Chất bán dẫn thực sự là “trái tim” của hàng tỷ sản phẩm, từ điện thoại thông minh, trung tâm dữ liệu, máy tính, máy tính xách tay, máy tính bảng, thiết bị thông minh, xe cộ, thiết bị gia dụng, thiết bị dược phẩm, công nghệ nông nghiệp, ATM và hơn thế nữa. Những con chip bán dẫn là không thể thiếu trong tất cả các công nghệ mới nổi như trí tuệ nhân tạo, điện toán lượng tử, mạng không dây tiên tiến, ứng dụng blockchain, 5G, máy bay không người lái, robot…, đóng vai trò then chốt trong việc chế tạo các sản phẩm và linh kiện công nghệ hiện đại. Hiện nay, cuộc đua sản xuất chất bán dẫn và chip đang ngày càng nóng trên toàn cầu trong bối cảnh tất cả các nước lớn đều muốn tự chủ và không “chậm chân” trong lĩnh vực này. Theo đó, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) tăng cường năng lực cho ngành bán dẫn, trong khi các nước đang phát triển như Trung Quốc, Ấn Độ cũng đang nỗ lực tham gia và khẳng định vị trí của mình trong “sân chơi” quan trọng này. Chính điều này khiến cho chuỗi cung ứng chip bán dẫn toàn cầu đang bước vào giai đoạn tái định hình. Chuyên gia Edoardo Campanella trong bài viết đăng trên Project Syndicate đã có một số phân tích sâu hơn về quá trình tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu của ngành chip bán dẫn.
Tiêu đề và các đề mục do BBT đặt.
Bối cảnh địa chính trị – kinh tế hiện nay đặt ra yêu cầu tái cấu trúc ngành chip bán dẫn toàn cầu
“Đâu là sự khác biệt giữa khoai tây chiên và chip máy tính?”, một cố vấn kinh tế hàng đầu của Tổng thống Hoa Kỳ George HW Bush được cho là đã đặt ra câu hỏi này vào đầu những năm 1990. “Một trăm đô la của người này hay một trăm đô la của người kia vẫn là một trăm đô la”. Vào thời điểm đó, các công ty Nhật Bản đang đẩy các đối thủ Mỹ ra khỏi thị trường chip nhớ, nhưng giới tinh hoa ủng hộ đảm bảo sự tự do của thị trường ở thủ đô Washington DC, Mỹ, kiên quyết phản đối bất kỳ hình thức chính sách công nghiệp nào nhằm bảo vệ ngành công nghiệp bán dẫn trong nước. Họ lập luận rằng nếu các công ty nước ngoài có thể sản xuất chip với giá thấp hơn, người tiêu dùng Mỹ sẽ hưởng lợi từ khoản tiết kiệm chi phí và chuyển đầu tư sang các lĩnh vực khác.
Vì vấn đề này, dễ hiểu tại sao các nhà sản xuất chip ở Thung lũng Silicon đã nhanh chóng nản trí. Nhưng đây không phải là ngành công nghiệp duy nhất phải đối mặt với sự cạnh tranh từ Nhật Bản và chính phủ liên bang không đủ khả năng bảo vệ mọi ngành nghề (cũng như không thể mạo hiểm trước các phản ứng chính trị để cứu một cách chọn lọc một số ngành công nghiệp). Trong những năm sau đó, cấu trúc và thành phần của nền kinh tế Mỹ đã phát triển tương ứng như vậy. Tỷ lệ sản xuất chất bán dẫn toàn cầu của Mỹ đã giảm từ 37% năm 1990 xuống còn 12% hiện nay. Châu Á hiện chiếm hơn 70% sản lượng bán dẫn, với những con chip tiên tiến nhất được sản xuất độc quyền tại Đài Loan và Hàn Quốc.
Tuy nhiên, phải đến khi đại dịch Covid-19 xảy ra, Mỹ (và phần còn lại của thế giới) dường như mới nhận ra rằng chip máy tính thực sự rất khác so với khoai tây chiên. Do chất bán dẫn được sử dụng trong rất nhiều loại hàng hóa – từ máy tính, điện thoại thông minh và máy pha cà phê đến đồ chơi, ô tô và hệ thống vũ khí – nên tình trạng thiếu chip toàn cầu vào năm 2021 đã khiến nền kinh tế Mỹ thiệt hại 240 tỷ USD (khoảng 1% GDP). Chỉ riêng ngành công nghiệp ôtô toàn cầu đã sản xuất ít hơn 7,7 triệu chiếc ôtô so với mức dự kiến, và các ngành chăm sóc sức khỏe, quốc phòng, vũ trụ và năng lượng đều chịu tổn thất đáng kể.
Sau khi gây ra một loạt các vụ ngừng sản xuất và tồn đọng, sự thiếu hụt chip cũng đã làm gia tăng áp lực lạm phát, điều mà các ngân hàng trung ương hiện đang phải vật lộn để giải quyết. Như một phần trong chính sách đối phó ở quy mô rộng lớn hơn, cả Châu Âu và Mỹ đều đang thực hiện các biện pháp nhằm tăng cường khả năng sản xuất trong nước. Đạo luật chip châu Âu, được công bố vào tháng 2 năm ngoái, nhằm huy động hàng tỷ euro đầu tư công và tư nhân để ngăn chặn sự gián đoạn chuỗi cung ứng trong tương lai.
Tương tự, Đạo luật Khoa học và CHIPS của Mỹ, được ký thành luật vào tháng 8 năm 2022, hứa hẹn sẽ thúc đẩy sự phục hưng của ngành sản xuất trong nước. Đồng thời, Mỹ đã “vũ khí hóa” ngành công nghiệp bán dẫn trong cuộc cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc, áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu sâu rộng để ngăn chặn các công ty Trung Quốc tiếp cận chip và thiết bị sản xuất chip tiên tiến nhất.
Khi ngành công nghiệp bán dẫn phát triển, nó cũng trở thành một trong những vấn đề kinh tế và địa chính trị quan trọng nhất của thời đại chúng ta.
Nhìn lại lịch sử Thung lũng Silicon – Vai trò của Chính phủ Mỹ trong việc hỗ trợ ngành chip bán dẫn phát triển
Chip là nền tảng của trí tuệ nhân tạo, truyền thông 5G, Internet vạn vật, máy tính lượng tử và các công nghệ khác của tương lai. Theo Định luật Moore, số lượng bóng bán dẫn trên một vi mạch đã tăng gần gấp đôi cứ sau hai năm kể từ những năm 1960, mang lại sức mạnh tính toán tăng gấp một nghìn tỷ lần. Một chiếc điện thoại thông minh hiện đại có sức mạnh xử lý gấp khoảng 100.000 lần so với máy tính được sử dụng cho các sứ mệnh trên mặt trăng của Apollo.
Mặc dù một phần của câu chuyện này có tính chất toàn cầu, nhưng những tiến bộ phi thường như vậy sẽ không thể thực hiện được nếu không có những doanh nhân có tầm nhìn xa, những người đã tạo nên Thung lũng Silicon như ngày nay. Tuy nhiên, trong cuốn sách The Code, nhà sử học Margaret O’Mara của Đại học Washington đã phá bỏ huyền thoại sáng lập của chính Thung lũng về những thiên tài đơn độc đang thay đổi thế giới từ nhà để xe của họ. “Thung lũng Silicon không phải là câu chuyện về một chính phủ quá nhiều quyền lực, cũng không phải là câu chuyện của thị trường tự do, mà đó là cả hai”. Thung lũng Silicon sẽ không tồn tại nếu không có các nhà lãnh đạo, nhưng cũng sẽ không đạt được nhiều thành tựu như vậy nếu không có nghiên cứu và đổi mới được tài trợ công khai đã giúp đưa loài người lên Mặt trăng và khai sinh ra Internet.
Lập luận này chắc chắn không hề mới. Nhưng O’Mara là một nhà văn tài năng, đã nghiên cứu tỉ mỉ để viết nên câu chuyện. Trong khi cư dân của Thung lũng Silicon có thể chỉ tập trung vào việc phá vỡ hiện trạng và phát minh ra tương lai, thì những người muốn hiểu thế giới của họ cần phải bắt đầu với lịch sử sâu xa hơn. Lịch sử đó bắt đầu từ năm 1939, khi hai sinh viên tốt nghiệp Đại học Stanford, William Hewlett và David Packard, tạo ra một loạt ống chân không cải tiến cho radio và các ứng dụng điện tử khác. Họ cùng nhau thành lập một công ty trong gara tại 367 Đại lộ Addison ở Palo Alto – hiện được coi là nơi khai sinh của Thung lũng Silicon – và thời điểm của họ thật hoàn hảo. Nhờ những đơn đặt hàng khổng lồ từ Bộ Quốc phòng Mỹ trong Thế chiến thứ hai, Công ty Hewlett-Packard đã nhanh chóng nổi lên toàn cầu, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thương mại hóa ngành công nghiệp điện tử mới sau này.
Trong khi đó, Hiệu trưởng của Stanford, Frederick Terman, đã tái cơ cấu lại trường Stanford bằng cách nâng cao chất lượng của các ngành khoa học và kỹ thuật bằng tiền quốc phòng của liên bang, và bằng cách cho các công ty công nghệ cao thuê đất của trường đại học để xây dựng Khu công nghiệp Stanford. Trong số các công ty đầu tư vào đây có công ty HP và một công ty thuộc sở hữu của William Shockley, người đồng phát minh ra bóng bán dẫn. Ngành công nghiệp bán dẫn đã bắt đầu hình thành.
Bước ngoặt đến vào năm 1957, khi một số ít nhân viên tài năng nhất – “Tám kẻ phản bội” – rời công ty do không chấp nhận phong cách quản lý tồi tệ của Shockley để thành lập công ty bán dẫn Fairchild. Công ty Fairchild nhanh chóng phát triển nhờ vai trò là nhà thầu chính phủ cho chương trình Apollo vào những năm 1960. Theo thời gian, những người sáng lập của Fairchild đã lãnh đạo và đầu tư vào hàng trăm công ty khởi nghiệp, giúp định hình nên Thung lũng Silicon, bao gồm cả Intel – công ty đã giới thiệu bộ vi xử lý đầu tiên, và công ty đầu tư mạo hiểm Kleiner Perkins.
Về phần mình, chính phủ liên bang Mỹ không chỉ đơn giản là mua chip và mạch từ các công ty này. Mỹ đã tích cực triển khai các chính sách khuyến khích với mục tiêu thúc đẩy nghiên cứu khoa học. Các doanh nhân được trao quyền tự do rộng rãi để thúc đẩy mở rộng các ranh giới công nghệ. Theo O’Mara, “Chính phủ Mỹ đã tham gia vào lĩnh vực kinh doanh điện tử và theo một nghĩa nào đó, trở thành nhà đầu tư mạo hiểm đầu tiên và có lẽ là vĩ đại nhất của Thung lũng”.
Tất nhiên, nhiều cư dân gần đây của Thung lũng đã phủ nhận vai trò xúc tác của chính phủ. Ví dụ, vào năm 1996, Giám đốc điều hành tương lai của Apple, Steve Jobs, cho rằng “Thung lũng Silicon không có truyền thống tìm kiếm các khoản bố thí”. Nhưng thành tựu đỉnh cao của ông, chiếc iPhone, sẽ không tồn tại nếu không có những công nghệ then chốt được chính phủ liên bang tài trợ trong nhiều năm.
Ngành chip bán dẫn ngày càng phụ thuộc vào chuỗi cung ứng toàn cầu
Ở phần cuối cuốn sách của mình, O’Mara lưu ý rằng Thung lũng Silicon “không còn đơn thuần là một địa điểm ở Bắc California”, mà thay vào đó là trung tâm của “chuỗi cung ứng rộng lớn” trải dài trên ba lục địa. Trong cuốn Cuộc chiến chip, Chris Miller, một nhà sử học tại Đại học Tufts, thuật lại chi tiết về sự phát triển của ngành, bao gồm cả thông qua các cuộc phỏng vấn với một số cá nhân, tổ chức chủ chốt. Bắt đầu từ những năm 1970, các công ty bán dẫn (giống như nhiều công ty khác) nhận thấy việc chuyển sản xuất sang Đông Á là thuận lợi, với nguồn lao động dồi dào giá rẻ và quy định lỏng lẻo hơn về các hóa chất độc hại liên quan đến sản xuất chip. Một khi xu hướng này bắt đầu, sự cạnh tranh thị trường khốc liệt sẽ giải quyết phần còn lại.
Khi lĩnh vực bán dẫn của Mỹ vẫn còn ở giai đoạn sơ khai, vào những năm 1960, nó hầu như không gặp phải sự cạnh tranh nào. Mặc dù Liên Xô đã sớm áp dụng chiến lược “sao chép”, nhưng điều này tỏ ra không phù hợp với một công nghệ đang phát triển với tốc độ của Định luật Moore. Vào thời điểm Liên Xô làm chủ một con chip kiểu mới, nó đã lỗi thời. Nhưng đến những năm 1980, Nhật Bản đã nổi lên như một đối thủ nặng ký. Intel (khi đó dưới sự lãnh đạo của Andy Grove) nhận thấy mình bị đẩy ra khỏi thị trường chip nhớ và phải tự tái tạo thành một công ty sản xuất bộ vi xử lý.
Sự lựa chọn đó đã được đền đáp và tạo tiền đề cho sự trỗi dậy của ngành công nghiệp máy tính Mỹ. Nhưng ngành công nghiệp bán dẫn, trong phạm vi hẹp hơn, đã phát triển theo một cách đặc biệt. Một mặt, đây là một trong những lĩnh vực hội nhập quốc tế nhất trên thế giới, với các giai đoạn nghiên cứu, thiết kế, sản xuất và lắp ráp khác nhau trải dài khắp Bắc Mỹ, Châu Âu và Đông Á. Trung bình, các công ty bán dẫn của Mỹ làm việc với khoảng 16.000 nhà cung cấp.
Mặt khác, nó cũng là một trong những ngành công nghiệp tập trung nhất trên thế giới. Chỉ một vài công ty đóng vai trò không cân xứng ở mỗi giai đoạn của chuỗi giá trị toàn cầu, do tính phức tạp của công nghệ và quy mô đầu tư mà họ yêu cầu. Các vấn đề tại bất kỳ một trong những công ty này có thể phá vỡ toàn bộ ngành công nghiệp. Trong khi một số công ty Mỹ kiểm soát phần thượng nguồn của chuỗi cung ứng – đặc biệt là thiết kế phần mềm – thì có hai nút thắt quan trọng khác trong sản xuất chip. Công ty Hà Lan ASML có độc quyền đối với các hệ thống in thạch bản tiên tiến được sử dụng để in các thiết kế cực nhỏ xác định chức năng của chip. Tương tự, Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan sản xuất hơn 90% chip hàng đầu đóng vai trò là “bộ não” trong các thiết bị điện tử (Đây là các chip logic xử lý thông tin để hoàn thành một tác vụ, trái ngược với các chip nhớ lưu trữ thông tin kém phức tạp hơn về mặt công nghệ). Tại cơ sở tiên tiến nhất của mình, Fab 18, TSMC có thể tạo ra các chip tiên tiến với các tính năng nhỏ tới 3 nanomet – đó là khoảng một phần bốn mươi kích thước của virus corona. Và, nhấn mạnh sự mong manh của chuỗi cung ứng, số phận của ASML và TSMC gắn liền với nhau, bởi vì TSMC sẽ không thể hoạt động nếu không có công nghệ in thạch bản được bán bởi ASML.
Silicon – “lá chắn” bảo vệ Đài Loan?
Công ty TSMC được thành lập vào năm 1987 bởi Morris Chang, người sinh ra ở Trung Quốc nhưng đã dành phần lớn sự nghiệp của mình để làm việc tại Texas Instruments ở Mỹ, nơi ông đóng vai trò quan trọng trong việc tối ưu hóa việc sản xuất chip. Sau khi trở thành Giám đốc điều hành tại Texas Instruments, Morris Chang đã chuyển đến Đài Loan để thành lập đế chế chip của mình.
Như với Thung lũng Silicon, các khoản đầu tư công là yếu tố cơ bản quyết định sự thành công. Sự hỗ trợ của chính phủ là một phần không thể thiếu đối với sự thành công của các công ty bán dẫn không chỉ bắt nguồn từ Đài Loan mà còn ở Nhật Bản và Hàn Quốc. Nếu Chang được đảm nhiệm vị trí lãnh đạo ở Texas, Đài Loan có lẽ sẽ có vai trò cả về mặt địa chính trị và kinh tế thấp hơn so với ngày nay. Căng thẳng Trung-Mỹ hiện nay về hòn đảo một phần xuất phát từ vấn đề chính trị trong nước của Trung Quốc, nhưng cũng từ những lo ngại của Mỹ và Trung Quốc về việc mất quyền tiếp cận với những con chip tiên tiến nhất. Đài Loan hy vọng rằng “lá chắn silicon” của họ sẽ ngăn chặn sự xâm lược của Trung Quốc và khiến phương Tây bảo vệ mình.
Nhưng như Trung Quốc đã chứng minh bằng các cuộc tập trận quân sự sau chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ lúc đó là Nancy Pelosi vào tháng 8 năm 2022, Trung Quốc có thể ngăn chặn hiệu quả việc hàng hóa rời khỏi Đài Loan. Nếu Trung Quốc xâm lược Đài Loan, ngay cả khi có ý định rõ ràng là chiếm lấy TSMC, thì công ty sẽ khó có thể tồn tại và tác động kinh tế toàn cầu sẽ rất sâu sắc. Như Chủ tịch TSMC Mark Liu đã chỉ ra vào tháng 8 năm 2022, “không ai có thể kiểm soát TSMC bằng vũ lực”. Một cuộc xâm lược sẽ khiến các nhà máy của công ty ở Đài Loan “không thể hoạt động”, vì việc sản xuất chip phụ thuộc “vào kết nối thời gian thực với thế giới bên ngoài: với Châu Âu, với Nhật Bản, với Mỹ”. Hơn nữa, trong trường hợp bị xâm lược, người Đài Loan có thể chỉ cần phá hủy các nhà máy.
Các công ty và chính phủ ngày càng nhận thức được những rủi ro này – và ngày càng lo ngại về vị trí trung tâm của Đài Loan trong ngành. Các công ty tư nhân đang cố gắng đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ bên ngoài hòn đảo bằng cách đạt được các thỏa thuận với các nước châu Á khác, và các chính phủ đang thu hút các công ty khi họ cố gắng xây dựng lại năng lực trong nước. Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden gần đây đã thuyết phục TSMC xây dựng các nhà máy mới ở Arizona, triển khai một hình thức hỗ trợ của chính phủ lặp lại các chính sách công nghiệp được các chính phủ châu Á áp dụng trong những năm 1980.
Mỹ – Trung cạnh tranh trong lĩnh vực công nghệ sản xuất chip bán dẫn
Mỹ đã đẩy nhanh quá trình tái bảo vệ này bằng cách “vũ khí hóa” vị thế của chính mình trong ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu. Theo Cố vấn An ninh quốc gia của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden, Jake Sullivan, Mỹ không còn có thể cho rằng chỉ cần đi trước các đối thủ vài thế hệ về các công nghệ then chốt là đủ. Tháng 9 năm 2022, Jake Sullivan cho biết: “Với bản chất nền tảng của một số công nghệ nhất định, chẳng hạn như chip logic và bộ nhớ tiên tiến, chúng ta phải duy trì vị trí dẫn đầu càng lớn càng tốt”. Do đó, với lệnh cấm xuất khẩu vào tháng 10 năm 2022, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã nhắm mục tiêu vào việc cấm bán chip hiệu suất cao cho Trung Quốc. Các công ty Mỹ không còn được phép cung cấp chip máy tính tiên tiến, thiết bị sản xuất chip hoặc các sản phẩm liên quan cho người mua Trung Quốc, trừ khi có giấy phép đặc biệt. Lệnh cấm cũng áp dụng cho các công ty nước ngoài sử dụng công nghệ bán dẫn của Mỹ. Mục tiêu là thiết lập sự thống trị đối với các công nghệ bán dẫn và điện toán tiên tiến. Vì các nhà sản xuất chip của Trung Quốc chuyên sản xuất các bộ vi xử lý kém tiên tiến hơn (để sử dụng trong các thiết bị như tủ lạnh và máy giặt), họ không có khả năng sản xuất chip hàng đầu được sử dụng trong các ứng dụng AI. Bằng việc tước đoạt của Trung Quốc các con chip cao cấp cũng như nhân sự và thiết bị cần thiết để tự chế tạo chúng, Mỹ đang ngăn chặn hiệu quả con đường phát triển kinh tế và công nghệ của Trung Quốc.
Trong cuốn sách Phản tác dụng, Agathe Demarais, giám đốc dự báo của Cơ quan Tình báo Kinh tế (Economist Intelligence Unit), nhấn mạnh những rủi ro của các biện pháp như vậy. Mặc dù bản thảo cuốn sách đã được hoàn thành trước lệnh cấm xuất khẩu chip, nhưng những lập luận đưa ra đã dự báo trước rằng, các biện pháp trừng phạt có tỷ lệ thành công thấp, chi phí kinh tế cao và những hậu quả lớn không lường trước được. Để có hiệu quả, chúng nên được nhắm mục tiêu cụ thể, ngắn hạn và được hỗ trợ bởi các đồng minh. Tuy nhiên, không có điều kiện nào trong số này được đáp ứng bởi lệnh cấm xuất khẩu chip. Mục tiêu của nó – ngăn chặn sự trỗi dậy kinh tế của Trung Quốc – vừa sâu rộng vừa lâu dài, và các đồng minh của Mỹ đã không được hỏi ý kiến trước về điều đó. Tồi tệ hơn, các biện pháp trừng phạt như vậy sẽ dẫn đến sự trả đũa: căng thẳng leo thang hơn nữa đối với Đài Loan, cắt giảm nguồn khoáng sản đất hiếm (81% trong số đó đến từ Trung Quốc), hoặc việc Trung Quốc thúc đẩy phát triển năng lực nội địa của mình.
Đúng là nếu không có bí quyết công nghệ của Mỹ, các công ty Trung Quốc không thể sản xuất những con chip nhỏ nhất và tiên tiến nhất. Tuy nhiên, theo một phân tích đáng tin cậy, Trung Quốc vẫn có thể dựa vào các nhà cung cấp không phải của Mỹ để đáp ứng khoảng 70% nhu cầu vi mạch của mình. Các nhà hoạch định chính sách cũng đang chuyển hướng đầu tư sang các công ty bản địa tập trung vào thiết kế chip và phần mềm cũng như thiết bị sản xuất chất bán dẫn. Và ngoài việc cố gắng phát triển các công ty hàng đầu quốc gia trong các lĩnh vực này, giới lãnh đạo Trung Quốc đang tạo ra một hệ sinh thái, trong đó bao gồm cả các ngành nhỏ hơn, có mức độ chuyên môn hóa cao, là chìa khóa cho sản xuất chip, chẳng hạn như lắng đọng hơi hóa học, làm sạch tấm wafer, xử lý nhiệt nhanh và đo lường. Theo kế hoạch Made in China 2025 của Chủ tịch Tập Cận Bình, nước này đặt mục tiêu tự cung cấp chất bán dẫn vào giữa thập kỷ, với các nhà cung cấp trong nước đáp ứng 70% nhu cầu. Để hỗ trợ nỗ lực này, chính phủ đang tận dụng các quỹ đầu tư do nhà nước hậu thuẫn để cung cấp vốn cho phát triển và sản xuất chất bán dẫn trong nước. Khoảng 120 tỷ đô la đã được cam kết để đạt được sự ngang bằng về công nghệ với Mỹ vào năm 2035.
Sự cạnh tranh về chất bán dẫn là một phần của cuộc chiến địa chính trị rộng lớn hơn. Chip cung cấp sức mạnh tính toán cần thiết để phân tích dữ liệu và càng tạo ra nhiều dữ liệu, càng cần nhiều sức mạnh tính toán hơn. Trung Quốc sản xuất rất nhiều dữ liệu, đó là một lợi thế trong AI. Nhưng nếu không có quyền tiếp cận hầu hết các loại chip tiên tiến, Trung Quốc không thể đi đầu trong phát triển AI (sau đó sẽ được sử dụng để củng cố hệ thống giám sát người dân trong nước của Trung Quốc).
Trong cuốn sách The Wires of War, Jacob Helberg, cựu lãnh đạo toàn cầu về chính sách tin tức tại Google, thảo luận về cách các chế độ “chuyên chế kỹ trị” đang cố gắng sử dụng phần cứng và phần mềm của Internet để phân chia thế giới thành các phạm vi ảnh hưởng theo phong cách thế kỷ 20. Helberg mô tả cách các thế lực nước ngoài xấu độc sử dụng Internet để tiến hành chiến tranh phi đối xứng. “Cuộc chiến phần mềm” bao gồm thông tin sai lệch trên mạng xã hội, trong khi “cuộc chiến phần cứng” liên quan nhiều hơn đến việc truy cập trái phép các thiết bị công nghệ và thông tin cá nhân. Nga nổi bật ở phần trước và Trung Quốc ở phần sau. Việc Mỹ chuyển sản xuất chất bán dẫn về nước là một ví dụ rõ ràng về định vị chiến lược như vậy. Không giống như những năm 1980, khi sự cạnh tranh kinh tế từ Nhật Bản đã định hình lại ngành công nghiệp bán dẫn, động lực chính của sự thay đổi ngày nay là sự cạnh tranh địa chính trị. Các quốc gia đang cạnh tranh để giành quyền tiếp cận những con chip tiên tiến nhất và các chính phủ đang trở thành những nhà hoạch định tích cực cho ngành, thay vì chỉ là khách hàng của nó. Ngay cả ở Mỹ, chính sách công nghiệp không còn bị coi thường nữa. Do đó, chuỗi cung ứng có khả năng trở nên ngắn hơn và mang tính khu vực hơn, đồng nghĩa với việc chi phí sản xuất cao hơn và hiệu suất bị giảm đáng kể. Vai trò trung tâm của Đài Loan có thể cũng sẽ giảm đi đáng kể. Những hạn chế kỹ thuật có thể thấy trước sẽ một lần nữa biến đổi ngành công nghiệp, bởi vì quá trình thu nhỏ chip sẽ đạt đến giới hạn vật lý của nó (Định luật Moore cuối cùng cũng phải kết thúc).
Đối với Thung lũng Silicon, để duy trì vị thế tối cao của mình, việc dẫn đầu về đổi mới sẽ là chưa đủ, mà còn cần phải tăng cường quan hệ đối tác với chính phủ liên bang. Thung lũng Silicon cần tập trung lại vào việc sản xuất hàng hóa vật chất, thay vì chỉ các dịch vụ kỹ thuật số. Và Thung lũng Silicon cần xác định các nguồn gốc tiềm ẩn của các cuộc khủng hoảng trong tương lai để có thể chuẩn bị thích ứng với những đứt gãy đột ngột trong bối cảnh địa chính trị mới. Như Grove đã đề cập khi kể lại cuộc đại tu toàn diện đối với Intel dưới áp lực cạnh tranh của Nhật Bản, “chỉ những kẻ hoang tưởng mới sống sót”. Điều này cũng đúng với các doanh nhân công nghệ ngày nay. Sự gián đoạn là một con đường hai chiều.
Biên dịch: Nhã Nam
Về tác giả
Edoardo Campanella, nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm Kinh doanh và Chính phủ Mossavar – Rahmani tại Trường Harvard Kennedy, là đồng tác giả (với Marta Dassù) của cuốn sách “Anglo Nostalgia: The Politics of Emotion in a Fractured West” (NXB Đại học Oxford, 2019).