Ngày 26/6/2024, các Bộ trưởng Kinh tế của Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đã gặp nhau tại Washington và tuyên bố sẽ tăng cường hợp tác về các vấn đề chiến lược bao gồm Trí tuệ nhân tạo (AI), kiểm soát xuất khẩu, năng lượng sạch và chuỗi cung ứng chất bán dẫn.
Bộ trưởng Bộ Thương Mại Mỹ, Bà Gina Raimondo cho biết: “Chúng tôi đang nỗ lực gấp đôi cùng nhau. Vì 3 nước đều là những nền kinh tế hàng đầu về sản xuất, dịch vụ, công nghệ và đổi mới, nên chúng tôi làm việc cùng nhau vì lợi ích không chỉ cho quốc gia của chúng tôi mà còn là vì an kinh tế giới.” Sau cuộc họp, các bộ trưởng đã đưa ra một tuyên bố nhấn mạnh sự tập trung của họ vào các lĩnh vực chiến lược để tăng cường an ninh và thịnh vượng của công dân 3 nước cũng như Khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (ADD-TBD).
Nội dung chính của Tuyên bố chung[1]
Tuyên bố chung khẳng định ba quốc gia sẽ nỗ lực tập trung vào các lĩnh vực chiến lược để tăng cường an ninh, thịnh vượng của người dân và khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc cho biết họ sẽ làm việc để thúc đẩy sự phát triển của các công nghệ quan trọng và mới nổi đồng thời tăng cường an ninh và khả năng phục hồi của các nền kinh tế. Trong đó sẽ xác định những điểm yếu tiềm ẩn trong nguồn cung toàn cầu quan trọng đối với nền kinh tế của họ và giải quyết các điểm yếu trong các lĩnh vực chiến lược; đồng thời thúc đẩy các Nguyên tắc về Chuỗi cung ứng có khả năng phục hồi và đáng tin cậy, cụ thể là tính minh bạch, đa dạng hóa, an ninh, bền vững. Ba quốc gia nhấn mạnh chất bán dẫn và pin, năng lượng sạch, khoáng sản quan trọng, an ninh mạng, trí tuệ nhân tạo (AI) và các tiêu chuẩn kỹ thuật là những lĩnh vực chính. Bộ trưởng Nhật Bản ông Saito chia sẻ rằng “Chúng tôi đồng ý làm việc với các quốc gia cùng chí hướng, để thiết kế một thị trường nơi các yếu tố ngoài giá cả được đánh giá công bằng để đạt được chuỗi cung ứng mạnh mẽ và đáng tin cậy cho các nguyên liệu chiến lược”.
Chất bán dẫn: Ba quốc gia chia sẻ mối quan tâm chung và cam kết tăng cường hợp tác xây dựng một chuỗi cung ứng chất bán dẫn có khả năng phục hồi, nhằm đảm bảo sự phát triển của nền kinh tế và bảo vệ an ninh quốc gia của 3 nước.
Năng lượng sạch: Ba quốc gia sẽ hợp tác để thúc đẩy sự phát triển của chuỗi cung ứng toàn cầu an toàn và linh hoạt cho lĩnh vực năng lượng sạch, không phát thải, Carbon thấp, Hydro và các dẫn xuất của nó.
Khoáng sản quan trọng: Mỹ – Nhật – Hàn có kế hoạch tiếp tục các nỗ lực của chính phủ và tư nhân về việc phát triển các công nghệ Nguyên tố đất hiếm “REE”, bao gồm khai thác và tách đất hiếm, đồng thời thiết lập chuỗi cung ứng ổn định cho đất hiếm và nam châm vĩnh cửu. Song song, ba nước cũng sẽ tăng cường sự sẵn có của các khoáng sản quan trọng khác như gali, gecmani và than chì và khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng khoáng sản nói chung, xác định đây là một bước quan trọng trong quá trình chuyển đổi năng lượng sạch.
Kiếm soát xuất khẩu: Các công nghệ quan trọng và mới nổi sẽ đóng trong việc mở rộng nền kinh tế của Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc, định hình lại bối cảnh cạnh tranh và chiến lược toàn cầu. Ba nước hoan nghênh những tiến bộ đã đạt được thông qua Mạng lưới Bảo vệ Công nghệ Đột phá Hoa Kỳ-Nhật Bản-Hàn Quốc (DTPN), hai bản ghi nhớ về ý định tăng cường hợp tác và chia sẻ thông tin để chống chuyển giao công nghệ bất hợp pháp và điều chỉnh hơn nữa về việc thực thi các biện pháp kiểm soát xuất khẩu, và Hội thảo Kiểm soát Xuất khẩu Châu Á lần thứ 30… Các nhà lãnh đạo cũng nhất trí hợp tác về kiểm soát các công nghệ quan trọng và mới nổi, điều chỉnh hơn nữa các biện pháp kiểm soát của Nga và hợp tác tiếp cận các nước ở Đông Nam Á.
Trí tuệ nhân tạo: Ba quốc gia đồng ý về việc tăng cường hợp tác trong thúc đẩy việc sử dụng AI có trách nhiệm trong các các lĩnh vực tư nhân, đồng thời thảo luận sâu hơn về việc thiết lập các tiêu chuẩn, phương pháp và đánh giá có thể tương tác về an toàn AI.
An ninh mạng: Ba quốc gia nhận thức và hiểu được an ninh mạng có vai trò quan trọng đối với an ninh kinh tế cũng như sự vai trò bảo vẹ cơ sở hạ tầng, hệ thống và dữ liệu quan trọng của ba quốc gia.
Tiêu chuẩn kỹ thuật: Các tiêu chuẩn kỹ thuật sẽ đóng một vai trò ngày càng quan trọng trong việc thúc đẩy khả năng tương tác, khả năng cạnh tranh, tính toàn diện và đổi mới trong các công nghệ và lĩnh vực chiến lược của nền kinh tế của 3 quốc gia. Do đó, ba quốc gia nhất trí về tầm quan trọng của việc tiếp tục làm việc cùng nhau để tối ưu hóa các khuôn khổ hợp tác hiện có và tăng cường tiêu chuẩn hóa các nỗ lực ở cấp độ toàn cầu.
Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở (IPEF): Ba quốc gia tái khẳng định cam kết hợp tác và với các đối tác IPEF khác để mang lại lợi ích hữu hình cho nền kinh tế, người dân và khu vực tư nhân của các đối tác IPEF. Ba quốc gia tiếp tục cam kết của mình đối với Thỏa thuận Kinh tế sạch IPEF, bao gồm các Chương trình hợp tác về Hydro, nâng lượng sạch, thị trường Carbon thấp, chuyển đổi ăng lượng, nhiên liệu hàng không bền vững, khai thác chất thải điện tử đô thị và các lò phản ứng mô-đun nhỏ.
Tổng kết, ba nước cam kết hỗ trợ đầu tư vào các nền kinh tế của nhau, tìm cách tăng cường phối hợp kiểm soát xuất khẩu đối với các công nghệ tiên tiến; tăng cường quan hệ đối tác khu vực tư nhân để hợp tác nghiên cứu và đổi mới liên quan đến các công nghệ công nghiệp tiên tiến; thúc đẩy nỗ lực phát triển các tiêu chuẩn quốc tế và đảm bảo sử dụng trí tuệ nhân tạo an toàn, bảo mật và đáng tin cậy; mở rộng hợp tác về các công nghệ quan trọng và mới nổi và về các khoáng sản quan trọng; phối hợp tăng cường an ninh kinh tế; và hỗ trợ hợp tác kinh tế lâu dài giữa các đối tác để hỗ trợ triển khai Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương vì sự thịnh vượng (IPEF). Bộ trưởng Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc Ahn Duk-Geun nói “Chúng tôi hy vọng cuộc họp của các bộ trưởng công nghiệp Hàn Quốc – Mỹ – Nhật Bản sẽ đóng vai trò là cơ sở thể chế quan trọng để làm sâu sắc và mở rộng hợp tác công nghiệp giữa ba nước và cùng ứng phó với các rủi ro toàn cầu.” [2]
Động lực thúc đẩy sự hợp tác ba bên
Chương mới trong hợp tác Mỹ – Nhật – Hàn từ hội nghị thượng đỉnh David Camp
Cuộc gặp thượng đỉnh David Camp tháng 8 năm ngoái được coi là sự kiện mở ra kỷ nguyên mới trong quan hệ hợp tác giữa ba quốc gia. Kể từ cuộc họp, cả ba quốc gia đã tìm cách tăng cường hợp tác, đặc biệt là về an ninh kinh tế, chia sẻ thông tin tình báo và chính sách quốc phòng. Trong lĩnh vực an ninh kinh tế, nhằm hiện thực hóa các cam kết về tăng trưởng bền vững, sự thịnh vượng trên khắp ADD-TBD và trên thế giới, lãnh đạo ba quốc gia đã tìm cách tăng cường hợp tác lẫn nhau.
Hơn 50 cuộc gặp mặt, cam kết đã được ký kết giữa ba quốc gia kể từ tháng 8 năm ngoái[3] để hiện thực tinh thần của Trại David. Cuối năm 2023, ba nước đã ký thỏa thuận khung về hợp tác khoa học-công nghệ, nhấn mạnh vai trò quan trọng của hợp tác giữa các viện nghiên cứu. Tháng 2/2024, Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản tiếp tục tổ chức phiên đối thoại an ninh kinh tế tại Busan (Hàn Quốc) để thảo luân về tăng cường hợp tác chuỗi cung ứng và công nghệ mới nổi. Chỉ 3 tháng sau đó, ba quốc gia tiếp tục tổ chức phiên đối thoại tiếp theo tại San Diego (Mỹ). Tháng 3, các nhà ngoại giao ba nước đã có mặt tại Washington, thảo luận hợp tác chống lại các mối đe dọa an ninh mạng đang gia tăng. Ngày 25/4/2024, Mỹ – Nhật – Hàn đã ký kết 2 bản ghi nhớ về ý định tăng cường hợp tác và chia sẻ thông tin để chống chuyển giao công nghệ bất hợp pháp và điều chỉnh hơn nữa về việc thực thi các biện pháp kiểm soát xuất khẩu. Tháng 5/2024, Thứ trưởng Ngoại giao Kurt Campbell đã gặp gỡ Thứ trưởng Ngoại giao Masataka Okano của Nhật Bản và Hong Kyun Kim của Hàn Quốc tại Washington. Cuộc họp các Bộ trưởng vào ngày 26/6/2024 vừa qua là sự tiếp nối thỏa thuận mà các nhà lãnh đạo ba nước đã đạt được từ hội nghị thượng đỉnh David Camp.
Cùng với đó, sự ấm lên trong mối quan hệ song phương Nhật Bản và Hàn Quốc tạo điều kiện cho Mỹ tăng cường động lực hợp tác kinh tế và công nghệ giữa cả ba quốc gia, thay vì tiếp xúc song phương như trước đây.
Cạnh tranh kinh tế và công nghệ với Trung Quốc thúc đẩy sự hợp tác ba bên Mỹ – Nhật – Hàn
Chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn tiếp tục và đã mở rộng sang các ngành công nghệ tiên tiến và quan trọng trong đó có lĩnh vực bán dẫn, công nghệ cốt lõi và mới nổi.
Những hành động trừng phạt và trả đũa lẫn nhau giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới về các ngành công nghiệp quan trọng, đã làm trầm trọng thêm sự bất ổn của chuỗi cung ứng công nghiệp toàn cầu. Tháng 8/2022, chính quyền Biden đã ban hành Đạo luật CHIPS để thúc đẩy sản xuất chất bán dẫn trong nước và cạnh tranh quốc tế, nhằm giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu và tiếp xúc với sự gián đoạn nguồn cung, cũng như bảo vệ quy trình sản xuất chất bán dẫn. Hai tháng sau, Nhà Trắng tiếp tục công bố kết hợp các biện pháp trừng phạt và công cụ kiểm soát để bảo vệ sở hữu trí tuệ và an ninh quốc gia của Washington và khiến Bắc Kinh khó có được hoặc sản xuất chip tiên tiến hơn. Để trả đũa các lệnh trừng phạt của Mỹ, Trung Quốc đã hạn chế xuất khẩu đất hiếm của mình. Trung Quốc kiểm soát 80% công suất tinh chế đất hiếm trên toàn thế giới, mà rất cần thiết cho vũ khí công nghệ cao cũng như pin, màn hình và các sản phẩm công nghệ cao khác. Tháng 7 năm 2023, Bắc Kinh tiếp tục hạn chế xuất khẩu hai kim loại Gali và Gecmani, được sự dụng trong chất bán dẫn và xe điện. Điều này đã làm nổi bật vai trò nhà cung cấp quan trọng nhất thế giới của Trung Quốc về nguyên liệu thô quan trọng và các sản phẩm tinh chế. Mới đây, tháng 5/2024, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố kế hoạch tăng đáng kể thuế đối với các khoáng sản quan trọng từ Trung Quốc như một phần trong chiến lược của Washington nhằm giảm sự thống trị của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng.
Trong lĩnh vực bán dẫn, Đài Loan sản xuất gần 2/3 chất bán dẫn trên thế giới mỗi năm và hơn 90% những chất bán dẫn tiên tiến nhất. Trong đó phần lớn phụ thuộc vào côg ty TSMC, nhà sản xuất chip tiên tiến nhất thế giới. Vai trò trung tâm của Đài Loan trong bản đồ sản xuất chip toàn cầu đã khiến hòn đảo này trở nên đặc biệt quan trọng, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc tuyên bố sẽ thống nhất Đài Loan. Nếu Trung Quốc kiểm soát Đài Loan, và độc quyền các công nghệ bán dẫn tiên tiến, Trung Quốc sẽ có lợi thế hơn Mỹ trong việc phát triển các công nghệ mới và quan trọng mà có thể giúp Trung Quốc giành vị trí nền kinh tế lớn nhất thế giới của Mỹ.
Xác định được tầm quan trọng và sự cấp thiết đối với một chuỗi cung ứng bán dẫn và các khoáng sản quan trọng đối với an ninh kinh tế và vị thế quốc gia của mình. Mỹ lập kế hoạch loại bỏ những rủi ro từ yếu tố Trung Quốc bằng cách xây dựng một chuỗi cung ứng do mình làm chủ. Bên cạnh khuyến khích phát triển trong nước thông qua các đạo luật như CHIPS, Mỹ đã tìm đến những nhân tố quan trọng còn lại trên bản đồ bán dẫn, đồng thời là đồng minh của mình là Hàn Quốc và Nhật Bản để cùng nhau tăng cường hợp tác về các vấn đề công nghệ quan trọng và mới nổi, bao gồm chuỗi cung ứng đối với chất bán dẫn, pin xe điện và các khoáng sản quan trọng… Ngoài Trung Quốc và Đài Loan, thì Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản là những quốc gia dẫn đầu trong chuỗi giá trị của chất bán dẫn, Hàn Quốc sở hữu các doanh nghiệp có năng lực phát triển trong ngành bán dẫn như Samsung, Intel, cùng với Micron Nvidia, AMD của Mỹ và sự vững chắc trong sản xuất mạch tích hợp, đóng gói và thử nghiệm tại Nhật Bản, sẽ tạo ra một kiềng ba chân mới trong chuỗi cung ứng bán dẫn mà cả ba nước kỳ vọng. Sự hợp tác kinh tế Mỹ – Hàn – Nhật là sự hợp tác chiến lược trong mối quan hệ đồng minh tổng thể giữa ba quốc gia, sự hợp tác này không chỉ để đảm bảo an ninh kinh tế, mà cả an ninh thực trong đó có việc bảo vệ Đài Loan trước bất kỳ sự “tấn công” nào từ Đại Lục. Mục đích cuối cùng là đảm bảo nguồn cung bán dẫn không bị độc quyền hay phụ thuộc bởi Trung Quốc. Gregogy C. Allen, Giám đốc Trung tâm Wadhwani về AI và công nghệ tiên tiến của Viện nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế CSIS (Washington), nói rằng “Mục tiêu chính ở đây có thể hiểu là Mỹ muốn tác động đến ngành công nghiệp AI của Trung Quốc, và công cụ bán dẫn là phương tiện để đạt được mục đích đó”.[4]
Hàn Quốc và Nhật Bản cũng chia sẻ sự cạnh tranh kinh tế với Trung Quốc. Kinh tế Hàn Quốc phụ thuộc lớn vào Trung Quốc về tài nguyên, đặc biệt dễ bị tổn thương trước sự gián đoạn chuỗi cung ứng của Trung Quốc. Ví dụ, việc Trung Quốc hạn chế xuất khẩu urê, một thành phần quan trọng trong phân bón và là hóa chất cần thiết cho động cơ diesel đời mới để giảm lượng khí thải, đã gây ra tình trạng thiếu urê ở Hàn Quốc, vì nước này nhập khẩu hơn 90% urê từ Trung Quốc, theo hãng thông tấn Yonhap.[5] Bloomberg đưa tin Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc gần đây đều chia sẻ mối lo ngại về “các biện pháp phi thị trường” trong ngành công nghiệp đất hiếm. Do đó, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng sẽ được hưởng lợi về một chuỗi cung ứng không phụ thuộc vào đối thủ.
Lãnh đạo của cả ba nước đã khuyến khích tăng cường hợp tác công nghệ giữa các nhà lãnh đạo doanh nghiệp của các quốc gia—bao gồm cả các nhà điều hành ngành bán dẫn. Ví dụ, công ty chip Micron của Mỹ và Samsung của Hàn Quốc đang đầu tư mạnh vào việc xây dựng các cơ sở sản xuất chất bán dẫn ở Nhật Bản, Nhật Bản cũng có kế hoạch sử dụng số tiền trợ cấp lên tới 20 tỷ Yên, tương đương khoảng 135 triệu USD để hỗ trợ ngành kinh tế này.[6] Ba nước cũng sẽ thúc đẩy phát triển công nghệ đất hiếm mà hiện tại Trung Quốc đang thống trị[7]. Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Washington, ông Saito cho biết Nhật Bản và các đồng minh đang theo dõi chặt chẽ đầu tư của Trung Quốc vào ngành công nghiệp bán dẫn trong nước. Nhật Bản cũng nỗ lực thiết lập các cơ sở sản xuất chất bán dẫn với Đạo luật Thúc đẩy An ninh Kinh tế năm 2022 phác thảo một khuôn khổ cho tài chính công và tư kết hợp 10 nghìn tỷ Yên trong 10 năm. Hoạt động của ngành công nghiệp bán dẫn đang bùng nổ ở Nhật Bản, sự phát triển được thúc đẩy bởi những kỳ vọng vè nhu cầu ngày càng tăng đối với các con chip do Nhật Bản sản xuất khi nguồn cung ứng đa dạng hóa từ Đài Loan. Nhật Bản đã khuyến khích các công ty nước ngoài và vốn nước ngoài đóng vai trò tích cực, với ví dụ về các thực thể theo đuổi đầu tư và hợp tác bao gồm các công ty con của TSMC, PSMC có trụ sở tại Đài Loan và Micron có trụ sở tại Mỹ. Bên cạnh đó, Hàn Quốc ngày 27/5/2024 cũng đã công bố kế hoạch thành lập quỹ trị giá 5.000 tỷ won để giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung nước ngoài, qua đó bảo vệ chuỗi cung ứng đang ngày càng bị gián đoạn bởi căng thẳng địa chính trị. Quỹ này sẽ được sử dụng để hỗ trợ các công ty Hàn Quốc và giúp phát triển các lựa chọn thay thế cho hàng hóa có nguồn gốc thông qua nhập khẩu. Các nhà chức trách cũng sẽ mở rộng giám sát các mặt hàng được coi là cần thiết nhưng khó tìm nguồn cung trong nước, chẳng hạn như chất bán dẫn và nguyên liệu pin sạc.
Vai trò lãnh đạo trong an ninh kinh tế toàn cầu
Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc là những nền kinh tế hàng đầu, đang cố gắng thể hiện vai trò lãnh đạo của mình đối với an ninh kinh tế toàn cầu khi liên tục nhắc đến các cam kết đối với khu vực ADD – TBD tự do và rộng mở. Những nội dung ba quốc gia đang nỗ lực thúc đẩy, đều là những lĩnh vực quan trọng không chỉ đối với nền kinh tế của các quốc gia này nói riêng, mà có ý nghĩa đối với nền kinh tế toàn cầu nói chung. Việc làm chủ được các lĩnh vực này ở cấp độ quốc gia là tiền đề để ra một diễn đàn mà ba quốc gia là thành viên chủ chốt, đồng thời làm giảm vai trò của Trung Quốc trong chuỗi giá trị công nghiệp này là mục tiêu và động lực thúc đẩy ba quốc gia tăng cường hợp tác. Thông qua đó, Mỹ duy trì tầm ảnh hưởng và vai trò lãnh đạo của nền kinh tế lớn nhất thế giới, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng có thể đạt được mục tiêu trong chiến lược quốc gia của riêng mình. Điều này có thể đóng góp cho tầm nhìn toàn cầu của Tổng thống Yoon trong việc “tìm kiếm trách nhiệm lớn hơn trong địa chính trị khu vực và toàn cầu”[8].
Tương lai của liên minh kinh tế Mỹ – Nhật – Hàn và tác động của nó
Có thể thấy những nỗ lực mạnh mẽ giữa giữa ba quốc gia kể từ tháng 8/2023 trong việc tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực quan trọng. Cuộc họp các Bộ trưởng Kinh tế ba nước vừa qua, chỉ là một phần trong hành trình chung giữa ba quốc gia. Từ đó có thể kỳ vọng về những cuộc gặp gỡ cấp cao với tần suất thường xuyên hơn, để tiếp tục đưa những cam kết trở thành các hành động thực tế, có ý nghĩa kinh tế đóng góp cho 3 quốc gia, khu vực và toàn cầu. Những kết quả của sự nỗ lực từ ba quốc gia có thể giúp tăng cường an ninh kinh tế toàn cầu nếu ba quốc gia kiên trì với mục tiêu chung của mình, và tạo ra được một chuỗi cung ứng đáng tin cậy về chất bán dẫn, công nghệ tiên tiến và mới nổi, năng lượng sạch, khoáng sản quan trọng… bù đắp cho những khuyết điểm của chuỗi cung ứng hiện tại. Chuỗi cung ứng toàn cầu nói chung, và chất bán dẫn nói riêng vẫn đang trong giai đoạn khó khăn kể từ sau đai dịch Covid 19.
Tuy nhiên, việc phát triển một chuỗi cung ứng mới là một hành trình dài. Do đó, trong ngắn hạn, sự tăng cường hợp tác giữa Washington, Seoul và Tokyo có thể gia tăng căng thẳng thương mại với Trung Quốc, làm trầm trọng sự đứt gãy vốn có của chuỗi cung ứng toàn cầu hiện tại. Điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế thế giới và nền kinh tế của các quốc gia đang trên đà hồi phục sau đại dịch, do các quốc gia không thể tiếp cận các nguồn nguyên liệu quan trọng như công nghệ cốt lõi, đất hiếm, khoáng sản quan trọng… từ đó hạn chế sự phát triển của các quốc gia đó.
Đối với chuỗi cung ứng bán dẫn, Đài Loan đang nắm giữ vai trò quan trọng trong chuỗi, mặc dù Mỹ đã đề xuất một “Liên minh Chip 4” bao gồm Nhật Bản, Hàn quốc và Đài Loan để làm cho chuỗi cung ứng chất bán dẫn của Đông Á trở nên linh hoạt hơn. Cần lưu ý rằng, sự độc quyền của Đài Loan trên bản đồ bán dẫn là con bài chiến lược để Đài Loan có thể đảm bảo sự tự do của mình. Do đó, hòn đảo này sẽ không dễ chia sẻ thị phần của mình, kể cả với các đối tác như Mỹ, Hàn Quốc hay Nhật Bản.
Thông qua những hoạt động ba bên vừa qua, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đang tập trung hợp tác giữa ba quốc gia, hơn là xây dựng một diễn đàn chung cho sự hợp tác với các quốc gia khác trong khu vực. Dù các Tuyên bố chung sau các cuộc gặp thượng đỉnh nhắc đến và cam kết về sự thịnh vượng chung của khu vực ADD-TBD, chưa có tuyên bố hoặc hướng dẫn nào rõ ràng về cách thức hợp tác hoặc tham gia đối với các quốc gia khác. Từ đó, đây có thể sẽ là những vấn đề sẽ được xem xét và thảo luận giữa ba quốc gia trong các cuộc gặp gỡ tiếp theo.
Cơ chế hợp tác kinh tế ba bên này được thúc đẩy mạnh mẽ dưới chính quyền Biden, Tổng thống Yoon và Thủ tướng Kishida, đồng nghĩa nếu có bất kỳ sự thay đổi nào về nhân sự lãnh đạo quốc gia, các cam kết của liên minh này có thể sẽ có những điều chỉnh. Mối quan hệ song phương Nhật Bản – Hàn Quốc ấm lên nhờ những nỗ lực của hai nhà lãnh đạo từ hai nước, và sự thúc đẩy mạnh mẽ từ Mỹ. Sự trở lại của chính quyền Trump nếu ông đắc cử trong cuộc bầu cử cuối năm nay có thể sẽ ảnh hưởng đến quan hệ giữa ba quốc gia./.
Tác giả: Thi Thi
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
Tài liệu tham khảo
[1] U.S. Department of Commerce, “Joint Statement: Japan-Republic of Korea-United States Commerce and Industry Ministerial Meeting”, https://www.commerce.gov/news/press-releases/2024/06/joint-statement-japan-republic-korea-united-states-commerce-and
[2] David Shepardson (2024), US, Japan, South Korea vow strategic cooperation to boost security, economies, Reuters, https://www.msn.com/en-gb/news/world/us-japan-south-korea-vow-strategic-cooperation-to-boost-security-economies/ar-BB1oXHbz?ocid=BingNewsVerp#
[3] Trung Anh, Kỷ nguyên mới trong hợp tác Mỹ-Nhật-Hàn, Báo Điện tử Nhân dân, https://nhandan.vn/ky-nguyen-moi-trong-hop-tac-my-nhat-han-post814426.html
[4] Alex W. Palmer, ‘An Act of War’: Inside America’s Silicon Blockade Against China, The New York Times, https://www.nytimes.com/2023/07/12/magazine/semiconductor-chips-us-china.html
[5] Lisa Bian, US, South Korea, Japan to Push Cooperation Amid Threats From North Korea and China, The EpochTimes, https://www.theepochtimes.com/world/us-south-korea-japan-to-push-cooperation-amid-threats-from-north-korea-and-china-5546804
[6] Kim Tong Hyung (2023), South Korean president urges expanded technology cooperation with Japan, Associated Press, https://apnews.com/article/south-korea-japan-technology-cooperation-85773e0c36b913e336da09f415b46c8c
[7] Takashi Mochizuki (2024), US, Japan, South Korea Pledge Closer Ties on Key Technologies, Bloomberg, https://www.bloomberg.com/news/articles/2024-06-26/us-japan-south-korea-pledge-closer-ties-on-key-technologies
[8] Euihyn Kwon (2023), South Korea’s Strategic Clarity: A Quest to Become a “Pivotal State” in the Indo-Pacific, The Diplomat, https://thediplomat.com/2023/01/south-koreas-indo-pacific-strategy-quest-for-clarity-and-global-leadership