Với ảnh hưởng kinh tế và chính trị ngày càng tăng, Trung Quốc ngày càng đóng vai trò quan trọng ở khắp các khu vực trên thế giới. Trung Quốc đã tạo được sức ảnh hưởng và có vị thế lớn ở Đông Nam Á và Châu Phi trong những năm gần đây. Trong khi đó, đề xuất mới nhất của Trung Quốc về giải quyết hòa bình cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine càng chứng tỏ tham vọng của Trung Quốc trở thành một bên tham gia quan trọng, có tiếng nói không thể bỏ qua trong các vấn đề quốc tế.
Trung Quốc cũng đã trở thành một bên tham gia quan trọng trong các vấn đề ở Trung Đông. Trước đó, Trung Quốc tỏ ra rất quan tâm đến việc tham gia và tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine. Trong một diễn biến gần đây nhất vào ngày 10 tháng 3 vừa qua, Iran và Ả-rập Xê-út, hai quốc gia Trung Đông đối địch nhau, đã ký một thỏa thuận lịch sử nhằm thiết lập lại quan hệ ngoại giao và Trung Quốc đóng vai trò là nhà môi giới hòa bình trong quá trình này.
Việc ký kết thỏa thuận này gây ngạc nhiên cho nhiều người. Tuy nhiên, sự Trung Quốc trỗi dậy ở Trung Đông không phải là điều gì mới. Hiện nay, ảnh hưởng của Trung Quốc ngày càng tăng về kinh tế và chính trị trong khu vực. Nước này đã trở thành một đối tác đáng tin cậy và mối quan hệ đang thay đổi với các bên tham gia truyền thống tại Trung Đông, cụ thể là Mỹ, đã góp phần vào sự trỗi dậy của Trung Quốc ở khu vực này.
Trung Quốc đã xây dựng mối quan hệ bền chặt hơn với Trung Đông trong những năm gần đây và mối quan hệ này đã giúp Trung Quốc trở thành nhà môi giới hòa bình có năng lực giữa Iran và Ả-rập Xê-út. Trung Quốc là một trong những khách hàng mua dầu lớn nhất của Iran và Ả-rập Xê-út, và phần lớn sự hợp tác kinh tế giữa Trung Quốc với các quốc gia Trung Đông cũng tập trung vào lĩnh vực năng lượng. Trong năm 2022, Trung Quốc đã ký một thỏa thuận hợp tác với chính phủ Tehran, hứa hẹn đầu tư 400 tỷ USD vào cơ sở hạ tầng của Iran và các dự án khác. Về phía Ả-rập Xê-út, một thỏa thuận tương tự cũng đã được ký kết giữa hai nước trong chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình. Thoả thuận này cũng bao gồm hợp tác trong lĩnh vực điện toán đám mây và các dự án công nghệ cao.
Trong khi đó, mối quan hệ song phương giữa Trung Quốc, Ả-rập Xê-út và Iran không chỉ dừng lại ở khía cạnh kinh tế. Ả-Rập Xê-út đã mua tên lửa của Trung Quốc vào những năm 1980, ngay cả trước khi thiết lập quan hệ ngoại giao. Trung Quốc gọi cựu vương Abdullah là “người bạn thân mến” sau khi ông qua đời, càng báo hiệu mối liên hệ sâu sắc giữa hai nước.
Đồng thời, Trung Quốc coi Iran là một đối tác chiến lược toàn diện. Trung Quốc tham gia tích cực vào quá trình đàm phán JCPOA, tìm kiếm một kết thúc hòa bình cho cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran. Ngoài ra, trong tuyên bố chung mới đây sau khi Tổng thống Iran thăm Bắc Kinh, hai nước cam kết cùng hợp tác để đảm bảo một tương lai hòa bình.
Ngoài mối quan hệ ngày càng phát triển, Trung Quốc được các nước Trung Đông coi là đối tác đáng tin cậy. Trung Quốc thiếu động lực để phá vỡ cấu trúc an ninh và chính trị của Trung Đông do Mỹ đứng đầu. Hầu hết các lợi ích của Trung Quốc đều tập trung vào khía cạnh kinh tế. Trung Quốc không đứng về phía nào trong bất kỳ xung đột khu vực nào. Trung Quốc đã nhất quán trong việc kêu gọi các hành động quốc tế, chẳng hạn như các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, để giải quyết các vấn đề an ninh. Trung Quốc hưởng lợi đáng kể từ hiện trạng chính trị ở Trung Đông trong khi thiếu thiện chí và nguồn lực để can dự trực tiếp vào nền chính trị khu vực này.
Tính trung lập và thận trọng này phản ánh trong các tuyên bố chính thức của Trung Quốc liên quan đến khu vực. Trung Quốc tránh đưa ra khẳng định một chiều trong các vấn đề Trung Đông. Nước này đã tuyên bố ủng hộ giải pháp hai nhà nước giữa Israel và Palestine và thúc đẩy một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột đang diễn ra. Trung Quốc cũng đã đảm bảo với Chính phủ Iran rằng, họ tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ của Iran sau tuyên bố gây tranh cãi từ hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc-GCC. Những động thái này đã đảm bảo uy tín của Trung Quốc trong khu vực.
Tính trung lập và thiết thực này đã được các nước trong khu vực chú ý. Một trong những dấu hiệu là mối quan hệ chính trị ngày càng tăng giữa Bắc Kinh và các quốc gia vùng Vịnh, như Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc-GCC trong năm 2022 đã chứng minh. Ngay cả sau tranh cãi với Iran, các quan chức cấp cao của Trung Quốc vẫn đến thăm Tehran theo kế hoạch. Một số chuyên gia đã tuyên bố rằng, sự tham gia của Trung Quốc đã tạo cơ hội cho những kẻ thù truyền kiếp đàm phán cho một mối quan hệ hòa bình.
Hơn nữa, mối quan hệ đang thay đổi giữa Mỹ và Trung Đông đã tiếp tục cho phép Trung Quốc tỏa sáng ở Trung Đông. Một số người cho rằng, cuộc đàm phán là “ngón giữa” cho Tổng thống Biden từ Ả-rập Xê-út. Tuy nhiên, việc Mỹ bị kìm hãm ở Trung Đông không phải là tin mới. Sau một cuộc chiến dài và tốn kém ở Iraq và tình hình kinh tế đầy thách thức, Mỹ không thể duy trì sự hiện diện quân sự như trước đây. Việc thu hẹp quy mô này đã gây ra sự chia rẽ giữa Washington và các đồng minh mặc dù đã thuyết phục họ rằng, Mỹ sẽ duy trì sự hiện diện ở Trung Đông.
Ngoài nguyên nhân do Mỹ giảm bớt quan tâm tới Trung Đông, mối quan hệ giữa Mỹ và khu vực này cũng đầy xích mích trong những năm gần đây. Sự đổ vỡ của JCPOA đã làm suy yếu đáng kể uy tín và lòng tin của Mỹ trong cơ chế quốc tế. Các vấn đề nhân quyền cũng đã tạo ra sự chia rẽ giữa Washington và Riyadh. Sự chia rẽ về chính sách năng lượng càng khiến hai nước xa lánh hơn. Rõ ràng là các cường quốc khu vực đang tìm cách giới thiệu một người chơi mới để cân bằng ảnh hưởng của Mỹ.
Từ quan điểm của Trung Quốc, một Trung Đông hòa bình hoàn toàn phù hợp với tầm nhìn và lợi ích chiến lược của Trung Quốc. Từ Sáng kiến ”Vành đai và Con đường” đến hợp tác năng lượng, một Trung Đông hòa bình sẽ giúp Trung Quốc đạt được các mục tiêu kinh tế của mình. Chính quyền Bắc Kinh sẽ tận dụng cơ hội để đạt được những mục tiêu như vậy. Mong muốn ổn định của Trung Quốc đáp ứng mong muốn tạo ra một đối trọng của Trung Đông, cho phép Trung Quốc có thêm đòn bẩy ở Trung Đông, tiếp tục mở rộng ảnh hưởng của mình.
Trung Quốc không cạnh tranh với Mỹ ở Trung Đông. Tuy nhiên, thành công trong việc thúc đẩy thỏa thuận giữa Ả-rập Xê-út và Iran đã đẩy Trung Quốc lên vị trí hàng đầu trong chính trường Trung Đông. Mối quan hệ kinh tế ngày càng tăng với Riyadh và Tehran, truyền thống trung lập lâu đời và sự tín nhiệm mà họ nhận được, và việc Mỹ rút khỏi Trung Đông đã biến Trung Quốc thành một thế lực có sức ảnh hưởng không thể bỏ qua ở khu vực này trong thời gian tới!
Biên dịch: Phương Thảo
Về tác giả: Haoyu “Henry” Huang là một chuyên gia độc lập về các vấn đề quốc tế. Anh tốt nghiệp Cử nhân tại Trường Quan hệ Quốc tế Elliott của Đại học George Washington vào tháng 5 năm 2020. Anh ấy đến từ Trung Quốc, trước đây đã sống và làm việc tại Mỹ và Kazakhstan.