Khi Phần Lan và Thụy Điển nộp đơn xin gia nhập NATO vào mùa Xuân năm 2022, phản ứng của Nga là tiêu cực nhưng “im lặng”. Giới lãnh đạo Nga chỉ đưa ra những lời phản đối và chỉ trích chứ chưa có những hành động cụ thể – rất có thể là do đang phải bận tâm với cuộc chiến chống lại Ukraine. Tuy nhiên, không nên cho rằng, Nga sẽ kiềm chế không đáp trả trong tương lai. Điện Kremlin đã đưa ra quan điểm rõ ràng từ nhiều năm trước: sẽ có những hậu quả nghiệm trọng từ tư cách thành viên NATO của Phần Lan và Thụy Điển. Tổng thống Phần Lan Sauli Niinistö đã đưa ra một minh họa về cách tiếp cận của Nga trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 02/2022 khi nhắc lại lời cảnh báo của Tổng thống Vladimir Putin từ năm 2016: “Bây giờ, khi chúng ta nhìn qua biên giới, chúng ta thấy Phần Lan ở phía bên kia. Nếu Phần Lan gia nhập NATO, chúng ta sẽ thấy kẻ thù”.
Như trong một báo cáo gần đây của Trung tâm An ninh Mỹ mới đã phân tích, sự mở rộng sắp tới của NATO sẽ thay đổi vĩnh viễn cấu trúc an ninh châu Âu và làm xói mòn vị trí địa chính trị của Nga. Moscow sẽ coi những thay đổi này là mối đe dọa đối với an ninh của mình và có khả năng sẽ đáp trả theo những cách sẽ đặt ra những thách thức đối với NATO trong cả ngắn hạn và dài hạn. Trong ngắn hạn, các đồng minh NATO sẽ cần phải chống lại những nỗ lực của Moscow nhằm làm suy yếu vị thế của liên minh này ở khu vực Bắc Âu-Baltic-Bắc Cực, bao gồm thông qua các chiến thuật vùng xám khác nhau và tuyên bố về sử dụng và triển khai năng lực hạt nhân hung hăng hơn nhằm bù đắp những tổn thất về năng lực quân sự thông thường của họ. Về lâu dài, NATO phải lên kế hoạch cho một nước Nga hồi sinh, vì cuối cùng, Nga sẽ tái bố trí các lực lượng thông thường ở miền Bắc và điều chỉnh tư thế lực lượng của mình để đối phó với sự hiện diện của NATO ở Phần Lan và Thụy Điển.
SƯỜN MỚI, NỖI LO MỚI
Với việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO, sườn phía Tây Bắc của Nga trở nên dễ bị tổn thương hơn. Biên giới của Nga với NATO từ đó sẽ kéo dài từ Bắc Băng Dương đến Biển Baltic, và Nga sẽ gần như hoàn toàn bị các nước NATO bao quanh. Đặc biệt, lãnh thổ của NATO sẽ mở rộng gần Bán đảo Kola có tầm quan trọng chiến lược ở phía Bắc và tiến gần hơn đến thành phố St. Petersburg lớn thứ hai của Nga, nằm trên bờ biển Baltic. Nga có thể nghi ngờ rằng, liên minh sẽ tập trung nhiều nguồn lực quân sự hơn dọc theo biên giới Phần Lan-Nga kéo dài. Ngoài ra, Nga có thể nhận thấy, sẽ rủi ro hơn khi tiến hành các hoạt động hải quân ở Biển Baltic hoặc lo lắng về các mối đe dọa đối với vùng lãnh thổ tách rời Kaliningrad của mình – nơi sắp bị các quốc gia thành viên NATO bao vây.
Việc gia tăng triển khai các nguồn lực và vũ khí, thiết bị quân sự của Nga trên Bán đảo Kola có liên quan đặc biệt đến nhận thức về mối đe dọa của Nga. Nằm ngay phía Đông Bắc Na Uy và Phần Lan, Bán đảo Kola có tầm quan trọng đặc biệt đối với an ninh quốc gia của Nga. Khu vực này là nơi đóng quân của Hạm đội Phương Bắc của Nga, bao gồm các tàu ngầm tên lửa đạn đạo, có nhiệm vụ đảm bảo khả năng tấn công hạt nhân lần thứ hai của nước này, cũng như các tàu ngầm tấn công và tàu nổi trang bị tên lửa hành trình sẽ giúp Nga ngăn chặn các đoàn tàu tăng viện của Mỹ trên đường tới châu Âu. Thiệt hại gây ra cho quân đội thông thường của Nga ở Ukraine sẽ làm tăng sự phụ thuộc của Moscow vào lực lượng hạt nhân của mình và do đó củng cố tầm quan trọng của Bán đảo Kola đối với các nhà hoạch định quân sự Nga. Ngoài ra, vị trí của Bán đảo Kola gần điểm cuối phía Tây của Tuyến đường biển phía Bắc ngày càng khả thi sẽ tiếp tục đảm bảo rằng, an ninh của khu vực là lợi ích sống còn của Nga trong những năm tới.
Có thể tìm thấy một minh họa về cách Quân đội Nga xem xét tư cách thành viên NATO của Phần Lan và Thụy Điển trong một ấn phẩm của Bộ Quốc phòng Nga từ tháng 12/2022. Các tác giả của một bài báo đề cập đến những thách thức hiện tại đối với an ninh quân sự của Nga ở Bắc Cực lưu ý rằng, ngay cả khi việc gia nhập của Phần Lan và Thụy Điển chủ yếu là một thủ tục pháp lý, vì mối quan hệ của họ với NATO đã được thiết lập từ trước, thì động thái này vẫn phải được coi là thách thức cấp bách nhất đối với Nga. Họ đưa ra hai lý do cho đánh giá này. Đầu tiên, quân đội, vũ khí và thiết bị của NATO có thể được bố trí trên lãnh thổ của Phần Lan và Thụy Điển. Thứ hai, NATO có thể triển khai “các tổ hợp tên lửa tác chiến-chiến thuật” tới Phần Lan, điều này sẽ tạo ra các mối đe dọa đối với cả tổ hợp công nghiệp-quân sự ở vùng Arkhangelsk và cơ sở hạ tầng giao thông của Nga.
PHẢN ỨNG CỦA NGA
Hiện tại, đang có những dấu hiệu cho thấy phản ứng của Nga. Các chính trị gia và quan chức cấp cao của Nga từ lâu đã đe dọa sẽ thực hiện “các biện pháp kỹ thuật quân sự thích hợp” nếu Phần Lan và Thụy Điển tìm cách gia nhập NATO. Vào tháng 12/ 2022, và một lần nữa vào giữa tháng 01/2023, Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu đã chỉ ra các thay đổi trong chiến lược có thể đang được tiến hành. Các cải cách được lên kế hoạch cho giai đoạn 2023-2026 sẽ bao gồm việc thành lập một quân đoàn ở Cộng hòa Karelia gần biên giới với Phần Lan cũng như tái lập các quân khu Moscow và Leningrad thông qua việc giải thể quân khu phía Tây hiện tại. Shoigu nhấn mạnh vào tháng 12/2022 rằng, lý do đằng sau những thay đổi này là “mong muốn của NATO tăng cường tiềm lực quân sự gần biên giới Nga, cũng như mở rộng liên minh bằng cách bổ sung thêm Phần Lan và Thụy Điển”, khiến Moscow cần phải “thực hiện các biện pháp trả đũa và tạo ra một nhóm quân thích hợp ở phía Tây Bắc nước Nga. Trong khi các nhà phân tích Phần Lan không coi những diễn biến này là kịch tính, họ chứng minh rằng, mặc dù bị sa lầy ở Ukraine, Nga đang chuyển hướng để đối phó với những thay đổi của môi trường an ninh Bắc Âu.
Mặc dù những đề xuất này báo hiệu ý định của Nga nhằm phản ứng lại mối đe dọa từ việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO, tuy nhiên, Nga sẽ ít có khả năng thực hiện được các tham vọng trên bằng cách sử dụng các phương tiện quân sự thông thường trong thời gian ngắn. Với nhu cầu liên tục tập trung vào cuộc chiến chống lại Ukraine, bằng chứng là các báo cáo gần đây cho thấy nước này đang chuyển quân từ các khu vực khác, bao gồm cả từ các khu vực gần Phần Lan, Moscow có thể sẽ dựa vào chiến thuật vùng xám để làm suy yếu vị thế của NATO trong khu vực Bắc Âu-Baltic-Bắc Cực. Các sự kiện gần đây cho thấy, những chiến thuật này có thể bao gồm các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng quan trọng như: Đường ống, cáp ngầm dưới biển hoặc mỏ dầu khí, cũng như các hành động khủng bố chống lại các quan chức phương Tây. Có những quan ngại rằng, Moscow sẽ lại vũ khí hóa những người tị nạn, như đã từng làm trong năm 2015 và 2016, đã khiến Phần Lan bắt đầu xây dựng hàng rào dọc biên giới với Nga. Các chiến dịch tấn công mạng và thông tin sai lệch nhằm vào Thụy Điển, Phần Lan và các quốc gia khác dọc theo sườn phía Đông Bắc được củng cố của NATO là một khả năng bổ sung.
Vũ khí hạt nhân cũng sẽ chiếm ưu thế lớn hơn trong chiến lược của Nga cho đến khi nước này có thể tái thiết lực lượng của mình, việc này có thể mất một thập kỷ hoặc lâu hơn. Cùng với những luận điệu về khả năng sử dụng năng lực hạt nhân ngày càng cứng rắn của Tổng thống Putin sau những tổn thất quân sự thông thường ở Ukraine, Nga đã đẩy mạnh vị thế hạt nhân của mình ở Vùng cao phía Bắc. Moscow được cho là đã triển khai một số máy bay ném bom có khả năng mang vũ khí hạt nhân đến Bán đảo Kola trước cuộc tập trận hạt nhân vào tháng 10/2022, bao gồm các cuộc thử nghiệm đối với bộ ba hạt nhân Nga ở Bắc Cực. Khi Nga cố gắng đối phó với mối đe dọa gia tăng rõ ràng ở Bắc Âu trong khi quân đội của họ vẫn bị trói buộc ở những nơi khác, thì có khả năng Nga sẽ tăng gấp đôi các động thái tín hiệu về khả năng sử dụng năng lực hạt nhân trong khu vực.
Tuy nhiên, cuối cùng, Nga sẽ phục hồi. Và trong khi điểm yếu quân sự của Nga có thể chỉ là tạm thời, những thay đổi đối với cấu trúc an ninh châu Âu do chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga gây ra thì không thể vãn hồi. Sau đó, về lâu dài, Moscow có khả năng sẽ điều chỉnh vĩnh viễn tư thế lực lượng của mình để đối phó với sự hiện diện của NATO ở Phần Lan và Thụy Điển. Một báo cáo nghiên cứu gần đây của Phần Lan lập luận rằng, Nga cuối cùng sẽ phản ứng lại việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO bằng cách tăng cường lực lượng gần Phần Lan, mặc dù không đạt được số lượng như thời Chiến tranh Lạnh. Tác giả ước tính rằng, do những tổn thất mà Nga phải gánh chịu ở Ukraine và sự chậm chạp trong việc thành lập các lực lượng mới, có khả năng sẽ không có sự gia tăng đáng kể sức mạnh quân sự nào ở khu vực lân cận của Phần Lan trước những năm 2030.
Như các tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Nga Shoigu cũng minh họa, Nga sẽ tìm cách tăng cường khả năng răn đe thông thường dọc theo sườn phía Tây Bắc của nước này ngay khi họ có khả năng làm như vậy, và có lý do để dự báo rằng, Nga sẽ tăng cường triển khai các hệ thống phòng thủ chống tiếp cận/từ chối khu vực xung quanh Bán đảo Kola, cũng như củng cố biên giới với Phần Lan gần TP. St. Petersburg.
Moscow cũng có khả năng hành động mạnh mẽ hơn ở Bắc Âu sau khi xây dựng lại lực lượng của mình, nếu không muốn nói là sớm hơn. Các cuộc tập trận không quân khiêu khích thường xuyên hơn dọc biên giới Phần Lan và Thụy Điển hoặc quấy rối tàu phương Tây ở biển Barents và Baltic có thể là nhằm tìm cách thăm dò hệ thống phòng thủ của NATO và đe dọa liên minh này, giúp Nga giành lại lợi thế trong khu vực. Moscow có thể tập trung các cuộc tập trận này vào các điểm nút thắt chiến lược như Eo biển Đan Mạch và vùng biển xung quanh Gotland, Bornholm và Quần đảo Åland. Các cuộc biểu dương sức mạnh quân sự cũng có thể là cơ hội để thể hiện vị thế cường quốc mới của Nga, vốn đã bị tổn hại do năng lực yếu kém thể hiện ở Ukraine. Những động thái phô diễn này sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra tai nạn, có thể châm ngòi cho một cuộc xung đột mới. Một mối đe dọa quân sự mới đối với các quốc gia vùng Baltic, vốn từ lâu đã lo sợ về một cuộc xâm lược tiềm ẩn của Nga, cũng có thể xảy ra trong dài hạn. Mặt khác, việc Thụy Điển và Phần Lan gia nhập sẽ giúp NATO dễ dàng bảo vệ các quốc gia Baltic hơn, do đó tăng cường khả năng phòng thủ và răn đe của liên minh trong khu vực và góp phần ổn định khu vực ở Bắc Âu.
Bất kỳ cơ sở hạ tầng mới nào của NATO ở Thụy Điển và Phần Lan, như: Nâng cấp sân bay, xây dựng mới cơ sở tình báo hoặc triển khai vũ khí hạt nhân… sẽ chỉ tăng cường phản ứng hiếu chiến của Nga ở khu vực Bắc Âu-Baltic-Bắc Cực. Phần Lan đã thông báo rằng, họ sẽ triển khai F-35 ở Lapland bắt đầu từ năm 2026 và các cuộc tập trận quy mô lớn thường xuyên hơn của NATO ở Bắc Âu có thể sẽ diễn ra trong nhiều năm. Khi Nga thoát khỏi cuộc chiến mà nước này bắt đầu ở Ukraine, những động thái này sẽ càng nâng cao nhận thức về mối đe dọa của Moscow và khiến nước này dành nhiều sự chú ý hơn cho sườn Tây Bắc của mình.
BIỆN PHÁP ĐỐI PHÓ TIỀM TÀNG CỦA NATO
Giai đoạn mở rộng mới của NATO tạo ra nhu cầu quản lý, cả trong ngắn hạn và dài hạn, nguy cơ ngày càng lớn của mối đe dọa từ Nga. Trong ngắn hạn, NATO – cùng với Liên minh châu Âu, chính phủ các quốc gia, công ty tư nhân khu vực và từng công dân – nên lên kế hoạch tăng cường khả năng phòng thủ và khả năng phục hồi trước các mối đe dọa hỗn hợp. NATO cần thể hiện rõ hơn nữa sự sẵn sàng đáp trả tương xứng với các cuộc tấn công hỗn hợp do Nga thực hiện. Để đối phó với thách thức hạt nhân ngày càng tăng của Nga, NATO nên xem xét lại tư thế hạt nhân của mình, bao gồm vai trò của vũ khí hạt nhân trong việc quản lý leo thang và răn đe mở rộng cùng với việc chuẩn bị chiến đấu trong môi trường bị ảnh hưởng bởi bụi phóng xạ hạt nhân.
Đồng thời, liên minh nên lập kế hoạch đối phó với mối đe dọa thông thường do một nước Nga đang hồi sinh gây ra trong chiến trường Bắc Âu-Baltic mà không thực hiện các bước khiêu khích quá mức. Bản thân việc tích hợp các quân đội có năng lực cao của Thụy Điển và Phần Lan vào NATO sẽ củng cố tư thế răn đe khu vực của liên minh, nhưng có thể làm được nhiều hơn thế. Điều này bao gồm thay đổi cơ cấu chỉ huy của liên minh, sửa đổi kế hoạch dự phòng trong khu vực, nâng cấp cơ sở hạ tầng tăng cường của Thụy Điển và Phần Lan, tổ chức các cuộc tập trận quy mô lớn mới ở Bắc Âu và cải thiện các năng lực ở Vùng cao phía Bắc như phòng không và tên lửa và tình báo, giám sát và trinh sát. Tuy nhiên, cũng nên thận trọng khi thiết lập một nhiệm vụ phòng không của NATO cho khu vực Biển Baltic, nếu chỉ dựa trên năng lực của lực lượng phòng không Baltic hiện có.
Các đồng minh cũng nên hướng tới một chiến lược toàn diện cho an ninh Bắc Âu, coi khu vực này là một mặt trận duy nhất bao gồm không chỉ khu vực Vùng cao phía Bắc mà còn cả Biển Baltic và Bắc Đại Tây Dương. Những nỗ lực này có thể bao gồm việc xác định chung các mục tiêu tiềm năng của khu vực trong quá trình lập kế hoạch phòng thủ của NATO, cùng với việc tập hợp khả năng giám sát trên biển và trên không của các đồng minh Bắc Âu. Điều quan trọng nữa là phải thuyết phục Ba Lan và Đức tham gia tích cực hơn vào củng cố an ninh của khu vực, khuyến khích các quốc gia này thể hiện rõ bản sắc của mình là các quốc gia vùng biển Baltic.
Cuối cùng, NATO nên thúc đẩy ý thức đoàn kết đồng minh rộng lớn hơn ở Phần Lan và Thụy Điển để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi của họ khỏi tư duy trung lập đã ăn sâu vào tiềm thức. Helsinki và Stockholm từ lâu đã tập trung chủ yếu vào việc bảo vệ lãnh thổ của riêng họ, nhưng với tư cách là thành viên mới của NATO, họ sẽ có trách nhiệm bảo vệ lãnh thổ của các đồng minh trên phạm vi rộng hơn. Để tạo điều kiện thuận lợi cho sự điều chỉnh này, các đồng minh NATO khác nên khuyến khích Phần Lan và Thụy Điển đóng góp đáng kể cho các nhiệm vụ không chỉ ở sườn phía Đông của NATO mà cả ở sườn phía Nam của liên minh này.
Việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập có thể làm tăng đáng kể sự ổn định trong khu vực. Tuy nhiên, liên minh không thể bỏ qua những rủi ro đi kèm. Các bước được đề xuất ở trên sẽ giúp đảm bảo rằng NATO sẵn sàng cho bất kỳ phản ứng tiềm tàng nào từ phía Nga trong thời gian tới.
Biên dịch: Phương Thảo
Về tác giả: Nicholas Lokker là nhà nghiên cứu trong Chương trình An ninh xuyên Đại Tây Dương tại Trung tâm An ninh Mỹ mới. Nghiên cứu của ông tập trung vào chính trị hội nhập và an ninh châu Âu, chính sách đối ngoại của Nga và quan hệ xuyên Đại Tây Dương.
Heli Hautala là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp hiện đang nghỉ phép tại Bộ Ngoại giao Phần Lan. Cô là thành viên cấp cao phụ trợ cho Chương trình An ninh xuyên Đại Tây Dương tại Trung tâm An ninh mới của Mỹ.