Đã có nhiều nhà phân tích đồng ý với nhau về việc Nga và Trung Quốc đã đẩy mạnh hợp tác chặt chẽ với nhau từ năm 2014 tới nay, mặc dù trước đó hai nước đã có khoảng thời gian khá dài là đối tác của nhau từ thời kỳ hậu Xô Viết. Hiện trạng của mối quan hệ đối tác Nga – Trung đang đe dọa một cách sâu sắc với Hoa Kỳ, không chỉ bởi nó làm cho kế hoạch quân sự của Hoa Kỳ trở nên khó khăn hơn, mà nó còn làm tăng khả năng hai đối thủ đáng gờm hợp lực để chống lại lợi ích của Hoa Kỳ và có phối hợp với nhau để gây sức ép lên các đồng minh thân cận của nước này.
Mối quan hệ đối tác chiến lược đã được thiết lập vào năm 2001, được thúc đẩy vào thời điểm giữa những năm 2010 bởi niềm tin của các nhà lãnh đạo Nga rằng họ cần tìm kiếm các mối quan hệ thay thế để tồn tại trong cuộc đối đầu bất ngờ với phương Tây. Trung Quốc rõ ràng là ứng cử viên sáng giá vì nước này có nền kinh tế lớn lại phù hợp, thân thiện với Nga và không có kế hoạch áp đặt các biện pháp trừng phạt để đáp trả kể từ sau khủng hoảng Ukraine năm 2014. Việc Tập Cận Bình lên nắm quyền cũng góp phần làm sâu sắc thêm mối quan hệ đối tác giữa hai nước, khi Trung Quốc dưới thời ông Tập chia sẻ mối quan ngại của Tổng thống Vladimir Putin đối với an ninh của thế chế, đồng thời hai nhà lãnh đạo ngày càng thống nhất với nhau về các vấn đề an ninh toàn cầu và khu vực. Hơn nữa, hai nước đã có lịch sử hợp tác từ đầu những năm 1990, đó có thể là cơ sở để mở rộng hợp tác song phương.
Bài báo này tóm tắt một báo cáo của CNA, tập trung vào việc đánh giá sự hợp tác quân sự giữa hai nước, đặc biệt là về ngoại giao quân sự và các khía cạnh chính trị khác của mối quan hệ hợp tác quốc phòng, hợp tác kỹ thuật quân sự, các cuộc tập trận và hoạt động chung. Mục tiêu của báo cáo là đưa ra phân tích về động lực của mối quan hệ hợp tác trong giai đoạn kể từ năm 2014, bao gồm thảo luận về những điều mà mối quan hệ này cho phép hai đối tác cùng nhau đạt được và những suy luận của các chuyên gia phân tích về mối quan hệ song phương này.
Nhóm tác giả đã sử dụng nguồn tư liệu nghiên cứu bao gồm các báo cáo và bài báo kỹ thuật bằng tiếng Nga và tiếng Trung Quốc về quan hệ quân sự song phương. Đồng thời họ đã phân tích các thỏa thuận song phương quan trọng và các tuyên bố chính thức, tất cả các giao dịch mua bán vũ khí lớn cùng với đó là các hình thức hợp tác kỹ thuật quân sự khác bao gồm cả việc trao đổi quân sự để huấn luyện và đào tạo, tập trận và hoạt động quân sự chung, các cam kết quân sự có liên quan khác. Phân tích trong báo cáo chủ yếu tập trung vào khoảng thời gian từ năm 2014 đến tháng 11 năm 2022. Các thông tin trong bài phân tích này đã bao gồm các hoạt động hợp tác thời gian trước đó nếu phù hợp và một số diễn biến quan trọng trong khoảng thời gian từ tháng 11 năm 2022 đến tháng 2 năm 2023.
Báo cáo đã điều chỉnh thang đánh giá mức độ hợp tác quân sự của hai bên dựa trên bảy lĩnh vực, từ việc thiết lập các cơ chế tham vấn thường xuyên ở cấp thấp đến việc áp dụng một chính sách quốc phòng chung ở cấp cao nhất. Phương pháp này cho phép các tác giả không chỉ ước tính mức độ hợp tác quân sự tổng thể hiện tại giữa Nga và Trung Quốc, mà còn phân tích tiến trình gần đây và từ đó dự đoán hướng phát triển tiềm năng của nó trong tương lai. Ngoài ra, bằng cách kiểm tra các thành phần của hợp tác quân sự, nhóm tác giả có thể xác định các lĩnh vực cụ thể nơi mức độ đang phát triển nhanh hơn hoặc chậm hơn so với mức trung bình. Việc kiểm tra này cho phép phân tích chi tiết hơn về những phát triển trong hợp tác quân sự Nga-Trung.
Sự bất ổn
Hợp tác quân sự giữa Nga-Trung không phải lúc nào cũng phát triển một cách đồng đều. Ở những thời điểm khác nhau, một số lĩnh vực đã trải qua thời kỳ phát triển nhanh chóng, trong khi những lĩnh vực khác lại thu hẹp lại. Tại các điểm khác, các lĩnh vực đang phát triển trước đây lại bị chững lại. Sự không đồng đều trong quá trình tăng trưởng hợp tác này đã thể hiện rõ nhất trong hợp tác kỹ thuật quân sự cùng với đó là trong các cuộc tập trận và hoạt động chung, trong khi việc mở rộng tham vấn chính trị và ngoại giao quân sự diễn ra thường xuyên hơn. Mặc dù có một số tuyên bố hùng hồn tại các cuộc hội nghị cấp cao, sau khi trải qua giai đoạn mở rộng nhanh chóng từ năm 2014 đến 2019, hợp tác quân sự Nga-Trung phần lớn đã chững lại trong những năm gần đây. Có rất ít bằng chứng về việc tiếp tục mở rộng kể từ năm 2020 trong hợp tác kỹ thuật quân sự hoặc các hoạt động quân sự chung.
Trong hai thập kỷ qua, Nga và Trung Quốc đã phát triển các cơ chế tham vấn chính trị và quân sự được thể chế hóa tốt. Các cơ chế quan trọng nhất bao gồm nhiều hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình, các cuộc tham vấn an ninh song phương hàng năm giữa ông Nikolai Patrushev, người đứng đầu Hội đồng An ninh Quốc gia Nga và ông Dương Khiết Trì, cựu lãnh đạo Ủy ban Chính sách Đối ngoại của Đảng Cộng sản Trung Quốc, cùng với đó là Hội nghị Đông Bắc nửa năm một lần. Đối thoại An ninh châu Á cấp thứ trưởng ngoại giao diễn ra hàng năm. Kể từ năm 2017, Trung Quốc và Nga đã tổ chức các kế hoạch hợp tác quân sự theo lộ trình 5 năm, với kế hoạch gần đây nhất được thống nhất vào năm 2021 và kéo dài đến năm 2025.
Các cơ chế tham vấn an ninh song phương ban đầu được triển khai vào năm 2001 để quản lý các tranh chấp lãnh thổ song phương và được giải quyết vào năm 2004. Chương trình nghị sự chính trị-quân sự kể từ đó đã được mở rộng đáng kể. Trước năm 2014, trọng tâm chính vẫn là phát triển và mở rộng hợp tác quân sự song phương, bao gồm cả mua bán vũ khí và tập trận chung. Do quan hệ với phương Tây rạn nứt sau khủng hoảng Ukraine năm 2014, Nga đã tìm cách mở rộng mối quan hệ với Trung Quốc. Hai nước bắt đầu phối hợp rộng rãi hơn về các vấn đề an ninh, bao gồm việc đánh giá về mối đe dọa từ phương Tây, quan điểm về tranh chấp lãnh thổ và địa chính trị của nhau với các nước thứ ba, và nỗ lực mở rộng hợp tác trong các vấn đề chiến lược, chẳng hạn như sớm phát triển các hệ thống cảnh báo tên lửa chung.
Một tuyên bố chung được đưa ra sau cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo vào tháng 2 năm 2022 diễn ra ngay trước khi Nga triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine cho thấy sự chồng chéo ngày càng tăng trong các mối quan ngại về an ninh của hai bên. Cả hai quốc gia đều tập trung vào mối đe dọa do Hoa Kỳ và NATO gây ra đối với an ninh quốc tế nói chung và đối với quốc gia của họ nói riêng. Các quan chức Trung Quốc đã từ chối chỉ trích hành động quân sự của Nga, bên cạnh đó họ cũng đổ lỗi cho các mối đe dọa của NATO và Hoa Kỳ đã gây ra chiến tranh.
Hợp tác kỹ thuật quân sự
Hợp tác kỹ thuật-quân sự Nga-Trung đã thay đổi trong nhiều thập kỷ kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Sau thời kỳ Nga bán vũ khí cho Trung Quốc tăng mạnh từ năm 1991 đến năm 2005, hợp tác kỹ thuật-quân sự khá hạn chế trong thập kỷ tiếp theo do sự kết hợp giữa khả năng tự cung tự cấp ngày càng tăng của Trung Quốc và sự miễn cưỡng của Nga trong việc chia sẻ các công nghệ tiên tiến nhất dựa trên việc hợp tác trong quá khứ. Tuy nhiên, sau khủng hoảng Ukraine năm 2014, hợp tác kỹ thuật-quân sự đã tăng lên trong một thời gian ngắn nhờ việc Nga bán cho Trung Quốc các hệ thống vũ khí tiên tiến hơn. Mặc dù vậy, trong những năm gần đây, Trung Quốc đã tiếp tục tăng cường khả năng tự cung tự cấp, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ, và sự tăng trưởng hợp tác đã không được duy trì. Đồng thời, sự tăng trưởng này đã không được duy trì trong những năm gần đây, khi Trung Quốc, với chủ trương của Tập Cận Bình đang chú trọng ngày càng nhiều vào sự tự chủ về công nghệ, đã tiếp tục gia tăng khả năng tự cung tự cấp của mình.
Trong khi việc mua bán vũ khí đã trở thành một khía cạnh ít quan trọng hơn trong mối quan hệ hợp tác quân sự song phương giữa hai nước thì các dự án công nghệ chung đã nhanh chóng trở nên ngày càng quan trọng. Hai bên đã triển khai nhiều dự án sản xuất quân sự chung, bao gồm máy bay trực thăng hạng nặng, tàu ngầm thế hệ mới, tăng cường hợp tác về phát triển tên lửa chiến thuật và các dự án công nghệ cao với các ứng dụng quân sự tiềm năng trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, cùng các hệ thống không gian. Quan trọng nhất, sự hỗ trợ của Nga trong việc phát triển hệ thống cảnh báo tên lửa của Trung Quốc làm nổi bật việc mở rộng hợp tác sang lĩnh vực phòng thủ chiến lược.
Đồng thời, khi thảo luận về sự phát triển công nghệ quân sự thuần túy, mối quan hệ đối tác vẫn là một mối quan hệ một chiều, với rất ít bằng chứng về việc chuyển giao công nghệ từ Trung Quốc sang Nga. Nga đã hướng tới Trung Quốc trong nỗ lực thay thế các cơ sở sản xuất linh kiện quan trọng tại Ukraine và phương Tây, đặc biệt là trong các lĩnh vực như quang học và điện tử, mặc dù các dự án này đã bị hạn chế ở một mức độ nào đó bởi các lệnh trừng phạt. Một số dự án được triển khai sau năm 2014, đặc biệt là dự án mua động cơ hàng hải của Trung Quốc, đã bị cắt giảm do những thiết bị do Trung Quốc cung cấp không đảm bảo chất lượng. Cho đến nay, Trung Quốc cũng đã hạn chế các nỗ lực công khai nhằm giúp Nga tránh các lệnh trừng phạt của phương Tây sau cuộc xung đột với Ukraine từ năm 2022.
Tuy nhiên, việc chuyển từ bán vũ khí sang các dự án chung có chuyển giao công nghệ cho thấy sự gia tăng hợp tác công nghiệp quốc phòng, với mức độ phụ thuộc lẫn nhau và phối hợp ở cấp độ cao hơn. Nhìn chung, hợp tác kỹ thuật-quân sự Nga-Trung tiếp tục hoạt động ở mức cao, mặc dù có tiềm năng phát triển hơn nữa nếu hai bên có thể vượt qua những lo ngại kéo dài về các vấn đề như công nghệ nghịch đảo, sự cạnh tranh trên thị trường vũ khí toàn cầu, miễn cưỡng chia sẻ các công nghệ nhạy cảm và việc ưu tiên duy trì khả năng tự cung tự cấp trong sản xuất quốc phòng.
Tập trận chung
Nga và Trung Quốc thể hiện mức độ hợp tác cao trong các cuộc tập trận quân sự và hoạt động chung. Cũng như các khía cạnh hợp tác quân sự khác của họ, các cuộc tập trận và hoạt động quân sự chung đã trải qua một giai đoạn mở rộng nhanh chóng vào giữa những năm 2010, với sự gia tăng về tần suất và phạm vi toàn cầu của các hoạt động chung và chuyển sang các cuộc tập trận ngày càng phức tạp hơn nhằm cải thiện sự phối hợp tác chiến giữa quân đội hai nước.
Các cuộc tập trận chung bao gồm các nỗ lực tích hợp việc sử dụng các thiết bị và phương tiện quân sự của nhau, cũng như thiết lập các trung tâm chỉ huy chung, tạm thời nhằm mục đích tiến hành các cuộc tập trận và hoạt động cụ thể. Tất cả các hoạt động này đã cho phép cả hai bên tăng cường sự tin tưởng và hợp tác theo tình hình thực tế. Đồng thời, việc tập trận chung với các lực lượng quân sự của Nga vốn đã trải qua chiến trường thực tế trong các hoạt động quân sự ở Syria và Ukraine sẽ giúp cho quân đội Trung Quốc cải thiện kinh nghiệm thực tế bằng cách học các chiến thuật và quy trình tiên tiến hơn, nó như một phần trong nỗ lực bù đắp cho sự thiếu hụt tổng thể về kinh nghiệm chiến trường. Chương trình tập trận chung cũng mang lại lợi ích mang tính biểu tượng cho cả hai bên, cho phép cả Trung Quốc và Nga chứng minh rằng họ đang cùng nhau chống lại các mối đe dọa và nỗ lực “thống trị thế giới” của Mỹ.
Cũng như hợp tác kỹ thuật quân sự, tần suất và địa điểm của các cuộc tập trận quân sự chung đã mở rộng nhanh chóng vào giữa những năm 2010 nhưng phần lớn đã chững lại trong ba năm qua. Tuy nhiên, nội dung các cuộc tập trận đã nâng cao hơn trong giai đoạn này. Việc khởi động các cuộc tuần tra chung trên không và trên biển lần lượt vào năm 2019 và 2021 đã nêu bật nỗ lực vượt ra ngoài các cuộc tập trận và đi vào các hoạt động quân sự trong thực tế. Các cuộc tuần tra này hiện diễn ra thường xuyên hơn, với cuộc tuần tra chung trên không lần thứ sáu diễn ra vào đầu tháng 6. Mặc dù cho đến nay, các cuộc tuần tra này không quá khác biệt so với các cuộc tập trận quân sự. Việc giảm tần suất và thiếu sự mở rộng địa điểm của các cuộc tập trận kể từ năm 2020 chủ yếu là kết quả của những hạn chế do đại dịch COVID-19 gây ra và sau đó là hành động quân sự của Nga ở Ukraine. Trong khi nguyên do đầu tiên không còn ảnh hưởng đến các hoạt động quân sự song phương, thì nguyên do thứ hai có tiếp tục là một sự kìm hãm của các khí tài sẵn có trong quân đội Nga cho các cuộc tập trận với Trung Quốc.
Giới hạn hợp tác
Nga và Trung Quốc đã thể hiện tương đối ít khía cạnh trong hợp tác quân sự sâu sắc như cách mà Hoa Kỳ thực hiện với các đồng minh châu Âu và châu Á, thường diễn ra thông qua việc thành lập các trung tâm chỉ huy quân sự tích hợp, triển khai chung, chia sẻ căn cứ, và ở cấp độ cao nhất, xây dựng chính sách phòng thủ chung. Việc thành lập các trung tâm tác chiến chung theo từng giai đoạn cho các cuộc tập trận cụ thể và thỉnh thoảng sử dụng các cơ sở vật chất quân sự của nhau vẫn là những trường hợp hợp tác quân sự tiến bộ duy nhất. Ngoài ra, Nga và Trung Quốc chưa cho thấy bất kỳ dấu hiệu nào về kế hoạch thiết lập các cấu trúc chỉ huy chung và có thể hoạt động lâu dài. Ngoài các cuộc tập trận cụ thể, nhìn chung họ cũng không cung cấp cho nhau quyền tiếp cận các khu vực hậu cần của nước chủ nhà, cũng như không tìm cách đàm phán những thỏa thuận về việc đặt các đơn vị hoặc thiết bị quân sự trên lãnh thổ của nhau, dù là vĩnh viễn hay tạm thời. Cuối cùng, không bên nào tỏ ra quan tâm đến việc thảo luận về việc xây dựng một chính sách quốc phòng chung ở bất kỳ cấp độ nào, kể cả cấp độ thấp nhất, chẳng hạn như các cam kết thực hiện và cung cấp chung. Do đó, nhóm tác giả đánh giá rằng Trung Quốc và Nga chưa đạt đến mức độ hợp tác quốc phòng sâu sắc, mặc dù họ đã thực hiện một số bước ban đầu rất sơ bộ theo hướng đó.
Ý nghĩa tiềm ẩn
Nga và Trung Quốc đã có được những lợi thế đáng kể từ sự hợp tác quân sự của họ. Trong khi những lợi ích quan trọng nhất đến từ hình thức hỗ trợ chính trị lẫn nhau trên trường quốc tế, thì bên cạnh đó cũng có những lợi ích rõ ràng về sản xuất công nghiệp quốc phòng và cải thiện năng lực tác chiến, đặc biệt là đối với phía Trung Quốc. Có một biểu tượng chính trị về việc Nga và Trung Quốc hỗ trợ lẫn nhau trong cuộc chiến chống lại những gì họ coi là nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm duy trì quyền bá chủ toàn cầu của mình. Để đạt được mục tiêu này, trong các tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo cấp cao, chẳng hạn như thông báo vào tháng 2 năm 2022 về “tình bạn không giới hạn” của ông Putin và ông Tập, đã nhấn mạnh rằng hai nước có quan điểm chiến lược tương đồng về các vấn đề toàn cầu. Mặc dù tuyên bố chung vào tháng 3 năm 2023 của họ nêu rõ hơn rằng mối quan hệ đối tác của họ không phải là một liên minh quân sự, nhưng hai nhà lãnh đạo tuyên bố đã tạo dựng một mối quan hệ “cao cấp” có thể vượt qua thử thách của thời gian.
Các hành động cụ thể như thỏa thuận mua bán vũ khí và các cuộc tập trận chung lớn mang tính biểu tượng mạnh mẽ đã cho thấy hai nước đang cùng nhau giải quyết các thách thức toàn cầu và củng cố vị thế của nhau trên chính trường thế giới. Những lợi ích mang tính biểu tượng này đặc biệt quan trọng đối với Nga khi nước này tìm cách chống lại nhận thức rằng nước này bị quốc tế cô lập do cuộc chiến Ukraine. Ví dụ, sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc gặp Tổng thống Nga – Putin vào tháng 4 năm 2023, ông đã ca ngợi sự đóng góp của nhà lãnh đạo Nga cho hòa bình thế giới. Nga nêu bật việc các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẵn sàng gặp gỡ các nhà lãnh đạo Nga ở cấp cao nhất và những tuyên bố ủng hộ thường xuyên được đưa ra sau các cuộc gặp như vậy, đó như một dấu hiệu cho thấy nỗ lực cô lập nước này của phương Tây đang thất bại.
Mặt khác, có thể thấy rõ ràng rằng Trung Quốc thu được nhiều lợi ích hơn từ mối quan hệ quốc phòng song phương so với Nga. Quân Giải phóng Nhân dân từ lâu đã sử dụng các cuộc tập trận quân sự để học hỏi từ các đối tác Nga và cải thiện chiến thuật của mình. Trung Quốc cũng có thể đạt được lợi ích chiến lược từ khả năng tiếp cận các cơ sở quân sự của Nga ở Viễn Đông, mặc dù có rất ít dấu hiệu cho thấy Nga sẵn sàng cho phép điều này xảy ra trong tương lai gần. Quân đội Nga, vốn tự coi mình là tiên tiến hơn về kiến thức tác chiến so với đối tác Trung Quốc, lại thu được ít lợi ích hơn về mặt thực tế. Đồng thời, hiệu suất của Nga trong cuộc chiến với Ukraine vào cuối năm trước có thể khiến các nhà lãnh đạo quân sự Trung Quốc nghi ngờ về chất lượng của quân đội Nga, điều này có thể ảnh hưởng đến giá trị từ những gì Quân Giải phóng Nhân dân đã học hỏi được từ các bài tập và hoạt động chung. Mặc dù còn quá sớm để có thể thấy bằng chứng về sự thay đổi trong nhận thức của Trung Quốc, nhưng điều này là một khả năng có thể xảy ra mà các nhà quan sát nên xem xét trong tương lai.
Trong nhiều năm, Trung Quốc đã phụ thuộc rất nhiều vào các nhà cung cấp vũ khí của Nga để hiện đại hóa quân đội của mình. Sự hỗ trợ ấy đặc biệt quan trọng vì trong phần lớn thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh, ngành công nghiệp quốc phòng của nước này tụt hậu xa so với đối tác Nga, đồng thời Trung Quốc cũng không thể mua vũ khí từ phương Tây. Hơn nữa, bằng cách hỗ trợ Trung Quốc chủ yếu trong lĩnh vực hàng hải và hàng không vũ trụ, việc cung ứng vũ khí của Nga cho Trung Quốc tạo ra một mối đe dọa không đáng kể đối với họ, nhưng đồng thời, nó tạo ra mối đe dọa lớn hơn đối với Hoa Kỳ. Điều đó nói lên rằng, sự phụ thuộc của Trung Quốc vào nguồn cung cấp vũ khí của Nga rõ ràng đang giảm dần khi ngành công nghiệp quốc phòng của nước này đang dần dần có thể tự sản xuất. Hầu hết vũ khí mà Trung Quốc mua từ Nga trước đây giờ đây đã có thể được sản xuất trong nước, ngoại trừ động cơ máy bay. Mặt khác, việc ban hành các biện pháp trừng phạt toàn diện của phương Tây đối với Nga sau khi xảy ra cuộc chiến tại Ukraine đã làm tăng sự phụ thuộc của Nga vào các linh kiện của Trung Quốc như thiết bị điện tử và máy móc, công cụ khác. Trung Quốc đã rất cẩn thận để tránh cung cấp bất kỳ thiết bị nào cho Nga có thể vi phạm lệnh trừng phạt của phương Tây, mặc dù Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với một số công ty Trung Quốc cung cấp viện trợ quân sự và các quan chức Hoa Kỳ cảnh báo rằng giới lãnh đạo Trung Quốc đã không có hành động quyết liệt, để ngỏ khả năng tiếp tục có sự hỗ trợ như vậy trong tương lai.
Mặc dù sự mở rộng nhanh chóng của hợp tác kỹ thuật quân sự Nga – Trung và các cuộc tập trận chung đã được chứng minh rõ ràng trong giai đoạn 2014-2019, nhưng điều đó không được thể hiện rõ ràng trong ba năm qua. Tuy nhiên, hai bên vẫn tiếp tục duy trì tần suất tham vấn an ninh liên tục và ban hành các tuyên bố tái khẳng định mối quan hệ quân sự chặt chẽ trong giai đoạn 2020-2022. Điều đó cho thấy rằng, sự trì hoãn này có thể là kết quả của những hoàn cảnh bên ngoài hơn là sự thay đổi trong thiện chí từ phía hai nước đối với việc tiếp tục theo đuổi sự phát triển của mối quan hệ quân sự đang ngày càng chặt chẽ hơn. Nếu đúng như vậy thì chính những hoàn cảnh này – bao gồm các biện pháp trừng phạt của phương Tây và những hạn chế về nguồn lực mà quân đội Nga phải đối mặt do cuộc chiến xảy ra tại Ukraine – sẽ quyết định liệu có một nỗ lực mới để mở rộng hơn nữa mối quan hệ quân sự trong thời gian tới hay không.
Trong việc xác định xu hướng của mối quan hệ này trong vòng 3 đến 5 năm tới, các nhà phân tích nên tập trung vào: mức độ mà Trung Quốc đang cung cấp cho Nga các công nghệ quân sự và công nghệ kép sử dụng trong quân sự; cũng như mức độ hỗ trợ thực sự mà Nga đang cung cấp cho Trung Quốc thông qua các dự án chung như hệ thống cảnh báo sớm và máy bay trực thăng hạng nặng tiên tiến. Trong việc tập trận và tác chiến chung, các nhà quan sát nên xem xét liệu Trung Quốc và Nga có đang tiến hành các cuộc tập trận quân sự mang tính khiêu khích đối với các quốc gia bên thứ ba hay không, chẳng hạn như ở Greenland, Iceland, Vương quốc Anh (GIUK) hoặc gần lãnh thổ Hoa Kỳ trong khu vực Thái Bình Dương, hoặc nếu một bên đảm nhận các nhiệm vụ có tầm quan trọng thiết yếu đối với bên kia, chẳng hạn như các hoạt động hải quân chung ở các khu vực tranh chấp ở Biển Đông, gần Đài Loan, ở Địa Trung Hải hoặc Biển Baltic. Ngoài ra, bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy một trong hai bên sẵn sàng cấp cho bên kia quyền tiếp cận lâu dài các cơ sở quân sự của mình sẽ là dấu hiệu cho thấy một bước tiến đáng kể trong hợp tác quân sự và tin tưởng lẫn nhau. Những hành động này sẽ chỉ ra rằng hai nước có khả năng đang trên con đường hợp tác quân sự ở mức độ sâu sắc hơn, điều có thể tạo ra các mối đe dọa nghiêm trọng đối với các đồng minh và đối tác của Hoa Kỳ, đồng thời làm gia tăng đáng kể thách thức mà các nhà hoạch định quân sự của Hoa Kỳ phải đối mặt. Bằng chứng cho thấy Nga và Trung Quốc đang tham gia vào loại hình hợp tác này sẽ có ý nghĩa hơn những tuyên bố mang tính nghi thức về tình hữu nghị không giới hạn được đưa ra tại các cuộc gặp thượng đỉnh.
Biên dịch: Nguyên Nguyễn
Các tác giả:
Dmitry Gorenburg là nhà nghiên cứu cao cấp trong bộ phận Nghiên cứu Chiến lược của CNA, một tổ chức nghiên cứu và phân tích phi lợi nhuận, nơi ông đã làm việc từ năm 2000. Ông là biên tập viên của tạp chí Các vấn đề của Chủ nghĩa Hậu Cộng sản, Chính trị và Pháp luật nước Nga, đồng thời là cộng tác viên tại Trung tâm Nghiên cứu Nga và Á-Âu của Đại học Harvard.
Elizabeth Wishnick là chuyên gia về quan hệ Trung-Nga, chính sách đối ngoại của Trung Quốc và chiến lược Bắc Cực trong Chương trình Nghiên cứu Trung Quốc tại CNA. Bà cũng là nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Weatherhead East Asian của Columbia và là giáo sư tại Đại học Bang Montclair. Bà là tác giả của cuốn “China’s Risk: Oil, Water, Food and Regional Security” (sắp xuất bản) và “Mending Fences: Moscow’s China Policy from Brezhnev to Yeltsin”.
Paul Schwartz là một nhà nghiên cứu trong Chương trình Nghiên cứu về Nga của CNA, ông tiến hành nghiên cứu và phân tích về quân đội Nga cũng như chính sách quốc phòng, an ninh của nước này cho quân đội Hoa Kỳ và cộng đồng tình báo. Ông cũng là cộng tác viên cao cấp không thường trú trong Chương trình Châu Âu, Nga và Á-Âu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế.
Brian Waidelich là một nhà nghiên cứu trong Chương trình An ninh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tại CNA. Nghiên cứu của ông tập trung vào tổ chức Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc và các vấn đề an ninh hàng hải cũng như chủ quyên ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết trùng với quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược.
Mọi phản hồi học thuật cũng như các vấn đề khác quý độc giả có thể trao đổi với Ban Biên tập Nghiên cứu Chiến lược qua địa chỉ mail: [email protected]