Từ ngày 3-14/7, Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã triển khai một loạt hoạt động đối ngoại: Sang Myanmar chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao hợp tác Mekong-Lan Thương lần thứ 7, tới Indonesia tham dự Hội nghị Ngoại trưởng G20, chủ trì cuộc họp lần thứ 2 của Cơ chế đối thoại hợp tác cấp cao Trung Quốc-Indonesia, chủ trì cuộc họp lần thứ 14 của Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Trung-Việt và cuộc họp lần thứ 6 của Ủy ban điều phối liên chính phủ Trung Quốc-Campuchia tại Nam Ninh, Quảng Tây. Ngoài ra, Vương Nghị còn đến thăm 4 nước là Thái Lan, Philippines, Indonesia và Malaysia.
Giới phân tích cho rằng chuyến công du của Vương Nghị tới Đông Nam Á có ý nghĩa quan trọng đối với việc làm cho quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Trung Quốc-ASEAN có khởi đầu tốt đẹp. Đồng thời, trong bối cảnh thế giới đang ở thời điểm quan trọng của sự bất ổn và thay đổi, hoạt động ngoại giao lần này tập trung vào hai chủ đề lớn là phát triển và an ninh, nhằm thúc đẩy sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu và có những đóng góp cho sự phát triển hòa bình trong khu vực và trên thế giới.
Khởi đầu tốt đẹp
Đông Nam Á luôn là phương hướng ưu tiên của Trung Quốc trong chính sách ngoại giao láng giềng và Vương Nghị lại có mối quan hệ hữu nghị với khu vực này. Trong những năm gần đây, các quan chức cấp cao của Trung Quốc và các nước Đông Nam Á thường xuyên trao đổi trực tiếp và trực tuyến. Và lần này, Vương Nghị cũng đã có trao đổi sâu rộng với các đối tác ở Đông Nam Á.
Từ những thông tin do Bộ Ngoại giao Trung Quốc công bố có thể thấy hoạt động ngoại giao với Đông Nam Á lần này có một số đặc điểm nổi bật: Thời gian dài, các cuộc họp dày đặc, đến thăm nhiều nước và hình thức linh hoạt.
Thời gian dài được thể hiện ở lịch trình kéo dài gần nửa tháng từ ngày 3-14/7; cuộc họp dày đặc bao gồm 5 cuộc họp song phương và đa phương; đến thăm nhiều nước là việc Vương Nghị đã để lại dấu ấn ở 5 nước Myanmar, Indonesia, Thái Lan, Philippines và Malaysia; hình thức linh hoạt được thể hiện ở việc chuyến thăm này không phải là chuyến thăm một chiều của Vương Nghị, mà cả Trung Quốc và các nước Đông Nam Á vừa là khách mời vừa là chủ nhà. Không chỉ có Ngoại trưởng Trung Quốc đến Đông Nam Á tham dự hội nghị, mà Trung Quốc cũng là chủ nhà tiếp giới chức Việt Nam và Campuchia đến tham dự hội nghị.
Giới phân tích chỉ ra rằng trong bối cảnh Trung Quốc và các nước Đông Nam Á tăng cường trao đổi và các chuyến thăm viếng lẫn nhau đã trở thành trạng thái bình thường, mặc dù chuyến công du của Vương Nghị tới Đông Nam Á lần này cũng là một chuyến thăm thường lệ, nhưng nó cũng liên quan mật thiết đối với tình hình khu vực và quốc tế.
Một mặt, 2022 là năm mở đầu cho quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Trung Quốc-ASEAN. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Bắc Kinh tăng cường trao đổi chiến lược với 4 nước Đông Nam Á, cùng xây dựng “Vành đai và Con đường” chất lượng cao, thúc đẩy xây dựng ngôi nhà chung trên 5 khía cạnh hòa bình, an toàn, tươi đẹp và hữu nghị nhằm tạo động lực mới và điểm sáng mới cho sự phát triển của quan hệ song phương, làm cho quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Trung Quốc-ASEAN có khởi đầu tốt đẹp.
Lưu Khanh, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế Trung Quốc, cho rằng chuyến thăm lần này của Vương Nghị có ý nghĩa quan trọng đối với việc làm cho quan hệ đối tác chiến lược toàn diện có khởi đầu tốt đẹp. Việc Trung Quốc và ASEAN thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện là sự đồng thuận chiến lược ở cấp cao nhất của cả hai bên và chuyến thăm Đông Nam Á lần này của Vương Nghị là nhằm thực hiện sự đồng thuận này bằng những hành động thực chất. Ví dụ như hai bên sẽ triển khai hợp tác trong các dự án trọng điểm ở một số lĩnh vực như kinh tế số, hợp tác năng lượng mới, kinh tế xanh, kinh tế biển.
Hứa Lợi Bình, nghiên cứu viên Trung tâm nghiên cứu chiến lược châu Á-Thái Bình Dương và toàn cầu thuộc Viện khoa học xã hội Trung Quốc cho rằng lần hoạt động ngoại giao kết hợp giữa song phương và đa phương này đã phản ánh đầy đủ quan niệm ngoại giao láng giềng “thân, thành, huệ, dung” (thân thiện, chân thành, cùng có lợi và bao dung) và láng giềng hữu nghị của Trung Quốc. Thông qua các hoạt động ngoại giao song phương và đa phương để nâng cấp quan hệ Trung Quốc-ASEAN, đồng thời mang đến nội hàm mới cho quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.
Mặt khác, chuyến thăm lần này cũng diễn ra vào thời điểm cục diện thế giới đang trải qua sự thay đổi lớn chưa từng có trong 100 năm qua và đại dịch thế kỷ vẫn chưa có dấu hiệu chấm đứt. Chuyên gia Lưu Khanh và Hứa Lợi Bình cho biết sự hợp tác của Trung Quốc và Đông Nam Á quả thực đang gặp nhiều khó khăn và thách thức lớn, bao gồm về chính trị, sự trở lại của tư duy Chiến tranh Lạnh, chủ nghĩa bá quyền hoành hành, kích động đối đầu tập thể, cạnh tranh nước lớn; về kinh tế, ngoài xuất hiện xu hướng đảo ngược toàn cầu hóa, còn có nhiều tiếng nói cổ xúy cho việc thực hiện sự tách rời. Đồng thời, hai bên cũng đang phải đối mặt với những thách thức như dịch bệnh tiếp tục lan rộng, kinh tế phục hồi chậm, biến đổi khí hậu, cũng như khủng hoảng năng lượng và lương thực do bất ổn địa chính trị.
Theo Hứa Lợi Bình, trong bối cảnh này, sự tương tác ngoại giao lần này giữa Trung Quốc và Đông Nam Á tập trung vào hai chủ đề lớn là phát triển và an ninh. Đó là làm thế nào để kết nối Sáng kiến phát triển toàn cầu và Sáng kiến an ninh toàn cầu do Trung Quốc đưa ra với hợp tác song phương, đặc biệt là quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, cùng thúc đẩy phục hồi kinh tế, thực hiện các mục tiêu trong Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững của Liên hợp quốc nhằm có những đóng góp cho sự phát triển hòa bình của khu vực và thế giới.
Những hoạt động ngoại giao chính
Cụ thể, tham dự 5 cuộc họp và đến thăm 4 nước là những hoạt động ngoại giao chính của Vương Nghị ở Đông Nam Á lần này. Trong 5 cuộc họp, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao hợp tác Mekong-Lan Thương lần thứ 7 là cuộc họp đầu tiên.
Lưu Khanh cho biết 2022 là năm mở đầu cho “5 năm vàng” mới của hợp tác Mekong-Lan Thương. Hội nghị Ngoại trưởng lần thứ 6 được tổ chức vào năm 2021 đã đưa ra 6 trọng điểm hợp tác cho giai đoạn tiếp theo: Tăng cường hợp tác chống dịch, cùng thúc đẩy phục hồi sau dịch, mở rộng hợp tác tài nguyên nước, thúc đẩy hợp tác thiết thực ở địa phương, thúc đẩy giao lưu nhân dân và hoàn thiện cơ chế hợp tác. Hội nghị Ngoại trưởng lần thứ 7 đã đưa ra kế hoạch hành động cụ thể cho 5 năm tiếp theo nhằm thúc đẩy hợp tác Mekong-Lan Thương đi vào chiều sâu và lên một tầm cao mới.
Theo Hứa Lợi Bình, hội nghị ngoại trưởng đã đưa ra các biện pháp thực thi cụ thể cho việc xây dựng vành đai phát triển kinh tế Mekong-Lan Thương và xây dựng cộng đồng vận mệnh Mekong-Lan Thương. Ngoài ra, hội nghị ngoại trưởng lần này cũng chuẩn bị cho hội nghị các nhà lãnh đạo hợp tác Mekong-Lan Thương được tổ chức vào cuối năm nay.
Tiếp theo là Hội nghị Ngoại trưởng G20 thu hút được nhiều sự quan tâm của thế giới. Đây là Hội nghị Ngoại trưởng G20 đầu tiên mà Ngoại trưởng Trung Quốc tham dự trực tiếp kể từ khi xảy ra đại dịch COVID-19. Tại hội nghị, các ngoại trưởng đã tập trung thảo luận các vấn đề như thúc đẩy phục hồi kinh tế trong thời kỳ hậu dịch bệnh, tình hình Ukraine và cuộc khủng hoảng lương thực, năng lượng toàn cầu do cuộc chiến Nga-Ukraine gây ra. Đồng thời, hội nghị ngoại trưởng lần này còn đưa ra phương hướng phát triển cho G20 và chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra trong năm 2022.
Ngoài 2 cuộc họp đa phương, Vương Nghị còn chủ trì 3 cuộc họp song phương, đó là cuộc họp lần thứ 2 của Cơ chế đối thoại hợp tác cấp cao Trung Quốc-Indonesia, cuộc họp lần thứ 14 của Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Trung-Việt và cuộc họp lần thứ 6 của Ủy ban điều phối liên chính phủ Trung Quốc-Campuchia.
Hứa Lợi Bình cho biết Cơ chế đối thoại hợp tác cấp cao Trung Quốc-Indonesia được thành lập và tổ chức lần đầu tiên vào năm 2021, và 2022 là năm thứ 2 hai bên tổ chức đối thoại. Trước đó, hai bên đã nhất trí nâng cấp hợp tác song phương từ mô hình “cỗ xe tam mã” là chính trị, kinh tế, văn hóa thành mô hình “4 động lực” là chính trị, kinh tế, văn hóa và hợp tác trên biển. Điều này sẽ khiến các quyết sách của lãnh đạo Trung Quốc và Indonesia càng có hiệu quả hơn và hợp tác cũng càng thực chất hơn. Đối thoại Trung-Việt đề cập đến vấn đề Nam Hải (Biển Đông), bao gồm việc làm thế nào để quản lý bất đồng và sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Cuộc họp Trung Quốc-Campuchia tập trung thảo luận về việc làm thế nào để mang lại cho hai nước nhiều lợi ích hơn từ hiệp định thương mại tự do song phương.
Chuyến thăm 4 nước của Vương Nghị cũng chú ý đến việc lựa chọn quốc gia đến thăm. Ví dụ như Indonesia và Thái Lan đều là chủ nhà của 2 hội nghị đa phương quốc tế lớn trong năm nay – Indonesia là chủ tịch luân phiên của G20, trong khi Thái Lan là chủ tịch luân phiên của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC).
Lưu Khanh cho rằng xung đột Nga-Ukraine càng làm gia tăng mâu thuẫn giữa Nga và phương Tây. Mỹ và phương Tây đe dọa sẽ tẩy chay các hội nghị quốc tế như G20… có Nga tham dự. Vì vậy, cả Indonesia và Thái Lan đều phải chịu áp lực rất lớn. Vào thời điểm mối quan hệ giữa Nga và phương Tây đang rạn nứt, cả hai nước đều cần sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Chuyến thăm hai nước lần này của Vương Nghị cũng thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ của Trung Quốc đối với việc hai nước ASEAN này tổ chức hội nghị cấp cao quốc tế bằng thái độ cởi mở, bao trùm và cân bằng.
Philippines vừa mới hoàn thành quá trình thay đổi chính phủ. Trước đó, Phó chủ tịch nước Trung Quốc Vương Kỳ Sơn đã tới Manila với tư cách là đại diện đặc biệt của Chủ tịch Tập Cận Bình để dự lễ nhậm chức của tân Tổng thống Marcos Jr. Chuyến thăm của Vương Nghị đồng nghĩa với việc hai quan chức cấp cao của Trung Quốc tới thăm Philippines, cho thấy sự coi trọng của Trung Quốc đối với Philippines và quan hệ song phương. Hứa Lợi Bình cho biết chuyến thăm lần này của Vương Nghị nhằm định hình cho mối quan hệ giữa Trung Quốc và chính phủ mới của Philippines trong tương lai, nhất là làm thế nào để kết nối đường lối chính sách của chính phủ mới với sự phát triển của Trung Quốc.
Theo Hứa Lợi Bình, do Malaysia là quốc gia rất quan trọng dọc tuyến “Vành đai và Con đường”, nên việc làm thế nào để tăng cường hợp tác chất lượng cao với nước này trong dự án “Vành đai và Con đường” là nội dung chính của chuyến thăm lần này.
Điều đáng đề cập thêm là mặc dù lần này Vương Nghị chỉ đến Myanmar tham dự hội nghị mà không đến thăm nước này, nhưng cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt. Bởi đây là chuyến thăm đầu tiên của một quan chức cấp cao Trung Quốc kể từ khi Myanmar xảy ra cuộc đảo chính vào năm 2021.
Về vấn đề này, Hứa Lợi Bình cho rằng do Myanmar là nước chủ tịch của hợp tác Mekong-Lan Thương năm 2022, nên hội nghị ngoại trưởng được tổ chức tại Myanmar là điều bình thường và đây là bối cảnh quan trọng để Vương Nghị đến nước này. Về lập trường của Trung Quốc trong vấn đề Myanmar, cả hai học giả đều cho rằng Trung Quốc tuân thủ nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác, tôn trọng Đồng thuận 5 điểm mà ASEAN và Myanmar đã đạt được nhằm thúc đẩy hòa giải chính trị và duy trì ổn định chính trị ở Myanmar.
“Phương thức châu Á” thích hợp
Một số phương tiện truyền thông của phương Tây còn chú ý thời điểm chuyến công du của Ngoại trưởng Trung Quốc tới Đông Nam Á. Một là, ngay sau Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của phương Tây; hai là, chuyến thăm đầu tiên của ngoại trưởng Trung Quốc tới Đông Nam Á sau khi Mỹ và ASEAN tổ chức hội nghị cấp cao đặc biệt hồi tháng 5. Hơn nữa, Mỹ và phương Tây còn liên tiếp đưa ra các sáng kiến như Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Quan hệ đối tác cơ sở hạ tầng toàn cầu, tìm cách gắn các nước ASEAN với Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và cùng kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực và trên thế giới. Có quan điểm cho rằng chuyến công du này của Vương Nghị cho thấy Trung Quốc có ý định tăng cường quan hệ với các nước Đông Nam Á nhằm đáp trả việc Mỹ tăng cường các hoạt động về kinh tế và ngoại giao ở khu vực Đông Nam Á.
Về vấn đề này, hai chuyên gia lại có quan điểm khác. Hứa Lợi Bình cho rằng Trung Quốc và các nước Đông Nam Á đã sớm thiết lập cơ chế đối thoại ở tất cả các cấp, luôn duy trì trao đổi chặt chẽ và ổn định, không có những toan tính hẹp hòi để ứng phó với sự thay đổi nhất thời. Hơn nữa, Trung Quốc và các nước Đông Nam Á là láng giềng của nhau, có lợi thế hợp tác tự nhiên. Sự hợp tác giữa hai bên được thiết lập trên cơ sở cùng có lợi và cùng phát triển, cũng như không nhằm vào bên thứ ba. Trái lại, hai bên còn hoan nghênh các nước khác, bao gồm cả Mỹ đến khu vực này triển khai hợp tác và phát huy vai trò mang tính xây dựng. Tuy nhiên, Trung Quốc và ASEAN đều không chấp nhận đối với những hành vi mang tính bài xích, đối đầu tập thể. Hứa Lợi Bình nói “Mô hình trao đổi giữa Trung Quốc và ASEAN có thể được gọi là ‘phương thức châu Á’, tức là tôn trọng lẫn nhau, đối xử bình đẳng và chú ý đến mối quan tâm của đối phương. Điều này rất quan trọng, nó cho thấy sự trao đổi không phải là xuất phát từ sự ép buộc, thậm chí là cưỡng bức, mà là sự tự nguyện của cả hai bên”.
Lưu Khanh cũng nhấn mạnh Trung Quốc chủ trương hợp tác mang tính cởi mở trong khu vực và phản đối chính trị bè phái. Dựa trên khái niệm này, Trung Quốc và ASEAN cũng đang hợp tác một cách thẳng thắn, cùng có lợi và cùng thắng. Kinh nghiệm thành công của Trung Quốc và các nước Đông Nam Á trong việc thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực là minh chứng rõ ràng cho sự hợp tác mang tính cởi mở, mang lại lợi ích cho người dân hai bên và không chính trị hóa hợp tác kinh tế. Từ góc độ của các nước Đông Nam Á, họ nhận thức rõ những toan tính địa chiến lược của Mỹ nên không có ý định chọn bên, càng không có ý định phục vụ cho mục đích chính trị của nước khác./.
(Trang mạng “Quan sát Thượng Hải”, Trung Quốc)