Đông Nam Á với ASEAN hiện là nền kinh tế lớn thứ 3 châu Á và lớn thứ 5 thế giới với dân số gần 700 triệu người và GDP 3.000 tỉ USD. Đây là khu vực chiến lược kết nối Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, đồng thời với xu thế hướng ngoại mang đến cho khu vực tiềm năng phát triển vượt bậc. Vì vậy, kiểm soát được khu vực sẽ đem lại lợi ích khổng lồ và đây chính là nguyên nhân cho cuộc đua cường quốc ngày càng quyết liệt nhằm dành ảnh hưởng. Đông Nam Á, vốn nhận được không ít sự quan tâm của Mỹ và Trung Quốc, đặc biệt được dự báo sẽ có những biến đổi mạnh mẽ sau khi Nhà Trắng công bố Chiến lược an ninh quốc gia (NSS) và sau Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XX.
Cạnh tranh Mỹ – Trung Quốc tại khu vực
Ảnh hưởng của Mỹ và Trung Quốc đối với Đông Nam Á bị ảnh hưởng từ đối sách của 2 siêu cường này tới Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Đây là nơi chiếm gần một nửa dân số thế giới, nền kinh tế phát triển nhanh, tài nguyên dồi dào và là nơi đi qua của các tuyến đường biển huyết mạch có ý nghĩa sống còn với thương mại toàn cầu. Nhiều cường quốc kinh tế và quân sự trên thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ,… cũng đều nằm trong khu vực.
Với Trung Quốc, đây là khu vực mà Trung Quốc cần kiểm soát trước tiên trong tham vọng bá quyền toàn cầu của mình. Các chính sách thương mại đa phương là phương thức để Trung Quốc làm sâu sắc hơn ảnh hưởng kinh tế của mình lên các nước khác, kiểm soát các điểm nhạy cảm an ninh, cũng như có sức nặng trong tiếng nói tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Trung Quốc từng kiến tạo “con đường tơ lụa trên biển” đi qua nhiều eo biển huyết mạch Malacca, Mandeb, Lombok, Hormuz và trải dài từ Đông Nam Á đến khu vực Sừng Châu Phi. Một sáng kiến nổi bật của Trung Quốc là Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Qua đó, Trung Quốc xây dựng các hành lang kinh tế hợp tác chặt chẽ với nhiều quốc gia như Pakistan, Ấn Độ, Myanmar, Bangladesh, trục kinh tế Nam Ninh với Singapore. Ngoài ra, Trung Quốc tích cực xây dựng lực lượng “Hải quân biển xanh”, nuôi tham vọng tiến ra ngoài Thái Bình Dương và đối phó với các thách thức từ bên ngoài, đặc biệt là từ Mỹ và đồng minh.
Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ được công bố vào tháng 2/2022 (FOIP), nhằm hướng đến mục tiêu bao gồm tập trung phát triển kinh tế, hợp tác an ninh và gia tăng tiềm lực quân sự của các nước trong khu vực, bên cạnh đó giải quyết các thách thức an ninh đến từ Trung Quốc. Dù vậy, Chiến lược an ninh quốc gia (NSS) vào tháng 10 cùng năm có nhiều điểm cho thấy sự hình thành một chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương với mục tiêu kiềm chế Trung Quốc:
Đầu tiên, trong Chiến lược An ninh Quốc gia năm 2022, Mỹ khẳng định thời kỳ hậu chiến tranh lạnh đã kết thúc. Điều này đồng nghĩa với việc Nhà Trắng ngầm thừa nhận trạng thái đơn cực do Mỹ dẫn đầu đã kết thúc và thế giới dần chuyển mình sang hình thái đa cực. Hơn nữa, từ thời tổng thống Biden trở về trước, các phiên bản NSS thường đề cập đến vai trò của Mỹ như là lãnh đạo duy nhất của thế giới. Việc thiếu vắng các ngôn từ như vậy trong NSS 2022 thể hiện rõ rằng Tổng thống Biden đã nhận định vị thế của Mỹ khác với trước đây. Đây là cơ sở đầu tiên để vạch ra các chính sách đối ngoại và đối nội cho Mỹ.
Thứ hai, Washington lần đầu tiên chính thức đã khẳng định Trung Quốc là đối thủ duy nhất có đủ khả năng vượt qua Mỹ trong 10 năm tới. Đây là điểm đáng lưu tâm, bởi trong Chiến lược an ninh quốc gia của các kỳ tổng thống trước đó, bên cạnh Nga, Trung Quốc chỉ được xem là đối thủ chủ yếu của Mỹ. Đây là một sự công nhận của Nhà Trắng với Trung Quốc, và có thể thấy cuộc cạnh tranh Mỹ – Trung trong thập kỷ tới sẽ có thể định hình lại bản đồ quyền lực thế giới. Trung Quốc chắc chắn chưa thể vượt qua được Mỹ một sớm một chiều nhưng đã chứng tỏ lý do cho vị trí “đối thủ duy nhất của Hoa Kỳ”. Đơn cử năm 2021, lần đầu tiên trong lịch sử, số lượng bài báo nghiên cứu khoa học của Trung Quốc vượt Mỹ; đồng thời, Trung Quốc hiện nay là đối tác thương mại lớn nhất của 38 quốc gia.
Thứ ba, Mỹ cho thấy rõ quyết tâm tập hợp lực lượng của mình. Đây không phải là một mối quan tâm mới khi chính sách xoay trục về phương Đông vốn được nhe nhóm từ cuối nhiệm kỳ Tổng thống Obama. Tổng thống Joe Biden, từ khi nhậm chức, đã quyết liệt thúc đẩy công cuộc tập hợp lực lượng nhằm lấp đầy các khoảng trống quyền lực của Mỹ tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Tần suất hiện diện của Tổng thống Biden trong khu vực hai năm đầu nhiệm kỳ nhiều gấp đôi so với Tổng thống Trump. Mỹ cũng nỗ lực trong việc củng cố các liên minh truyền thống và xây dựng các liên minh mới, điển hình là sự hình thành của AUKUS và loạt đối thoại của nhóm Bộ Tứ.
Như vậy, dù không nói thẳng, nhưng “ngăn chặn và kiềm chế Trung Quốc” mới là động lực quan trọng và là ưu tiên trong chính sách của Mỹ tại khu vực. Mỹ có thể thúc đẩy các mục tiêu về kinh tế, chính trị, an ninh, nhưng một “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở” khó có thể tách bạch với các toan tính chính trị của Mỹ nhằm kiềm chế ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh. Chắc chắn khu vực này sẽ tiếp tục là mối quan tâm hàng đầu của Mỹ trong thời gian tới.
Đông Nam Á là một phần quan trọng tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Về vị trí địa lý, Đông Nam Á là hành lang kết nổi Châu Phi, Tây Á và Nam Á sang Đông Nam Á, Đông Bắc Á, đồng thời là eo biển nhộn nhịp nhất thế giới. Đảm bảo hành lang này hoạt động ổn định là yêu cầu mang tính sống còn tới thương mại Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản cũng như là yêu cầu cơ bản đảm bảo lợi ích toàn cầu. Về chính trị, kiểm soát được Đông Nam Á góp phần duy trì các quan hệ đồng minh và đối tác truyền thống của Mỹ và Trung Quốc ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Kiểm soát được vùng biển Andaman và Biển Đông có thể tạo thể kiểm soát hiệu quả đối với hoạt động ra, vào châu Á đại lục. Về lợi ích kinh tế, Đông Nam Á là khu vực đang phát triển với 670 triệu dân, nguồn lao động giá rẻ, tài nguyên đa dạng và xu hướng thị trường mở sẽ là vùng đất vàng cho doanh nghiệp Mỹ và Trung Quốc. Hoạt động của lĩnh vực tư nhân sẽ tạo ra ảnh hưởng khác nhau tùy theo đối sách của Mỹ và Trung Quốc, tuy nhiên sẽ bao gồm mở rộng thương mại biển quốc tế, phát triển công nghiệp, logistic và thương mại điện tử, xây dựng cơ sở hạ tầng và góp phần xây dựng mối quan hệ vì sự thịnh vượng và an ninh khu vực. Đông Nam Á cũng là một điểm đến quan trọng đối với ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu khi ngành này có xu hướng hướng chuyển dịch khu vực sang những vùng có chi phí thấp hơn. Với sức nặng của mình, Đông Nam Á sẽ là sân chơi mà Mỹ và Trung Quốc sẽ đối đầu trên nhiều lĩnh vực, nhưng cả hai nước sẽ cố gắng tránh các cuộc xung đột liên quan đến quân sự vũ trang hay các động thái mang dáng dấp Chiến tranh lạnh.
Trong Chiến lược An ninh Quốc gia (NSS) công bố vào tháng 10.2022, Mỹ tái khẳng định vai trò trung tâm của cộng đồng ASEAN. Nước này cũng khẳng định sẽ tăng cường các hoạt động ngoại giao, tiếp xúc nhằm phát triển kinh tế và an ninh khu vực – các biểu hiện cho một nỗ lực lớn hơn nhằm kiềm chế Trung Quốc. Bắc Kinh, dù đã có được tầm ảnh hưởng nhất định với Đông Nam Á, ngay lúc này cũng cần tìm mọi cách để ngăn Mỹ can thiệp vào tình hình khu vực. Việc nhận quan tâm từ hai cường quốc của thế giới khiến Đông Nam Á đứng trước cả cơ hội lẫn thách thức.
Nhìn lại cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung tại Đông Nam Á trong năm 2022
Với Đông Nam Á, Mỹ và Trung Quốc đan xen linh hoạt đối sách cứng rắn lẫn mềm mỏng. Hai nước đã có nỗ lực phối hợp liên quan đến hoạt động quân sự, củng cố an ninh cho các quốc gia trong khu vực nhằm răn đe, ngăn chặn tầm ảnh hưởng của quốc gia đối thủ. Các cường quốc cũng rất coi trọng việc tăng cường sức mạnh mềm thông qua hỗ trợ quốc phòng, an ninh, xây dựng dự án hợp tác về kinh tế, trên cơ sở mục tiêu tập hợp lực lượng, nâng tầm ảnh hưởng tới khu vực.
Trung Quốc, vốn là nước có quan hệ địa lý gần gũi với Đông Nam Á, từ lâu luôn có tham vọng vươn tay tới mọi ngóc ngách trong khu vực. Năm 2022, Trung Quốc vẫn tiếp tục tiếp cận Đông Nam Á theo phương cách truyền thống, tuy nhiên dồn trọng tâm vào việc tạo ra nhiều hơn các liên kết kinh tế.
Về kinh tế, Trung Quốc đang có ảnh hưởng sâu sắc lên ASEAN và có nhiều phương tiện để tiếp cận khu vực. Trung Quốc vẫn duy trì được ảnh hưởng kinh tế vượt trội so với Mỹ tại Đông Nam Á. Tới năm 2021, Trung Quốc kéo dài chuỗi 13 năm liên tiếp là đối tác lớn nhất của ASEAN. Kim ngach thương mại Trung Quốc – ASEAN năm 2021 là 669 tỉ USD, gần gấp đôi so với Mỹ. Ngay trong 10 tháng đầu năm 2022, con số này cũng đã vươn lên 743 tỉ USD và chiếm 15,2% tổng giá trị ngoại thương Trung Quốc. Do đó, quỹ đạo kinh tế của Trung Quốc có thể kéo theo cả nền kinh tế ASEAN, dù theo hướng tiêu cực hay tích cực.
Carlyle Thayer, Giáo sư danh dự tại Đại học New South Wales ở Australia, chỉ ra rằng, bên cạnh củng cố sự phụ thuộc của ASEAN vào mình thì nước này cũng đang tìm cách duy trì thị trường mở và ổn định chuỗi cung ứng bằng các quan hệ thương mại với ASEAN. Đây cũng là một bước để khôi phục tình hình kinh tế ảm đạm của Trung Quốc, vốn chịu sức ép từ chính sách Zero-Covid và chuỗi cung ứng đứt đoạn gây ra bởi xung đột tại Ukraine.
Trung Quốc ngày càng tích cực xây dựng và tham gia vào các thiết chế kinh tế đa phương. Trung Quốc vận động Đông Nam Á trở nên tích cực hơn trong Hiệp định RCEP (2020). Đồng thời nước này cũng đang nhắm tới vị trí thành viên trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Trung Quốc cũng tích cực kêu gọi các nước Đông Nam Á tham gia vào các sáng kiến kinh tế do Bắc Kinh dẫn dắt. Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI), dù không còn quá được quan tâm như những năm trước, vẫn là phương tiện quan trọng cho Trung Quốc vươn tầm ảnh hưởng tới khu vực. Trong Hội nghị cấp cao Trung Quốc – ASEAN tại Campuchia tháng 11 vừa rồi, Lý Khắc Cường đưa ra thông báo việc thiết lập khoản vay đặc biệt cho sự phát triển chung giữa Trung Quốc và ASEAN, cũng như đẩy mạnh hợp tác phục hồi sau đại dịch. Trung Quốc đã thành công trong việc thiết lập và củng cố liên kết kinh tế với nhiều nước, ví dụ như Indonesia. Ngay trong đại dịch Covid, kim ngạch thương mại song phương vẫn đạt 110 tỷ USD năm 2021, đưa Bắc Kinh trở thành đối tác lớn nhất của Indonesia. Các khoản đầu từ của Trung Quốc tập trung vào khai thác khoáng sản và xây dựng cơ sở hạ tầng, đưa nước này vào top 3 nhà đầu tư vào Indonesia năm 2022. Hai nước khẳng định hợp tác thông qua sáng kiến Vành đai và Con đường, Điểm tựa Hàng hải Toàn cầu (GMF) và thực hiện Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện.
Trung Quốc kiểm soát các nước Đông Nam Á thông qua vốn. Dự kiến trong giai đoạn 2016 – 2030, các nước Đông Nam Á sẽ cần 2.759 tỷ USD (tương đương 5% GDP) để đầu tư cơ sở hạ tầng. Việc nguồn vốn tư nhân, tổ chức quốc tế còn hạn chế khiến cho nguồn vốn đến từ Trung Quốc càng có giá trị. Nắm được nhu cầu trên, Trung Quốc mạnh tay rót vốn vào khu vực và chủ yếu tập trung vào các công trình trọng điểm như trung tâm dự trữ năng lượng, bến cảng, đường xá, sân bay – với mục tiêu rõ ràng về an ninh và thương mại. Các quốc gia nhỏ không có khả năng trả nợ Trung Quốc, rơi vào bẫy nợ và buộc phải nhường quyền kiểm soát các khu vực nhạy cảm an ninh cho Trung Quốc. Cũng nhờ vào chiêu bài này, Trung Quốc nhiều lần khai thác được cơ chế đồng thuận ASEAN. Điều này khiến công tác làm việc nội khối ASEAN không đạt được các mục đích chiến lược, cũng như tính khách quan và hiệu quả cần thiết.
Về quân sự, trong suốt gần một thập kỷ qua, Trung Quốc tích cực dùng yêu sách chủ quyền “đường lưỡi bò” chiếm gần như toàn bộ diện tích biển Đông. Dù không nhận được sự ủng hộ của thể giới, đây là cơ sở để Trung Quốc bành trướng quân đội của mình ra vùng biển Đông. Các cuộc tập trận thường xuyên diễn ra từ eo biển Đài Loan đến biển Đông nhằm phô diễn sức mạnh và nhằm cảnh báo láng giềng. Giữa năm 2022, nước này cũng đã có cuộc tập trận bắn đạn thật với Campuchia. Tâm điểm quân sự của Trung Quốc năm nay nằm tại eo biển Đài Loan và trong năm 2023 tần suất hoạt động quân sự của Trung Quốc tại Đông Nam Á có lẽ sẽ vẫn phụ thuộc một phần vào vấn trên.
Về đối ngoại, Trung Quốc có động thái thiết lập khuôn khổ quan hệ và hợp tác mới. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trong tháng 7.2022 đã có chuyến công du 12 ngày đến 5 quốc gia Đông Nam Á nhằm thúc đẩy hợp tác trong khu vực. Tại Myanmar, ông đồng chủ trì Hội nghị Ngoại trưởng lần thứ 7 cơ chế Hợp tác Lan Thương – Mekong, với sự tham dự từ Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Có thể thấy Trung Quốc đang sử dụng con đường ngoại giao nhằm gây ảnh hưởng lên ASEAN. Chính quyền Tập Cận Bình chưa bao giờ gây được nhiều cảm tình cho khu vực, và sự lấn sân của Mỹ buộc Bắc Kinh nỗ lực hơn nhằm xử lý điểm yếu này.
Bắc Kinh cũng có các động thái ngoại giao mang tính biểu tượng. Tổng thống Indonesia Joko Widodo là lãnh đạo cấp cao hiếm hoi thăm Bắc Kinh kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc. Cũng ngay sau đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XX, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là lãnh đạo cấp cao được ông Tập ngỏ lời mời tới thăm. Điều này như một tuyên ngôn ngầm về vị trí của Việt Nam trong chiến lược giai đoạn tới của Bắc Kinh.
Về phía Mỹ, việc chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh mới là động lực chính lý giải sự quan tâm mới của Mỹ đối với Đông Nam Á. Trong năm vừa qua Tổng thống Biden đã tiến gần hơn tới mục tiêu thiết lập khuôn khổ chiến lược chống lại các mục tiêu bá quyền lâu dài của Trung Quốc trong khu vực. Điển hình có thể nói đến nỗ lực tập hợp lực lượng, điều vốn tạo nên khoảng cách sức mạnh giữa Mỹ và Trung Quốc. Nói chung, đánh giá về sức mạnh của Mỹ, ta không thể tách rời nó với NATO, AUKUS hay G7, và sức mạnh Trung Quốc đang phải đối mặt không đơn thuần là sức mạnh nội tại của Mỹ. Tuy nhiên, việc tập hợp đồng minh tại Đông Nam Á của Washington sẽ không còn dễ dàng như trong quá khứ.
Về kinh tế, Mỹ đã đầu tư hơn 250 triệu USD vào ASEAN trong năm 2022 và khẳng định sẽ cung cấp 825 triệu USD vào năm 2023. Cũng trong tháng, Mỹ đã khởi động Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì sự thịnh vượng (IPEF), có sự tham gia của 7 thành viên ASEAN. Mỹ có lẽ đang hướng IPEF tới vị trí đối trọng với RCEP do Trung Quốc dẫn dắt. Dù cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan giới thiệu IPEF là một cơ chế “mở” cho mọi quốc gia, quan sát nhận thấy Trung Quốc không hề được chào đón ở đây. Dù vậy, đây không phải là một hiệp định thương mại tự do, khuôn khổ này chỉ đơn giản muốn thiết lập các tiêu chuẩn. Nhiều nhà quan sát cho rằng Washington tỏ ra không quan tâm đến các hiệp định thương mại tự do, kể cả những Hiệp định đa phương lớn như như CPTPP hay RCEP. Theo nghiên cứu viên Parameswaran, Washington nhận ra rằng hiện tại khó có thể tìm kiếm đủ sự hỗ trợ trong nước cho một hiệp định thương mại tự do hoàn chỉnh, vì vậy họ đang sử dụng IPEF làm khuôn khổ để giải quyết các vấn đề như nền kinh tế kỹ thuật số, chuỗi cung ứng, năng lượng sạch và chính sách thuế.
Về quân sự, các cuộc tập trận giữa nước Mỹ và đối tác thân cận Thái Lan và Singapore vẫn diễn ra đều đặn. Vào tháng 5 vừa qua, 3 nước đã đã có cuộc tập trận thường niên tại Thái Lan mang tên Cobra Gold với 21.700 binh lính – đây là lần tập trận với quân số lớn nhất từ trước đến nay của Mỹ tại châu Á Thái Bình Dương. Các cuộc tập trận trong khu vực có sự tham dự của Mỹ cũng diễn ra với tần suất cao. Dù vậy, trọng tâm chuyển động quân sự của Mỹ xoay quanh nhóm Bộ Tứ, Five Eyes hay Thỏa thuận AUKUS. Điều này cũng đưa đến lo ngại về kịch bản leo thang căng thẳng, quân sự hóa, chạy đua vũ trang trong khu vực cho các nước ASEAN.
Về đối ngoại, Mỹ đã tăng cường đáng kể sự hiện diện của mình ở khu vực lên một tần suất đáng kể. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã mời khối ASEAN tới dự một hội nghị thượng đỉnh đặc biệt ngay tại Nhà Trắng, một dấu hiệu nhằm cho thấy Washington vẫn đặt trọng tâm vào khu vực Đông Nam Á. Trong Hội nghị cấp cao Mỹ-ASEAN ở Phnom Penh ngày 12/11, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nâng cấp quan hệ Mỹ-ASEAN lên thành quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Mỹ đồng thời đưa ra nhiều cam kết hỗ trợ về an ninh hàng hải, hợp tác chống biến đổi khí hậu và phục hồi sau đại dịch và các an ninh phi truyền thống khác.
Những nỗ lực của ngoại giao của Mỹ đã đi đến mọi quốc gia Đông Nam Á, ngoại trừ chính quyền quân sự ở Myanmar. Philippines, một đồng minh hiệp ước quan trọng của Mỹ, gần đây đã bầu Ferdinand Marcos Jr. làm tổng thống trong nhiệm kỳ sáu năm. Ngay sau đó, Hoa Kỳ đã tiến hành tiếp cận ngoại giao thành công và Tổng thống Biden đã gặp Tổng thống Marcos ở New York, qua đó báo hiệu những cải thiện tích cực cho mối quan hệ Hoa Kỳ-Philippines. Các chính phủ Campuchia, Lào và Brunei đều nhận được sự quan tâm từ Washington trong những tháng gần đây để chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc. Việt Nam và Singapore là những đối tác an ninh được quan tâm nhất của Mỹ. Với đồng minh lâu đời Thái Lan, dù quan hệ đang trên đà suy thoái, Mỹ vẫn thể hiện sự nhượng bộ nhất định, nhằm tránh việc Thái Lan phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc.
Việc thu hút đồng minh của Mỹ gặp khó khăn khi không tìm được nhiều điểm chung với một ASEAN vốn đa dạng trong ý thức hệ lẫn thể chế. Chính sách của Mỹ đôi khi mâu thuẫn với chính chương trình nghị sự về dân chủ và nhân quyền của nước này. Ví dụ, bất chấp các áp lực lên Mỹ buộc nước này đẩy lùi cuộc đảo chính ở Myanmar, Nhà Trắng không thực sự làm gì nhiều. Washington đã kiềm chế không trừng phạt Doanh nghiệp Dầu khí Myanmar vốn do quân đội sở hữu, có thể do họ lo ngại sẽ chọc giận Thái Lan, quốc gia có mối liên hệ chặt chẽ với ngành năng lượng của Myanmar. Qua đó, có thể nhận định rằng đầu tư hợp tác về kinh tế, an ninh sẽ là trọng tâm của Mỹ thời gian tới.
Hàm ý cho Đông Nam Á và Việt Nam
Các nước Đông Nam Á nỗ lực cân bằng và rõ ràng cần tìm kiếm sự cân bằng trong quan hệ với hai cường quốc. Đây là xương sống chiến lược mà rất nhiều nước Đông Nam Á đã nhận ra và tích cực theo đuổi thời gian qua.
Ví dụ, vào tháng 8 năm 2022, Bangkok đã tiến hành cuộc tập trận không quân thường niên với Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng leo thang chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tới Đài Loan. Đáng chú ý, tuyên bố chính thức của Thái Lan về cuộc khủng hoảng đã nhắc lại “Chính sách Một Trung Quốc” và kêu gọi “kiềm chế tối đa”, phản ánh lập trường trung lập của Bangkok giữa Bắc Kinh và Washington. Hơn nữa, quyết định bỏ phiếu trắng của Thái Lan trong cuộc bỏ phiếu tháng 10 của Liên Hợp Quốc về cuộc chiến ở Ukraine chỉ là dấu hiệu mới nhất cho thấy nước này không muốn xa lánh Nga và Trung Quốc. Hoa Kỳ có lẽ sẽ điều chỉnh câu chuyện và chính sách của mình để thu hút sự ủng hộ rộng rãi nhất trong khu vực, nhưng các quốc gia Đông Nam Á sẽ tiếp tục cân bằng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ theo lợi ích của chính họ.
Một thách thức mà ASEAN đang phải đối mặt là khó khăn trong phối hợp nội khối. Điều này một phần đến từ khác biệt đáng kể về văn hóa, trình độ phát triển và môi trường chính trị của các nước. Chẳng hạn số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy GDP đầu người năm 2021 Singapore chạm mốc 72.000 USD, cao gấp 45 lần so với Campuchia. Một phần khác đến từ sự chi phối của Bắc Kinh (và có thể cả Washington) lên cơ chế đồng thuận ASEAN. Khắc phục những điểm yếu trên là yếu tố quyết định ảnh hưởng đến ASEAN trong môi trường cạnh tranh chiến lược thời gian tới.
Hiện tại, Việt Nam đứng trước cơ hội từ xu thế toàn cầu hóa, hòa bình cùng phát triển, đà phát mạnh mẽ và năng động của khu vực, và các nước lớn ngày càng coi trọng vị thế của Việt Nam trong môi trường chiến lược quốc tế. Trong những năm tới, cả Mỹ và Trung Quốc có thể hướng tới việc tạo ra nhiều hơn các liên kết nhằm ràng buộc lợi ích kinh tế của Việt Nam. Phương án này khả thi hơn là cố gắng kéo Việt Nam về phía mình nhờ vào những điểm tương đồng trong ý thức hệ, hoặc đầu tư vào các công trình an ninh, quốc phòng.
Thứ nhất, cần tận dụng nguồn lực từ Mỹ và Trung Quốc. Việt Nam đang đóng vai trò quan trọng trong chiến lược trung hạn của Mỹ. Vì vậy, thời điểm này dù không nâng cấp mối quan hệ với Mỹ thì chúng ta vẫn có cơ sở để tin vào mối quan hệ song phương tốt đẹp Việt Nam – Mỹ trong thời gian tới. Đây sẽ là một cơ hội tốt để thúc đẩy phát triển toàn diện đất nước nhờ tận dụng hỗ trợ của Mỹ, đặc biệt là trong các lĩnh vực giáo dục, công nghệ, y tế, năng lượng; giải quyết các vấn đề còn tồn đọng bao gồm xóa đói giảm nghèo hay giải quyết hậu quả chiến tranh. Việc truyền bá văn hóa, tư tưởng của Mỹ chắc chắn là hoạt động đi kèm việc thúc đẩy tác giữa hai nước. Do đó, cần có đánh giá hợp lý về các công cụ mà Mỹ sử dụng để truyền bá văn hóa, đồng thời cần sàng lọc và cân nhắc sự có mặt của Mỹ trong những khu vực từng xảy ra nhạy cảm chính trị tại Việt Nam.
Thứ hai, củng cố vị trí của Việt Nam trong môi trường quốc tế. Việt Nam tiếp tục củng cố quan hệ với mọi quốc gia, trên nguyên tắc tôn trọng chủ quyền quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Việc mở rộng quan hệ với các quốc gia khác đa dạng hóa lựa chọn của Việt Nam trong thương mại, giảm thiểu rủi ro đến từ xung đột Mỹ – Trung. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng bất kỳ chính sách nào của Mỹ đối với các cường quốc (như Trung Quốc, Ấn Độ, Nga) cũng có thể gây ra tác động sâu sắc tới Việt Nam. Việt Nam cũng nên tích cực tham gia các diễn đàn thế giới, thể hiện vai trò đối tác đáng tin cậy của mình trong các thiết chế quốc tế. Việc này sẽ mang đến cho Việt Nam tiếng nói cũng như sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế trong những tình thế lưỡng nan mà Việt Nam bị kẹt giữa Mỹ và Trung Quốc.
Thứ ba, tăng ảnh hưởng của Việt Nam tại Đông Nam Á. Trong viễn cảnh ảm đạm nhất, Đông Nam Á có thể bị “chia rẽ” và Việt Nam, và kể cả khi không bị kéo vào viễn cảnh trên, cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Do đó, Việt Nam có thể xúc tiến quan hệ song phương, diễn đàn đa phương trong khu vực và tìm kiếm các đối tác đáng tin cậy cho mình. Có thêm các trụ cột khác bên cạnh Việt Nam sẽ tạo nên một ASEAN cứng rắn hơn trong bối cảnh cạnh tranh nước lớn
Thứ tư, tiếp tục thực hiện chính sách cân bằng kinh tế nước lớn trên lập trường độc lập, tự chủ. Việt Nam là nước nhỏ phụ thuộc và chịu nhiều ảnh hưởng từ Trung Quốc cả khía cạnh địa lý lẫn kinh tế, do đó không thể tham gia vào các lực lượng kiềm chế Trung Quốc, hay bày tỏ lập trường đối đầu một cách công khai với nước này. Nếu Trung Quốc điều chỉnh các chính sách của mình một cách chủ động, táo bạo hơn, điều này có thể tạo ra nhiều hệ lụy đến Việt Nam. Mỹ trong thời gian tới cũng sẽ tiếp cận trên nhiều mặt trận trong nỗ lực kéo Việt Nam về phía mình. Nhận được các lợi ích kinh tế kéo theo hệ quả là bất cứ sự leo thang căng thẳng nào trong quan hệ Mỹ – Trung cũng sẽ đem đến rủi ro cho Việt Nam. Và bởi sự khó đoán trong cuộc đối đầu trên, Việt Nam tốt hơn hết nên bám sát vào đường lối độc lập tự chủ, duy trì chính sách đối ngoại linh hoạt, mềm dẻo, tạo thế cân bằng trong quan hệ kinh tế với hai nước.
Nói chung, chắc chắn rằng cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung tại Đông Nam Á và Việt Nam nói riêng sẽ tiếp tục trong những năm tới, ở nhiều khía cạnh và mức độ khác nhau. Một số báo chí nước ngoài đánh giá Việt Nam là “vùng đệm” trong cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung. Tuy nhiên với tiềm lực và vị thế hiện có, cùng với sự linh hoạt, tỉnh táo trong đối sách, Việt Nam hoàn toàn có khả năng trở thành một người giữ thế cân bằng cạnh tranh trong khu vực.
Tác giá: Lê Dân