Vào tháng 10/2024, ông Joko Widodo sẽ kết thúc nhiệm kỳ tổng thống lần thứ hai của mình và “có thể” trở thành tổng thống có tỉ lệ ủng hộ cao nhất Indonesia khi rời nhiệm sở (78% vào tháng 01/2024[1]). Theo hiến pháp, Tổng thống Indonesia có tối đa hai nhiệm kỳ với mỗi nhiệm kỳ kéo dài năm năm. Mặc dù một vài tin đồn cho rằng ông Jokowi (tên thường gọi của Joko Widodo) đã cố gắng tìm kiếm cơ hội để ứng cử tổng thống lần thứ ba, tuy nhiên sau đó chính ông đã phủ nhận và việc ông tiếp tục trực tiếp cầm lái Indonesia chắc chắn sẽ không xảy ra[2].
Sắp tới, Bộ trưởng Quốc phòng đương nhiệm Prabowo Subianto sẽ trở thành tổng thống thứ tám của Indonesia[3]. Prabowo là cựu trung tướng ba sao và đã từng là chỉ huy lực lượng đặc biệt của quân đội Kopassus, có liên quan đến hàng loạt cuộc đàn áp trên khắp đất nước dưới thời Suharto.
Câu hỏi hiện nay được quan tâm nhiều nhất là, liệu Prabowo sẽ mang chế độ “độc tài” quay trở lại Indonesia hay những di sản từ thời Jokowi (tên thường gọi của tổng thống Joko Widodo) sẽ được tiếp nối dưới thời kỳ gia đình trị?
Xuất thân và sự nghiệp chính trị của Prabowo Subianto
Sinh năm 1951 tại Jakarta, Prabowo là con trai của nhà kinh tế học nổi tiếng Sumitro Djojohadadikusumo, người cũng từng đảm nhiệm các chức vụ bộ trưởng trong nội các của Suharto. Prabowo nhập học tại Học viện Quân sự Indonesia năm 1970 và sau khi tốt nghiệp, ông gia nhập đơn vị Kopassus tinh nhuệ của quân đội. Ông sau đó trở thành đồng minh thân cận và trở thành con rể của cựu lãnh đạo Suharto.
Khi còn phục vụ đơn vị Kopassus, Prabowo đã từng chỉ huy nhiều chiến dịch gây tranh cãi tại Đông Timo và Tây Papua. Đơn vị của ông đã thẳng tay đàn áp các cuộc nổi dậy đòi ly khai khỏi Indonesia.
Sau này, ông cũng bị buộc tội bắt cóc và tra tấn các nhà hoạt động có thái độ chống đối chính quyền ngay trước khi chế độ của Suharto sụp đổ vào năm 1998. Cũng vào tháng 5 năm đó, các cuộc bạo loạn nhằm vào người gốc Hoa nổ ra khắp Indonesia. Các nhà hoạt động nhân quyền cho rằng quân đội đã dàn dựng những cuộc bạo loạn với mục đích chuyển hướng sự phẫn nộ của người dân đối với chính quyền của Suharto trong bối cảnh Khủng hoảng tài chính châu Á. Những kẻ cướp bóc đã phá hoại các doanh nghiệp thuộc sở hữu của người Hoa và thực hiện một loạt chiến dịch khủng bố, bao gồm giết hại, đánh đập và hãm hiếp phụ nữ gốc Hoa[4].
Trong quá khứ Prabowo đã luôn phủ nhận việc liên quan đến các vụ vi phạm nhân quyền, nhưng cho đến năm 2014, ông thừa nhận rằng ông đã tiếp tay cho những vụ bắt cóc các nhà hoạt động trong thời kỳ Suharto. Prabowo nói rằng ông đã làm theo mệnh lệnh và các vụ bắt cóc là đúng theo pháp luật[5]. “Tôi đã thực hiện các hoạt động hợp pháp vào thời điểm đó. Nếu chính phủ mới nói rằng tôi có lỗi, tôi ở đây để chịu hoàn toàn trách nhiệm”, ông nói trong một cuộc phỏng vấn với Al Jazeera.
Sau khi chính quyền Suharto sụp đổ, Prabowo bị buộc rời khỏi quân đội và phải sống lưu vong một vài năm tại Jordan. Cũng trong thời kỳ hậu Suharto, ông tham gia thương trường và thành công sở hữu các công ty bột giấy và đồn điền ở Đông Kalimantan, cũng như các công ty dầu khí, than đá và dầu cọ. Prabowo là ứng cử viên giàu có nhất trong chạy đua trở thành tổng thống Indonesia năm 2024, với tổng tài sản lên tới 127 triệu USD[6].
Trong cả hai lần tranh cử tổng thống gần đây nhất vào năm 2014 và 2019, ông đều thua Jokowi với khoảng cách cách biệt. Đại diện hai trong số những đảng phái lớn nhất Indonesia, cả hai cũng có những bất đồng về cách quản trị đất nước. Trong các chiến dịch bầu cử trước đây, Prabowo thể hiện mình người theo chủ nghĩa dân túy cực đoan, sô-vanh và chủ nghĩa dân túy Hồi giáo[7]. Tuy nhiên, quan điểm của ông Prabowo đang dần thay đổi khi mối quan hệ giữa ông và Jokowi được cải thiện. Năm 2019, Jokowi bổ nhiệm Prabowo vào vị trí Bộ trưởng Quốc phòng trong nội các của mình. Prabowo đã tái xuất hiện như một nhà kỹ trị, hiền lành hơn, người có khuynh hướng dân túy – đặc biệt là việc ông tự thể hiện mình là người bảo vệ “ý chí toàn thể”(volonté générale) của nhân dân. Thông qua chủ nghĩa dân túy, Prabowo càng muốn truyền thông điệp chính trị tới giới trẻ Indonesia bằng các chiến lược truyền thông đại chúng.
Trong chiến dịch tranh cử lần này, hình ảnh của ông được xây dựng trở thành một người “ông đáng yêu” trên mạng internet. Đây là chiến lược nhằm lôi kéo các cử tri trẻ, những người chiếm tới hơn 50% tổng số cử tri và quan trọng hơn là họ chưa bao giờ trải qua thời kỳ Suharto. Những người ủng hộ ông cho rằng việc ông bị cáo buộc vi phạm nhân quyền là không có cơ sở để chứng minh, hoặc có ý kiến cho rằng các đối thủ chính trị đã cố ý sử dụng yếu tố này để làm giảm uy tín của ông[8].
Mặc dù không có một sự ủng hộ rõ ràng từ Jokowi cho Prabowo, nhưng nhiều người cho rằng Jokowi đang tìm cách thiết lập một triều đại chính trị mới trước khi rời nhiệm sở thông qua Prabowo. Việc lựa chọn con trai của Jokowi cho vị trí Phó Tổng thống thể hiện các chính sách của chính phủ mới sẽ có sự tương đồng đáng kể với chính phủ tiền nhiệm. Trước đó, Tòa án Hiến pháp nước này đã ra quyết định việc ứng cử Gibran là hợp hiến, cho dù Gibran chưa đạt tới số tuổi tối thiểu cho vị trí này và năng lực quản trị chưa được đánh giá cao trong thời gian làm thị trưởng quê nhà tại Solo[9]. Thành công của Gibran đã đặt ra câu hỏi về sự can thiệp của gia đình Jokowi vào cuộc bầu cử, đặc biệt khi người làm chủ tọa phiên tòa ra quyết định gây tranh cãi này là em rể của Jokowi[10].
Tuy vậy, cũng phải nhận thấy người hưởng lợi nhất từ chính ảnh hưởng của Jokowi là Prabowo. Nhờ tận dụng được sức ảnh hưởng đó, Prabowo đã lôi kéo được những người ủng hộ nhiệt thành của tổng thống sắp mãn nhiệm bỏ phiếu cho mình.
Tiếp tục các chính sách của chính quyền Jokowi
Các tuyên bố của Prabowo trong suốt cuộc tranh cử cho thấy cam kết của ông trong việc tiếp tục các chương trình của Jokowi.
Prabowo nhất quán nhấn mạnh rằng ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp hạ nguồn (gồm các hoạt động xử lý, chế biến, vận chuyển, tiếp thị và bán) thay vì khai thác nguyên liệu thô là mục tiêu chính sách hàng đầu của ông, phù hợp với lập trường của chính quyền Jokowi. Trong sự kiện Triển vọng Kinh tế và Chính trị Trimegah 2024 tại Jakarta vào ngày 31/1, Prabowo đã nhấn mạnh tầm quan trọng của các dự án chế biến niken ở Sulawesi và Maluku đối với nền kinh tế Indonesia[11].
Ngành công nghiệp niken có mối quan hệ chặt chẽ với các doanh nghiệp Trung Quốc khi Trung Quốc là thị trường xuất khẩu niken chính của Indonesia. Năm 2020, chính phủ Jokowi đã cấm xuất khẩu niken thô và khuyến khích các công ty Trung Quốc đầu tư vào chế biến niken ở Indonesia. Trước đây, Indonesia chủ yếu xuất khẩu quặng niken thô với giá thấp, nhưng những nỗ lực dưới chính quyền Jokowi đã tạo ra nhiều giá trị hơn cho loại tài nguyên này và cố gắng đưa Indonesia trở thành trung tâm sản xuất pin xe điện. Prabowo cũng hi vọng có thể tiếp tục mở rộng các ngành chế biến hạ nguồn sang các loại tài nguyên khác như bauxite.
Một dự án quan trọng khác mà chính quyền mới muốn tiếp bước Jokowi là dự án xây dựng thủ đô mới Nusantara. Prabowo sẽ đẩy nhanh dòng đầu tư vào thành phố và thu hút Trung Quốc với tư cách là đối tác lớn nhất[12].
Với các chính sách này, Prabowo tin tưởng tăng trưởng kinh tế sẽ đạt 8%/năm trong 5 năm nữa. Ngoài ra, ông cam kết sẽ duy trì kỷ luật tài chính và tăng thu thuế, có lẽ như là cách để giảm bớt những lo ngại về tác động tài chính của những lời hứa trong chiến dịch tranh cử dân túy của ông. Trong chiến dịch tranh cử, ông đã đề xuất chương trình ăn trưa miễn phí tại trường học, ước tính trị giá khoảng 400 nghìn tỷ Rupiah (25,4 tỷ USD) hoặc khoảng 2% GDP hiện tại của đất nước[13].
Xây dựng quân đội mạnh trong ngưỡng cân bằng
Theo Ngân hàng Thế giới, kể từ khi đảm nhận chức vụ Bộ trưởng Quốc phòng vào năm 2019, Prabowo đã thúc đẩy hiện đại hóa quân đội trên quy mô lớn và tăng chi tiêu quốc phòng, bất chấp đại dịch COVID-19 khi đó đang tấn công nền kinh tế Indonesia và làm đảo ngược một phần các biện pháp giảm nghèo[14].
Collin Koh, một thành viên cấp cao tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam có trụ sở tại Singapore, cho biết Indonesia đã liên tục tăng cường khả năng phòng thủ của mình kể từ nhiệm kỳ của Tổng thống Yudhoyono. Và với xuất thân của Prabowo, Koh tin rằng Prabowo sẽ tiếp tục các chương trình hiện đại hóa quân đội.
Kể từ khi Prabowo nắm quyền Bộ Quốc phòng, các chương trình hiện đại hóa tiếp tục được ưu tiên. Dưới thời ông, Indonesia đã thuận lợi mua được 42 máy bay chiến đấu cho Không quân[15], thúc đẩy phối hợp hướng tới hiện đại hóa trang thiết bị của lực lượng vũ trang và mở rộng quân đội thông qua việc thành lập các đơn vị dự bị. Hơn nữa, Prabowo ủng hộ sự phát triển của ngành công nghiệp quốc phòng trong nước của Indonesia, ủng hộ việc mua sắm các thiết bị quân sự được sản xuất trong nước, qua đó củng cố khả năng và khả năng tự lực của quốc gia.
Cũng dưới thời kỳ Bộ trưởng Quốc phòng Prabowo, chiến lược quốc phòng của Indonesia đã có những tiến bộ đáng kể trong bảng xếp hạng quân sự toàn cầu. Bằng cách thực hiện chính sách nhằm khôi phục vị thế của Indonesia thông qua sức mạnh quân sự, Prabowo đã nâng cao vị thế của đất nước này trong Chỉ số Hỏa lực Toàn cầu (Global Fire Power)[16]. Indonesia đã vươn lên vị trí thứ 13/145 quốc gia vào năm 2023, tăng từ vị trí thứ 16 năm 2019, vượt qua các quốc gia trong khu vực và cường quốc quân sự trên toàn cầu như Việt Nam, Thái Lan, Singapore, Israel, Iran, hay Australia.
Nhưng với tình trạng tài chính của đất nước hiện nay, có ý kiến cho rằng Prabowo chỉ có thể hoàn thành các chương trình đã được thực hiện thay vì bắt đầu các chương trình mới. Trong khi Tổng thống Jokowi năm ngoái đã phê duyệt khoảng 139,3 nghìn tỷ Rupiah (8,9 tỷ USD) chi tiêu quốc phòng cho năm 2024 (tăng 20% so với ngân sách trước đó), thì chính phủ vẫn cần nhiều hơn nữa để đáp ứng các mục tiêu hiện đại hóa quân sự. Theo kế hoạch Lực lượng Thiết yếu Tối thiểu (Minimum Essential Force-MEF), chính phủ phải hoàn thành danh sách nâng cấp quân sự và mua sắm khí tài khi nhiệm kỳ Tổng thống Jokowi kết thúc vào tháng 10/2024. Tuy vậy, theo Evan Laksmana, chuyên gia quân sự Đông Nam Á của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, tính đến tháng 9/2023, Không quân mới đạt được 51% mục tiêu, Lục quân đạt 60% và Hải quân đạt 76%[17].
Tuy vậy, trong một cuộc tranh luận giữa các ứng cử viên tổng thống, mặc dù Prabowo nhấn mạnh rằng Indonesia là một quốc gia thuộc phong trào không liên kết, ông cũng gợi lên những viễn cảnh khác biệt. Ông nói: “Sức mạnh quốc gia phải là sức mạnh quân sự. Nếu không có sức mạnh quân sự, lịch sử văn minh nhân loại sẽ cho chúng ta thấy một quốc gia bị nghiền nát như tại Gaza hiện nay”[18]. Nhận xét này của Prabowo cho thấy Indonesia có thể chuyển hướng chính sách đối ngoại không can dự theo hướng tập trung hơn vào củng cố an ninh quốc gia và tiếp tục tăng cường sức mạnh của quân đội trong tương lai. Dựa vào khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa trước đây và thói quen đưa ra những nhận xét nóng nảy của Prabowo, khó có thể đoán được ý định thực sự của ông.
Ngoại giao giữa các nước lớn
Về chính sách ngoại giao, nếu như chính quyền của Prabowo tiếp nối các di sản từ chính quyền cũ thì có khả năng cao một sự cân bằng thực dụng giữa các cường quốc sẽ được duy trì.
Các chuyên gia và giới quan sát vẫn chưa rõ Prabowo sẽ thực sự muốn làm gì sau khi ông nhậm chức vào tháng 10. Tiến sĩ Shafiah Muhibat, phó giám đốc điều hành nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Indonesia, cho biết bộ máy quan liêu cực đoan trong Bộ Ngoại giao Indonesia, cùng với cam kết công khai của Prabowo đi theo Jokowi, tất cả đều hướng tới một sự tiếp tục của các chính sách ngoại giao hiện tại.
Dưới thời Jokowi, chính phủ Indonesia hiếm khi tập trung vào các vấn đề an ninh và địa chính trị mà ưu tiên các vấn đề kinh tế. Khi Jokowi mới nhậm chức, các trợ lý muốn thuyết phục tổng thống về tầm quan trọng của căng thẳng ở Biển Đông và Đài Loan. Khi đó, mối quan tâm lớn nhất là một cuộc chiến tại các điểm nóng đó sẽ làm tăng chi phí bảo hiểm vận chuyển, gây tổn hại cho các nhà xuất khẩu Indonesia. Nhiệm vụ chính của các nhà ngoại giao là bán ra hàng hóa Indonesia ở nước ngoài[19]. Mối quan tâm của Jokowi đối với địa chính trị tăng nhẹ trong nhiệm kỳ thứ hai của ông, khi Indonesia chủ trì tổ chức G-20 sau khi Nga triển khai “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraina, nhưng mối quan tâm chính của chính phủ dường như chỉ là tác động của chiến tranh đối với lạm phát trong nước[20].
Nhiệm kỳ bộ trưởng của ông Prabowo đã chứng kiến sự hợp tác được tăng cường với Hoa Kỳ, đặc biệt là để đối phó với ảnh hưởng ngày càng mở rộng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Sự hợp tác này đã thể hiện qua việc gia tăng các cam kết quân sự, bao gồm các cuộc tập trận huấn luyện chiến đấu chung đã phát triển đáng kể về quy mô. Đặc biệt, cuộc tập trận Super Garuda Shield đã tạo điều kiện cho các cuộc đối thoại chính sách đối ngoại và quốc phòng sâu sắc hơn giữa Indonesia và Mỹ, tập trung vào an ninh hàng hải và các lĩnh vực chiến lược khác[21].
Đồng thời, Prabowo đã tìm cách giao tiếp với Trung Quốc, thừa nhận vai trò lịch sử của nước này ở châu Á và tầm quan trọng của mối quan hệ kinh tế đối với các nỗ lực hiện đại hóa quân sự của Indonesia. Tại Đối thoại Shangri-La năm 2022, ông nhấn mạnh sự cần thiết phải tôn trọng sự trỗi dậy của Trung Quốc như một nền văn minh lớn, chỉ ra một cách tiếp cận khác để đương đầu với sự trỗi dậy của Bắc Kinh[22]. Chiến lược kép liên kết với Mỹ để hợp tác an ninh trong khi vẫn duy trì quan hệ đối tác kinh tế với Trung Quốc thể hiện khả năng xử lý khéo léo của Prabowo đối với các lợi ích chiến lược của Indonesia trên trường quốc tế phức tạp.
Mối quan hệ với Trung Quốc và Đông Nam Á
Mối quan hệ với Bắc Kinh được xây dựng dưới thời Jokowi khó có thể có sự thay đổi đáng kể nào dưới thời Prabowo, nhưng rất có khả năng mối quan hệ này sẽ trở nên rạn nứt phần nào. Điều này là do các vấn đề nội tại của các khoản đầu tư không chất lượng, và các vấn đề địa chính trị cũng có thể tác động ít nhiều lên lập trường ngoại giao với Trung Quốc. Nếu Indonesia muốn khẳng định vai trò rõ rệt của mình hơn trong khối ASEAN, đặc biệt là với vấn đề Biển Đông, thì hoàn toàn có khả năng làm phức tạp mối quan hệ với Bắc Kinh.
Bắc Kinh đã đầu tư hàng tỷ USD để hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng ở Indonesia, bao gồm tuyến đường sắt cao tốc Jakarta-Bandung và dự án năng lượng mặt trời nổi lớn nhất Đông Nam Á – Cirata. Mặc dù các khoản đầu tư của Trung Quốc đi cùng lợi ích về phát triển, nhưng chúng cũng gây ra nhiều tranh cãi. Teuku Rezasyah, phó giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Padjadjaran, cho biết Indonesia trước đây đã báo cáo một số vụ tai nạn tại các nhà máy do Trung Quốc sở hữu và sự cố ô nhiễm môi trường khiến người dân địa phương bất bình. Có thể thấy khi chính phủ mở rộng chào đón các khoản đầu tư của Trung Quốc, các vấn đề về môi trường và xã hội ở địa phương, hay việc xử lý không đúng cách có thể gây ra tâm lý chống Trung Quốc. Phó Giáo sư Teuku cho rằng một số khoản đầu tư của Trung Quốc đến Indonesia quá nhanh và có thể gọi đó một quyết định chính trị thì đúng hơn. Vì vậy, các khoản này không mang lại bất cứ lợi ích nào cho địa phương và người dân. Ông cho rằng Prabowo hoàn toàn nhận thức được các vấn đề và phải đề ra giải pháp trước khi nhậm chức[23].
Ngoài các khoản đầu tư của Trung Quốc, Prabowo sẽ phải xử lý các vấn đề chủ quyền giữa Indonesia và Trung Quốc trong tương lai. Giống như một số nước láng giềng Đông Nam Á, Indonesia hiện cũng có tranh chấp với Trung Quốc tại một phần vùng đặc quyền kinh tế được quốc tế công nhận của Indonesia. Tuy nhiên, tranh chấp của Indonesia không phức tạp như giữa Philippines hay Việt Nam và Trung Quốc. Yohanes Sulaiman, phó giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Jenderal Achmad Yani, cho rằng nếu Bắc Kinh tiếp tục mở rộng sự hiện diện quân sự ở Biển Đông, Prabowo có thể đáp trả mạnh mẽ. Ông nói: “Phản ứng của ông ấy sẽ phụ thuộc vào những gì Trung Quốc làm. Nếu Trung Quốc sử dụng súng nước và vòi rồng như đã làm với Philippines, chúng ta có thể mong đợi một phản ứng mạnh mẽ tương đương từ Indonesia, không giống như dưới thời Joko Widodo. Và nếu có nhiều tranh cãi, căng thẳng sẽ leo thang.”
Cùng với vấn đề tại Biển Đông, Indonesia có thể nâng tầm vai trò trung tâm của ASEAN và tập trung chặt chẽ hơn vào các vấn đề lâu dài của khối, trong đó có cuộc khủng hoảng ở Myanmar. Ông Andreyka Natalegawa, một cộng sự tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), cho biết: “Thực tế là chính quyền Jokowi đã tránh xa vai trò lãnh đạo truyền thống của Indonesia trong ASEAN. Việc này đã làm trầm trọng thêm các vấn đề và khiến hành động chung đi chệch hướng các chiến lược của tổ chức này.” Tuy nhiên, một thách thức khác là liệu ông Prabowo có đủ kiên nhẫn để vượt qua quá trình ra quyết định và thể chế được thừa nhận là chậm chạp của ASEAN, cho dù ông hoàn toàn có cơ hội hướng Indonesia tới một vai trò tích cực hơn trong khối[24].
Các quyết sách tất nhiên sẽ phụ thuộc vào việc ông Prabowo cân bằng lợi ích của Indonesia với lợi ích của toàn thể ASEAN như thế nào.
Tương lai của Indonesia và hàm ý đối với Việt Nam
Trước mắt có thể thấy chính quyền mới của ông Prabowo sẽ vẫn tiếp tục đi theo con đường hiện tại vốn đã được duy trì bởi người tiền nhiệm. Indonesia sẽ đặc biệt chú trọng vào việc xuất khẩu niken và biến Indonesia trở thành trung tâm pin xe điện khi thế giới dần chuyển dịch sang năng lượng xanh. Để làm được điều đó, nước này sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Trung Quốc và tận dụng mọi nguồn lực tài chính khả dụng để phát triển cơ sở hạ tầng, tạo ra tăng trưởng kinh tế và thực thi một vài chính sách dân túy như đã cam kết.
Về vấn đề quan điểm của Indonesia với thế giới, lập trường trung dung trước những cuộc đối đầu của các cường quốc sẽ vẫn được duy trì phần nào, với lợi ích của nước này nằm ở vị trí cao nhất. Dù vậy, Indonesia dưới thời Prabowo được dự đoán sẽ có những bước đi rõ ràng đối với an ninh quốc gia hơn chính quyền trước. Nước này sẽ tiếp tục hiện đại hóa trang thiết bị quân sự của mình và tăng cường sức mạnh quân sự. Từ đó, nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế.
Đối với Việt Nam, việc Indonesia thay một lãnh đạo chính phủ mới đóng vai trò rất quan trọng đối với quan hệ hợp tác song phương và thúc đẩy các cơ chế đa phương với mục đích có lợi cho cả hai quốc gia. Từ những cam kết hiện có của ông Prabowo, có thể thấy các chính sách đối với Việt Nam sẽ không có thay đổi đáng kể so với thời ông Jokowi, tập trung vào vấn đề căng thẳng ở Biển Đông và hợp tác kinh tế. Trong chuyến thăm Việt Nam gần đây của Tổng thống Jokowi, đây chính là hai nội dung đứng đầu chương trình nghị sự[25].
Theo báo cáo của BenarNews và Đài Tiếng nói Việt Nam, cả hai bên tái khẳng định cam kết thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử ở Biển Đông (DOC) ký năm 2002 và tiếp tục đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử (COC). COC, một nội dung chương trình nghị sự lâu đời, nhằm mục đích cung cấp các hướng dẫn về hành vi của các quốc gia có yêu sách trong khi giải quyết các yêu sách chồng chéo. Tuy nhiên, vẫn có những nghi ngờ về sự chân thành của Trung Quốc trong việc hoàn tất thỏa thuận COC, vì những động thái hiện tại không phản ánh một mong muốn thực sự của nước này. Cả Việt Nam và Indonesia nhấn mạnh tầm quan trọng của một COC “thực chất và hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế”. Điều này cũng giống với những tuyên bố trước đây của Jokowi trong chuyến thăm Philippines, nơi ông nhấn mạnh tầm quan trọng phổ quát của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) trong việc quản lý các hoạt động trên biển.
Đối với lĩnh vực kinh tế, lãnh đạo của hai nước bày tỏ mong muốn thúc đẩy thương mại song phương lên 15 tỷ USD, tăng từ mức khoảng 14,1 tỷ USD năm ngoái. Ông Jokowi ca ngợi về quyết định đầu tư của Vinfast tại Indonesia mới đây, còn ở phía người đồng cấp của Việt Nam (khi đó là ông Võ Văn Thưởng) cũng đã khuyến khích các doanh nghiệp Indonesia đầu tư vào Việt Nam trong tương lai gần./.
Tác giả: Hoàng Long
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
Tài liệu tham khảo:
[1] Nabiel Gibran El Rizani & Yustinus Paat (2024). “Jokowi’s Strong Approval Rating Shapes Voter Preferences for Prabowo”. https://jakartaglobe.id/news/jokowis-strong-approval-rating-shapes-voter-preferences-for-prabowo. Truy cập 12/3/2024.
[2] Al Jazeera (2024). “‘Disappointed’: Indonesians reflect on legacy of departing Joko Widodo”. https://www.aljazeera.com/news/2024/2/13/disappointed-indonesians-reflect-on-legacy-of-departing-joko-widodo. Truy cập 18/3/2024.
[3] Amy Sood and Resty Woro Yuniar (2024). “Indonesia election 2024: Prabowo Subianto hails ‘victory for all Indonesians’ as early counts show him in lead with 58%”. https://www.scmp.com/week-asia/politics/article/3251920/indonesia-election-2024-polls-close-race-defence-minister-prabowo-subianto-favoured-win?module=feature_package&pgtype=homepage. Truy cập 12/3/2024.
[4] Monika Swasti Winarnita (nd). “Commemoration and its limitations: The mass rapes of Chinese Indonesian women may 1998”. https://core.ac.uk/download/pdf/156652699.pdf.
[5] Al Jazeera (2014). “Indonesia candidate admits role in abductions”. https://www.aljazeera.com/news/2014/7/18/indonesia-candidate-admits-role-in-abductions. Truy cập 14/3/2024.
[6] Tham khảo: https://www.statista.com/statistics/1450855/indonesia-net-worth-of-presidential-candidates-2023/.
[7] Yilmaz, Ihsan; Bachtiar, Hasnan; Smith, Chloe & Shakil, Kainat. (2024). “Fluctuating Populism: Prabowo’s Everchanging Populism Across the Indonesian Elections.” Populism & Politics (P&P). European Center for Populism Studies (ECPS). March 15, 2024. https://doi.org/10.55271/pp0030.
[8] Al Jazeera (2024). “Who is Prabowo Subianto, the man likely to be Indonesia’s next president?”. https://www.aljazeera.com/news/2024/2/16/who-is-prabowo-subianto-the-man-likely-to-be-indonesias-next. Truy cập 16/3/2024.
[9] Jack Moore (2024). “Once a ‘nobody,’ Jokowi’s son is set to become Indonesia’s VP”. https://www.japantimes.co.jp/news/2024/02/27/asia-pacific/politics/jokowi-son-indonesia-vp/. Truy cập 16/3/2024.
[10] Sebastian Strangio (2023). “Indonesian Chief Justice Dismissed for ‘Serious’ Ethics Violation”. https://thediplomat.com/2023/11/indonesian-chief-justice-dismissed-for-serious-ethics-violation/. Truy cập 16/3/2024.
[11] Amelia Rahima Sari (2024). “KPU to Conduct Vote Recapitulation of Remaining 5 Provinces Today, Including Papua”. https://en.tempo.co/read/1828393/prabowo-subianto-says-those-opposing-downstream-program-fail-to-think-logic. Truy cập 16/3/2024.
[12] M. Habib Pashya (2024). “Prabowo Easily Wins the Indonesian Presidency: What Next?”. https://www.fairobserver.com/world-news/prabowo-easily-wins-the-indonesian-presidency-what-next/. Truy cập 17/3/2024.
[13] Lionel Lim (2024). “Indonesia’s presumed next president wants the ‘very, very messy’ democracy to have 8% GDP growth within 5 years”. https://fortune.com/asia/2024/03/06/indonesia-presumed-next-president-prabowo-subianto-gives-8-percent-gdp-growth-target-messy-democracy/. Truy cập 17/3/2024.
[14] Leilani Chavez (2024). “Next Indonesian president may be boon to military buildup, expert says”. https://www.defensenews.com/global/asia-pacific/2024/03/11/next-indonesian-president-may-be-boon-to-military-buildup-expert-says/. Truy cập 16/3/2024.
[15] Gusty Da Costa (2024). “Indonesian Air Force modernization strengthens sovereignty, regional stability”. https://ipdefenseforum.com/2024/02/indonesian-air-force-modernization-strengthens-sovereignty-regional-stability/. Truy cập 16/3/2024.
[16] Tempo.co (2023). “Countries with the Strongest Military in the World, Indonesia Ranks 13th”. https://en.tempo.co/read/1815497/countries-with-the-strongest-military-in-the-world-indonesia-ranks-13th. Truy cập 16/3/2024.
[17] Leilani Chavez (2024). nt.
[18] Joseph Rachman (2024). “What Prabowo’s Victory Means For Indonesian Foreign Policy”. https://thediplomat.com/2024/03/what-prabowos-victory-means-for-indonesian-foreign-policy/?utm_source=ground.news&utm_medium=referral. Truy cập 17/3/2024.
[19] Ben Bland (2020). “Jokowi’s foreign policy approach: look for friends with benefits”. https://www.afr.com/world/asia/jokowi-s-foreign-policy-approach-look-for-friends-with-benefits-20200824-p55ou6. Truy cập 17/3/2024.
[20] Christopher S. Chivvis, Elina Noor and Beatrix Geaghan‑Breiner (2023). “Indonesia in the Emerging World Order”. https://carnegieendowment.org/2023/11/09/indonesia-in-emerging-world-order-pub-90966. Truy cập 17/3/2024.
[21] Ronna Nirmala and Ahmad Syamsudin (2021). “Indonesia to Host US for Largest-Ever Army Joint Training”. https://www.benarnews.org/english/news/indonesian/training-exercise-07272021144758.html. Truy cập 16/3/2024.
[22] indonesiadefense (2023). “Bicara di IISS Shangri-La, Prabowo Yakin AS-China Bisa Tunjukkan Sikap Bijak untuk Perdamaian Dunia”. https://indonesiadefense.com/bicara-di-iiss-shangri-la-prabowo-yakin-as-china-bisa-tunjukkan-sikap-bijak-untuk-perdamaian-dunia/. Truy cập 16/3/2024.
[23] Peh Hong Lim (2024). “Prabowo is unlikely to rock the boat with China”. https://chinafactor.news/2024/02/20/prabowo-is-unlikely-to-rock-the-boat-with-china/. Truy cập 17/3/2024.
[24] Shannon Teoh (2024). “Optimism in Asean as Prabowo presidency heralds a more active role for Indonesia”. https://www.straitstimes.com/asia/se-asia/optimism-in-asean-as-prabowo-presidency-heralds-a-more-active-role-for-indonesia. Truy cập 17/3/2024.
[25] Sebastian Strangio (2024). “Indonesian President Discusses Maritime Tensions, Economy on Vietnam Trip”. https://thediplomat.com/2024/01/indonesian-president-discusses-maritime-tensions-economy-on-vietnam-trip/?utm_source=ground.news&utm_medium=referral. Truy cập 17/3/2024.