Người kế nhiệm ông Ebrahim Raisi có thể sẽ tiếp tục các chính sách đối nội và đối ngoại, có nghĩa rằng sẽ không có thay đổi lớn về chính sách. Tuy nhiên, sự ra đi đột ngột của Tổng thống Raisi đồng nghĩa với việc sự đồng thuận trước đó về người kế nhiệm Lãnh tụ tối cao được tất cả các bên chấp nhận ở Iran đã bị phá vỡ. Các lực lượng chính trị khác nhau ở Iran hi vọng sẽ thông qua vòng bầu cử mới để tái thiết lập uy tín chính trị. Điều này có thể dẫn đến những cuộc đấu tranh chính trị trong nước ngày càng gay gắt hơn ở Iran trong tương lai. Kể từ bây giờ, dưới sự lãnh đạo của Lãnh tụ Tối cao Ayatollah Ali Khamenei, hệ thống chính trị, tư pháp và quân sự trong nước của Iran sẽ hợp tác chặt chẽ với nhau để đảm bảo sự ổn định tình hình chính trị của Iran. Tuy nhiên, trong bối cảnh xung đột thường xuyên ở Trung Đông hiện nay, những thay đổi khác nhau trong nước ở Iran do vụ tai nạn máy bay này gây ra có thể sẽ mang đến những bất ổn mới cho tình hình ở khu vực này.
Với nhiều sự cố bất ngờ liên tiếp xảy ra. Ngày 20/5, Iran xác nhận Tổng thống Ebrahim Raisi thiệt mạng trong một vụ tai nạn máy bay trực thăng.
Đêm 19/9, chiếc trực thăng chở các quan chức cấp cao Iran như Tổng thống, Bộ trưởng Ngoại giao đã gặp nạn ở tỉnh Đông Azerbaijan, phía tây bắc Iran. Theo truyền thông Iran, chiếc trực thăng mà ông Raisi đã đi cùng với hai chiếc trực thăng khác đang trên đường di chuyển từ Khoda Afarin đến thủ phủ tỉnh Tabriz, một tỉnh Đông Azerbaijan của Iran, để tham dự lễ khánh thành một khu liên hợp hóa dầu. Trước đó cùng ngày, Raisi đã tham dự lễ khánh thành đập hồ chứa ở Khoda Afarin cùng với Tổng thống Azerbaijan Iliham Aliyev. Khu vực địa phương là vùng núi có địa hình phức tạp, vào thời điểm xảy ra sự cố, thời tiết xấu, nhiều sương mù, tầm nhìn hạn chế, khiến cho việc tìm kiếm cứu hộ gặp rất nhiều khó khăn. Trong ba chiếc trực thăng, hai chiếc khác đã trở về an toàn.
Trong một thời gian, dư luận quốc tế đã có rất nhiều đồn đoán. Tuy nhiên, xét theo thông tin hiện tại từ tất cả các bên, vụ rơi máy bay này rất có thể là một tai nạn. Một mặt, điều kiện thời tiết vào ngày trực thăng cất cánh rất xấu. Mặt khác, có thông tin cho rằng chiếc trực thăng này được nhập khẩu từ các nước phương Tây trước Cách mạng Hồi giáo ở Iran năm 1979. Trong một thời gian dài sử dụng, khả năng xảy ra sự cố máy móc rất khó loại trừ.
Nhưng bất luận thế nào, sự ra đi đột ngột của ông Raisi có nguy cơ gây ra sự thay đổi ở Iran cả ở trong và ngoài nước. Gây ra nhiều bất ổn hơn cho tình hình Trung Đông vốn rất mong manh hiện nay.
Sự “bảo thủ” thực dụng
Là một chính trị gia bảo thủ của Iran, sau khi đắc cử Tổng thống, Raisi thường tuân thủ chính sách đối nội đối ngoại kiềm chế và hợp lý. Xuất thân từ phe chính trị bảo thủ ở Iran, trong những năm đầu tham gia chính trị của mình, ông đã giữ những chức vụ quan trọng trong ngành tư pháp và giới tôn giáo trong nước Iran. Sau khi trải qua thời kỳ chính quyền của đại diện ôn hòa Hassan Rouhani, việc Raisi lên nắm quyền đánh dấu sự trở lại nắm quyền của những người bảo thủ Iran. Vì vậy, sau cuộc bầu cử năm 2021, một số nhà phân tích phương Tây lo ngại Raisi sẽ chuyển sang chính sách đối nội và đối ngoại cực đoan hơn.
Tuy nhiên, trong gần ba năm nắm quyền, Raisi nhìn chung đã duy trì một chính sách đối nội và đối ngoại thực dụng hơn. Về chính sách đối nội, Raisi không “thanh lý” những người ôn hòa mà nỗ lực ổn định tình hình kinh tế xã hội của Iran thông qua nhiều biện pháp khác nhau. Mặc dù tỉnh Kurdistan đã xảy ra các cuộc biểu tình của phụ nữ, nhưng các cuộc biểu tình này không gây ra tình trạng bất ổn chính trị trên toàn quốc. Chính phủ Raisi cũng không thực hiện các biện pháp quyết liệt để làm gia tăng xung đột.
Về chính sách đối ngoại, Chính phủ Raisi cũng duy trì lý trí, kiềm chế. Một mặt triển khai trao đổi tích cực với cộng đồng quốc tế, tích cực cải thiện quan hệ với các nước Ả Rập vùng Vịnh. Đặc biệt vào tháng 3/2023, dưới sự dẫn dắt trung gian của Trung Quốc, Iran đã mở ra tiến trình bình thường hóa quan hệ với Saudi Arabia, đặt nền tảng quan trọng cho việc làm dịu tình hình khu vực Trung Đông. Mặt khác, Iran đã duy trì sự bình tĩnh và kiềm chế trong các vấn đề nóng quốc tế và khu vực, đặc biệt là sau khi xung đột Palestine-Israel bùng nổ vào tháng 10 năm 2023, thái độ của Iran cũng rất khiêm tốn. Cho dù bị Israel tấn công Đại sứ quán của họ ở Syria, cũng đã duy trì mức độ kiềm chế tối đa, không để xung đột Palestine-Israel lan rộng thành cuộc chiến toàn diện giữa Iran và Israel.
Những biến động sau tai nạn máy bay
Theo Điều 131 của Hiến pháp Iran, nếu tổng thống qua đời trong nhiệm kỳ của mình, phó tổng thống thứ nhất sẽ lên nắm quyền sau khi được Lãnh tụ tối cao Iran xác nhận. Phó Tổng thống thứ nhất, Chủ tịch Quốc hội và Bộ trưởng Tư pháp sẽ thành lập một ủy ban để sắp xếp việc bầu cử tổng thống mới trong vòng 50 ngày. Trong vài ngày tới, Phó Tổng thống thứ nhất hiện tại của Iran, Mohammad Mokhber, sẽ đảm nhận chức vụ tổng thống.
Ông Mokhber đã làm việc lâu dài trong các tổ chức tài chính của Iran trước khi làm phó tổng thống và có quan hệ mật thiết với Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei cũng như Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran. Mokhber, người xuất thân từ phe bảo thủ và được lãnh đạo tối cao Iran tin tưởng, rất có thể sẽ tiếp tục chính sách đối nội và đối ngoại của Raisi, sẽ không có thay đổi chính sách lớn nào.
Tuy nhiên, sự ra đi đột ngột của Raisi đồng nghĩa với việc sự đồng thuận trước đó về người kế nhiệm Lãnh tụ tối cao được tất cả các bên chấp nhận ở Iran đã bị phá vỡ. Bởi vì Raisi không chỉ là tổng thống Iran, mà còn là ứng cử viên quan trọng cho vị trí Lãnh tụ tối cao tương lai của Iran. Theo hệ thống Cộng hòa Hồi giáo Iran, Lãnh tụ Tối cao có thẩm quyền cao nhất, trong khi Tổng thống phụ trách các vấn đề hành pháp. Kể từ Cách mạng Hồi giáo năm 1979 đến nay, Iran chỉ xảy ra một lần “thay thế” Lãnh tụ tối cao, đó là năm 1989 Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Khomeini qua đời, và được kế nhiệm bởi Tổng thống Iran lúc bấy giờ là Ayatollah Ali Khamenei. Là nhân vật đại diện quan trọng của phe bảo thủ Iran, lý lịch công tác, tôn giáo và nền tảng tư pháp của Raisi có thể được phe bảo thủ, và những người theo đường lối cứng rắn tiếp nhận. Đồng thời các chính sách của ông trong những năm gần đây cũng có thể được phe cải cách và phe ôn hòa ủng hộ. Ông được nhiều người coi là người thừa kế có khả năng nhất của Lãnh tụ tối cao
Vòng bầu cử tổng thống mới rất có thể sẽ quyết định ứng cử viên tổng thống trong 8 năm tới (khả năng tái đắc cử hai nhiệm kỳ rất cao). Tất nhiên sẽ được tất cả các phe phái chính trị coi trọng. Cái chết đột ngột của Raisi có khả năng ngăn cản cả phe bảo thủ và cứng rắn trong nước Iran giới thiệu các chính trị gia mà cả hai đều có thể công nhận trong thời gian ngắn. Vì vậy, cách phe bảo thủ và phe cứng rắn phối hợp những khác biệt nội bộ sẽ ảnh hưởng lớn đến hướng đi tương lai của tình hình chính trị Iran. Trong khi đó, những người theo chủ nghĩa ôn hòa và cải cách ở Iran cũng hy vọng tái lập uy tín chính trị. Trong thời gian qua, cựu Tổng thống Iran và đại diện ôn hòa Hassan Rouhani đã công khai công bố các bức thư chỉ trích phe cứng rắn và bảo thủ đã gạt bỏ phe ôn hòa. Điều này khiến các xung đột chính trị trong nước của Iran ngày càng mở rộng hơn. Trong bối cảnh đó, cuộc đấu tranh chính trị trong nước của Iran có thể trở nên căng thẳng hơn trong tương lai.
Biến số trong khủng hoảng
Iran là một cường quốc có ảnh hưởng ở Trung Đông. Việc Tổng thống và Ngoại trưởng Iran thiệt mạng cùng nhau chắc chắn sẽ tạo ra những bất ổn mới cho tình hình Trung Đông vốn đã mong manh. Mặc dù các chính sách đối nội và đối ngoại của Iran hoạt động dưới sự chỉ đạo của Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei, Tổng thống và Bộ trưởng Ngoại giao Iran chịu trách nhiệm trực tiếp về việc xây dựng và thực hiện các chính sách đối ngoại cụ thể.
Từ khi Khamenei được bầu làm lãnh tụ tối cao Iran năm 1989 đến nay, nhiều lần thay đổi tổng thống thường gây ảnh hưởng lớn đến quan hệ đối ngoại của Iran. Vì vậy sau khi tổng thống mới nhậm chức, cũng có thể điều chỉnh chính sách đối ngoại. Do cái chết của Ngoại trưởng Hossein Amir-Abdollahian, hoạt động của các cơ quan ngoại giao Iran sẽ bị ảnh hưởng ở mức độ nhất định trong tương lai.
Trong bối cảnh vấn đề hạt nhân của Iran vẫn chưa được giải quyết hiện nay, cuộc xung đột mới giữa Palestine-Israel kéo dài. Cuộc khủng hoảng Biển Đỏ ngày càng gia tăng. Chính sách đối ngoại của Iran sau những thay đổi về nhân sự có lý do để thận trọng và hợp lý hơn nhằm đảm bảo sự ổn định cho lợi ích quốc gia Iran.
Cần lưu ý rằng cái chết của Tổng thống Iran Raisi không có nghĩa là tình hình chính trị của Iran sẽ bất ổn, cũng không có nghĩa là sẽ có sự điều chỉnh lớn trong chính sách đối nội và đối ngoại của Iran. Dưới sự lãnh đạo của Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei, hệ thống chính trị, tư pháp và quân sự trong nước của Iran đã phối hợp chặt chẽ với nhau để đảm bảo sự ổn định tình hình chính trị Iran.
Tuy nhiên, trong bối cảnh xung đột thường xuyên ở khu vực Trung Đông hiện nay, sự thay đổi nhiều mặt trong nước Iran do vụ tai nạn máy bay lần này gây ra rất có thể sẽ mang đến những bất ổn mới cho tình hình ở Trung Đông.
Phát biểu tại một cuộc họp báo sau vụ việc, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mỹ Chuck Schumer cho biết tình báo Mỹ đã thông báo với ông rằng “không tìm thấy bằng chứng nào về một vụ mưu sát” trong vụ tai nạn trực thăng. Trong khi đó, một quan chức Israel nói với Reuters rằng Israel không liên quan gì đến cái chết của Tổng thống Iran Ebrahim Raisi trong vụ rơi máy bay trực thăng.
“Thái độ” của hai nước cũng một lần nữa chứng minh rằng cả Mỹ và Israel hiện nay không muốn nhìn thấy chính sách cứng rắn của Iran, càng không muốn thấy những bất ổn khác nhau sẽ dẫn đến tình hình khu vực leo thang. Hiện tại, Mỹ và Israel đều sẽ theo dõi chặt chẽ biến động chính trị tại Iran, nhưng sẽ không can thiệp vào công việc nội bộ của họ, cũng sẽ tránh kích động và khiêu khích Iran quá mức vào thời điểm này.
Đối với Israel, trọng tâm chiến lược hiện tại vẫn là Dải Gaza, đặc biệt là chiến dịch quân sự chống lại Rafah. Israel không có ý định và không có khả năng mở ra một chiến trường mới và không muốn tiến hành một cuộc xung đột trực tiếp quy mô lớn với Iran.
Trong khi đó, Mỹ đang là năm bầu cử. Tình hình Trung Đông đã tác động đến tâm lý cử tri trong nước, đặc biệt là cuộc xung đột giữa người Palestine và Israel đã trở thành tâm điểm chú ý của mọi tầng lớp xã hội Mỹ. Nếu tình hình trong nước Iran bất ổn lúc này chắc chắn sẽ làm cho tình hình căng thẳng trong khu vực Trung Đông gia tăng, rủi ro xung đột lan rộng tiếp tục tăng lên. Nếu buộc phải tăng cường hiện diện chính trị và quân sự ở khu vực Trung Đông, sẽ tạo ra gánh nặng chiến lược mới cho Mỹ.
Theo tờ “New York Times” Mỹ ngày 18/5 đưa tin, gần đây các quan chức cao cấp Mỹ – Iran thông qua trung gian đã tiến hành các cuộc đàm phán bí mật tại Oman. Đây là cuộc gặp đầu tiên như vậy giữa Mỹ và Iran kể từ khi Israel và Iran tấn công lẫn nhau vào tháng 4 vừa qua./.
Biên dịch: Nguyễn Phượng
Tác giả: Vương Tấn là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Israel tại Đại học Tây Bắc, Trung Quốc.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]