Thế giới đang quay cuồng với những căng thẳng, bất ổn cả về chính trị, kinh tế và xã hội. Những cuộc khủng hoảng chồng chéo, nhiều vấn đề chưa từng có trong tiền lệ hay sự đổ vỡ trong hợp tác quốc tế mang lại nhiều hệ lụy sâu sắc, lâu dài cho các quốc gia – dân tộc. Để nhanh chóng vượt qua thách thức, hướng tới tương lai, cộng đồng quốc tế, trong đó có Việt Nam cần chuẩn bị một tâm thế sẵn sàng, một tầm nhìn đổi mới và một thái độ quyết đoán trong hành động. Hơn bao giờ hết, đây là thời điểm thế giới cần sát lại gần nhau, thúc đẩy đoàn kết quốc tế, tạo cơ hội cùng chung tay ứng phó với những thách thức chung.
Nhận diện những thách thức, rủi ro trong thế giới bất định hiện nay
Ngày nay, chúng ta không còn sống trong một trật tự quốc tế dựa trật luật lệ ổn định nữa. Thời kỳ đơn cực và chủ nghĩa tự do toàn cầu đã đi qua, và thế giới hiện đang đối mặt với một loạt những cú sốc không giống với bất cứ điều gì mà hầu hết chúng ta từng chứng kiến trong cuộc đời. Các định chế, chuẩn mực và thông lệ quốc tế ngày càng bị địa chính trị làm lu mờ. Bất kể luận điệu có là gì, Mỹ, Trung Quốc và Nga đã mất niềm tin vào các thể chế toàn cầu, từ chối ủng hộ các thể chế này bất cứ khi nào họ muốn, miễn là phù hợp với lợi ích. Trong khi Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Anh, Canada và các nước phương Nam[1] tiếp tục ủng hộ chủ nghĩa đa phương, sẽ không có cách nào duy trì nền quản trị toàn cầu nếu không có sự tham gia của các cường quốc quân sự và kinh tế lớn nhất thế giới.
Tồi tệ hơn, thế giới đang phải đối mặt với ít nhất tám thách thức mang tính hệ thống cùng một lúc. Như cựu Thống đốc Ngân hàng trung ương Canada Stephen Poloz giải thích trong cuốn sách “Thời đại bất định tiếp theo”: “Khi nhiều vấn đề tồn tại lâu dài cùng tác động lên nền kinh tế và tác động qua lại lẫn nhau, bản thân nền kinh tế có thể hoạt động bất thường và trở nên không ổn định.” Trong bối cảnh đó, các dự đoán và các công cụ chính sách thông thường không còn hiệu quả.
Thách thức lớn đầu tiên là cuộc chiến dai dẳng của Nga ở Ukraine hiện vẫn chưa có dấu hiệu sẽ sớm kết thúc (Bất chấp những thành tựu gần đây của lực lượng vũ trang Ukraine). Theo số liệu của chính phủ Ukraine, sau 6 tháng chiến sự, ít nhất 140.000 căn nhà trên toàn quốc đã bị phá hủy trong bom đạn, hàng loạt công trình hạ tầng giao thông, trường học, bệnh viện cũng trở thành đống gạch vụn sau những trận không kích, pháo kích dữ dội, với tổng thiệt hại lên tới hơn 81 tỷ USD[2]. Trong khi đó, nước Nga cũng phải hứng chịu thương vong nặng nề: gần 6000 quân nhân thiệt mạng (theo Reuters) cùng nền kinh tế “ngấm đòn” trừng phạt mà theo bà Ursula von der Leyen – Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu cho là đang dần đi vào “con đường lãng quên”. Song những hậu quả của cuộc chiến phi nghĩa này đang ngày càng vượt xa khỏi biên giới Ukraine. Nỗ lực vũ khí hóa các mối liên kết kinh tế thành công cụ ăn miếng – trả miếng đã tạo ra một cú sốc lớn về năng lượng trên quy mô toàn cầu, làm trầm trọng thêm các cuộc khủng hoảng chính trị và xã hội ở châu Âu cũng như trên toàn thế giới. Trong khi G7, Australia và Hàn Quốc đã tiến hành nhiều biện pháp nhằm tách Nga ra khỏi hệ thống đồng đô la toàn cầu và hệ thống thanh toán liên ngân hàng (SWIFT), các nước phương Nam đã không tham gia vào các lệnh trừng phạt như vậy, dẫn tới sự chia rẽ trong G20.
Thứ hai, mặc dù chính quyền Biden đã đạt được nhiều bước tiến về mặt lập pháp trong thời gian gần đây, nền dân chủ Mỹ vẫn đang khủng hoảng sâu sắc. Hầu hết quá trình ra quyết định bị tê liệt do sự bế tắc về lập pháp, trò chơi quyền lực của Tòa án tối cao và sự gia tăng của chủ nghĩa cực đoan. Trong một cuốn sách gần đây, học giả quan hệ quốc tế Barbara F. Walter lo ngại rằng, nhiều chỉ số cảnh báo một cuộc nội chiến sắp xảy ra tại Mỹ đang ở mức đáng báo động. Một cuộc khảo sát lớn được công bố vào tháng 11 năm 2021 cho thấy 30% Đảng viên Đảng Cộng Hòa và 18% người Mỹ nói chung, đồng tình với tuyên bố rằng: “Do mọi chuyện đã đi quá xa, những người Mỹ yêu nước chân chính có thể sẽ phải dùng đến bạo lực để cứu lấy đất nước.”
Thứ ba, Trung Quốc đang ở ngã ba đường. Đại hội Đảng lần thứ 20 vào tháng 10 gần như chắc chắn sẽ củng cố quyền lực của Chủ tịch Tập Cận Bình và chọn ra những nhân vật chủ chốt lãnh đạo đất nước trong 5 năm tới hoặc lâu hơn nữa. Liệu chính quyền Bắc Kinh có tiếp tục đẩy mạnh việc huy động chủ nghĩa dân tộc và tăng cường kiểm soát xã hội – bao gồm chính sách “Zero Covid” tai hại về kinh tế, đóng cửa biên giới và các hạn chế khác? Liệu Trung Quốc sẽ dựng lên hàng rào cô lập mình hay lùi bước khỏi kết nối quốc tế và tự do hóa kinh tế? Câu trả lời cho điều này sẽ quyết định câu trả lời cho nhiều vấn đề khác. Ở thời điểm hiện tại, quỹ đạo chính trị của Mỹ và Trung Quốc đang thúc đẩy một vòng xoáy đối đầu căng thẳng mà không bên nào có khả năng thực sự trở thành kẻ thắng cuộc.
Thứ tư, sau một thời gian thống nhất đáng kể để đối phó với cuộc xâm lược Ukraine của Nga, EU đang bước vào một thời kỳ cực kỳ rủi ro với những cú sốc về năng lượng, kinh tế và xã hội đan xen. Nước Ý, sau khi loại bỏ một chính phủ có năng lực và đáng tin cậy do cựu Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Mario Draghi đứng đầu, hiện đã sẵn sàng bầu ra một chính phủ cực hữu sẽ không làm gì cho đất nước – ngoài việc đào sâu những chia rẽ. Trong khi đó, nền quản trị của Pháp cũng bắt đầu lung lay, với nỗi thất vọng gia tăng của người dân về việc Tổng thống Emmanuel Macron không thể khởi động một chương trình cải cách mới. Ở Đức, chính phủ mới đã mạnh dạn tuyên bố một sự thay đổi mang tính thời đại (Zeitenwende), nhưng họ đang phải vật lộn để thực hiện phần cấp bách nhất trong chương trình nghị sự của mình: đại tu chính sách quốc phòng. Và rộng hơn, ở châu Âu, các nhà hoạch định chính sách, cạn kiệt trí tuệ trong một thập kỷ tranh luận về mối liên hệ giữa chính sách tài khóa và tiền tệ, hầu như không thể đưa ra một chiến lược năng lượng chung.
Thứ năm, các thảm họa liên quan đến khí hậu đang gia tăng trên toàn cầu – và diễn ra sớm hơn nhiều so với dự kiến. Trên khắp Nam Á, Thái Bình Dương, Trung Quốc, Châu Âu, Châu Phi và Châu Mỹ, các đợt nắng nóng, hạn hán, cháy rừng và siêu lũ đang làm gián đoạn cuộc sống, giảm nguồn cung lương thực (vốn đã bị đe dọa bởi cuộc chiến tranh của Nga), và dẫn tới các xã hội ly tán. Nhân loại ngày nay không còn đủ khả năng để bỏ qua hoặc trì hoãn các khoản đầu tư vào thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu, vốn sẽ đòi hỏi phải thay đổi toàn bộ các xã hội công nghiệp hóa trên thế giới.
Thứ sáu, những bất ổn sâu sắc sau đại dịch liên quan đến chuỗi cung ứng, thị trường năng lượng, thực phẩm, lạm phát vẫn đang hiện hữu. Theo một phân tích của tờ Financial Times, các Ngân hàng trung ương trên toàn thế giới đang đảo ngược lập trường chính sách tiền tệ nới lỏng đã được áp dụng kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và được thúc đẩy hơn nữa trong thời kỳ đại dịch COVID-19; với làn sóng thắt chặt chính sách rộng rãi nhất trong hơn 20 năm qua nhằm kiềm chế lạm phát đang tăng với tốc độ chưa từng có trong nhiều thập kỷ. Trong bối cảnh thanh khoản toàn cầu bị thắt chặt do Fed tăng lãi suất, các vấn đề như chi phí huy động vốn tăng cao, môi trường tài chính bị thu hẹp, vốn quốc tế chảy ra bên ngoài… sẽ xuất hiện. Đối với các nền kinh tế mới nổi, mức độ khó khăn trong việc nhận các khoản vay mới sẽ tăng đáng kể, áp lực trả nợ gia tăng, dẫn đến rủi ro vỡ nợ nghiêm trọng. Thứ bảy, những cú sốc về lương thực, năng lượng, khí hậu và kinh tế này có khả năng gây ra sự đổ vỡ xã hội và dân chủ ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt nếu G20 không thể thống nhất về các biện pháp mạng lưới an toàn như xóa nợ. Lebanon, Sri Lanka, Pakistan và Ethiopia đã chìm trong hỗn loạn chính trị và kinh tế xã hội.
Cuối cùng, các cơ chế quản trị toàn cầu đang đứng trước những phép thử quan trọng và khó nhằn hơn bao giờ hết vào những tháng tới. Mọi sự chú ý sẽ đổ dồn vào Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra vào ngày 15-16/11 tại Bali, Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương ngày 18-19/11 tại Thái Lan và Hội nghị khí hậu COP27 ngày 6-18/11 tại Sharm El-Sheikh, Ai Cập. Đáng buồn thay, thật khó để mong đợi nhiều từ bất kỳ cuộc họp nào trong số này.
Thế giới cần chuẩn bị điều gì trước những thay đổi trong cục diện an ninh toàn cầu?
Đầu tiên, thế giới phải từ bỏ cách tiếp cận dựa trên ý thức hệ và sẵn sàng đối mặt với những cú sốc như vậy bằng chủ nghĩa thực dụng. Vì chúng ta vẫn kết nối chặt chẽ qua công nghệ, khí hậu, du lịch và nền kinh tế thế giới rộng lớn hơn, việc quản trị toàn cầu thông qua các câu lạc bộ theo ý thức hệ hay khu vực riêng rẽ, thay vì hành động tập thể sẽ khiến tương lai của chính nền văn minh nhân loại gặp rủi ro. Đoàn kết và hợp tác quốc tế chính là chìa khóa cho những thách thức hiện hữu mà con người đang phải đối mặt, trên hết cần xây dựng các thể chế đa phương vững mạnh và hiệu quả, với vai trò trung tâm của Liên Hợp Quốc, đồng thời thúc đẩy quan hệ đối tác toàn cầu, trong đó có vai trò quan trọng của các tổ chức khu vực, để chung tay hành động vì một thế giới an toàn hơn, hạnh phúc hơn và thịnh vượng hơn.
Thứ hai, các nhà lãnh đạo chính trị và các nhà hoạch định chính sách cần nhanh chóng tìm ra giải pháp mang tính đột phá thông qua cách tiếp cận thay thế đối với quản trị tập thể và quản trị toàn cầu. Chúng bao gồm các nền tảng mới như Diễn đàn Hòa bình Paris, Sáng kiến Giải pháp Toàn cầu, Diễn đàn Jeju vì Hòa bình và Thịnh vượng, quy tụ nhiều bên tham gia để tạo ra các mô hình mới hoặc các nhóm liên khu vực như Liên minh Đa phương. G20 nên thành lập một nhóm chuyên trách giải quyết các vấn đề phổ biến đã tồn tại lâu dài và nỗ lực hóa giải nhận thức sai lầm lẫn nhau. Điều quan trọng là, những ý tưởng mới như vậy cần phải được tìm kiếm theo hướng từ dưới lên và đảm bảo tính cạnh tranh.
Thứ ba, các nước lớn, đóng vai trò quan trọng trong hệ thống có trách nhiệm lịch sử trong việc kiềm chế các đối thủ quân sự và an ninh của mình, đồng thời hỗ trợ các quốc gia đang gặp khó khăn do hành động của các cường quốc. Trong quá khứ, chúng ta đã tìm được giải pháp để giảm bớt mối đe dọa mất an ninh lẫn nhau thông qua các cuộc họp và diễn đàn toàn cầu như Hội nghị Stockholm về các biện pháp xây dựng lòng tin và an ninh và giải trừ quân bị ở châu Âu. Một lần nữa, chúng ta phải làm như vậy, ngày hôm nay.
Đối với tất cả các quốc gia khác, các công ty, tổ chức, các nhóm xã hội dân sự và các tổ chức phi chính phủ, nhiệm vụ bây giờ là tạo ra các ý tưởng và hình thành các mạng lưới và liên minh, với trọng tâm là xây dựng khả năng phục hồi và phát triển các hệ thống chống phân mảnh. Ví dụ điển hình là một sáng kiến mới có trụ sở tại Thụy Sỹ đang cố gắng tạo ra một liên minh bao gồm các nước nhỏ, nhằm đối trọng với G7 và G20, được gọi là S8[3]. Trong mọi trường hợp, S8 thể hiện quan điểm rằng những thách thức rõ ràng nên được coi là động lực để đưa ra các giải pháp hiệu quả, chứ không phải là cái cớ để chìm đắm trong tuyệt vọng.
“Vịnh tránh bão trong cơn biến động”
Sau hơn 35 năm tiến hành công cuộc Đổi Mới, Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế, chính trị thế giới và nền văn minh nhân loại. Từ chỗ bị bao vây về mặt chính trị – ngoại giao, đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với hơn 190 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có quan hệ Đối tác chiến lược và Đối tác toàn diện với 30 nước, bao gồm 5 nước thành viên thường trực HĐBA LHQ, toàn bộ Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu (G7). Từ chỗ bị cấm vận về kinh tế, Việt Nam đã ngày càng trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu, với độ mở kinh tế 200% GDP cùng mạng lưới 15 FTAs đã ký kết, trong đó có các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, RCEP…. Có thể nói, Việt Nam đã từng bước hòa mình vào dòng chảy của thời đại và do đó chắc chắn không thể đứng ngoài những chuyển động nóng bỏng của tình hình thế giới thời gian qua với những tác động tích cực lẫn tiêu cực đan xen.
Về mặt tích cực, càng trong bối cảnh thế giới đối mặt với nhiều khó khăn, Việt Nam càng có cơ hội khẳng định vị thế quốc gia và tầm vóc ngày càng vươn tầm quốc tế. Thời gian gần đây, các tổ chức quốc tế, truyền thông nước ngoài liên tục nâng mức dự báo tăng trưởng và dành nhiều lời khen “có cánh” cho nền kinh tế Việt Nam. Ngày 26/9, Việt Nam được tạp chí Financial Times của Anh ca ngợi là “1 trong 7 kỳ quan kinh tế nổi bật“ (cùng với Indonesia, Ấn Độ, Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Saudi Arabia và Nhật Bản), với mức tăng trưởng gần 7%, thuộc nhóm có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới. Trước đó, ngày 19/9, tờ Bangkok Post của Thái Lan đăng tải bài viết có tựa đề “Đỉnh cao so với phần còn lại”. Trong đó nêu rõ, trước bối cảnh toàn cầu lo ngại về lạm phát và lãi suất tăng, Việt Nam đã nổi lên như một điểm sáng kinh tế hiếm hoi với tốc độ tăng trưởng GDP ổn định và là “miền đất hứa” cho các nhà đầu tư. Sự vững vàng của nền kinh tế Việt Nam trước “bão giông thời cuộc” không chỉ là minh chứng cho thấy những chủ trương, chính sách của Đảng ta trong thời gian qua đang hoạt động hiệu quả, mà còn góp phần tạo điều kiện thuận lợi huy động tối đa các nguồn lực bên ngoài để nâng cao “cơ đồ, tiềm lực” đất nước.
Bên cạnh đó, giữa gam màu ảm đạm của bất ổn toàn cầu do chiến tranh, xung đột, cạnh tranh, cọ sát chiến lược giữa các nước lớn cùng các thách thức an ninh phi truyền thống khác, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc kêu gọi tăng cường đoàn kết và hợp tác quốc tế, thúc đẩy cách tiếp cận cân bằng và xây dựng, cùng tìm kiếm giải pháp lâu dài cho những vấn đề toàn cầu, vì lợi ích chung của tất cả các quốc gia, dân tộc. Quan điểm đó tiếp tục được thể hiện rõ nét và nhất quán trong bài phát biểu của Đại sứ Đặng Hoàng Giang và Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh tại khóa họp lần thứ 77 của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc diễn ra từ ngày 20-26/9 với chủ đề “Thời khắc bước ngoặt: các giải pháp chuyển đổi trước những thách thức kết nối” và đều được các quốc gia thành viên đón nhận tích cực. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đóng góp, đồng chủ trì nhiều sáng kiến quan trọng mang tính đột phá, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, mới nhất như Nghị Quyết về việc tổ chức phiên họp cấp cao về sẵn sàng phòng, chống và ứng phó với dịch bệnh (thông qua ngày 2/9/2022)… Sự tham gia ngày càng chủ động, tích cực và sâu rộng của Việt Nam tại các diễn đàn Liên Hợp Quốc đối với những vấn đề toàn cầu tiếp tục nâng cao hơn nữa uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Chúng ta tự tin và tự hào rằng, Việt Nam thực sự là “vịnh tránh bão trong cơn biến động” (TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và quản lý, Đại học Fulbright).
Bên cạnh những thuận lợi nêu trên, Việt Nam cũng phải đối mặt với vô vàn thử thách chông gai. Đó là những biến số về nguy cơ “lạm phát đình trệ” (lạm phát đi kèm tăng trưởng kinh tế yếu) xuất phát từ sự phục hồi khó khăn sau đại dịch Covid-19 cùng hệ lụy của chính sách “Zero Covid” ở Trung Quốc; tình trạng đứt gãy nguồn cung, tăng giá nguyên nhiên vật liệu trên diện rộng do xung đột Nga – Ukraine hay các thách thức an ninh phi truyền thống khác như biến đổi khí hậu, an ninh lương thực,… tác động trực tiếp đến môi trường an ninh, phát triển của Việt Nam. Để “hóa nguy thành cơ”, tranh thủ và tận dụng tối đa cơ hội, kiểm soát và hóa giải các thách thức, ứng phó tốt với những chuyển biến bên ngoài,Việt Nam cần:
Một là, tiếp tục thường xuyên theo dõi, nghiên cứu, nắm chắc diễn biến tình hình để kịp thời có giải pháp thích hợp trong công tác đối ngoại. Những diễn biến chính trị nhanh chóng, phức tạp trên thế giới thời gian qua có rất nhiều vấn đề vượt ra ngoài dự báo thông thường. Nếu chúng ta không nắm bắt đúng tình hình thì không theo kịp sự phát triển của thực tiễn: “Chúng ta cần xác định khó khăn lúc nào cũng có. Chúng ta không lo sợ nhưng không chủ quan, không cầu toàn nhưng không liều lĩnh. Cần xác định những khó khăn, thách thức để có sự chuẩn bị về tâm thế, tư tưởng, nguồn lực” ( Phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2022). Tinh thần chủ động này chính là cơ sở quan trọng để Việt Nam linh hoạt ứng phó với cái “vạn biến” của tình hình quốc tế, để bảo đảm cao nhất cái “bất biến” là lợi ích quốc gia – dân tộc trong mọi điều kiện, hoàn cảnh.
Hai là, kiên định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển, là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Trong một thế giới đầy biến động và nhiều sự lựa chọn, Việt Nam không chọn bên mà chọn chính nghĩa, chọn công bằng, công lý và lẽ phải trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hợp Quốc; bình đẳng, tất cả cùng có lợi, tất cả cùng chiến thắng.
Ba là, tiếp tục đổi mới, mở cửa, tự tin xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ phải dựa trên ý chí tự lực, tự cường và phát huy sức mạnh tổng hợp của dân tộc gắn với sức mạnh thời đại. Nâng cao sức chống chịu và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế; thích ứng linh hoạt, hiệu quả với những biến động tình hình quốc tế, khu vực và trong nước; tạo thế đan xen lợi ích trong hội nhập quốc tế.
Bốn là, xác định cách tiếp cận toàn cầu, đề cao đoàn kết, hợp tác quốc tế, ưu tiên thúc đẩy chủ nghĩa đa phương. Chủ động, tích cực tham gia đóng góp, xây dựng, định hình các cơ chế đa phương theo tinh thần Chỉ thị số 25 của Ban Bí thư về nâng tầm công tác đối ngoại đa phương. Tiếp tục tham gia tích cực trong khuôn khổ hoạt động của Liên Hợp Quốc, trong đó, trọng tâm là giải quyết các thách thức toàn cầu, thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG), hành động khí hậu, đề cao và thúc đẩy tôn trọng luật pháp quốc tế cũng như tham gia xử lý các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm khác, lan tỏa hình ảnh Việt Nam hòa bình, cùng gánh vác nghĩa vụ chung.
Thế giới đang ở thời khắc “bước ngoặt của lịch sử”, từ sự gia tăng không ngừng tình trạng đối đầu, xung đột và các hành động vi phạm luật pháp quốc tế tới tác động hết sức nghiêm trọng, cấp bách của nhiều vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, an ninh lương thực… đang đe dọa sự tồn vong của nhân loại. Để vượt qua “vùng biển động”, cộng đồng quốc tế cần có những thay đổi căn bản về tư duy, định hình lại cách tiếp cận đối với các vấn đề toàn cầu, thúc đẩy chủ nghĩa đa phương và hợp tác quốc tế một cách cởi mở, bao trùm, công bằng và cùng có lợi. Trong bối cảnh đó, với vai trò là một thành viên tích cực, có trách nhiệm, Việt Nam cần phát huy hơn nữa những đóng góp cho công việc chung của cộng đồng quốc tế, xứng đáng với tầm vóc và vị thế mới của đất nước.
Phân tích, tổng hợp: Lã Thị Thu Hà
Tài liệu tham khảo
1. Bertrand Badré and Yves Tiberghien, Navigating a World in Shock, Project Syndicate, 20/9/2022.
2. Harold James, Geopolitical Davids and Goliaths, Project Syndicate, 23/9/2022
Về các tác giả
Bertrand Badré, cựu giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới, Giám đốc điều hành và Người sáng lập Blue like an Orange Sustainable Capital và là tác giả cuốn sách Can Finance Save the World? (Berrett-Koehler, 2018).
Yves Tiberghien, Đồng Chủ tịch Sáng kiến Tầm nhìn 20, Giáo sư Khoa học Chính trị và nguyên Giám đốc Viện Nghiên cứu Châu Á tại Đại học British Columbia.
Harold James, Giáo sư Lịch sử và Quan hệ Quốc tế tại Đại học Princeton và Nghiên cứu viên chính tại Trung tâm Đổi mới Quản lý Quốc tế, một chuyên gia về lịch sử kinh tế Đức và toàn cầu hóa. Ông là đồng tác giả của cuốn sách The Euro and The Battles of Ideas, tác giả của The Creation and Destruction of Value: The Globalization Cycle, Krupp: A History of the Legendary German Firm, and Making the European Monetary Union.
[1] Global South: Một thuật ngữ được sử dụng để đề cập tới các kém phát triển hơn chủ yếu nằm ở Nam bán cầu.
[2] Thế Đại – Hoàng Khánh – Thanh Hạ, Chiến sự Nga – Ukraine chồng chất đau thương và khủng hoảng, VN Express
[3] Bao gồm: Đan Mạch, Phần Lan, Ireland, Israel, Hà Lan, Singapore, Thụy Điển, Thụy Sĩ