Tháng 9/2022, tạp chí Fortune Magazine (Mỹ) thông báo người giầu thứ 2 thế giới thời điểm đó là một công dân Ấn Độ, ông Gautam Adani – một doanh nhân cỡ bự tại bang Gujarat, miền Tây của Ấn Độ – với khối tài sản khi đó được định giá là 155,5 tỷ USD. Cùng thời điểm, hãng tin kinh tế Bloomberg (Mỹ) tính toán tài sản của Adani ở mức 146,8 tỷ USD, đồng thời chỉ rõ, doanh nhân Ấn Độ này hoạt động trong các lĩnh vực hải cảng, sân bay, năng lượng xanh, trung tâm dữ liệu, xi-măng, truyền thông và nhiều ngành khác. Bloomberg cũng nhận định Adani là người trong năm 2022 gia tăng tài sản của mình nhiều hơn bất kỳ tỷ phú nào trong giới tinh hoa của chủ nghĩa tư bản thế giới thế kỷ XXI.
Sự kiện Adani vượt qua CEO của tập đoàn Amazon, Jeff Bezos – người tụt xuống vị trí thứ 3 khi đó, mang nhiều ý nghĩa. Trên thực tế, theo các thống kê này, Adani trở thành người châu Á đầu tiên vươn lên top 3 trong số những người giầu có nhất thế giới. Tại nước mình, Adani được biết đến với mối quan hệ thân tình với Thủ tướng Narendra Modi nói riêng và Đảng Nhân dân Ấn Độ (Bharatiya Janata Party – BJP) dân tộc chủ nghĩa cực hữu cầm quyền, và là người nổi bật nhất trong câu lạc bộ tỷ phú Ấn Độ: một giai tầng siêu cấp gồm 166 thành viên đã gia tăng chóng mặt tài sản của mình kể từ khi Thủ tướng Modi lên cầm quyền năm 2014. Theo tạp chí Forbes (Mỹ), chỉ riêng trong năm 2022, tổng giá trị tài sản của các tỷ phú (USD) của Ấn Độ đạt mức 750 tỷ USD, tăng 26% so với năm 2021.
Tuy nhiên, vào giữa năm 2023, giá trị tịnh tài sản của Tập đoàn Adani đã tụt dốc không phanh trên các sàn giao dịch chứng khoán, xuống “chỉ còn” 47 tỷ USD sau khi một báo cáo vào cuối tháng 1 của nhóm đầu tư cổ phiếu Hindenburg Research được công bố, trong đó xác nhận tập đoàn đầu tư trên của Ấn Độ đã thao túng cổ phiếu và gian lận tài chính với tổng mức giá trị 218 tỷ USD trong vài thập kỷ trước đó. Các thị trường quốc tế đã phản ứng một cách không thương xót: sự ra đi hàng loạt của các nhà đầu tư khiến Ấn Độ đánh mất cả vị trí trong số 5 thị trường chứng khoán có giá trị giao dịch cao nhất trên thế giới và Tập đoàn Adani mất hơn một nửa tài sản ước định.
Tháng 4/2023, Forbes chỉ rõ trong báo cáo thường niên về các tỷ phú của mình rằng dù Ấn Độ ghi nhận số lượng tỷ phú kỷ lục 169 người (thêm 3 người so với năm 2022), tổng giá trị tài sản của họ lại giảm tới 10%, từ 750 tỷ USD xuống còn 675 tỷ USD. Phần lớn của khối lượng tài sản bị sụt giảm là do cú hụt của Tập đoàn Adani, còn bản thân ông chủ Gautam Adani rơi thẳng từ số 2 xuống số 24 trong số những người giầu nhất thế giới. Trong khi đó, Ấn Độ tiếp tục là nước có nhiều tỷ phú USD thứ 3 thế giới, chỉ xếp sau Mỹ (735 người) và Trung Quốc (495 người).
Hiện tượng tăng cao số lượng các tỷ phú USD tại Ấn Độ là phi thường xét từ nhiều góc độ. Đây là một chỉ số tích cực về đà phát triển của nền kinh tế chính trị của quốc gia Nam Á này đồng thời cũng được sử dụng thường xuyên trong ngôn ngữ chính trị để quảng bá thành công của một mô hình dựa trên phân chia giai tầng rõ ràng và dai dẳng với nhiều đặc quyền cho giai cấp trên như xã hội Ấn Độ hiện tại. Bất cứ ai theo dõi thường xuyên những thông điệp của Thủ tướng Narendra Modi đều biết rằng chính trị gia này không bỏ quan cơ hội nào để tuyên bố Ấn Độ đã “vượt qua tiền sảnh của lịch sử” để trở thành một cường quốc kinh tế và chính trị cần phải tính tới trên trường quốc tế.
Đơn cử, vào tháng 9/2022, ngay sau khi Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) thông báo việc Ấn Độ vượt qua Anh để chiếm vị trí thứ 5 thế giới về quy mô kinh tế quốc gia, ông Modi đã tuyên bố hùng hồn trong một bài diễn văn: “Niềm vui vì vượt qua nước Anh, từng cai trị Ấn Độ trong 250, còn to lớn hơn nhiều một thống kê đơn giản đưa chúng ta từ vị trí thứ 6 lên vị trí thứ 5. Đó là một điều gì đó thật đặc biệt…”. Và việc Ấn Độ tạo dựng được một giai cấp tỷ phú có khả năng cạnh tranh với những tài phiệt sừng sỏ của Mỹ trong lĩnh vực công nghệ, được thừa nhận trong những bảng xếp hạng uy tín nhất của thế giới, rõ ràng được diễn giải như một thành công của Modi và chính sách phát triển và chuyển đổi Ấn Độ thành một cường quốc hàng đầu trong cộng đồng quốc tế.
Thông điệp này, tuy vậy, chỉ là một ảo ảnh phù phiếm, và mô hình phát triển của Ấn Độ vẫn còn rất nhiều bất cập nan giải. Có những biểu hiện đáng chú ý như việc 8 tháng trước khi Forbes xác nhận Gautam Adani là người giầu thứ 2 thế giới, một nhóm đông thanh niên phẫn nộ – phần nhiều trong số họ là cử nhân đại học – đã cắt đứt tuyến giao thông đường sắt và đốt phá nhiều toa tầu hỏa trong một làn sóng biểu tình bạo lực rộng khắp các bang Uttar Pradesh và Bihar, phía Bắc Ấn Độ. Họ phản đối tình trạng thất nghiệp của bản thân trước quá trình tuyển dụng mà họ cho là bất công để làm việc trong ngành đường sắt của Ấn Độ. Tại 2 bang này, tổng cộng 12,5 triệu người đã nộp đơn đăng ký tuyển chọn vào 35.000 vị trí việc làm của doanh nghiệp đường sắt – đây là những vị trí việc làm được thèm khát tại Ấn Độ với mức lương đáng giá.
Những cuộc biểu tình tại Bihar và Uttar Pradesh trên thực tế mới là phần nổi của tảng băng bất mãn quần chúng vì tình trạng thất nghiệp tràn lan trên cả nước. Trái với những lời hứa về phát triển mà Modi vẫn thường xuyên đưa ra trong các diễn văn của mình, tỷ lệ không có việc làm tại Ấn Độ hiện đang ở mức cao nhất 3 thập kỷ và vượt nhiều nền kinh tế đang phát triển khác trên thế giới. Thêm nữa, những cuộc biểu tình rầm rộ này hé lộ một thực tế rằng bước thăng hoa mà Ấn Độ hay đúng hơn là của giới tinh hoa tỷ phú nước này, không phải là một hiện tượng phát triển hiệu quả đất nước mà thực tế phản ánh rằng chế độ của Modi ưu tiên hệ thống phân chia của cải và lợi nhuận vô cùng bất bình đẳng hiện tại. Hiện tại 10% dân số giầu nhất đang hưởng 50% thu nhập của toàn xã hội và sở hữu 65% của cải; trong khi 50% người nghèo nhất chỉ chiếm 13%thu nhập quốc gia và sở hữu 6% tổng giá trị tài sản.
Một yếu tố then chốt dẫn tới tình trạng bất bình đẳng kinh hoàng này là việc đồng lương thực tế của người lao động trong các ngành nông nghiệp, xây dựng và người lao động phổ thông ngoài nông nghiệp chỉ tăng chưa tới 1% trong giai đoạn 2014 – 2022. Và cũng như đa phần các nước có thu nhập tầm trung khác, tình trạng bất bình đẳng của Ấn Độ gắn liền với nghèo đói. Hệ quả là năm 2019, ngay trước đại dịch Covid-19, các số liệu của Ngân hàng Thế giới cho biết 44,78% người dân Ấn Độ sống với ít hơn 3,65USD mỗi ngày. Trong khi từ năm 2011, chính phủ không công bố số liệu thống kê về tỷ lệ người nghèo trong nước, thì các nhà quan sát đều cho rằng có tới 80% số người bị rơi vào tình trạng nghèo đói trên thế giới trong đại dịch Covid-19 là người Ấn Độ.
Tuy nhiên, bất chấp trạng thái trái ngược cực đoan giữa giầu có xa hoa và nghèo đói cùng cực trong xã hội Ấn Độ, cùng sự phẫn uất ngày càng rõ rệt của giới thanh niên quốc gia Nam Á này trước viễn cảnh tương lai đa phần nghèo nàn u ám, Modi và đảng BJP dường như vẫn đang duy trì vững chắc quyền lực chính trị của mình. Trên thực tế, trong khi giới trẻ thất nghiệp biểu tình phản đối, Uttar Pradesh vẫn vận hành trơn tru chiến dịch tranh cử và lộ trình bầu cử. Với quy mô của mình, đây là một trong những bang quan trọng nhất về cạnh tranh chính trị tại Ấn Độ, và từ năm 2017 Uttar Pradesh vẫn nằm dưới quyền điều hành của BJP và chính trị gia diều hâu dân tộc chủ nghĩa Yogi Adityanath.
Trong chiến dịch tranh cử tại bang chiến địa này, BJP tập trung vào tuyền truyền thông điệp chống Hồi giáo. Khi kết quả được công bố vào tháng 3/2022, chiến thuật này đã chứng minh hiệu quả thực tiễn rõ rệt. Bất chấp việc tỷ lệ thất nghiệp tại bang này đã vọt lên mức 29% trong nhiệm kỳ cầm quyền đầu tiên của Adityanath, BJP vẫn giữ được quyền lực và chỉ bị suy giảm chút ít thế đa số của mình tại cơ quan nghị viện bang. Kết quả này cũng phản ánh bối cảnh chung của chính trường Ấn Độ, nơi chế độ của ông Modi tiếp tục giành được sự ủng hộ và đồng cảm của nhiều thành phần xã hội rộng rãi, thậm chí cả từ những nhóm thu nhập thấp và người nghèo dễ bị tổn thương bất chấp tình trạng thất nghiệp và nghèo đói đang trở nên sâu sắc hơn trong thời gian vị thủ tướng này cầm quyền.
Để hiểu được nghịch lý này, cần nhìn nhận rằng tình thế hiện tại là kết quả của 2 tiến trình chủ đạo diễn ra đồng thời để chuyển biến nền kinh tế đất nước và trật tự chính trị, vốn bắt đầu từ thập kỷ 1990, nói cách khác là sự phát triển đồng thời của chủ nghĩa tự do mới và sự bùng nổ tư tưởng dân tộc chủ nghĩa Hindu, cùng sự tác động qua lại đáng kể của 2 tiến trình này. Trong sự pha trộn này, chủ nghĩa dân tộc Hindu đã giúp chuyển hướng sự bất mãn của quần chúng đồng thời tạo không gian thuận lợi cho cả bá quyền của đảng cầm quyền lẫn quá trình làm giầu của giới đầu sỏ kinh doanh.
Chủ nghĩa tự do mới và chủ nghĩa dân tộc Hindu từ thập kỷ 1990 tới nay
Tương tự như tại nhiều nước đang phát triển khác, bước chuyển mình của Ấn Độ sang chủ nghĩa tự do mới bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng trầm trọng cán cân thanh toán năm 1991. Tuy nhiên, Ấn Độ không áp dụng liệu pháp sốc cực đoan như các nước Mỹ Latinh từng tiến hành trong những năm 1980. Trong một số thời kỳ, cuộc cải cách theo định hướng tự do mới diễn ra khá cầm chừng nhằm tránh những ý kiến phản đối và các tác động trái chiều. Thậm chí, liên minh do Đảng Quốc đại đứng đầu, cầm quyền từ 2004 – 2014, còn cố gắng phối hợp chính sách kinh tế ưu tiên thị trường với một số đạo luật hướng tới giảm bớt những bất công mà mô hình này gây ra cho người dân nghèo và những nhóm xã hội dễ bị tổn thương.
Tuy nhiên, khi đảng BJP của Modi lên cầm quyền vào năm 2014, ông đã dứt khoát tự do hóa nền kinh tế một cách tuyệt đối. Trong chiến dịch tranh cử năm đó, BJP đã giành được sự ủng hộ đồng loạt của giới doanh nhân. Narendra Modi, nhà lãnh đạo hào nhoáng khi đó của chính đảng này, đã tuyên bố rằng chính phủ mới không nên liên quan gì tới kiểm soát kinh doanh và nếu đắc cử, ông sẽ để “bàn tay tự do” của thị trường thi triển ma thuật lên nhân dân Ấn Độ. Kết quả đã quá rõ: Modi và BJP giành được đa số tuyệt đối tại Nghị viện quốc gia và quyền thành lập chính phủ. Năm 2019, trong một chiến dịch tranh cử khác được giới doanh nhân tài trợ ồ ạt, chính đảng này tái lập thành tích và duy trì quyền lực với một đa số thậm chí còn lớn hơn trong Quốc hội.
Một yếu tố hết sức quan trọng ở đây là việc quan sát cơ chế bầu cử đã cho phép BJP và Modi không chỉ duy trì quyền lực, mà còn mở ra một thời kỳ mới rất nguy hiểm trong lịch sử chính trị Ấn Độ. Chìa khóa của thành tích này là việc chính đảng cầm quyền đã mở rộng được cơ sở cử tri của mình ra ngoài tầng lớp giầu có và tầng lớp trung lưu thành thị, những cử tri truyền thống của họ, mà còn thu hút được các nhóm cử tri thuộc tầng lớp xã hội thấp hơn và những người nghèo vào cơ sở ủng hộ của mình.
Rõ ràng BJP có cơ sở cử tri then chốt của mình, như đã biết, là ở tầng lớp thượng lưu, những người giầu và tầng lớp trung lưu thành thị: trong cuộc bầu cử năm 2019, họ nhận được 61% phiếu bầu từ giới thượng lưu và 44% từ những người giầu và giới trung lưu. Nhưng điều quan trọng là từ năm 2004 tới 2019, BJP đã tăng được tỷ lệ ủng hộ mình trong tầng lớp dưới của xã hội từ 23% lên mức 44% và từ những người Dalit (những người bị loại khỏi hệ thống 4 đẳng cấp của Ấn Độ giáo, bị coi là đẳng cấp kém cỏi nhất, bị áp bức và tước nhiều quyền lợi, sau đó chuyển theo nhiều tôn giáo khác và hiện chiếm khoảng 16% dân số Ấn Độ) từ 13% lên 34%; tương tự, tỷ lệ cử tri ủng hộ BJP trong số người nghèo tăng từ 16% lên 36% trong giai đoạn 2009 – 2019. Năm 2019, Modi và BJP giành được sự ủng hộ của 44% tất cả các cử tri theo đạo Hindu vượt trên những phân chia về đẳng cấp và giai tầng vốn tường phân tách và chia rẽ các cuộc bầu cử tại Ấn Độ.
Đây là thành tích rất có ý nghĩa vì biểu tượng cho đỉnh cao phát triển của chủ nghĩa dân tộc Hindu trong nền chính trị Ấn Độ. Nhận định này xuất phát từ việc BJP vốn là một phần của một phong trào chủ nghĩa dân tộc Hindu rộng rãi hơn, từng đối đầu với các phong trào của các giai tầng thấp Dalit và Bahujan bằng những lời chỉ trích cấp tiến mang tính đàn áp dựa trên hệ thống đẳng cấp từ những năm đầu của thập kỷ 1920. Ngược lại với những quan điểm tiến bộ tập trung vào đấu tranh xóa bỏ hệ thống đẳng cấp, phong trào dân tộc chủ nghĩa Hindu tập trung vào việc bảo vệ các giá trị nền tảng chung của “Hindu tính”.
BJP mở rộng phong trào mang tính ý thức hệ này sang lĩnh vực chính trị. Tại đây, lần đầu tiên họ gây chú ý là vào thập niên 1990 trong vai trò một lực lượng đối lập với các chính đảng đại diện các nhóm xã hội thuộc đẳng cấp thấp và Dalit, các lực lượng khi đó đang vận động với những khẩu hiệu chống phân biệt đối xử nhắm vào một số tầng lớp thuộc đẳng cấp trên trong xã hội. BJP phản đối lập trường này với những lời kêu gọi về tình đoàn kết toàn Hindu vượt qua những phân chia về giai tầng và đẳng cấp, và chống lại cả cộng đồng Hồi giáo thiểu số. Và với chính quyền của Modi, dựa trên nền tảng là phiếu bầu của những người ủng hộ tư tưởng “toàn Hindu”, tư tưởng chính trị này đạt đến quyền lực hầu như không có đối thủ và rào cản trong xã hội Ấn Độ.
Con đường tích lũy tư bản dưới thời chính phủ Modi
Trong chiến dịch tranh cử 2014, Narendra Modi đã tạo dựng hình ảnh của một Vikas Purush, hay con người của sự phát triển. Dưới ánh hào quang được quảng bá rằng chính trị gia này đã đạt được kỳ tích phát triển bang Gujarat, tại miền Tây của Ấn Độ, trong thời gian đảm nhiệm cương vị Thủ hiến bang (2001 – 2014), hình ảnh trước công chúng của ông là một nhà kỹ trị ủng hộ thị trường và mang lại phúc lợi cho toàn thể cộng đồng. Tuy nhiên trên thực tế, Modi không hề hoàn thành lời hứa tranh cử thủ tướng khi đó. Ngược lại, trong 3 năm trước đại dịch Covid-19, nền kinh tế Ấn Độ đã trong tình trạng trì trệ kéo dài. Nguyên nhân trực tiếp nhất của cơ chế chậm chạp này nằm ở chính sách kinh tế biệt đãi công khai giới doanh nhân. Từ năm 2014, Ấn Độ đã tự do hóa các cơ chế giám sát đầu tư, hủy bỏ các quy định về môi trường và cắt giảm đáng kể các khoản thuế nghĩa vụ xã hội.
Thế nhưng, để thực sự hiểu tương quan giữa bất bình đẳng kinh tế và quyền lực chính trị tại Ấn Độ hiện tại, cần phải nhìn xa hơn chân trời chính trị và đặt câu hỏi các lực lượng xã hội nào đã cổ vũ cho giai đoạn tự do mới hóa hiện tại. Nếu dựng một biểu đồ mô tả, ta sẽ thấy rất rõ trong đó quyền lực tư bản bà quyền lực nhà nước Ấn Độ hiện tại dưới thời chính phủ BJP liên hệ qua lại chặt chẽ với nhau. Một mặt, quá trình tự do mới hóa nền kinh tế thời thủ tướng Modi phụ thuộc rõ ràng vào điều kiện rằng nguồn tổng tư bản của Ấn Độ – cả gián tiếp (vai trò ngày càng quan trọng của đầu tư tư nhân) và trực tiếp (các mối liên hệ giữa các tác nhân doanh nghiệp và tác nhân chính trị) – đã liên tục gia tăng từ thập niên 1990.
Dưới thời thủ tướng Modi, quyền lực tư bản đã đạt tới đỉnh cao của mình, và hiện trạng này bộc lộ qua mức độ tập trung kinh tế và củng cố doanh nghiệp cao tới bất thường. Trên thực tế, khoảng 65-70% tổng lợi nhuận doanh nghiệp nằm trong tay của 20 doanh nghiệp lớn nhất đất nước. Và quá trình tập trung hóa và trung ương hóa tới lượt mình, lại thúc đẩy một mô hình phân chia lợi nhuận trong đó chính phủ cho phép một số doanh nghiệp được lựa chọn tạo ra siêu lợi nhuận, trong khi các doanh nghiệp này chia sẻ một phần lợi nhuận đó với đảng cầm quyền qua một luồng chẩy thanh toán thường xuyên giúp BJP có thể thực hiện những chiến dịch tranh cử quy mô trong giai đoạn 2014 – 2019 và nhiều hình thức vận động hiệu quả khác.
Nhưng điều này không có nghĩa rằng giới tư bản Ấn Độ đang là bên “cầm cái”. Ngược lại, quá trình tập quyền kinh tế và củng cố doanh nghiệp tại Ấn Độ thời Modi song hành với quá trình tập quyền và củng cố chính trị. Từ năm 2014, các quyết sách được tập trung tại Văn phòng Thủ tướng. Hơn nữa, chính phủ BJP đã tập quyền hóa quyền lực trong hệ thống liên bang Ấn Độ bằng cách bóp nghẹt quan hệ hợp tác giữa trung ương và các quan chức cấp bang trong lĩnh vực chính sách kinh tế. Tóm lại, cơ sở của quan hệ giữa Nhà nước và tư bản được thúc đẩy dưới thơi Modi chính là sự tương tác chặt chẽ giữa một nhóm nhỏ các tác nhân doanh nghiệp và một chính phủ trung ương mạnh mẽ và nhất thống.
Mặt trái của cái bắt tay chặt chẽ cùng có lợi này giữa Nhà nước và giới tư bản đầu sỏ dĩ nhiên là đời sống ngày càng bấp bênh của người lao động nghèo. Mối tương quan hoàn toàn bất bình đẳng này phản ánh xu hướng rằng kể từ khi bắt đầu quá trình tự do mới hóa nền kinh tế, cơ chế tăng trưởng Ấn Độ không mang lại một sự chuyển hóa cấu trúc nền kinh tế. Cơ chế này đã không tạo ra được sự dịch chuyển đáng kể nào khối lao động nông nghiệp sang khối phi nông nghiệp, thậm chí còn gây ra tỷ lệ thất nghiệp cao, và thậm chí nghiêm trọng hơn, cũng không giảm được tỷ lệ việc làm không chính quy trong lực lượng lao động, trong đó từ 80 – 90% số người lao động trong các doanh nghiệp nhỏ là lao động không chính quy và theo thời vụ.
Như vậy, các mối quan hệ lao động không chính quy trở thành một bộ phận cấu thành của tiến trình tăng trưởng kinh tế Ấn Độ, theo nghĩa là mức lương thấp của nền kinh tế bán công khai giúp duy trì lợi nhuận của bộ phận kinh tế chính quy. Tuy nhiên, trong khi những việc làm bấp bênh, thời vụ của bộ phận kinh tế không chính quy mang lại lợi nhuận cho các doanh nghiệp, chúng tất nhiên không đóng góp cho việc nâng cao đời sống và tái sinh sức lao động đối với giới lao động nghèo.
Hiện trạng này đưa ra một câu hỏi hiển nhiên: làm sao BJP có thể hài hòa một chính sách kinh tế tập trung của cải và lợi nhuận trong tay giới tinh hoa với việc chính thống hóa tình trạng đó để thu hút phiếu bầu của các tầng lớp người nghèo?
Chủ nghĩa dân tộc Hindu và quá trình chính thống hóa bất bình đẳng
Để trả lời câu hỏi trên, cần phải phân tích chủ nghĩa dân tộc Hindu đã vận dụng những ảo ảnh ý thức hệ của chủ nghĩa tự do mới vào chủ nghĩa dân túy toàn trị của Modi như thế nào. Dự án chính trị này có nguồn gốc là ý đồ xây dựng hàng rào phân chia rõ ràng giữa người dân Ấn Độ điển hình, “đích thực” với những “kẻ thù” phi dân tộc chủ nghĩa trong nội bộ đất nước. Là một nhân tố sáng lập then chốt của phong trào dân tộc chủ nghĩa Hindu, BJP xây dựng sự phân tách này bằng cách đồng bộ Nhà nước – quốc gia với nhân dân – quốc gia Hindu, và quảng bá ý tưởng rằng nhân dân – quốc gia Hindu, mà theo họ là Ấn Độ chân chính, đối mặt với những “kẻ khác biệt” xấu xa khác bao gồm từ những kẻ giầu có nhưng bại hoại, những người bất đồng chính kiến và trên hết là thiểu số người Ấn Độ theo đạo Hồi.
Trong nhiệm kỳ của Modi, quá trình định tính Nhà nước – quốc gia bằng dân tộc – quốc gia Hindu trước hết dựa trên một chính sách văn hóa theo đa số xoay quanh các vấn đề như bảo vệ linh vật bò cái, khuyến khích cải đạo từ Hồi giáo và Thiên chúa sang đạo Hindu, tinh thần cảnh giác đạo đức trước các mối quan hệ yêu đương khác tôn giáo hay phẩm hạnh của phụ nữ. BJP phát tán những luận điệu thù hận có liên quan trực tiếp tới tình trạng bạo lực bùng phát chống lại người theo đạo Hồi và những nhóm xã hội bên lề và yếu thế, như người Dalit. Bạo lực tôn giáo kết hợp cùng với chính sách đàn áp độc đoán những người bất đồng chính kiến góp phần xây dựng một nhận thức độc nhất của đa số tại Ấn Độ, trở thành nền tảng để chính thống hóa mô hình chính trị bá quyền của BJP và Modi.
Nhiệm kỳ cầm quyền thứ 2 của thủ tướng Modi diễn ra sau một chiến dịch tranh cử trong đó hình ảnh công chúng của ông được chuyển từ con người của sự phát triển thành một chiến binh không mệt mỏi của sự nghiệp Hindu ở cấp độ toàn Ấn Độ. Từ năm 2019, chính phủ của ông đã tiến bước đáng kể trên tiến trình củng cố Nhà nước – quốc gia toàn trị trong đó đặc tính của cộng đồng đa số nghiễm nhiên được xem là bản sắc chung của cả đất nước. Phương pháp chủ đạo của quá trình củng cố nền tảng chính trị – tư tưởng này là chính thống hóa bằng luật pháp. Từ việc hủy bỏ tư cách bang của vùng Kashmir cho tới việc đưa ra các đạo luật quy chế công dân bài Hồi giáo, những mệnh lệnh dân tộc chủ nghĩa Hindu đã được ấn định thành luật. Quá trình chính thống hóa tư tưởng dân tộc chủ nghĩa Hindu này song hành cùng sự tiếp nối các đợt công kích vào giới bất đồng chính kiến và xu hướng gia tăng bạo lực, kể cả từ các băng đảng quá khích cho tới các quan chức công quyền, nhằm vào cộng đồng thiểu số Hồi giáo.
Vậy ý tưởng Ấn Độ như một quốc gia Hindu đã giành được tính chính thống pháp lý bất chấp bất bình đẳng phi mã và tình trạng lao động tạm bợ ngày càng sâu sắc như thế nào? Một phần của câu trả lời chắc chắn liên quan tới kế cấu xã hội mà BJP đã thúc đẩy kể từ khi tham gia chính trường từ thập niên 1990, khi chính đảng này bắt đầu mở rộng được cơ sở ủng hộ sang các tầng lớp xã hội cấp thấp và giới Dalit đổi lấy tính đại diện và lợi ích vật chất trước mắt. Tuy nhiên, sau sự xuất hiện của một cơ sở cử tri “toàn Hindu” thì chiến lược này đã vượt ra ngoài một định hướng cơ cấu xã hội thuần túy. Để hiểu được đầy đủ việc BJP đã tăng mức độ ủng hộ của mình trong giới cử tri bình dân như thế nào, cần hiểu rõ khối kết hợp chủ nghĩa dân tộc Hindu và tư tưởng tự do mới đã tận dụng các cơ cấu cảm xúc phức tạp trong xã hội Ấn Độ ra sao, trong những diễn biến liên tục của quá trình phát triển kinh tế bất bình đẳng.
Theo lập luận chính trị của Modi, chủ nghĩa tự do mới và chủ nghĩa dân tộc Hindu hợp nhất đưa Ấn Độ vượt qua “tiền sảnh phòng chờ” của lịch sử nhân loại, và rằng quốc gia Nam Á này cuối cùng đã hoàn tất quá trình vươn lên từng dang dở trong thời gian dài để trở thành một cường quốc toàn cầu và tiến tới trạng thái thịnh vượng. Như nữ sử gia cận đại người Ấn Độ Ravinder Kaur đã nhận định, hình ảnh quốc gia như một ngôi sao đang lên là một phần của giấc mơ tư bản chủ nghĩa trong đó các nhà đầu tư và mọi công dân đều được hưởng lợi từ những vận động xã hội và sự thịnh vượng về vật chất. Nhưng đồng thời đây cũng là một phần của nền văn hóa khai sáng văn minh Hindu cổ xưa dưới những hình dáng mới, nhưng không thay đổi về bản chất nguồn gốc.
Và có thể nói sự pha trộn giữa 2 tư tưởng trên đã đưa ra được lời mời gọi hấp dẫn đối với các tầng lớp bình dân Ấn Độ như nhà xã hội học người Mỹ gốc Phi W.E.B Du Bois từng định nghĩa trước đây là “đồng lương tâm lý”. Khi đó Du Bois từ cố lý giải vì sao giới lao động nghèo da trắng tại Mỹ lại liên minh với giới đầu sỏ da trắng thay vì chung sức vào cuộc đấu tranh chống lại chế độ áp bức người lao động nghèo da đen. Câu trả lời mà ông đưa ra là yếu tố sắc tộc da trắng mang lại trải nghiệm về một điều kiện xã hội cao hơn, dù nhiều khi chỉ là cảm nhận, so với người da mầu, và lợi thế tinh thần này bù đắp phần nào được sự nghèo nàn về vật chất.
Áp dụng luận điểm vào bối cảnh kinh tế – xã hội và chính trị hiện tại của Ấn Độ, có thể thấy chủ nghĩa dân tộc tự do mới Hindu đang vận hành theo cách tương tự, với việc tạo ra những lợi thế tinh thần miễn phí làm “đồng lương tâm lý” cho người lao động bình dân theo tôn giáo đa số. Chủ nghĩa dân tộc Hindu đưa ra 2 hứa hẹn chủ yếu với người lao động nghèo mà đa phần cũng thuộc về những đẳng cấp thấp của đất nước theo hệ thống cấp bậc xã hội Hindu: một mặt kỳ vọng phát triển nuôi dưỡng khát vọng về vận động xã hội và xoa dịu những suy thoái xã hội đối với những người đang sống ngay trước ngưỡng nghèo cùng cực; mặt khác, dự án chính trị này bao hàm một lời hứa hẹn về phẩm giá theo “Hindu tính” khá đại chúng, mà theo truyền thống những người các đẳng cấp thấp trong hệ thống xã hội Hindu vẫn bị chối bỏ.
Cuối cùng, hiệu ứng của những “đồng lương tâm lý” này đóng vai trò then chốt trong chủ nghĩa dân túy toàn trị. Vào cuối thập niên 1970, nhà lý luận văn hóa Stuart Hall, người đã đưa ra khái niệm lý giải bản chất của dự án chính trị của “bà đầm thép” Margaret Thatcher để tái cấu trúc nền kinh tế chính trị của chủ nghĩa tư bản Anh quốc, từng chỉ rõ rằng thành công của chủ nghĩa dân túy toàn trị nằm ở “cách thức đề cập tới các vấn đề có thật, những trải nghiệm có thật và sống động, những mâu thuẫn có thật, nhưng có khả năng tóm gọn và đại diện chúng trong một logic lập luận tuyến tính một cách hệ thống với các chính sách và chiến lược của cánh hữu”.
Theo người viết, thành công của chủ nghĩa dân tộc tự do mới Hindu của Modi cũng đã vận hành một cơ chế rất tương đồng, dựa trên những đồng lương tâm lý, và điều này giúp cho BJP tránh cho cuộc khủng hoảng xã hội đang hiện hữu mạnh mẽ tại Ấn Độ không chuyển hóa thành một cuộc khủng hoảng chính trị, và duy trì được bá quyền có vẻ như sẽ còn kéo dài trong xã hội Ấn Độ.
Cuộc bầu cử tại bang Karnataka
Sẽ là bất cẩn nếu kết luận bài viết này mà không nhìn lại cuộc bầu cử cấp bang quan trọng trên chính trường Ấn Độ hồi tháng 5/2023: cuộc bầu cử nghị viện tại bang miền Nam Karnataka. Theo kết quả chính thức, Đảng Quốc đại đối lập đã giành chiến thắng trước BJP và gia tăng số ghế trong nghị viện bang từ 80 lên 135 ghế, đồng nghĩa với một đa số khá thoải mái trong cơ quan lập pháp địa phương này. Đảng Quốc đại đã tiến hành chiến dịch tranh cử dựa trên nền tảng những cam kết về các dự án phúc lợi xã hội, kết hợp với nỗ lực tập hợp các lực lượng thuộc giai tầng thấp, người Dalit và những cộng đồng thiểu số qua việc nhấn mạnh tính thế tục và tính đa dạng trong dự án chính trị của mình. Do đó, có thể không quá vội vàng khi suy luận rằng chiến thắng của họ đại diện cho những phản kháng chống lại chủ nghĩa dân tộc tự do mới Hindu của BJP, lực lượng chỉ còn kiểm soát 66 ghế trong nghị viện bang, so với 104 từng giành được trong cuộc bầu cử 2018.
Cũng có vẻ hợp lý khi nhận định rằng sự kiện này có ý nghĩa vì Karnataka được coi như biên giới phía Nam chặn lại bước tiến của BJP và phong trào dân tộc chủ nghĩa Hindu trên toàn đất nước rộng lớn này. Chính đảng của thủ tướng Modi từng nắm được quyền lực tại bang then chốt này sau cuộc bầu cử 2018 khi Đảng Quốc đại và Janata Dal – chính đảng đại diện cho những nhóm xã hội thuộc đẳng cấp thấp – hứng chịu một loạt các cuộc “đào ngũ”, và kể từ thời điểm đó, chính quyền BJP cấp bang đã tiến hành chính sách cấp tiến đàn áp thiểu số, đơn cử như việc cấm các nữ sinh không được sử dụng khăn trùm Hijab (đặc trưng của phụ nữ Hồi giáo). BJP sau đó cũng “càn quét” cuộc tổng tuyển cử cấp bang năm 2019, và phong trào dân tộc chủ nghĩa Hindu đã hoạt động tích cực để thúc đẩy xu hướng phân cực tôn giáo tại bang này, một nỗ lực được thể hiện một cách cực đoan qua một số cuộc tấn công người Hồi giáo. Tuy nhiên, do cuộc bầu cử 2023 đã khiến BJP đánh mất quyền lực chính trị cấp bang tại toàn bộ miền Nam của Ấn Độ, một số nhà quan sát nhanh chóng nhận định rằng bước tiến của họ tại khu vực này đã bị chặn lại.
Tuy nhiên, một phân tích kỹ lưỡng hơn kết quả bầu cử của nhà báo kỳ cựu Shivasundar cho thấy cách diễn giải trên có thể đã lạc quan quá mức. Trong một bình luận chi tiết và sắc sảo, cây bút này chỉ ra rằng cho dù hệ thống đa số đơn giản đã khiến BJP đánh mất gần 40 ghế nghị sĩ bang tại Karnataka, tỷ lệ phiếu bầu ủng hộ của họ năm 2023 (36%) vẫn tương đương mức của cuộc bầu cử 2018, thậm chí về số lượng tuyệt đối, chính đảng này còn thu hút được thêm gần 800.000 cử tri so với cuộc bầu cử lần trước. Có thể các số liệu này không quá nổi bật xét từ khía cạnh phân chia ghế nghị sĩ, nhưng chúng cho thấy BJP vẫn tiếp tục củng cố cơ sở ủng hộ của mình tại bang chiến địa này. Nhà báo này còn đưa ra một vài số liệu bổ trợ khác chứng minh xu hướng tương tự.
Một yếu tố quan trong hàng đầu là BJP dường như chưa hề đánh mất sự ủng hộ của những Lingayat (một chi phái của đạo Hindu, phổ biến tại miền Nam Ấn Độ), cộng đồng trên thực tế bao gồm cả đẳng cấp thống trị đời sống chính trị tại Karnataka, khi vẫn duy trì được tỷ lệ phiếu bầu ủng hộ trong cộng đồng tôn giáo này và các nhóm thuộc giai tầng cao và thống trị khác theo hệ thống phân chia đẳng cấp của Hindu giáo. Thứ nữa, BJP cũng không đánh mất chút nào sự ủng hộ tại các khu vực trong bang nơi chính đảng này và phong trào dân tộc chủ nghĩa Hindu nỗ lực thúc đẩy phân cực tôn giáo, thậm chí tỷ lệ ủng hộ dành cho họ tại tất cả các khu vực này đều tăng, bao gồm cả khu vực đô thị Bangalore, nơi số phiếu bầu cho BJP còn vượt cả Đảng Quốc đại. Ngoài ra, như Shivasundar nhấn mạnh, còn phải lưu ý tới xu hướng về dài hạn là sự tăng trưởng đều đặn tỷ lệ ủng hộ cử tri, xét theo % phiếu bầu, của BJP tại Karnataka, từ mức 4,4% năm 1989 tới mức 36% trong các năm 2018 và 2023.
Việc phân tích sự kiện bầu cử này cho thấy sức mạnh cơ bản của BJP và phong trào dân tộc Hindu nằm ở khả năng xây dựng một cơ sở xã hội vững chắc về dài hạn. Một tiến trình tương tự cũng đang diễn ra tại bang Tây Bengal, tại miền Đông Ấn Độ, nơi BJP từ mức chỉ có 3 ghế nghị viện bang trong cuộc bầu cử lập pháp năm 2016 đã giành được tới 77 ghế năm 2021, trở thành lực lượng đối lập lớn nhất tại bang này. Tất nhiên, chiến lược bền chắc về mặt tổ chức và vận động này chính là yếu tố cốt lõi để đưa BJP tới vị thế bá quyền hiện tại trên chính trường Ấn Độ.
Những yếu tố kể trên không hề phủ nhận tiềm năng mạnh mẽ của một chính sách tương phản dựa trên phúc lợi và các quyền phổ quát có lợi cho các tầng lớp thấp như các nhóm người Dalit và Bahujan. Chỉ có điều trong bối cảnh hiện tại của chính trường Ấn Độ, cần tránh đưa ra những kết luận vội vã và lạc quan quá mức như phân tích vừa nêu về trường hợp của bang Karnataka đối với cuộc tổng tuyển cử toàn quốc năm 2024. Cần nhớ rằng năm 2018, BJP cũng từng thất bại trong các cuộc bầu cử địa phương tại các bang các vùng phía Tây và phía Bắc của Ấn Độ – thành trì truyền thống của họ, cũng như phải đối đầu với các cuộc biểu tình diện rộng của giới nông dân, thế nhưng, cuối cùng họ vẫn chiến thắng cuộc tổng tuyển cử năm 2019 và thậm chí còn mở rộng được lợi thế đa số tại nghị viện quốc gia của mình so với năm 2014.
Tóm lại, những “đồng lương tâm lý” của chủ nghĩa dân tộc tự do mới Hindu vẫn có khả năng đóng góp ở mức độ then chốt cho khả năng hiệu triệu cử tri của thủ tướng Narendra Modi và chính đảng BJP trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới./.
Biên tập và chuyển ngữ: Uyển My
Về tác giả: Alf Gunvald Nilsen là Giáo sư Khoa Xã hội học, đồng thời là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Châu Á tại Đại học Pretoria, Nam Phi.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Vui lòng không sao chép khi chưa được phép. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]