“Chúng tôi, người dân Indonesia, từ đây tuyên bố độc lập cho Indonesia”
Với chỉ vỏn vẹn vài câu tuyên ngôn, ông Sukarno tuyên bố Indonesia là một nước độc lập vào ngày 17/8/1945. Kể từ đó, nền chính trị của nước này đã trải các giai đoạn phức tạp với nhiều biến động, mà được đánh dấu bằng các sự kiện lịch sử, thay đổi chính trị và những biến đổi kinh tế – xã hội. Từ chủ nghĩa dân tộc nhiệt thành của thời kỳ hậu độc lập đến những thách thức của quá trình chuyển đổi dân chủ trong thời kỳ đương đại, bối cảnh chính trị của Indonesia phản ánh sự tác động qua lại giữa tính liên tục và sự thay đổi.
Trải qua hơn bảy thập kỷ, lịch sử Indonesia xoay quanh các cuộc đấu tranh giành quyền tự quyết từ người Hà Lan, tới thời kỳ cai trị độc tài và nỗ lực không ngừng để phát triển kinh tế xã hội và dân chủ hóa đất nước sau này. Di sản văn hóa đa dạng của đất nước, bao gồm hàng trăm dân tộc và ngôn ngữ, đã làm gia tăng thêm sự phức tạp cho các động lực chính trị và nỗ lực xây dựng một quốc gia thống nhất.
Bài viết này sẽ bắt đầu cuộc hành trình xuyên suốt lịch sử chính trị của Indonesia, dõi theo quá trình phát triển của nước này từ những ngày đầu giành độc lập cho đến thời kỳ hiện tại dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Joko Widodo. Thông qua việc xem xét toàn diện các cột mốc lịch sử quan trọng, những diễn biến chính trị then chốt và những thách thức đương đại, bài viết sẽ làm sáng tỏ các xu hướng và động lực cơ bản đã định hình bối cảnh chính trị của Indonesia.
Thời kỳ hậu độc lập
Sau khi tuyên bố độc lập, con đường đi đến chủ quyền tự chủ hoàn toàn không hề suôn sẻ khi Indonesia phải đối mặt với xung đột vũ trang, thách thức ngoại giao và chia rẽ nội bộ. Phải mất thêm một vài năm, Indonesia mới chính thức được “mẫu quốc” trước kia là Hà Lan và quốc tế công nhận vào năm 1949.
Sau đó, Indonesia dưới chính quyền của Tổng thống Sukarno đã bắt tay ngay vào nhiệm vụ khó khăn là xây dựng đất nước và thành lập một nước cộng hòa dân chủ. Hiến pháp năm 1945 với năm nguyên lý cơ sở Pancasila được sử dụng để thiết lập nền tảng chính cho một nước Indonesia thống nhất dựa trên mặt tôn giáo, nhân loại chung, tính thống nhất, nhà nước dân chủ và công bằng xã hội. Bản hiến pháp này cũng chỉ mới tạo ra sự cân bằng quyền lực mong manh giữa các nhánh hành pháp, lập pháp và tư pháp trong bối cảnh xã hội hậu thuộc địa. Các cấu trúc chính trị ban đầu được mô tả là một “chế độ tổng thống với các đặc điểm của thể chế đại nghị” [1].
Thời kỳ “Dân chủ tự do” (Demokrasi Liberal), kéo dài từ năm 1950 tới 1959, là thời kỳ Indonesia cố gắng xây dựng và củng cố các thiết chế cần thiết để vận hành đất nước theo mô hình nhà nước phương Tây. Đây cũng là thời kỳ chứng kiến sự phát triển của các đảng phái chính trị và sự gia tăng quyền lực của nhánh lập pháp. Thời kỳ này đánh dấu một cột mốc dân chủ đầu tiên với cuộc bầu cử cơ quan lập pháp vào năm 1955. Tuy nhiên với sự thay đổi chính phủ liên tục, chính trường nước này luôn ở trong tình trạng bất ổn suốt một thời gian dài. Đến năm 1959, ông Sukarno đã đưa đất nước quay trở lại chế độ tổng thống với tên gọi là chế độ “Dân chủ có chỉ đạo” (Demokrasi Terpimpin). Ông Sukarno xây dựng tính chính danh của chế độ dựa theo quy tắc ra quyết định với sự đồng thuận (mufakat) đóng vai trò tiên quyết trong các buổi họp ở làng xã truyền thống dưới sự chỉ đạo của già làng[2]. Ý tưởng về quyền lực tập trung hơn của người đứng đầu đất nước bắt nguồn từ chuyến thăm Trung Quốc của Sukarno vào năm 1956. Sukarno nhận thức thấy ba yếu tố chính đã hình thành nên xã hội Trung Quốc là sự tập quyền của lãnh đạo, sức mạnh tinh thần và sự thống nhất. Dưới con mắt của Sukarno, chính quyền của Mao Trạch Đông là một chính quyền dân túy với sự ủng hộ của nhân dân và vì nhân dân[3]. Vì vậy, ông đề xuất chủ thuyết Nasakom với ba trụ cột, gồm chủ nghĩa dân tộc, tôn giáo và chủ nghĩa cộng sản. Tuy tính dân tộc đã được củng cố, nhưng vị trí của ông đã bị lung lay bởi các đàn áp chính trị, bất ổn kinh tế và căng thẳng về hệ tư tưởng. Đỉnh điểm là các cuộc chính biến năm 1965 và cuộc thanh trừng chống những người cộng sản sau đó.
Chính quyền mới của tướng Suharto sau năm 1965 đã mở ra một thời kỳ ổn định chính trị cho Indonesia, thường được gọi là chế độ “Trật tự Mới” (Orde Baru). Nhiệm kỳ tổng thống của Suharto kéo dài hơn ba thập kỷ cho đến năm 1998, có đặc điểm về quyền lực tập trung, sự thống trị về quân sự và sự phát triển kinh tế nhanh chóng. Mặc dù chế độ của ông mang lại những cải thiện đáng kể về cơ sở hạ tầng và tăng trưởng kinh tế, nhưng nó cũng bị chỉ trích bởi các vụ vi phạm nhân quyền, tham nhũng và đàn áp những tiếng nói bất đồng chính kiến. Tuy vậy, kỷ nguyên Suharto đã đặt nền móng cho quá trình chuyển đổi sang dân chủ của Indonesia vào cuối những năm 1990, được xúc tác bởi các cuộc biểu tình lan rộng, khủng hoảng kinh tế và nhu cầu cải cách chính trị. Phong trào Cải cách, được khơi dậy bởi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998, lên đến đỉnh điểm với sự từ chức và sự sụp đổ của chế độ độc tài Suharto. Thời kỳ biến động và chuyển đổi này đã mở đường cho sự xuất hiện của một trật tự chính trị mới có đặc điểm của chủ nghĩa đa nguyên, quyền tự do dân sự và các cuộc bầu cử cạnh tranh.
Con đường đến dân chủ
Phong trào “Cải cách” (Reformasi) có đà phát triển vào cuối những năm 1990, đã đánh dấu một thời điểm mang tính bước ngoặt trong lịch sử chính trị Indonesia. Cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998 như một giọt nước tràn ly khi các vấn đề về bất bình ngày càng trở nên trầm trọng với sự cai trị độc đoán của Suharto. Khi đó, các cuộc biểu tình rầm rộ đã nổ ra khắp quần đảo đòi cải cách chính trị, trách nhiệm giải trình và chấm dứt nạn tham nhũng. Dưới áp lực ngày càng tăng, Suharto từ chức vào tháng 5/1998, chấm dứt nhiệm kỳ tổng thống kéo dài 32 năm của ông.
Sau khi Suharto từ chức, Indonesia đã bắt tay vào một quá trình cải cách chính trị toàn diện nhằm dân chủ hóa các cơ cấu quản lý và thúc đẩy chủ nghĩa đa nguyên. Hội đồng Tư vấn Nhân dân (MPR) đã tiến hành sửa đổi hiến pháp để tăng cường quyền tự do dân sự, phân cấp quyền lực và củng cố các thể chế dân chủ. Những cải cách quan trọng bao gồm việc bãi bỏ chức năng kép của quân đội, thành lập Ủy ban Bài trừ tham nhũng (KPK) và áp dụng các cuộc bầu cử tổng thống trực tiếp.
Mặc dù có tiến bộ đáng kể hướng tới dân chủ hóa, Indonesia vẫn gặp phải nhiều thách thức trong giai đoạn chuyển tiếp. Các chính quyền hậu Suharto đều đã đóng góp vào việc củng cố dân chủ và phát triển kinh tế – xã hội của Indonesia theo những cách riêng. Tuy vậy, di sản của chủ nghĩa độc tài, nạn tham nhũng thâm căn cố đế và những yếu kém về thể chế đã đặt ra những trở ngại lớn đối với việc củng cố nền dân chủ. Căng thẳng sắc tộc và tôn giáo cũng đe dọa sự gắn kết xã hội và ổn định chính trị. Hơn nữa, việc phân cấp quyền lực cho chính quyền khu vực dẫn đến sự phát triển không đồng đều, quan liêu kém hiệu quả và xung đột về phân bổ nguồn lực[4].
Indonesia dưới thời Jokowi
Năm 2014, Joko Widodo đắc cử trở thành tổng thống thứ bảy và là tổng thống đầu tiên không có xuất thân từ giới quân sự hay giới tinh hoa chính trị của Indonesia. Ông đã chiến thắng với 53% phiếu bầu và bỏ xa đối thủ là Prabowo Subianto, cựu tướng quân và con rể của cựu Tổng thống Suharto. Tự nhận mình là “người của nhân dân” với xuất thân khiêm tốn và thành tích quản trị trong sạch của mình, Jokowi cam kết giải quyết các nhu cầu của mọi người dân Indonesia, đặc biệt những người dân bình thường[5].
Xuất thân và con đường chính trị
Joko Widodo, thường được gọi là Jokowi, nổi lên như một doanh nhân thành đạt trong lĩnh vực xuất khẩu đồ nội thất trước khi tham gia chính trường.
Sự nghiệp chính trị của Jokowi bắt đầu vào năm 2005 khi ông được bầu làm thị trưởng Surakarta (hay còn được biết đến với tên gọi là Solo), nơi ông trở nên nổi tiếng nhờ ưu tiên phát triển đô thị và dịch vụ công cộng, đồng thời ông cũng có cách tiếp cận thực tế trong công tác quản trị thành phố. Một trong những thành tựu ban đầu nổi bật nhất của ông là thuyết phục thành công các tiểu thương di dời đến một khu chợ tập trung, góp phần giải quyết vấn đề tắc nghẽn giao thông tại trung tâm thành phố. Bên cạnh đó, Jokowi còn dành nhiều thời gian cho hoạt động “blusukan”, gặp gỡ, trò chuyện với người dân và việc kiểm tra đột xuất không báo trước để đánh giá hiệu quả công việc của cấp dưới.[6] Đây là điều chưa từng có tiền lệ và các hoạt động này đã tạo nên nhận thức rằng Jokowi là một nhà lãnh đạo kiểu mới của Indonesia, luôn sẵn sàng lắng nghe tiếng nói của người dân.
Thành công trên cương vị thị trưởng thành phố miền trung đảo Java đã giúp ông được bầu làm Thống đốc Jakarta vào năm 2012, nơi ông tiếp tục chương trình cải thiện cơ sở hạ tầng, giao thông công cộng và các chương trình phúc lợi xã hội. Chính quyền của Jokowi thực hiện các chương trình giải quyết vấn nạn ngập lụt bằng cách nạo vét và nâng cấp hệ thống dẫn nước tại thành phố[7], tái khởi động lại các dự án xây dựng tàu điện đô thị vốn đã bị trì hoãn suốt 25 năm[8], và giải quyết tình trạng ách tắc giao thông tại những tụ điểm đông đúc của thủ đô[9].
Với chỉ vỏn vẹn hai năm trên cương vị lãnh đạo thủ đô, số liệu còn cho thấy thu ngân sách của thành phố tăng lên gần gấp đôi, từ 41 lên 72 nghìn tỷ Rupiah (tương đương 2,6 lên 4,6 tỷ USD)[10]. Trong những năm này, Jokowi khởi xướng các chương trình nhằm hướng tới sự công khai và minh bạch tại tất cả các cấp hành chính ở Jakarta, chẳng hạn như thuế trực tuyến, lập ngân sách điện tử, mua hàng điện tử và hệ thống quản lý tiền mặt. Chính quyền Jokowi cũng cố gắng công khai ngân sách và triển khai hệ thống khiếu nại của thành phố. Bản thân Jokowi cùng phó thống đốc nhận được nhiều lời khen ngợi vì công khai bản lương hàng tháng của mình và ngân sách của thành phố[11].
Đầu năm 2014, Jokowi được lãnh đạo Đảng Đấu tranh Dân chủ Indonesia (PDI-P) là bà Megawati Sukarnoputri – con gái của Sukarno – đề cử làm ứng cử viên tranh cử tổng thống của đảng, và ông đã giành ghế tổng thống vào tháng 7 cùng năm.
Indonesia dưới thời Jokowi
Trong hai nhiệm kỳ tổng thống của mình, Jokowi vẫn tiếp tục theo đuổi một chương trình nghị sự giống như thời ông nắm quyền tại Solo và Jakarta, với mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế, phúc lợi xã hội và mở rộng cơ sở hạ tầng. Chính quyền của ông đã ưu tiên các sáng kiến như phát triển cơ sở hạ tầng, các chương trình giảm nghèo và cải cách các ngành trọng điểm để giải quyết những thách thức kinh tế xã hội cấp bách của đất nước.
Chính quyền của Jokowi tiếp tục chính sách chủ nghĩa dân tộc về tài nguyên từ các chính phủ tiền nhiệm và nỗ lực quốc hữu hóa tài sản của các công ty đa quốc gia hoạt động tại nước này. Indonesia đã giành được quyền kiểm soát được mỏ đồng và vàng Grasberg từ Freeport, cùng với mỏ dầu khí Rokan từ Chevron. Đây đều là những tài sản rất quan trọng khi đánh giá về yếu tố trữ lượng: mỏ Grasberg là mỏ đồng lớn thứ hai thế giới và mỏ Rokan là mỏ dầu khí lớn nhất tại Indonesia[12]. Nước này cũng ban hành lệnh cấm xuất khẩu thô đối với niken với quyết tâm nâng giá trị gia tăng bằng cách kêu gọi đầu tư vào công nghiệp hóa, sản xuất chế tạo và sử dụng loại tài nguyên tại trong nước. Vì Indonesia là một trong những nước có trữ lượng niken lớn thế giới (21%), nên việc cấm xuất khẩu ảnh hưởng không nhỏ đối với thị trường thế giới khi niken là nguyên liệu đầu vào quan trọng của nhiều lĩnh vực công nghệ xanh là sản xuất xe điện, linh kiện bán dẫn. Nước này còn muốn mở rộng phạm vi của chính sách cấm xuất khẩu đối với quặng đồng, thiếc, bauxite và vàng chưa qua chế biến. Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Indonesia Sri Mulyani nhận định: “Đây không phải chủ nghĩa dân tộc. Chúng tôi là nền kinh tế lớn nhất ASEAN và không thể để cho một nền kinh tế như vậy chỉ phụ thuộc vào tài nguyên khoáng sản mà không có giá trị gia tăng gì”[13].
Trong những năm qua, Trung Quốc đã giúp Indonesia tài trợ cho nhiều nhà máy luyện kim mới dưới mác Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), đồng thời trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất trong lĩnh vực này. Các dự án đầu tư của Trung Quốc, như khu công nghiệp Morowali ở Sulawesi, được tài trợ bởi các doanh nghiệp nhà nước và các ngân hàng cho vay chính sách Trung Quốc, đã đóng một vai trò quan trọng trong việc đa dạng hóa hoạt động sản xuất niken của Indonesia. Với hỗ trợ từ Trung Quốc, Indonesia đã trở thành nước có sản lượng khai thác niken lớn nhất thế giới (chiếm ½ thế giới vào năm 2023)[14]. Trước lệnh cấm, giá trị thị trường của quặng niken thô của Indonesia chỉ ở mức 6 tỷ USD vào năm 2013; nhưng đến năm 2022, con số này đã tăng lên 30 tỷ USD. Hơn nữa, chính sách này còn được chứng minh là có hiệu quả khi các công ty châu Âu và Hàn Quốc đang tỏ ý đầu tư vào lĩnh vực sản xuất pin xe điện tại Indonesia[15].
Các chính sách về cơ sở hạ tầng là một dấu ấn quan trọng khác của chính quyền Jokowi. Trong suốt nhiệm kỳ của mình, chính quyền Jokowi luôn ưu tiên phân bổ ngân sách đáng kể cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng. Trong năm cuối cùng nhiệm kỳ tổng thống của ông, chính quyền Jokowi đã phân bổ ngân sách cơ sở hạ tầng cao nhất trong 5 năm vừa qua, lên tới 422,7 nghìn tỷ IDR (27,2 tỷ USD)[16]. Tuy nhiên, ngân sách nhà nước chỉ là một cấu phần nhỏ trong các siêu dự án của Jokowi khi ông tham vọng huy động thêm từ khu vực tư nhân và nhà đầu tư nước ngoài để bắt tay vào vô số dự án mở rộng đường bộ và đường sắt, phát triển cảng biển và sân bay cũng như các sáng kiến thủy lợi[17]. Những khoản đầu tư cho cơ sở hạ tầng này được cho rằng không chỉ thúc đẩy hoạt động kinh tế mà còn thúc đẩy sự phát triển khu vực và giảm thiểu sự chênh lệch giữa các vùng khác nhau của đất nước. Việc hoàn thành các dự án lớn như đường xuyên Papua, đường sắt xuyên Sulawesi cùng đường cao tốc xuyên Java và Sumatra sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển hàng hóa và con người, thúc đẩy nền kinh tế địa phương và tăng cường khả năng tiếp cận thị trường. Tới năm 2022, chính quyền Jokowi đã xây dựng tổng cộng hơn 1.700km đường cao tốc thu phí trên khắp đất nước, dài gấp 2,1 lần các chính quyền trước và hơn 8,7 lần người tiền nhiệm là tổng thống Yudhoyono. Cũng trong cùng thời kỳ, chính quyền này đã xây khoảng 30 hồ chứa nước thủy điện, 18 cảng biển và 21 sân bay[18]. Đặc biệt, các công trình mới chủ yếu được xây dựng ở những đảo khác thay vì tập trung tại đảo Java như các chính quyền trước.
Một siêu dự án dưới thời Jokowi là kế hoạch di dời và xây dựng thủ đô mới tại Nusantaru. Vì một loạt vấn đề như đô thị hóa quá nhanh, ô nhiễm khói bụi và tình trạng chìm dần của Jakarta mà Nusantaru trở thành một lựa chọn mới cho đất nước vạn đảo. Dự án này sẽ tốn của Indonesia 35 tỷ USD với 80% nguồn vốn đến từ các nhà đầu tư nước ngoài cho cơ sở hạ tầng[19]. Tuy nhiên kể từ khi được công bố vào năm 2019, dự án đầy tham vọng nhằm di dời thủ đô của Indonesia từ đảo Java đến đảo Borneo đã vấp phải sự hoài nghi và chỉ trích – từ việc tham vấn cộng đồng không đầy đủ, đến tranh chấp đất đai với cộng đồng bản địa, cho đến những lo ngại về đầu tư của Trung Quốc mà các nhà phê bình cho rằng đang biến Nusantara thành một “Bắc Kinh mới”[20].
Song song với các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn, chính quyền Jokowi đã ưu tiên phát triển nông thôn thông qua chương trình quỹ làng. Bất chấp những khác biệt ban đầu trong việc phân bổ vốn, chương trình đã trao quyền cho cộng đồng nông thôn bằng cách cung cấp nguồn lực cho cơ sở hạ tầng cơ bản, phát triển du lịch và doanh nghiệp làng xã. Từ năm 2015 đến năm 2018, 187 nghìn tỷ IDR (14 tỷ USD) đã được tái phân bổ thông qua sáng kiến này, góp phần tạo ra nhiều việc làm, giảm nghèo và thúc đẩy khả năng phục hồi kinh tế ở khu vực nông thôn[21].
Một thành tựu nổi bật nữa của chính quyền Jokowi là việc ban hành luật ân xá thuế vào năm 2016, thể hiện một bước tiến đáng kể trong nỗ lực của chính quyền nhằm củng cố sự ổn định tài chính và tăng cường thu ngân sách. Bằng cách cho phép những người giàu có kê khai tài sản chưa được ghi nhận trước đây, chương trình này đã bơm hàng trăm tỷ USD vào nền kinh tế (cụ thể ghi nhận 358,6 tỷ USD với gần 900.000 người kê khai[22]), hỗ trợ chi tiêu của chính phủ cho cơ sở hạ tầng và các chương trình xã hội. Đạo luật mang tính bước ngoặt này không chỉ khuyến khích tuân thủ thuế mà còn thể hiện cam kết của chính phủ trong việc thúc đẩy tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong quản lý tài chính.
Tuy vậy, các chương trình kinh tế của ông Jokowi cũng gặp những chỉ trích với vấn đề nợ. Để đạt được 5,2% tăng trưởng GDP trong năm cuối nhiệm kỳ, ông Jokowi đề xuất tăng chi ngân sách lên 220 tỷ USD. Với dự toán thu ngân sách chỉ đạt mức 178 tỷ USD, chính phủ của ông sẽ phải phát hành trái phiếu chính phủ hoặc giấy nợ chính phủ (sovereign debt paper-SBN) với tổng giá trị gần 42 tỷ USD. Hơn nữa, ngân sách năm 2024 còn bao gồm một khoản phân bổ đáng kể trị giá khoảng 13 tỷ USD để làm bảo lãnh cho các dự án cơ sở hạ tầng trong trường hợp chủ dự án vỡ nợ[23].
Ngoài SBN, chính phủ Indonesia có kế hoạch thu hút các khoản vay trong nước trị giá khoảng 39 tỷ USD và khoản vay nước ngoài 1,1 tỷ USD cho năm tài chính 2024. Mặc dù khoản vay nước ngoài không lớn, nhưng cũng khiến giới chuyên gia lo ngại về sự chi phối của các khoản nợ này. Theo dữ liệu Thống kê nợ nước ngoài của Indonesia (SULNI) do Ngân hàng Indonesia (BI) công bố, các khoản vay từ Trung Quốc đạt 21 tỷ USD tính đến tháng 12/2023[24]. Mặc dù Trung Quốc không phải là chủ nợ lớn nhất của Indonesia (sau Nhật, Mỹ và Singapore), nhưng chuyên gia kinh tế Yusuf Wibisono cho rằng Indonesia đã rơi vào bẫy nợ của Trung Quốc sau khi bộ trưởng Bộ Tài chính nước này ra quy định 89/2023 về việc cung cấp bảo lãnh của chính phủ để tăng tốc xây dựng cơ sở hạ tầng và nhập khẩu trang thiết bị cho tuyến tàu cao tốc Jakarta-Bandung (KCJB). Trước đây, dưới mác Sáng kiến BRI, Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản và thắng thầu dự án đường sắt cao tốc trị giá 6 tỷ USD này, nhưng dự án đã đội vốn thêm 1,2 tỷ USD trong quá trình triển khai và Trung Quốc yêu cầu Indonesia dùng ngân sách nhà nước làm tài sản thế chấp cho khoản đội vốn này[25]. Theo ông Yusuf, vì 75% dự án được tài trợ bằng các khoản vay từ Trung Quốc với thời hạn vay 40 năm và lãi suất cao tới 3,4%, hậu quả của việc đội vốn chắc chắn sẽ rất nặng nề. Ông cũng cho rằng quy định mới sẽ buộc chính phủ Indonesia phải tuân theo mọi mong muốn của phía Trung Quốc để dự án này được hoàn thành và không bị đình trệ[26].
Trật tự thế giới theo Jokowi
Chính sách đối ngoại điển hình của Indonesia dưới thời tổng thống tiền nhiệm Yudhoyono được định hình là một quốc gia có “một ngàn người bạn và không một kẻ thù”. Dựa trên nền tảng đó, Indonesia dưới thời Jokowi vẫn giữ một thái độ trung dung với các nước trên thế giới, đặc biệt tránh can dự vào căng thẳng giữa các cường quốc.
Lập trường đối ngoại này của Indonesia chỉ có chút thay đổi trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Jokowi, tuy nhiên giới chuyên gia cho rằng mục đích chính là để cải thiện các vấn đề về kinh tế. Trong một vài năm gần đây, Indonesia đã tổ chức thành công Hội nghị thượng đỉnh G20 vào năm 2023, cố gắng trở thành một người hòa giải căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc cũng như cuộc chiến ở Ukraina. Indonesia cũng tăng cường thực hiện nhiều sáng kiến khác nhau với Mỹ và bắt đầu hợp tác với BRICS bằng cách tham gia hội nghị thượng đỉnh của nhóm.
Tiến sĩ Ahmad Umar, người quan sát chính trị Indonesia, lập luận rằng Jokowi ủng hộ quan điểm thực dụng về trật tự quốc tế, với định hướng kinh tế làm nòng cốt[27]. Jokowi cho rằng mục đích của trật tự quốc tế là theo đuổi sự phát triển kinh tế công bằng cho cả các quốc gia vừa và nhỏ. Trật tự quốc tế phải tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và bình đẳng giữa các nước. Nó cũng nên thúc đẩy chủ nghĩa đa phương công bằng và bao gồm các cường quốc kinh tế mới nổi của thế kỷ 21.
Quan điểm này mâu thuẫn với hệ thống kinh tế toàn cầu do phương Tây thống trị hiện nay. Jokowi chỉ trích hệ thống này và cho rằng hệ thống đang bị dẫn dắt bởi các tổ chức tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới, IMF và Ngân hàng Phát triển Châu Á. Ông cũng lập luận về những cách nhằm giảm bớt sự thống trị của một số quốc gia và trao nhiều không gian hơn cho các cường quốc kinh tế mới nổi. Dù chỉ trích trật tự quốc tế hiện nay, Jokowi thừa nhận tính hợp pháp của nó. Với tư cách là chủ tịch G-20, Indonesia đã hợp tác với Ngân hàng Thế giới để thành lập quỹ đối phó với đại dịch cho các nước có thu nhập thấp và trung bình. Tuy nhiên, Jokowi chỉ trích sự thất bại của “trật tự quốc tế tự do” trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế công bằng.
Sự quan tâm của Jokowi vào phát triển kinh tế đã dẫn đến các dự án cơ sở hạ tầng đầy tham vọng sau đại dịch COVID-19. Tầm nhìn này đi đôi với việc tăng cường hợp tác với Trung Quốc, quốc gia hỗ trợ Indonesia về mặt kinh tế. Tuy nhiên, sự phụ thuộc vào đầu tư của Trung Quốc làm dấy lên lo ngại về lập trường của Indonesia trong các vấn đề như Biển Đông và thỏa thuận AUKUS.
Jokowi rời nhiệm sở và tương lai của Indonesia
Chiến thắng của Jokowi vào năm 2014 trở thành một cột mốc quan trọng trong lịch sử chính trị Indonesia, chỉ ra mong muốn thay đổi và thoát khỏi các khuôn khổ cũ. Kể từ khi nhậm chức, ông đã theo đuổi một chương trình nghị sự đầy tham vọng về phát triển cơ sở hạ tầng, cải cách kinh tế và các chương trình phúc lợi xã hội, đồng thời giải quyết thách thức như tham nhũng, bất khoan dung tôn giáo (religious intolerance) và chủ nghĩa ly khai trong khu vực.
Jokowi là một nhân vật nổi tiếng trong chính trường Indonesia, được ngưỡng mộ vì tính thực dụng, minh bạch và cam kết cải thiện cuộc sống của người dân Indonesia. Ở cuối nhiệm kỳ của mình, ông là tổng thống có tỉ lệ ủng hộ cao nhất Indonesia với mức xấp xỉ 80%[28].
Khi nhiệm kỳ tổng thống của Jokowi sắp khép lại, Indonesia đang đứng trước một thời điểm quan trọng, sẵn sàng trải qua một quá trình chuyển đổi quan trọng sang một kỷ nguyên lãnh đạo mới. Tuy nhiên, con đường phía trước vẫn còn nhiều yếu tố không chắc chắn, với nhiều câu hỏi vẫn đặt ra về nội các tiếp theo và hướng đi của các chính sách trong tương lai. Trong bối cảnh bất định này, có một điều rõ ràng rằng di sản của Jokowi sẽ tiếp tục tồn tại, góp phần định hình tương lai của Indonesia cho các thế hệ sau này.
Còn tiếp
Tác giả: Hoàng Long
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
Tài liệu tham khảo:
[1] U.S. Department of State (2001). “Background Notes: Indonesia, October 1998”. https://1997-2001.state.gov/background_notes/indonesia_1098_bgn.html. Truy cập 02/3/2024.
[2] Kawamura Koichi (2011). “Consensus and Democracy in Indonesia : Musyawarah-Mufakat Revisited”. IDE Discussion Paper. No. 308, Available at SSRN: https://ssrn.com/abstract=2280935 or http://dx.doi.org/10.2139/ssrn.2280935
[3] Liu Hong (1997). “Constructing a China Metaphor: Sukarno’s Perception of the PRC and Indonesia’s Political Transformation.” Journal of Southeast Asian Studies 28, no. 1: 27–46. http://www.jstor.org/stable/20071901.
[4] Adiwan F. Aritenang (2008). “A Study on Indonesia Regions Disparity: Post Decentralization”. https://mpra.ub.uni-muenchen.de/25245/.
[5] Helen Brown (2014). “Joko Widodo ‘man of the people’ to become Indonesia’s president”. https://www.abc.net.au/news/2014-10-20/joko-widodo-becomes-president-of-indonesia/5825400. Truy cập 18/3/2024.
[6] The Economist (2014). “No ordinary Jokowi”. https://www.economist.com/asia/2014/01/21/no-ordinary-jokowi. Truy cập 09/3/2024.
[7] Lupita6 (2014). “BPBD: Berkat Kerja Jokowi, Banjir 2014 Tak Separah 2013” [BPBD: BPBD: Thanks to Jokowi’s work, 2014 floods were not as bad as 2013]. https://www.liputan6.com/news/read/813313/bpbd-berkat-kerja-jokowi-banjir-2014-tak-separah-2013. Truy cập 09/3/2024.
[8]Raditya Margi (2015). “Jokowi kicks off LRT construction”. https://www.thejakartapost.com/news/2015/09/09/jokowi-kicks-lrt-construction.html. Truy cập 09/3/2024.
[9]detikNews (2013). “PKL: Jokowi Doang Gubernur yang Bisa Rombak Tanah Abang”. https://news.detik.com/berita/d-2336405/pkl-jokowi-doang-gubernur-yang-bisa-rombak-tanah-abang. Truy cập 09/3/2024.
[10]Estu Suryowati Penulis (2014). “Dipimpin Jokowi, Pendapatan DKI Naik Rp 31 Triliun dalam Setahun”. https://money.kompas.com/read/2014/03/17/1241166/Dipimpin.Jokowi.Pendapatan.DKI.Naik.Rp.31.Triliun.dalam.Setahun. Truy cập 09/3/2024.
[11] BBC Indonesia (2014). “Menlu Inggris dukung transparansi Jokowi”. http://www.bbc.com/indonesia/berita_indonesia/2014/01/140128_hague_jokowi. Truy cập 09/3/2024.
[12] The Straits Times (2018). “Economic nationalism is back in Indonesia as election approaches”. https://www.straitstimes.com/asia/se-asia/economic-nationalism-is-back-in-indonesia-as-election-approaches. Truy cập 10/3/2024.
[13] Shotaro Tani (2022). “Indonesia’s drive to lift resource curse shakes global producers”. https://asia.nikkei.com/Spotlight/Asia-Insight/Indonesia-s-drive-to-lift-resource-curse-shakes-global-producers.
[14] Tham khảo tại: https://pubs.usgs.gov/periodicals/mcs2024/mcs2024-nickel.pdf.
[15] Teesta Prakash (2024). “Indonesia’s Nickel Supremacy: China’s Backing and Australia’s Decline”. https://www.internationalaffairs.org.au/australianoutlook/indonesias-nickel-supremacy-chinas-backing-and-australias-decline/. Truy cập 11/3/2024.
[16] Trimurti & Euis Rita Hartati (2023). “2024, Infrastructure development will be accelerated”. https://www.pwc.com/id/en/media-centre/infrastructure-news/november-2023/2024-infrastructure-development-will-be-accelerated.html. Truy cập 10/3/2024.
[17] Ayomi Amindoni (2016). “Jokowi policy attracts infrastructure-based mutual funds”. https://www.thejakartapost.com/news/2016/03/23/jokowi-policy-attracts-infrastructure-based-mutual-funds.html. Truy cập 10/3/2024.
[18] Amrozi Amenan, Tri Murti, Totok Subagyo, and Ester Nuky (2022). “Jokowi Builds 1,700 km Toll Roads, 2.1 Times the Length of the Previous Era”. https://www.pwc.com/id/en/media-centre/infrastructure-news/september-2022/jokowi-builds-1700-km-toll-roads-2-1-times-the-length-of-the-previous-era.html. Truy cập 10/3/2024.
[19] Charmaine Jacob (2023). “Indonesia is moving its capital from Jakarta to Nusantara. Here’s why it won’t be so easy”. https://www.cnbc.com/2023/08/28/indonesia-to-move-capital-from-jakarta-to-nusantara-but-it-wont-be-easy.html. Truy cạp 18/3/2024.
[20] https://time.com/6329063/indonesia-nusantara-jokowi-democratic-decline/.
[21]Hendra Kasuma (2018). “Jokowi Kucurkan Rp 187 Triliun untuk Program Dana Desa”.
https://finance.detik.com/berita-ekonomi-bisnis/d-4019650/jokowi-kucurkan-rp-187-triliun-untuk-program-dana-desa. Truy cập 10/3/204
[22] Hidayat Setiaji (2017). “Late rush to join Indonesia tax amnesty after $360 billion declared”. https://www.reuters.com/article/us-indonesia-economy-tax/late-rush-to-join-indonesia-tax-amnesty-after-360-billion-declared-idUSKBN1720VJ/. Truy cập 10/3/2024.
[23] Tenggara Strategics (2023). “Analysis: Debt for Jokowi’s infrastructure projects looms over 2024 budget”. https://www.thejakartapost.com/opinion/2023/08/30/analysis-debt-for-jokowis-infrastructure-projects-looms-over-2024-budget.html. Truy cập 11/3/2024.
[24] Tham khảo tại https://www.bi.go.id/en/statistik/ekonomi-keuangan/sulni/Pages/SULNI-Februari-2024.aspx.
[25] Muhammad Zulfikar Rakhmat and Yeta Purnama (2023). “Indonesia should reject China’s request to put state budget as collateral for Jakarta-Bandung high-speed train project”. https://theconversation.com/indonesia-should-reject-chinas-request-to-put-state-budget-as-collateral-for-jakarta-bandung-high-speed-train-project-204106. Truy cập 10/3/2024.
[26] Moh. Khory Alfarizi (2023). “Economist Sees Indonesia Has Fallen into China’s Debt Trap”. https://en.tempo.co/read/1774722/economist-sees-indonesia-has-fallen-into-chinas-debt-trap. Truy cập 10/3/2024.
[27] Ahmad Rizky M. Umar (2024). “The “Jokowi Doctrine”: Indonesia’s vision for international order”. https://www.lowyinstitute.org/the-interpreter/jokowi-doctrine-indonesia-s-vision-international-order. Truy cập 17/3/2024.
[28] Nabiel Gibran El Rizani & Yustinus Paat (2024). “Jokowi’s Strong Approval Rating Shapes Voter Preferences for Prabowo”. https://jakartaglobe.id/news/jokowis-strong-approval-rating-shapes-voter-preferences-for-prabowo. Truy cập 12/3/2024.