Chiến tranh Nga và Ukraine đã bước sang giai đoạn thứ hai, với tình trạng bạo lực cùng sự tàn phá ngày một gia tăng, trong khi khả năng đàm phán giữa các bên ngày càng mong manh. Nga tuyên bố, đã chinh phục được “thị trấn muối” Soledar sau chuỗi ngày giao tranh gay gắt. Đây là một chiến thắng hiếm hoi của Điện Kremlin sau chuỗi thất bại tại Ukraine. Ngay từ đầu, Moscow đã lựa chọn hai tỉnh giáp biên Donetsk và Luhansk làm mục tiêu. Tháng 09.2022, Nga tuyên bố sáp nhập Donetsk, Luhansk cùng hai tỉnh khác của Ukraine là Zaporizhzhia, và Kherson. Việc giành quyền kiểm soát thị trấn Soledar cho phép các lực lượng Nga cắt đứt các đường tiếp tế cho lực lượng của Ukraine tại Bakhmut, tiến tới phong tỏa và bao vây lực lượng này. Nga coi Bakhmut là bàn đạp để tiến tới kiểm soát hoàn toàn khu vực sản xuất công nghiệp trọng điểm Donbass, bao gồm tỉnh Donetsk.
Cùng với đó, Nga đã mở các mặt trận để bao vây Ukraine từ mọi phía. Trong cuộc tấn công vào khu vực tiếp nhận viện trợ quân sự của NATO tại miền Tây Ukraine, tên lửa của Nga tấn công vào một doanh trại và làm 35 binh sĩ Ukraine thiệt mạng. Điều đáng nói là, vị trí cuộc tấn công gần sát biên giới với Ba Lan, một trong những quốc gia thành viên của NATO. Điều này làm gia tăng nguy cơ liên minh quân sự này trực tiếp tham gia vào cuộc chiến, vốn đã khơi lại những kẻ thù cũ trong Chiến tranh Lạnh và đe dọa làm thay đổi cấu trúc an ninh toàn cầu hiện nay. Trong cuộc chiến Nga – Ukraine, Ba Lan hiện đang đóng vai trò điểm trung chuyển cho các nguồn viện trợ quân sự của phương Tây cho Ukraine. Do đó, các vụ tấn công cũng nhằm hiện thực hóa các tuyên bố của Moscow về việc triệt hạ các chuyến hàng viện trợ quân sự này.
Tuy nhiên, bất chấp thương vong đáng kể của các lực lượng Ukraine trong gần một năm qua, Kiev vẫn tin rằng, họ đang ở vị thế có lợi và sức mạnh quân sự của Ukraine sẽ tăng lên đáng kể nếu họ sở hữu thêm nhiều vũ khí hiện đại hơn. Đến nay, đã có một số bước đột phá đáng kể trong viện trợ của phương Tây giành cho Ukraine. Đức, Pháp, Mỹ đã cung cấp cho Ukraine nhiều loại xe bọc thép chở quân hạng nhẹ có khả năng cơ động cao, có thể chuyển quân đến các vị trí triển khai một cách nhanh chóng. Trong bối cảnh này, chắc chắn là Nga sẽ phản đối mọi thỏa thuận hòa bình mà không cho phép Nga giữ lại toàn bộ các khu vực lãnh thổ của Ukraine mà Nga đã chiếm đóng. Trong khi đó, Ukraine tiếp tục miệt mài kêu gọi các quốc gia phương Tây viện trợ các hệ thống vũ khí hiện đại hơn, chẳng hạn như hệ thống phòng không Patriot.
Chiến tranh Ukraine và khả năng tái quân sự hóa châu Âu
Cùng với việc Kiev nghiêng hẳn sang Tây Âu, Mỹ và liên minh NATO đã được củng cố theo cách chưa từng thấy kể từ Chiến tranh Lạnh. Trong bài phát biểu mang tính lịch sử trước Quốc hội Mỹ vào ngày 21/12/2022 nhân chuyến công du nước ngoài đầu tiên từ sau khi Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt”, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố: “Bất chấp tất cả các kịch bản bất lợi, diệt vong và u ám, Ukraine đã không gục ngã. Ukraine vẫn tồn tại và đang phát triển”. Trong suốt cuộc chiến, Kiev đã phụ thuộc đáng kể vào sự trợ giúp quân sự của phương Tây và Zelensky tiếp tục muốn nhiều hơn nữa. Nhân chuyến thăm của Zelensky, Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố về gói viện trợ quân sự mới cho Ukraine trị giá 1,85 tỷ USD. Trong đó, lần đầu tiên Mỹ viện trợ hệ thống phòng không Patriot.
Giữa tháng 01/2023, trong điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Thủ tướng Anh Rishi Sunak tuyên bố, Anh sẽ cung cấp cho Kiev xe tăng Challenger 2. Động thái này khiến Anh trở thành quốc gia đầu tiên chuyển giao xe tăng do phương Tây sản xuất tới Ukraine, gây áp lực lên Đức và các quốc gia khác cân nhắc cung cấp hỗ trợ quân sự bổ sung cho Kiev trong cuộc xung đột với Nga. Trên Twitter, Tổng thống Zelensky khẳng định, sự giúp đỡ của Anh “sẽ không chỉ thúc đẩy chúng tôi trên chiến trường mà còn gửi tín hiệu thích hợp tới các đối tác khác”. Quyết định gửi xe tăng của Vương quốc Anh mang tính quan trọng, kéo theo hành động của các nước phương Tây khác. Ba Lan dự định gửi 14 xe tăng Leopard được sản xuất ở Đức cho Ukraine. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đồng ý cung cấp một số xe tăng hạng nhẹ AMX-10RC cho Kiev, đánh dấu lần đầu tiên xe tăng do phương Tây thiết kế được cung cấp cho lực lượng vũ trang Ukraine. Điều này thể hiện sự gia tăng đáng kể vai trò của Pháp trong cuộc chiến Ukraine. Ngoài ra, các bộ trưởng ngoại giao của Liên minh châu Âu đã đồng ý bổ sung thêm hai tỷ euro (khoảng 2,11 tỷ USD) vào quỹ cung cấp vũ khí cho Ukraine và thảo luận về gói trừng phạt thứ chín đối với Nga. Điều này sẽ đẩy giá lương thực và dầu mỏ leo thang hơn nữa.
Mặc dù xe tăng không có khả năng thay đổi cục diện cuộc chiến nhưng nó lại kích hoạt quá trình tái quân sự hóa châu Âu trên quy mô rộng lớn, có nguy cơ làm leo thang cạnh tranh quân sự ở Thái Bình Dương và gia tăng căng thẳng về vấn đề Đài Loan. Bên cạnh đó, điều này cũng thể hiện sự thay đổi nhất định trong quan điểm của các thành viên NATO. Ban đầu, các thành viên NATO đã chia rẽ quan điểm liên quan đến cuộc chiến. Các phản ứng của họ cơ bản chỉ giới hạn trong phạm vi các biện pháp trừng phạt chống lại Nga. Tuy nhiên, khi chiến sự ngày càng leo thang, các nước châu Âu đã tăng cường viện trợ hàng tỷ USD vũ khí trang bị quân sự cho Ukraine. Giờ đây, cả châu Âu có thể chứng kiến việc các nước gia tăng ngân sách quốc phòng, kéo họ đi vào quỹ đạo đầy nguy hiểm của chiến tranh, với nguy cơ leo thang và ngày càng hỗn loạn hơn.
Cuộc chiến bóng tối của Putin: Mặt trận mới ở Belarus
Belarus đang tham gia vào việc phát động một mặt trận mới trong cuộc chiến ở Ukraine. Điều này có thể buộc Kiev phải rút một phần lực lượng ra khỏi các khu vực phản công ở phía Đông và phía Nam của đất nước để đối phó. Tổng thống Belarus, Alexander Lukashenko tuyên bố rằng, các binh sĩ của ông sẽ gia nhập lực lượng Nga dọc biên giới Ukraine, đồng thời cáo buộc Kiev và phương Tây lên kế hoạch tấn công Belarus. Thông báo được đưa ra hai ngày sau khi Tổng thống Alexander Lukashenko gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại St Petersburg. Trong khi đó, theo Tổng thống Zelensky, Kiev không có ý định tấn công Belarus. Nga đã sử dụng Belarus làm khu vực dàn quân để phát động cuộc chiến vào ngày 24 tháng 2 năm 2022, di chuyển hàng trăm binh sĩ qua biên giới để tấn công Kiev và bắn tên lửa từ các căn cứ không quân của Belarus vào các mục tiêu của Ukraine. Biên giới của Ukraine được cho là đang bị tấn công bởi các lực lượng Nga đóng tại phía Bắc Belarus và phía Nam Crimea, gần nhiều thành phố của Ukraine bao gồm thủ đô Kiev, Kharkov – thành phố lớn thứ hai, Odesa, và Zaporizhzhya. Việc Belarus tham chiến chắc chắn sẽ mở ra một mặt trận mới trong cuộc chiến Ukraine.
Vị tướng mới của Nga và sự leo thang mới hợp lý
Giới truyền thông phương Tây cho rằng, Nga sẽ triển khai thêm 500.000 binh sĩ, bắt đầu từ giữa tháng 01 năm 2023, nhiều hơn nhiều so với 300.000 binh sĩ mà họ đã huy động vào tháng 9 năm 2022. Cho đến nay, Nga tuyên bố rằng, 150.000 binh sĩ trong số này đã được chuyển đến Ukraine. Ngoài ra, ngày 11 tháng 01 năm 2023, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố bổ nhiệm Tổng Tham mưu trưởng, Tướng Valery Gerasimov làm tổng chỉ huy “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine, thay thế người tiền nhiệm là Tướng Sergei Surovikin chỉ sau 3 tháng. Điều này cho thấy, Nga đang chuẩn bị gia tăng các đòn tiến công. Tuy nhiên, Tư lệnh mới của Nga trong chiến dịch ở Ukraine đã thừa hưởng một chén thuốc độc, với nhiệm vụ cố gắng khôi phục chiến thắng sau một loạt các thất bại liên tiếp. Bộ Quốc phòng Nga mô tả, Tướng Valery Gerasimov đảm nhiệm vai trò mới, có thẩm quyền lớn hơn trong cuộc xung đột của Nga tại Ukraine.
Việc bổ nhiệm Tướng Valery Gerasimov diễn ra sau nhiều tháng thất bại cho thấy khả năng Nga sắp đẩy mạnh nỗ lực nhằm giành chiến thắng. Tướng Gerasimov có nhiều quyền lực hơn và có khả năng huy động, sử dụng nguồn lực lớn hơn bất kỳ chỉ huy cấp dưới nào khác. Điều này có thể dẫn đến sự gia tăng cường độ hoạt động quân sự, nâng cao mức độ phối hợp giữa các lực lượng và giúp Nga tiến hành một cuộc chiến tổng lực, toàn diện trên mọi mặt trận. Gerasimov được cho là một trong những sĩ quan quân đội đã đề xuất chiến lược tấn công ban đầu của Nga. Các cuộc tấn công bằng tên lửa vào tháng 11 năm 2022 nhằm vào Kiev và các thành phố khác của Ukraine cũng như sự cố rò rỉ khí đốt và dầu mỏ có dàn xếp tại các đường ống dẫn dầu khí ở châu Âu đã gây ra thiệt hại sâu sắc cho Ukraine. Tuy nhiên, mùa Đông không diễn ra khắc nghiệt như Putin mong đợi. Ukraine đã sống sót qua giai đoạn đầu của cuộc chiến tốt hơn cả mong đợi của cả những người ủng hộ và những kẻ gièm pha. Nga đã thất bại trong việc thực hiện tham vọng quân sự của mình, và tình thế đã bắt đầu nghiêng sang phía có lợi cho Ukraine trong những tháng gần đây. Do đó, Vladimir Putin cần có một chiến thắng để tránh phải kết thúc sự nghiệp chính trị trong sự xấu hổ. Khi cuộc xung đột kéo dài mà chưa có được hướng kết thúc rõ ràng, giao tranh ác liệt có thể sẽ tái diễn vào đầu mùa Xuân. Trước đây, Tổng thống Putin đã nhiều lần sử dụng chiến thuật leo thang chiến tranh để phá hủy khả năng phục hồi và hy vọng của Ukraine.
Hầu như không có khả năng Nga sẽ rút lui hoàn toàn khỏi cuộc chiến vì Vladimir Putin đã ngày càng tham gia vào cuộc xung đột Ukraine. Mặt khác, có thể thấy, Putin đang đích thân tham gia vào trận chiến và không thể để thua. Ngay cả khi Nga rút khỏi Ukraine, Nga cũng sẽ tránh gặp phải các thiệt hại nghiêm trọng, dẫn đến sự khủng hoảng hoặc thậm chí là sụp đổ như mong đợi của phương Tây. Trong khi đó, Ukraine đang được trang bị tốt để nắm giữ đòn bẩy trong cuộc chiến. Tuy nhiên, Ukraine vẫn chưa ở vị thế có thể giành chiến thắng. Bên cạnh đó, nếu Nga chiến thắng hoặc cuộc chiến sẽ tiếp diễn thêm hàng năm nữa thì Ukraine và cuộc tấn công xuyên Đại Tây Dương làm sao tồn tại? Châu Âu đã trải qua một cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt. Khủng hoảng năng lượng tăng vọt, lạm phát toàn cầu ở mặt trái, và chi tiêu quân sự ngày càng tăng đã đẩy các nước vào tình thế cực kỳ khó khăn. Do đó, cả Nga và Ukraine cùng phương Tây đều sẽ phải trả giá đắt nếu tình trạng bế tắc không chấm dứt. Do đó, số phận của cuộc chiến Ukraine vào mùa Đông này và các cuộc tấn công vào mùa Xuân sẽ đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc quyết định chiều hướng của cuộc xung đột trong năm 2023.
Biên dịch: Phương Thảo
Về tác giả: Saume Saptparna Nath hiện đang làm cộng tác viên nghiên cứu tại Trung tâm Bangladesh và các vấn đề toàn cầu. Saume Saptaparna Nath là điều phối viên “Dự án hồi sinh” – dự án có sự hợp tác giữa Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) và Trung tâm Phát triển Khởi nghiệp, Sáng tạo và Đổi mới, Đại học Dhaka, Bangladesh. Cô cũng từng là thực tập sinh tại Bộ Ngoại giao Bangladesh và đã tốt nghiệp chương trình Thạc sỹ tại Khoa Quan hệ Quốc tế, Đại học Dhaka.