Theo trang kremline.ru, ngày 17/6, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có bài phát biểu dài hơn 70 phút tại phiên toàn thể Diễn đàn kinh tế quốc tế Saint Petersburg lần thứ 25. Sau đây là những nội dung chính:
Thế giới đơn cực đã chấm dứt
Mở đầu bài phát biểu, Tổng thống Putin nhắc lại quan điểm đã nêu tại Diễn đàn Davos hơn một năm trước rằng kỷ nguyên của trật tự thế giới đơn cực đã kết thúc, bất chấp mọi nỗ lực duy trì bằng bất kỳ phương tiện nào. Thay đổi là quá trình tự nhiên của lịch sử, vì sự đa dạng của các nền văn minh và sự phong phú của các nền văn hóa khó có thể kết hợp với các mô hình chính trị, kinh tế và các mô hình khác.
Theo Tổng thống Putin, bản thân ý tưởng về một trung tâm quyền lực giữa một vòng tròn các quốc gia thừa nhận sự tồn tại của trung tâm quyền lực đó, cùng tất cả các quy tắc kinh doanh và quan hệ quốc tế, nhưng khi cần thiết lại ủng hộ lợi ích của quyền lực này đã cho thấy một quan niệm sai lầm. Chính vì vậy, một thế giới dựa trên ý tưởng mang tính giáo điều như vậy chắc chắn không bền vững.
Cũng theo nhà lãnh đạo Nga, sau khi tuyên bố chiến thắng trong Chiến tranh Lạnh, người Mỹ đã tự cho mình là sứ giả của Chúa, những người không có nghĩa vụ mà chỉ có quyền lợi và những lợi ích này là thiêng liêng. Họ dường như không nhận ra rằng trong những thập kỷ qua, các trung tâm quyền lực mới đã được hình thành và ngày càng lớn mạnh. Những trung tâm đó đã phát triển các hệ thống chính trị và thể chế riêng, thực hiện các mô hình tăng trưởng kinh tế riêng, và đương nhiên có quyền bảo vệ những hệ thống và mô hình đó để đảm bảo chủ quyền quốc gia.
Tổng thống Putin cũng đề cập về các quá trình diễn ra một cách khách quan, những thay đổi thực sự mang tính cách mạng và kiến tạo trong nền kinh tế và địa chính trị toàn cầu, cũng như trong lĩnh vực công nghệ và toàn bộ hệ thống quan hệ quốc tế, nơi mà vai trò của các quốc gia và khu vực năng động, có triển vọng đang gia tăng đáng kể và do đó lợi ích của họ khó có thể tiếp tục bị bỏ qua. Ông khẳng định một lần nữa rằng đây là những thay đổi cơ bản, then chốt và không thể cưỡng lại. Do đó, việc đứng ngoài cuộc và chờ đợi mọi thứ trở lại bình thường như trước sẽ là hành động sai lầm. Mọi thứ sẽ không như cũ.
Tuy nhiên, có vẻ như giới tinh hoa cầm quyền ở một số quốc gia phương Tây vẫn đang chìm trong ảo tưởng như vậy. Họ không muốn thừa nhận những điều hiển nhiên mà cố chấp bám lấy cái bóng của quá khứ. Ví dụ, họ tin rằng sự thống trị của phương Tây trong nền kinh tế và chính trị toàn cầu là điều bất biến. Nhà lãnh đạo Nga khẳng định không có gì là vĩnh cửu.
Hơn nữa, phương Tây không chỉ phủ nhận thực tế mà còn đang cố gắng chống lại tiến trình lịch sử. Họ đang bị giam cầm trong ảo tưởng về những quốc gia bên ngoài. Họ coi các nước khác là khu vực ngoại vi hay sân sau của họ, đồng thời coi những người sống ở đó là công dân hạng hai và tự cho mình là công dân đặc biệt.
Chặn đòn trừng phạt phủ đầu
Nhà lãnh đạo Nga cho rằng phương Tây luôn muốn trừng phạt về mặt kinh tế những người đứng ngoài hàng ngũ của họ và không muốn phục tùng họ một cách mù quáng. Hơn nữa, họ áp đặt một cách thô lỗ những quan điểm về văn hóa, tư tưởng và lịch sử của mình đối với các quốc gia bên ngoài đó, đôi khi còn đặt câu hỏi về chủ quyền và sự toàn vẹn của những quốc gia bị cho là đe dọa sự tồn tại của họ. Ông đã nhắc lại số phận của Nam Tư, Syria, Libya và Iraq để chứng minh cho quan điểm của mình.
Cũng theo Tổng thống Putin, với những kẻ nổi loạn khó quy phục, phương Tây sẽ tìm cách cô lập hoặc loại bỏ khỏi cuộc chơi toàn cầu. Mọi thứ đều được tận dụng làm công cụ để thực hiện điều này, kể cả thể thao, Thế vận hội, lệnh cấm văn hóa và các kiệt tác nghệ thuật.
Đây là bản chất của cuộc tấn công hiện tại và các biện pháp trừng phạt điên rồ của phương Tây nhằm vào Nga. Tổng thống Putin nhấn mạnh đó là hành động điên rồ và thiếu suy nghĩ, đồng thời khẳng định số lượng cũng như tốc độ của các lệnh trừng phạt là điều chưa từng có trước đây.
Theo tính toán của phương Tây, chỉ một cú sẩy chân cũng có thể khiến nền kinh tế Nga sụp đổ bởi khi các chuỗi kinh doanh bị phá hủy, các công ty phương Tây sẽ buộc phải rút khỏi thị trường Nga, các tài sản trong nước sẽ bị đóng băng, ngành công nghiệp nước này sẽ bị ảnh hưởng, tình hình tài chính và đời sống của người dân Nga sẽ gặp khó khăn.
Tuy nhiên, mọi thứ đã không diễn ra như tính toán của phương Tây. Tổng thống Putin nhấn mạnh rằng chính quyền và giới doanh nhân Nga đã làm việc một cách tập trung và chuyên nghiệp. Trong khi đó, các công dân Nga đã thể hiện tinh thần đoàn kết và trách nhiệm. Ông nói Nga đang từng bước bình thường hóa tình hình kinh tế; ổn định thị trường tài chính, hệ thống ngân hàng và mạng lưới giao dịch; nỗ lực đảm bảo tính thanh khoản của nền kinh tế và sự lưu thông của vốn để duy trì sự ổn định của các doanh nghiệp và việc làm cho công nhân.
Tổng thống Putin tuyên bố những dự báo u ám về triển vọng kinh tế Nga được đưa ra đầu mùa Xuân là không chính xác, đồng thời khẳng định những dự báo trên nằm trong chiến dịch tuyên truyền về sự sụp đổ của toàn bộ nền kinh tế Nga. Tất cả những điều này đã và vẫn là công cụ của chiến tranh thông tin, là yếu tố tác động đến tâm lý xã hội Nga, trong đó có giới kinh doanh trong nước. Một số chuyên gia Nga đã không chịu được áp lực bên ngoài như vậy đến mức đưa ra các dự báo chứng tỏ họ cũng tin vào sự sụp đổ không thể tránh khỏi của nền kinh tế Nga và sự suy yếu nghiêm trọng của đồng ruble.
Thực tế cuộc sống là minh chứng cho sự sai lầm của những dự đoán như vậy. Tuy nhiên, theo Tổng thống Putin, để tiếp tục đạt được thành công, nước Nga cần phải đánh giá tình hình một cách trung thực, đồng thời đưa ra các kết luận một cách độc lập và tin tưởng vào sức mạnh của bản thân. Ông nói: “Điều này là rất quan trọng. Chúng ta là những người mạnh mẽ và chúng ta có thể đối phó với bất kỳ thử thách nào. Giống như tổ tiên, chúng ta sẽ giải quyết được mọi vấn đề. Lịch sử hàng nghìn năm của đất nước ta chính là minh chứng cho điều này”.
Theo Tổng thống Putin, nước Nga đã ngăn chặn được sự gia tăng lạm phát sau ba tháng áp dụng gói trừng phạt lớn nhất. Sau khi đạt đỉnh 17,8%, lạm phát dừng lại ở mức 16,7% và có xu hướng giảm. Động lực kinh tế và tình hình tài chính công ổn định. Tuy nhiên, 16,7% vẫn là mức cao và Chính phủ Nga phải tiếp tục nỗ lực để đạt được một kết quả khả quan.
Theo thống kê, ngân sách liên bang 5 tháng đầu năm đạt thặng dư 1.500 tỷ ruble và ngân sách cả năm dự kiến đạt thặng dư 3.300 tỷ ruble. Chỉ tính riêng tháng 5 vừa qua, thặng dư ngân sách liên bang đạt gần 500 tỷ ruble, gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Ưu tiên thị trường nội địa
Nhà lãnh đạo Nga khẳng định nhiệm vụ ưu tiên là tạo điều kiện để tăng sản xuất và nguồn cung trên thị trường nội địa, đồng thời phục hồi nhu cầu và các khoản cho vay của ngân hàng đối với nền kinh tế.
Nga đã thực hiện các biện pháp đặc biệt để bổ sung vốn lưu động cho các công ty. Theo đó, các doanh nghiệp thuộc hầu hết các ngành đều được quyền hoãn đóng bảo hiểm cho quý II/2022. Đồng thời, các doanh nghiệp sản xuất có nhiều cơ hội hơn và sẽ tận dụng được thời gian kéo dài trong quý III. Trên thực tế, đây là một khoản vay không tính lãi từ nhà nước.
Trong tương lai, việc trả chậm phí bảo hiểm có thể được tiến hành nhiều đợt trong vòng 12 tháng, bắt đầu từ tháng 6/2023. Kể từ tháng 5 vừa qua, tỷ lệ các khoản thế chấp ưu đãi đã được giảm xuống còn 9%, chương trình ưu đãi vay mua nhà cũng được kéo dài đến hết năm nay. Mục đích của những biện pháp như vậy là để giúp người dân giải quyết các vấn đề về nhà ở, hỗ trợ xây dựng và các ngành liên quan, đồng thời tuyển dụng thêm hàng triệu công nhân ở các ngành này.
Sau khi tăng mạnh vào mùa Xuân, lãi suất trong nền kinh tế Nga giảm dần và Ngân hàng Trung ương đã hạ lãi suất chủ chốt. Nhà lãnh đạo Nga cho rằng tỷ lệ các khoản thế chấp ưu đãi có thể tiếp tục giảm xuống còn 7% và được duy trì đến hết năm nay. Số tiền cho vay tối đa cũng được giữ nguyên: 12 triệu ruble cho người dân Moskva và Saint Petersburg và 6 triệu ruble cho các đối tượng khác ở Nga.
Tổng thống Putin nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm là tăng cường sự sẵn có của các nguồn tài chính dài hạn và tín dụng cho nền kinh tế. Để hỗ trợ hoạt động kinh doanh trong tương lai gần, nên chuyển từ các biện pháp kích thích tài khóa sang cơ chế cho vay của ngân hàng đối với thị trường. Nhà nước sẽ phân bổ 120 tỷ ruble từ Quỹ phúc lợi quốc gia, đồng thời cung cấp khoản vay bổ sung cho các sáng kiến và dự án có nhu cầu với số tiền khoảng 500 tỷ ruble.
Thông điệp với châu Âu
Tổng thống Putin nói rằng cuộc đọ sức kinh tế chống lại Nga ngay từ đầu đã không có cơ hội thành công. Theo ông, vũ khí trừng phạt là con dao hai lưỡi – nó gây thiệt hại cho cả đối thủ lẫn những người thiết kế nó.
Thực tế đáng lo ngại là các biện pháp trừng phạt không chỉ được áp dụng đối với Nga mà còn có thể được áp dụng đối với bất kỳ quốc gia nào có tư tưởng phản đối. Điều này có nghĩa là các biện pháp trừng phạt sớm muộn sẽ ảnh hưởng đến tất cả các nước, bao gồm cả thành viên EU và các công ty châu Âu.
Cho đến nay, tình hình vẫn chưa tồi tệ đến mức này, nhưng các chính trị gia châu Âu đã “gậy ông đập lưng ông” khi giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế của nước họ. Các vấn đề kinh tế-xã hội đã trở nên trầm trọng hơn ở châu Âu và Mỹ. Giá hàng hóa, thực phẩm, điện và nhiên liệu ô tô đang tăng lên, trong khi chất lượng cuộc sống của người dân và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp châu Âu đang giảm dần.
Theo các chuyên gia, chỉ riêng những thiệt hại trực tiếp có thể tính toán được của Liên minh châu Âu (EU) từ cơn sốt trừng phạt trong năm tới có thể vượt quá 400 tỷ USD. Tổng thống Putin gọi đó là cái giá của quyết định đoạn tuyệt với thực tế và hành động trái với lẽ thường.
Chính người dân và các công ty của EU sẽ phải trực tiếp gánh chịu những thiệt hại này. Tỷ lệ lạm phát ở một số nước thuộc khu vực đồng euro đã vượt quá 20%. Tỷ lệ lạm phát ở Mỹ cũng đã lên tới mức không thể chấp nhận được, cao nhất trong 40 năm qua.
Tỷ lệ lạm phát ở Nga vẫn ở mức hai con số. Tuy nhiên, Chính phủ Nga đã tiến hành một số biện pháp nhằm bảo vệ những công dân có thu nhập thấp nhất như lập chỉ mục các khoản thanh toán xã hội và lương hưu và tăng mức lương tối thiểu. Và việc để lãi suất cao đã mang lại cho người dân cơ hội hưởng lợi từ các khoản tiết kiệm trong hệ thống ngân hàng Nga.
Đây là điểm khác biệt lớn so với các nước thuộc EU, nơi mà tình trạng lạm phát gia tăng trực tiếp khiến cho thu nhập thực tế của người dân giảm và cuộc khủng hoảng hiện nay chủ yếu là gánh nặng đối với những công dân có thu nhập thấp.
Việc các công ty châu Âu phải chịu chi phí ngày càng tăng và mất đi thị trường Nga cũng gây ra những hậu quả nghiêm trọng trong dài hạn – khả năng cạnh tranh giảm trên phạm vi toàn cầu và kinh tế châu Âu tăng trưởng chậm một cách có hệ thống trong nhiều năm tới.
Tất cả những điều này khiến cho các vấn đề trong xã hội phương Tây vốn đã trầm trọng nay càng trầm trọng hơn. Hậu quả trực tiếp từ những hành động của các chính trị gia châu Âu và các sự kiện trong năm sẽ là việc tình trạng bất bình đẳng ở những nước này ngày càng tăng và xã hội của họ ngày càng bị chia rẽ. Tuy nhiên, vấn đề không chỉ nằm ở mức độ phúc lợi, mà còn nằm ở định hướng giá trị của các nhóm khác nhau trong xã hội.
Việc xa rời thực tế cùng với những đòi hỏi của xã hội chắc chắn sẽ dẫn đến sự phát triển của chủ nghĩa dân túy và các phong trào cực đoan, cấp tiến, dẫn đến những thay đổi nghiêm trọng về kinh tế-xã hội, tình trạng suy thoái và sự thay đổi của giới tinh hoa trong tương lai gần.
Tất cả những điều này phơi bày thực tế rằng EU cuối cùng đã mất đi chủ quyền chính trị của mình và giới tinh hoa quan liêu buộc phải nghe theo người khác – chấp nhận mọi chỉ đạo từ trên tới mức gây tổn hại cho người dân và công việc kinh doanh của họ.
Chiến dịch Donbass và lạm phát toàn cầu
Tổng thống Putin cho rằng tình hình kinh tế toàn cầu ngày càng xấu đi không phải là chuyện của những tháng gần đây. Những gì đang diễn ra không phải là kết quả của những tháng gần đây. Hơn nữa, đó càng không phải là kết quả của một chiến dịch quân sự đặc biệt do Nga thực hiện ở Donbass.
Tình trạng lạm phát tăng mạnh trên thị trường hàng hóa và nguyên vật liệu đã diễn ra từ rất lâu, trước các sự kiện trong năm nay. Thế giới liên tục bị đẩy vào tình trạng như vậy trong nhiều năm bởi các chính sách kinh tế vĩ mô thiếu trách nhiệm của các nước G7, dẫn tới tình trạng phát thải không kiểm soát và sự tích tụ các khoản nợ không có bảo đảm. Tình trạng này thậm chí còn gia tăng khi đại dịch COVID-19 bùng phát trở lại vào năm 2020, thời điểm cả cung và cầu đối với hàng hóa và dịch vụ đều giảm mạnh trên toàn cầu.
Câu hỏi được đặt ra là: Hoạt động quân sự ở Donbass có liên quan gì đến tình trạng này? Tổng thống Putin khẳng định không có bất kỳ mối liên hệ nào và cho rằng các nền kinh tế hàng đầu phương Tây không ngừng in tiền để bù đắp các khoản thâm hụt ngân sách chưa từng có trước đây. Trong hai năm qua, cung tiền ở Mỹ đã tăng hơn 38%. Mức tăng như vậy đã từng có trước đây nhưng đó là mức tăng trong nhiều thập kỷ, chứ không chỉ trong hai năm như hiện nay và con số 38% tương đương với 5.900 tỷ USD. Chỉ một vài quốc gia trên thế giới có tổng sản phẩm quốc nội lớn hơn con số này. Cung tiền của EU cũng tăng mạnh trong giai đoạn này – khoảng 20%, tương đương 2.500 tỷ euro.
Tổng thống Putin nói thêm: “Gần đây, tôi nghe các nước phương Tây nhắc nhiều đến cụm từ ‘lạm phát của Putin’. Lần đầu nghe được thấy cụm từ này, tôi nghĩ: Ai có thể nghĩ ra một cụm từ ngớ ngẩn như vậy – đó chỉ có thể là một người không biết đọc, biết viết. Những người biết đọc sẽ hiểu điều gì thực sự đang diễn ra”.
Theo ông, sự gia tăng hiện nay của giá cả, lạm phát cũng như các vấn đề về lương thực và nhiên liệu trong lĩnh vực năng lượng là kết quả của những sai lầm có hệ thống trong chính sách kinh tế của chính quyền Mỹ và bộ máy hành chính châu Âu.
Chiến dịch quân sự đặc biệt nổ ra ở Donbass cho phép phương Tây đổ lỗi cho Nga về những tính toán sai lầm của họ. Tuy nhiên, tất cả những ai có trình độ học vấn dù ở cấp tiểu học cũng có thể hiểu được lý do thực sự của tình trạng hiện nay.
Các nước phương Tây đã in tiền với số lượng lớn và dùng toàn bộ số tiền này vào việc mua hàng hóa và dịch vụ bên ngoài các nước phương Tây. Tất nhiên, không ai nghĩ hay muốn nghĩ đến lợi ích của các quốc gia khác.
Nếu như kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Mỹ cuối năm 2019 đạt khoảng 250 tỷ USD/tháng, thì con số này đến nay đã tăng lên đến 350 tỷ USD/tháng. Đáng chú ý là mức tăng trưởng lên tới 40% như vậy đồng nghĩa với sự gia tăng tỷ lệ cung ứng tiền bằng đồng USD không được đảm bảo trong những năm gần đây. Tiền được in, phân phối và sử dụng để vơ vét tất cả các loại hàng hóa từ thị trường của các nước thứ ba.
Mỹ từ lâu đã là nhà cung cấp thực phẩm lớn trên thị trường thế giới, đồng thời là nước có nền nông nghiệp và truyền thống canh tác đáng tự hào. Tuy nhiên, vai trò này của Mỹ hiện đã thay đổi một cách đáng kể. Từ một nhà xuất khẩu thực phẩm ròng, Mỹ đã trở thành một nhà nhập khẩu ròng. Họ in tiền và sử dụng tiền này để thu hút dòng chảy hàng hóa từ khắp nơi trên thế giới.
Tỷ lệ tăng nhập khẩu hàng hóa ở EU thậm chí còn cao hơn. Rõ ràng, sự tăng mạnh của nhu cầu khi không có được sự hỗ trợ từ nguồn cung sản phẩm đã tạo ra làn sóng thiếu hụt hàng hóa và lạm phát trên phạm vi toàn cầu. Nói cách khác, đó là nguyên nhân của tình trạng lạm phát toàn cầu hiện nay. Trong những năm qua, hầu hết mọi loại hàng hóa trên thế giới đều tăng giá: từ nguyên vật liệu đến hàng tiêu dùng và thực phẩm.
Theo Liên hợp quốc, chỉ số chi phí lương thực toàn cầu hồi tháng 2/2022 cao hơn 50% so với chỉ số vào tháng 5/2020 và chỉ số hàng hóa tổng hợp tăng gấp đôi so với cùng kỳ.
Trong cơn bão lạm phát, nền kinh tế của các thực thể tưởng tượng chắc chắn bị thay thế bằng nền kinh tế của các giá trị và tài sản thực. Theo Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), hiện có khoảng 7.100 tỷ USD và 2.500 tỷ euro dự trữ ngoại hối toàn cầu, và số tiền này đang mất giá với tốc độ khoảng 8%/năm. Ngoài ra, số tiền này cũng có thể bị tịch thu hoặc đánh cắp nếu Mỹ không thích một điểm nào đó trong chính sách của một số quốc gia. Theo Tổng thống Putin, điều này đã trở thành hiện thực đối với rất nhiều quốc gia dự trữ vàng và ngoại hối bằng các loại tiền tệ này.
Theo các chuyên gia, trong những năm tới, quá trình chuyển đổi dự trữ toàn cầu sẽ được khởi động, biến đồng tiền mất giá thành tài nguyên thực sự như thực phẩm, năng lượng và các nguyên liệu thô khác. Rõ ràng, quá trình này sẽ tiếp tục thúc đẩy lạm phát đồng USD trên toàn cầu.
Chính sách năng lượng của châu Âu thất bại là do sự đặt cược một cách mù quáng vào các nguồn năng lượng tái tạo và nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên tại chỗ, dẫn đến chi phí năng lượng tăng mạnh. Có thể nhận thấy điều này từ quý III/2021. Điều này cũng đã xảy ra từ rất lâu, trước khi Nga bắt đầu các hoạt động ở Donbass. Chính phương Tây đã làm cho giá cả tăng vọt.
Những tính toán sai lầm của phương Tây không chỉ ảnh hưởng đến giá cả của nhiều loại hàng hóa và dịch vụ, mà còn khiến sản lượng phân bón, chủ yếu là nitơ, được sản xuất từ khí tự nhiên sụt giảm. Nhìn chung, chỉ trong một khoảng thời gian ngắn từ giữa năm 2021 đến tháng 2/2022, giá phân bón toàn cầu đã tăng hơn 70%.
Tuy nhiên, không điều gì có thể làm thay đổi xu hướng giá như vậy. Trong khi đó, hoạt động của các doanh nghiệp và công tác hậu cần liên quan đến việc cung cấp phân bón từ Nga và Belarus đang bị cản trở, khiến tình hình càng bế tắc.
Việc thiếu phân bón đồng nghĩa với việc sản lượng lương thực giảm và rủi ro trong việc cung cấp thực phẩm cho thị trường thế giới tăng, đẩy giá cả lên cao. Điều này khiến các nước nghèo phải đối mặt với nguy cơ nạn đói, mà tất cả đều do chính quyền Mỹ và bộ máy hành chính châu Âu quyết định.
Vấn đề này không xuất hiện hôm nay, cũng không xuất hiện trong ba hoặc bốn tháng qua, và hoàn toàn không phải lỗi của Nga, như lập luận của một số nhà giáo điều nhằm đổ trách nhiệm cho Nga về mọi thứ xảy ra trong nền kinh tế thế giới.
Tình hình đã chín muồi trong những năm qua, được thúc đẩy bởi hành động thiển cận của những người quen giải quyết vấn đề của họ theo hướng gây tổn hại cho người khác, những người đã và vẫn dựa vào cơ chế đầu tư phát thải đẩy giá lên cao, kéo dòng chảy thương mại và do đó làm trầm trọng thêm tình trạng thâm hụt và gây ra các thảm họa nhân đạo ở một số khu vực trên thế giới. Về cơ bản, đây là phiên bản mới tinh vi và phức tạp hơn của chính sách thực dân săn mồi.
Khủng hoảng lương thực
Hiện nay, nhiệm vụ quan trọng nhất của cộng đồng quốc tế là tăng cường cung cấp thực phẩm cho thị trường toàn cầu, bao gồm cả việc đáp ứng nhu cầu của các quốc gia đặc biệt cần lương thực.
Nga đảm bảo an ninh lương thực nội địa và thị trường nội địa của mình, đồng thời có thể tăng đáng kể xuất khẩu lương thực và phân bón. Ví dụ, khối lượng ngũ cốc được giao trong mùa tới có thể tăng lên 50 triệu tấn. Nga sẽ chuyển hàng đến những quốc gia có nhu cầu lớn nhất về lương thực và những quốc gia mà ở đó số người đói có nguy cơ gia tăng. Trước hết, đó là các nước ở châu Phi và khu vực Trung Đông.
Tuy nhiên, Nga cũng gặp những khó khăn nhất định trong việc xuất khẩu ngũ cốc, thực phẩm và phân bón. Mỹ, và sau đó là các nước châu Âu, đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với phân bón của Nga. Kế đến, Mỹ đã hủy bỏ các lệnh trừng phạt sau khi nhận thức rõ tình hình. Nhưng các nước châu Âu thì không. Bộ máy hành chính của họ hoạt động giống như một chiếc cối xay trong một nhà máy của thế kỷ 18. Vì vậy, ai cũng hiểu rằng họ đã làm một việc ngu ngốc, nhưng không ai có thể thuyết phục họ thay đổi vì những lý do mang tính quan liêu.
Tổng thống Putin nhấn mạnh rằng Nga sẵn sàng đóng góp vào việc cân bằng thị trường thế giới đối với các sản phẩm nông nghiệp và hoan nghênh các cuộc đối thoại cởi mở về vấn đề này với các đồng nghiệp từ Liên hợp quốc, những người hiểu rõ tầm quan trọng của vấn đề lương thực toàn cầu. Các cuộc đối thoại như vậy có thể tập trung vào việc tạo điều kiện thuận lợi về hậu cần, tài chính và vận tải để đẩy mạnh xuất khẩu thực phẩm và phân bón của Nga.
Tổng thống Putin nói: “Chúng tôi không can thiệp vào việc cung cấp thực phẩm của Ukraine cho các thị trường thế giới. Chúng tôi không đặt mìn tại các cảng ở Biển Đen của Ukraine. Hãy để họ tự lấy chúng ra. Chúng tôi sẽ đảm bảo an toàn cho hoa tiêu của các tàu dân sự. Không có vấn đề gì cả”.
Nhà lãnh đạo Nga trích dẫn ước tính của các cơ quan độc lập rằng 6 triệu tấn lúa mì và khoảng 7 triệu tấn ngô đang bị tắc ở các cảng của Ukraine. Tuy nhiên, nếu so sánh với 800 triệu tấn lúa mì được sản xuất trên thế giới, thì số ngũ cốc bị ách tại các cảng của Ukraine là không đáng kể.
Bên cạnh đó, ngoài các cảng ở Biển Đen, vẫn có cơ hội xuất khẩu qua Belarus, Ba Lan và Romania với số lượng không hạn chế. Vì thế, nên để những người ở Kiev quyết định phải làm gì. Và trong trường hợp này, ít nhất họ không cần phải tham vấn các chuyên gia nước ngoài. Điều nguy hiểm là số ngũ cốc này có thể được dùng để mua các loại vũ khí được cung cấp cho Ukraine.
Quyết định về chủ quyền
Tổng thống Putin cho rằng thế giới đang trải qua những thay đổi quan trọng. Các định chế quốc tế bị phá vỡ. Các đảm bảo an ninh không còn giá trị. Về cơ bản, phương Tây đã từ chối thực hiện các nghĩa vụ đã cam kết. Đơn giản là không thể đạt được bất kỳ thỏa thuận mới nào với họ.
Trong tình hình hiện nay, khi nguy cơ và mối đe dọa ngày càng lớn, Nga buộc phải tiến hành một chiến dịch quân sự đặc biệt. Đó là quyết định khó khăn, nhưng bắt buộc và cần thiết.
Theo Tổng thống Putin, đây là quyết định của một quốc gia có chủ quyền, dựa trên Hiến chương Liên hợp quốc, để bảo vệ an ninh của chính mình, bảo vệ công dân của mình cũng như công dân các nước cộng hòa nhân dân ở khu vực Donbass – những người mà trong 8 năm qua đã phải chịu chế độ diệt chủng của Kiev và những người theo chủ nghĩa phát xít mới, những người đã nhận được sự bảo vệ hoàn toàn của phương Tây.
Phương Tây không chỉ tìm cách thực hiện kịch bản chống Nga mà còn dẫn đầu các hoạt động quân sự trên lãnh thổ Ukraine thông qua việc cung cấp vũ khí và cố vấn quân sự cho nước này. Họ vẫn tiếp tục làm vậy. Chẳng ai để ý đến sự phát triển của nền kinh tế hay sự sung túc của người dân sống ở đó. Thay vào đó, họ tìm mọi cách mở rộng NATO về phía Đông, nuôi dưỡng lòng căm thù và tư tưởng bài xích đối với Nga.
Theo Tổng thống Putin, binh lính và sĩ quan Nga, cũng như dân quân Donbass đang chiến đấu để bảo vệ người dân của mình. Họ đang nỗ lực bảo vệ quyền phát triển tự do, đảm bảo quyền tự quyết của Nga với tư cách là một quốc gia đa dân tộc rộng lớn, tự xác định tương lai của mình dựa vào lịch sử, văn hóa và truyền thống của chính mình, đồng thời bác bỏ mọi nỗ lực áp đặt các giá trị nhân bản và đạo đức giả tạo, suy thoái từ bên ngoài.
Tổng thống Putin khẳng định tất cả các nhiệm vụ của hoạt động quân sự đặc biệt chắc chắn sẽ được giải quyết. Và chìa khóa của điều này là lòng dũng cảm và chủ nghĩa anh hùng của những người lính Nga, sự vững chắc của xã hội Nga, sự ủng hộ của người dân mà sẽ mang lại sức mạnh và niềm tin cho lục quân và hải quân Nga, sự hiểu biết sâu sắc về tính đúng đắn và công lý của sự nghiệp mang tính lịch sử của Nga – sự nghiệp xây dựng và củng cố chủ quyền mạnh mẽ của Nga.
Chủ quyền trong thế kỷ 21 không thể bị chia cắt thành nhiều phần. Tất cả các yếu tố của chủ quyền đều quan trọng như nhau, củng cố và bổ sung cho nhau. Vì vậy, Tổng thống Putin khẳng định điều quan trọng đối với Nga không chỉ là bảo vệ chủ quyền chính trị và bản sắc dân tộc mà còn phải là củng cố mọi yếu tố quyết định sự độc lập về kinh tế, tài chính, nhân sự, cũng như sự độc lập và tự chủ về công nghệ của đất nước.
Phương Tây đã sai lầm khi xây dựng các biện pháp trừng phạt dựa trên quan điểm rằng Nga không có chủ quyền xét về mặt kinh tế và do đó dễ bị tổn thương. Họ bị cuốn vào những huyền thoại về sự lạc hậu của Nga cũng như về vị thế thấp kém của nước này trong nền kinh tế và thương mại thế giới đến mức dường như chính họ cũng tin vào điều đó.
Khi lập kế hoạch tấn công kinh tế chớp nhoáng, họ đã không để ý mà bỏ qua thực tế rằng nước Nga đã thay đổi trong những năm gần đây. Và những thay đổi này là kết quả của những nỗ lực đã được lên kế hoạch nhằm tạo ra một cấu trúc kinh tế vĩ mô bền vững, đảm bảo an ninh lương thực, thực hiện các chương trình thay thế nhập khẩu và hình thành hệ thống thanh toán của riêng Nga.
Tất nhiên, các biện pháp hạn chế mang tính trừng phạt đã gây khó khăn cho nước Nga. Một số doanh nghiệp tiếp tục gặp sự cố trong quá trình hoạt động. Một số công ty không thể tiếp cận các giải pháp công nghệ và gặp khó khăn trong hoạt động do công tác hậu cần bị gián đoạn. Nhưng mặt khác, tất cả những điều này lại mở ra những cơ hội mới cho nước Nga. Tất cả những điều này là động lực thúc đẩy Nga xây dựng một nền kinh tế trên cơ sở phát huy đầy đủ mọi tiềm năng công nghệ, công nghiệp, con người, khoa học và chủ quyền.
Tất nhiên, một vấn đề phức tạp như vậy không thể được giải quyết trong một thời điểm. Tổng thống Putin nhấn mạnh rằng Nga cần tiếp tục công việc có hệ thống đã được lên kế hoạch cho tương lai. Đây chính là cách thức hành động của Nga trong việc thực hiện các kế hoạch dài hạn nhằm phát triển các ngành kinh tế và củng cố xã hội. Các thử nghiệm hiện tại chỉ nhằm mục đích điều chỉnh và cải tiến các kế hoạch trên chứ không thay đổi trọng tâm chiến lược của chúng.
Sáu nguyên tắc phát triển dài hạn
Nguyên tắc đầu tiên là cởi mở. Các quốc gia có chủ quyền luôn cam kết duy trì quan hệ đối tác bình đẳng và đóng góp vào sự phát triển toàn cầu. Trong khi đó, những kẻ nhu nhược và lệ thuộc chỉ mải miết tìm kiếm kẻ thù, gieo rắc tư tưởng bài ngoại, mù quáng và đánh mất tính độc đáo, độc lập của mình.
Tổng thống Putin khẳng định Nga sẽ không bao giờ đi theo con đường chuyên quyền hay tự cô lập chính mình. Hơn nữa, ông cho rằng Nga đang và sẽ tiếp tục mở rộng tương tác với tất cả những người quan tâm đến điều này và muốn làm việc với Nga. Những người này chiếm phần lớn trên Trái Đất.
Tất cả những ai muốn tiếp tục hợp tác và làm việc với Nga đều phải chịu áp lực công khai từ Mỹ và châu Âu, thậm chí đôi khi có thể phải đối mặt với những mối đe dọa trực tiếp. Tuy nhiên, hành động tống tiền như vậy hầu như không có ý nghĩa gì đối với các quốc gia được đặt dưới sự lãnh đạo của các nhà lãnh đạo thực sự, những người hiểu rõ vị trí của những người khác và đâu là lợi ích của quốc gia, dân tộc họ.
Tổng thống Putin khẳng định Nga sẽ xây dựng quan hệ hợp tác kinh tế với các quốc gia như vậy và thúc đẩy các dự án chung. Đồng thời, Chính phủ Nga sẽ tăng cường tiếp xúc với các công ty phương Tây vẫn hoạt động thành công trên thị trường nước này.
Nga coi sự phát triển của cơ sở hạ tầng thanh toán thuận tiện và độc lập bằng tiền tệ quốc gia là cơ sở vững chắc, có thể dự đoán được để tăng cường hợp tác quốc tế. Nga đang định hình sự phát triển của các hành lang vận tải, nâng cao năng lực của các tuyến đường sắt, năng lực trung chuyển của các cảng ở Bắc Cực, cũng như ở phía Đông, phía Nam và các hướng khác. Các lưu vực Biển Azov, Biển Đen và Biển Caspi sẽ trở thành phần quan trọng nhất của hành lang Bắc-Nam, cung cấp các kênh liên lạc ổn định với Trung Đông và Nam Á. Nga kỳ vọng lưu lượng hàng hóa dọc tuyến đường này sẽ tăng trưởng ổn định trong thời gian tới.
Tuy nhiên, thương mại quốc tế không phải là điều duy nhất quan trọng. Tổng thống Putin cho biết Nga dự định xây dựng quan hệ hợp tác với các đối tác trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, văn hóa, nhân đạo và thể thao dựa trên nguyên tắc bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau. Đồng thời, Nga sẽ luôn phát huy tinh thần trách nhiệm trong tất cả các lĩnh vực này.
Nguyên tắc thứ hai là thúc đẩy sự phát triển lâu dài dựa trên quyền tự do kinh doanh. Theo đó, mỗi sáng kiến cá nhân hướng tới lợi ích của nước Nga cần được hỗ trợ và tạo không gian tối đa để thực hiện.
Việc dựa vào quyền tự do kinh doanh sẽ giúp Nga giảm bớt gánh nặng hành chính. Để làm được điều này, Nga nên từ bỏ vĩnh viễn việc kiểm tra định kỳ đối với những doanh nghiệp không có nguy cơ gây hại, thận trọng khi tiếp cận các vấn đề liên quan đến các hành vi phạm tội kinh tế, nâng cao tinh thần trách nhiệm liên quan đến nghĩa vụ nộp thuế hải quan, xem xét lại căn cứ giam giữ và thời hạn điều tra đối với doanh nhân.
Nguyên tắc thứ ba là chi tiêu dựa trên sự hiểu biết về số tiền kiếm được.
Nguyên tắc thứ tư là công bằng xã hội và phát triển kinh tế cần hướng đến mục tiêu giảm thiểu tình trạng bất bình đẳng và xóa đói giảm nghèo, coi đây là tiêu chuẩn chính để đánh giá hiệu quả của các cơ quan chính phủ. Do đó, cần hỗ trợ có mục tiêu cho các nhóm công dân dễ bị tổn thương, bao gồm những người hưu trí, các gia đình có trẻ em và những người có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống.
Nguyên tắc thứ năm là phát triển nhanh chóng cơ sở hạ tầng với một kế hoạch sửa chữa đường xá quy mô lớn, xây dựng một chương trình toàn diện để hiện đại hóa nhà ở và dịch vụ xã hội, đồng thời bổ sung vốn cho việc phát triển vùng Viễn Đông và phát triển nông thôn, kể cả thông qua thuế xuất khẩu. Theo đó, Nga dự định phân bổ thêm 10 tỷ ruble hàng năm cho những mục đích này vào năm 2023-2024.
Nguyên tắc thứ sáu là tiến tới đạt được chủ quyền công nghệ thực sự, độc lập về công nghệ quan trọng và đạt trình độ công nghệ mới về chất lượng. Tuy nhiên, cần hiểu rằng việc thay thế nhập khẩu không phải là thuốc chữa bách bệnh. Nếu chỉ sao chép hành động của những nước khác, thì Nga có nguy cơ không ngừng chạy theo các nước. Vì vậy, thay vào đó, Nga phải đi trước một bước, phải tạo cơ chế để đảm bảo nhu cầu đối với các sản phẩm sáng tạo và phải khởi động các khoản thế chấp công nghiệp ở mức 5% dành cho các doanh nghiệp sẵn sàng xây dựng cơ sở sản xuất mới.
Nước Nga sẽ mạnh hơn
Tốc độ và quy mô của những thay đổi trong nền kinh tế toàn cầu, tài chính và quan hệ quốc tế ngày càng tăng. Sự chuyển dịch từ toàn cầu hóa sang mô hình tăng trưởng đa cực ngày càng rõ nét. Không còn nghi ngờ gì nữa, sự hình thành và ra đời của một trật tự thế giới mới là một quá trình khó khăn. Trong quá trình này, Nga sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, rủi ro, cũng như những yếu tố khó đoán định và khó lường.
Và hiển nhiên là các quy tắc để duy trì trật tự thế giới mới sẽ được đặt ra bởi các quốc gia hùng mạnh, có chủ quyền – những quốc gia không đi theo quỹ đạo đã được ai đó vạch ra. Chỉ có những quốc gia hùng mạnh và có chủ quyền mới có thể có tiếng nói của chính mình trong trật tự thế giới đang được tái sinh này. Nếu không trở nên hùng mạnh và không có chủ quyền, họ sẽ bị hủy diệt hoặc sẽ vẫn là một thuộc địa bị tước quyền.
Vì vậy, Nga cần phải nỗ lực tiến lên, thay đổi, cảm nhận được hơi thở của thời đại và thể hiện ý chí, quyết tâm dân tộc. Nga đang bước vào kỷ nguyên mới với tư cách là một quốc gia hùng mạnh và có chủ quyền. Nga cần phải tận dụng những cơ hội lớn mà thời đại mới mở ra để trở nên mạnh mẽ hơn nữa./.