Với việc bình thường hóa quan hệ quốc phòng vốn bị đứt gãy từ năm 2018 bên lề Đối thoại Shangri-La tại Singapore, Hàn Quốc và Nhật Bản tiến thêm một bước tới kỷ niệm 60 năm bình thường hóa quan hệ. Thỏa thuận này cho thấy hai nước đang dần vươn lên nắm lấy sự tự chủ trước bối cảnh cam kết của Mỹ lung lay và Trung Quốc ngày càng quyết đoán. Tuy nhiên, mối quan hệ này vẫn đối mặt với nhiều thách thức.
Quan hệ song phương rã đông và tăng nhiệt
Quan hệ hợp tác giữa hai nước không ngừng được cải thiện từ đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol. Dưới thời người tiền nhiệm của ông, Tổng thống Moon Jae-in, quan hệ Nhật – Hàn rơi xuống mức thấp kỷ lục do các vấn đề lịch sử với làn sóng bài trừ Nhật Bản tràn ngập đường phố Hàn Quốc. Tuy nhiên, sau khi Tổng thống Yoon đưa ra giải pháp cho vấn đề lao động cưỡng bức thời chiến giữa hai nước vào đầu năm 2023, quan hệ hai nước bước sang chương mới.
Giải pháp của Tổng thống Yoon đối với mâu thuẫn lịch sử giữa hai nước giúp ông có được chuyến thăm tới Nhật Bản vào tháng 3, khiến ông trở thành tổng thống Hàn Quốc đầu tiên tới Nhật Bản sau 10 năm. Hai tháng sau đó, phía Nhật Bản đáp lễ bằng chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, là chuyến thăm đầu tiên của thủ tướng Nhật Bản tới Hàn Quốc sau 12 năm. Kể từ đó, hai nước đã tổ chức thêm được năm cuộc gặp thượng đỉnh nữa.
Trên bình diện quân sự, hai nước đã tổ chức được một số cuộc tập trận quy mô lớn trên biển và trên không, nối lại thỏa thuận chia sẻ thông tin an ninh quốc phòng GSOMIA và mới đây nhất là thỏa thuận bình thường hóa quan hệ quốc phòng. Thỏa thuận này đồng nghĩa với việc nối lại đối thoại quốc phòng các cấp, khôi phục các trao đổi cấp cao giữa Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản và quân đội Hàn Quốc, đồng thời thiết lập các quy trình liên lạc để quản lý các tương tác trên biển giữa hai lực lượng. Đây là một dấu mốc quan trọng, nếu xét tới việc quan hệ quốc phòng song phương đã đóng băng hơn sáu năm nay, kể từ căng thẳng do vụ việc va chạm giữa hải quân hai nước hồi năm 2018.
Các liên kết kinh tế cũng từng bước quay trở lại. Quyết định đưa Hàn Quốc quay trở lại Danh sách trắng của Nhật Bản có hiệu lực từ ngoài 21/7 năm ngoái, trong đó nới lỏng các biện pháp quản lý xuất khẩu sang Hàn Quốc. Hàn Quốc cũng có động thái tương tự vào tháng 4 năm nay. Hai nước đã nối lại đối thoại tài chính thường niên sau tám năm, quyết định tái lập thỏa thuận hoán đổi tiền tệ trị giá 10 tỷ USD hồi giữa năm ngoái.
Nhật Bản và Hàn Quốc cùng xây dựng sự tự chủ
Mối đe dọa chung từ Bắc Triều Tiên có thể là cơ sở cho hợp tác Nhật – Hàn, khi số lượt phóng tên lửa của Bắc Triều Tiên đạt mức kỷ lục kể từ khi Tổng thống Yoon đắc cử. Tuy nhiên, bối cảnh và nỗ lực của hai bên cho thấy mối quan hệ này có tầm vóc lớn hơn thế.
Điểm chung của Nhật Bản và Hàn Quốc là phụ thuộc vào Mỹ về an ninh và phụ thuộc vào Trung Quốc về kinh tế. Camp Humphreys của Mỹ tại Hàn Quốc là căn cứ quân sự đặt tại nước ngoài lớn nhất của Mỹ, đối trọng với Bắc Triều Tiên và Trung Quốc. Trong khi đó, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản và Hàn Quốc. Tuy nhiên, trong bối cảnh cam kết của Mỹ đối với đồng minh lung lay và Trung Quốc ngày càng quyết đoán, hai nước hướng tới sự tự chủ cùng tạo lập môi trường an toàn, ổn định và thuận lợi để phát triển kinh tế.
“Nhật Bản nên tự bảo vệ mình trước mối đe dọa từ Bắc Triều Tiên. Chúng ta (nước Mỹ) rõ ràng sẽ có lợi hơn nếu Hàn Quốc tự bảo vệ mình… Họ phải tự bảo vệ mình hoặc phải trả tiền cho chúng ta”, ông Trump nói hồi tháng 3 năm 2016. Cũng trong nhiệm kỳ của ông, Nhật Bản và Hàn Quốc là hai trong số các đồng minh của Mỹ hứng chịu quyết định tăng thuế đối với thép và nhôm, cùng với sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ. Tuy quan hệ của mỗi nước với Mỹ được hàn gắn trở lại trong nhiệm kỳ Tổng thống Joe Biden và các cam kết của ông, nhưng lòng tin đối với nước Mỹ đã rạn nứt, đặc biệt là khi khả năng Trump quay lại Nhà Trắng ngày càng cao. Mặt khác, dù là Biden hay Trump, Nhật Bản và Hàn Quốc đều lo ngại về xu hướng bảo hộ của Mỹ, đặc biệt khi Biden gần đây ngăn cản thương vụ Nippon Steel mua lại US Steel.
Trung Quốc không chỉ là thị trường lớn nhất của Nhật Bản và Hàn Quốc, mà còn chiếm tỷ trọng lớn trong xuất khẩu những mặt hàng quan trọng sang hai nước này. Cuộc khủng hoảng nguồn cung ure năm 2021 bộc lộ thực tế rằng Hàn Quốc có mức độ phụ thuộc cao vào Trung Quốc đối với các nguyên liệu thô, trong đó một số nguyên liệu sản xuất pin nhập khẩu từ Trung Quốc tới 98% và 68% đối với một số chất khí sản xuất chip. Nhật Bản đã có nhiều nỗ lực nhằm giảm thiểu nhập khẩu đất hiếm từ Trung Quốc, nhưng vẫn phụ thuộc tới gần 60%.
Sự phụ thuộc này tạo ra một số thách thức đối với Nhật Bản và Hàn Quốc. Tuy Trung Quốc mới chỉ có một số động thái được coi là “cưỡng ép kinh tế” đối với hai nước, chẳng hạn như bài trừ một số hoạt động kinh doanh của tập đoàn Lotte (Hàn Quốc) hồi năm 2016, hay cấm nhập khẩu hải sản từ Nhật Bản năm 2023, nhưng vẫn có một số lo ngại khác. Thứ nhất, Trung Quốc có thể tranh thủ lợi thế về xuất khẩu một số nguyên liệu dùng trong sản xuất chip làm đòn bẩy chính trị, làm trầm trọng thêm chủ nghĩa bảo hộ toàn cầu. Tháng 8 năm ngoái, nước này hạn chế xuất khẩu hai nguyên liệu quan trọng trong sản xuất chip là gallium và germanium (Trung Quốc chiếm 90% sản lượng toàn cầu). Thứ hai, khi Trung Quốc ngày càng cho thấy sự quyết đoán tại Biển Đông và Biển Hoa Đông, cũng như mối liên kết với Bắc Triều Tiên, thì Nhật Bản và Hàn Quốc lại càng thận trọng trong việc quản lý sự phụ thuộc vào Trung Quốc đối với những nguyên liệu thiết yếu và nhạy cảm.
Trong bối cảnh đó, là hai nước phụ thuộc chủ yếu vào thương mại, Nhật Bản và Hàn Quốc nỗ lực hợp tác nắm lấy sự tự chủ để cùng tạo lập môi trường an toàn, ổn định và thuận lợi cho phát triển kinh tế. Thị trường nội địa của hai nước đều nhỏ, dân số già hóa và tình hình kinh tế không mấy khả quan sau đại dịch, đồng thời có cơ cấu tỷ trọng xuất khẩu chiếm 22% GDP Nhật Bản và 48% GDP Hàn Quốc. Do đó, họ có động lực để hợp tác củng cố an ninh, thúc đẩy thương mại toàn cầu và định hình chuỗi cung ứng. Thỏa thuận nối lại quan hệ quốc phòng với các cơ chế đối thoại tạo cơ sở để hai nước quản lý các mối đe dọa chung và nguy cơ xung đột ngay cả khi cam kết của Mỹ đối với khu vực lung lay, cùng hướng tới trật tự dựa trên luật lệ. Hai nước có thể cùng tận dụng thế mạnh của mình trong các chuỗi cung ứng, đặc biệt là chip, pin và xe điện, để vận động chống lại các chính sách bảo hộ hoặc đẩy lùi áp lực từ Mỹ trong việc hạn chế xuất khẩu tới Trung Quốc. Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đang đẩy mạnh các liên kết nhằm xây dựng chuỗi cung ứng hydrogen và ammonia và gỡ bỏ rào cản thương mại đối với một số nguyên liệu chiến lược phục vụ ngành sản xuất chất bán dẫn.
Các nỗ lực hợp tác có sự đóng góp lớn từ hai nhà lãnh đạo. Tổng thống Yoon phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh ngày 26/5 tại Seoul cùng với Thủ tướng Kishida: “Do lòng tin vững chắc giữa lãnh đạo hai nước, trao đổi song phương đã mở rộng mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực và ở nhiều cấp độ trong một năm vừa qua.” Thúc đẩy quan hệ với Nhật Bản là một bước nằm trong sáng kiến xoay trục ra toàn cầu (“global pivot”) của Tổng thống Yoon Seok-yeol, trong đó hướng đến việc đưa Hàn Quốc vượt ra khỏi các vấn đề an ninh khu vực bán đảo Triều Tiên và nắm lấy vai trò toàn cầu. Điều này đòi hỏi Hàn Quốc phải củng cố quan hệ với các nước cùng ý chí và cùng chia sẻ các giá trị tự do, khiến cho các chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Yoon luôn nhấn mạnh các giá trị.
Thời điểm Tổng thống Yoon đắc cử và thúc đẩy sáng kiến của mình cũng là lúc Thủ tướng Kishida hướng tới các vấn đề quốc tế để tránh những rắc rối trong nước. Một số bê bối, chẳng hạn như những hệ lụy từ vụ ám sát Thủ tướng Shinzo Abe và quỹ đen, đã làm giảm lòng tin của công chúng đối với Thủ tướng Kishida. Các hoạt động đối ngoại của Thủ tướng Kishida như sang thăm Hàn Quốc và tổ chức hội nghị thượng đỉnh G7 tại Hiroshima được dư luận Nhật Bản đánh giá cao. Mặt khác, là bộ trưởng ngoại giao lâu năm nhất của Nhật Bản, đối ngoại vốn là điểm nhấn cũng như ưu tiên của Thủ tướng Kishida Fumio kể từ đầu nhiệm kỳ (tháng 10 năm 2021).
Vai trò của Mỹ và Trung Quốc
Mỹ đóng vai trò lớn mặc dù không tham gia trực tiếp vào việc tái khởi động quan hệ Nhật Bản – Hàn Quốc. Thành tựu hàn gắn quan hệ chủ yếu được cho là nỗ lực của riêng lãnh đạo hai nước, đặc biệt là Thủ tướng Yoon trong việc đề xuất giải pháp đối với vấn đề lịch sử, thay vì có sự đóng góp trực tiếp của Mỹ. Xét về lịch sử, tuy Mỹ luôn mong muốn hai đồng minh của mình tại Đông Bắc Á xích lại gần nhau, nhưng không phải lúc quan hệ Nhật Bản và Hàn Quốc cũng nồng ấm kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai. Tuy nhiên, không thể phủ nhận vai trò của Mỹ. Thứ nhất, củng cố quan hệ song phương với từng nước. Trong những năm 1960, chính quyền Tổng thống Johnson từng khuyến khích vai trò lớn hơn của Nhật Bản đối với khu vực và khẳng định cam kết an ninh đối với Hàn Quốc, tạo động lực lớn để hai nước tiến tới bình thường hóa quan hệ vào năm 1965. Tương tự như vậy, Tổng thống Joe Biden khuyến khích vai trò lãnh đạo của Nhật Bản đối với khu vực thông qua QUAD và việc ủng hộ sáng kiến Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Nhật Bản, đồng thời khẳng định cam kết đối với an ninh của Hàn Quốc, tạo điều kiện để Hàn Quốc phát triển năng lực quốc phòng. Việc thúc đẩy năng lực tự chủ và vai trò của các nước đồng minh và đối tác trong khu vực cũng là một phần trong Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ. Thứ hai, việc nối lại đàm phán ba bên Mỹ-Nhật-Hàn là điều kiện để Nhật Bản và Hàn Quốc quay trở lại những bước đầu của đối thoại hai bên sau thời gian dài đóng băng quan hệ.
Hợp tác giữa Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đem lại lợi ích cho Trung Quốc. Bắc Kinh nhận thức rõ sức nặng của thị trường Trung Quốc và những liên kết kinh tế chặt chẽ giữa ba nước Đông Á sẽ lôi kéo quan hệ Nhật – Hàn đặt trọng tâm vào khu vực và giảm ảnh hưởng từ Mỹ. Tuy Mỹ muốn hai nước này có những biện pháp hạn chế xuất khẩu chip và các bộ phận sản xuất chip tới Trung Quốc, nhưng hai nước đều không muốn đánh mất thị trường khổng lồ này. Các doanh nghiệp sản xuất pin thậm chí đã vận động Mỹ cho hai năm ngoại lệ sử dụng nguyên liệu graphite từ Trung Quốc trước Đạo luật giảm lạm phát. Do vậy, Trung Quốc không phản ứng quá mạnh mẽ khi Nhật Bản và Hàn Quốc hàn gắn quan hệ từ đầu năm 2023 cho tới nay. Thay vào đó, Trung Quốc tìm cách lôi kéo quan hệ này thông qua hội nghị ba bên Trung-Nhật-Hàn cuối tháng 6 vừa qua.
Gắn kết nhưng chưa vững chắc
Một số nhân tố có thể cản trở đà đi lên của quan hệ hai nước Nhật Bản và Hàn Quốc. Hợp tác an ninh vẫn chủ yếu thông qua Mỹ. Đầu tư của Nhật Bản vào Hàn Quốc mới chỉ dừng ở mức 1,3 tỷ USD, so với mức 4,5 tỷ USD năm 2012.
Vấn đề lịch sử vẫn chưa được giải quyết hoàn toàn và mới chỉ được tạm gác qua một bên. Giải pháp của Tổng thống Yoon đối với vấn đề lao động cưỡng bức sử dụng vốn từ các công ty Hàn Quốc hưởng lợi từ việc hàn gắn quan hệ với Nhật Bản, thay vì chính các công ty Nhật Bản, bồi thường cho các nạn nhân. Thủ tướng Kishida trong chuyến thăm tới Hàn Quốc năm ngoái đã không đưa ra lời xin lỗi đối với những nạn nhân hay thừa nhận trách nhiệm và sự cưỡng ép của Nhật Bản đối với Hàn Quốc trong quá khứ. Do đó, nhiều người Hàn Quốc cho rằng Nhật Bản vẫn chưa làm đủ nhiều để bù đắp cho quá khứ. Trái lại, Nhật Bản vẫn tiếp tục đưa các địa điểm có liên quan tới “tội ác thời chiến” đề xuất UNESCO công nhận di tích, mới nhất là mỏ vàng Sado, vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ dư luận Hàn Quốc.
Bên cạnh đó, hai bên vẫn chưa giải quyết được mâu thuẫn liên quan đến tập đoàn công nghệ NAVER của Hàn Quốc và ứng dụng liên lạc LINE. Nhật Bản nghi vấn lỗ hổng an ninh đối với ứng dụng LINE (là dự án hợp tác giữa hai tập đoàn công nghệ Hàn Quốc NAVER và Nhật Bản Softbank) và yêu cầu tập đoàn NAVER bán lại cổ phần của mình trong thương vụ này.
Đây là các vấn đề mà phe đối lập tại hai nước tranh thủ để phê phán. Đảng đối lập tại Hàn Quốc có xu hướng không ủng hộ quan hệ với Nhật Bản. Họ lên án cuộc điều tra của chính quyền Nhật Bản đối với công ty quản lý của ứng dụng LINE (Tập đoàn LY) là xâm phạm lãnh thổ không gian mạng. Với việc Tổng thống Yoon để mất đa số ghế quốc hội vào tay phe tự do đối lập (Đảng PPP của ông chỉ dành được 109/200 ghế) trong cuộc bầu cử quốc hội tháng 4 vừa qua, một số chuyên gia cho rằng ông Yoon sẽ khó có thể đạt được thêm thành tựu trong ba năm nhiệm kỳ còn lại. Đây có thể sẽ là chướng ngại vật lớn đối với các nỗ lực thúc đẩy quan hệ với Nhật Bản của Tổng thống Yoon. Các bê bối trong nước của Đảng Dân chủ Tự do (LDP) và tín nhiệm thấp đối ông Kishida cũng có thể khiến quyền lực của đảng này lung lay trong cuộc bầu cử tháng 9 tới. Trong khi đó, đảng đối lập đã giành được một số chiến thắng sơ bộ trong đợt bầu cử Hạ viện hồi cuối tháng 4.
Xét về các nhân tố bên ngoài, khả năng Donald Trump tái đắc cử có thể làm lung lay các cam kết an ninh đối với Nhật Bản và Hàn Quốc. Tuy điều này có thể làm suy giảm sự hỗ trợ của Mỹ đối với các nỗ lực hợp tác ba bên, nhưng nếu hai nước tiếp tục duy trì được cam kết hợp tác hướng đến sự tự chủ, các liên kết vẫn có thể có điều kiện phát triển. Bên cạnh nguy cơ gia tăng chủ nghĩa bảo hộ khi ông Trump quay lại, hai nước còn phải đối mặt với một thực tại không thay đổi, đó là Trung Quốc ngày càng mạnh và quyết đoán, do đó, hợp tác để quản lý sự phụ thuộc vào cả Mỹ và Trung Quốc là rất cần thiết.
Khi hai nước kỷ niệm 60 năm bình thường hóa quan hệ vào năm tới, Tổng thống Yoon và Thủ tướng Kishida sẽ có cơ hội ghi điểm bằng việc làm mới lại và phát triển các cam kết, tuy nhiên điều này đòi hỏi hai nhà lãnh đạo phải quản lý được các vấn đề trong nước và duy trì đà hợp tác./.
Tác giả: Nhã Yên
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]