế lực bên ngoài. Việc mở rộng cơ chế hợp tác các con sông lớn có chung thượng nguồn cũng là cơ hội có thể giải quyết đồng bộ, toàn diện vấn đề an ninh nguồn nước cho châu Á.
Thứ ba, Việt Nam cần tích cực tham gia mạnh hơn, sâu hơn vào các vấn đề an ninh khu vực. Thực tiễn cho thấy mức độ hợp tác an ninh ở các khu vực thượng và hạ nguồn các con sống không giống nhau. Điều đó có thể gây phân hóa mối quan hệ an ninh giữa các đối tác trong cùng khuôn khổ hợp tác Mê Kông – Lan Thương. Để khắc phục điều đó, Việt Nam hoàn toàn có thể đề xuất gia tăng sự hiện diện của mình vào các vấn đề an ninh trên sông, bao gồm cả các khu vực ở thượng nguồn, thông qua việc đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia sở tại.
Thư tư, Việt Nam cần tiếp tục điều hòa, xử lý tốt các mâu thuẫn lợi ích hiện có với các nước liên quan đến vấn đề chủ quyền (bao gồm chủ quyền trên biển và trên đất liền). Vấn đề Biển Đông thực tế rất khó có thể giải quyết trong tương lai gần, thập chí trong nhiều thập kỷ tới. Do vậy, việc quản lý mâu thuẫn, tránh phát sinh các căng thẳng không đáng có là điều cần thiết để duy trì ổn định, giữ vững hiện trạng và tìm kiếm các giải pháp mới.
Hợp tác Mê Kông – Lan Thương có nhiều điều kiện để bứt phá trong tương lai, việc tận dụng các cơ hội phát triển từ cơ chế hợp tác này là điều cần thiết. Việt Nam cần xem xét ưu tiên tối ưu hóa các lợi ích hợp tác từ các cơ chế gần gũi về mặt địa lý cùng nhiều điều kiện thuận lợi phát triển./.
Tác giả: Hoàng Hải
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
Tài liệu tham khảo
[1] Tân hoa xã (2021), Sanya Declaration of the First Lancang-Mekong Cooperation (MLC) Leaders’ Meeting, http://www.MLCchina.org/eng/2016-03/23/content_41449864.html. Truy cập ngày 12/12/2023.
[2] MLC China (2016), Li Keqiang’s address at the 1st Lancang-Mekong Cooperation Leaders’ Meeting, http://www.MLCchina.org/eng/2016-03/25/content_41449867.html
[3] 人民网 (2023), 维护流域安全稳定 促进经济社会发展, 20/9/2023, https://world.people.com.cn/n1/2023/0920/c1002-40081839.html
[4] Hoàng Giang (2023), Các nước tiểu vùng sông Mekong hợp tác chặt chẽ từng bước đẩy lùi tội phạm ma tuý, Báo Điện tử Chính phủ, https://baochinhphu.vn/cac-nuoc-tieu-vung-song-mekong-hop-tac-chat-che-tung-buoc-day-lui-toi-pham-ma-tuy-102230406151428964.htm
[5] Đỗ Tiến Sâm, Đinh Hữu Thiện (2019), Trung Quốc với hợp tác Lan Thương – Mê Kông: thực trạng và triển vọng, Thông tin Khoa học xã hội, số 6.2019, tr. 5.
[6] 澜湄水资源合作部长级会议联合声明, http://www.mwr.gov.cn/ztpd/2019ztbd/lmszybzhy/hycg/201912/t20191224_1375864.html
[7] Xinhua (2023), Trade between China, Mekong countries hits US$416.7B in 2022, http://english.scio.gov.cn/beltandroad/2023-03/24/content_85190076.htm
[8] Wang Yan (2018), Mekong countries look to bolster cooperation, https://chinadialogue.net/en/business/10559-mekong-countries-look-to-bolster-cooperation/
[9] 中华民国外交部(2023), 澜湄合作取得新成果,打造新亮点, https://www.fmprc.gov.cn/web/wjbzhd/202312/t20231207_11196752.shtml
[10] Huệ Bình (2023), Khi trường nước ngoài dạy tiếng Việt, Báo Người Lao động, 07/01/2023, https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/khi-truong-nuoc-ngoai-day-tieng-viet-2023010620461606.htm
[11] 新華通訊社 (2023), 构建具有战略意义的中越命运共同体 开启携手迈向现代化的新篇章, http://www.news.cn/mrdx/2023-12/12/c_1310754894.htm