Thứ trưởng Ngoại giao Nga Andrey Rudenko, hôm 30/5, cho biết công việc sắp xếp chuyến thăm của Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Triều Tiên và Việt Nam hiện đang ở giai đoạn cuối, hãng thông tấn Nga TASS dẫn lời quan chức này trả lời các nhà báo. Phát biểu bên lề hội nghị Nga – Trung, ông Rudenko không đưa ra ngày cụ thể về chuyến thăm đã được thông báo và truyền thông đưa tin trong thời gian gần đây[1]. Trong khi đó, chia sẻ tại buổi họp báo vào sáng 2/5 tại Hà Nội, Đại sứ Nga tại Việt Nam Gennady Stepanovich Bezdetko cũng đã nhắc lại trong cuộc điện đàm cấp cao vào tháng 3, Tổng thống Putin đã nhận lời mời thăm Việt Nam từ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đến thời điểm hiện tại, thời gian diễn ra chuyến thăm đã được xác định vào 2 ngày 19-20/6/2024. Trước đây, Ông Putin từng đến thăm Việt Nam 4 lần, trong đó có 3 lần trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức vào các năm 2001, 2006, 2013. Lần gần nhất là vào năm 2017, khi ông đến Đà Nẵng để dự Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương APEC do Việt Nam đăng cai. Chuyến thăm của ông Putin sẽ được thực hiện theo lời mời của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng trong cuộc điện đàm ngày 26/03/2024, và ông Putin đã nhận lời mời.
Giới quan sát cho rằng một chuyến thăm Hà Nội sẽ cho phép nhà lãnh đạo Nga chứng tỏ rằng những nỗ lực của phương Tây nhằm cô lập Moskva liên quan tới khủng hoảng ở Ucraina đã thất bại, đồng thời thúc đẩy nỗ lực của Hà Nội nhằm tìm kiếm một trung gian giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Trong khi đó Việt Nam, quốc gia có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Nga, cũng dự kiến sẽ tìm kiếm một thỏa thuận vũ khí với đồng minh lịch sử của mình trong bối cảnh Nga vẫn luôn là đối tác quân sự hàng đầu của Việt Nam. Năm 2024 kỷ niệm 45 năm ngày khởi công xây dựng và 30 năm đưa vào hoạt động nhà máy thủy điện Hòa Bình với sự hỗ trợ của Liên Xô, kỷ niệm 40 năm đưa vào hoạt động lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt, và doanh nghiệp liên doanh Vietsopetro đã đặt nền móng cho ngành công nghiệp dầu khí hiện đại của Việt Nam. Đồng thời, Tổng thống Putin không lâu vừa qua đã tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ thứ 5, việc Việt Nam trở thành một trong những nước đầu tiên được ông Putin lựa chọn để công du sẽ là một dấu ấn cho thấy vai trò quan trọng của Việt Nam đối với Moskva.
Nội dung dự kiến được thảo luận trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Putin
Hợp tác quốc phòng. Nếu chuyến đi của ông Putin đến Hà Nội diễn ra thì vấn đề mua bán vũ khí có thể sẽ là một trong những nội dung đứng đầu chương trình nghị sự. Kho máy bay chiến đấu của Không quân Việt Nam, hiện chủ yếu bao gồm tiêm kích đa năng Sukhoi Su-30MK2 và Su-27 đều do Nga sản xuất. Mặc dù Việt Nam đang có xu hướng đa dạng hóa nguồn cung vũ khí trong quá trình hiện đại hóa quân đội, nhưng Nga vẫn được coi là đối tác quan trọng bậc nhất trong lĩnh vực này. Cũng cần nhắc lại rằng, các loại vũ khí của Nga đã và đang thể hiện được những ưu thế đáng kể tại các điểm nóng xung đột hiện nay. Điều này càng làm tăng thêm mức độ tin cậy, và tiềm năng đạt được những thỏa thuận hợp tác quân sự mới nhân chuyến thăm đặc biệt của Tổng thống Putin.
Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế giữa hai nước. Quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Nga dẫu có nhiều tiềm năng phát triển, tuy nhiên vẫn còn tăng trưởng chậm, chưa tương xứng với quan hệ chính trị và cơ hội hợp tác giữa hai nước, vì thế, một trong những nội dung quan trọng dự kiến được thảo luận sẽ là tăng cường hợp tác kinh tế giữa hai nước, đặc biệt trong bối cảnh hậu Covid-19 và việc các quốc gia phương Tây áp dụng các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga, gây ảnh hưởng lớn đến quan hệ kinh tế giữa Hà Nội và Moskva.
Giải quyết các khó khăn đang tồn động, gây ảnh hưởng đến hợp tác giữa hai nước. Trong bối cảnh hiện nay, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Nga đang tồn tại nhiều khó khăn như hệ quả của đại dịch Covid-19, hay các lệnh trừng phạt của một số quốc gia nhằm vào Nga và đối tác giao dịch với Nga. Trong khi đó, dư địa hợp tác song phương còn rất lớn.
Hợp tác trong lĩnh vực năng lượng. Năng lượng luôn là lĩnh vực hợp tác truyền thống và là một trong các trụ cột của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Liên bang Nga. Là một nước đang phát triển dành phần lớn thu nhập vào việc nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch và thiếu năng lượng, cũng như kế hoạch về năng lượng. Trong khi đó, Nga có năng lực và công nghệ, còn Việt Nam không phải lúc nào cũng có thông tin hoặc khả năng tiếp cận các hệ thống năng lượng. Việt Nam có những lo ngại về năng lượng chủ yếu liên quan đến nguồn cung, việc thích ứng với biến đổi khí hậu, trong khi Nga quan tâm đến việc phân phối đầy đủ dầu, than, khí đốt tự nhiên. Hai nước có khả năng tiếp cận sở hữu trí tuệ, kiến thức và công nghệ khác nhau, do đó, hợp tác bổ sung là điều vô cùng quan trọng, nhất là trong bối cảnh thị trường năng lượng biến động theo tình hình chính trị thế giới, Hà Nội và Moskva cần hợp tác nhằm góp phần đảm bảo an ninh năng lượng.
Hợp tác trên các lĩnh vực giáo dục, du lịch, văn hóa. Hiện nay cả hai nước đều cấp học bổng cho sinh viên của nhau, trong đó hàng năm Nga cấp khoảng 1.000 suất học bổng cho sinh viên Việt Nam. Hiện số lượng sinh viên Việt Nam tại Nga nằm trong số nhóm những sinh viên ngoại quốc đông nhất tại Nga, có những đóng góp không nhỏ vào giao lưu nhân dân giữa hai nước. Về du lịch, Việt Nam cũng là một trong số những địa điểm ưa thích của du khách Nga, tuy nhiên, việc ít chuyến bay thẳng cũng như cạnh tranh với các điểm du lịch khác trong khu vực như Phuket (Thái Lan) hay Bali (Indonesia), khiến Việt Nam chưa phải điểm đến ưu tiên của du khách Nga. Ngược lại, nhiều du khách Việt Nam cũng quan tâm đến du lịch tại Nga nhưng các chặng bay còn chưa nhiều, vì thế việc thảo luận nhằm mở rộng mạng lưới đường bay sẽ là một phần cần có của các cuộc thảo luận.
Khó khăn tồn tại trong quan hệ giữa hai nước
Quan hệ thương mại song phương chưa phát triển tương xứng và đang trong giai đoạn khó khăn. Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu chính sang Nga gồm: điện thoại và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử, nông sản, thủy sản, hàng dệt may, da giày. Ở chiều ngược lại, Việt Nam đã nhập khẩu từ Nga các loại sắt thép, than các loại, phân bón, sản phẩm từ dầu mỏ, hóa chất, chất dẻo, gỗ và sản phẩm từ gỗ, lúa mỳ, thịt, thủy sản. Giai đoạn 2019-2023, do tác động của nhiều yếu tố, kim ngạch xuất nhập khẩu song phương đã bị ảnh hưởng đáng kể. Thống kê của Hải quan Việt Nam cho thấy, kim ngạch thương mại hai chiều trong thời gian gần đây luôn thấp dần qua các năm. Bất chấp việc Việt Nam và Nga tiếp tục tổ chức các cuộc gặp nhằm mở rộng hơn nữa tiềm năng hợp tác song phương và thậm chí dự đoán thương mại giữa hai nước sẽ đạt 10 tỷ USD vào năm 2025, dữ liệu mới nhất về động lực tương tác thương mại không quá tích cực[2]. Lợi thế so sánh của Việt Nam trong quan hệ kinh tế với Liên bang Nga không thực sự nổi bật. Ngoài lĩnh vực công nghiệp quốc phòng và năng lượng vốn là đối tác truyền thống của nhau thì chưa có lĩnh vực nào là sự bổ sung lẫn nhau một cách rõ nét. Khả năng xuất khẩu hàng điện tử, dệt may, nông sản của Việt Nam chịu thách thức lớn từ Trung Quốc. Các mặt hàng thế mạnh của Liên bang Nga như cơ khí và vật liệu cũng khó cạnh tranh được với hàng Trung Quốc tại thị trường Việt Nam. Bối cảnh hậu Covid-19 tạo nên nhiều khó khăn cho thị trường. Sự khó khăn về kinh tế, lạm phát tăng cao khiến cho các quốc gia phải áp dụng chính sách tiền tệ thắt chặt, càng làm cho sức tiêu thụ suy giảm. Trong bối cảnh đó, các hoạt động đầu tư và thương mại đều gặp trở ngại lớn. Xung đột Nga – Ukraine và căng thẳng giữa các cường quốc khiến cho quan hệ kinh tế song phương Việt Nam – Liên bang Nga khó lấy đà phục hồi trong ngắn hạn. Việc các ngân hàng của Liên bang Nga bị loại khỏi hệ thống thanh toán SWIFT khiến cho quan hệ thương mại của Liên bang Nga với Việt Nam bị cản trở. Bên cạnh đó, các tuyến bay và tuyến hàng hải bị gián đoạn do các xáo trộn địa chính trị, cùng với các lệnh trừng phạt của Mỹ và EU cũng khiến cho hoạt động du lịch và hoạt động giao thương bị ngăn cản hoặc bị đẩy chi phí lên cao.
Vấn đề hậu cần, vận tải. Ông Trần Thế Hùng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải và thương mại đường sắt Ratraco cho biết, doanh nghiệp đang gặp tình trạng ách tắc hàng hóa ở cửa khẩu giữa Trung Quốc và Nga, khiến khối lượng vận tải hàng hóa Việt Nam sang Nga bị hạn chế. Bên cạnh đó, đại diện Ratraco cũng nêu rõ những khó khăn trong việc thanh toán. Phía công ty đã nhiều lần họp cùng các đối tác, song vẫn chưa tìm ra giải pháp cụ thể.
Về thủy hải sản. Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, việc xử lý và cấp phép bổ sung cơ sở chế biến thủy sản được xuất khẩu vào Nga vẫn còn chậm. Phía Việt Nam vẫn chờ phía Nga phản hồi về đề nghị chấp thuận bổ sung các cơ sở mới, cũng như xem xét dỡ bỏ đình chỉ đối với các doanh nghiệp đã gửi báo cáo giải trình và rà soát lại các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm.
Quan hệ đầu tư trực tiếp giữa hai quốc gia còn giới hạn ở mức độ tiềm năng. Tính đến tháng 3/2023, Liên bang Nga có 171 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt trên 970 triệu USD, đứng thứ 28/143 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Các dự án đầu tư của Nga tập trung trong các lĩnh vực khai khoáng, dịch vụ, công nghiệp chế biến, chế tạo. Tổng vốn đầu tư đăng ký từ Liên bang Nga vào Việt Nam là chưa đến 1 tỷ USD, một con số rất nhỏ so với tiềm năng của nền kinh tế Nga. Trong khi đó, Việt Nam hiện có 17 dự án đầu tư sang Liên bang Nga đang còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt 1,63 tỷ USD. Nga là địa bàn đứng thứ 4 về vốn trên 78 quốc gia và vùng lãnh thổ Việt Nam có đầu tư ra nước ngoài. Lĩnh vực đầu tư từ Việt Nam sang Liên bang Nga chủ yếu là năng lượng, nổi bật là dự án thăm dò khai thác dầu khí Rusvietpetro và nông nghiệp, tiêu biểu là dự án chăn nuôi bò và sản xuất sữa của Tập đoàn TH True Milk. Như vậy, quy mô đầu tư trực tiếp giữa hai quốc gia còn giới hạn, chỉ dừng ở mức độ tiềm năng, quy mô đầu tư nhỏ bé so với nền kinh tế và lĩnh vực đầu tư tập trung chủ yếu vào khai thác tài nguyên, năng lượng và nông nghiệp.
Phản ứng dư luận về chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Putin
Theo tờ Vedomosti, chuyến thăm của ông Putin tới Việt Nam dự kiến sẽ diễn ra sau chuyến đi của ông tới Triều Tiên. Ngày 15/5, Đại diện thương mại Nga tại Việt Nam Vyacheslav Kharinov phát biểu tại hội nghị “Nước Nga hiện đại” cho biết, vấn đề cấp bách nhất trong hợp tác kinh tế thương mại là hỗ trợ ngân hàng cho các giải pháp chung giữa các đối tác của hai nước này. Như ông Kharinov đã lưu ý, hiện nay công cụ thanh toán chính là Ngân hàng Liên doanh Việt – Nga, nơi đã thiết lập được hệ thống thanh toán bằng tiền tệ quốc gia. Theo ông, một trong những phương pháp giải quyết chung đáng tin cậy bổ sung có thể là việc Việt Nam tham gia vào hệ thống thanh toán nhanh hơn của Nga và họ đã xem xét khả năng kết nối với nó, nhưng điều này vẫn chưa xảy ra[3].
Những khó khăn trong việc giải quyết tài chính thực sự là một trong những chủ đề chính trong quan hệ giữa Nga và Việt Nam theo ông Dmitry Mosyakov, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á, Australia và Châu Đại Dương tại Viện Nghiên cứu Phương Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, cho biết kim ngạch thương mại giữa hai nước vào năm 2023 đã giảm gần 2 lần kể từ năm 2021 từ 7,1 tỷ USD xuống còn 3,6 tỷ USD. Do đó, chuyến thăm của ông Putin sẽ khởi động lại quan hệ thương mại chẳng hạn như hiện nay thỏa thuận về khu vực thương mại tự do giữa EAEU và Việt Nam còn rất hạn chế. Vấn đề phát triển du lịch cũng sẽ được đề cập, theo ông Mosyakov. Thêm vào sự phức tạp là yếu tố quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam, vốn giao thương với nước này với mức thặng dư rất lớn. Chuyên gia này cho biết Washington sẽ thực hiện mọi nỗ lực, bao gồm cả việc đe dọa trừng phạt thứ cấp, để ngăn chặn việc khởi động lại mối quan hệ giữa Nga và Việt Nam. Và điều này đòi hỏi phải thực hiện một số dự án song phương lớn, chẳng hạn như xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên mà chính quyền Việt Nam quyết định không xây dựng sau vụ tai nạn tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima ở Nhật Bản. Nhưng bất chấp những khó khăn kinh tế hiện tại, về mặt địa chính trị, Việt Nam vẫn tiếp tục là một trong những đồng minh đáng tin cậy của Moskva, ông Mosykov chắc về điều này. Và tân Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm, người có thái độ tốt với Nga, sẽ có thể tạo thêm động lực cho quan hệ, ông chia sẻ thêm[3].
Bà Ekaterina Koldunova, Giám đốc Trung tâm ASEAN tại Đại học Quan hệ quốc tế Quốc gia Moskva, cho biết nếu chuyến thăm Việt Nam của ông Putin diễn ra sẽ trở thành một cột mốc quan trọng trong quan hệ song phương, đặc biệt trong tình hình hiện nay. Nga gặp vấn đề trong việc giải quyết chung với nhiều quốc gia thân thiện, bao gồm cả Việt Nam, do cơ sở hạ tầng hợp tác tài chính chưa phát triển và lo ngại từ phía các đối tác về các biện pháp trừng phạt thứ cấp. Điều quan trọng là phải hiểu rằng các nước Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam, có khối lượng ngoại thương khổng lồ bằng USD và vấn đề chỉ được giảm bớt phần nào nhờ sự hiện diện của Ngân hàng Liên doanh Việt – Nga. Bà Koldunova kết luận rằng các mối liên hệ chính trị giữa các quốc gia rất quan trọng để cho doanh nghiệp thấy rằng quan hệ song phương được coi là ưu tiên hàng đầu[3].
Còn theo ông Grigory Karasin, Chủ tịch Ủy ban Các vấn đề Quốc tế của Hội đồng Liên bang Nga, Chuyến đi của Putin tới Triều Tiên và Việt Nam sẽ giúp ích cho sự hợp tác giữa các bên. Mục đích chuyến thăm sắp tới của Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Triều Tiên và Việt Nam có liên quan đến phát triển hợp tác quốc tế và củng cố nền kinh tế, ông đã nêu ra nhận định này trong một cuộc phỏng vấn với tờ Lenta. Theo ông, trong khi các nước phương Tây tích cực áp dụng nhiều hạn chế khác nhau liên quan đến các quốc gia khác trong chính sách của họ thì ngược lại, Nga lại đang tăng cường quan hệ với các nước láng giềng. “Trái ngược với các loại lệnh trừng phạt và ý tưởng khác của phương Tây, chúng tôi đang tích cực phát triển quan hệ với các nước láng giềng, trước hết được thiết kế để tăng cường nền kinh tế, liên hệ nhân đạo và nói chung là hiểu biết lẫn nhau trên trường quốc tế. Các chuyến thăm của Tổng thống chúng tôi được dành riêng cho việc này”, thượng nghị sĩ lưu ý. Nhà khoa học chính trị Sergei Markov chia sẻ trên kênh Telegram của mình rằng chuyến công tác của Putin tới Triều Tiên và Việt Nam vào tháng 6 sẽ có những mục tiêu khác nhau. Nhà khoa học chính trị lưu ý, ở Triều Tiên, nhà lãnh đạo Nga có thể thảo luận nhiều hơn về vấn đề quốc phòng. Ở Việt Nam, theo ông Markov, Tổng thống Putin sẽ cố gắng tăng cường quan hệ truyền thống với Hà Nội, đồng thời tăng sức ảnh hưởng tại khu vực[4].
Theo Ian Storey, thành viên tại Viện ISEAS-Yushof Ishak của Singapore, Tổng thống Putin sẽ sử dụng chuyến thăm Việt Nam để báo hiệu với thế giới rằng chính sách “Hướng Đông” của Nga vẫn đang đi đúng hướng và phương Tây đã thất bại trong nỗ lực nhằm cô lập Nga. Cũng theo ông, đối với Việt Nam, việc chào đón nhà lãnh đạo nước Nga sẽ thể hiện và khẳng định chính sách đối ngoại đa dạng, duy trì quan hệ chặt chẽ với càng nhiều quốc gia càng tốt. Trong số 7 đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam, 5 đối tác đã cử lãnh đạo cấp cao tới Việt Nam trong hai năm qua, vì thế chuyến thăm của Tổng thống Putin được cho là không bất ngờ đối với giới quan sát phương Tây[5].
Còn theo BBC News, chuyến đi của ông Putin đến Việt Nam cho thấy Hà Nội đang tiếp tục gia tăng nỗ lực duy trì nền “ngoại giao cây tre” trước sự đối đầu ngày càng quyết liệt giữa các nước lớn gồm Mỹ, Trung Quốc và Nga[6].
Trong khi đó theo tờ RT-DE, chuyến thăm của ông Putin đến Việt Nam là tín hiệu đáng mừng đối với Nam bán cầu[7].
Cổng thông tin JP Press của Nhật Bản thì cho rằng, việc Tổng thống Putin đến thăm Việt Nam cho thấy Việt Nam tin vào chiến thắng của Nga trong chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ucraina. Bài viết của cổng thông tin này cho rằng Việt Nam đang thực hiện theo quy tắc ngoại giao của Machiavelli. JP Press cũng viết thêm rằng chuyến thăm Việt Nam của ông Putin có thể sẽ buộc nhiều quốc gia đang phát triển vẫn trung lập với Ucraina phải suy nghĩ lại lập trường ngoại giao của mình. Trang này cũng cho rằng, việc phát triển quan hệ với Nga không chỉ nhằm đối trọng với Mỹ, mà còn là với Trung Quốc[8].
Đề xuất đối với Việt Nam
Về chính sách. Việt Nam luôn là đối tác quan trọng hàng đầu của Nga tại Đông Nam Á. Hiện nay, Việt Nam là quốc gia đầu tiên và duy nhất trong khu vực có Hiệp định thương mại tự do với Liên minh Kinh tế Á – Âu mà Liên bang Nga là thành viên. Để phát huy lợi thế này, phía Việt Nam cần thúc đẩy Chính phủ Liên bang Nga thực hiện cam kết ưu tiên phát triển và chia sẻ với Việt Nam về thành tựu trong các lĩnh vực khoa học, giáo dục, công nghệ số. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư Việt Nam phát triển tại thị trường Nga. Bên cạnh đó, hai bên cần cùng nỗ lực giải quyết các vấn đề tồn tại trong vận tải và logistics.
Về chiến lược hợp tác. Bốn chủ đề tiêu biểu cần được hợp tác phát triển giữa hai bên là: Hợp tác trong lĩnh vực vận tải hàng hóa và logistics; Hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo; hợp tác công nghiệp và sản xuất xanh; hợp tác trong lĩnh vực kinh tế số và an toàn không gian số. Việt Nam có thế mạnh về nông nghiệp, dệt may, da giày, công nghiệp điện tử, công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng. Việt Nam có nhu cầu thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp phụ trợ, công nghiệp có tính chất nền tảng như cơ khí, chế biến chế tạo, vật liệu mới, luyện kim, hóa chất. Trong khi đó, Liên bang Nga là quốc gia có nền công nghiệp phát triển, có tiềm lực mạnh về nghiên cứu khoa học – công nghệ, y dược và sản xuất xanh, đồng thời có tài nguyên thiên nhiên phong phú.
Đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Cần nghiên cứu, mạnh dạn đầu tư vào Nga trong lĩnh vực chế biến nông sản, thực phẩm, thủy sản, may mặc, sản phẩm đồ gỗ. Trước mắt, các doanh nghiệp cần tăng cường xúc tiến thương mại, tham gia các triển lãm chuyên ngành tại mỗi nước. Việt Nam có thể tăng cường xuất khẩu sang Nga nhiều mặt hàng, như đồ điện tử, điện thoại, máy tính, tivi, linh kiện ô-tô, nội thất, quần áo, giày dép. Du lịch cũng là lĩnh vực hợp tác quan trọng. Việt Nam là một trong những điểm đến yêu thích của du khách Nga.
Về công cụ thanh toán. Trong bối cảnh các ngân hàng thương mại của Liên bang Nga bị ngắt khỏi hệ thống thanh toán SWIFT, hai bên cần tìm một giải pháp thanh toán có tính giới hạn, quy đổi trực tiếp giữa RUB và VND để góp phần khơi thông dòng chảy giao thương trực tiếp, mà không phải phụ thuộc vào đồng tiền thanh toán của bên thứ ba. Hai nước cũng cần tiếp tục đa dạng hóa hệ thống ngân hàng để tìm cách tháo gỡ khó khăn thanh toán.
Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Liên bang Nga có nền tảng lịch sử, văn hóa và các quan hệ kinh tế chính trị mang lại lợi ích lâu dài cho cả hai bên. Do nhiều nguyên nhân, sự đầu tư trực tiếp và thương mại song phương giữa hai quốc gia còn chưa tương xứng tiềm năng, đồng thời đang có nhiều khó khăn trong ngắn hạn. Tuy nhiên, trong bối cảnh thế giới đang định hình lại cục diện địa chính trị – địa kinh tế, với những thách thức an ninh phi truyền thống vấn đề lớn như an ninh năng lượng, an ninh không gian số, an toàn tài chính tiền tệ thì phát triển quan hệ kinh tế Việt Nam – Liên bang Nga là vấn đề mang giá trị cốt lõi. Thông qua chuyến thăm của người đứng đầu nước Nga – Tổng thống Nga Vladimir Putin quan hệ giữa hai nước đánh dấu một chương mới với nhiều mục tiêu và cơ hội hợp tác trong tương lai tới. Để hiện thực hóa mục tiêu đó, hai quốc gia cần sự hợp tác đồng bộ về chính sách quản lý, phát huy lợi thế so sánh bổ trợ lẫn nhau, đồng thời tìm giải pháp cho khâu logistic và thanh toán quốc tế song phương./.
Tác giả: Nguyễn Như Việt Anh
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] RBK (2024), “Песков рассказал о подготовке визита Путина во Вьетнам”, https://www.rbc.ru/rbcfreenews/665835ad9a7947ad33ee8333
[2] FORBES (2024), “Секретный код дружбы: нужны ли Вьетнаму отношения с Россией в условиях санкций ”, https://www.forbes.ru/biznes/496135-sekretnyj-kod-druzby-nuzny-li-v-etnamu-otnosenia-s-rossiej-v-usloviah-sankcij
[3] VEDOMOSTI (2024), “Владимир Путин вскоре посетит Северную Корею и Вьетнам”, https://www.vedomosti.ru/politics/articles/2024/06/10/1042782-putin-vskore-posetit-severnuyu-koreyu-i-vetnam
[4] RTVI (2024), “Сенатор Карасин назвал главную цель визита Путина в КНДР и Вьетнам”, https://rtvi.com/news/senator-karasin-nazval-glavnuyu-czel-vizita-putina-v-kndr-i-vetnam/
[5] THE DIPLOMAT (2024), “Russia’s Putin Could Visit Vietnam This Month, Reports Claim ”, https://thediplomat.com/2024/05/russias-putin-to-visit-vietnam-this-month-reports-claim/
[6] BBC NEWS (2024), “Tổng thống Vladimir Putin sẽ thăm Việt Nam vào lúc nào?”, https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cz96zyg5z4ro
[7] RT-DE (2024), “Vietnam lädt Putin zum Staatsbesuch ein – Ein wichtiges Signal für den Globalen Süden”, https://de.rt.com/asien/206667-vietnam-laeft-putin-zum-staatsbesuch-wichtiges-signal-globalen-sueden/
[8] JP PRESS (2024), “プーチンに来訪を招請、ベトナムは「ロシアがウクライナに勝利」を確信か” https://jbpress.ismedia.jp/articles/-/81045