Sau giai đoạn hòa hoãn ngắn trong quan hệ song phương Philippines – Trung Quốc thời cựu Tổng thống Duterte, căng thẳng trên biển xung quanh các khu vực tranh chấp giữa Manila và Bắc Kinh đang có dấu hiệu leo thang nhanh chóng. Tổng thống đương nhiệm của Philippines – Marcos Jr. đã cho thấy nhiều điều chỉnh khác biệt so với người tiền nhiệm về vấn đề Biển Đông (Manila gọi là Biển Tây Philippines).
Trong những ngày đầu của năm 2023, Tổng thống Philippines Ferdinand R. Marcos Jr. đã có chuyến thăm cấp nhà nước tới Bắc Kinh theo lời mời của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Chuyến thăm này có ý nghĩa quan trọng nhằm định vị mối quan hệ giữa hai nước trong nhiệm kỳ cầm quyền của ông Marcos Jr. Điều đáng chú ý là trong tuyên bố chung, hai bên đã thống nhất giải quyết phù hợp những khác biệt thông qua các biện pháp hòa bình. Hai bên tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, ổn định ở khu vực cũng như tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông, đồng thời đạt được sự đồng thuận về giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông. Biển Đông (DOC), Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS)[1]. Các động thái thiện chí của hai bên đã mở ra những triển vọng mới cho quan hệ hai nước. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, các diễn biến trên thực địa đã cho thấy điều ngược lại. Khác với những mong đợi từ những tuyên bố tích cực về việc xử lý tranh chấp trên biển hồi đầu năm, căng thẳng Philippines – Trung Quốc đã gia tăng nhanh chóng mở đầu từ những va chạm xung quanh bãi Cỏ Mây (Philippines gọi là Ayungin, trong khi Trung Quốc gọi là Nhân Ái). Đồng thời, căng thẳng trên biển giữa hai nước đang có xu hướng lan rộng. Điều đó đang tạo ra những áp lực mới đối với tình hình khu vực.
Mâu thuẫn trên biển gia tăng giữa Philippines và Trung Quốc
Căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc xung quanh bãi Cỏ Mây bắt đầu nổi lên vào ngày 06/02/2023, khi Philippines tố một tàu hải cảnh Trung Quốc đã chiếu tia laser vào tàu của Philippines ở khu vực xung quanh bãi Cỏ Mây. Đến ngày 14/02/2023, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos đã triệu Đại sứ Trung Quốc Hoàng Khê Liên tới để bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về sự việc này. Trong khi đó, phía Trung Quốc bác bỏ các cáo buộc từ phía Philippines. Tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 15/02/2023, ông Uông Văn Bân cho rằng: “Tàu Trung Quốc đã sử dụng máy đo tốc độ laser cầm tay để đo khoảng cách và tốc độ của tàu Philippines. Việc sử dụng tia laser của nước này không nhằm gây hại đối với nhân viên và thiết bị của phía Philippines”[2].
Hai bên đã có những động thái đối thoại nhằm làm giảm tình hình căng thẳng. Cụ thể, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tôn Vệ Đông đã có chuyến thăm Philippines trong 3 ngày 22-24/3/2023. Trong cuộc gặp gỡ song phương, hai bên đã đạt được đồng thuận về việc nỗ lực giải quyết các vấn đề trên biển thông qua đối thoại, hòa bình. Theo nguồn tin của Reuters, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Philippines Theresa Lazaro nói rằng: “Lãnh đạo hai nước nhất trí rằng các vấn đề hàng hải nên được giải quyết thông qua ngoại giao và đối thoại, và không bao giờ thông qua áp bức và đe dọa”[3].
Tuy nhiên, các động thái thiện chí của hai bên chỉ giúp tình hình tạm lắng xuống trong một thời gian ngắn.
Ngày 06/8/2023, Philippines thông báo Lực lượng Hải cảnh Trung Quốc đã có hành động “nguy hiểm”, sử dụng vòi rồng “bất hợp pháp” đối với các tàu dân sự do Lực lượng Bảo vệ bờ biển và Lực lượng vũ trang Philippines thuê để tiếp tế cho căn cứ ở bãi Cỏ Mây (Philippines gọi là Ayungin). Thực chất, căn cứ này là một con tàu mắc cạn có tên Sierra Madre. Đây là vụ va chạm “toàn diện” lớn thứ hai giữa Trung Quốc và Philippines tại bãi Cỏ Mây trong năm nay. Manila đã đưa ra tuyên bố rằng: “Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines (PCG) mạnh mẽ lên án hành động nguy hiểm của Lực lượng Tuần duyên Trung Quốc cũng như hành vi sử dụng trái phép vòi rồng nhằm vào các tàu của PCG… Chúng tôi kêu gọi Hải cảnh và Quân ủy Trung ương Trung Quốc hành động thận trọng và có trách nhiệm để ngăn chặn những tính toán sai lầm và sự cố có thể đe dọa tính mạng người khác”[4]. Về phía Trung Quốc, nước này cho rằng Philippines đang có những động thái làm thay đổi hiện trạng bãi Cỏ Mây (Bắc Kinh gọi là Nhân Ái). Họ bắt đầu cung cấp vật liệu xây dựng tới bãi Cỏ Mây, gia cố thân tàu và xây dựng cơ sở vật chất[5]. Sự việc đã khiến tình hình trên Biển ngày càng trở nên phức tạp hơn.
Không dừng lại ở vấn đề xung quanh bãi Cỏ Mây, căng thẳng Philippines – Trung Quốc đang có dấu hiệu mở rộng sang các khu vực tranh chấp khác. Cuối tháng 9/2023, nguồn tin của SCMP dẫn lời người phát ngôn Lực lượng Bảo vệ bờ biển Philippines, Thiếu tướng hải quân Jay Tarriela rằng: “Kể từ khi chính quyền mới nhậm chức, chúng tôi (Philippines) đã lên chiến lược làm thế nào để có thể giành lại quyền kiểm soát Bajo de Masinloc (tên gọi địa phương của bãi cạn Scarborough)”[6].
Trong khi căng thẳng trên biển chưa được tháo gỡ, thì ngày 02/10/2023, Philippines đã cùng với Mỹ và nhiều nước ngoài khu vực tiến hành cuộc tập trận chung mang tên “Samasama” trong hai tuần ở khu vực đảo Luzon. Điều này càng khiến quan hệ Philippines và Trung Quốc trở nên xấu đi.
Như vậy, có thể thấy, cả Trung Quốc và Philippines đều đang chủ động trong giành lại lợi ích tại các khu vực tranh chấp, đặc biệt ở khu vực bãi Cỏ Mây – nơi Philippines đang duy trì sự hiện diện và ở bãi cạn Scarborough – nơi Trung Quốc đang đóng giữ. Manila cũng đang thể hiện sự chủ động không thường thấy trong tranh chấp với Bắc Kinh.
Dự báo trong thời gian tới, căng thẳng sẽ còn tiếp tục gia tăng giữa hai bên trên biển Đông. Hồ Ba – Chủ nhiệm Chương trình Nhận thức tình huống chiến lược Nam Hải (tức Biển Đông) đã nhận định rằng: Philippines sẽ tiếp tục lôi kéo các lực lượng vận động hành lang thế giới đứng vào “đội quân” chống Trung Quốc ở Biển Đông. Đáng chú ý có Australia, Nhật Bản, Ấn Độ và các nước châu Âu như Anh và Pháp. Philippines có thể sẽ “tố cáo Trung Quốc” tại các diễn đàn hợp tác Đông Á và thậm chí cả Đại Hội đồng Liên Hợp quốc. Đồng thời, Manila đang lên kế hoạch cho các liên minh an ninh tiểu đa phương như Mỹ-Philippines-Nhật Bản, Mỹ-Australia-Nhật Bản và Mỹ-Australia-Philippines để gây áp lực chiến lược lớn hơn đối với Trung Quốc. Bên cạnh đó, Manila cũng sẽ tăng cường cuộc chiến dư luận và nhận thức về vấn đề Biển Đông; tăng cường “cọ xát” tại các điểm khác bên ngoài Bãi Cỏ Mây. Một học giả Trung Quốc cho rằng, trong trường hợp tình hình bãi Cỏ Mây có khả năng phát sinh rủi ro cao và Manila khó có được ưu thế, Philippines có thể sẽ tăng cường sự hiện diện và khiêu khích tại các địa điểm nhạy cảm khác như bãi cạn Scarborough, SandyCay và Whitson (Trung Quốc gọi là Hoàng Nham, Thiết Tuyến và Ngưu Ách)[7].
Nguyên nhân của những căng thẳng
Khác với những căng thẳng trên biển giữa Manila và Bắc Kinh trước đây, các sự việc xung quanh bãi Cỏ Mây và động thái mới ở bãi Scarborough đang cho thấy một Philippines chủ động hơn. Điều này có phần mâu thuẫn với tinh thần hữu nghị, tích cực trong quan hệ hai bên sau chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng thống Marcos Jr hồi đầu năm 2023. Điều gì đang tạo ra những thay đổi đó? Có thể đưa ra một vài lý giải như sau:
Từ phía Trung Quốc
Bắc Kinh có lý do để cảm thấy bất an trước sự gia tăng ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực thông qua “cánh cửa” Philippines. Bằng chứng là việc Mỹ không chỉ được sử dụng nhiều căn cứ quân sự ở Philippines hơn mà còn đang lôi kéo nhiều đồng minh can dự vào khu vực. Cảm giác bất an của Bắc Kinh trở thành động lực quan trọng cho các phản ứng cứng rắn trên biển của Trung Quốc.
Mặt khác, tham vọng thống nhất Đài Loan về với Đại lục càng gần kề, Trung Quốc càng có lý do để quyết tâm mở rộng và duy trì phạm vi kiểm soát trên biển ở khu vực biển Đông.
Và động lực thứ ba từ phía Bắc Kinh đó là việc nước này đang có những vấn đề nội bộ lớn khi vừa cách chức cựu Ngoại trưởng Tần Cương, nay Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lý Thượng Phúc cũng mất tích được gần 2 tháng (kể từ cuối tháng 8). Giới truyền thông phương Tây đồn đoán ông Lý Thượng Phúc đang bị kỷ luật liên quan đến vấn đề tham nhũng trong PLA. Bắc Kinh hiện vẫn không có bình luận gì về vấn đề này. Tuy nhiên, như thường lệ, Trung Quốc muốn sử dụng các sự biến gây căng thẳng vùng ngoại vi nhằm đẩy mối quan tâm của dư luận ra bên ngoài.
Từ phía Philippines
Thứ nhất, tác động của Mỹ và mối quan hệ Philippines – Mỹ. Sau khi lên nắm quyền, ông Marcos Jr đã tích cực tăng cường mối quan hệ với đồng minh so với người tiền nhiệm. Washington và Manila đang trải qua thời kỳ nồng ấm nhất kể từ thời cựu Tổng thống Duterte. Mỹ đã đạt được thỏa thuận gia tăng sự hiện diện tại quốc đảo Đông Nam Á với việc được sử dụng 9 căn cứ quân sự trên lãnh thổ Philippines (tăng thêm 4 căn cứ mới). Đồng thời, Philippines cũng đang tăng cường quan hệ với các đồng minh khác của Mỹ ở Thái Bình Dương như Nhật Bản và Australia. Các tương tác này đang tạo ra một “chỗ dựa” mới cho Manila, đủ để tạo động lực cho quốc đảo Đông Nam Á này thay đổi quan điểm trong quan hệ với Trung Quốc thông qua chuyến thăm đầu năm của ông Marcos Jr.
Thứ hai, cũng có phần liên quan đến nhân tố Mỹ, đó là việc Washington đang muốn giảm áp lực cho Đài Loan trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường các hoạt động xung quanh hòn đảo này. Việc đẩy cao căng thẳng Trung Quốc – Philippines có thể trở thành một giải pháp hiệu quả nhằm kéo giãn lực lượng trên biển của Bắc Kinh về phía Nam. Philippines sẽ đóng vai trò đáng kể trong việc kiềm chế các hoạt động của Trung Quốc.
Thứ ba, tiềm lực của Philippines đã có sự gia tăng đáng kể, tiếp thêm sự tự tin cho Manila trong các tranh chấp với Trung Quốc. Năm 2023, Philippines đã gấp rút trang bị cho thủy quân lục chiến 3 tổ hợp tên lửa chống hạm siêu âm BrahMos từ Ấn Độ, trang bị các tổ hợp tên lửa phóng loạt cơ động cao M142 (HIMARS) cho lục quân. Philippines cũng đang đàm phán để mua tàu ngầm lớp Scorpène của Pháp. Đồng thời, 2 khinh hạm mà Tập đoàn Hyundai (Hàn Quốc) chế tạo theo hợp đồng năm 2018 đã được bàn giao cho Bộ Quốc phòng Philippines. Tổng số ngân sách chi tiêu quốc phòng của Philippines từ năm 2021 đến năm 2023 lên tới hơn 4,3 tỷ USD/năm, gấp nhiều lần giai đoạn trước đó[8].
Thứ tư, xuất phát từ chủ nghĩa dân túy đang lên ở quốc đảo Đông Nam Á, Tổng thống Marcos Jr. đang muốn thu hút sự ủng hộ của người dân trong nước bằng cách thể hiện Chính phủ Manila không mềm yếu trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ. Mâu thuẫn giữa Philippines với Trung Quốc sẽ trở thành cái cớ hoàn hảo cho Manila điều chỉnh chính sách, tăng cường liên kết với các đồng minh khác của Mỹ mà vẫn có được sự ủng hộ của dư luận. Với lý do này, Philippines có thể sẽ tiếp tục có thêm các động thái cứng rắn mới. Cũng có nghĩa rằng, mâu thuẫn trên biển sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.
Hệ lụy đối với khu vực
Mâu thuẫn Philippines – Trung Quốc hiển nhiên sẽ có tác động mạnh tới tình hình hòa bình, ổn định ở khu vực Đông Nam Á nói riêng và Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nói chung.
Một là, căng thẳng trên biển giữa Philippines và Trung Quốc đang đặt khu vực vào một tình thế tiến thoái lưỡng nan. Hội nghị Cấp cao ASEAN vừa diễn ra tháng 9/2023 cũng đã cho thấy những phản ứng mờ nhạt của tổ chức hợp tác khu vực Đông Nam Á về những căng thẳng ở biển Đông. Sự thất bại trong hợp tác nội khối một lần nữa được khơi gợi lại, tương tự như trường hợp năm 2012, Hội nghị Cấp cao ASEAN không thể ra được một tuyên bố chung về vấn đề Biển Đông. Như vậy, tác động dễ thấy đầu tiên là việc lòng tin chiến lược trong quan hệ nội khối ASEAN đang đứng trước một thách thức lớn. Trường hợp các nước trong khu vực không xử lý được hài hòa vấn đề này, đoàn kết khu vực sẽ suy giảm, vai trò trung tâm của ASEAN vì vậy cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, tạo cơ hội cho các cường quốc bên ngoài khu vực gia tăng can thiệp vào tình hình khu vực.
Hai là, căng thẳng leo thang sẽ thúc đẩy quá trình tự điều chỉnh cấu trúc an ninh mới cho khu vực. Xuất phát từ thế yếu hơn so với Trung Quốc, thông qua việc tìm kiếm các đồng minh, đối tác hỗ trợ cho Philippines, quốc đảo này đang mở ra cánh cửa cho các thế lực bên ngoài can thiệp vào Đông Nam Á. Vai trò của các bên trong cấu trúc an ninh truyền thống cũng có những thay đổi đáng kể, đặc biệt là Mỹ sẽ có vị thế ngày một lớn. Một cấu trúc an ninh phức tạp như vậy chỉ khiến tình hình khu vực trở nên căng thẳng hơn.
Ba là, căng thẳng trên biển khiến quá trình đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC) trở nên khó khăn hơn, thậm chí lâm vào tình cảnh bế tắc. Trải qua hơn 20 năm đàm phán, ASEAN và Trung Quốc mới có thể bắt đầu bước vào những vòng đàm phán đầu tiên trong việc thống nhất nội dung Bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông. Mọi nỗ lực này có thể tan biến bởi 2 yếu tố: (1) Sự bất đồng quan điểm của Philippines với phần còn lại của Đông Nam Á cũng như Trung Quốc; (2) Sự thay đổi chiến lược của Bắc Kinh. Mong muốn tìm kiếm giải pháp quản trị an ninh trên biển Đông của ASEAN sẽ ngày càng trở nên khó khăn hơn.
Bốn là, nguy cơ xung đột có thể xảy ra, tuy nguy cơ này không quá lớn, nhưng không thể loại trừ. Với việc tiềm lực quân sự của Philippines đã được tăng cường, cùng với tham vọng đòi lại bãi cạn Scarborough từ tay Trung Quốc của Philippines, xác suất va chạm trên biển giữa hai bên sẽ gia tăng. Nếu hai bên không kiểm soát tốt tình hình, các va chạm này có thể dẫn tới xung đột cục bộ – điều vốn không có lợi đối với tình hình an ninh khu vực và rộng hơn là vấn đề tự do hàng hải của toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Một cuộc xung đột như vậy cũng sẽ là một đòn giáng mạnh vào tinh thần của Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC).
Một số vấn đề đặt ra đối với Việt Nam
Với tư cách là một bên có liên quan trực tiếp tới vấn đề tranh chấp trên biển Đông, căng thẳng giữa Philippines với Trung Quốc mang đến nhiều bài học kinh nghiệm quan trọng.
Thứ nhất, sự thất thường trong chính sách xử lý tranh chấp trên biển của Manila vẫn chưa cho thấy những hiệu quả rõ ràng. Kể cả việc có sự hậu thuẫn không nhỏ từ các thế lực bên ngoài, Philippines vẫn chưa thể tạo ra những thay đổi đáng kể, giành lại được những lợi ích như nước này mong muốn. Đối với Việt Nam, điều này mang đến một bài học quan trọng trong việc phải duy trì chính sách ổn định, tự chủ, nỗ lực giải quyết mâu thuẫn dựa trên cơ sở lợi ích chính đáng của tất cả các bên liên quan. Sự xuất hiện của các yếu tố can thiệp bên ngoài không phải là một giải pháp an toàn, hiệu quả cho chiến lược bảo vệ chủ quyền trên biển.
Thứ hai, việc tự chủ, tự lực, tự cường không có nghĩa là tách rời giá trị tinh thần, lợi ích và sự đoàn kết của toàn khu vực. Trước cuộc đua chiến lược giữa các nước lớn, bản thân các quốc gia Đông Nam Á bao gồm cả Việt Nam không thể tự mình giải quyết tất cả các vấn đề. Do đó, việc duy trì vai trò trung tâm của ASEAN là điều đặc biệt quan trọng. Các hành động đơn phương của Manila, tách rời ý chí chung của ASEAN thời gian qua có tác động tiêu cực tới tính thống nhất của khu vực Đông Nam Á. Việt Nam cần tiếp tục tích cực bảo vệ, tham gia nâng tầm vai trò trung tâm của ASEAN, tránh việc tạo cơ hội cho các cường quốc chia rẽ đoàn kết khu vực.
Thứ ba, việc tăng cường sức mạnh quân sự là cần thiết, nhưng chưa đủ và khó có thể san bằng được khoảng cách chênh lệch với các siêu cường như Trung Quốc. Do vậy, các biện pháp ngoại giao là cần thiết, tránh việc lạm dụng các giải pháp “phi ngoại giao” ở trên thực địa. Trước nguy cơ căng thẳng có thể dẫn đến xung đột, bản thân Philippines sẽ không còn nắm được thế chủ động do phụ thuộc vào năng lực hỗ trợ từ bên ngoài. Việt Nam có thể tham khảo được từ bài học vận dụng giải pháp ngoại giao với hoạt động của các lực lượng chấp pháp trên thực địa một cách hài hòa.
Cuối cùng, căng thẳng Philippines – Trung Quốc đang cho thấy sự can dự đang gia tăng của các cường quốc bên ngoài. Các bên đều đang lợi dụng mâu thuẫn của Philippines với Trung Quốc nhằm hợp thức hóa sự hiện diện ở Đông Nam Á thông qua “cánh cửa Philippines”. Đây cũng là một bài học kinh nghiệm quan trọng đối với Việt Nam trong việc xử lý hài hòa quan hệ với các nước lớn. Việt Nam cần thận trọng, tìm cách đẩy mâu thuẫn giữa các siêu cường ra bên ngoài, duy trì chính sách bốn không, tích cực chủ động phòng ngừa các tác động tiêu cực từ cuộc đua chiến lược giữa các nước lớn ở khu vực Đông Nam Á nói chung và vấn đề biển Đông nói riêng./.
Tác giả: Hoàng Hải
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết trùng với quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược (NCCL), vui lòng không sao chép khi chưa được phép. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với Ban Biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
Tài liệu tham khảo:
[1] Xinhuanet (2023), Joint Statement between the People’s Republic of China and the Republic of the Philippines, http://eng.chinamil.com.cn/CHINA_209163/TopStories_209189/10209912.html
[2] 中华人民共和国外交部 (2023), 2023年2月15日外交部发言人汪文斌主持例行记者会, https://www.fmprc.gov.cn/fyrbt_673021/jzhsl_673025/202302/t20230215_11025417.shtml
[3] Karen Lema & Neil Jerome Morales (2023), “Philippines, China to use diplomacy to address maritime issues”, Reuters, https://www.reuters.com/world/asia-pacific/philippines-china-say-need-work-together-over-maritime-issues-2023-03-24/
[4] Jake Kwon & Heather Chen (2023), “Philippines accuses China of firing water cannons at its ships in South China Sea”, CNN, https://edition.cnn.com/2023/08/06/asia/philippines-chinese-vessels-south-china-sea-intl-hnk/index.html
[5] Nguyễn Phượng (dịch, 2023), “Lý giải nguyên nhân gia tăng xung đột giữa Trung Quốc và Philippines xung quanh vụ bãi Cỏ Mây”, Nghiên cứu Chiến lược, https://nghiencuuchienluoc.org/ly-giai-nguyen-nhan-gia-tang-xung-dot-giua-trung-quoc-va-philippines-xung-quanh-vu-bai-co-may/
[6] SCMP (2023), South China Sea: Philippines aims to ‘take control again’ of shoal from China amid rising tensions, https://www.scmp.com/week-asia/politics/article/3235847/south-china-sea-philippines-aims-take-control-again-shoal-china-amid-rising-tensions
[7] 胡波 (2023), “仁爱礁局势:走向长期灰色地带对抗”, 国际网, http://comment.cfisnet.com/2023/0908/1328586.html
[8] Hoàng Hoa (2023), “Thái độ mới của Philippines trong cạnh tranh địa chiến lược Trung – Mỹ tại Biển Đông”, Spunik News, https://sputniknews.vn/20230930/thai-do-moi-cua-philippines-trong-canh-tranh-dia-chien-luoc-trung–my-tai-bien-dong-25562935.html