*Tiêu đề do Ban Biên tập đặt lại
"Tính liên tục nổi bật của nền văn minh Trung Hoa về cơ bản xác định rằng dân tộc Trung Hoa phải đi theo con đường của riêng mình. Nếu không nhìn nhận Trung Quốc từ sự liên tục lịch sử lâu đời, thì không thể hiểu được Trung Quốc cổ đại, cũng không thể hiểu được Trung Quốc hiện đại, lại càng không thể hiểu được Trung Quốc trong tương lai”.
Tại Hội nghị chuyên đề về kế thừa và phát triển văn hóa vào ngày 2 tháng 6, ông Tập Cận Bình, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quân ủy Trung ương, đã đặc biệt chỉ ra tính liên tục của nền văn minh Trung Hoa, và coi đó là một đặc trưng nổi bật đầu tiên của nó. Kể từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình lần đầu tiên đưa ra mệnh đề “Trung Quốc đương đại là sự kế thừa và phát triển của Trung Quốc lịch sử” vào tháng 1 năm 2019, các nghiên cứu lý thuyết liên quan đã tiếp tục xuất hiện trong bốn năm qua, tạo thành một xu hướng tư tưởng mới. Từ Hội nghị chuyên đề đầu tháng 6 vừa qua, ý thức thúc đẩy đổi mới văn hóa trong sự kế thừa văn hóa truyền thống xuất sắc của Trung Quốc đã đạt đến một tầm cao mới, bên cạnh tính liên tục, đổi mới, thống nhất, bao dung và hòa bình cũng là những đặc điểm nổi bật được nêu lên. Chính trong bối cảnh như vậy, các chủ đề liên quan đến nền văn minh Trung Hoa đang nhanh chóng thu hút các học giả cả trong cũng như ngoài nước. Họ không ngừng đặt câu hỏi và cố gắng đưa ra những lời giải thích lý thuyết.
Tác giả: Nhà đầu tư và nhà bình luận tài chính người Mỹ Rogers từng nói rằng trong lịch sử thế giới, Trung Quốc là quốc gia duy nhất trải qua nhiều lần sụp đổ mà vẫn có thể trỗi dậy. Trong một khoảng thời gian dài của nền văn minh sáu thiên niên kỷ, ông cũng đã đề cập đến nền văn minh Ai Cập cổ đại, Đế chế La Mã và Đế quốc Anh, ông đề xuất nên bắt đầu thảo luận với những nét khát quát về lịch sử thế giới.
Những nền văn minh đã mất
Chậm nhất là vào thiên niên kỷ thứ 4 trước Công nguyên, nền văn minh Ai Cập bên bờ sông Nile và nền văn minh Sumer ở thung lũng Lưỡng Hà đã đạt đến đỉnh cao rực rỡ, cùng khoảng thời gian đó, nền văn minh Minoan ở đảo Crete cũng đã phát triển đến cực thịnh. Mặc dù những nền văn minh này dường như phát triển độc lập, nhưng chu kỳ sống của chúng thực sự diễn ra theo một mô hình tương tự: các nền văn minh này đến đỉnh vinh quang để rồi suy tàn dưới đòn tấn công liên tục của những kẻ xâm lược man rợ bên ngoài, và sau khi sụp đổ, không có sự hồi sinh nào được ghi nhận.
Tại sao những nền văn minh cổ đại vĩ đại lần lượt sụp đổ và không thể trỗi dậy?
Giả sử một phi hành gia bất tử nhìn toàn bộ khu vực phía đông Địa Trung Hải từ ngoài vũ trụ sẽ nhận thấy rằng hầu hết các nhóm người vào thời điểm đó là những người săn bắn hái lượm thường xuyên di cư, chạy theo nguồn thức ăn và sống cuộc sống du mục. Dưới cái nhìn bao quát của phi hành gia này, các nền văn minh Ai Cập cổ đại, Sumer cổ đại và Minoan đã phát triển thành các xã hội định cư phức tạp thuộc về một số nhóm không đồng nhất lẻ tẻ.
Lịch mặt trời và âm lịch do người Ai Cập cổ đại phát minh ra, các thành phố lớn và hệ thống tưới tiêu tốt do người Sumer cổ đại dựng lên, cung điện nguy nga cũng như mạng lưới đường sá do người Crete cổ đại xây dựng đều là những dấu hiệu điển hình của sự định cư lâu dài. Tuy nhiên, những nền văn minh định cư này quá cô lập và mong manh, giống như những hòn đảo nằm rải rác trong đại dương bao la, đối mặt với nguy hiểm bất cứ lúc nào từ những cơn sóng dữ: sự xâm chiếm của các dân tộc lang thang, du mục.
Như HG Wells, một nhà sử học nổi tiếng người Anh, đã nói: hai lối sống đối lập nhau. Xung đột giữa những người du mục và những người định cư là không thể tránh khỏi. Những người du mục là những kẻ man rợ cứng rắn đối với những người định cư, trong khi những người định cư là những người yếu đuối và cũng là “con mồi” lý tưởng đối với những người du mục. Dọc theo rìa của nền văn minh chắc hẳn đã có những cuộc tấn công, xung đột liên tục giữa những người du mục man rợ và các bộ lạc trên đồi cao với những cư dân đông đảo hơn nhưng ít hiếu chiến hơn ở các thị trấn, làng mạc.
Giữa năm 2278 và 2154 trước Công nguyên, đội quân của người Guti đã xâm lược Đế chế Akkadian, chấm dứt một nền văn minh hiện có mà không thành lập một nền văn minh khác trên lãnh thổ của nó. Người Hittite đã xây dựng một đế chế ở Tiểu Á trong khoảng thời gian từ 1790 đến 1560 trước Công nguyên. Đế chế Babylon thời kỳ đầu đã mất phần lớn lãnh thổ ở phía nam và phía đông. Hầu hết các trung tâm quyền lực cổ xưa của người Sumer cổ đại đã bị phá hủy rồi bỏ hoang.
Giữa năm 1782 và 1630 trước Công nguyên, những người Semite phương Tây lang thang đã chiếm lấy ngai vàng Ai Cập, chấm dứt Vương triều cổ đại của Ai Cập. Trong khoảng thời gian từ 1400 đến 1200 trước Công nguyên, cung điện Knossos đã bị phá hủy, bỏ hoang và không bao giờ được xây dựng lại. Cuối cùng, vào khoảng năm 1177 trước Công nguyên, những chiến binh man rợ nhất được gọi là “dân tộc trên biển” đã khởi hành từ căn cứ của họ, phá hủy nền văn minh lâu đời ở Đông Địa Trung Hải và mở ra một thời kỳ đen tối mới. Cuộc di cư vĩ đại của họ kéo theo sự suy tàn của Ai Cập cổ đại. Một dòng chữ Ai Cập viết: Họ đến từ biển bằng tàu chiến, không ai có thể chống lại họ. Kháng cự là vô ích, cung điện bị đốt cháy và thành phố đổ nát.
Đó là lịch sử sơ khai của Đông Địa Trung Hải, một lịch sử chiến thắng của những người du mục, sau đó là những cuộc chinh phạt tàn phá liên tiếp nhằm vào những người định cư. Nhưng người ta cũng có thể đưa ra giả thuyết: điều gì sẽ xảy ra nếu các dân tộc định cư chiến thắng ?
Nếu các xã hội định cư vượt qua một “điểm tới hạn” nhất định, họ không chỉ có nhiều người hơn, nhiều đất đai hơn mà còn có thể được tổ chức tốt, trang bị tốt, được giáo dục và đào tạo, do đó đủ sức mạnh không chỉ để bảo vệ quê hương, mà còn có thể phản công thành trì của những người du mục, thì câu chuyện lịch sử sẽ rất khác.
Giờ đây, nếu “nhà du hành vũ trụ” bất tử đó hướng ánh nhìn về cực đông của Âu-Á, ông ta sẽ thấy rằng trong cùng một giai đoạn lịch sử, trái ngược với những gì đã xảy ra ở Đông Địa Trung Hải, câu chuyện về Trung Quốc không phải là lịch sử về chiến thắng của những người du mục. Đó lại là lịch sử chiến thắng của những người định cư. Người Trung Quốc cổ đại đã thúc đẩy sự mở rộng liên tục của nền văn minh định cư thông qua đồng hóa và hội nhập với các dân tộc du mục xung quanh.
Trung Đông và Đông Á đã bắt đầu hai con đường tiến hóa lịch sử khác nhau
Ở Trung Đông, những người du mục đã chinh phục tất cả các xã hội dân sự đã định cư và sau đó xây dựng lại một xã hội mới trên tàn tích của nền văn minh trước đó, đồng thời bảo tồn các truyền thống du mục. Ở Đông Á, thông qua sự kháng cự và chống xâm lược liên tục chống lại những kẻ thống trị lang thang, để rồi cuối cùng, những người định cư đã mở rộng toàn bộ xã hội của họ đến một khu vực rộng lớn hơn và vẫn bảo tồn được truyền thống của nền văn minh định cư.
Ông Rogers cũng đặt câu hỏi: tại sao cả Đế chế La Mã cũng như Đế quốc Anh chỉ trở thành số một trong một giai đoạn lịch sử nhất định, và không bao giờ phục hồi sau khi suy tàn? Trên thực tế, điều tương tự cũng đúng với Đế chế Ả Rập trong thế kỷ thứ 7-10, Đế chế Mông Cổ trong thế kỷ 13-14 và Đế chế Ottoman trong thế kỷ 16-19. Họ không bao giờ hồi sinh sau khi sụp đổ.
Lý do cơ bản là những đế chế này, không có ngoại lệ, bị thống trị bởi các dân tộc du mục. Tầng lớp cai trị họ có nguồn gốc từ kỵ binh, dân tộc lạc đà hoặc dân tộc đi biển, mặc dù những người bị cai trị có học hỏi nhiều về thể chế, nghệ thuật của kẻ đi xâm lược, nhưng dần dần họ đã biến nó trở thành một phần của nền Văn minh Trung tâm. Tất cả đều tuân theo một mô hình thăng trầm: đạt đến đỉnh cao trong các cuộc chiến tranh chinh phục, chiếm đóng các vùng đất bị chinh phục, cuối cùng thiết lập các nền văn minh mới hoặc hội nhập thất bại và bị đồng hóa ngược về văn hóa.
Lấy Đế chế La Mã làm ví dụ. Các bộ lạc man rợ đã phá hủy nền văn minh Đông Địa Trung Hải cổ đại trên thực tế là những người tạo ra nền văn minh Hy – La cổ đại. Trước khi đế chế Alexander thành lập, những người man rợ Celtic từ Gaul đã tiến vào La Mã, La Mã đã thống nhất bán đảo Ý 100 năm sau đó và Biển Địa Trung Hải trở thành hồ nội địa của Đế chế La Mã 200 năm sau.
Trong hoàn cảnh như vậy, nền văn minh mới không chỉ chiếm giữ tất cả các khu định cư của nền văn minh cũ, mà còn hình thành một cấu trúc xã hội định cư lớn hơn, phức tạp hơn, hoàn toàn không thể khôi phục các nền văn minh cũ của Babylon cổ đại, Ba Tư cổ đại và Hy Lạp cổ đại. Nhưng bước ngoặt của Đế chế La Mã đến khi nó không có xã hội định cư mới nào để chinh phục, đồng thời tham nhũng nội bộ ngày càng gia tăng. Khi biên giới phía bắc của nó bị xâm chiếm bởi những người German man rợ mạnh hơn và hung dữ hơn, sự suy tàn của nó là không thể tránh khỏi.
Sự trỗi dậy rồi sụp đổ của Đế quốc Anh cũng theo mô hình tương tự. Sau khi thông thạo hàng hải và vũ khí tiên tiến, quốc gia cướp biển từ Quần đảo Anh liên tiếp chinh phục nhiều xã hội định cư trên các lục địa khác nhau và thành lập một đế chế rộng lớn tới mức mặt trời không bao giờ lặn. Tuy nhiên, khi không thể chinh phục được thêm bất kì xã hội định cư mới nào và các đối thủ mạnh hơn xuất hiện, nó cũng không thể thoát khỏi số phận của các đế chế du mục khác trong suốt lịch sử.
“Tính liên tục” của văn minh Trung Hoa
Bây giờ hãy nói về Trung Quốc. Một nhận xét của các nhà sử học phương Tây là nền văn minh Trung Hoa dường như không có điểm bắt đầu. Như Tiến sĩ Henry Kissinger đã viết trong cuốn sách của mình: “Trung Quốc…, theo nhận thức lịch sử của nó, là một quốc gia chỉ cần phục hồi chứ không cần tái tạo”.
Trên thực tế, nền văn minh Trung Hoa cũng có sự khởi đầu, nhưng sự khởi đầu này không có sự kiện kỷ niệm chiến tranh chinh phục quen thuộc với dân du mục, mà chỉ là một chiến thắng quyết định do xã hội định cư đạt được thông qua sự liên minh của các làng và thị tộc. Từ Hiên Viên Hoàng Đế đến Hạ Vương Đại Vũ trong thiên niên kỷ thứ ba trước Công nguyên, tất cả các nhà cai trị sáng lập huyền thoại của Trung Quốc đều đang xây dựng lại thay vì tạo ra một nhà nước xã hội ổn định mới. Mỗi người trong số những người cai trị sáng lập này đã có những đóng góp độc đáo của riêng họ cho sự phát triển của xã hội định cư, không chỉ là sự hợp nhất văn hóa và đồng hóa quốc gia, mà còn là sự mở rộng về lãnh thổ, dân số theo định kỳ.
Đại Vũ trở thành người cai trị nhà Hạ là một sự kiện quan trọng trong lịch sử Trung Quốc. Vào thời cổ đại đó, lũ lụt hoành hành, con người ở những nơi khác trên thế giới chỉ có hai lựa chọn: bị lũ nuốt chửng hoặc bỏ chạy thật xa. Nhưng người Trung Quốc, và chỉ người Trung Quốc đã đưa ra lựa chọn thứ ba: dựa vào sức người để san bằng đất và chuyển hướng nước. Một vị vua được chọn có đạo đức cao đã thành công thống nhất tất cả các lãnh chúa thân tộc, tập hợp rất nhiều nhân lực và vật lực trong lãnh thổ của mình để hoàn thành công trình trị thủy khổng lồ này.
Thông qua các công trình trị thủy quy mô lớn, xã hội định cư ban đầu ở Trung Quốc đã mở rộng đáng kể lãnh thổ, giúp nâng cao khả năng chống lại sự xâm lược của những kẻ man rợ xung quanh, đảm bảo sự tồn vong của xã hội. Trong sách cổ của Trung Quốc, những người du mục ở bốn phía đều có tên khác nhau, điều này cho thấy vào thời kỳ đó, xã hội nông nghiệp định cư của Trung Quốc đã mở rộng đến một khu vực rộng lớn gần như hình tròn tập trung ở trung và hạ lưu sông Hoàng Hà. Đẩy tất cả các bộ lạc lang thang ra xa vùng biên giới hơn. Đó là lý do tại sao lại gọi là “Trung Quốc”, mặc dù diện tích của nó đôi khi có những thay đổi.
Ông Rogers hiểu rằng Trung Quốc cũng đã nhiều lần sụp đổ trong lịch sử, và đã có nhiều cuộc nội chiến, gián đoạn và hỗn loạn trong lịch sử. Những thời kỳ mà ông nói đến không gì khác hơn là những thời kỳ đen tối tương tự khi Trung Quốc, với tư cách là một xã hội nông nghiệp định cư, bị những người du mục chiếm đóng và cai trị. Cùng khoảng thời gian khi những người German man rợ xâm lược Đế chế La Mã ở lục địa già, nhiều bộ lạc thảo nguyên sống ở miền bắc Trung Quốc, gọi chung là “Ngũ Hồ” đã đủ mạnh để vượt qua các cứ điểm phòng thủ biên giới của Trung Quốc. Tuy nhiên, không giống như Đế chế La Mã đã hoàn toàn sụp đổ dưới sự tấn công và không thể xây dựng lại, “Ngũ Hồ” đã tiến vào Trung Quốc, chấp nhận văn hóa Trung Hoa dựa trên nền tảng của văn minh định cư sau đó đã tự biến mình thành một phần của “Vương quốc Trung tâm” mới. Sau nhiều thế kỷ dung hòa vĩ đại, nhà Tùy, nhà Đường được tái thiết tương tự như thời kỳ Tần – Hán, bao gồm nhiều dân tộc hơn, bao phủ một lãnh thổ rộng lớn hơn và đạt đến đỉnh cao văn hóa hơn.
Sau đó, lịch sử lặp lại chính nó. Vào thế kỷ 13, Đế chế Mông Cổ, đế chế thảo nguyên lớn nhất trong lịch sử loài người đã trỗi dậy gần như chỉ sau một đêm, càn quét hầu hết thế giới được biết đến, bao gồm cả Trung Quốc. Tuy nhiên, không giống như phần còn lại của thế giới, Vương triều Mông Cổ được thành lập trên vùng đất của “Vương quốc Trung tâm” một lần nữa thoát khỏi truyền thống của chính họ, không còn là một đế chế du mục, mà phần lớn đã chuyển hóa thành một vương triều định cư, như một bản sao của nhà Tần và nhà Hán. Trong trường hợp của Trung Quốc, mặc dù bị các dân tộc du mục bên ngoài xâm chiếm, cai trị nhưng lãnh thổ văn hóa Trung Hoa lại mở rộng đến quê chính quê hương của người cai trị. Hơn nữa, khi “điểm tới hạn” của sự sống còn dần tăng lên, thì sau mỗi lần sụp đổ, như một quy luật tự nhiên, khả năng tự tái thiết của Trung Quốc với tư cách là một quốc gia lại tăng lên.
Sự thống nhất của hai triều đại nhà Minh và nhà Thanh từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 18 cũng là một sự lặp lại của lịch sử – bao gồm nhiều nhóm dân tộc hơn, bao phủ một lãnh thổ rộng lớn hơn và đạt đến đỉnh cao văn hóa hơn. Đến đây, tác giả tin rằng các câu hỏi của ông Rogers đã được trả lời đầy đủ.
Sự trỗi dậy “tất yếu” của Trung Quốc
Những điều trên cho chúng ta cách hiểu thế giới ngày nay như thế nào?
Trước hết, chúng ta cần nhận thức rằng, công cuộc phục hưng vĩ đại ngày nay của Trung Quốc vẫn có nét độc đáo riêng, không thể so sánh với sự trỗi dậy rồi sụp đổ của các đế chế khác trong lịch sử. Việc so sánh Trung Quốc với Đức và Nhật Bản trong lịch sử gần đây, hoặc coi Trung Quốc là một siêu cường mới nổi đe dọa trật tự thế giới hiện tại là rất không chính xác, nếu không muốn nói là cố ý gây hiểu lầm.
Quá trình lịch sử của Trung Quốc từ suy tàn đến phục hưng kể từ cuối triều đại nhà Thanh vẫn có thể được coi là một sự lặp lại nhất định của lịch sử, đó là sự hồi sinh các truyền thống của chính nó và dần dần tạo ra các nền văn minh mới bằng cách tiếp thu các yếu tố từ các nền văn minh khác nhau, đó chính xác là bản chất của nền văn minh Trung Hoa. Sự độc đáo này cũng là lý do cơ bản khiến nền văn minh Trung Hoa trở thành nền văn minh định cư liên tục và thành công nhất trên thế giới.
Trên toàn cầu, kể từ cuối thế kỷ 19, với chủ quyền quốc gia mạnh mẽ hơn, kiểm soát biên giới chặt chẽ hơn và tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, hiện tượng di cư quy mô lớn dựa trên sắc tộc đã dần biến mất, trong khi dân số của các xã hội định cư tăng mạnh. So với phần lớn chiều dài lịch sử loài người, chúng ta có thể nói rằng thế giới ngày nay là thế giới của các khu định cư toàn cầu, và không còn những cuộc di cư ồ ạt của các “tộc người lang thang” ở quy mô lớn.
Nhìn từ tổng thể lịch sử thế giới, nếu các cuộc chiến tranh xâm lược của chủ nghĩa thực dân và đế quốc toàn cầu của người da trắng Tây Âu từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 19 được coi là chiến thắng vĩ đại cuối cùng của các dân tộc du mục đối với các dân tộc định cư trong 6.000 năm, thì kể từ thế kỷ 20, đặc biệt là kể từ khi kết thúc Thế chiến II, sự phát triển toàn cầu của xã hội định cư có nghĩa rằng xã hội định cư là kẻ kết thúc lịch sử và đạt được thành công cuối cùng trong 6.000 năm qua.
Chính trong bối cảnh vĩ mô như vậy mà sự phục hưng của Trung Quốc đã đạt được ý nghĩa lịch sử và thực tiễn to lớn. Sáng kiến Vành đai Con đường của Trung Quốc, Sáng kiến xây dựng cộng đồng với tương lai chung cho nhân loại, Sáng kiến an ninh toàn cầu, Sáng kiến phát triển toàn cầu và Sáng kiến văn minh toàn cầu là những biểu hiện đặc trưng của nó./.
Biên dịch: Hoàng Hải
Về tác giả: Văn Dương (文扬) là Nghiên cứu viên của Viện Nghiên cứu Trung Quốc, Đại học Phúc Đán. Đồng thời cũng là Nghiên cứu viên của Viện Nghiên cứu Chiến lược Phát triển Mùa xuân Thượng Hải và Viện Nghiên cứu Tài chính Chongyang, Đại học Nhân dân Trung Quốc.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết trùng với quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược.
Mọi phản hồi học thuật cũng như các vấn đề khác quý độc giả có thể trao đổi với Ban Biên tập Nghiên cứu Chiến lược qua địa chỉ mail: [email protected]