Diễn đàn Kinh tế Phương Đông là sự kiện quốc tế quan trọng nhằm thiết lập và tăng cường mối quan hệ giữa cộng đồng đầu tư Nga và toàn cầu, đánh giá toàn diện về tiềm năng kinh tế của vùng Viễn Đông Nga, giới thiệu các cơ hội đầu tư và điều kiện kinh doanh tại các Đặc khu phát triển ưu tiên. Diễn đàn được tổ chức theo sắc lệnh ngày 19 tháng 5 năm 2015 của Tổng thống Liên bang Nga V.V.Putin nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế vùng Viễn Đông và mở rộng hợp tác quốc tế trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Tổng quan về diễn đàn
Diễn đàn Kinh tế Phương Đông năm 2024 đánh dấu năm thứ 9 diễn đàn này được tổ chức kể từ khi thành lập. Năm nay diễn đàn diễn ra trong 4 ngày từ 3-6/9 tại Đại học Tổng hợp Liên bang Viễn Đông nằm trên đảo Russkyi ở thành phố Vladivostok. Chủ đề chính của diễn đàn năm nay là “Viễn Đông 2030: Kết nối sức mạnh tạo tiềm năng mới”. Các sự kiện trong khuôn khổ EEF 2024 được chia thành 7 chủ đề chính, bao gồm: Các khuynh hướng hợp tác quốc tế mới; Công nghệ đảm bảo độc lập; Hệ thống giá trị tài chính; Viễn Đông của Nga; Con người, Giáo dục và Lòng yêu nước; Giao thông vận tải và hậu cần: Những tuyến đường mới; và Quy hoạch tổng thể: Từ kiến trúc đến nền kinh tế.
Trong thư chào mừng gửi diễn đàn, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định Nga sẵn sàng đối thoại với tất cả các đối tác quan tâm trong không gian châu Á – Thái Bình Dương. Theo Tổng thống Putin, trong nhiều năm qua, diễn đàn EEF đã có những đóng góp đáng kể vào việc thúc đẩy các mối quan hệ kinh tế mang tính xây dựng giữa Nga với các nước ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Những cuộc trao đổi và thảo luận giữa đại diện các cơ quan chính phủ, các doanh nghiệp và chuyên gia… đã đưa tới nhiều sáng kiến, ý tưởng, đồng thời thúc đẩy chương trình nghị sự khu vực và phát triển các dự án chung hữu ích. Cũng theo nhà lãnh đạo Nga, khu vực châu Á – Thái Bình Dương có vai trò ngày càng tăng trong các vấn đề quốc tế và điều này đã mở ra những cơ hội mới cho hợp tác hiệu quả, kể cả trong các cấu trúc đa phương như Cộng đồng Kinh tế Á-Âu (EAEU), Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) hay Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) [1].
Liên quan tới chủ đề của diễn đàn năm nay, trao đổi với truyền thông, ông Anton Kobykov, Cố vấn của Tổng thống Liên bang Nga, Thư ký điều hành Ban tổ chức cho biết, chỉ có sự nỗ lực chung của tất cả các bên liên quan mới có thể tạo ra những cơ hội và triển vọng mới cho toàn bộ khu vực vĩ mô. Chương trình của EEF cũng bao gồm các cuộc đối thoại giữa các doanh nhân Nga và các đối tác từ Trung Quốc, Ấn Độ và các nước thành viên ASEAN. Diễn đàn Quốc tế Ngày Chim ưng lần thứ 2 cũng đã diễn ra trong ngày khai mạc EEF. Ngoài ra trong khuôn khổ EEF còn có Diễn đàn Đổi mới Sáng tạo BRICS, Hội nghị Quốc tế APEC về Hợp tác Giáo dục Đại học và chương trình thanh niên Ngày của Tương lai.
Kết quả của diễn đàn
Năm nay, các sự kiện EEF có sự tham dự của hơn 7.100 người đến từ 75 quốc gia, bao gồm đại diện doanh nghiệp và ngoại giao của 16 quốc gia không thân thiện và hơn 120 phiên thảo luận. Tại diễn đàn, 313 thỏa thuận đã được ký kết với tổng số tiền là 5,569 nghìn tỷ rúp, đây là kết quả tốt nhất trong tất cả các năm trước. Theo Phó Thủ tướng Liên bang Nga – Đại diện toàn quyền của Tổng thống Liên bang Nga tại Vùng liên bang Viễn Đông Yury Trutnev, khoảng 80% các thỏa thuận đã ký được chuyển thành các dự án đầu tư thực sự. Diễn đàn Kinh tế Phương Đông 2024 đã thu hút ít nhất 4 nghìn tỷ rúp đầu tư vào Viễn Đông và Bắc Cực. Chính những thỏa thuận này đã cho phép Moskva đưa ra đề xuất tăng mục tiêu thu hút đầu tư cho đến năm 2030 lên 12 nghìn tỷ rúp. Một số các dự án, thỏa thuận đầu tư lớn đã được ký kết tại EEF 2024 là: xây dựng tổ hợp hóa chất Vorkuta, phát triển mỏ đồng niken Manye Kun-Manye ở vùng Amur, mở rộng công suất của mỏ quặng sắt Berezovskoye ở Transbaikalia, xây dựng khu phức hợp trung chuyển đường sắt xuyên biên giới Soyuz gần cầu Nizhneleninskoye-Tongjiang ở Khu tự trị Do Thái, cũng như một bến cảng biển để trung chuyển khí hydrocarbon hóa lỏng ở vùng Khabarovsk.
Một trong những kết quả quan trọng nhất của EEF là việc Tổng thống Nga thông qua các quyết định tạo điều kiện cho sự phát triển nhanh hơn nữa của khu vực vĩ mô. Trong số đó đang duy trì lãi suất thế chấp 2% cho cư dân Viễn Đông đến năm 2030, phân bổ thêm 100 tỷ rúp để thực hiện quy hoạch tổng thể cho các thành phố Viễn Đông, đẩy nhanh phát triển chương trình năng lượng Viễn Đông đến năm 2030, đảm bảo thanh toán 1 triệu rúp cho các gia đình đông con ở tất cả các khu vực của Vùng Liên bang Viễn Đông, nơi có tỷ lệ sinh dưới mức trung bình của khu liên bang cũng như việc hoàn thành việc phát triển và sản xuất máy bay Baikal[2].
Sự kiện quan trọng của diễn đàn là phiên họp toàn thể, với sự tham dự của Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim và Phó Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Han Zheng. Trong bài phát biểu của mình, nhà lãnh đạo Nga đã đề cập đến các vấn đề phát triển hơn nữa của vùng Viễn Đông, tăng cường hợp tác với các nước đối tác, đồng thời đánh giá tình hình kinh tế toàn cầu. Ông cũng khẳng định tương lai của nước Nga gắn liền với sự phát triển của vùng Viễn Đông và vùng Viễn Đông luôn mở cửa với các đối tác nước ngoài quan tâm hợp tác phát triển với khu vực này[3].
Cơ hội với nước Nga
Diễn đàn mở ra nhiều cơ hội đối với sự phát triển kinh tế của Vùng Viễn Đông nói riêng và nước Nga nói chung.
Cơ hội phát triển kinh tế. Diễn đàn Kinh tế Phương Đông thông qua 9 lần tổ chức đã mang đến rất nhiều cơ hội phát triển kinh tế cho vùng Viễn Đông. Trong bối cảnh đây là khu vực giàu tài nguyên thiên nhiên của nước Nga nhưng còn chưa được khai thác và phát triển triệt để thì đây chính là cơ hội rất lớn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, và cho nước Nga. Chìa khóa cho sự phát triển nhanh chóng của Viễn Đông là sự hỗ trợ của Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin, tầm nhìn của ông về mức độ ưu tiên của các nhiệm vụ mà vĩ mô phải đối mặt. Sự phát triển của vùng Viễn Đông đã được nguyên thủ quốc gia tuyên bố là ưu tiên quốc gia trong cả thế kỷ 21. Vì mục đích này, các biện pháp hỗ trợ độc đáo đang được phát triển và triển khai, sau đó được mở rộng sang các vùng lãnh thổ khác của đất nước[4].
Đẩy mạnh chiến lược xoay trục hướng Đông của Moskva. Với đất đai rộng lớn, nhiều tài nguyên thiên nhiên và khoáng sản, đồng thời nằm trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương có nhiều quốc gia phát triển mạnh mẽ, rõ ràng vùng Viễn Đông hiện nay có thể đóng vai trò đòn bẩy để Liên bang Nga thúc đẩy hợp tác kinh tế với các quốc gia trong khu vực, đẩy mạnh sự phát triển của chính khu vực Viễn Đông, qua đó tạo đà cho chiến lược xoay trục sang phương Đông của nước Nga. Việc phát triển hệ thống giao thông, đường sắt tại khu vực này cũng có thể mang lại nhiều lợi ích trong vận chuyển trong nước Nga cũng như giữa Nga và Trung Quốc cũng như những đối tác khác ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Hợp tác Nga – Việt Nam thông qua diễn đàn
Trong khuôn khổ diễn đàn, một gian triển lãm về Việt Nam đã được ban tổ chức sắp xếp với chủ đề “Việt Nam: Con đường đi tới độc lập, công bằng và thịnh vượng”. Tư liệu về chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Nga Vladimir Putin đến Việt Nam hồi tháng 6 năm 2024 đã được trưng bày, trong đó có hình ảnh các cuộc hội đàm giữa lãnh đạo hai nước, buổi hòa nhạc tại Nhà hát lớn Hà Nội và lễ đặt vòng hoa tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hội thảo khoa học và thực tiễn quốc tế Nga – Việt Nam cũng đã được tổ chức trong khuôn khổ diễn đàn. Sự kiện này được tổ chức để hướng tới kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước vào năm 2025. Theo ông Alexander Stuglev, Chủ tịch Quỹ Roscongress, nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng của Việt Nam đòi hỏi phải hiện đại hóa cơ sở hạ tầng giao thông và công nghệ, các doanh nghiệp của Nga rất hào hứng, tự tin có thể trợ giúp quá trình này diễn ra nhanh chóng, hiệu quả; ngoài ra, nền nông nghiệp cao cấp của Việt Nam có nhiều tiềm năng và nhu cầu về các sản phẩm ngoại lai, tạo ra nhiều cơ hội hợp tác giữa hai nước. Không chỉ về mặt kinh tế, mà đây cũng là cơ hội hợp tác về mặt giáo dục giữa Hà Nội và Moskva. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thành Nam đã chia sẻ những kinh nghiệm cải cách phương pháp giáo dục của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, được các đại biểu tham dự đánh giá cao. Theo ông, trong bối cảnh thực hiện chiến lược mở cửa trong lĩnh vực giáo dục, Việt Nam đang mở rộng các loại hình hợp tác quốc tế, không còn bó hẹp trong việc trao đổi giảng viên, sinh viên như trước đây. Về phần mình, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn hiện cũng đang tìm kiếm các hướng hợp tác mới, điển hình như công nhận tín chỉ lẫn nhau, giúp người học vừa có thể tham gia môi trường đào tạo tiên tiến ở nước ngoài, vừa đảm bảo lộ trình kết thúc chương trình đào tạo ở trong nước, trong khi gánh nặng tài chính không quá lớn.
Diễn đàn cũng là một cầu nối quan trọng thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và Nga trong nhiều lĩnh vực, nổi bật là kinh tế. Sự thành công của diễn đàn năm nay cũng như những năm tiếp theo sự tiếp tục tạo thêm nhiều cơ hội nền tảng cho hợp tác giữa hai nước.
Tác giả: Nguyễn Như Việt Anh
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
Tài liệu tham khảo
[1]. TASS (2024), “Путин приветствовал участников IX Восточного экономического форума”, https://tass.ru/politika/21697085
[2]. ROSCONGRESS (2024), “Юрий Трутнев представил Президенту России итоги ВЭФ-2024”, https://roscongress.org/news/vsiom-and-the-roscongress-foundation-presented-the-results-of-a-survey-of-participants-in-the-easter/
[3]. IZVECTIA (2024), “От развития Дальнего Востока зависит будущее нашей страны”, https://iz.ru/1754122/izvestiia/ot-razvitiia-dalnego-vostoka-zavisit-budushchee-nashei-strany
[4]. KAMGOV (2024), “Опубликована архитектура деловой программы ВЭФ-2024”, https://iz.ru/1754122/izvestiia/ot-razvitiia-dalnego-vostoka-zavisit-budushchee-nashei-strany