Vào ngày 25 tháng 3 năm 2024, trong một video được đăng tải trên nền tảng Facebook, các viên chức Đại sứ quán Mỹ tại Hungary đã lên án chính phủ nước này vì tiếp tục mua dầu và khí đốt của Nga trong khi hầu hết châu Âu đang giảm dần phụ thuộc vào nguồn cung từ Moscow. Video tuyên bố: “Chính phủ Hungary đã lựa chọn tăng cường sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga bằng mọi giá. Đây là chính quyền duy nhất tại châu Âu quyết định giữ cho quốc gia của mình phụ thuộc vào năng lượng của Nga”.
Hơn một tháng sau, Hungary đã lên tiếng phản bác những cáo buộc, nhưng không phải bằng cách giải thích căn nguyên vấn đề hay chứng minh rằng việc mua khí đốt từ Nga là hợp lý và chính đáng, mà thay vào đó, họ chỉ trích ngược lại Mỹ. “Ai là nhà cung cấp uranium số một cho Mỹ vào năm ngoái?“. Bộ trưởng Ngoại giao Hungary Péter Szijjártó đáp trả một cách phẫn nộ. “Chính là Nga. Người Mỹ đã chi hơn 1 tỷ đô la cho uranium của Nga vào năm 2023”, ông nói tiếp. “Tuy nhiên, họ đang gây áp lực buộc chúng tôi không được mua nhiên liệu tại đó”.
Szijjártó không phải người duy nhất phản bác lại những lời chỉ trích của Mỹ bằng cách sử dụng “whataboutism” – chiến thuật chuyển hướng sự phê phán về hành vi của bản thân bằng cách nêu ra những hành vi tương tự từ phía đối phương. Khi Washington cáo buộc Tổng thống Nga Vladimir Putin can thiệp vào cuộc bầu cử Hoa Kỳ năm 2016, Putin phản biện rằng Mỹ đã có một hồ sơ rất dài về những sự can thiệp bầu cử ở nước ngoài. Khi Mỹ chỉ trích Thổ Nhĩ Kỳ vì đàn áp các phương tiện truyền thông, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan cũng đã công bố một báo cáo nêu chi tiết về các hành vi vi phạm quyền tự do báo chí tại Hoa Kỳ, bao gồm việc bắt giữ các nhà báo trong cuộc biểu tình Black Lives Matter năm 2014.
Thoạt nhìn, “whataboutism” có vẻ là một phản biện yếu ớt trước những lời chỉ trích. Thực chất, nó từ lâu đã được xem như một cách ngụy biện phi logic, vì hai điều sai không thể tạo thành một điều đúng. Tuy nhiên, trong những nghiên cứu ban đầu về vấn đề này, chúng tôi đã nhận ra rằng “whataboutism” thực sự mang lại hiệu quả cao, cả trong chính sách đối nội và đối ngoại. Khi Hoa Kỳ chỉ trích một quốc gia và quốc gia đó đáp trả bằng cách cáo buộc “các anh cũng làm điều tương tự”, sự ủng hộ của công chúng tại Mỹ và cả các nước đồng minh đối với việc trừng phạt quốc gia đó sẽ giảm sút. Những phát hiện này vẫn chính xác, không chỉ khi “whataboutism” được áp dụng bởi các đối thủ mà ngay cả khi nó được sử dụng bởi các đồng minh của Mỹ. Nói cách khác, đây là một công cụ rất giá trị đối với bất kỳ quốc gia nào muốn thách thức các chính sách của Mỹ và phủ nhận các quan điểm của Washington.
Tuy nhiên, dù “whataboutism” có hiệu quả trong một số trường hợp, nó không phải là một công cụ toàn năng. Nghiên cứu của chúng tôi phát hiện ra rằng “whataboutism” đặc biệt thành công khi các chính phủ nước ngoài chỉ ra những hành động gần đây của Mỹ tương tự với hành động của họ—tức khi Washington bị vạch trần là “đạo đức giả”. Nhưng nó sẽ kém hiệu quả hơn khi các chính phủ nước ngoài viện dẫn một sự việc đã xảy ra từ lâu, hoặc một hành động không liên quan đến chủ đề.
Sự phát triển của “whataboutism”
Kể từ thế kỷ 19, các quốc gia đã phản ứng lại những lời cáo buộc từ bên ngoài bằng cách chỉ trích ngược lại người buộc tội. Ví dụ, sau khi chính phủ Anh lên án các cuộc tàn sát người Do Thái do nhà nước Nga tài trợ trong giai đoạn 1881–1882, một tờ báo Nga có quan hệ chặt chẽ với chế độ Sa hoàng đã chỉ trích London vì chính tội ác tương tự của họ: “ Nước Anh, một quốc gia đã làm suy giảm nặng nề dân số Ấn Độ và Ai Cập, đầu độc người dân Trung Quốc bằng thuốc phiện, giết hại những người bản địa Úc như sâu bọ… Sự lên án từ một dân tộc làm những điều như vậy với nước Nga thật sự đáng hổ thẹn”
Vào thế kỷ XX, “whataboutism” lại càng trở nên phổ biến hơn. Trong Thế chiến thứ nhất, khi các nước Đồng minh cáo buộc Đức gây ra tội ác chiến tranh, chính phủ Đức đã yêu cầu 93 học giả nổi tiếng người Đức viết một bức thư đáp trả bằng cách lên án các quốc gia này vì đã sử dụng đạn nở để giết hại phụ nữ và trẻ em dân thường. Trong Chiến tranh Lạnh, Liên Xô thường xuyên sử dụng “whataboutism”để phản bác lại các cáo buộc từ phía Mỹ, thông qua việc lên án sự phân biệt của chính quyền Washington với người da màu. Cho đến ngày nay, cụm từ “và bạn đã hành hình người da màu” thường được sử dụng ở Nga và nhiều nước Đông Âu như một biểu hiện của “whataboutism”.
Ngày nay, “whataboutism” đã trở thành một công cụ ngoại giao công chúng ngày càng mạnh mẽ bởi sự phổ biến của Internet. Các quốc gia sử dụng công cụ này để lên án đối thủ, đồng minh, và cả các quốc gia có mối quan hệ phức tạp với mình. Ví dụ, vào tháng 5 năm 2023, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gérald Darmanin đã chỉ trích thủ tướng Ý, Giorgia Meloni, vì “không có khả năng giải quyết các vấn đề di cư mà bà đã cam kết khi thắng cử“. Đáp lại, các quan chức và phương tiện truyền thông Ý đã nhấn mạnh đến việc Pháp đã cử quá ít cảnh sát đến giúp các quốc gia tuyến đầu ngăn chặn dòng người nhập cư tràn vào châu Âu.
Sự hiệu quả của “whataboutism”
Các chính phủ từ lâu đã quan ngại về những lời chỉ trích của chủ nghĩa “Bạn cũng vậy”. Vào năm 1985, chính quyền Reagan đã tổ chức và tài trợ cho một hội nghị đặc biệt tại Washington DC nhằm bác bỏ những so sánh giữa cuộc xâm lược Grenada năm 1983 của Mỹ với việc can thiệp vào Afghanistan năm 1979 của Liên Xô. Tuy nhiên, các nhà phân tích vẫn chưa tiến hành nghiên cứu một cách hệ thống về việc liệu chủ nghĩa “Bạn cũng vậy” có thực sự hiệu quả trong lĩnh vực đối ngoại hay không. Để giải quyết vấn đề này, chúng tôi đã tiến hành hai cuộc khảo sát với hơn 2.500 câu trả lời từ các công dân Mỹ. Trong mỗi cuộc khảo sát, chúng tôi đưa ra cho người trả lời các ví dụ giả định về việc Mỹ chỉ trích các quốc gia khác vì can thiệp bầu cử và ngược đãi người tị nạn. Chúng tôi hỏi liệu rằng họ có chấp thuận các tuyên bố của Washington ở mức một độ nào và liệu họ có ủng hộ việc áp dụng các biện pháp trừng phạt hay không. Chúng tôi chia ngẫu nhiên những người trả lời này thành hai nhóm, nhóm thứ nhất sẽ trả lời câu hỏi mà không biết những cáo buộc ngược lại về phía Washington, trong khi nhóm còn lại sẽ được nhận thông tin này trước khi đưa ra câu trả lời.
Các kết quả của cuộc khảo sát cho thấy rõ ràng “whataboutism” có hiệu quả cao trong việc làm suy yếu sự ủng hộ của công chúng Mỹ đối với các sáng kiến đối ngoại, đặc biệt là sự ủng hộ đối với việc chỉ trích các quốc gia nước ngoài. Trước khi biết đến phản ứng chỉ trích ngược lại, 56% số người được hỏi đồng tình với lời chỉ trích của Washington đối với hành động của một quốc gia khác. Tuy nhiên, sau khi biết đến những lời cáo buộc ngược lại, tỷ lệ đồng tình giảm xuống còn 38%. “Whataboutism” cũng làm suy giảm đáng kể mức độ ủng hộ việc áp dụng các biện pháp trừng phạt. Trước khi biết đến phản ứng “whataboutism”, 59% số người được hỏi ủng hộ các biện pháp trừng phạt để đối phó với hành động của quốc gia khác.
Trong nghiên cứu tiếp theo cùng với nhà khoa học chính trị Atsushi Tago, chúng tôi đã khảo sát xem “whataboutism” có tạo ra tác động tương tự đối với các quốc gia là đồng minh của Mỹ hay không. Để thực hiện điều này, chúng tôi đã tiến hành khảo sát các đại diện từ Vương quốc Anh và Nhật Bản, yêu cầu họ trả lời một cuộc khảo sát tương tự như trên. Và một lần nữa, kết quả lại cho thấy “whataboutism” thực sự có hiệu quả. Sau khi nghe những chỉ trích ngược lại nhắm vào Mỹ, tỷ lệ ủng hộ các hành động của Washington ở Nhật Bản và Anh đã suy giảm. Cụ thể, trước khi biết đến những chỉ trích ngược lại, 59% người Anh và 46% người Nhật Bản được khảo sát cho biết họ ủng hộ các động thái của Mỹ. Tuy nhiên, sau khi được nghe về các cáo buộc từ các quốc gia khác, tỷ lệ này giảm xuống còn 37% ở Anh và 29% ở Nhật Bản. Tương tự, trong việc ủng hộ chính phủ của họ tham gia vào các biện pháp trừng phạt của Mỹ, tỷ lệ ủng hộ giảm từ 58% xuống 41% ở Vương quốc Anh và từ 34% xuống 27% ở Nhật Bản. Cuối cùng, “whataboutism” đã làm tăng việc những người tham gia khảo sát coi hành động của Mỹ và hành động của quốc gia sử dụng “whataboutism” là tương tự nhau về mặt đạo đức. Cụ thể, tỷ lệ người Anh cho rằng các hành động của hai bên là tương đương về đạo đức đã tăng từ 30% lên 42%. Ở Nhật Bản, tỷ lệ này tăng từ 27% lên 34%.
Điều thú vị là danh tính của các quốc gia chỉ trích ngược lại Mỹ không quan trọng đối với công chúng Mỹ, Anh hay Nhật Bản. “Whataboutism” từ các đối thủ của Mỹ, như Nga, cho thấy hiệu quả tương đương với khi biện pháp được sử dụng bởi các đồng minh thân cận. Chính phủ Mỹ không thể phản bác “whataboutism” bằng cách lập luận rằng các hành vi sai trái của Washington xuất phát từ mục đích tốt, chẳng hạn như thúc đẩy dân chủ. Do đó, những nỗ lực của Mỹ để chống lại “whataboutism,” như tại hội nghị năm 1985, gần như đã thất bại, và việc xin lỗi vì những sai lầm trong quá khứ cũng không thực sự hiệu quả. Nói một cách đơn giản, không có chiến lược hùng biện nào có thể làm giảm đi sức mạnh của công cụ này.
Đối với Washington, những phát hiện này vô cùng bất lợi. Các quan chức Mỹ thường xem việc chỉ trích các chính phủ không thân thiện là một biện pháp hiệu quả, ít tốn kém và dễ dàng để làm dịu các nhóm cử tri trong nước. Tuy nhiên, một khi các quốc gia này có thể dễ dàng chuyển hướng sự chỉ trích bằng cách nhắc đến các hành động của Mỹ, thì việc chỉ trích sẽ trở nên kém hiệu quả. Hơn thế nữa, các phản ứng theo chủ nghĩa “Bạn cũng vậy” không chỉ làm lu mờ các hành động của các chính phủ khác mà còn hướng sự chú ý ngược lại vào các hành vi sai trái của chính Washington.
Tuy nhiên, hiệu quả của “whataboutism” có thể thay đổi tùy thuộc vào bản chất và thời điểm của các hành động được đề cập từ phía Mỹ. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rằng các hành động trong hai thập kỷ trở lại đây của Mỹ sẽ có tác động mạnh mẽ hơn khi “whataboutism” được sử dụng, trong khi các hành động từ thời kỳ trước, chẳng hạn như trong hai cuộc chiến tranh thế giới hay thời kỳ đầu Chiến tranh Lạnh, sẽ có ảnh hưởng ít hơn. Hơn nữa, việc “whataboutism” nhắc đến các hành động của Mỹ không liên quan trực tiếp đến chủ để sẽ không man lại hiệu quả, dù đó là những hành vi sai trái nổi tiếng của Mỹ, như việc tra tấn những nghi phạm khủng bố tại Vịnh Guantanamo và các địa điểm khác.
Mỹ nên xử lý Whataboutism như thế nào?
Nhìn chung, các nhà hoạch định chính sách Mỹ nên xem xét lại cách tiếp cận của họ đối với các cáo buộc “whataboutism”. Thay vì chỉ trích công khai và thẳng thắn, trước tiên họ cần phải xem xét kỹ lưỡng các hành động của bản thân mình và hiệu chỉnh thông điệp sao cho tránh bị cáo buộc là đạo đức giả. Để thực hiện điều này, các cơ quan chính phủ Mỹ có thể chỉ đạo nhân viên làm việc chặt chẽ với các đồng nghiệp có nhiều kinh nghiệm và hiểu biết sâu rộng về hoạt động của tổ chức trước khi đưa ra các tuyên bố. Các quan chức cũng có thể yêu cầu đánh giá tác động “whataboutism” trước khi đưa ra các bài phát biểu quan trọng hoặc công bố các sáng kiến mới.
Để giải thích tại sao các nhà hoạch định chính sách Mỹ nên áp dụng các biện pháp như vậy, hãy xem xét bài phát biểu mà đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc, Linda Thomas-Greenfield, đã đưa ra vào tháng 3 năm 2022 với nội dung chỉ trích gay gắt Nga vì chiến dịch quân sự tại Ukraine. Trong bài phát biểu của mình, Thomas-Greenfield đã khiển trách Moscow vì sử dụng bom chùm. Nhưng đây là một sai lầm nghiêm trọng về mặt hùng biện: Mỹ, giống như Nga, chưa bao giờ ký công ước quốc tế cấm các loại vũ khí này. Theo bản ghi nhớ năm 2017 của Bộ Quốc phòng, cũng như các kế hoạch chiến tranh của Mỹ vẫn cho phép sử dụng chúng trong một số điều kiện nhất định. Do đó, Washington đã phải đưa ra tuyên bố rút lại lời chỉ trích về bom chùm và may mắn là đã thực hiện kịp thời để tránh những phản ứng từ phía Nga.
Chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine của Nga là một sự kiện phù hợp để Mỹ có thể lên án theo những cách mà không bị vướng vào những lời buộc tội kiểu “whataboutism”. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, Washington vẫn sẽ phải đưa ra những lời khiển trách có hơi hướng đạo đức giả. Trong những trường hợp này, cách tốt nhất là các quan chức Mỹ không nên phát ngôn bất cứ điều gì, bởi bằng cách giữ im lặng, họ sẽ tránh được những lời đáp trả có thể làm tổn hại đến các chính sách đối ngoại quan trọng của mình
Bên cạnh đó, Mỹ cũng nên nỗ lực trong tương lai để tránh những lựa chọn chính sách không phù hợp với các giá trị và nguyên tắc đã được nêu rõ của mình, chẳng hạn như việc ngược đãi những người bị giam giữ hoặc áp dụng các lệnh trừng phạt kinh tế gây tổn hại nghiêm trọng và vô lý cho dân thường. Trong hầu hết các trường hợp, không nên thực hiện các cuộc xâm lược hoặc cố gắng lật đổ các chính phủ nước ngoài nếu không có sự chấp thuận từ Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Kết luận
Nói thì sẽ dễ hơn làm. Mỹ không thể chỉ đơn giản là rũ bỏ những gì đã ăn sâu bén rễ trong tư tưởng. Việc vi phạm các quy tắc chuẩn mực có thể giúp Washington đạt được những mục tiêu mà khó có thể hiện thực hóa bằng các phương thức thông thường, do đó khiến các hành động như vậy trở nên hấp dẫn hơn đối với các quan chức. Tuy nhiên, về lâu dài, sự lạm dụng quyền lực của Mỹ một cách thiển cận có thể phản tác dụng. CIA đã hỗ trợ các cuộc đảo chính ở Iran năm 1953 và Guatemala năm 1954, nhanh chóng loại bỏ các mối đe dọa cộng sản và bảo vệ các lợi ích của phương Tây tại các quốc gia này. Cuộc xâm lược Iraq năm 2003 cũng đã nhanh chóng lật đổ một nhà độc tài chống Mỹ. Tuy nhiên, mỗi hành động trong số này đều vi phạm nghiêm trọng chuẩn mực quốc tế cơ bản về chủ quyền quốc gia và chúng đã trở thành những ví dụ tiêu biểu cho sự tiêu chuẩn kép của Washington. Cho đến nay, những trường hợp này vẫn được các thế lực nước ngoài đưa ra khi Mỹ quyết định công kích họ.
Các chính phủ nước ngoài có thể và thực sự sẽ sử dụng các hành động của Mỹ trong quá khứ để chỉ trích Washington. Những chỉ trích này có thể làm suy yếu sự ủng hộ trong nước và quốc tế đối với các chính sách của Hoa Kỳ. Vì vậy, sẽ là khôn ngoan hơn nếu Mỹ tránh đưa ra các quyết định phi đạo đức chỉ để theo đuổi những mục tiêu ngắn hạn. Đây là cách duy nhất để các quan chức Mỹ trong tương lai không phải liên tục đối mặt với những bóng ma của quá khứ./.
Biên dịch: Hải Hoàng, Anh Khôi
Tác giả: Wilfred M. Chow là Trợ lý Giáo sư tại Khoa Nghiên cứu Quốc tế thuộc Đại học Nottingham Ninh Ba, Trung Quốc.
Dov H. Levin là Phó Giáo sư về Quan hệ Quốc tế thuộc Khoa Chính trị và Hành chính Công thuộc Đại học Hồng Kông.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của các tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]