Những năm gần đây, quan hệ Việt Nam-Trung Quốc đang phát triển mạnh mẽ trên nhiều phương diện. Khi đại dịch Covid-19 bùng phát, hai Đảng không ngừng kết nối với nhau nhằm cùng ứng phó với thách thức chung. Sau khi đại dịch được kiểm soát, ngoại giao kênh Đảng giữa Việt Nam và Trung Quốc tiếp tục trở thành chỗ dựa quan trọng cho quan hệ hữu nghị trên tất cả các lĩnh vực của hai bên. Trong bối cảnh hiện nay, thực tiễn và triển vọng cùng những thách thức mới đối với hợp tác kênh Đảng giữa hai nước như thế nào?
Thực tiễn ngoại giao kênh Đảng song phương Việt Nam – Trung Quốc nhìn từ lịch sử
Quan hệ hai Đảng trước năm 1991
Trước năm 1991, quan hệ Việt Nam – Trung Quốc có nhiều biến động, từ hợp tác tương trợ tiến tới mâu thuẫn, căng thẳng. Thời kỳ chống Pháp, Trung Quốc là quốc gia đầu tiên công nhận Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa, đồng thời đã viện trợ tích cực cho Việt Nam trong công cuộc kháng chiến. Quan hệ song phương giữa hai nước cũng như hai Đảng ngày càng được thắt chặt trong nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, mối quan hệ đã trở nên xấu đi từ thập niên 70 của thế kỷ XX, thậm chí đã có xung đột quân sự. Giai đoạn này, quan hệ giữa hai Đảng đặc biệt căng thẳng xung quanh nhiều vấn đề giữa hai nước cũng như những vấn đề khác của khu vực.
Ngoại giao kênh Đảng giữa hai nước đạt nhiều thành tựu quan trọng sau Chiến tranh Lạnh
Dấu ấn quan trọng mang tính bước ngoặt trong quan hệ ngoại giao giữa hai nước xuất hiện vào tháng 11/1991 nhân chuyến thăm hữu nghị chính thức của Tổng Bí thư Đỗ Mười và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Việt Nam đến Trung Quốc. Thông qua cuộc trao đổi với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Giang Trạch Dân và Thủ tướng Quốc Vụ viện Lý Bằng, hai bên đã ra Thông cáo chung, và tuyên bố bình thường hóa quan hệ hai Đảng, hai nước, mở ra chương mới cho quan hệ hợp tác giữa hai Đảng Việt – Trung.
Tháng 7/1997, trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Đỗ Mười, Tổng Bí thư Giang Trạch Dân và Tổng Bí thư Đỗ Mười đã đồng ý “cố gắng ký kết Hiệp ước hoạch định biên giới trên đất liền và Hiệp định phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trong vịnh Bắc Bộ trước cuối năm 2000”. Trong vòng 10 năm, từ năm 1991 đến năm 2000, hai bên đã không ngừng phát triển quan hệ hữu nghị hai nước, trải qua sáu tuyên bố chung cho thấy tình hữu nghị của hai bên, vượt lên tất cả những định kiến trong lịch sử.
Bước vào thế kỷ mới, hai bên xác định thúc đẩy quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong thế kỷ XXI với phương châm 16 chữ vàng “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” với ý chí đưa hai nước trở thành “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”. 10 năm đầu sau khi bình thường hóa quan hệ, đây là thời gian có nhiều chuyển biến nhất đối với quan hệ hai nước, nhiều khúc mắc trong hợp tác kinh tế được tháo gỡ, tạo tiền đề cho những hợp tác sau này.
Tháng 6/2008, hai nước thiết lập khuôn khổ đối tác chiến lược toàn diện, mang đến sinh khí mới cho quan hệ hai nước, hai bên khẳng định tiếp tục xử lý các vấn đề lịch sử để lại một cách thỏa đáng, có lý có tình, đặc biệt là công tác cắm mốc biên giới giữa hai nước. Đến tháng 10/2011, trong chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Trung Quốc, “thỏa thuận các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết các vấn đề biển giữa Việt Nam và Trung Quốc” đã được hai bên ký kết. Tháng 11/2017, sau cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo Đảng Việt Nam – Trung Quốc, đã diễn ra lễ ký kết văn kiện hợp tác giữa hai nước, trong đó tiêu biểu nhất là “Bản ghi nhớ giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Cộng hòa nhân dân Trung Hoa về thúc đẩy kết nối giữa khuôn khổ “Hai hành lang, một vành đai” với sáng kiến “Vành đai và Con đường”.
Trong hai thập kỷ đầu thế kỷ XXI, đã diễn ra nhiều hoạt động hợp tác giữa hai Đảng của hai nước, trong đó mối quan hệ “đối tác chiến lược toàn diện” được hai bên thiết lập năm 2008 là dấu mốc quan trọng nhất đối với quan hệ hai bên, đồng thời gia tăng mối quan hệ láng giềng, hữu nghị, tin cậy giữa Việt Nam-Trung Quốc.
Hợp tác cùng ứng phó với đại dịch Covid-19
Đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 bùng phát đã gây ra tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, dẫn đến nền kinh tế toàn cầu đi vào suy thoái đồng thời cũng tác động mạnh mẽ, làm “đảo lộn” đời sống chính trị quốc tế, trong đó có cả Việt Nam và Trung Quốc. Dưới tác động của dịch bệnh, các chuyến thăm cấp cao giữa Việt Nam – Trung Quốc phần nhiều bị ảnh hưởng, song hai Đảng vẫn duy trì các cuộc trao đổi theo hình thức trực tuyến nhằm chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác cùng ứng phó với đại dịch.
Khi đại dịch diễn biến phức tạp ở Trung Quốc, Bắc Kinh đã đề nghị sự trợ giúp vật tư y tế của cộng đồng quốc tế để đảm bảo công tác phòng chống dịch. Trước tình hình đó, Việt Nam đã thực hiện công tác hỗ trợ đối với quốc gia láng giềng. Trong bài viết gửi Báo Tuổi trẻ ngày 04/02/2020, Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba đã chia sẻ về công tác phòng chống dịch Covid-19 của Trung Quốc và đồng thời cảm ơn sự giúp đỡ của Việt Nam. Bên cạnh đó Đại sứ cũng nhấn mạnh “Trung Quốc có câu hoạn nạn mới biết chân tình” – Đại sứ Hùng Ba viết trong thư cảm ơn Việt Nam. Đến ngày 29/9/2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình đã có cuộc điện đàm chúc mừng kết quả phòng chống dịch Covid 19 của Việt Nam và Trung Quốc, đồng thời bày tỏ đưa mối quan hệ giữa hai nước đi vào thực chất hơn. Đầu tháng 12/2021 trả lời phỏng vấn của TTXVN tại Bắc Kinh về chuyến thăm chính thức CHND Trung Hoa của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Đại sứ Phạm Sao Mai đánh giá về tình hình quan hệ Việt-Trung mặc dù có nhiều trở ngại về vấn đề dịch bệnh, song hai bên vẫn duy trì đà phát triển tốt đẹp với nhiều điểm sáng, hai bên thường xuyên trao đổi nhằm tăng cường quan hệ giữa hai Đảng, đưa mối quan hệ hai nước đi vào thực chất có chiều sâu, hướng đến sự phát triển bền vững.
Hai Đảng hợp tác trong việc khắc phục và phát triển kinh tế sau đại dịch
Chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng trong năm 2022 diễn ra ngay sau Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Đó là một thời điểm mang nhiều ý nghĩa quan trọng. Trong khuôn khổ chuyến thăm, hai Tổng Bí thư đã trao đổi về các lĩnh vực hợp tác thực chất, nhất trí cần thúc đẩy mạnh mẽ, hiệu quả hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, tạo cơ sở vững chắc cho phát triển quan hệ song phương. Trong giai đoạn phát triển mới của hai Đảng, hai Nhà nước, hai bên nhất trí tăng cường hợp tác, tin cậy chính trị lẫn nhau, cùng nhau phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Trong bối cảnh thế giới đầy biến động như hiện nay, hai nước duy trì hợp tác trên kênh Đảng với nhiều hoạt động cấp cao và thiết lập các cơ chế, giao lưu giữa ban Đảng hai nước. Những hoạt động trao đổi lý luận, giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân được đẩy mạnh, đặc biệt là giao lưu thế hệ trẻ Việt Nam – Trung Quốc ngày càng đi vào thực chất, có chiều sâu hướng đến thúc đẩy tình quan hệ hữu nghị giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước. Không thể phủ nhận rằng hợp tác kênh Đảng giữa Việt Nam – Trung Quốc đã có nhiều thành tựu trong thời gian vừa qua, song vẫn còn những thách thức trên một số lĩnh vực nhất định.
Ngoại giao hai Đảng trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ
Tranh chấp lãnh thổ giữa hai quốc gia không phải là vấn đề mới, các giai đoạn lịch sử căng thẳng, rạn nứt trong quan hệ hai bên ít nhiều đều liên quan tới vấn đề nhạy cảm này. Sau khi ký kết hiệp định phân định biên giới trên bộ cũng như trên Vịnh Bắc bộ, những vấn đề phức tạp tại hai quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa (của Việt Nam) vẫn tạo ra những thách thức đối với quan hệ song phương hai nước cũng như hai Đảng. Hai Đảng thường xuyên có những trao đổi về vấn đề nhạy cảm này, nỗ lực tìm kiếm tiếng nói chung ở Biển Đông. Trong quá trình đó, Việt Nam luôn khẳng định quan điểm nhất quán việc xử lý tranh chấp trên biển theo Công ước Luật biển UNCLOS 1982. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam bà Phạm Thu Hằng thường xuyên nhấn mạnh “Việt Nam khẳng định mạnh mẽ lập trường nhất quán của mình về vấn đề chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”.
Một số thách thức đối với ngoại giao kênh Đảng
Từ góc độ tiếp cận bên trong, có thể nói, vấn đề tác động lớn nhất trong quan hệ giữa Việt Nam – Trung Quốc là vấn đề trên biển. Trung Quốc hiện vẫn đang duy trì sự hiện diện của họ ở những điểm đảo, vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Cả hai vẫn chưa thực sự tìm được tiếng nói chung về vấn đề nhạy cảm này. Điều đó khiến ngoại giao kênh Đảng giữa hai nhà nước trong vấn đề Biển Đông chưa thực sự đi vào thực chất.
Quá trình gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc ở Biển Đông nằm trong tổng thể chiến lược gia tăng ảnh hưởng toàn diện ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Điều đó có tác động tiêu cực đối với vấn đề chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam. Sự khác biệt trong cách phản ứng của Bắc Kinh và Hà Nội đối với các vấn đề trên biển, không chỉ đối với các vấn đề của hai bên và rộng hơn bao gồm cả những vấn đề khác của khu vực đã và đang tạo một lực cản trong quan hệ kênh Đảng Việt Nam – Trung Quốc.
Ở góc độ thách thức bên ngoài, một nhân tố đáng kể đã và đang ảnh hưởng đến quan hệ Việt -Trung đó là cuộc cạnh tranh nước lớn ở khu vực Đông Nam Á. Việt Nam với vị trí địa-chính trị quan trọng đang chịu ảnh hưởng không nhỏ từ cuộc cạnh tranh chiến lược này. Vừa qua, chuyến thăm của Tổng Thống Joe Biden đến Việt Nam đã mở ra một chương mới trong quan hệ Việt-Mỹ khi nâng tầm quan hệ nước lên đối tác chiến lược toàn diện. Theo quan điểm của thế giới phương Tây, điều này làm cho Trung Quốc cảm thấy “bất an” và đã ra những ngôn từ cảnh báo cho các quốc gia Đông Nam Á – hàm ý ám chỉ Việt Nam. Tuy nhiên, chính sách cân bằng của Việt Nam khẳng định rõ việc nâng cấp quan hệ với Mỹ không nhằm tạo ra ảnh hưởng tiêu cực đến bên thứ ba. Chính sách bốn không đã và đang được Việt Nam duy trì một cách chặt chẽ, có nguyên tắc, điều này là cơ sở quan trọng tạo nền tảng tin cậy cho mối quan hệ Việt – Trung phát triển. Mặc dù vậy, Hà Nội cũng cần có những điều chỉnh chính sách một cách thận trọng trong chiến lược của mình ứng với bối cảnh phức tạp mới.
Triển vọng hợp tác trong tương lai
Tuy hợp tác kênh Đảng cũng như mối quan hệ song phương hai nước còn tồn tại những thách thức nhất định, nhưng dư địa phát triển quan hệ là rất lớn. Nhiều động lực mới đã và đang mở ra nhiều triển vọng trong quan hệ giữa hai bên thời gian tới.
Thứ nhất, gần gũi về không gian văn hóa giúp hai Đảng, hai Nhà nước gắn kết nhau hơn. Việt Nam – Trung Quốc đều có nền văn hóa văn minh lâu đời, sự gần gũi về văn hóa là “chìa khóa” để hai bên tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực, tăng cường giao lưu văn hóa, hợp tác giáo dục văn hóa, đẩy mạnh công tác truyền thông góp phần làm sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác giữa hai Đảng, hai Nhà Nước. Hợp tác trên lĩnh vực văn hóa giữa hai nước trong những năm qua đã có nhiều thành tự quan trọng đặc biệt nền văn hóa của Việt Nam – Trung Quốc chịu tác động rất lớn bởi Phật Giáo, Khổng Giáo. Đây là nền tảng cốt lõi, là cơ sở để Việt Nam – Trung Quốc có thể hợp tác và phát huy “sức mạnh mềm” ngoại giao văn hóa. Nét tương đồng trong nền văn hóa giữa hai quốc gia là cơ sở để mối quan hệ giữa hai Đảng, hai Nhà nước thêm phần gắn kết, thể hiện tình hữu nghị gắn bó vượt lên tất cả, thúc đẩy các cơ chế hợp tác giữa hai nước đi vào thực chất và có chiều sâu hơn trong những năm tiếp theo.
Thứ hai, sự tương đồng nhất định về chính trị giúp kênh Đảng hai nước hiểu nhau hơn. Sau sự kiện năm 1991, Liên Xô tan rã, khối Xã hội chủ nghĩa toàn cầu lâm vào khủng hoảng, cả Trung Quốc và Việt Nam đều có những điều chỉnh trong đường lối, chiến lược, nhằm đáp ứng, bảo vệ và phát triển chủ nghĩa xã hội trong thời kỳ mới. Cả Việt Nam và Trung Quốc ngày nay đều lấy phát triển kinh tế làm trọng tâm, mọi hoạt động khác là những hoạt động cơ sở để phát triển kinh tế, hướng tới giải quyết tình trạng khan hiếm hàng hóa và giải quyết, khắc phục đói nghèo. Việt Nam – Trung Quốc kiên định quan điểm lãnh đạo toàn diện của Đảng, cơ chế kinh tế thị trường với đặc sắc riêng được hai bên triển khai có hiệu quả, bởi vậy ở cả hai quốc gia đều có những nét chung trong quan điểm về chính trị. Những sự tương đồng này sẽ làm cho hai Đảng gắn bó hơn nữa trong thời gian tới, tiếp tục mở ra những con đường mới, những lĩnh vực hợp tác mới nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và hơn hết là đảm bảo lợi ích của nhân dân hai nước.
Về khả năng hợp tác sâu rộng, cùng nhau phát triển trong thời gian tới
Hiện nay, chủ nghĩa đa phương đang là xu hướng chung của toàn thế giới, các quốc gia tăng cường hợp tác, giao lưu, hiểu biết lẫn nhau trên nhiều khía cạnh nhằm tăng cường và thúc đẩy sự phát triển kinh tế. Trung Quốc với chiến lược trăm năm lần thứ nhất của mình đã đầu tư mạnh mẽ vào các quốc gia láng giềng. Trong 8 tháng đầu năm nay, các nhà đầu tư Trung Quốc đã đăng ký đầu tư gần 2,7 tỷ USD vào thị trường Việt Nam. Đây là cơ hội mới cho cả hai nước trong quá trình phát triển kinh tế của mình, Việt Nam với nguồn vốn và các hiệp định thương mại đã ký kết với Trung Quốc mở ra bước đột phá mới trong nền kinh tế Việt Nam. Về phía Trung Quốc, những mặt hàng nông sản từ Việt Nam là nguồn hàng đáng tin cậy cho thị trường Trung Quốc, đồng thời hai bên cũng cam kết hợp tác, đầu tư, tăng cường chất lượng nông thủy sản giữa hai nước, tạo nên chuỗi cung ứng nông thủy sản xuyên biên giới. Trong thời gian tới, hai nước chắc chắn sẽ tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực mới, tăng cường tình hữu nghị giữa hai nước, đưa những văn kiện hợp tác đi vào thực chất, có chiều sâu hơn.
Trong tương lai, hai bên sẽ tiếp tục tận dụng kinh nghiệm có được, cùng nhau thích ứng với những thách thức mới. Trải qua giai đoạn đầy biến động của đại dịch Covid-19, hai Đảng, hai Nhà nước đã được nhiều thành tựu trong việc phối hợp và tương trợ lẫn nhau, cùng nhau vượt qua thách thức. Và trong giai đoạn hậu đại dịch, hai bên đã nhất trí tích cực tìm tòi giao lưu, hợp tác trên nhiều lĩnh vực phát triển xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu;… tạo thêm nhiều điểm tăng trưởng cho hợp tác Việt-Trung.
Kể từ khi bình thường hóa quan hệ năm 1991, quan hệ kênh Đảng Việt-Trung không ngừng được nâng cao, các lĩnh vực hợp tác giữa hai Đảng ngày càng đi vào thực chất hơn, song hai bên vẫn cần phải tìm tiếng nói chung trên một số vấn đề còn tồn đọng, đặc biệt trong vấn đề Biển Đông. Những năm tới, mối quan hệ giữa hai Đảng Việt Nam – Trung Quốc tiếp tục được tăng cường nhằm thúc đẩy hợp tác giữa hai quốc gia đi vào thực chất hơn, nỗ lực tìm kiếm giải pháp cho các thách thức còn tồn tại, thúc đẩy sự phát triển thịnh vượng của cả hai nước./.
Tác giả: Hoàng Trần Minh Trí
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết trùng với quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược, vui lòng không sao chép khi chưa được phép. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với Ban Biên tập qua địa chỉ mail: [email protected].
Tài liệu tham khảo:
1. “Hợp tác kênh Đảng dẫn dắt quan hệ Việt Nam – Trung Quốc phát triển”, Quân đội nhân dân, https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/hop-tac-kenh-dang-dan-dat-quan-he-viet-nam-trung-quoc-phat-trien-742432
2. “Vĩnh biệt ông Giang Trạch Dân: Người vun đắp quan hệ Việt – Trung”, Tuổi trẻ online, https://tuoitre.vn/vinh-biet-ong-giang-trach-dan-nguoi-vun-dap-quan-he-viet-trung-20221130224710587.htm
3. “Việt Nam – Trung Quốc xây dựng quan hệ đối tác chiến lược toàn diện”, Tạp chí Cộng sản, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/hoat-ong-cua-lanh-ao-ang-nha-nuoc/-/2018/10005/viet-nam—trung-quoc-xay-dung-quan-he-doi-tac-chien-luoc-toan-dien.aspx
4. TTXVN, “Việt – Trung thỏa thuận nguyên tắc giải quyết vấn đề trên biển”, Vnexpress, https://vnexpress.net/viet-trung-thoa-thuan-nguyen-tac-giai-quyet-van-de-tren-bien-2207907.html
5. D.An, “Việt – Trung ký kết 12 văn kiện hợp tác”, Tuổi trẻ online, https://tuoitre.vn/viet-trung-ky-ket-12-van-kien-hop-tac-20171112205853248.htm
6. “Đại sứ Trung Quốc cảm ơn Việt Nam đã chia sẻ” Tuổi trẻ online https://tuoitre.vn/dai-su-trung-quoc-cam-on-viet-nam-da-chia-se-20200204215110441.htm
7. Lê Văn Toan, “Quan hệ Việt Nam – Trung Quốc (1991-2021)”, https://sti.vista.gov.vn/tw/Lists/TaiLieuKHCN/Attachments/324565/CVv243S92021053.pdf
8. Tiến Trung, “Quan hệ Việt-Trung mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước”, Tạp chí của Ban Tuyên giáo Trung ương, https://tuyengiao.vn/thoi-su/quan-he-viet-trung-mang-lai-loi-ich-thiet-thuc-cho-nhan-dan-hai-nuoc-136967
9. “Toàn cảnh chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng”, VOV, https://vov.vn/chinh-tri/toan-canh-chuyen-tham-chinh-thuc-trung-quoc-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-post981188.vov#&gid=1&pid=13
10. Song Anh, “Thúc đẩy quan hệ láng giềng hữu nghị hợp tác toàn diện Việt Nam – Trung Quốc”, Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, https://dangcongsan.vn/tieu-diem/thuc-day-quan-he-lang-gieng-huu-nghi-hop-tac-toan-dien-viet-nam-trung-quoc-646706.html
11. “Bộ Ngoại giao Việt Nam: “Bản đồ tiêu chuẩn” của Trung Quốc vô giá trị, Tuổi trẻ online, https://tuoitre.vn/bo-ngoai-giao-viet-nam-ban-do-tieu-chuan-cua-trung-quoc-vo-gia-tri-20230831184319323.htm
12. “China concerns drive historic upgrade in US-Vietnam relations”, The Guardian, https://www.theguardian.com/us-news/2023/sep/12/china-concerns-drive-historic-upgrade-in-us-vietnam-relations
13. TTXVN, “Toàn văn tuyên bố chung việt nam – trung quốc về tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện việt nam – trung quốc”, Cổng Thông tin Chính phủ, https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/toan-van-tuyen-bo-chung-viet-nam-trung-quoc-ve-tiep-tuc-day-manh-va-lam-sau-sac-hon-nua-quan-he-doi-tac-hop-tac-chien-luoc-toan-dien-viet-nam-trung-quoc-119221102073957148.htm