Một năm sau cuộc chiến ở Ukraine, Trung Quốc cuối cùng đã công bố lập trường chính thức của mình bằng bản kế hoạch 12 điểm, trong đó đề xuất khuôn khổ giải pháp chính trị cho cuộc xung đột. Tài liệu này là một danh sách dài các luận điệu quen thuộc của Trung Quốc về chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga. Nó lặp lại sự ủng hộ của Bắc Kinh đối với Hiến chương Liên Hợp Quốc và sự toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, đồng thời lên án các biện pháp trừng phạt đơn phương và chỉ trích việc mở rộng các liên minh quân sự do Mỹ lãnh đạo.
Những người mong đợi một lộ trình hòa bình cho Ukraine chắc chắn đã thất vọng. Tuy nhiên, các tác giả Trung Quốc khi viết bản kế hoạch này không có tham vọng trên và chắc chắn không có ý định để Bắc Kinh bị lôi kéo sâu hơn nữa vào cuộc xung đột. Kế hoạch 12 điểm bác bỏ những cáo buộc của phương Tây rằng Trung Quốc đã âm thầm đồng lõa với Nga và nỗ lực củng cố hình ảnh của Trung Quốc như một cường quốc có trách nhiệm trong mắt các nước đang phát triển.
Những phác thảo của bản kế hoạch đã được Vương Nghị, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc và hiện tại là cố vấn chính sách đối ngoại trong Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, tiết lộ trong bài phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich, tạo ra những kỳ vọng nhất định trong cộng đồng quốc tế. Nhưng tài liệu được công bố lại gây thất vọng vì thiếu những giải pháp cụ thể cho các vấn đề nóng bỏng như làm thế nào để xử lý tranh chấp lãnh thổ giữa Kiev và Moskva hay đảm bảo an ninh cho Ukraine. Hơn nữa, ngôn ngữ sử dụng trong bản kế hoạch không ràng buộc bất cứ ai với bất kỳ điều gì, kể cả Bắc Kinh. Nhưng trên thực tế, nó lại phù hợp với quan điểm của Trung Quốc về cuộc chiến ở Ukraine.
Chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine là một bất ngờ đối với Trung Quốc. Như năm 2014 khi xung đột ở Ukraine bắt đầu (và năm 2008 trong cuộc chiến Nga-Gruzia), Trung Quốc đã đưa ra một lập trường hết sức thận trọng và mơ hồ. Một mặt, Bắc Kinh ngay lập tức ra mặt ủng hộ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, sau đó kêu gọi các bên chấm dứt xung đột. Mặt khác, các nhà ngoại giao Trung Quốc lặp đi lặp lại nội dung trong tuyên bố chung ngày 04/02/2022 giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình. Theo đó, họ đổ lỗi cho việc mở rộng của NATO và sự coi thường của phương Tây đối với các yêu cầu an ninh của Nga đã làm bùng nổ cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Đồng thời, Trung Quốc tiếp tục lên án các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga, trong khi nước này vẫn tuân thủ nghiêm ngặt các lệnh trừng phạt đó.
Những toan tính nước đôi này phải ánh những lợi ích đa dạng và phức tạp của Trung Quốc. Bắc Kinh tự coi mình là người đấu tranh cho nguyên tắc toàn vẹn lãnh thổ và dành ưu tiên của họ cho quyền tự quyết của các dân tộc, song lại tỏ ra rất nhạy cảm không chỉ đối với vấn đề Đài Loan mà cả những phong trào ly khai trong nước.
Tuy nhiên, phát triển quan hệ đối tác chiến lược với Nga có ý nghĩa to lớn đối với Trung Quốc khi mà đường biên giới chung giữa hai nước vốn rất dài và hiện đã không còn tranh chấp, hai nền kinh tế có tính bổ trợ cho nhau và Nga ngày nay là nguồn cung cấp hàng hóa cũng như một số vũ khí tiên tiến (như máy bay chiến đấu Su-35 và hệ thống tên lửa đất đối không S-400) cho Trung Quốc. Đối với Bắc Kinh, một kịch bản trong đó thất bại toàn diện của Nga ở Ukraine dẫn đến việc lật đổ Putin và thành lập một chính phủ thân phương Tây ở Nga là một cơn ác mộng chiến lược mà Trung Quốc sẵn sàng giúp Điện Kremlin phòng tránh bằng mọi giá.
Đồng thời, quan hệ với phương Tây cũng không kém phần quan trọng đối với sự thịnh vượng kinh tế và tiến bộ công nghệ của Trung Quốc. Bắc Kinh không ảo tưởng rằng họ sẽ cải thiện mối quan hệ đang ngày càng căng thẳng với Washington trong tương lai gần. Nhưng Trung Quốc cũng không muốn đẩy nhanh quá trình đoạn tuyệt vốn không thể tránh khỏi với Mỹ và các đồng minh của họ, vì khi đó nước này sẽ mất khả năng tiếp cận với công nghệ, thị trường và tài chính với phương Tây. Tất cả những điều này có nghĩa là Trung Quốc không thể hỗ trợ vô điều kiện cho Nga trong cuộc chiến với Ukraine.
Tình thế này giúp cho Trung Quốc trở thành một trong những bên hưởng lợi chính từ cuộc chiến, ngay cả khi điều đó là vô tình. Xung đột đã buộc chính quyền Biden phải chuyển hướng một số nguồn lực của Mỹ ra khỏi Ấn Độ-Thái Bình Dương và tiêu hao một lượng lớn thời giờ đáng lẽ đã được dành cho việc kiềm chế Trung Quốc.
Một điều có lợi nữa cho Trung Quốc là việc Nga bị suy yếu, bị cô lập và cuối cùng biến thành “đối tác đàn em” của Bắc Kinh – xu hướng đã tồn tại từ trước năm 2014 nhưng đã được thúc đẩy ồ ạt bởi chiến dịch quân sự của Putin ở Ukraine. Hiện tại, Nga đang bán tài nguyên thiên nhiên với giá ưu đãi cho Trung Quốc, đồng thời khuyến khích các công ty Trung Quốc lấp đầy khoảng trống do các công ty phương Tây để lại ở Nga. Tuy nhiên, trong tương lai, Bắc Kinh hy vọng Moskva có thể dần dần đồng ý với các điều khoản của mình trong tất cả các lĩnh vực hợp tác.
Nhưng việc duy trì hàng rào bảo vệ như một Vạn Lý Trường Thành như vậy sẽ ngày càng trở nên khó khăn đối với Bắc Kinh. Trung Quốc đã bị chỉ trích rất nhiều liên quan đến đến cuộc chiến, đặc biệt từ châu Âu, nơi có liên kết ngày càng chặt chẽ với liên minh xuyên Đại Tây Dương do Mỹ lãnh đạo, là một điều cực kỳ đáng lo ngại cho Bắc Kinh. Do vậy, họ bắt đầu tìm kiếm một lập luận thuyết phục để bác bỏ những chỉ trích của phương Tây cũng như xây dựng một câu chuyện để giải thích lập trường của mình cho các nước đang phát triển mà họ đã rất nỗ lực để lấy lòng.
Vì những lẽ đó, việc phát hành bản kế hoạch này đã đi kèm với một chiến dịch ngoại giao. Vào tháng 2 năm 2023, Vương Nghị đến thăm Pháp và Italy, sau đó xuất hiện tại Hội nghị An ninh Munich, nơi ông gặp Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Ngoại trưởng Ukraine Dmitro Kuleba. Tiếp đó, ông đến thăm Hungary và cuối cùng là Nga, nơi ông được Thư ký Hội đồng An ninh Nikolai Patrushev, Ngoại trưởng Sergey Lavrov và chính Putin tiếp đón. Chỉ sau chuyến du hành vòng quanh châu Âu này và tạo được ấn tượng nhờ ngoại giao con thoi, Bắc Kinh mới công bố bản tài liệu.
Tuy nhiên, chuyến công du của Vương Nghị không chỉ để bàn thảo về nội dung bản kế hoạch vì việc phát hành một tập hợp các luận điểm của Bắc Kinh không đòi hỏi một chuyến đi tốn kém của người đứng đầu Bộ Ngoại giao như vậy. Ông đã tìm cách thuyết phục châu Âu rằng họ không nên mù quáng theo đuổi chính sách chống Trung Quốc của Washington. Và tại Moskva, Vương Nghị đã trao đổi với các nhân vật chủ chốt của nước Nga về các vấn đề lớn như hợp tác quân sự, thoả thuận đường ống dẫn khí đốt, quá trình nhân dân tệ hoá nền kinh tế Nga, khả năng tiếp cận của Nga với công nghệ nhập khẩu từ Trung Quốc và chuyến thăm Moskva theo kế hoạch của Tập Cận Bình.
Bắc Kinh hiểu rằng không có một yêu cầu nghiêm túc nào từ Moskva, Kiev hay Washington về một kế hoạch hoà bình hoặc thoả hiệp khác có thể chấm dứt giao tranh, ít nhất là vào thời điểm này. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc cho rằng chiến tranh sẽ tiếp tục diễn tiến trong thời gian tới. Do đó, đề xuất của họ sẽ ít hướng tới việc chấm dứt chiến tranh mà quan trọng hơn là để duy trì danh tiếng của Trung Quốc trên trường quốc tế và làm suy yếu hình ảnh của phương Tây.
Với sự mơ hồ và trên thực tế là vô dụng của tập tài liệu, nguy cơ từ việc Trung Quốc bị yêu cầu hiện thực hóa bản kế hoạch của mình là chẳng đáng kể. Phản ứng quốc tế đối với nó là phù hợp với kỳ vọng của Trung Quốc (rất có thể, đây là một toan tính ngay từ đầu).
Moskva đã đưa ra một lời khen thận trọng cho bản kế hoạch của Bắc Kinh. “Bất kỳ nỗ lực nào nhằm tạo ra một kế hoạch có thể đưa xung đột trở lại con đường hòa bình đều đáng được chú ý. Chúng tôi đang xem xét cẩn thận kế hoạch của những người bạn Trung Quốc” – phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết.
Về phần mình, Ukraine và phương Tây thẳng thừng bác bỏ đề xuất của Trung Quốc. “Tôi không thấy điều gì trong bản kế hoạch của Trung Quốc là có lợi cho ai khác ngoài Nga nếu nó được tuân theo”, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói với ABC News.
Những phản ứng như vậy lại hoàn toàn phù hợp với tính toán của Bắc Kinh, cung cấp cho Bắc Kinh một phương tiện để chuẩn bị cho những đợt công kích tiếp theo từ phương Tây. Đối với các quốc gia đang phát triển, nó cho phép Trung Quốc thể hiện mình là thành viên thường trực duy nhất của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hoạt động vì hoà bình: Nga đã tấn công Ukraine, trong khi Mỹ, Anh và Pháp đang cung cấp vũ khí cho một bên tham chiến, chỉ riêng Trung Quốc không những phát triển một đề xuất cho hòa bình mà còn gần như thuyết phục được Điện Kremlin bắt đầu đàm phán. Nếu nỗ lực ngoại giao sụp đổ trước khi nó bắt đầu thì chỉ có phương Tây phải chịu trách nhiệm. Khi bị thúc giục buộc Putin ngồi vào bàn đàm phán trong tương lai, Bắc Kinh có thể yêu cầu phương Tây thay vào đó gây áp lực lên Tổng thống Volodymyr Zelensky chấp nhận kế hoạch của họ.
Chăc chắn, sẽ không dễ dàng để Bắc Kinh khẳng định vai trò của một người kiến tạo hòa bình. Hiện tại, Mỹ và đồng minh đang cáo buộc Trung Quốc có ý định cung cấp vũ khí cho Nga. Những tiết lộ gần đây trên truyền thông phương Tây cho thấy Trung Quốc không chỉ mua dầu và khí đốt từ Nga mà còn cung cấp cho Nga các bộ phận vũ khí và thậm chí còn dự tính gửi máy bay không người lái và các loại khí tài quân sự khác. Những cáo buộc chĩa vào Bắc Kinh như vậy khiến cho việc trở thành một người kiến tạo hòa bình cũng cần phải có sự đấu tranh, ngay cả khi các nhà lãnh đạo Trung Quốc cố gắng hết sức để tránh xa một cuộc chiến lớn hơn, đẫm máu hơn ở Ukraine.
Biên dịch: Giang Đinh
Về tác giả: bài viết của Alexander Gabuev, nghiên cứu viên cao cấp về Trung Quốc và châu Á-Thái Bình Dương, Moscow Carnegie Center.