Chiến lược của Ấn Độ trong quan hệ với Nga sau một năm diễn ra cuộc chiến tranh ở Ukraine
Cuộc chiến Nga-Ukraine đang đẩy nhanh ba sự thay đổi dài hạn trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ như thế nào?
*****
“Những gì chúng tôi nhận ra trong vài năm qua, có thể dựa trên hậu quả trực tiếp của cuộc xung đột Nga-Ukraine và tình hình đại dịch… [là] rằng chúng tôi cần trở nên tự chủ. Chúng ta cũng cần có chuỗi cung ứng mạnh mẽ và an toàn hơn […] để xử lý tốt hơn các thách thức an ninh khi chúng ta tiến lên phía trước.” – Phát biểu của Tướng Manoj Pande, Tham mưu trưởng Lục quân Ấn Độ, ngày 14 tháng 1 năm 2023
Trong năm qua, các nhà quan sát trong nước và quốc tế đã đặt câu hỏi về quan điểm của Ấn Độ đối với cuộc chiến Nga-Ukraine, thường coi lập trường im lặng trước công chúng của Ấn Độ là ủng hộ Nga . Nhưng như những lời của Tướng Pande gợi ý ở trên, việc xem xét kỹ hơn chính sách gần đây của Ấn Độ cho thấy những bước đi thầm lặng nhưng quan trọng nhằm giảm bớt sự phụ thuộc của New Delhi vào Moscow. Thành tích kém cỏi của Nga trong chiến tranh, khả năng sản xuất vũ khí hạn chế sau các lệnh trừng phạt của phương Tây và sự cô lập toàn cầu của nước này đã gây ra một cuộc tranh luận trong giới nghiên cứu chiến lược Ấn Độ về lợi ích tương lai của Moscow với tư cách là một đối tác chiến lược của New Delhi.
Ấn Độ từ lâu đã coi Nga là một đối tác đáng tin cậy, đã nhiều lần hỗ trợ nước này tại Liên hợp quốc, đóng vai trò không thể thiếu trong việc xây dựng năng lực quân sự của Ấn Độ trên các lĩnh vực và cho phép nước này có không gian để thực hành quyền tự chủ chiến lược đối với phương Tây. Tuy nhiên, sau hơn 01 năm diễn ra cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine, New Delhi phải đối mặt với một loạt thách thức liên quan đến mối quan hệ với Moscow. Ở trong nước, chiến tranh đã làm dấy lên những quan ngại về tình trạng mất an ninh lương thực, thiếunhiên liệu và phân bón. Trên bình diện quốc tế, Ấn Độ đã phải cân bằng giữa việc ủng hộ nguyên tắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ với việc do dự bỏ phiếu chống lại Nga tại Liên hợp huốc. Chiến tranh cũng đã biến các thiết bị quân sự chủ yếu có nguồn gốc từ Liên Xô/Nga của Ấn Độ trở thành gánh nặng do những lo ngại về hiệu suất chiến trường và những thách thức về tính khả dụng.
Để đối phó với những lo ngại này, các nhà hoạch định chính sách ở NewDelhi đã tìm cách công khai trong việc xác lập Ấn Độ là một quốc gia trung lập đối với cuộc chiến, trong khi đẩy nhanh ba sự thay đổi quan trọng và dài hạn:
- Tập trung nhiều hơn vào đa dạng hóa quốc phòng và bản địa hóa;
- Ngày càng thận trọng trước những rủi ro từ quan hệ Trung Quốc-Nga; Và
- Làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác với các đối tác phương Tây có cùng chíhướng, như Mỹ, Pháp, Israel và các nhóm đa phương.
Hướng tới tự chủ trong quốc phòng
Chắc chắn rằng, chiến lược kép của Ấn Độ là đa dạng hóa nguồn cung ứng thiết bị quân sự đồng thời tập trung vào nội địa hóa quốc phòng đã có từ trước chiến tranh. Như Hình 1 cho thấy, nguồn cung cấp vũ khí, trang bị quốc phòng của Nga cho Ấn Độ đã giảm trong vài năm qua do nguồn cung cấp từ các đối tác phương Tây như Pháp đã tăng lên. Ngoài ra, trong ngân sách 2022-2023, Chính phủ Ấn Độ đã phân bổ khoảng 68% ngân sách mua sắm cho ngành công nghiệp quốc phòng trong nước so với 58% của năm trước.
Một số trong những nỗ lực này đã bắt đầu đơm hoa kết trái gần đây. Chẳng hạn, vào tháng 4 năm 2022, Ấn Độ đã thử nghiệm thành công loại đạn dược tự thiết kế và sản xuất hoàn toàn đầu tiên. Vào tháng 2 năm 2023, máy bay chiến đấu HAL Tejas được thiết kế và sản xuất trong nước đã tiến hành hạ cánh và cất cánh lần đầu tiên từ tàu sân bay sản xuất nội địa đầu tiên của Ấn Độ, INS Vikrant .
(Biểu đồ 1 – Nhập khẩu vũ khí của Ấn Độ từ các đối tác quốc phòng lớn, 2011-2021)
Nguồn: Dữ liệu thu được từ Cơ sở dữ liệu chuyển giao vũ khí SIPRI (bảng TIV của nhà xuất khẩu/nhập khẩu)
Cuộc chiến chỉ càng nhấn mạnh thêm những điểm dễ bị tổn thương của việc dựa vào Moscow để cung cấp các nguồn cung cấp quốc phòng quan trọng. Ví dụ, Tướng Pande đặc biệt chỉ ra rằng, Ấn Độ đang phải đối mặt với các vấn đề về lương thực và những lo ngại về việc cung cấp kịp thời các phụ tùng và thiết bị quân sự sau chiến tranh Nga-Ukraine và các lệnh trừng phạt đối với Moscow. Đáng lo ngại nhất đối với NewDelhi, chiến tranh đã làm trì hoãn việc chuyển giao các hệ thống phòng không S-400 được đánh giá cao. Những lo ngại về khả năng cung cấp các mặt hàng có giá trị lớn của Nga trong tương lai cũng có thể giải thích cho quyết định của Ấn Độ đình chỉ một số thỏa thuận vũ khí với Moscow. Ngoài ra, khoảng hai tháng sau khi chiến tranh bắt đầu, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh đã bổ sung thêm 101 mục, nhiều trong số đó trước đây có nguồn gốc từ Nga, vào danh sách ngày càng nhiều các thiết bị quốc phòng hiện sẽ được sản xuất trong nước.
Lo ngại về một vòng tay chiến lược Nga-Trung
Cuộc chiến ở Ukraine cũng đặt ra những câu hỏi hóc búa ở New Delhi về tác động của liên minh Nga-Trung ngày càng sâu sắc. Mặc dù tuyên bố của hai nước về quan hệ đối tác “không giới hạn” trước chiến tranh, nhưng năm vừa qua chỉ giúpcủng cố thêmquan hệ Nga-Trung và buộc New Delhi phải nỗ lực để ngăn chặnmột xu hướng đáng ngại, Moscow trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào Bắc Kinh. NewDelhi có truyền thống theo đuổi chiến lược hình nêm đối với Nga và Trung Quốc, tìm cách khuyến khích sự trung lập của Moscow trong cuộc đối đầu Ấn Độ-Trung Quốc trong khi đảm bảo nhu cầu phòng thủ trước mắt của chính mình. Việc Ấn Độ mua hệ thống phòng không S-400 của Nga, tham gia vào hiệp định ba bên Nga-Ấn-Trung và các khoản đầu tư kinh tế của nước này vào vùng Viễn Đông của Nga phản ánh cách tiếp cận này.
Tuy nhiên, sau cuộc chiến Ukraine, nhiều nhà phân tích Ấn Độ đã nhận xét đúng rằng, chiến lược này có thể đã hết tác dụng. Thay vào đó, họ lập luận rằng, Ấn Độ phải chuẩn bị cho một nước Nga suy yếu, phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc và có thể bị thúc đẩy thực hiện các hành động gây hại cho lợi ích của Ấn Độ, chẳng hạn như giữ lại các vũ khí, trang bị quốc phòng khẩn cấp. Đã có tiền lệ lịch sử cho việc này: Liên Xô trì hoãn giao máy bay Mig-21tới Ấn Độ để đảm bảo sự hỗ trợ từ Trung Quốc trong cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba. Quan trọng hơn, các nhà hoạch định quốc phòng của Ấn Độ phải đối mặt với những tác động đối với an ninh quốc gia từ các thành phần Trung Quốc ,có khả năng xâm nhập vào kho vũ khí của Ấn Độ thông qua vũ khí của Nga trong tương lai, do lệnh trừng phạt đối với Moscow và việc nước này thiếu các nhà cung cấp khác.
Cuộc tranh luận của Ấn Độ về việc liệu họ có còn sở hữu các cơ chế ảnh hưởng có ý nghĩa đối với Moscow để ngăn chặn sự dịch chuyển của Nga đối với Trung Quốc hay không vẫn chưa được giải quyết. Thật vậy, Ấn Độ có một mức độ đòn bẩy kinh tế đối với Nga, với tư cách là một trong số ít đối tác kinh tế ngoài Trung Quốc còn lại của nước này. Việc New Delhi mua dầu thô chiết khấu từ Moscow có thể được nhìn nhận dưới góc độ này. Chỉ riêng từ tháng 4 đến tháng 12 năm 2022, Ấn Độ đã nhập khẩu 21,7 tỷ USD dầu thô của Nga, chiếm 17,1% tổng lượng dầu thô nhập khẩu của nước này, so với khoảng 0,94 tỷ USD trong năm 2020-2021 hay 0,2% tổng lượng dầu thô nhập khẩu. Về mặt lý thuyết, điều này mang lại cho NewDelhi đòn bẩy để sử dụng đối đầu với Moscow nếu Nga hành động chống lại lợi ích của Ấn Độ theo lệnh của Trung Quốc.
(Biểu đồ 2 – Nhập khẩu dầu thô của Ấn Độ từ các đối tác chiến lược, 2014-2022)
Nguồn : Dữ liệu lấy từ Bộ Thương mại , Bộ Thương mại và Công nghiệp, Chính phủ Ấn Độ
Tuy nhiên, logic chiến lược này không giải thích được tại sao Ấn Độ không mua thêm dầu của Nga trong lịch sử (xem Hình 2). Thay vào đó, việc Ấn Độ tăng nhập khẩu dầu thô của Nga gần đây được giải thích tốt hơn như là một chiến lược trong nước gắn liền với nhu cầu năng lượng khổng lồ của đất nước. Ấn Độ, quốc gia nhập khẩu khoảng 85% tổng nhu cầu dầu mỏ, là một quốc gia đang phát triển có nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng nặng nề do giá cả tăng cao do dầu giảm giá của Nga không có sẵn trên thị trường toàn cầu. Mặc dù chủ yếu được thúc đẩy bởi những cân nhắc trong nước, việc mua dầu từ Nga được cho là cho phép Ấn Độ giữ nguồn cung ổn định trên thị trường, đồng thời ngăn chặn đòn bẩy của Trung Quốc đối với Nga thông qua việc mua nhiều năng lượng hơn.
Tái định hướng về phương Tây và những quốc gia cùng chí hướng
Các động thái chính trị của NewDelhi trong năm qua đặc biệt làm nổi bật mức độ khó chịu của nước này đối với các hành động của Nga. Đầu tiên, theo cựu Đại sứ Ấn Độ tại Nga và cựu Phó Cố vấn An ninh Quốc gia, Pankaj Saran, Ấn Độ đã “khá khó chịu” vào tháng 2 năm 2022 khi Nga chọn giải pháp quân sự cho cuộc xung đột. Hơn nữa, đi ngược lại bản chất của hành vi ngoại giao lâu đời của Ấn Độ là không công khai chỉ trích đối tác, Thủ tướng Narendra Modi đã đưa ra một lời quở trách công khai hiếm hoi đối với Nga khi ông cảnh báo Tổng thống Vladimir Putin rằng “thời đại ngày nay không phải là thời đại của chiến tranh”. Vào tháng 12 năm 2022, Modi đã hủy bỏhội nghị thượng đỉnh một đối một của ông với Putin, một hội nghị thượng đỉnh song phương thường niên vốn là một lịch trình ngoại giao cố định của Ấn Độ trong hai thập kỷ qua. Gần đây nhất, tại cuộc họp Bộ trưởng Tài chính G-20 vào cuối tháng 2 năm 2023 và cuộc họp Bộ trưởng Ngoại giao G-20 vào đầu tháng 3 năm 2023, Ấn Độ đã kêu gọi sự chú ý đến những phân nhánh tiêu cực của cuộc chiến trong bản tóm tắt của chủ tọa bất chấp những nỗ lực của Nga và Trung Quốc nhằm chống lại việc đưa nhữngngôn ngữ như vậy vào trong tuyên bố.
Các chính sách của Ấn Độ đối với Nga được mô tả rõ nhất như một ví dụ về chiến lược đa liên kết của nước này. New Delhi đã nhiều lần nhấn mạnh sự ủng hộ đối với chủ quyền và toàn vẹn của Ukraine, bao gồm cung cấp viện trợ nhân đạo cho quốc gia bị chiến tranh tàn phá, và Thủ tướng Modi đã tự đặt mình là người trung gian hòa giải giữa hai nước, nhiều lần nói chuyện với cả Tổng thống Putin và Tổng thống Volodymyr Zelenskyy. Trên thực tế, Ấn Độ đã giúp đàm phán thỏa thuận vận chuyển ngũ cốc vào mùa hè năm 2022 và bày tỏ lo ngại về vụ pháo kích nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Hơn nữa, Ấn Độ đã tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Tiếng nói của Nam toàn cầu vào đầu tháng 1 năm 2023. Tại đây, Ấn Độ nhấn mạnh mạnh mẽ những tác động tiêu cực của chiến tranh đối vớigiá nhiên liệu và thực phẩm toàn cầu. Tuy nhiên, Ấn Độ vẫn không bỏ phiếu chống lại Nga về bất kỳ nghị quyết có ý nghĩa nào liên quan đến chiến tranh tại Liên hợp quốc, đang tiếp tục liên doanh sản xuất tên lửa hành trình Brahmos với Moscow và hợp tác các dự án kinh tế mới .
Nhưng khi NewDelhi hướng tới một tương lai được đặc trưng bởi sự cạnh tranh ngày càng gay gắt với Trung Quốc, họ nhận ra rằng, quan hệ đối tác với phương Tây và các nước cùng chí hướng khác là rất quan trọng. Thứ nhất, hầu hết công nghệ của Nga không đủ tiên tiến và sáng tạo để Ấn Độ có thể cạnh tranh với Trung Quốc trong các lĩnh vực mới. Ngoài ra, quan điểm của NewDelhi về tầm quan trọng của Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cũng như các quy tắc và giá trị phải chi phối khu vực này phù hợp với các đối tác Bộ tứ hơn là với Moscow, nước gọi nhóm Bộ tứ là “quỷ quyệt” và “độc quyền”. Do đó, việc Ấn Độ tăng cường quan hệ chiến lược và hợp tác quốc phòng với các đối tác như Mỹ và các thành viên khác của Quad, cũng như Pháp và Israel là điều hợp lý. Ví dụ, tại cuộc họp khai mạc của Sáng kiến Mỹ-Ấn Độ về Công nghệ quan trọng và mới nổi vào cuối tháng 1 năm 2023, NewDelhi và Washington đã bày tỏ ý định cùng nhau phát triển và sản xuất vũ khí và công nghệ động cơ phản lực để hỗ trợ năng lực phòng thủ của Ấn Độ. Tương tự như vậy, Ấn Độ đang phối hợp với Pháp để bổ sung công nghệ đẩy không phụ thuộc vào không khí (Công nghệ AIP – ND) nhằm tăng cường khả năng tàng hình của hạm đội tàu ngầm của nước này. Cuối cùng, Ấn Độ và đối tác Quad Australia đã tăng cường đáng kể khả năng tương tác trong năm 2022 và đangphát triển quan hệ đối tác khoáng sản quan trọng.
Bộ trưởng Ngoại giao S. Jaishankar đã nói rằng “Chính sách đối ngoại của Ấn Độ là nỗ lực không ngừng để đi lên trật tự quốc tế” và theo một cách nào đó, Ấn Độ đang tối đa hóa các cơ hội có được sau những gián đoạn như chiến tranh Nga-Ukraine và đại dịch, đặc biệt là liên quan đến đa dạng hóa chuỗi cung ứng và đảm nhận vai trò lãnh đạo của Nam bán cầu. Tuy nhiên, khả năng của Ấn Độ để làm như vậy sẽ bị hạn chế theo thời gian, vì những xích mích trong nhiệm kỳ chủ tịch G-20 của Ấn Độ đã cho thấy tình hình trên.
Đây là cơ hội cho Mỹ. Washington có thể thúc đẩy nhu cầu đa dạng hóa quốc phòng và mong muốn lãnh đạo toàn cầu của Ấn Độ. Sử dụng các cam kết ngoại giao với NewDelhi trong năm 2023, đặc biệt là tại G-20, Washington có thể hợp tác với Ấn Độ để chia sẻ gánh nặng hiệu quả hơn trong các vấn đề khác nhau ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Mỹ có thể tiếp tục cho Ấn Độ thấy những gì sẽ được cung cấp về mặt quốc phòng để củng cố hơn nữa mối quan hệ, như đã làm bằng cách trưng bày F-35 tại triển lãm Aero India gần đây và loại bỏ các rào cản kiểm soát xuất khẩu cản trở sự hợp tác. Nước này cũng có thể lặng lẽ thảo luận về các phương pháp tối ưu nhất để hợp tác quốc phòng hiệu quả với Ấn Độ với các đối tác chung có cùng chí hướng như Pháp, Israel và Vương quốc Anh.
Trong khi đó, để thể hiện ý định của mình với Washington, NewDelhi có thể cam kết cung cấp thị trường cho các sản phẩm cụ thể được phát triển thông qua quy trình iCET và đảm bảo rằng, việc mua hàng được thực hiện kịp thời. Cải cách quy trình mua sắm quốc phòng và các chính sách quản lý để tạo điều kiện hợp tác quốc phòng Mỹ-Ấn hiệu quả hơn sẽ là một chặng đường dài. Mối quan hệ của Ấn Độ với Nga dựa trên nhu cầu chứ không phải dựa trên giá trị, và trong năm 2022, NewDelhi đã khéo léo rời xa Nga cả về ngôn từ và chiến thuật. Khi Ấn Độ cố gắng tìm một điểm trung gian giữa phương Tây và Nga, Mỹ và các đối tác của họ nên tạo không gian để New Delhi làm như vậy vì lợi ích cân bằng Trung Quốc ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Biên dịch: Phương Thảo
Về tác giả: Akriti (Vasudeva) Kalyankar là thành viên của Chương trình Nam Á tại Trung tâm Stimson, với hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc tại các viện nghiên cứu và phương tiện truyền thông ở Mỹ và Ấn Độ. Nghiên cứu của cô tập trung vào động lực chiến lược Mỹ-Trung-Ấn, địa chính trị của Nam Á và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, hợp tác chiến lược và quốc phòng Mỹ-Ấn, và chính sách đối ngoại của Ấn Độ.
Dante Schulz là Nghiên cứu viên cấp cao trong Chương trình Nam Á của Trung tâm Stimson. Ông tốt nghiệp xuất sắc với bằng cử nhân tại Đại học George Washington về các vấn đề quốc tế và lịch sử. Lĩnh vực nghiên cứu của ông bao gồm sự hiện diện kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc ở Nam Á, các mối đe dọa an ninh truyền thống và mới nổi, và sự cạnh tranh giữa các cường quốc trong khu vực.