Các mức thuế mới của chính quyền Tổng thống Biden sẽ không cứu được ngành sản xuất của Mỹ cũng như không làm giảm sự phụ thuộc vào công nghệ xanh của Trung Quốc.
Khi hai ứng viên tranh cử cho nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ tiếp theo – Joe Biden và Donald Trump – cạnh tranh xem ai có thể tăng thuế đối với Trung Quốc nhiều nhất để giành được phiếu bầu của giới cổ xanh, cả hai đều bỏ qua những hạn chế của chủ nghĩa bảo hộ và việc “tách rời” khỏi Trung Quốc. Cụ thể, Mỹ kỳ vọng có thể có cơ hội dẫn đầu toàn cầu, tăng trưởng kinh tế và tiến bộ về vấn đề chống biến đổi khí hậu khi nước này quay lưng với Trung Quốc và áp đặt mức thuế cao.
Vấn đề suy thoái trong tầng lớp trung lưu ở Mỹ
Một vấn đề ít được phổ biến, Mỹ được hưởng lợi nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác từ sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế. Chắc chắn có sự dịch chuyển về lao động trong quá trình toàn cầu hóa, nhưng Mỹ đã liên tục mất việc làm trong lĩnh vực sản xuất kể từ những năm 1980, rất lâu trước khi Trung Quốc trở thành một cường quốc kinh tế. Đổi mới công nghệ và tự động hóa đã và đang trở thành mối đe dọa đáng kể hơn trong việc làm giảm nhu cầu sử dụng người lao động. Cú sốc Trung Quốc đã khiến khoảng 130.000 công nhân bị mất việc mỗi năm trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến năm 2015, và đó chỉ là một “phần nhỏ” trong tổng số 60 triệu người bị mất việc hàng năm.
Nếu có thất bại thì đó là vấn đề chính trị. Các chương trình đào tạo lại phần lớn không đạt được hiệu quả, trong khi trình độ học vấn của học sinh trung học Mỹ tụt hậu so với học sinh các quốc gia khác. Hiểu được nguyên nhân thực sự gây ra “cơn ác mộng” của tầng lớp trung lưu Mỹ là điều quan trọng. Một nghiên cứu gần đây của Trung tâm Nghiên cứu Pew cho thấy gần 60% việc làm ở Mỹ có “mức độ tiếp xúc với AI khác nhau”, với gần 1/5 số người tiếp xúc nhiều nhất với AI. Số người này cũng là nhóm thường được trả lương cao ở tầng lớp trung lưu. Các doanh nghiệp đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nhân công công nghệ lành nghề và điều này sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn trừ khi hệ thống giáo dục Mỹ cải thiện việc đào tạo kỹ năng của mình.
Hậu quả của việc “tách rời” khỏi Trung Quốc
Mặc dù thuế quan được nhiều người coi là nhằm bảo vệ việc làm cho người Mỹ nhưng chúng không phải là giải pháp lâu dài. Tập đoàn Rhodium đã tính toán vào năm 2021 rằng nếu đánh thuế 25% đối với toàn bộ khối lượng thương mại hai chiều Mỹ-Trung, Mỹ sẽ mất 190 tỷ USD GDP hàng năm vào năm 2025. Trong lĩnh vực đầu tư, nếu việc “tách rời” dẫn đến việc bán một nửa tổng số đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Mỹ vào Trung Quốc, các nhà đầu tư Mỹ sẽ mất 25 tỷ USD mỗi năm từ lãi vốn và tổn thất GDP một lần lên tới 500 tỷ USD.
Việc tự cô lập mình về mặt kinh tế khỏi phần còn lại của thế giới có những tác động đáng tiếc đối với ảnh hưởng toàn cầu của Mỹ. Năm 2000, Mỹ là cường quốc dẫn đầu thương mại toàn cầu, với hơn 80% quốc gia giao dịch với nước này nhiều hơn Trung Quốc. Đến năm 2018, con số đó đã giảm mạnh xuống chỉ còn 30% khi Trung Quốc chiếm vị trí dẫn đầu tại 128 trên 190 quốc gia. Với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc đang chậm lại, Mỹ có thể ở vị thế thuận lợi để mở rộng và củng cố khả năng ảnh hưởng của mình. Tuy nhiên, thành công của nó sẽ phụ thuộc vào khả năng mở rộng ảnh hưởng kinh tế, đặc biệt là thông qua các hiệp định thương mại tự do và tận dụng sự tham gia nhiều hơn của Nam bán cầu vào quá trình ra quyết định toàn cầu.
Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan hứa rằng chiến lược mới của chính quyền Biden về các biện pháp bảo hộ chống lại Trung Quốc và chính sách công nghiệp mới sẽ “xây dựng một trật tự kinh tế toàn cầu công bằng hơn, bền vững hơn, vì lợi ích của chính nước Mỹ và toàn cầu”. Trớ trêu thay, bằng cách tự bảo vệ mình nhờ các rào cản bảo hộ, Mỹ chỉ đang nhường lại vị thế cho Trung Quốc, quốc gia vốn là nhà cung cấp hỗ trợ phát triển kinh tế hàng đầu bên cạnh vị thế siêu cường thương mại. Chỉ riêng tăng trưởng kinh tế sẽ không giải quyết được vấn đề của các nước nghèo nhất, nhưng nó là thành phần thiết yếu để giải quyết chúng.
Nguy cơ thảm họa và chiến tranh trên toàn cầu
Trong một thời gian, Bắc Kinh đã bơm vốn vào công nghệ xanh, mượn những đổi mới từ nơi khác nhưng sản xuất ở quy mô lớn. Với luật IRA và CHIPS của Tổng thống Joe Biden, Mỹ đang cố gắng vượt qua Trung Quốc. Tuy nhiên, việc hiện thực hóa các mục tiêu đầy tham vọng về khí hậu của Biden mà không mua từ Trung Quốc sẽ đòi hỏi các nguồn khoáng sản đất hiếm và pin thay thế cần thiết cho nền kinh tế năng lượng sạch.
Các mức thuế mà ông Joe Biden công bố và ông Donald Trump hứa sẽ tăng cao hơn nữa sẽ làm tăng chi phí cho người tiêu dùng Mỹ và có khả năng kéo dài quá trình chuyển đổi xanh toàn cầu. Tất cả các thành phần cần thiết từ các khoáng sản quan trọng và quá trình chế biến chúng, cũng như việc sản xuất công nghệ xanh, đều do Trung Quốc thống trị. Trung Quốc xây dựng các nhà máy sản xuất pin với giá gần bằng một nửa so với những nhà máy được xây dựng ở Mỹ hoặc Châu Âu do chi phí vốn và lao động thấp hơn.
Một số sáng kiến đầy hứa hẹn đang được tiến hành nhằm đa dạng hóa nguồn cung cấp pin, nhưng sẽ mất vài năm để phát triển trên quy mô lớn. Chính quyền Biden muốn phá vỡ sự phụ thuộc của Mỹ vào Trung Quốc, nhưng việc “tách rời” hoàn toàn sẽ làm chậm tiến độ đạt được trong việc giảm lượng khí thải carbon của Mỹ. Bất chấp sự đầu tư đáng kể của phương Tây, có thể phải mất một thập kỷ hoặc hơn để Mỹ và phương Tây bắt kịp. Hơn nữa, nhiều chi phí năng lượng xanh của Mỹ liên quan đến khó khăn trong việc xin giấy phép quy hoạch cho các dự án năng lượng tái tạo hoặc mở rộng lưới điện, những trở ngại không được giải quyết thông qua bất kỳ hình thức chính sách thuế quan nào.
Rủi ro là thuế quan của Mỹ sẽ trở thành một chiếc nạng chứ không phải bùa hộ mệnh cho các công ty công nghệ xanh đang tìm cách bắt kịp các đối thủ Trung Quốc. Ngược lại, thuế quan của châu Âu dự kiến sẽ khiêm tốn hơn. Thật không may, thông điệp được Washington gửi không chỉ tới Trung Quốc mà còn tới các đồng minh là các mức thuế mới nhất đã tạo tiền lệ và hoạt động thương mại của họ cũng có thể bị trừng phạt, đặc biệt là dưới thời Tổng thống Trump.
Trớ trêu thay, mức thuế mới cao hơn đối với chip “cũ” lại giải quyết một vấn đề mà chính quyền Biden đã giúp tạo ra với những hạn chế đối với chip tiên tiến. Với những biện pháp trước đó, Washington đã tăng cường sự quan tâm của Bắc Kinh đối với ngành công nghiệp chip của chính họ chứ không chỉ ở phân khúc cao cấp hơn. Các chip kế thừa được định nghĩa là được xây dựng trên các quy trình 28nm hoặc lớn hơn, không phải các chip tiên tiến nhất được xây dựng trên quy trình 16/14nm trở xuống. Các con chip truyền thống có mặt khắp nơi và cần thiết cho sản xuất hầu hết ô tô, máy bay, thiết bị gia dụng, hàng điện tử tiêu dùng, hệ thống tự động hóa trong các nhà máy, hệ thống quân sự và thiết bị y tế.
Các nhà sản xuất Mỹ hiện đang lo lắng về việc mất khả năng tiếp cận thị trường Trung Quốc. Washington có ý định nâng cao tính cấp thiết của việc giảm rủi ro trong các lĩnh vực quan trọng tại hội nghị thượng đỉnh G7 vào tháng 6. Về bản chất, “sân nhỏ” của Jake Sullivan vẫn không ngừng phát triển bất chấp những nỗ lực tránh tách rời và giảm hoạt động kinh doanh cho các công ty Mỹ. Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc ước tính việc mất khả năng tiếp cận thị trường Trung Quốc sẽ dẫn đến doanh thu giảm 83 tỷ USD hàng năm và mất 124.000 việc làm cho các công ty Mỹ. Ngoài ra, tập đoàn Rhodium tin rằng chi phí mà các công ty sản xuất chất bán dẫn của Mỹ phải trả sẽ dao động từ 1,4 đến 3 tỷ USD doanh thu hàng năm.
Liệu mức thuế cao có ngăn cản Trung Quốc tấn công Đài Loan? Hay chính việc khơi dậy sự phẫn nộ và chủ nghĩa dân tộc quá khích làm tăng nguy cơ xảy ra chiến tranh Trung-Mỹ? Người Trung Quốc được cho là nghĩ rằng có thể cần một cuộc khủng hoảng giống như tên lửa Cuba để cả hai bên nhận ra trò chơi nguy hiểm mà họ đang tham gia. Ngay cả khi hai bên may mắn “được trải qua” một cuộc khủng hoảng như vậy và tránh được một cuộc chiến tranh nóng, thì việc thiếu hợp tác có nguy cơ làm mất đi mọi cơ hội ngăn chặn trái đất khỏi sự nóng lên thảm khốc.
Liệu có cách nào tốt hơn?
Quay ngược đồng hồ để toàn cầu hóa là điều không thể. Bị ám ảnh bởi việc cạnh tranh với Trung Quốc, vai trò lãnh đạo của Mỹ có nguy cơ bị hoen ố nếu một bộ phận lớn những người vươn lên và gia nhập tầng lớp trung lưu toàn cầu đang phát triển thấy mình giờ đây lại bị nghèo đi do các chính sách thương mại thiển cận. Ở Châu Phi và các nước đang phát triển khác, nền dân chủ đang mất đi và chủ nghĩa chuyên quyền đang trỗi dậy. Ngân hàng Thế giới đang yêu cầu 120 tỷ USD từ các nước giàu để hỗ trợ phát triển và viện trợ biến đổi khí hậu cho các quốc gia đang gặp khó khăn.
Biến đổi khí hậu phải được ưu tiên hơn so với cạnh tranh với Trung Quốc. Mặc dù việc cử tri Mỹ có đồng ý với mức thuế quan mới hay không là tùy thuộc vào việc cử tri Mỹ có đồng ý hay không việc ngăn cản phần còn lại của thế giới mua công nghệ xanh của Trung Quốc. Washington được cho là lo lắng về việc công nghệ xanh của Trung Quốc tràn ngập châu Mỹ Latinh. Cần tập trung vào việc nhân rộng công nghệ xanh càng nhanh càng tốt ở mọi nơi để giúp các nước đang phát triển chuyển đổi sang năng lượng tái tạo.
Mỹ nên mở rộng danh sách các đối tác thương mại tuân thủ Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) ở các nước đang phát triển. Một số cơ quan cố vấn của Washington đã kêu gọi Quốc hội gia hạn và ủy quyền lại AGOA (Đạo luật Cơ hội và Tăng trưởng châu Phi) như một FTA, cho phép các nền kinh tế châu Phi được hưởng lợi từ các khoản tín dụng thuế của IRA, mà tư cách thành viên trong một thỏa thuận như vậy là điều kiện tiên quyết. Khoáng sản do châu Phi sản xuất có thể tăng cường những nỗ lực rộng lớn hơn của Mỹ nhằm giảm thiểu rủi ro trong chuỗi cung ứng đối với các khoáng sản quan trọng và các sản phẩm hạ nguồn như chất bán dẫn và xe điện. Điều này có nghĩa là phải bỏ qua sự tham gia của Trung Quốc vào lĩnh vực khoáng sản ở châu Phi, lĩnh vực có vẻ hợp lý nếu xét đến những nguy cơ đối với sức khỏe của hành tinh.
Trong Chiến tranh Lạnh, Mỹ, cùng với Liên Xô và 10 quốc gia khác thuộc khối Đông và Tây, đã thành lập vào năm 1972 Viện Phân tích Hệ thống Ứng dụng Quốc tế (IIASA) có trụ sở tại Vienna với mục tiêu “hợp tác khoa học để xây dựng những cây cầu vượt qua sự chia rẽ trong Chiến tranh Lạnh và cùng đối mặt với các vấn đề toàn cầu đang gia tăng trên quy mô quốc tế”. Cùng với nhau, Mỹ, Trung Quốc và các quốc gia khác, có thể hỗ trợ các dự án dân sự “dài hạn” mà các công ty thương mại gần như không thể thực hiện được. Điều này cũng có nghĩa là cho phép các nhà khoa học Mỹ và Trung Quốc làm việc cùng nhau, và vì vậy có thể mở ra những kênh mới nơi Washington, Bắc Kinh và những nước khác có thể hợp tác và khởi xướng những nỗ lực chung giúp chúng ta ngăn chặn làn sóng xung đột.
Thế giới đang sống trong thời kỳ nguy hiểm. Hơn một thế hệ đã trôi qua kể từ khi những lợi ích của chủ nghĩa quốc tế và hợp tác là “rõ ràng”, như nhà sử học Bear Braumoeller đã lưu ý. Chính phủ Mỹ có rất ít sự kiềm chế trong việc coi Trung Quốc là kẻ thù, trong khi một số chiến lược gia công khai dự tính chiến tranh. Thương mại không phải là phương thuốc chữa chiến tranh, nhưng nó giữ các kênh liên lạc mở và làm tăng cái giá phải trả cho các bên nếu họ có ý định tham chiến. Đối với phần còn lại của thế giới, Mỹ chỉ xuất hiện với tư cách là một “cường quốc giữ nguyên hiện trạng”, đang chăm lo cho những lợi ích hạn hẹp của mình. Đây không phải là quốc gia được Ronald Reagan hình dung là “một thành phố cao lớn, kiêu hãnh được xây dựng trên những tảng đá vững chắc hơn đại dương… một thành phố với những bến cảng tự do tấp nập thương mại và sáng tạo”./.
Biên dịch: Hoàng Hải
Các tác giả:
Tiến sĩ Mathew Burrows là cố vấn, chuyên gia phụ trách Trung tâm Tầm nhìn Chiến lược của Trung tâm Stimson.
Tiến sĩ Josef Braml là thành viên lãnh đạo của German Group và Ủy ban ba bên châu Âu.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của các tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]