Ngày 22/2/22, Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ tới thăm Nga và mối quan hệ song phương Nga – Trung Quốc đã đạt tới “những ranh giới mới”. Kể từ năm 2019, khi Nga và Trung Quốc chính thức nâng cấp quan hệ lên “Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện thời đại mới”, quan hệ song phương hai nước đã chứng kiến sự phát triển vượt bậc trên toàn diện các lĩnh vực chính trị – ngoại giao, kinh tế và quân sự. Nhiều chuyên gia đánh giá, mối quan hệ giữa hai quốc gia tạo điều kiện để hai nước này đối trọng với Mỹ, nhất là trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Tuy nhiên, bên cạnh vai trò thúc đẩy mối quan hệ giữa Nga – Trung Quốc, Mỹ cũng tạo áp lực và chi phối một phần những giới hạn trong mối quan hệ này.
Cục diện thế giới đang đẩy Nga – Trung xích lại gần nhau
Năm 2022 chứng kiến nhiều bước chuyển đổi lớn trong quan hệ quốc tế, đặc biệt là sự kiện xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine, đã làm thay đổi đáng kể quan hệ giữa các nước lớn và khối liên minh. Cuộc chiến đã đẩy Nga và phương Tây vào thế đối đầu trực tiếp. Mỹ, Châu Âu và các đồng minh đã áp đặt nhiều lệnh trừng phạt và cấm vận đối với Nga, mối quan hệ giữa Nga – Mỹ và Châu Âu trở nên tồi tệ hơn bao giờ hết. Môi trường quan hệ quốc tế và khu vực cũng trở nên căng thẳng và áp lực.
Xung đột quân sự Nga – Ukraine (ảnh minh họa)
Bên cạnh đó, cạnh tranh địa chiến lược giữa các cường quốc, nhất là về kinh tế – chính trị, quân sự được biểu hiện rõ ràng thông qua động thái của các bên, tạo nên một thế giới biến động phức tạp, khó lường. Trong những năm gần đây, Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đang dần trở thành trọng tâm của thế giới về cả an ninh địa chiến lược và kinh tế. Khu vực này dần trở thành trọng tâm trong chính sách đối ngoại của nhiều quốc gia, trong đó có các cường quốc như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, EU, Nga… nhằm cạnh tranh, gia tăng ảnh hưởng tại khu vực này. Mỹ và các đồng minh đã và đang nỗ lực tăng cường hợp tác trong khuôn khổ các liên minh chính trị – quân sự hiện có và cố găng tạo ra những liên minh mới trong khu vực này. Nổi bật là liên minh quân sự ba bên AUKUS giữa Mỹ – Anh – Australia và Bộ tứ kim cương QUAD (Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc). Các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và An ninh tại Đại Học Thanh Hoa (Trung Quốc) nhận định rằng những nỗ lực của Mỹ nhằm thiết lập một hệ thống liên minh chống lại Trung Quốc và buộc Trung Quốc phải cố gắng để đối phó với sự gia tăng áp lực an ninh chiến lược bên ngoài. Thực tế là sự xuất hiện của các cơ chế an ninh dưới sự thúc đẩy của Mỹ đã làm gia tăng áp lực an ninh đối với Trung Quốc, nhất là khi các quốc gia xung quanh như Nhật Bản và Ấn Độ cũng đang ngày càng nâng cao năng lực về cả kinh tế lẫn quân sự. Về phía Nga, sự mở rộng của NATO cũng tạo ra cho Nga những áp lực về an ninh quốc gia.
Đan xen trong bối cảnh hậu Covid-19, những thách thức về môi trường và kinh tế – xã hội đang trở nên nổi bật, và sự tương tác tiếp tục trở nên phức tạp. Thế giới đối mặt với nhiều mối đe dọa trên nhiều lĩnh vực từ kinh tế – chính trị đến an ninh năng lượng, lương thực. Trong đó, chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng, cùng với ảnh hưởng từ xung đột Nga – Ukraine, đã đẩy giá năng lượng và lương thực tăng vọt, làm tăng tỷ lệ lạm phát. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF, lạm phát toàn cầu đã đạt đỉnh 8.8% vào cuối năm 2022[1], tăng đáng kể so với con số 3.5% của năm 2021[2]. Mối lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu đang ngày càng hiện rõ trên phạm vi toàn cầu và cả cấp độ quốc gia.
Sau khi chấm dứt quan hệ hợp tác với EU về lĩnh vực năng lượng, Nga cũng phải tìm cách tăng cường xuất khẩu năng lượng sang các thị trường khác vì Nền kinh tế Nga phụ thuộc nhiều vào khai thác, chế biến và xuất khẩu các loại nguyên liệu khoáng sản như dầu, khí đốt, than đá, quặng sắt… Nga là một trong những nước dẫn đầu thế giới về sản lượng dầu mỏ và khí đốt tự nhiên, ngành khai thác mỏ chiếm 9.8% trong tỷ trọng nền kinh tế Liên Bang Nga[3]. Do đó, Nga rất cần xuất khẩu các sản phẩm này để đảm bảo cho nền kinh tế quốc gia. Trong khi đó, Trung Quốc chính là thị trường tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới và đang phải đối mặt với việc thiếu hụt nguồn cung năng lượng để duy trì phát triển kinh tế.
Như vậy, những áp lực về cô lập chính trị, an ninh quốc gia và phát triển kinh tế đã thúc đẩy mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc. Mối quan hệ giữa Nga, Trung Quốc với Mỹ và Phương Tây ngày càng căng thẳng thì Nga và Trung Quốc càng có động lực gắn kết, ủng hộ lẫn nhau.
Quan hệ Nga – Trung nồng ấm chưa từng có
Năm 2019, Nga và Trung Quốc chính thức nâng cấp quan hệ lên “Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện thời đại mới”. Từ đó đến nay, bất chấp những khó khăn từ đại dịch Covid-19, quan hệ song phương hai nước đã chứng kiến sự phát triển vượt bậc trên toàn diện các lĩnh vực chính trị – ngoại giao, kinh tế và quân sự. Trong bối cảnh Nga phải gánh chịu những áp lực bằng các lệnh trừng phạt và cấm vận từ Mỹ và các đồng minh, mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc càng trở nên thân thiết hơn bao giờ hết. Tổng thống Nga Putin đã nhận định quan hệ đối tác toàn diện và hợp tác chiến lược song phương của hai bên đang ở “cấp độ cao nhất trong lịch sử”.
Về chính trị – ngoại giao
Liên Bang Nga và Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc là hai quốc gia láng giềng với đường biên giới hơn 4300 km, có mối quan hệ tương tác với nhau từ lâu đời. Kể từ sau khi V. Putin quay trở lại cương vị Tổng thống Liên Bang Nga và Tập Cận Bình được bầu làm Chủ tịch nước Trung Quốc năm 2012, mối quan hệ giữa hai nước ngày càng phát triển về cả chiều rộng và chiều sâu.
Về hợp tác đa phương, Nga và Trung Quốc cũng đã tích cực ủng hộ và hỗ trợ lẫn nhau trong các tổ chức và định chế quốc tế và khu vực, chẳng hạn như Hội đồng Bảo An Liên Hợp Quốc, Tổ chức Hợp Tác Thượng Hải (SCO), Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC) và Nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS… Ngay sau khi xung đột quân sự Nga – Ukraine nổ ra, Trung Quốc đã bỏ phiếu trắng về nghị quyết yêu cầu Nga chấm dứt các hoạt động quân sự tại Ukraine. Trung Quốc không lên tiếng ủng hộ hay lên án động thái của Nga, đại diện thường trực của Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc Trương Quân ra tuyên bố khẳng định quan điểm trung lập của Trung Quốc, ủng hộ hai bên sử dụng các biện pháp ngoại giao để ổn định tình hình, đạt được hòa bình. Trung Quốc cũng từ chối gọi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga là “Xâm lược” như Mỹ và các nước phương Tây. Trước đó, Trung Quốc cũng từng bỏ phiếu trắng trong tại Hội đồng Bảo An Liên Hợp Quốc năm 2014 về vấn đề sáp nhập Crimea. Dù không chính thức lên tiếng ủng hộ, việc bỏ phiếu trắng về các vấn đề này có thể hiểu là Trung Quốc không phản đối chiến thuật của Nga. Mới nhất, Trung Quốc cũng tiếp tục bỏ phiếu trắng tại cuộc bỏ phiếu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc về nghị quyết kêu gọi Nga rút quân vô điều kiện khỏi Ukraine ngày 23/02. Cả năm 2014 và hiện nay, Trung Quốc đều phản đối các lệnh trừng phạt đối với Nga và gọi đó là hành động “thiếu trách nhiệm”[4]. Ở chiều ngược lại, Nga cũng nhiều lần khẳng định ủng hộ chính sách “Một Trung Quốc”, khẳng định Đài Loan là một phần không thể tranh cãi của Trung Quốc.
Nga và Trung Quốc chia sẻ chung nhiều quan điểm và cách thức tiếp cận về các vấn đề quốc tế, trong đó có việc nhìn nhận và ủng hộ thế giới đa cực. Cả hai nước đều mong muốn nâng cao vai trò và vị thế của mình và làm giảm vai trò của Mỹ nhằm thay đổi việc phân phối quyền lực trong hệ thống quốc tế hiện tại. Nga và Trung Quốc hợp tác chặt chẽ với nhau trong SCO và BRICS nhằm nỗ lực xây dựng một cấu trúc kinh tế và chính trị thế giới mới dưới dự dẫn dắt của Trung Quốc.
Về hợp tác song phương, hoạt động gặp gỡ, tiếp xúc cấp cao diễn ra thường xuyên và đóng góp một phần quan trọng cho sự phát triển của mối quan hệ song phương giữa hai nước. Theo Bộ Ngoại Giao Nga, trong 10 năm qua, nguyên thủ quốc gia hai nước đã có 40 cuộc gặp mặt[5], bao gồm các chuyến thăm song phương và tiếp xúc bên lề các hội nghị đa phương, nhiều hơn bất cứ cặp nguyên thủ nào trên thế giới. Hai tuần trước khi phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc gặp Tổng thống Nga Putin trong khuôn khổ Khai mạc Thế vận hội Mùa đông 2022, Nga và Trung Quốc đã tuyên bố quan hệ đối tác “không giới hạn”.
Tổng thống Nga V. Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (ảnh: VOV)
Ngày 22/2/2023 vừa qua, nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc, Chủ nhiệm Văn phòng Uỷ ban Công tác Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Nghị đã đến thăm Nga và gặp tổng thống Putin. Tại cuộc gặp, hai bên tiếp tục tái khẳng định tầm quan trọng “vững chãi và chịu được mọi thử thách trước sự thay đổi tình hình quốc tế” của quan hệ Nga – Trung, đồng thời nhấn mạnh hai nước sẵn sàng hợp tác cùng có lợi trên mọi lĩnh vực. Trước đó, Bộ Ngoại Giao Trung Quốc cũng đã cho biết rằng Trung Quốc có thể đóng vai trờ trung gian hòa giải và đề xuất một kế hoạch nhằm giải quyết hòa bình cuộc xung đột ở Ukraine.
Về kinh tế, thương mại
Bất chấp những khó khăn trong thời kỳ hậu Covid và cuộc xung đột quân sự ở Ukraine, thương mại giữa Nga và Trung Quốc vẫn phát triển mạnh mẽ. Kim ngạch ngoại thương giữa hai nước năm 2022 đã ghi nhận mức tăng trưởng đáng kinh ngạc 29.3% lên mức kỷ lục 190 tỷ USD[6], tạo tiền đề rất lớn để hai nước vượt trước kế hoạch đạt kim ngạch thương mại song phương 200 tỷ USD vào năm 2024 theo mục tiêu trước đó. Trong đó, Nga chủ yếu cung cấp cho Trung Quốc các nguồn năng lượng, là dầu mỏ, khí đốt tự nhiên và than đá. Trong nhiều năm nhập khẩu các sản phẩm năng lượng của Trung Quốc từ Nga luôn chiếm hơn 60% tổng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc từ Nga. Có thể thấy, thương mại năng lượng là một phần quan trọng của ngoại thương hai nước. Năm 2022, Trung Quốc đã nhập khẩu 81.3 tỷ USD các sản phẩm dầu, than và khí đốt từ Nga, tăng 56% so với năm 2021[7]. Nga vươn lên thành nhà cung cấp khí đốt tự nhiên lớn thứ 2 của Trung Quốc, với lượng giao hàng tăng 177%, đạt 3,5 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm 2022, tăng 1 bậc so với năm 2021[8]. Ở chiều ngược lại, các mặt hàng chính của Trung Quốc xuất khẩu sang Nga thường là điện thoại, thiết bị công nghiệp, phương tiện đi lại, các sản phẩm dệt may và da giày, đây cũng chính là các mặt hàng thế mạnh của Trung Quốc trong thương mại quốc tế.
Mặc dù không công khai ủng hộ Nga trong cuộc xung đột với Ukraine trong các phát ngôn quốc tế, sự tăng cường hợp tác kinh tế với Nga được các chuyên gia nhận định là sự “ủng hộ ngầm” mà Trung Quốc dành cho Nga. Bởi chiến lược quân sự của Nga đã mở ra một tiền lệ kể từ sau Chiến tranh Lạnh về việc sử dụng vũ lực mà Trung Quốc có thể áp dụng trong tương lai với Đài Loan. Sự “ủng hộ” của Trung Quốc đã góp phần vô hiệu hóa nhưng trừng phạt mà Mỹ và các đồng minh áp đặt lên Nga.
Trung Quốc và Nga là đối tác hoàn hảo trong lĩnh vực mua bán năng lượng. Sau khi triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Nga và Châu Âu dừng hoạt động mua bán dầu khí và các hợp tác năng lượng khác. Nga và Châu Âu vốn có sự phụ thuộc rất lớn vào nhau. Năm 2021, ¾ khí đốt xuất khẩu và 49% dầu thô xuất khẩu của Nga là đến châu Âu[9]. Ở chiều ngược lại, khoảng 40% khí đốt, 42% lượng dầu thô và 50% than đá nhập khẩu của châu Âu là đến từ Nga, tổng cộng nhập khẩu năng lượng từ Nga chiếm ¼ mức tiêu thụ năng lượng của châu Âu, chỉ đứng sau sản lượng mà EU tự sản xuất được. Sự chấm dứt hợp tác Nga – Châu Âu về mua bán năng lượng đã tạo nên cuộc khủng hoảng năng lượng đối với Châu Âu khi giá năng lượng tăng và các quốc gia này phải nỗ lực để tìm các nguồn cung thay thế. Trong khi đó, Nga cũng phải tìm cách tăng cường xuất khẩu năng lượng sang các thị trường khác. Trung Quốc chính là thị trường tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới và để đáp ứng nhu cầu năng lượng phục vụ phát triển kinh tế, Trung Quốc ngày càng gia tăng nhu cầu nhập khẩu than đá, khí đốt, dầu mỏ. Nga và Trung Quốc tìm đến nhau theo quy luật tự nhiên của thị trường: “cung-cầu”.
Hợp tác trong lĩnh vực năng lượng là “hòn đá tảng” trong quan hệ hợp tác kinh tế thương mại giữa hai nước. Ngoài thương mại năng lượng, Liên Bang Nga và Trung Quốc cũng đã đạt được nhiều thỏa thuận và khởi công các dự án hợp tác trong lĩnh vực năng lượng. Các hiệp định đã ký kết mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp Trung Quốc tham gia vào các dự án khai thác than của Nga. Các tập đoàn nhà nước Trung Quốc đã đầu tư hàng tỷ USD vào các dự án năng lượng tại Nga. Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) nắm giữ 20% và Quỹ Con đường Tơ lụa là 9,9% tổng số vốn của dự án khí tự nhiên hóa lỏng Yamal (đây là một trong những dự án đầu tư lớn nhất của Nga trong vòng những năm qua), tổng số vốn đầu tư từ Trung Quốc vào dự án này lên đến 20 tỷ USD. Trung Quốc cũng đã mua cổ phần của nhiều doanh nghiệp năng lượng tại Nga. Hai nước cũng đã cùng hợp tác xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng để thuận lợi cho việc vận chuyển dầu khí, thúc đẩy thương mại năng lượng giữa hai nước phát triển. Trong đó có nhiều công trình lớn có thể kể đến Đường ống dẫn khí “Sức mạnh Siberia” , đường ống “Đông Siberia – Thái Bình Dương” và đường ống “Skovorotino – Mạc Hà…
Về hợp tác tài chính, cả Nga và Trung Quốc đều có chiến lược hạn chế sự phụ thuộc vào đồng USD, Trung Quốc đang cố gắng nhằm biến đồng NDT thành một công cụ tài chính toàn cầu, Nga ngày càng nỗ lực loại bỏ USD trong thanh toán quốc tế của mình sau khi bị các ngân hàng phương tây cấm vận sau khủng hoảng Crimea 2014. Cả Nga và Trung Quốc đều đã đưa ra hệ thống thanh toán quốc gia của riêng mình để giảm bớt sử dụng đồng USD trong thanh toán quốc tế. Hai chính phủ đã tích cực thúc đẩy các ngân hàng giữa hai quốc gia thiết lập quan hệ đại lý, từ đó thúc đẩy thanh toán nội tệ song phương. Đến hết năm 2021, NDT hiện chiếm hơn 17% thanh toán thương mại song phương Trung-Nga và hơn 12% dự trữ quốc tế của Nga[10]. Trong bối cảnh Nga bị cô lập khỏi hệ thống thanh toán liên ngân hàng SWIFT vì xung đột quân sự với Ukraine, thanh toán bù trừ bằng đồng nội tệ giữa hai quốc gia tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ. Theo ông Andrey Rudenko, thứ trưởng Bộ Ngoại giao Liên bang Nga, trong nửa đầu năm 2022, gần một nửa giao dịch giữa Nga và Trung Quốc được thực hiện bằng đồng Rúp và Nhân Dân Tệ[11].
Về an ninh – quốc phòng
Buôn bán vũ khí là một phần thiết yếu trong hợp tác an ninh – quốc phòng giữa Nga và Trung Quốc. Trong vòng 10 năm qua, Nga và Trung Quốc đã ký kết hàng loạt hợp đồng mua bán vũ khí hiện đại có giá trị cao có thể kể đến hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-400 Triumph, máy bay chiến đấu đa năng Su-35, trực thăng Mi-171… Tuy nhiên, thị phần xuất khẩu khí tài quân sự của Nga vào Trung Quốc đã giảm từ mức cao 60.2% năm 2005 xuống chỉ còn 18.7% năm 2020[12]. Việc giảm nhập khẩu vũ khí từ Nga đã phần nào phản ánh thực tế rằng Trung Quốc đã nâng cao khả năng sản xuất vũ khí trong nước, Trung Quốc cũng dần trở thành một quốc gia xuất khẩu vũ khí lớn của thế giới và xuất khẩu trở lại Nga. Theo một báo cáo từ Financial Times, Trung Quốc có thể đảo ngược vai trò trong buôn bán vũ khí với Nga trong bối cảnh Nga triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine[13].
Mua bán vũ khí đã không còn là trọng yếu của hợp tác quân sự giữa Nga và Trung Quốc, thay vào đó, các cuộc tập trận chung là phương thức hợp tác mới và phát triển mạnh mẽ trong quan hệ quân sự Nga – Trung trong những năm gần đây. Nga và Trung Quốc đã tham gia nhiều cuộc tập trận chung với quy mô và tần suất ngày càng tăng. Trong nhiều năm liên tiếp, quân đội Trung Quốc đều tham gia các cuộc tập trận quân sự cấp chiến lược hằng năm của Nga như Vostok-2018, Tsentr-2019 và Kazkaz-2020, Japad/Interaction 2021 Vostok-2022…[14] Từ năm 2018 đến nay, Nga và Trung Quốc đã cùng tham gia khoảng 30 cuộc tập trận chung, kể cả các cuộc tập trận song phương và đa phương. Hơn một nửa số cuộc tập trận Nga – Trung là đa phương với các đối tác SCO hoặc các quốc gia láng giềng. Trung Quốc cũng hợp tác mạnh mẽ trong lĩnh vực hải quân, hai nước thường xuyên tham gia các cuộc tập trận hải quân song phương và nhiều bên. Năm 2019, Nga và Trung Quốc đã tiến hành cuộc tuần tra chung đầu tiên bằng máy bay ném bom trên vùng biển Đông Á. Tháng 12/2022 vừa qua, Bộ Quốc Phòng Nga tuyên bố Trung Quốc và Nga đã tổ chức một cuộc tập trận Hải Quân bắn đạn thật kéo dài 1 tuần ở biển Hoa Đông.
Số lần Nga và Trung Quốc cùng tham gia tập trận chung (Nguồn: CSIS China Power Project)
Các cuộc tập trận quân sự chung mang lại cho hai quốc gia nhiều lợi ích, bên cạnh nâng cao năng lực chiến đấu, nó là cơ hội để phát tín hiệu răn đe và thể hiện sức mạnh quân sự của hai quốc gia. Các cuộc tập trận chung cũng gửi đi thông điệp mối quan hệ khăng khít giữa Nga và Trung Quốc.
Cuộc tập trận Zapad/Interaction giữa Nga và Trung Quốc năm 2021
Bản chất quan hệ Nga – Trung và một số toan tính chiến lược từ hai phía
Có thể thấy, trong quan hệ hợp tác Nga – Trung, đặc điểm chủ đạo gắn kết mối quan hệ này là sự thực dụng, lợi dụng lẫn nhau để tăng cường lợi ích của mình. Mối quan hệ giữa hai quốc gia tạo điều kiện để hai nước này đối trọng với Mỹ, nhất là trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Ngoài ra, Trung Quốc thành công khai thác lợi thế về tài nguyên của Nga với các thỏa thuận về năng lượng giá rẻ từ Nga, Trung Quốc cũng được hưởng lợi từ các hợp đồng vũ khí tối tân của Nga, tạo điều kiện để nước này hiện đại hóa vũ khí của mình. Nga cũng tìm được thị trường thay thế EU, đồng thời tận dụng được dòng vốn đầu tư dồi dào của Trung Quốc để phát triển đất nước trong thời kỳ khó khăn vì các lệnh trừng phạt từ Phương Tây. Sự phát triển nội tại và những thách thức trong quan hệ quốc tế của Nga và Trung Quốc đặt ra yêu cầu cả hai nước phải tìm những đối tác phù hợp để cùng phát triển. Nga và Trung Quốc hiện lên là đối tác tiềm năng của nhau với tính bổ sung cao, mối quan hệ “cung-cầu” trở thành một phần thúc đẩy gắn kết quan hệ giữa hai quốc gia – “hợp tác đôi bên cùng có lợi”.
Yếu tố Mỹ và Phương Tây có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển quan hệ song phương giữa hai nước. Hai quốc gia chia sẻ những rủi ro và thách thức an ninh từ Mỹ và các đồng minh, nổi bật là QUAD, AUKUS và NATO. Sự trỗi dậy mạnh mẽ của nền kinh tế Trung Quốc đã thách thức vị trí số 1 của Mỹ, cùng với các lý do về yếu tố chính trị và an ninh khiến Mỹ cố gắng cô lập Trung Quốc ngay tại chính khu vực Đông Á. Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung và các lệnh trừng phạt đối với nền kinh tế của Nga trở thành động lực thúc đẩy hai quốc gia này tăng cường hợp tác. “Trước sự ngăn chặn của Mỹ và các đồng minh ở khu vực vùng biển phía Đông, Trung Quốc đã chuyển hướng chiến lược sang phía Tây, khiến Trung Quốc cũng muốn xích lại gần Nga hơn”[15]. Rõ ràng, cả Trung Quốc và Nga đều phải chịu sự chèn ép của Mỹ – cường quốc hàng đầu thế giới, việc tăng cường hợp tác cùng phát triển theo hướng “kẻ thù của kẻ thù là bạn” cũng là một phần trong mối quan hệ Nga – Trung.
Tuy nhiên, Mỹ cũng là nhân tố gây áp lực cho mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc. Năm 2018, dưới áp lực trừng phạt và chiến tranh thương mại, các công ty Trung Quốc đã rút 1 tỷ USD khỏi các khoản đầu tư vào Nga[16]. Đầu năm 2022, khi Nga mới bắt đầu chiến dịch quân sự tại Ukraine, hai ngân hàng nhà nước lớn nhất Trung Quốc là Ngân Hàng Công Thương và Ngân hàng Trung Quốc đã có sự hạn chế giao dịch với Nga[17]. Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng Châu Á (ngân hàng do Trung Quốc thành lập trong khuôn khổ BRI để cung cấp tài chính cho các dự án cơ sở hạ tầng ở châu Á) cũng đã ngừng cung cấp các khoản vay cho các dự án ở Nga. Nguyên nhân chủ yếu là do các ngân hàng ở Trung Quốc vẫn phụ thuộc vào đồng USD và lo ngại sẽ bị loại khỏi hệ thống tài chính quốc tế nếu không tuân thủ các lệnh trừng phạt của phương Tây có liên quan đến Nga. Gần đây, Mỹ cũng đưa ra những lời cảnh báo nếu Trung Quốc “vượt qua ranh giới” để cung cấp vũ khí cho Nga trong xung đột với Ukraine. Tổng Thống Mỹ Joe Biden đã nhấn mạnh rằng 600 tập đoàn của Mỹ đã rời khỏi nền kinh tế Nga, nếu Trung Quốc hỗ trợ Nga thì cũng có thể nhận những hậu quả tương tự[18]. Có thể thấy Mỹ là nhân tố có vai trò thúc đẩy mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc, đồng thời cũng tạo áp lực và chi phối một phần những giới hạn trong mối quan hệ này.
Những trở ngại có thể ngăn cản quan hệ Nga – Trung tiến xa hơn…
Thứ nhất, Trung Quốc giữ lập trường nước đôi trong hợp tác kinh tế với Nga, từ đó có những hành động “không hữu nghị” trong quan hệ với Nga. Theo ông Alexander Gabuev – cựu thành viên cấp cao tại Trung tâm Carnegie Moscow cho rằng “mối quan tâm số một của Trung Quốc không phải là tình bạn với Nga, mà là lợi ích của Trung Quốc.”[19] Mặc dù Trung Quốc đã mở rộng hỗ trợ ngoại giao và tăng cường hợp tác kinh tế với Nga trong cuộc xung đột với Ukraine, nhưng Trung Quốc cũng có sự e ngại bị liên lụy trước các lệnh trừng phạt thứ cấp và cũng không muốn cắt đứt quan hệ kinh tế với châu Âu hay Mỹ. Nghị sĩ hạ viện Nga Dmitry Gudkov cho rằng Trung Quốc đã lợi dụng tình trạng khó khăn của kinh tế Nga để trục lợi. Trung Quốc đặc biệt quan tâm đến việc giành cổ phần trong các công ty năng lượng của Nga bao gồm cả Rosneft và Gazprom. Trong các dự án hợp tác, các đại diện từ Trung Quốc luôn cố gắng giành quyền kiểm soát với giá trị hơn 50% cổ phần của các dự án. Trong lĩnh vực mua bán vũ khí, Nga đã bán những hệ thống vũ khí tiên tiến nhất cho Trung Quốc với nguy cơ những công nghệ này sẽ bị sao chép và nâng cấp. Nhà phân tích quốc phòng Nga Ruslan Pukhov, giám đốc Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ (CAST) cho biết “Nga cần sự hỗ trợ chính trị của Trung Quốc, đó là lý do tại sao chúng tôi phải chấp nhận rủi ro không thể tránh khỏi này”. Có thể thấy Nga một phần nào đó phải nhượng bộ trước sự chênh lệch lớn lao về tiềm lực kinh tế và chính trị đang ngày càng gia tăng của Trung Quốc. Các chuyên gia Nga nhận định rằng nước này đã phải chịu thiệt nhiều hơn trong quan hệ hợp tác kinh tế với Trung Quốc, thay vì hợp tác “nam – nam” như hai bên vẫn tuyên bố.
Thứ hai, Nga cũng duy trì quan điểm cảnh giác đối với Trung Quốc, sự lo ngại ngày càng lớn trước sự xâm nhập của Người Trung Quốc vào Vùng Viễn Đông của Nga, hay một Trung Quốc mạnh mẽ lên sẽ ngày càng làm gia tăng sự phụ thuộc vào nước này, Nga sẽ khó giữ được vị thế quan trọng trong sáng kiến BRI của Trung Quốc trong việc kết nối sáng kiến này với EAEU. Nga không muốn trở nên phụ thuộc vào Trung Quốc quá nhiều. Các số liệu chứng minh một cách rõ rằng rằng kinh tế Nga phụ thuộc nhiều vào các mối quan hệ với Trung Quốc hơn nhu cầu hợp tác của Trung Quốc với Nga. Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Nga trong hơn 10 năm, trong khi đó, Nga chỉ đứng thứ 10 trong danh sách đối tác thương mại của Trung Quốc[20]. Sự phụ thuộc về kinh tế sẽ dễ khiến Nga phải nhượng bộ với Trung Quốc trong những vấn đề về sau, thậm chí phải chịu thiệt. Nga cũng có sự quan ngại trước sự di cư của lao động Trung Quốc theo dòng vốn đầu tư và sự kiểm soát đất ở Viễn Đông. Theo Rosstat86, tính đến năm 2018, người Trung Quốc chiếm khoảng 16% diện tích đất nông nghiệp tại vùng Viễn Đông, thậm chí có những khu vực, người Trung Quốc năm quyền sở hữu hơn một nửa đất đai[21]. Sự lo ngại của Nga xuất phát từ lịch sử khi đến cuối thế kỷ XIX, phần lớn Vùng Viễn Đông vẫn nằm dưới sự cai trị của Trung Quốc, bên cạnh đó, vùng Viễn Đông chỉ có 6,3 triệu người đang đối mặt với dòng lao động di cư theo dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc, hơn nữa, dòng vốn đầu tư của Trung Quốc thường đi kèm với các hợp đồng sử dụng đất dài hạn, điều này có thể gây ra ảnh hưởng chính trị và cuối cùng là tuyên bố chủ quyền lãnh thổ. Để hạn chế điều này, Nga đã đưa ra một số yêu cầu trong đó có quy định 80% việc làm trong các doanh nghiệp FDI Trung Quốc phải được dành cho lao động Nga[22], đồng thời cũng ban hành dự án “Hecta đất Viễn Đông” để tăng diện tích đất do người Nga kiểm soát tại vùng Viễn Đông.[23].
Thứ ba, mối quan hệ hợp tác lâu dài của Nga và Trung Quốc vẫn chưa thực sự đạt được kỳ vọng của hai nước. Xét riêng về hợp tác kinh tế. Hiện nay Nga cần nguồn lực tài chính và công nghệ để tái cơ cấu và hiện đại hóa nền kinh tế nhằm giảm sự phụ thuộc vào xuất khẩu nguyên liệu thô. Tuy nhiên các công nghệ mà Nga yêu cầu cho việc này lại không có sẵn ở Trung Quốc, mà ở phương Tây. Trong khi Nga muốn thu hút vốn đầu tư của Trung Quốc để phát triển kinh tế vùng Viễn Đông, phần lớn vốn đầu tư của Trung Quốc vào Nga tập trung vào lĩnh vực năng lượng. Tỷ trọng đầu tư vào năng lượng của Trung Quốc vào Nga chiếm đến 90,2% (năm 2019), trong khi tỷ lệ này đối với trung bình thế giới là 34%[24]. Ông Gennady Timchenko – chủ sở hữu Tập đoàn đầu tư năng lượng Volga (Nga) nhận định rằng Trung Quốc chỉ muốn tận dụng khai thác tài nguyên của Nga để mang về nước phát triển kinh tế. Hợp tác tài chính Trung – Nga cũng không mang lại hiệu quả như hai bên kỳ vọng vì sự mất giá của đồng Rúp. Theo CNBC và Reuters, mặc dù đồng Rúp đã ổn định hơn vào thời điểm cuối năm 2022, có những thời điểm đồng Rúp nga đã mất hơn 64% so với đồng USD hồi tháng 3/2022[25]. Theo cơ chế bù trừ trong thỏa thuận hoán đổi tiền tệ Nga – Trung, sự mất giá của đồng Rúp khiến Trung Quốc phải chịu thiệt nhiều hơn. Ngoài ra, trong việc sử dụng đồng nội tệ để thanh toán ngoại thương giữa hai nước, các thanh toán bằng NDT chiếm phần lớn vượt trội hơn so với đồng Rúp, năm 2020 lần lượt là 17% và 7% (phần còn lại vẫn được thanh toán bằng đồng USD và Euro)[26]. Tỷ trọng của đồng NDT trong giao dịch hối đoái của Nga đã tăng mạnh từ dưới 1% lên (tháng 1/2022) lên 48% (tháng 11/20220)[27]. Nga mong muốn thoát khỏi sự phụ thuộc vào đồng USD để ổn định đồng Rúp chứ không phải phụ thuộc sang một đồng tiền khác.
Biến động tỷ giá giữa đồng Rúp và USD năm 2022. Nguồn: Reuters[28]
Thứ tư, Trung Quốc đang ngày càng lấn sâu vào khu vực Trung Á, nơi Nga coi là khu vực lợi ích sống còn của mình. Trung Quốc đã tăng cường ảnh hưởng của mình tại Trung Á thông qua Sáng kiến Vành Đai và Con đường. Sự mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực này đồng thời cũng làm suy yếu dần sự hiện diện của Nga. Trước đây, nhận định thường thấy là Nga có vai trò chủ yếu trong đảm bảo an ninh tại các quốc gia Trung Á, điều này đã thay đổi kể từ khi Trung Quốc đẩy mạnh vai trò của mình tại khu vực này. Hiện nay, Trung Quốc không chỉ cung cấp các vũ khí và huấn luyện quân sự cho các quốc gia này mà còn cử quân đội đến đây, trong đó Trung Quốc đã xây dựng căn cứ quân sự tại Tạikistan[29]. Trung Quốc cũng triển khai chiến lược dài hạn về giáo dục tại các quốc gia thuộc SCO để xây dựng và củng cố hình ảnh tích cực về Trung Quốc. Trong những năm gần đây, Trung Quốc cũng đã tích cực tăng cường sự hiện diện của mình ở Bắc Cực, sự tham gia của Trung Quốc có thể khiến Nga có thêm một đối thủ cạnh tranh tại khu vực này. Những điều này đã làm xuất hiện những bất mãn trong giới tinh hoa Nga. Mặc dù trên tuyên bố công khai những sự thân thiện và nồng ấm của mối quan hệ Nga Trung, một phần nào đó, mối quan hệ này có vẻ là “bằng mặt nhưng không bằng lòng” đối với Nga[30].
Tuy nhiên, những bất đồng trong quan hệ hai nước khó trở thành đối kháng bởi hai nước vẫn rất cần có nhau để đạt được lợi ích cốt lõi và các tính toán chiến lược của mình. Với lợi ích lớn lao mà hai bên mang lại cho nhau, xu hướng sắp tới trong quan hệ song phương Nga – Trung Quốc sẽ chủ yếu là hợp tác có đan xen sự cạnh tranh để bảo vệ lợi ích của mình, trong đó, mặt hợp tác sẽ được thể hiện rõ ràng và nổi bật hơn. Tuy nhiên, mối quan hệ hợp tác được tăng cường không đồng nghĩa với việc Nga và Trung Quốc sẽ tiến đến quan hệ đồng minh, nhất là về lĩnh vực quân sự. Lãnh đạo hai nước nhiều lần nhấn mạnh quan điểm “kết bạn chứ không kết đồng minh. Nga không muốn can dự vào những tranh chấp chủ quyền quốc gia giữa Trung Quốc và các nước láng giềng như Nhật Bản, Ấn Độ, Việt Nam… Phía Trung Quốc cũng không muốn tham gia vào hoạt động quân sự của Nga tại Ukraine.
Một số vấn đề đặt ra đối với Việt Nam
Quan hệ Nga – Trung Quốc là quan hệ giữa hai nước lớn, có tầm ảnh hưởng quan trọng đến quan hệ quốc tế nói chung và Việt Nam nói riêng, đặc biệt hơn là cả hai quốc gia đều có vị trí quan trọng trong quan hệ đối ngoại của Việt Nam. Về mức độ quan hệ, cả Nga và Trung Quốc đều được Việt Nam đặt lên hàng quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Sự vận động trong quan hệ Nga – Trung sẽ có những ảnh hưởng đến Việt Nam theo cả hai chiều hướng tích cực và tiêu cực.
Về mặt tích cực, quan hệ Nga – Trung có xu hướng hợp tác nhiều hơn cạnh tranh đồng nghĩa với việc bớt đi một nguy cơ xung đột giữa các nước lớn, từ đó tạo điều kiện môi trường ổn định cho hợp tác và phát triển của Việt Nam với hai quốc gia này nói riêng, với thế giới nói chung. Việt Nam luôn chủ trương chiến lược hợp tác cân bằng, không lệ thuộc trong quan hệ hợp tác với các nước lớn, do đó sự ổn định trong quan hệ Nga – Trung không đẩy Việt Nam vào thế phải chọn bên. Sẽ không có hoàn cảnh khó xử khi bị xem là bắt tay với nước này, chống nước kia, nhất là cả Nga và Trung Quốc đều có vai trò quan trọng đối với Việt Nam, cả về kinh tế và chính trị. Hơn nữa, bài học từ căng thẳng thương mại Mỹ – Trung vẫn còn hiện hữu, khi Mỹ áp thuế cao lên các mặt hàng của Trung Quốc, nhiều ngành kinh tế của Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng vì Trung Quốc gian lận xuất xứ thông qua Việt Nam, có thể thấy xu hướng hợp tác nhiều hơn cạnh tranh trong quan hệ Nga – Trung sẽ giúp hạn chế những tình trạng tiêu cực đối với môi trường phát triển của Việt Nam trong quan hệ với hai cường quốc này. Mối quan hệ thân thiết giữa Nga và Trung Quốc sẽ thúc đẩy trật tự đa cực trong khu vực, góp phần làm cân bằng hơn tầm ảnh hưởng của các cường quốc khác tại khu vực này, trong đó có Mỹ và Trung Quốc.
Về mặt tiêu cực, quan hệ giữa Nga và Trung Quốc cũng ngày càng khăng khít có thể khiến Việt Nam thêm khó khăn trong các vấn đề tranh chấp với Trung Quốc nếu Trung Quốc nhận được sự ủng hộ từ Nga, đặc biệt là trong vấn đề Biển Đông. Ngoài vấn đề chủ quyền quốc gia, hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Nga trên Biển Đông cũng có thể gặp khó khăn do sự can thiệp của Trung Quốc vào phía Nga. Ví dụ, năm 2020, Trung Quốc đã yêu cầu Rosneft phải chấm dứt hợp đồng khoan dầu tại vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam[31]. Hơn nữa, trong bối cảnh xung đột với Ukraine, để đổi lấy sự ủng hộ của Trung Quốc, Việt Nam có thể sẽ phải đối mặt nguy cơ trở thành điều kiện thỏa thuận ngầm giữa hai nước, sẽ bị đẩy vào thế bị động và có thể phải chịu những hậu quả kinh tế-chính trị nghiêm trọng, tác động lớn đến môi trường an ninh, phát triển của Việt Nam.
Tóm lại, sự phát triển của mối quan hệ Nga – Trung tạo ra cả những cơ hội và thách thức đan xen đến Việt Nam. Do đó, Việt Nam cần phải định vị được vị trí của mình trong mối quan hệ này, từ đó chủ động tìm đối sách phù hợp nhằm giảm thiểu rối đa các rủi ro, củng cố và tăng cường tốt nhất các lợi ích của đất nước.
Thứ nhất, nỗ lực nâng cao năng lực quốc gia, nhằm nâng cao vị thế của đất nước, làm cơ sở để xử lý mối quan hệ với các nước khác. Cần chú trọng phát triển sức mạnh nội tại vững mạnh, sẵn sàng thích ứng với những biến động của tình hình quốc tế, từ đó ít bị tổn thương bởi những biến động đó. Đồng thời, Việt Nam cũng sẽ tự tin hơn, có tiếng nói hơn trong thương lượng, đàm phán các vấn đề với đối tác hoặc hợp tác khu vực và toàn thế giới, hạn chế chịu thiệt về mình.
Thứ hai, coi trọng việc xử lý khéo léo quan hệ với các nước, nhất là các nước lớn và các nước láng giềng, luôn chủ trương tôn trọng và giữ thể diện cho nước lớn, luôn phải “biết mình, biết người”, “biết thời, biết thế” vì lợi ích tối cao của quốc gia, dân tộc trên cơ sở luật pháp quốc tế. Việt Nam cần duy trì và phát triển quan hệ ổn định, hữu nghị, hợp tác cân bằng với các nước lớn. Việt Nam phải nỗ lực tạo ra những lợi ích đan xen, hợp tác đôi bên cùng có lợi, hợp tác toàn diện và đi vào thực chất với các nước lớn, trong đó có cả Nga, Trung Quốc, Mỹ, EU, Ấn Độ… để nâng cao vị thế của Việt Nam trong quan hệ hợp tác với các nước này. Từ đó, có thể tranh thủ quan hệ với nước lớn này để tác động với quan hệ với nước lớn khác, nước này đối trọng nước khác, góp phần tạo ra và duy trì môi trường an ninh thuận lợi nhất để phát triển đất nước.
Thứ ba, tiếp tục thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại để tránh và giảm phụ thuộc quá nhiều vào một đối tác, nhất là Trung Quốc. Trong quan hệ quốc tế, cần chú trọng xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng. Cần tận dụng các liên kết đa phương để mở rộng quan hệ, thúc đẩy hợp tác toàn diện trong các lĩnh vực kinh tế – chính trị, khoa học – công nghệ, văn hóa – giáo dục… và củng cố môi trường hòa bình, ổn định để thúc đẩy phát triển kinh tế. Tiếp tục thực hiện châm ngôn “Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế” để gia tăng hoạt động, vai trò trong các định chế đa phương. Việc tích cực tham gia các cơ chế hợp tác, liên kết đa phương giúp Việt Nam gắn kết sâu rộng hơn thế giới, trở thành một mắt xích trong mối quan hệ phức tạp giữa các nước. Điều này tạo điều kiện cho nền kinh tế của Việt Nam phát triển toàn diện, đa lĩnh vực, đồng thời cũng góp phần củng cố và phát triển quan hệ song phương giữa Việt Nam và nước khác.
Thứ tư, Việt Nam xử lý khôn khéo mối quan hệ với Nga trong bối cảnh cuộc xung đột với Ukraine. Quan điểm của Việt Nam về vấn đề xung đột Nga – Ukraine là kêu gọi các bên chấm dứt xung đột, bảo vệ an ninh, an toàn của người dân và các cơ sở hạ tầng thiết yếu, đồng thời nối lại đối thoại, giải quyết vấn đề bằng biện pháp hòa bình. Việt Nam cũng sẵn sàng đóng góp vào quá trình thúc đẩy đối thoại tìm kiếm giải pháp hòa bình giữa hai nước để sớm ổn định tình hình, vì hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới. Việt Nam cần cảnh giác, phòng ngừa những vấn đề chính trị “nhạy cảm” về chủ quyền lãnh thổ, cần tỉnh táo không để gây hiểu nhầm hoặc rơi vào trạng thái “nước lớn thỏa hiệp với nhau trên lưng Việt Nam”. Việt Nam không ủng hộ việc sử dụng vũ lực để giải quyết vấn đột xung đột giữa Nga và Ukraine nhưng Việt Nam cũng không “thiên vị” hay đứng về bất kỳ một bên nào xoay quanh xung đột giữa Nga và Ukraine. Không được để các thế lực thù địch lợi dụng, xuyên tạc làm ảnh hưởng hình ảnh, uy tín của Việt Nam.
Bên cạnh đó, Việt Nam cần tăng cường hợp tác với Nga nhằm nâng cao hơn nữa tầm quan trọng của mình đối với Nga, không bị lép vế hoàn toàn khi so sánh với Trung Quốc. Nhìn nhận tại vị trí của Nga, nếu so sánh giữa đối tác thương mại số một là Trung Quốc và Việt Nam, Nga rõ ràng có lý do để coi trọng Trung Quốc hơn. Do đó, Việt Nam phải cố gắng nâng cao hợp tác kinh tế với Nga để hạn chế sự chênh lệch khi bị so sánh với Trung Quốc. Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa hợp tác với Nga về thăm dò và khai thác dầu khí trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam trên biển Đông, qua đó gắn lợi ích kinh tế của Nga tại Biển Đông. Bên cạnh các lợi ích về kinh tế, sự tham gia của Nga vào các dự án năng lượng tại biển Đông sẽ trở thành một nhân tố đảm bảo an ninh tại Biển Đông, kiềm chế sự bành trướng của Trung Quốc. Điều này đã từng được biểu hiện trong quá khứ, năm 2012, Gazprom và PVN đã ký thỏa thuận về việc phát triển hai dự án khí đốt ở thềm lục địa Việt Nam ở Biển Đông, để bảo vệ các dự án năng lượng của Nga tại Biển Đông, Nga tuyên bố quan tâm tới việc Việt Nam giành lại một căn cứ hải quân tại Vịnh Cam Ranh và đã giúp Việt Nam xây dựng một căn cứ tàu ngầm tại đó bất chấp các yêu cầu của Trung Quốc rằng Nga phải chấm dứt các hoạt động thăm dò năng lượng trên Biển Đông[32].
Thứ năm, tích cực thúc đẩy hợp tác với các nước khác trên thế giới về phát triển kinh tế biển, đặc biệt là các dự án trên vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Bên cạnh lợi ích kinh tế, tăng cường hoạt động kinh tế trên biển giúp Việt Nam thể hiện chủ quyền xuyên suốt, chính đáng và hợp pháp tại khu vực Biển Đông. Lợi ích kinh tế ở vùng biển của Việt Nam sẽ làm các nước khác quan tâm hơn đến Biển Đông, Việt Nam có thể tuyên truyền về chủ quyền quốc gia và kêu gọi sự ủng hộ từ các đối tác. Đồng thời, sự tham gia của nhiều bên tại Biển Đông sẽ góp phần kiềm chế Trung Quốc trong những hành động xâm lấn, bành trướng tại đây. Bên cạnh đó, phải tích cực trong bảo vệ môi trường biển, có kế hoạch khai thác hợp lý, bền vững các loại tài nguyên để có thể phát triển lâu dài, bền vững, phù hợp với định hướng của Đảng.
Tác giả: Thi Thi
[1] Ngọc Trang, Dự báo lạm phát của nền kinh tế trên thế giới năm 2023, Báo VNEconomy
[2] Inflation rates by country – Worlddata
[3] Национальная Ассоциация Нефтегазового Сервиса (2021), “Росстат: “О производствеи использовании Валового внутреннего продукта (ВВП) за 2020 год””
[4] Trung Hiếu, Những tính toán chiến lược, chiến thuật của Trung Quốc trong vấn đề Ukraine, VOV
[5] Vũ Lâm, Nga và Trung Quốc nỗ lực đưa quan hệ song phương “lên cấp độ cao hơn”, Báo Quân Đội Nhân Dân
[6] Evan A.Feigenbaum and Adam Szubin, What China Has Learned From the Ukraine War, Foreign Affairs
[7] Erica Downs, Tatiana Mitrova, China-Russia Energy Relations One Year after the Invasion of Ukraine, Center on Global Energy Policy
[8] Reuters (2022), Factbox: Asian buyers of Russian oil, gas and coal
[9] What is the EU doing to end its reliance on Russian energy?, World Economic Forum
[10] 于宏建, 隋 鑫 (2022), “中国连续12年稳居俄罗斯第一大贸易伙伴国”, 人民日报
[11] Андрей Руденко, Санкции Запада стали катализатором торговли России и Индии, Российский совет по международным делам
[12] How Dominant is China in the Global Arms Trade?, China Power Project – Center for Strategic & International Studies
[13] Andy Lin, China reverses roles in arms trade with Russia, Financial Times
[14] Nguyễn Trần Xuân Sơn, Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Quan hệ Nga – Trung Quốc: Triển vọng hợp tác trong giai đoạn mới, Tạp Chí Cộng Sản
[15] PGS.TS. Nguyễn An Hà – TS Vũ Thụy Trang (2020), “Điều chỉnh chính sách đối ngoại của Liên Bang Nga từ sau khủng hoảng Ucraina và những tác động”, NXB Khoa học Xã hội tr.157
[16] Finanz (2018), “Китай объявил России инвестиционный бойкот”
[17] Bloomberg (2022), “China State Banks Restrict Financing for Russian Commodities”
[18] Hà Vi, Trung Quốc sẽ không cung cấp vũ khí cho Nga, Tổng thống Mỹ nói lý do vì sao, Báo Thế giới và Việt Nam.
[19] Elizabeth Wishnick, Strategic Partner or Strategic Player? Russian Asia Experts Assess China’s Ukraine Policy, China Leadership Monitor, Summer 2022 Issue 72 Wednesday, June 1, 2022
[20] 贸促会贸易报社 中国贸易报社 (2021), 中俄经贸合作 “真金不怕火炼”
[21] Tại quận Leninsky của JAR – Nga, người Trung Quốc thuê khoảng 62.000 trong số 81.000 ha đất canh tác của cả vùng. Xem thêm tại: Анатолий Комраков (2019), “Китаизацию Дальнего Востока стимулируют
[22] Paul Stronski, Nicole Ng (2018), “Cooperation and Competition: Russia and China in Central Asia, the Russian Far East, and the Arctic”, Carnegie Endowment for International Peace
[23] Luật “Hecta đất Viễn Đông” được Tổng thống Nga Vladimir Putin ký ngày 1/5/2016 cho phép bất cứ người dân Nga nào cũng có thể đăng ký nhận 1 hecta đất miễn phí, nằm ở 1 trong 10 vùng thuộc Viễn Đông. Xem thêm tại: Điệp Anh (2017), “Bài học từ dự án Cấp đất cho dân để phát triển vùng Viễn Đông Nga”, VOV
[24] Neftegaz (2020), “Россия и Китай: От торговли энергоресурсами к инвестиционному сотрудничеству”
[25] Eliliot Smith, The Russia-Ukraine war has hit many currencies hard. Here’s what analysts are expecting now. CNBC
[26] Василий Кашин, Россия, Китай и украинский кризис, Global Affairs
[27] Из-за санкций и разрыва с Западом Россия стала сильно зависеть от Китая (сильнее — только Северная Корея). Чем грозит замена доллара юанем? Материал Carnegie Politika — Meduza (2023)
[28] Alexander Marrow, Russian rouble soars to end volatile 2022 on a high, Reuters
[29] Kiều Anh, Ảnh hưởng ở Trung Á bị lu mờ, Nga “bằng mặt nhưng không bằng lòng” với Trung Quốc?, Báo VOV.
[30] Kiều Anh, Ảnh hưởng ở Trung Á bị lu mờ, Nga “bằng mặt nhưng không bằng lòng” với Trung Quốc?, Báo VOV
[31] Laura He, China is helping to prop up the Russian economy. Here’s how, CNN Business
[32] Korolev, A. (2016) “Systemic Balancing and Regional Hedging: China–Russia Relations”, The Chinese Journal of International Politics, 9(4), pp. 375-397. doi: 10.1093/cjip/pow013.
33 Brian Hart, Bonny Lin, Matthew P. Funaiole, Samantha Lu, Hannah Price, Nicholas Kaufman, Gavril Torrijos, How Deep Are China-Russia Military Ties?, China Power Project – Center for Strategic and International Studies