Trung Quốc luôn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời và chưa bao giờ loại trừ việc sử dụng vũ lực để giành lại quyền kiểm soát đối với hòn đảo. Trong bối cảnh cuộc chiến Nga – Ukraine kéo dài đã khiến dư luận quốc tế quan tâm, chú ý, không chỉ bởi tính chất phức tạp trong quan hệ song phương (giữa Nga và Ukraine) và đa phương (giữa một bên là Nga, Trung Quốc với phía còn lại là Mỹ và các đồng minh), cùng quy mô lớn của cuộc chiến, mức độ tác động cũng như sự bất ổn mà cuộc xung đột này gây ra đã lan rộng trên quy mô toàn cầu. Đồng thời, kết quả của cuộc chiến này cũng liên quan trực tiếp đến định hướng, quyết tâm của giới lãnh đạo Trung Quốc trong việc có nên phát động một cuộc tấn công đối với đảo Đài Loan nhằm tái thống nhất vào thời điểm này hay không. Bài viết tập trung phân tích quan điểm của Mỹ, Trung Quốc về vấn đề Đài Loan; khả năng và biện pháp Trung Quốc “thống nhất” vùng lãnh thổ này; quan hệ Trung – Mỹ trong vấn đề Đài Loan và những tác động, hàm ý đối với Việt Nam.
Cuộc chiến tranh Nga – Ukraine vẫn tiếp diễn, chưa có dấu hiệu hòa hoãn, thậm chí ngày càng leo thang, phức tạp, khó lường, trong bối cảnh thế giới có nhiều thay đổi, gây ra những lo ngại đối với nhân dân các nước. Trong bối cảnh đó, Trung Quốc đã tranh thủ thời cơ thúc đẩy tiến trình tăng cường thực lực quân sự, tiến hành các cuộc tập trận với quy mô và tần suất lớn tại các vùng biển Đông Á, với mục tiêu chủ yếu là Đài Loan, Biển Đông, Biển Hoa Đông. Ngày 06/7/2023, trong chuyến thăm trụ sở Chiến khu Miền Đông của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình yêu cầu quân đội cần nỗ lực tập trung vào các mục tiêu kỷ niệm 100 năm thành lập PLA và chuẩn bị cho chiến tranh. Ông Tập nhấn mạnh: quân đội nên “dám chiến đấu, giỏi chiến đấu, kiên quyết bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia…Cần phải đào sâu kế hoạch chiến tranh và chiến đấu… tập trung vào huấn luyện quân sự cho tác chiến thực tế, và đẩy nhanh việc cải thiện khả năng giành chiến thắng của chúng ta”[1]. Những tuyên bố cứng rắn của lãnh đạo Trung Quốc cùng các hoạt động quân sự được PLA triển khai rầm rộ tại eo biển Đài Loan thời gian qua đã gây quan ngại về một cuộc xung đột tiềm tàng giữa hai bờ eo biển.
Một số động thái đáng chú ý gần đây của Mỹ – Trung Quốc tại khu vực eo biển Đài Loan
Các hoạt động quân sự mạnh mẽ của Trung Quốc gần đây tại khu vực eo biển Đài Loan đã dẫn đến nhiều quan ngại của cộng đồng quốc tế, cũng như những suy đoán cho rằng Trung Quốc đang có những động thái tích cực nhằm chuẩn bị cho một cuộc tấn công bất ngờ vào hòn đảo. Điều này cũng được nhấn mạnh qua hành động quân sự của các bên liên quan tại khu vực eo biển Đài Loan, cụ thể:
Về phía Đài Loan, đầu năm 2023, tướng Khâu Quốc Chính, người đứng đầu Cơ quan Phòng vệ Đài Loan nhận định “cuộc xung đột Nga-Ukraine đã mang đến những bài học lớn cho Trung Quốc. Họ chắc chắn sẽ tấn công nhanh chóng”[2]. Để chuẩn bị cho điều này, giới chức quân sự Đài Loan đã có hàng loạt biện pháp và động thái sẵn sàng nhằm chuẩn bị cho các tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Ngày 21/8/2023, lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn tuyên bố Đài Loan sẽ tăng tổng ngân sách quân sự trong năm 2023 từ 586,3 tỷ Đài tệ lên mức 606,8 tỷ Đài tệ trong năm 2024, tương đương 2,5% GDP của hòn đảo. Bà Thái nhấn mạnh, việc tăng ngân sách phản ánh quyết tâm tăng cường khả năng “phòng vệ” của Đài Loan trong lúc tiếp tục tìm kiếm “sự hỗ trợ quốc tế”[3].
Ngày 07/8/2023, Đài Loan đã quyết định tăng gấp đôi lực lượng bảo vệ yếu nhân ở Đài Bắc để đề phòng Trung Quốc thực hiện “những hành động cực đoan” nhằm vô hiệu hóa giới lãnh đạo của hòn đảo. Các lực lượng này sẽ đóng vai trò chủ chốt khi xảy ra “chiến tranh đô thị”[4], trong một kịch bản hòn đảo xảy ra xung đột quân sự để ngăn ngừa khả năng quân đội Trung Quốc có thể đổ bộ đường không xuống Đài Bắc, tập kích bất ngờ vào các cơ quan đầu não và làm tê liệt hoạt động chỉ huy, kiểm soát của hòn đảo, qua đó làm mất hiệu quả chiến đấu phòng thủ của lực lượng vũ trang Đài Loan. 5.000 cảnh sát quân sự sẽ được triển khai ở Đài Bắc từ tháng 01/2024, các tiểu đoàn cảnh sát quân sự này có trách nhiệm bảo vệ Văn phòng Tổng thống và các cơ quan chính trị quan trọng khác ở Đài Bắc. Với sự điều động tăng cường trên, đến tháng 01/2024 sẽ có tổng cộng 10.000 cảnh sát quân sự hiện diện tại Đài Bắc[5]. Hiện nay, trên toàn đảo Đài Loan có 05 tiểu đoàn cảnh sát quân sự chuyên trách bảo vệ các văn phòng, địa điểm cư trú của lãnh đạo Đài Loan cùng các lãnh đạo cấp cao khác. Lực lượng này cũng bao gồm một tiểu đoàn thiết giáp và một tiểu đoàn pháo binh. Quân đội Đài Loan cũng đang tính đến việc thành lập tiểu đoàn quân cảnh thứ sáu đóng tại phía nam Đài Bắc.
Trước đó, ngày 26/7/2023, ngày thứ ba của cuộc tập trận Hán Quang lần thứ 39 (từ 24-28/7/2023), lần đầu tiên trong lịch sử, quân đội Đài Loan đã thực hiện một cuộc tập trận đẩy lùi cuộc tấn công tiềm tàng của Trung Quốc vào sân bay quốc tế Đào Viên, thành phố Đài Bắc[6]. Qua đó kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu, phối hợp liên ngành và phản ứng khẩn cấp của các lực lượng vũ trang trong một cuộc tấn công mô phỏng của PLA. Sân bay Đào Viên là trung tâm vận tải đường không lớn nhất, có tầm quan trọng chiến lược đối với Đài Loan. Cuộc tập trận này dựa trên kinh nghiệm thực tế từ cuộc chiến tranh Ukraine năm 2022. Trong giai đoạn đầu cuộc chiến Nga – Ukraine, các sân bay là những mục tiêu chính trong các cuộc tấn công phủ đầu, việc ngăn chặn cuộc đổ bộ đường không của Lực lượng Lính dù Nga (VDV) xuống sân bay Hostomel tại ngoại ô thủ đô Kyiv có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ các cơ quan đầu não của Ukraine. Vì vậy, trong một kịch bản chiến tranh Đài Loan, sự chuẩn bị sẵn sàng để đánh bại các cuộc đổ bộ đường không được xem là yếu tố sống còn cho chiến dịch phòng thủ của Đài Loan.
Về phía Mỹ, ngày 28/7/2023, Mỹ đã công bố gói viện trợ quân sự trị giá 345 triệu USD cho Đài Loan, nhằm củng cố, nâng cao năng lực phòng thủ, nắm bắt tình hình trên nhiều vùng và khả năng phòng không của hòn đảo này. Gói viện trợ bao gồm các thiết bị tình báo, giám sát và vũ khí hạng nhẹ, sẽ được lấy từ nguồn dự trữ của Chính phủ Mỹ, giúp việc chuyển giao diễn ra nhanh hơn bình thường[7]. Người phát ngôn Lầu Năm Góc cho biết “đây là những thiết bị giúp tăng cường khả năng răn đe hiện tại và trong tương lai” cho Đài Loan. Bà Kathleen Hicks, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ cho biết “việc chuyển các kho dự trữ vũ khí đến Đài Loan ngay bây giờ, trước khi một cuộc tấn công bắt đầu, là một trong những bài học mà Mỹ đã học được từ chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine”, đồng thời nhận định “những nỗ lực tiếp tế cho Đài Loan sau khi xung đột nổ ra sẽ rất phức tạp vì đây là một hòn đảo”[8]. Trước đó, một quan chức tình báo Mỹ giấu tên ngày 12/6/2023 tiết lộ, Mỹ đã lên kịch bản sơ tán hàng chục nghìn công dân của họ tại Đài Loan trong trường hợp xảy ra xung đột ở hòn đảo, chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine đã buộc Mỹ phải cân nhắc kế hoạch sơ tán công dân tại Đài Loan bởi hòn đảo có thể trở thành điểm nóng trong bất cứ cuộc đối đầu nào giữa Mỹ và Trung Quốc[9].
Về phía Trung Quốc, hành động viện trợ vũ khí của Mỹ đã ngay lập tức vấp phải sự phản đối của Trung Quốc, Chen Binhua, phát ngôn viên của Văn phòng các vấn đề Đài Loan, Trung Quốc ngày 29/7 tuyên bố, “cho dù lực lượng ly khai Đài Loan chi bao nhiêu tiền của người dân bình thường, cho dù có bao nhiêu vũ khí của Mỹ, điều đó sẽ không làm lung lay quyết tâm của chúng tôi trong việc giải quyết vấn đề Đài Loan, hoặc làm lung lay ý chí kiên định của chúng tôi trong việc thống nhất Tổ quốc”, đồng thời nhấn mạnh “hành động của Mỹ đang biến Đài Loan thành một kho chứa thuốc súng và đạn dược, làm trầm trọng thêm nguy cơ chiến tranh ở eo biển Đài Loan”[10].
Bên cạnh những phản đối ngoại giao, những hoạt động của Trung Quốc trong một năm qua kể từ chuyến thăm của bà Nancy Pelosi đến Đài Loan đang cho thấy sự chuẩn bị kỹ lưỡng của Trung Quốc cho một cuộc tấn công chắc thắng nếu dùng binh. Cụ thể, ngày 05/4/2023, tàu sân bay Sơn Đông lần đầu tiên được cử đến Tây Thái Bình Dương để thực hiện các cuộc tập trận cất cánh và hạ cánh kéo dài gần một tháng. Trước đó, vào tháng 12/2022, tàu sân bay Liêu Ninh đã tập trận ở vùng biển phía Đông Đài Loan. Tháng 4 và tháng 5/2023, phi cơ không người lái tấn công TB001 và phi cơ không người lái trinh sát BZK-005 của PLA được quan sát là đang bay quanh vùng biển ngoài khơi bờ biển phía đông Đài Loan trước khi quay trở lại Trung Quốc đại lục. Theo Cơ quan Phòng vệ Đài Loan, tuyến đường này rất bất thường. Số lượng tiêm kích PLA được ghi nhận hiện diện ở phía đông Đài Loan cũng đã tăng mạnh kể từ tháng 3/2023. Giữa chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi cho đến tháng 2/2023, số lần nhìn thấy dao động chỉ từ 0 đến 3 ngày mỗi tháng. Tuy nhiên, kể từ tháng 3, các con số đã tăng lên đáng kể, tổng cộng là 10 ngày hồi tháng 4, 12 ngày hồi tháng 5, 6 ngày hồi tháng 6, và 12 ngày hồi tháng 7. Tần suất đó đang được duy trì theo “chiến thuật vùng xám” làm suy yếu hệ thống phòng thủ, kiệt quệ nhân lực và hao mòn các tiêm kích Đài Loan. Hạm đội phía Đông của Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLAN) đã thử nghiệm tàu đổ bộ trực thăng Type 075 (LHD) thứ ba với các cuộc thử nghiệm vũ khí ở Biển Hoa Đông. Bên cạnh hạm đội hàng trăm tàu cá dân sự, dân quân biển và một số tàu hộ tống để vận chuyển xe tăng và quân đội[11].
Gần đây nhất, Trung Quốc đã tiến hành cuộc diễn tập không quân và hải quân quy mô lớn vào hai đợt (ngày 19/8 và 25/8), để đáp trả việc Phó lãnh đạo Đài Loan Lại Thanh Đức hai lần quá cảnh tại Mỹ khi công du đến Paraguay, vào các ngày 12 và 16/8/2023. Trong cuộc tập trận diễn ra ngày 19/8/2023, Bộ Tư lệnh Chiến khu phía Đông Trung Quốc đã tổ chức một cuộc tập trận bao vây toàn diện Đài Loan từ ba hướng, gây đứt đoạn các kết nối của Đài Loan đến hai đồng minh quân sự Nhật Bản và Philippines. Cuộc tập trận đã ghi nhận tổng cộng 42 máy bay chiến đấu và 8 tàu chiến của Chiến khu phía Đông Trung Quốc tham gia. Trong đó có 27 lượt máy bay chiến đấu Su-30 và J-11 đã vượt qua đường trung tuyến ở eo biển Đài Loan, phong tỏa tuyến đường kết nối lên Nhật Bản ở phía bắc và xuống Philippines ở phía tây nam[12], đột phá hệ thống phòng tuyến “khóa” tuyến đường hướng ra Thái Bình Dương của Trung Quốc do Mỹ và đồng minh thiết lập. Cuộc tập trận này có 04 mục đích chính: (i) làm suy giảm chủ trương tăng cường gắn kết quốc phòng với Mỹ để tạo thế cân bằng quân sự với Trung Quốc trong các chiến dịch vận động tranh cử của các ứng cử viên Đảng Dân tiến (DPP). (ii) Cắt đứt nguồn cung năng lượng vốn đang thiếu hụt của Đài Loan (do các cảng biển lớn của Đài Loan đều nằm ở phía tây và 97% năng lượng hòn đảo phụ thuộc nhập khẩu). (iii) Gây ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động xuất nhập khẩu tới cảng Cao Hùng, cảng lớn nhất của Đài Loan. (iv) Định hình chiến thuật phong tỏa đứt đoạn, gây ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng phòng vệ tập thể của Mỹ tại chuỗi đảo thứ nhất nói chung và các thế mạnh về thương mại – năng lượng của Đài Loan nói riêng. Trong cuộc tập trận diễn ra ngày 25/8/2023, Cơ quan Phòng vệ Đài Loan phát hiện 22 máy bay Trung Quốc, bao gồm tiêm kích, máy bay thả bom, máy bay cảnh báo sớm và UAV hiện diện tại khu vực eo biển Đài Lan. Đến sáng 29/8, Cơ quan Phòng vệ Đài Loan phát hiện 12 máy bay, trong đó có 7 chiếc đã vượt qua đường trung tuyến eo biển Đài Loan, gồm 6 tiêm kích J-10 và một máy bay không người lái (UAV) xuất hiện trong vùng nhận dạng phòng không (ADIZ), cùng 05 tàu Trung Quốc đang thực hiện “các cuộc tuần tra chiến đấu” nhưng không công bố địa điểm cụ thể.
Đánh giá về vấn đề này, ông Quách Dục Nhân, Giám đốc Viện Nghiên cứu Chính sách Đài Loan cho rằng “sự gia tăng mạnh mẽ số lượng máy bay quân sự Trung Quốc bay quanh Đài Loan cho thấy Trung Quốc đang ở giai đoạn huy động cho một cuộc tấn công ngay lập tức vào đảo Đài Loan bất cứ khi nào cần thiết. Nếu cần, các cuộc tập trận quân sự thường xuyên có thể được mở rộng thành một chiến dịch thực tế nhằm phong tỏa hòn đảo”[13]. Đại tá Manning Montagnet, cựu Chỉ huy trưởng Căn cứ không lực Atsugi Hải quân Mỹ tại Nhật Bản ngày 24/8/2023 cảnh báo: Những nỗ lực răn đe quân sự để bảo vệ trật tự quốc tế ở khu vực Tây Thái Bình Dương được cho là không hiệu quả vì khu vực này đang bước vào “thời kỳ nguy hiểm đáng kinh ngạc”, Mỹ và các đồng minh hiện đang phải đối mặt với “các chế độ độc tài và toàn trị” trong khu vực đặt ra, khiến cho “trật tự quốc tế dựa vào luật lệ đang bị tấn công trực tiếp”[14].
Quan điểm của Mỹ, Trung về vấn đề Đài Loan
Đối với Mỹ, trong vấn đề Đài Loan, Mỹ chủ trương tiếp tục duy trì được trạng thái “độc lập trên thực tế” của Đài Loan, tiếp tục duy trì chính sách “một nước Trung Quốc”, nhưng phản đối Trung Quốc sử dụng vũ lực đối với Đài Loan, ủng hộ Đài Loan phòng thủ bằng nhiều biện pháp, nhất là cung cấp vũ khí và các thiết bị quân sự “có tính năng phòng thủ”. Việc ngăn chặn Trung Quốc giành được độc lập chủ quyền với Đài Loan sẽ tạo ra bước đột phá chiến lược vô cùng quan trọng trong cạnh tranh chiến lược Trung – Mỹ tại khu vực Đông Á, từ đó tác động quan trọng tới đối sánh lực lượng của hai bên trên phạm vi toàn cầu.
Đối với Trung Quốc, trong vấn đề Đài Loan, quan điểm phổ biến ở Trung Quốc là không thể kéo dài tình trạng Đài Loan bị chia cắt khỏi Đại lục từ thế hệ này sang thế hệ khác. Ở thời điểm hiện nay, trong vấn đề Đài Loan, “thế và lực đã thuộc về chúng ta (Trung Quốc)”, Bắc Kinh cần chủ động trong việc giải quyết vấn đề. Nhưng cũng có ý kiến rằng “Chiến tranh Nga-Ukraine gợi ý cho Trung Quốc: Giải quyết vấn đề Đài Loan không thể nóng vội…Một khi Đại lục đã đủ mạnh, hai bờ eo biển Đài Loan sẽ hy vọng đạt được sự thống nhất hòa bình[15], việc Trung Quốc giành được chủ quyền, thống nhất Đài Loan sẽ tạo ra bước nhảy vọt về kinh tế, khoa học công nghệ, nâng cao được vị thế và uy tín của đảng và nhà nước đối với cộng đồng dân tộc, mở đường làm chủ Biển Hoa Đông và Biển Đông, phá vỡ thế bao vây của Mỹ, tiến ra Thái Bình Dương, làm chủ châu Á, thực hiện giấc mộng “phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa”, thay Mỹ đóng vai trò “lãnh tụ thế giới”. Vì lẽ trên, vấn đề Đài Loan trở thành khâu “then chốt” trong quan hệ Trung – Mỹ hơn 70 năm qua, và hiện đang trở thành điểm nóng căng thẳng, ẩn chứa nguy cơ xung đột rất nghiêm trọng trong quan hệ Trung – Mỹ.
Từ cuộc chiến Nga – Ukraine liên hệ tới vấn đề Đài Loan
Cuộc chiến Nga – Ukraine hiện nay, hay vấn đề Trung Quốc thu hồi đảo Đài Loan thực chất đều là cuộc đọ sức giữa Nga – Mỹ và Trung – Mỹ. Tác động của cuộc xung đột Nga – Ukraine cũng trực tiếp ảnh hưởng đến Trung Quốc từ nhiều mặt. Có những bình luận quốc tế cho rằng “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga sẽ “truyền cảm hứng” cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong việc quyết đoán mở cuộc tấn công giải phóng Đài Loan trong thời gian gần, thậm chí là trong năm 2023[16]. Trước cuộc chiến Ukraine cũng có dư luận cho rằng Trung Quốc có thể mở cuộc tấn công giải phóng Đài Loan vào năm 2027, là năm Trung Quốc hoàn thành chương trình cải cách, xây dựng quân đội và quốc phòng theo mục tiêu phấn đấu “100 năm quân đội nhân dân Trung Quốc” (1927-2027). Một số nhà bình luận dự báo khoảng thời gian đó Trung Quốc sẽ vượt Mỹ về GDP[17] và một số kỹ thuật quân sự hiện đại (ví như vũ khí “siêu vượt âm”…)[18]. Cũng có những ý kiến cho rằng Trung Quốc rất kiên quyết nhưng cũng rất thận trọng trong vấn đề Đài Loan, luôn chủ trương kết hợp hai mục tiêu “thống nhất tổ quốc” và “hiện đại hóa Xã hội chủ nghĩa”. Điều này đã được đề cập rõ trong nội dung “Báo cáo chính trị Đại hội XX Đảng Cộng sản Trung Quốc” (công bố ngày 16/10/2022)[19] và sách trắng “Vấn đề Đài Loan và sự nghiệp thống nhất Trung Quốc thời đại mới” (công bố ngày 10/8/2022)[20], qua đó thể hiện quan điểm không để chiến tranh lớn xảy ra phá hoại công cuộc xây dựng “hiện đại hóa Xã hội chủ nghĩa”, điều sẽ đẩy lùi Trung Quốc trong cuộc chạy đua cạnh tranh vị thế đứng đầu thế giới với Mỹ.
Cuộc chiến Ukraine đến thời điểm tháng 9/2023 vẫn chưa dẫn đến hiệp định đình chiến hoặc hòa ước. Nhưng một nền “trung lập” mà Ukraine bắt buộc phải cam kết (là không gia nhập NATO, nhưng vẫn tìm kiếm liên kết an ninh với từng nước khác) – nếu có, vẫn là một nền an ninh không bền vững. Và khả năng Ukraine thừa nhận chủ quyền của Nga đối với Crimea và công nhận 4 tỉnh Donetsk, Lugansk, Kherson, Zaporizhia thuộc Nga “hậu xung đột” sẽ khó giải quyết được, ít nhất là trong bối cảnh hiện nay. Cuộc chiến tranh đã tàn phá đất nước Ukraine, trong khi Nga sẽ chịu tổn thất không nhỏ về kinh tế và ngoại giao. Quốc gia được lợi hiện nay chủ yếu là Mỹ. Phân tích một cách toàn diện, cuộc chiến Ukraine cũng dẫn đến những hậu quả bất lợi cho Trung Quốc, trong đó có vấn đề Mỹ đã lợi dụng tình hình hiện nay để thắt chặt củng cố quan hệ đồng minh và ảnh hưởng với các đối tác không những ở châu Âu mà cả ở châu Á và cả trên thế giới. Trong tình hình đó, không phải Trung Quốc không tính đến trong trường hợp chuẩn bị tấn công Đài Loan. Do vậy, khả năng Trung Quốc thừa cơ Nga leo thang tấn công Ukraine mà lập tức mở cuộc tấn công Đài Loan trong năm nay rất nhỏ, hầu như là không thể. Mặc dù máy bay, tàu chiến Mỹ và Trung Quốc đã có sự tăng cường hoạt động, cũng như tiến hành nhiều cuộc tập trận ở các vùng biển khu vực Đông Á khi chiến sự vẫn đang diễn ra ác liệt ở Ukraine, điều này đã đặt ra nghi vấn đối với giới quan sát, cho rằng Trung Quốc sẽ lợi dụng sự tập trung của cộng đồng quốc tế vào vấn đề xung đột leo thang tại châu Âu nhằm tiến hành cuộc tấn công, tập kích bất ngờ vào đảo Đài Loan thông qua một cuộc tập trận giả định để “thống nhất tổ quốc” và Mỹ đang nỗ lực ngăn chặn ý đồ đó. Tuy nhiên, trên thực tế, đây chỉ là các động thái nhằm phô trương lực lượng của các bên và thể hiện quyết tâm sẵn sàng tác chiến trên cả hai mặt trận Đông – Tây của Mỹ trước Trung Quốc. Có thể nói, cục diện khu vực sẽ không vì tình hình căng thẳng hiện nay mà dẫn đến khả năng Trung Quốc mở cuộc tấn công quyết định đối với Đài Loan trong năm 2023.
Về những kịch bản Trung Quốc có thể thực hiện nhằm “thống nhất Đài Loan”
Trong thời gian tới, liệu Trung Quốc có thể thống nhất Đài Loan bằng biện pháp hòa bình hay buộc phải sử dụng vũ lực? Trong trường hợp Trung Quốc tấn công Đài Loan, liệu Mỹ có “trực tiếp tham chiến” hay chỉ viện trợ vũ khí và tài chính như đối với Ukraine hiện nay? Liệu đến bao giờ thì mâu thuẫn Trung – Mỹ về vấn đề Đài Loan đến chín muồi và xuất hiện thời cơ giải quyết bằng biện pháp hòa bình hay bùng nổ chiến tranh? Đó là những câu hỏi đặt ra cho các nhà chiến lược ba bên: Trung Quốc, Mỹ, Đài Loan, đồng thời là những vấn đề được phần còn lại của thế giới quan tâm. Có thể dự đoán 3 kịch bản (khả năng) Trung Quốc giải quyết vấn đề “thống nhất Đài Loan”. Trước hết có thể khẳng định rằng: Trung Quốc nhất định sẽ thực hiện việc thống nhất Đài Loan, vấn đề là thực hiện bằng phương thức nào, ở thời điểm nào, và sẽ phải chấp nhận trả giá ra sao?
1. Thống nhất Đài Loan một cách hòa bình. Bằng giải pháp kết hợp các nỗ lực về kinh tế, chính trị, văn hóa, Trung Quốc đạt được đồng thuận với Đài Loan về một hình thức “thống nhất tổ quốc” bằng một biện pháp nào đó. Ví dụ như “một nước hai chế độ”, “nhà nước liên bang”…
2. Thống nhất bằng tấn công quân sự tổng lực. Chiến tranh quy mô lớn sẽ bùng nổ. Quân đội Mỹ, Nhật và các đồng minh khác sẽ không trực tiếp tham chiến, nhưng sẽ toàn lực cung cấp vũ khí, hậu cần, hỗ trợ Đài Loan chống trả Trung Quốc “đến người Đài Loan cuối cùng” tương tự như những gì đang diễn ra trong cuộc xung đột Nga – Ukraine hiện nay. Mỹ sẽ thông qua Đài Loan nhằm tiến hành một cuộc chiến tranh tiêu hao với Trung Quốc đại lục, khiến sức mạnh tổng thể của Trung Quốc suy yếu, không đủ khả năng cạnh tranh vị thế siêu cường với Mỹ, buộc Bắc Kinh phải thực hiện cuộc chiến tranh hủy diệt nhằm nhanh chóng kết thúc cuộc chiến.
3. Thống nhất bằng biện pháp phối hợp các giải pháp quân sự, chính trị, ngoại giao. Quân sự ở đây có thể là uy hiếp quân sự, hoặc một hình thái tác chiến đạt hiệu quả nhưng không hoặc ít gây hủy diệt về sinh mạng, tài sản. Chính trị là lôi kéo các thế lực chính trị ở Đài Loan chấp nhận hoặc trung lập đối với chính sách của Trung Quốc. Văn hóa là cổ vũ tinh thần, tình cảm dân tộc Trung Hoa ở Đài Loan cùng đồng bào dân tộc cả nước “phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa”…
Trong 3 kịch bản này, kịch bản thứ nhất khó có khả năng diễn ra, kịch bản thứ hai không thể loại trừ, kịch bản thứ ba có khả năng hiện thực nhất, và cũng là hướng nỗ lực của giới lãnh đạo Trung Quốc hiện nay.
Quan hệ Mỹ – Trung về vấn đề Đài Loan
Trong vấn đề Đài Loan, mấu chốt của mâu thuẫn Trung – Mỹ là phương thức giải quyết vấn đề – vũ lực hay hòa bình trong “Thông cáo chung Thượng Hải” năm 1972; trong “Thông cáo chung về thiết lập quan hệ ngoại giao Trung – Mỹ” tháng 12/1978 (chính thức từ ngày 01/01/1979); cũng như trong “Thông cáo chung Trung – Mỹ ngày 17/8/1982” vấn đề đó vẫn không giải quyết được. Từ đó đến nay đã 50 năm, giải quyết vấn đề Đài Loan bằng bạo lực hay hòa bình chẳng những không thể giải quyết được mà đang trở thành cái cớ để hai bên Trung – Mỹ đối địch, xung đột, thậm chí dẫn đến nguy cơ Chiến tranh Lạnh. Trong Chiến tranh Lạnh, vì để tập trung nỗ lực chung chống Liên Xô, hai bên Trung – Mỹ đã phải tạm gác mâu thuẫn gay gắt về việc giải quyết vấn đề Đài Loan như thế nào. Thậm chí trong cuộc tiếp Kissinger, Mao Trạch Đông nói rằng “vấn đề quốc tế lớn, vấn đề Đài Loan nhỏ”[21]. Trong 3 văn kiện nói trên, hai bên đều thống nhất “Đài Loan là một bộ phận của Trung Quốc”, nhưng giải quyết vấn đề Đài Loan như thế nào, thì mỗi bên thể hiện lập trường riêng của mình. Hiện nay, cả hai bên Trung – Mỹ đều tuyên bố tôn trọng cả ba văn kiện thỏa thuận nói trên, làm cơ sở cho việc xử lý quan hệ giữa hai nước. Nhưng mỗi bên đều giải thích nội dung của các văn kiện trên theo mỗi cách khác nhau, thể hiện lập trường của mình đối với vấn đề phương thức giải quyết vấn đề Đài Loan.
Lập trường nhất quán của Trung Quốc sau khi chuyển sang cải cách mở cửa (1979) tới nay là “tranh thủ hòa bình thống nhất tổ quốc” nhưng vẫn bảo lưu quyền sử dụng bạo lực để giải phóng Đài Loan khi cần thiết. Lập trường của Mỹ là Trung Quốc phải “giải quyết vấn đề Đài Loan” (chứ không dùng từ “thống nhất hai bờ eo biển”) bằng biện pháp hòa bình. Mỹ kiên quyết phản đối Trung Quốc tấn công quân sự “xâm chiếm” Đài Loan. Thực chất vấn đề là Mỹ không mong muốn Trung Quốc thống nhất, tin rằng Trung Quốc không thể “hòa bình thống nhất” Đài Loan và sẵn sàng can thiệp nếu Trung Quốc tấn công quân sự đánh chiếm Đài Loan. Trung Quốc đã nỗ lực hết mức để “hòa bình thống nhất” Đài Loan và được vậy thì không gì tốt bằng. Nhưng trên thực tế, đó là điều rất khó thực hiện, trong khi việc “thực hiện sứ mệnh thiêng liêng thống nhất hai bờ” ngày càng trở nên cấp thiết, khi Trung Quốc đã “từ đứng lên – giàu lên – mạnh lên”, việc giải quyết vấn đề Đài Loan không thể “kéo dài từ thế hệ này sang thế hệ khác” (như Tập Cận Bình đã từng nói). Đó là lý do trong thời gian vừa qua quan hệ Trung – Mỹ gia tăng căng thẳng và Đài Loan đã trở thành điểm nóng tiềm ẩn nguy cơ bùng nổ xung đột, thậm chí chiến tranh nguy hiểm nhất trong khu vực.
Những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam
1. Trật tự thế giới đang chuyển sang hướng đa cực, và ba cực Mỹ, Trung, Nga, đã hiện rõ. Đối với vấn đề Đài Loan trong cạnh tranh tổng thể Mỹ – Trung, hai bên vẫn trong trạng thái “mơ hồ chiến lược”. Nhưng triển vọng của cuộc cạnh tranh không ngoài ba khả năng. Một là, Trung Quốc thực hiện được hòa bình thống nhất Đài Loan. Hai là, Trung Quốc đe dọa sử dụng vũ lực thống nhất được Đài Loan mà không dẫn tới chiến tranh Trung – Mỹ. Ba là, vấn đề Đài Loan dẫn đến chiến tranh Trung – Mỹ. Trong cả ba trường hợp đó Việt Nam đều bị ảnh hưởng và cần có sự chuẩn bị ứng phó.
2. Cuộc chiến Ukraine đã khiến cho thế lực của Mỹ và phương Tây (gồm Mỹ, G7, NATO, EU) lấn át thế lực của Nga – Trung trong việc xử lý các vấn đề quốc tế. Nga đang gặp nhiều thách thức về kinh tế và chính trị trên trường quốc tế khiến Mỹ và phương Tây tập trung hơn vào việc tập hợp lực lượng tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, chuẩn bị cho một cuộc đối đầu quyết định giữa một bên là Trung Quốc (một siêu cường mong muốn giành vai trò lãnh đạo thế giới) với Mỹ (một siêu cường đang nỗ lực để giữ và củng cố vai trò lãnh đạo thế giới). Trong bối cảnh đó, Trung Quốc không còn lựa chọn nào khác là phải “vượt Mỹ”, đây là mục tiêu phải đạt được, “nếu không vượt được Mỹ, Trung Quốc sẽ bị tước cầu tịch”[22], có nghĩa là bị gạt ra ngoài thế giới. Trước diễn biến trên, dù tình hình thay đổi như thế nào, Việt Nam cần kiên định lập trường độc lập tự chủ trong ứng xử với Trung – Mỹ.
3. Thắng bại của các bên tại Ukraine sẽ tác động mạnh mẽ và sâu xa đến quan hệ quốc tế tại khu vực Âu – Á. Có thể chắc chắn rằng sau khi cuộc xung đột Ukraine tạm thời kết thúc, Mỹ và NATO sẽ chuyển trọng tâm sang khu vực châu Á – Thái Bình Dương, vốn là địa bàn cạnh tranh quyết liệt giữa Mỹ và Trung Quốc về “vai trò lãnh đạo thế giới”. Thắng bại của các bên tại Đài Loan sẽ tác động mạnh mẽ và sâu xa tới quan hệ quốc tế tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, rộng hơn là khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
4. Đụng độ quân sự ở Đài Loan trong tương lai có thể không dẫn đến chiến tranh thế giới, nhưng rất có khả năng lan ra các nơi khác ở Biển Hoa Đông và Biển Đông. Trung Quốc có khả năng sẽ thừa cơ tấn công đánh chiếm quần đảo Senkaku và vùng biển xung quanh hiện thuộc quyền quản lý của Nhật Bản. Đây là lý do tại sao chính phủ Nhật Bản đã thực hiện các bước để tăng cường khả năng phòng thủ của mình, bao gồm cả việc triển khai các đơn vị tên lửa của Lực lượng Phòng vệ tới Quần đảo Nansei, nhằm ngăn chặn các âm mưu của Trung Quốc trong khu vực[23]. Trong trường hợp đó, Việt Nam phải có sự chuẩn bị cho tình huống xấu nhất có thể xảy ra tại khu vực Biển Đông.
5. Đường lối cũng như chính sách của Việt Nam cần kiên định mục tiêu giữ vững hòa bình, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, hợp tác với các nước để phát triển, kết hợp với đường lối ngoại giao khoa học, đúng đắn, phương thức ngoại giao linh hoạt, khôn khéo. Về vấn đề này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài phát biểu tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc (ngày 14/12/2021) đã nhắc lại lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Trong hoạt động đối ngoại “phải nhìn cho rộng, suy cho kỹ” để biết mình biết người, luôn làm chủ tình thế; hiểu rõ vị trí chiến lược của Việt Nam trong mối quan hệ với các nước lớn. Người đặc biệt coi trọng xử lý khéo léo quan hệ với các nước, nhất là các nước láng giềng và các nước lớn, luôn chủ trương tôn trọng và giữ thể diện cho nước lớn, luôn phải biết mình biết người, biết thời biết thế, để “cương nhu kết hợp” vì lợi ích tối cao của quốc gia, dân tộc”[24].
Việt Nam duy trì lập trường nhất quán “trước sau như một” đối với những căng thẳng leo thang tại eo biển Đài Loan: không ủng hộ xảy ra xung đột quân sự, tích cực kêu gọi các bên liên quan hết sức kiềm chế, tránh những động thái gây bất ổn cho tình hình chính trị thế giới, ảnh hưởng xấu đến hòa bình, ổn định toàn cầu, đe dọa nghiêm trọng đến sinh mệnh của binh lính và người dân vô tội ở các nơi xảy ra xung đột. Thái độ và lập trường của Việt Nam trong ứng xử với quan hệ Trung – Mỹ là “không chọn bên”. Nhưng lập trường “không chọn bên” của Việt Nam khác với chính sách “trung lập” truyền thống trong quan hệ quốc tế, cũng khác với chính sách “không chọn bên” của nhiều nước hiện nay trong ứng xử với 02 cường quốc Trung, Mỹ. Điều này đã được thể hiện rõ trong bài phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS): “Việt Nam không chọn bên, mà chọn chính nghĩa, sự công bằng, công lý và lẽ phải trên cơ sở các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, Hiến chương LHQ; bình đẳng, tất cả cùng có lợi, tất cả cùng thắng”. (Thủ tướng đã nói rõ hơn: “giữa độc lập và phụ thuộc, chúng tôi luôn chọn độc lập với tinh thần “không có gì quý hơn độc lập tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh; giữa thương lượng và đối đầu, chúng tôi chọn thương lượng; giữa đối thoại và xung đột, chúng tôi chọn đối thoại; giữa hoà bình và chiến tranh, chúng tôi chọn hoà bình; giữa hợp tác và cạnh tranh, chúng tôi chọn hợp tác và nếu cạnh tranh thì phải lành mạnh, bình đẳng, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhau”)[25]. Đó là cách thể hiện sáng tạo, rõ ràng, đầy thuyết phục thái độ và lập trường của Việt Nam trong ứng xử với các nước lớn. Có thể khẳng định, không phải nước nào cũng có thể tuyên bố một cách thiện chí và thẳng thắn như vậy.
Đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đã có đường lối đối ngoại phù hợp trong việc xử lý các vấn đề liên quan đến quan hệ Trung – Mỹ. Trong tương lai, tình hình có thể có những diễn biến rất phức tạp, nhưng Việt Nam cần kiên định những nguyên tắc cơ bản của đường lối đó, đồng thời vận dụng sáng tạo, khéo léo trong từng tình huống cụ thể, nhưng không bao giờ rời bỏ nguyên tắc độc lập, tự chủ, ngả về bên nào trong quan hệ quốc tế./.
Tác giả: Phạm Lưu Bình
Mọi trao đổi học thuật, liên hệ cộng tác cũng như các vấn đề khác, quý độc giả có thể gửi về Ban Biên tập qua địa chỉ: [email protected]
[1]. Văn Khoa, 2023, Chủ tịch Tập Cận Bình nói gì khi thăm Chiến khu Đông bộ?, https://thanhnien.vn/chu-tich-tap-can-binh-noi-gi-khi-tham-chien-khu-dong-bo-185230706200309968.htm, truy cập ngày 06/07/2023.
[2]. Thụy Miên, 2023, Đài Loan nói Trung Quốc đang rút kinh nghiệm từ chiến sự Ukraine, https://thanhnien.vn/dai-loan-noi-trung-quoc-dang-rut-kinh-nghiem-tu-chien-su-ukraine-185230224104233785.htm, truy cập ngày 24/02/2023.
[3]. Duy Linh, 2023, Đài Loan tăng ngân sách kỷ lục cho lực lượng phòng vệ, https://tuoitre.vn/dai-loan-tang-ngan-sach-ky-luc-cho-luc-luong-phong-ve-20230821212102783.htm, truy cập ngày 21/08/2023.
[4]. Mạng Đài Loan Trung Quốc, 2023, 台媒:防蔡英文被“斩首” 蔡“护卫队”翻倍扩编至1.1万人 (Tạm dịch: Để đề phòng Thái Anh Văn bị “trảm thủ“, “đội cận vệ” của bà Thái đã tăng gấp đôi, lên 11.000 người), http://www.taiwan.cn/taiwan/jsxw/202308/t20230808_12557516.htm, truy cập ngày 08/08/2023.
[5]. Taiwannews, 2023, Taiwan to station 5,000 more troops in Taipei to boost ‘decapitation resistance’ (Đài Loan bố trí thêm 5.000 quân tại Đài Bắc để tăng cường ‘chống chiến dịch chặt đầu’), https://www.taiwannews.com.tw/en/news/4964710 , truy cập ngày 07/08/2023.
[6]. Văn Khoa, 2023, Đài Loan lần đầu diễn tập quân sự tại sân bay Đào Viên, https://thanhnien.vn/dai-loan-lan-dau-dien-tap-quan-su-tai-san-bay-dao-vien-185230726205548677.htm, truy cập ngày 26/07/2023.
[7]. Bình Giang, 2023, Mỹ công bố gói viện trợ quân sự 345 triệu USD cho Đài Loan (Trung Quốc), https://tienphong.vn/my-cong-bo-goi-vien-tro-quan-su-345-trieu-usd-cho-dai-loan-trung-quoc-post1555730.tpo, truy cập ngày 29/07/2023.
[8]. Apnews, 2023, US announces $345 million military aid package for Taiwan (Mỹ công bố gói viện trợ quân sự 345 triệu USD cho Đài Loan), https://apnews.com/article/taiwan-military-aid-china-support-06e61a0e0ed787ea120f839ef59885fa, truy cập ngày 30/07/2023.
[9]. Minh Phương, 2023, Mỹ có thể đã lên kịch bản sơ tán công dân khỏi Đài Loan, https://dantri.com.vn/the-gioi/my-co-the-da-len-kich-ban-so-tan-cong-dan-khoi-dai-loan-20230613081844552.htm, truy cập ngày 13/06/2023.
[10]. Politico, 2023, China says U.S. military aid to Taiwan will not deter its will to unify the island ( Trung Quốc nói rằng viện trợ quân sự của Mỹ cho Đài Loan sẽ không ngăn cản ý chí thống nhất hòn đảo của họ), https://www.politico.com/news/2023/07/30/china-says-u-s-military-aid-to-taiwan-will-not-deter-its-will-to-unify-the-island-00108889, truy cập ngày 07/30/2023.
[11]. Parth Satam, 2023, China Gets Ready to SWALLOW Taiwan; Military Drills Around Island Can Turn Into Attack (Tạm dịch: Trung Quốc sẵn sàng “nuốt chửng” Đài Loan; Các cuộc tập trận quân sự quanh đảo có thể biến thành tấn công), https://www.eurasiantimes.com/china-gets-ready-to-swallow-taiwan-military-drills-around/, truy cập ngày 04/8/2023.
[12]. Lục Minh Tuấn, 2023, Eo biển Đài Loan: Nước cờ cũ, diễn biến mới, https://tuoitre.vn/eo-bien-dai-loan-nuoc-co-cu-dien-bien-moi-20230821075934895.htm, truy cập ngày 21/08/2023.
[13]. Parth Satam, 2023, China Gets Ready to SWALLOW Taiwan; Military Drills Around Island Can Turn Into Attack (Tạm dịch: Trung Quốc sẵn sàng “nuốt chửng” Đài Loan; Các cuộc tập trận quân sự quanh đảo có thể biến thành tấn công), TLĐD.
[14]. Alex wilson, 2023, US, allies are in ‘amazingly dangerous times,’ says outgoing Navy commander in Japan (Tư lệnh Hải quân sắp mãn nhiệm tại Nhật Bản: Mỹ và đồng minh đang ở trong ‘thời kỳ cực kỳ nguy hiểm’), https://www.stripes.com/theaters/asia_pacific/2023-08-24/navy-atsugi-japan-new-commander-11144236.html, truy cập ngày 24/8/2023.
[15]. Trang mạng Đa chiều (Hồng Kông), chuyển trích từ Tài liệu tham khảo đặc biệt cùa TTXVN, ngày 05/5/2022.
[16]. Kỷ Hân, 2021, Học giả Đài Loan lo ngại viễn cảnh bị ĐCSTQ tấn công năm 2023, https://trithucvn.org/the-gioi/hoc-gia-dai-loan-lo-ngai-vien-canh-bi-dcstq-tan-cong-nam-2023.html, truy cập ngày 10/03/2021.
[17]. Diệp Anh, 2010, Kinh tế Trung Quốc bao giờ “soán ngôi” Mỹ?, https://vneconomy.vn/kinh-te-trung-quoc-bao-gio-soan-ngoi-my.htm, truy cập ngày 22/12/2010.
[18]. Phạm Nghĩa, 2020, Trung Quốc đặt mục tiêu “ngang hàng quân đội Mỹ” vào năm 2027, https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/trung-quoc-dat-muc-tieu-ngang-hang-quan-doi-my-vao-nam-2027-2020110207170922.htm, truy cập ngày 02/11/2020.
[19]. Nguyễn Thị Hạ, Đại hội XX và một số điểm nhấn mới về định hướng kinh tế của Trung Quốc, https://vneconomy.vn/dai-hoi-xx-va-mot-so-diem-nhan-moi-ve-dinh-huong-kinh-te-cua-trung-quoc.htm, truy cập ngày 07/11/2022.
[20]. Bình An, 2022, Trung Quốc ra sách trắng về Đài Loan sau 20 năm, đề xuất ‘một quốc gia, hai chế độ’, https://tuoitre.vn/trung-quoc-ra-sach-trang-ve-dai-loan-sau-20-nam-de-xuat-mot-quoc-gia-hai-che-do-20220810154836696.htm, truy cập ngày 10/08/2022.
[21]. Mạng Ifeng, 2007, 毛泽东对话基辛格:“台湾事小,世界事大” (Mao Trạch Đông đối thoại với Kissinger: “Đài Loan là chuyện nhỏ, thế giới là chuyện lớn”), https://news.ifeng.com/history/1/200709/0912_335_222544_4.shtml, truy cập ngày 12/9/2007.
[22]. Lưu Minh Phúc, 2010, “中国梦: 后美国时代的大国思维与战略定位” (Giấc mơ Trung Quốc: Tư duy nước lớn và định vị chiến lược trong thời đại hậu Mỹ), Nhxb Hữu nghị, Bắc Kinh, trang 18.
[23]. Japannews, 2023, Why Japan Should Be Vigilant on China’s Intentions Toward Okinawa (Tạm dịch: Tại sao Nhật Bản nên cảnh giác với ý định của Trung Quốc đối với Okinawa), https://japannews.yomiuri.co.jp/editorial/political-pulse/20230729-125975/, truy cập ngày 29/7/2023.
[24]. Nguyễn Huy Quý, 2022, Quan hệ Trung – Mỹ năm 2021, Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc số 02 (246), trang 35.
[25]. Vietnamplus, 2022, Toàn văn bài phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại CSIS Hoa Kỳ, https://www.vietnamplus.vn/toan-van-bai-phat-bieu-cua-thu-tuong-pham-minh-chinh-tai-csis-hoa-ky/789684.vnp, truy cập ngày 12/05/2022.