Sự kiện Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XX là sự kiện quan trọng của Trung Quốc và nhận được sự quan tâm của nhiều quốc gia trên thế giới. Trong Đại hội Đảng lần này, Trung Quốc sẽ công bố lãnh đạo nhiệm kỳ 5 năm tiếp theo, cũng như đưa ra chiến lược, mục tiêu phát triển và chính sách đối nội và đối ngoại. Bài viết của hai chuyên gia của Crisis Group Amanda Hsiao và Ivy Kwek đăng tải trong thời điểm Đại hội 20 đang diễn ra đề cập đến quan điểm của Trung Quốc về thách thức của môi trường xung quanh, mô tả các mục tiêu chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia, giải quyết “điểm nóng” trên eo biển Đài Loan và cách Trung Quốc giải quyết những trở ngại của mình.
Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra từ ngày 16 đến 22 tháng 10 năm 2022 là sự kiện quan trọng được tổ chức năm năm một lần. Thông qua Đại hội, Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ đưa ra định hướng cũng như chính sách đối nội và đối ngoại của Bắc Kinh. Ngày 16 tháng 10, Đại hội khai mạc bằng bài phát biểu trong 2 giờ của chủ tịch Tập Cận Bình. Khi sự kiện được khai mạc, những tài liệu quan trọng sẽ được công bố dần dần điển hình như bài phát biểu của ông Tập, dự thảo báo cáo Đại hội Đảng, cho thấy đánh giá của Trung Quốc về môi trường bên ngoài cũng như nhận thức hơn của họ về các mối đe dọa an ninh quốc gia. Đặc biệt, bài phát biểu của ông Tập đã nhấn mạnh chính sách của Bắc Kinh đối với Đài Loan là thống nhất hòa bình nhưng không loại trừ giải pháp ép buộc bằng biện pháp quân sự.
Tại sao Đại hội Đảng lần thứ XX có ý nghĩa quan trọng đối với Trung Quốc?
Có thể nói, Đại hội Đảng lần XX là một trong những sự kiện quan trọng bậc nhất trong nền chính trị và quản lý nhà nước Trung Quốc. Có khoảng 2.300 đại biểu tập trung để bầu ra ban lãnh đạo Trung ương đảng, bao gồm Ban Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc (chức vụ quyền lực nhất trong nội bộ) và Tổng Bí thư. Vì Trung Quốc là quốc gia độc đảng nên cuộc bầu cử này cũng bầu ra lãnh đạo của quốc gia.
Trong những ngày tiếp theo, chủ tịch Tập Cận Bình dự kiến sẽ đắc cử nhiệm kỳ thứ ba với tư cách là lãnh đạo đảng, điều này sẽ phá vỡ những tiêu chuẩn được đặt ra trước đó. Đảng sẽ bỏ thời hạn nhiệm kỳ chủ tịch theo hiến pháp năm 2018. Các thay đổi nhân sự khác cũng được dự đoán, bao gồm việc thay thế thủ tướng Lý Khắc Cường (vị trí quyền lực thứ hai sau chủ tịch nước). Những người được đề cử vào Ủy ban Thường vụ Bộ chính trị sẽ là nguồn lực chủ chốt điều hành Đảng Cộng sản Trung Quốc trong 5 năm tới. Ngoài ra, các vị trí hàng đầu trong việc thực hiện chính sách đối ngoại cũng sẽ được thay thế. Những người trung thành với ông Tập và những người có ảnh hưởng khác sẽ là dấu hiệu củng cố quyền lực của ông.
Theo dự thảo Báo cáo Đại hội, chủ đề Đại hội Đảng lần thứ XX là “gương cao ngọn cờ vĩ đại của chủ nghĩa xã hội đặc trưng Trung Quốc, đoàn kết thống nhất xây dựng đất nước hiện đại về mọi mặt.” Nhiệm vụ trọng tâm của Trung Quốc là xây dựng quốc gia này trở thành “một nước xã hội chủ nghĩa hiện đại có trách nhiệm và thúc đẩy “phục hưng” đất nước về mọi mặt” vào năm 2049. Tuy nhiên, định nghĩa về “phục hưng” như thế nào vẫn còn là một ẩn số. Trung Quốc sẽ trở nên hùng mạnh và thịnh vượng vào giữa thế kỷ XXI, nhưng nếu muốn đạt được thành công thì họ phải ngang bằng với Hoa Kỳ về sức mạnh kinh tế, quân sự cũng như sức ảnh hưởng toàn cầu. Bên cạnh đó, Trung Quốc nhất quán với mục tiêu được đặt ra trong Đại hội Đảng lần IXX là trở thành quốc gia “xã hội chủ nghĩa hiện đại dẫn đầu thế giới về sức mạnh tổng hợp quốc gia và ảnh hưởng quốc tế vào giữa thế kỷ này.”
Theo thường lệ, nội dung dự thảo Báo cáo chủ yếu tập trung về tầm nhìn và định hướng chính sách, tập trung các vấn đề đối nội hơn đối ngoại. Tuy nhiên, đó vẫn là tuyên bố quan trọng trong cách bầu cử Ban lãnh đạo Đảng và đánh giá môi trường bên ngoài cùng như mối quan hệ Trung Quốc và thế giới.
Môi trường quốc tế và vị trí của Trung Quốc
Đánh giá của Bắc Kinh về môi trường bên ngoài có phần khác xa với đánh giá của họ trong đại hội IXX. Đi kèm với dự đoán tiêu cực hơn về thế giới là quyết tâm khẳng định vị thế của Trung Quốc, họ vẫn tự tin nhưng ít thắng lợi như trước kia.
Dự thảo báo cáo cho biết triển vọng ảm đạm hơn của Trung Quốc bằng cách mô tả diễn biến quốc tế “phức tạp” và “trầm trọng”, liên quan đến “những thay đổi toàn cầu ở mức độ chưa từng thấy trong một thế kỷ” dẫn đến “hàng loạt rủi ro và thách thức lớn” đối với Trung Quốc. Như thảo luận bên dưới, những từ ngữ được đề cập phần lớn liên quan đến biểu hiện cạnh tranh chiến lược của Hoa Kỳ, cũng như nỗ lực của Washington nhằm ngăn cản sự trỗi dậy của Trung Quốc. Cách sử dụng ngôn ngữ trên được phản ánh thông qua “Nghị quyết lịch sử” lần thứ 3 (văn kiện đảng được ban hành vào tháng 11 năm 2021 về những thành tựu và kinh nghiệm của Đảng trong thế kỷ qua). Ngược lại, Ban lãnh đạo nhận thấy “những thay đổi sâu sắc và phức tạp” trên trường quốc tế cách đây 5 năm, nhưng họ vẫn nhấn mạnh “triển vọng tươi sáng” đối với Trung Quốc. Đánh giá hiện tại của Trung Quốc về thế giới là các bên tiếp tục nhận thấy cơ hội chiến lược và rủi ro có thế gặp phải. Nhưng họ quan tâm nhiều hơn đến “mối nguy hiểm tiềm tàng” và “các tình huống xấu nhất” và kêu gọi toàn quốc “sẵn sàng chống lại những hiểm nguy trước mắt và nguy hiểm trong dài hạn.”
Trung Quốc ngày càng ý thức về mối đe dọa của mình, điều này được thể hiện trong bản dự thảo Báo cáo: “Những nỗ lực kiềm chế Trung Quốc từ bên ngoài có thể leo thang bất cứ lúc nào” và bảy điểm liên quan đến “sự can thiệp” của nước ngoài vào các vấn đề của mình. Những từ ngữ này xuất hiện bốn lần trong những buổi thảo luận về vấn đề Đài Loan. Một lần liên quan đến các lệnh trừng phạt từ nước ngoài, một lần liên quan đến Hồng Kông và một lần đề cập đến chính sách đối ngoại Trung Quốc. Và những điều này không xuất hiện trong báo cáo đại hội Đảng lần thứ IXX.
Dự thảo Báo cáo tránh việc sử dụng ngôn từ mang tính hiếu thắng. Trung Quốc nhấn mạnh rằng họ có những đóng góp “mới mẻ và to lớn hơn” cho nhân loại, đưa ra “góc nhìn sâu sắc và sức mạnh lớn hơn của Trung Quốc” nhằm chia sẻ những thách thức toàn cầu. Thay vì tuyên bố rằng: “Trung Quốc giờ đây đã phát triển mạnh mẽ ở phương Đông với tâm thế hoàn toàn mới” trong báo cáo Đại hội Đảng lần thứ IXX. Nhưng điều này không dừng lại ở tuyên bố 5 năm trước rằng Trung Quốc đã “mở ra con đường mới cho các nước đang phát triển để hiện thực hóa mục tiêu hiện đại hóa” đồng thời đưa ra “lựa chọn mới” (con đường phát triển khác với phương Tây). Sự thận trọng này có thể là một nỗ lực để cạnh tranh với phương Tây và phản ánh sự thiếu sáng suốt của giới lãnh đạo.
Những thách thức đối với Trung Quốc trong việc xác lập vị thế trên trường quốc tế
Đại hội Đảng lần thứ XX diễn ra vào thời điểm quan trọng khi Bắc Kinh phải đối mặt với sự gia tăng thách thức từ trong và ngoài nước. Trung Quốc không những trải qua việc đóng cửa các thành phố lớn trong hai năm đại dịch theo chính sách “Zero-COVID”, mà còn đối mặt với những vấn đề trong hệ thống kinh tế kể cả vấn đề bất động sản. Vào năm 2022, tăng trưởng GDP của Trung Quốc dự kiến sẽ chậm lại còn 2,8% (trong khi mục tiêu trước đó vào tháng Ba là 5,5%).
Một thách thức khác đến từ việc tăng cường cạnh tranh chiến lược với Hoa Kỳ. Những ngôn từ gay gắt không được sử dụng cách đây 5 năm nhưng có thể phản ánh Trung Quốc ngày càng dè chừng Washington. Dự thảo Báo cáo của Trung Quốc ngụ ý các chính sách của Hoa Kỳ là “những nỗ lực từ bên ngoài nhằm chế tài, phong tỏa và gây áp lực tối đa lên Trung Quốc”. Bắc Kinh nhận thấy “sự thay đổi đáng kể… trong cán cân quyền lực quốc tế”, cụ thể kỷ nguyên của Hoa Kỳ đang kết thúc và sức mạnh quốc gia của Trung Quốc đang gia tăng. Điều này cho thấy sức mạnh toàn cầu giữa các quốc gia đang phát triển và các quốc gia phát triển đang trở nên ngang bằng nhau hơn. Bắc Kinh cho rằng sự suy giảm quyền lực của Hoa Kỳ tạo cơ hội cho Trung Quốc trỗi dậy. Tuy nhiên, Bắc Kinh phải đối mặt với rủi ro trong giai đoạn tái cân bằng này, vì họ chưa đủ mạnh để đảm nhận vị thế ngang hàng với Hoa Kỳ. Rủi ro thậm chí còn lớn hơn trong 5 năm qua vì Washington luôn tìm cách ngăn cản sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Có những bằng chứng củng cố cho quan điểm trên. Dưới thời chính quyền Tổng thống Trump, Hoa Kỳ xem Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược. Còn dưới thời Tổng thống Biden, Hoa Kỳ đã xây dựng sự ủng hộ sáng kiến đa phương nhằm kiềm chế ảnh hưởng địa chính trị, mở rộng kinh tế của Trung Quốc cũng như gia tăng tính quyết đoán của Trung Quốc đối với các khu vực lân cận. Đối thoại An ninh bốn bên (nhóm Bộ Tứ) bao gồm Ấn Độ, Nhật Bản, Úc và Hoa Kỳ dành sự quan tâm đến Trung Quốc thể hiện bằng bốn cuộc họp cấp lãnh đạo trong vòng hai năm qua. Vào năm 2021, liên minh AUKUS (Hoa Kỳ, Anh và Úc) đã cung cấp công nghệ tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân cho Úc để nước này thể hiện quyền kiểm soát xa bờ (và gần Trung Quốc hon). Trong lĩnh vực kinh tế, chính quyền Biden đã bắt đầu đàm phán với 13 quốc gia về Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ – Thái Bình Dương nhằm “mở rộng vai trò lãnh đạo kinh tế của Hoa Kỳ” từ đó kiềm chế ảnh hưởng Trung Quốc trong khu vực.
Trong quan hệ song phương, Washington giữ nguyên mức thuế đối với hàng hóa Trung Quốc, tăng cường hợp tác với Đài Loan, lên tiếng chỉ trích hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc và coi việc cạnh tranh với Bắc Kinh như một phần của cuộc đấu tranh ý thức hệ giữa dân chủ và chuyên quyền. Gần đây nhất, chính quyền Biden thực hiện các biện pháp đơn phương nhằm tăng tốc độ cạnh tranh công nghệ với Trung Quốc, thắt chặt kiểm soát xuất khẩu đối với buôn bán vi mạch cao cấp và thiết bị sản xuất chip Trung Quốc. Những biện pháp kể trên cơ bản làm suy yếu ngành công nghiệp chip nội địa Trung Quốc ít nhất cho đến khi họ có thể tự sản xuất các thành phẩm này hoặc bảo đảm chúng không bị ảnh hưởng bởi sự kiểm soát của Hoa Kỳ. Điều này về lâu dài có thể làm giảm khả năng cạnh tranh kinh tế cũng như tiến bộ quân sự của Trung Quốc.
Sự ủng hộ Washington so với Bắc Kinh trong khu vực ngày càng tăng. Điều này phản ánh sự quan tâm của một số nước láng giềng và phương Tây về sự phát triển quân sự và kinh tế mạnh mẽ của Trung Quốc. Sự quyết đoán của Bắc Kinh được quan tâm dọc biên giới Trung Quốc: Ấn Độ, xung quanh eo biển Đài Loan, Biển Đông, cũng như tập trung trong việc nước này sử dụng đòn bẩy kinh tế để đạt được mục tiêu chính trị. Các chính phủ trong khu vực dành sự quan tâm đến việc bảo vệ an ninh kinh tế của mình bằng cách bày tỏ mong muốn giảm thiểu tác động tiêu cực lên nền kinh tế của họ. Nhật Bản dành sự quan tâm đến việc Trung Quốc xây dựng quân đội thông qua ý định gia tăng gấp đôi ngân sách quốc phòng và phát triển năng lực tên lửa tầm xa. Còn Ấn Độ quyết định chuyển các thiết bị quân sự từ biên giới Pakistan sang biên giới Trung Quốc.
Cuối cùng, triển vọng của Bắc Kinh tương đối ảm đạm vì tác động của những biến động toàn cầu, điển hình như cuộc chiến giữa Nga – Ukraine. Bắc Kinh quyết định liên kết với Moscow về mặt chính trị và đạo đức trong cuộc chiến càng khiến Trung Quốc trở thành mối đe dọa an ninh và kinh tế trong mắt các nước dân chủ Phương Tây và Châu Á. Bản chất của cuộc xung đột và những bất ổn ảnh hưởng đến ngoại giao, kinh tế và an ninh Trung Quốc (chẳng hạn như nỗ lực tăng cường an ninh lương thực của nước này) càng khiến Bắc Kinh đau đầu.
Một biến động toàn cầu khác gây ra bởi đại dịch COVID – 19. Vì sự phát triển nhanh chóng của Trung Quốc được thúc đẩy bởi toàn cầu hóa và thương mại tự do nên họ xem sự gia tăng rào cản thương mại và đầu tư của các nước phương Tây là liên quan đến sự tăng trưởng của chính họ. Vì sự phát triển nhanh chóng của Trung Quốc được thúc đẩy bởi toàn cầu hóa và thương mại tự do, nên họ xem sự ủng hộ các rào cản thương mại và đầu tư ngày càng tăng ở các nước phương Tây là liên quan đến sự tăng trưởng của mình. Theo quan điểm của Bắc Kinh, đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy xu hướng chống toàn cầu hóa và chủ nghĩa bảo hộ, bên cạnh những thiệt hại kinh tế toàn cầu.
Các mục tiêu chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia của Trung Quốc
Bất chấp “những thay đổi lớn” của bối cảnh quốc tế, dự thảo Báo cáo cho thấy sự nhất quán đáng kể với những tuyên bố trước đây về quan điểm chính sách đối ngoại, các mục tiêu và quy tắc an ninh quốc gia của Trung Quốc.
Đầu tiên, dự thảo Báo cáo về chính sách đối ngoại cho thấy mục tiêu của Bắc Kinh trong 5 năm tới là “nâng cao vị thế và ảnh hưởng quốc tế, đồng thời Trung Quốc đóng một vai trò hơn trong quản trị toàn cầu”. Trung Quốc nhấn mạnh họ sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách đối ngoại đặc biệt nhằm đạt được hòa bình thế giới và phát triển chung, theo tiêu chí “cộng đồng chung vận mệnh”. Trung Quốc sẽ hợp tác nhằm thúc đẩy “sự bình đẳng của các quốc gia” và tôn trọng “những con đường phát triển và hệ thống xã hội được lựa chọn độc lập”. Trước đây, Trung Quốc muốn duy trì “chủ nghĩa đa phương thực sự”, thúc đẩy cấu trúc quản trị toàn cầu công bằng và tập trung vào Liên Hợp Quốc.
Thông qua những ý tưởng nổi bật này, Bắc Kinh đang cố gắng phân biệt cách tiếp cận những vấn đề quốc tế của mình với những gì Washington tiếp cận. Cách của Washington được cho là mang tính đơn phương, bá quyền và mang những nét đặc trưng của quyền lực chính trị, chủ nghĩa bảo hộ, can thiệp vào nội bộ các quốc gia khác và tâm lý thời Chiến Tranh Lạnh. Ngược lại, Trung Quốc mong rằng sẽ tạo ra hình ảnh tích cực hơn nhằm gia tăng ảnh hưởng toàn cầu. Dưới thời Tập Cận Bình, Trung Quốc ưu tiên tăng cường “sức mạnh diễn ngôn (discourse power)”, hay khả năng đẩy mạnh quan điểm của mình trên toàn cầu để thách thức sự thống trị của phương Tây trong dư luận quốc tế. Nguyện vọng này được phản ánh trong dự thảo Báo cáo: Cần phải “kể những câu chuyện tốt hơn về Trung Quốc, làm cho tiếng nói của Trung Quốc được chú ý và thể hiện Trung Quốc là quốc gia đáng tin cậy, thu hút và tôn trọng” để đưa sức mạnh diễn ngôn toàn cầu của Trung Quốc “tương xứng với sức mạnh tổng hợp của quốc gia và tình hình quốc tế”.
Thứ hai, liên quan đến vấn đề quốc phòng, dự thảo Báo cáo nhấn mạnh Trung Quốc trong tâm thế phòng thủ và chủ yếu tập trung vào các ưu tiên quân sự và các mốc thời gian mà họ xác lập trước đó. Ngôn từ được sử dụng trong bản dự thảo này tương tự ngôn từ đưa ra tại Đại hội Đảng lần thứ IXX: “Bất kể giai đoạn phát triển nào Trung Quốc sẽ không bao giờ tìm kiếm bá quyền hoặc tham gia vào chủ nghĩa bành trướng”. Chúng ta thấy rõ Trung Quốc tiếp tục đặt mục tiêu cho lực lượng Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) là hiện đại hóa vào năm 2027 và đạt được điểm phát triển trong kế hoạch dài hạn vào năm 2035. Trong năm 2027, Trung Quốc kỳ vọng sẽ thúc đẩy việc tích hợp trí tuệ nhân tạo và các công nghệ tiên tiến khác vào các kỹ thuật hiện có. Tất cả là vì mục tiêu trở thành quân đội “đẳng cấp thế giới” vào năm 2049 (dấu móc quan trọng ngụ ý Trung Quốc sẽ ngang bằng với Hoa Kỳ).
Không giống như Đại hội Đảng lần thứ IXX, dự thảo Báo cáo lần này không đề cập thời hạn (năm 2049) để đưa PLA trở thành quân đội “đẳng cấp thế giới”, thay vào đó là Trung Quốc nên đạt được mục tiêu này “nhanh chóng hơn”. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là thay đổi mốc thời gian vì dự thảo tập trung vào mục tiêu năm 2027 và việc đề cập đến mục tiêu to lớn vào giữa thế kỷ được thể hiện ở những văn bản khác, chẳng hạn như Nghị quyết lịch sử thứ ba.
Dự thảo Báo cáo thiết lập “sức mạnh hệ thống răn đe chiến lược” trong đó có việc Trung Quốc mở rộng kho vũ khí hạt nhân mà chính phủ Mỹ dự báo sẽ đạt 700 đầu đạn vào năm 2027 và ít nhất 1.000 đầu đạn vào năm 2030. Tuy nhiên, khái niệm “sức mạnh hệ thống răn đe chiến lược” của PLA rất rộng vì nó có thể được Trung Quốc áp dụng trong không gian và không gian mạng bằng việc sử dụng trí tuệ nhân tạo và công nghệ thông tin.
Theo truyền thống, dự thảo Báo cáo cũng đưa ra sáng kiến về chính sách đối ngoại. Đáng chú ý là sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) được Trung Quốc khởi xướng vào năm 2013. Sáng kiến này đã tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng trị giá 1 nghìn tỷ đô la trên khắp thế giới, cho thấy sự phát triển kinh tế của Trung Quốc trong 5 năm qua. Bắc Kinh hạ thấp kỳ vọng với kế hoạch này vì họ đang đối mặt với những khó khăn trong việc yêu cầu các quốc gia nhận đầu tư hoàn trả nợ. Báo cáo gần đây cho thấy trong một phiên thảo luận nội bộ về dự án BRI, Trung Quốc sẽ tập trung giảm rủi ro và bù đắp tổn thất của mình.
Cuối cùng, dự thảo Báo cáo đề cập đến Sáng kiến Phát triển Toàn Cầu (GDI) và Sáng kiến An ninh toàn cầu (GSI) của Trung Quốc. Hai kế hoạch mới này được Bắc Kinh công bố lần lượt vào tháng 9 năm 2021 và tháng 4 năm 2022. Hiện tại, các tuyên bố chính thức của cả GSI và GDI đều ít đề cập đến chi tiết, nó chỉ đề cập đến những gì Bắc Kinh sẽ thực hiện trong thực tế và số tiền chi cho những hoạt động đó. Điều này cho thấy chính quyền Bắc Kinh đang dần làm rõ hai sáng kiến này.
Trung Quốc sẽ giúp các nước đang phát triển đạt được Mục tiêu Phát triển Bền vững năm 2030 của Liên Hợp Quốc (bao gồm xóa đói giảm nghèo, an ninh lương thực và các dự án liên quan đến năng lượng sạch) thông qua hỗ trợ từ GDI. Có thể xem GSI là nỗ lực của Trung Quốc nhằm đưa ra khái niệm an ninh bao quát hơn và cải tiến có mục đích với cách tiếp cận dựa trên mô hình liên minh của Washington. Theo Bắc Kinh, GSI sẽ thực hiện điều này bằng cách nhấn mạnh “an ninh tập thể, toàn diện, hợp tác và bền vững”, trong đó chú ý đến “mối quan tâm an ninh hợp lý của tất cả các quốc gia”. Khi tuyên bố này được công bố, chính quyền Trung Quốc đã tăng cường thúc đẩy khái niệm an ninh của mình thông qua hàng loạt hoạt động ngoại giao tại Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Có thể thấy rằng sáng kiến này giúp Trung Quốc tăng cường cách tiếp cận và hỗ trợ các quốc gia khác chống khủng bố và thực thi pháp luật.
Trước khi công bố GSI, Trung Quốc đã tích cực tham gia các chương trình đào tạo cảnh sát, chống khủng bố và xuất khẩu các công nghệ giám sát của Trung Quốc. Điều này cho thấy chúng có thể là một phần trong sáng kiến mới của Bắc Kinh. Giới chức Trung Quốc cho rằng GSI là kế hoạch áp dụng tư tưởng ông Tập trên khía cạnh ngoại giao, có nghĩa là Trung Quốc sẽ ưu tiên triển khai kế hoạch này.
Chính sách đối với Đài Loan
Bản dự thảo Báo cáo và bài phát biểu của ông Tập cho thấy Bắc Kinh quyết tâm thống nhất Đài Loan bất chấp căng thẳng leo thang gần đây. Bản dự thảo Báo cáo đã lặp lại những gì Bắc Kinh nêu rõ trong Sách trắng về vấn đề Đài Loan được phát hành hai tháng trước. Ban đầu, Sách trắng được dự kiến sẽ xuất bản trong khoảng thời gian gần Đại hội Đảng. Nhưng chuyến thăm Đài Bắc của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi vào ngày 2 tháng 8 đã khiến Trung Quốc xuất bản Sách trắng sớm hơn dự kiến. Trong phần đầu bài phát biểu, ông Tập tuyên bố rằng Trung Quốc đã “kiên quyết đấu tranh chống lại chủ nghĩa ly khai và chống lại sự can thiệp” ở Đài Loan, “thể hiện quyết tâm và khả năng của chúng tôi trong việc bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mình”. Những câu nói này của ông Tập nhận được tràng pháo tay nồng nhiệt của người tham dự.
Điểm quan trọng trong chiến lược của Trung Quốc là việc thống nhất Đài Loan. Báo cáo tuyên bố rằng “Đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc, giải quyết vấn đề Đài Loan và hiện thực hóa sự thống nhất hoàn toàn của Trung Quốc là sứ mệnh lịch sử và một cam kết không thể thay đổi được”. Việc thống nhất là điều kiện cần thiết cho sự trỗi dậy của Trung Quốc hay là “yêu cầu hiển nhiên để hiện thức hóa “phục hưng” Trung Quốc”. Tuyên bố tương tự được đề cập trong bài phát biểu của ông Tập tại lễ kỷ niệm một trăm năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 7 năm 2021, Nghị quyết lịch sử thứ ba và Sách trắng. Ngoài ra, những nhà lãnh đạo trước đây cũng đã tạo ra sợi dây liên kết vô hình giữa quá trình “phục hưng” và thống nhất Trung Quốc.
Những ý tưởng then chốt làm nền tảng cho Trung Quốc trong cách tiếp cận vấn đề Đài Loan rất nhất quán với nhau, bao gồm: “chính sách một Trung Quốc” (chỉ có một Trung Quốc và Đài Loan là một phần của Trung Quốc), ưu tiên thống nhất hòa bình và đưa ra giải pháp chính trị dựa trên mô hình “một quốc gia, hai chế độ ”. Mô hình này được chính quyền Bắc Kinh áp dụng ở Hồng Kông và Ma Cao. Trên thực tế, hai khu vực này không có quyền tự chủ chính trị nào. Nhưng đối với Đài Loan, Bắc Kinh đưa ra đảm bảo vừa đủ, hứa sẽ tôn trọng hệ thống xã hội và cách sống của Đài Loan. Trong dự thảo Báo cáo, Trung Quốc đã khen ngợi mô hình “một quốc gia, hai chế độ” là “sự đổi mới to lớn của chế độ xã hội chủ nghĩa với đặc trưng Trung Quốc”. Có thể mô hình này không thể bị loại bỏ vì có thể ý tưởng này sẽ được người Đài Loan đồng ý.
Về việc liệu Bắc Kinh có thống nhất Đài Loan bằng vũ lực hay không, dự thảo Báo cáo cho biết Trung Quốc sẽ “nỗ lực thống nhất hòa bình với thiện chí cao nhất, nhưng chúng tôi sẽ không bao giờ từ bỏ việc sử dụng vũ lực” (đây là lập trường từ lâu của Bắc Kinh, mặc dù họ không đề cập đến việc sử dụng vũ lực tại Đại hội Đảng lần thứ IXX). Bắc Kinh giữ quan điểm về “Đài Loan độc lập” và “hoàn toàn không nhằm vào đồng bào Đài Loan của chúng tôi”. Ngoài ra, dự thảo Báo cáo cũng gửi thông điệp khẳng định với Hoa Kỳ cũng như các quốc gia phương Tây rằng “giải quyết vấn đề Đài Loan là việc riêng của người Trung Quốc và do người Trung Quốc quyết định”.
Trung Quốc cho rằng sự can dự của nước ngoài vào vấn đề Đài Loan là nguồn cơn khiến cho mối quan hệ xuyên eo biển ngày càng tồi tệ. Bắc Kinh hy vọng sẽ thúc đẩy mối quan hệ hiệu quả hơn nhờ vào sự liên kết chặt chẽ giữa những người “yêu nước” ở Đài Loan, những người ủng hộ thống nhất và những người mong muốn độc lập. Trung Quốc nhấn mạnh họ sẽ giữ quan điểm về việc sử dụng lực lượng quân sự đặc biệt nhằm ngăn chặn sự can thiệp của nước ngoài vào vấn đề Đài Loan. Bắc Kinh nỗ lực hạn chế phản ứng gay gắt của những người Đài Loan trước các đợt diễn tập quân sự của Trung Quốc tại vùng nhận dạng phòng không trên eo biển Đài Loan. Cho đến nay, chiến thuật của Bắc Kinh không ngăn cản được phương Tây can dự vào các vấn đề của Đài Bắc hoặc thuyết phục công chúng Đài Loan thực hiện theo mong muốn của mình. Thay vào đó, hành động của Bắc Kinh vô tình thúc đẩy việc ủng hộ Đài Loan xây dựng quốc phòng và tiếp tục cản trở ý định của Bắc Kinh tại hòn đảo này. Trong một cuộc khảo sát được thực hiện vào tháng 8 năm 2022, 51% người Đài Loan cho biết việc tăng cường khả năng quốc phòng là ưu tiên hàng đầu, trong khi 68,3% những người khảo sát cho rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc gây bất lợi cho họ (tháng 10/2021), tăng từ 47% vào tháng 6/2021).
Dự thảo Báo cáo cũng chú ý đến việc Trung Quốc tạo ra sự khác biệt giữa người dân Đài Loan và chính quyền Đài Bắc, đồng thời gợi ý về mối quan hệ tồn tại sâu sắc giữa Đài Loan và đại lục. Khi nói về mối quan hệ xuyên eo biển, Báo cáo đã chỉ ra đây là mối quan hệ “một giọt máu đào hơn ao nước lã”. Còn trong Sách trắng, Bắc Kinh tìm cách đảm bảo với người Đài Loan về lợi ích họ sẽ nhận được khi thống nhất, trong đó bao gồm phát triển kinh tế rộng mở và phát triển tích hợp.
Báo cáo kết thúc với phần tuyên bố đầy tự tin “bánh xe lịch sử đang dịch chuyển về phía thống nhất Trung Quốc và “phục hưng” của dân tộc Trung Quốc. Chúng ta phải thực hiện việc thống nhất đất nước, không ngần ngại gì nữa!” Sự tự tin này cho thấy Trung Quốc quyết đoán hơn, họ xem vấn đề Đài Loan là vấn đề cốt lõi ảnh hưởng lợi ích của mình và liên quan trực tiếp đến “phục hưng” Trung Quốc vào năm 2049. Bắc Kinh vẫn tiếp tục thể hiện “sự kiên nhẫn chiến lược” và tin rằng thống nhất Đài Loan còn tùy thuộc vào thời gian.
Cách thức giải quyết những vấn đề có khả năng cản trở tham vọng của Trung Quốc
Báo cáo đề cập việc Bắc Kinh sẽ thúc đẩy mọi biện pháp để đạt được mục tiêu “phục hưng” trong môi trường gia tăng thù địch và các vấn đề kinh tế trong nước ngày càng trầm trọng. Những biện pháp Trung Quốc thực hiện bao gồm phát triển lực lượng quân đội tinh nhuệ bậc nhất thế giới ngang bằng với Hoa Kỳ và xây dựng ảnh hưởng của Trung Quốc ở nước ngoài. Niềm khát vọng đạt được mục tiêu vĩ đại của Trung Quốc mang tính liên tục, tuy nhiên, họ cũng đang đối diện với nhiều trở ngại hơn trên con đường thực hiện mục tiêu của mình. Ngoài ra, dự thảo Báo cáo cũng đưa ra cách Trung Quốc quản lý các tình huống khó xử, nhưng các chính sách để họ thực hiện điều này cần được xem xét.
Hoa Kỳ đã sử dụng ngôn từ để ám chỉ rằng với họ, Bắc Kinh vẫn là mối thách thức ngay cả khi Trung Quốc tìm cách giảm áp lực từ phía Hoa Kỳ. Để đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt này, dự thảo Báo cáo cũng cho biết Trung Quốc đã “đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu, tập trung quan tâm vào chính trị nội bộ và quyết tâm duy trì chiến lược của mình. Chúng tôi đã thể hiện ý chí và tinh thần chiến đấu kiên định, không khuất phục trước bất kỳ sức mạnh cưỡng chế nào”. Bài phát biểu của Ngoại trưởng Vương Nghị vào tháng 9 năm 2022 cho thấy Trung Quốc sẽ giữ vững lập trường hơn nữa rằng họ sẽ cải thiện quan hệ song phương với điều kiện là Washington phải điều chỉnh hành vi và thái độ của mình, thay vì Bắc Kinh phải thay đổi.
Trong tương lai Bắc Kinh sẽ gia tăng áp lực đối với Đài Bắc vì có thêm chú ý vào Đài Loan cũng như lời kêu gọi giới lãnh đạo thể hiện quyết tâm giải quyết vấn đề này của người dân Trung Quốc. Trung Quốc có thể tăng cường hiện diện quân sự và bán quân sự gần Đài Loan, gây sức ép kinh tế mạnh hơn và mở rộng việc sử dụng các biện pháp pháp lý như truy tố người Đài Loan sống ở Trung Quốc vì tội ủng hộ Đài Loan độc lập. Tuy nhiên, dự thảo Báo cáo ngụ ý rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc khó có thể tham gia vào một cuộc tấn công quy mô lớn bằng biện pháp quân sự vào Đài Loan vì những rủi ro tương ứng. Việc Bắc Kinh tiếp tục kiên nhẫn đối với vấn đề này sẽ tạo điều kiện cho Trung Quốc thống nhất tốt hơn, bằng cách xây dựng khả năng phục hồi kinh tế, củng cố sức mạnh quân sự và mở rộng phạm vi ảnh hưởng ngoại giao của mình.
Đối mặt với nhiều thách thức đến từ môi trường xung quanh và sự cạnh tranh từ phương Tây, Trung Quốc có thể tiếp tục tập trung phát triển trong nước, ngay cả khi họ hạ thấp tiêu chuẩn về những gì họ có thể đạt được. Việc bỏ qua cụm từ “tạo môi trường bên ngoài thuận lợi cho sự phát triển của Trung Quốc” trong Báo cáo, dù đây chỉ là những gì mà nhà hoạch định chính sách đối ngoại hàng đầu của Trung Quốc Dương Khiết Trì đã viết vào năm 2020, có thể cho thấy những kỳ vọng khiêm tốn hơn về mức độ Trung Quốc có thể định hình môi trường chiến lược của mình.
Tác giả: Amanda Hsiao & Ivy Kwek
Biên dịch: Tuệ Lam
Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của các tác giả.
Về các tác giả
Amanda Hsiao là chuyên gia phân tích cao cấp người Trung Quốc. Cô chuyên nghiên cứu về các cuộc xung đột, trong đó Trung Quốc đóng vai trò quan trọng, chính sách đối ngoại Trung Quốc liên quan đến việc ngăn ngừa và giải quyết xung đột. Cô đã thành lập và quản lý dự án Trung Quốc tại Trung tâm Đối thoại Nhân đạo ở Bắc Kinh, giám sát các dự án liên quan đến Biển Đông, quan hệ Mỹ-Trung và cách tiếp cận hòa giải xung đột đang phát triển của Trung Quốc.
Ivy Kwek tốt nghiệp Thạc sĩ Nghiên cứu Quốc tế và Ngoại giao tại Trường Nghiên cứu Phương Đông và Châu Phi (SOAS), Đại học London. Lĩnh vực nghiên cứu của cô là chính sách đối ngoại Trung Quốc và vai trò của Trung Quốc trong việc ngăn chặn và giải quyết xung đột khu vực. Cô từng làm làm trợ lý chính sách tại Bộ Quốc phòng Malaysia. Cô có nhiều kinh nghiệm với vai trò cố vấn chính sách và các vấn đề chính phủ, đồng thời từng là giảng viên thỉnh giảng tại Đài Loan.