Quốc tế hóa đồng tiền quốc gia là bước đi quan trọng, buộc phải thực hiện đối với một siêu cường tham vọng như Trung Quốc. Điều đó đã được âm thầm thúc đẩy ngay từ khi nước này hội nhập với kinh tế toàn cầu. Quá trình “quốc tế hóa Nhân dân tệ” diễn ra tương đối chậm, sau đó được đẩy nhanh hơn kể từ khi Trung Quốc vươn lên trở thành siêu cường thương mại số 1 toàn cầu trong thập niên thứ 2 của thế kỷ XXI. Đến tháng 02/2022, chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine đã mở ra một thời cơ không thể tốt hơn cho những nỗ lực “quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ”. Vậy, thời cơ ấy là gì? Trung Quốc đã chớp thời cơ, đẩy mạnh “quốc tế hóa Nhân dân tệ” như thế nào?
Thời cơ vàng xuất hiện
Xung đột Nga – Ukraine đã mở ra một thời cơ hiếm gặp đối với Trung Quốc. Dẫu vậy, trước khi đánh giá cuộc xung đột này đem lại điều gì cho quá trình “quốc tế hóa Nhân dân tệ” của Trung Quốc cũng cần nhìn nhận những yếu tố mang tính nền tảng khác. Nếu không có các yếu tố đó cộng hưởng, cuộc chiến tại Ukraine cũng sẽ không đủ để tạo ra một bước đột phá.
Đầu tiên, sự chín muồi của các yếu tố bên trong
Muốn tận dụng được các thời cơ, trước hết tự thân phải đủ mạnh, và đó là điều mà Trung Quốc đã làm được. Nước này chỉ mất 3 thập kỷ kể từ khi tiến hành cải cách để giành lại được vị thế của một siêu cường thương mại toàn cầu từ tay Mỹ. Năm 2012, quy mô thương mại của Trung Quốc đã đạt 3,87 nghìn tỷ USD, nhỉnh hơn 3,82 nghìn tỷ USD của Mỹ[1], sau đó liên tục duy trì vị thế số 1 toàn cầu về thương mại cho đến ngày nay. Đồng thời, Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của phần lớn các quốc gia trên thế giới, vượt xa so với Mỹ. Bản thân vị thế quốc tế của đồng Nhân dân tệ cũng đã gia tăng liên tục một cách ổn định.
Cũng cần nhấn mạnh một điều rằng, trong quá khứ, quá trình “quốc tế hóa đồng Đô la” của Mỹ cũng được thực hiện dựa trên bệ đỡ sức mạnh thương mại số 1 thế giới của họ ở thời điểm đó. Hiện nay, Trung Quốc cũng đang có được những điều kiện tương tự.
Bên cạnh đó, nhận thức về nhu cầu cấp bách của tham vọng “quốc tế hóa Nhân dân tệ” đã có nhiều chuyển biến mới. Nó không chỉ là nhu cầu cải cách hệ thống tiền tệ quốc tế mà còn là động thái tất yếu để đảm bảo sự phát triển kinh tế, ổn định tài chính và an ninh dự trữ ngoại hối của Trung Quốc. Đó là biện pháp cần thiết trước áp lực ngày một lớn từ phía Washington. Đồng thời, “quốc tế hóa Nhân dân tệ” có thể mang lại nhiều lợi ích cho Trung Quốc, như: hỗ trợ mạnh mẽ sự phát triển của nền kinh tế trong nước; gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc trong các vấn đề kinh tế và chính trị quốc tế; đồng thời giúp giảm bớt sự gia tăng dự trữ ngoại hối của Trung Quốc[3].
Rõ ràng, Trung Quốc đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cả về thực lực lẫn nhận thức cho chiến lược quốc tế hóa đồng tiền của họ.
Tiếp đến là sự cộng hưởng của các yếu tố bên ngoài
Kể từ khi diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế, thế giới nhìn chung đã công nhận nguyên nhân chính dẫn đến sự mất cân đối của nền kinh tế thế giới và cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế là do hạn chế cố hữu của hệ thống tài chính tiền tệ quốc tế bị chi phối bởi đồng đô la Mỹ[4]. Tất cả đã có một cái nhìn thận trọng hơn đối với đồng đô la. Chỉ có điều, các quốc gia chưa tìm thấy một phương án thay thế phù hợp, cho đến khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra, gợi ý mang tên Nhân dân tệ đã nổi lên như một phương án đáng để cân nhắc đối với các quốc gia này.
Một, cuộc đối đầu toàn diện giữa phương Tây (do Mỹ đứng đầu) với Nga đã cho cả thế giới thấy rõ chiến lược “vũ khí hóa” đồng Đô la của Mỹ trong các chính sách cấm vận, trừng phạt. Để tránh điều tương tự có thể xảy ra với mình, các nước trên thế giới đang xem xét một cách nghiêm túc về vấn đề đa dạng hóa ngoại tệ trong thanh toán quốc tế. Xu hướng “phi đô la hóa” nhờ vậy đã có thêm động lực để đẩy nhanh. Đó cũng là một động lực mạnh mẽ cho ý muốn “quốc tế hóa Nhân dân tệ” của Bắc Kinh.
Hai, xung đột Nga – Ukraine gây xáo trộn lớn đối với chuỗi cung ứng toàn cầu. Giao thương Đông – Tây bị gián đoạn nghiêm trọng, và hệ thống thương mại toàn cầu có những thay đổi lớn về cấu trúc. Trong hoàn cảnh đó, Trung Quốc đã đóng một vai trò “trung gian kép” – vừa là bên nhập khẩu trung gian, cũng đồng thời là bên xuất khẩu trung gian cho nhiều đối tác. Điều này dẫn đến việc làm cho nhiều quốc gia trở nên phụ thuộc vào nguồn hàng hóa từ Trung Quốc, đồng thời kéo theo nhu cầu về Nhân dân tệ trong hệ thống thanh toán quốc tế cũng tăng mạnh.
Ba, hệ thống quan hệ quốc tế kể từ khi chiến tranh nổ ra đã có nhiều chuyển biến có lợi đối với Trung Quốc. Nhóm các quốc gia trung lập muốn tránh liên đới trách nhiệm liên quan đến cuộc đối đầu Nga – Mỹ ở chiến trường Ukraine. Điều đó dẫn tới xu hướng xích lại gần nhau giữa các nước trung lập mà trong số này, Trung Quốc được coi là một quốc gia trung lập có thế lực nhất.
Ngoài ra, bối cảnh toàn cầu trong nhiều thập kỷ qua cho thấy, đồng đô la đứng trước sự cạnh tranh của nhiều loại tiền tệ khác đã có sự suy giảm tương đối. Theo dữ liệu của IMF, năm 1999, khi đồng Euro mới bắt đầu xuất hiện, đồng Đô la chiếm khoảng 71% dự trữ ngoại tệ toàn cầu. Sau 23 năm, con số này đã giảm xuống còn 58,36%.
Về mối liên hệ giữa “phi đô la hóa” với “quốc tế hóa Nhân dân tệ” ở góc độ nào đó có thể coi vừa là yếu tố bên trong, cũng vừa là yếu tố bên ngoài. Quá trình “phi đô la hóa” trên phạm vi toàn cầu có những cách hiểu khác nhau. Đối với các quốc gia khác, “phi đô la hóa” có thể hiểu đơn giản là việc giảm bớt sự phụ thuộc vào đồng đô la trong các giao dịch quốc tế. Nhưng đối với Trung Quốc, mặc dù họ vẫn cố gắng giải thích rằng: “Phi đô la hóa không có nghĩa là Nhân dân tệ thay thế đồng đô la Mỹ”[5], nhưng quá trình thực thi “phi đô la hóa” luôn gắn chặt với quá trình “quốc tế hóa Nhân dân tệ”. Việc xác định tư duy như vậy được xem là một yếu tố bên trong. Còn thực tiễn “phi đô la hóa” đang phát triển trên bình diện toàn cầu được xem là nhân tố bên ngoài.
Sự tổng hòa của các yếu tố bên trong và bên ngoài đó trở thành những điều kiện thuận lợi đáng kể, mở ra một thời cơ vàng hiếm gặp đối với Trung Quốc cho tham vọng “quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ”. Tuy nhiên, song hành với thời cơ là thách thức, việc “quốc tế hóa Nhân dân tệ” cũng sẽ tạo ra những khó khăn cố hữu về mặt quản trị cho hệ thống tài chính của Trung Quốc, bởi sẽ có nhiều vấn đề trong quá trình tự nâng cấp để tương ứng với nhiệm vụ quản trị tài chính, tiền tệ toàn cầu của họ. Về vấn đề này, để biết Trung Quốc đã có sự chuẩn bị chu đáo hay chưa vẫn cần phải có thời gian kiểm chứng.
Bắc Kinh chớp thời cơ tăng tốc “quốc tế hóa Nhân dân tệ”
Trước những xáo trộn lớn đối với hệ thống quốc tế liên quan đến xung đột Nga – Ukraine, Trung Quốc đã gia tăng các hoạt động nhằm tăng tốc “quốc tế hóa Nhân dân tệ”. Biểu hiện ở việc: Bắc Kinh không chỉ tăng tốc đàm phán sử dụng Nhân dân tệ trực tiếp trong thương mại mà còn thông qua đầu tư vào các nước đối tác. Ngày càng có nhiều quốc gia chấp nhận mong muốn này của Trung Quốc. Tiếp đến, các thỏa thuận hoán đổi tiền tệ song phương không sử dụng đồng đô la đã được mở rộng. Trung Quốc đã ký thỏa thuận hoán đổi tiền tệ với nhiều ngân hàng trung ương của các đối tác như: Hàn Quốc, Malaysia, Belarus, Indonesia, Argentina, Iceland, Singapore, New Zealand, Uzbekistan, Kazkhstan, Mông Cổ… với số tiền khổng lồ[6]. Chưa dừng lại ở đó, việc mở rộng phát triển thị trường trái phiếu Nhân dân tệ ra nước ngoài cũng được nước này tiếp tục triển khai.
Kết quả gặt hái được trong hơn một năm qua kể từ khi Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga được tiến hành tại Ukraine tương đối đáng kể, nếu không muốn nói là nhanh nhất kể từ khi triển khai tham vọng “quốc tế hóa Nhân dân tệ”. Tỷ trọng của đồng Nhân dân tệ theo giá trị thị trường đã tăng từ dưới 2% vào tháng 2 năm 2022 lên 4,5% một năm sau đó. Những lợi ích đó đặt đồng tiền của Trung Quốc vào thế cạnh tranh gay gắt với đồng euro[7]. Những con số này chắc chắn sẽ còn tăng nhanh trong thời gian tới với những động thái đã được Bắc Kinh thực hiện được nêu ở dưới đây:
Đã có nhiều quốc gia đối tác có những phản hồi tích cực đối với tham vọng của Bắc Kinh. Ví dụ, ngày 4 tháng 4, vừa kết thúc chuyến thăm Trung Quốc, Thủ tướng Malaysia Anwar, đã phát biểu trước Quốc hội rằng: không có lý do gì để tiếp tục dựa vào đồng đô la Mỹ. Ngân hàng Trung ương Malaysia đã bắt đầu thảo luận với Trung Quốc về việc thanh toán bằng đồng Ringgit và Nhân dân tệ cho thương mại giữa hai bên[8]. Trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, các đại gia dầu mỏ Trung-Pháp đã tiến hành giao dịch thanh toán bằng Nhân dân tệ xuyên biên giới đầu tiên đối với khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG)[9]. Bên cạnh đó, hiện nay đã có hơn 50 quốc gia trên thế giới bắt đầu “phi đô la hóa”[10]. Trong số này, đã có hơn 30 quốc gia đang dần chuyển sang sử dụng Nhân dân tệ trong thanh toán thương mại hoặc đầu tư[11].
Ở Trung Đông, tháng 2 vừa qua, Ngân hàng Trung ương Iraq đã thông báo rằng họ sẽ cho phép thanh toán trực tiếp thương mại với Trung Quốc bằng Nhân dân tệ, đồng thời ngân hàng này cũng sẽ tiếp tục gia tăng dự trữ Nhân dân tệ[12]. Với Saudi Arabia, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc lần đầu tiên đã đạt được thỏa thuận cho vay Nhân dân tệ với Ngân hàng Quốc gia Saudi Arabia[13]. Điều này giúp cho khả năng thanh toán bằng Nhân dân tệ trong thương mại tương lai ở Trung Đông tăng dần lên.
Tại Nam Mỹ, vào ngày 7 tháng 2, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc và Ngân hàng Trung ương Brazil đã ký một bản ghi nhớ hợp tác về việc thiết lập các thỏa thuận thanh toán bù trừ bằng Nhân dân tệ ở Brazil[14], điều đó có nghĩa là quốc gia Nam Mỹ dự kiến sẽ trực tiếp sử dụng Nhân dân tệ với Trung Quốc trong tương lai cho các giao dịch thương mại và tài chính.
Động thái tiếp theo của Trung Quốc
Mặc dù đạt được nhiều thành công trong hơn một năm qua, nhưng Trung Quốc vẫn tỏ ra thận trọng. Họ xác định rằng, “quốc tế hóa Nhân dân tệ” là một quá trình lâu dài và cần có một chiến lược bài bản, cụ thể. “Phi đô la hóa” là một bài toán không dễ để có thể giải quyết trong một thời gian ngắn. Do đó, những việc mà Bắc Kinh có thể sẽ triển khai trong thời gian tới cũng không quá mới mẻ. Bởi hệ thống quốc tế hiện tại đã quen thuộc và thích nghi được với những xáo trộn từ xung đột Nga – Ukraine. Một vài hành động nhằm duy trì đà “quốc tế hóa Nhân dân tệ” của Trung Quốc có thể nêu ra như sau:
Thứ nhất, với kinh nghiệm có được từ xung đột Nga – Ukraine, Trung Quốc sẽ tận dụng tối đa vai trò “trung lập không triệt để” trong cuộc đối đầu Nga – phương Tây để thúc đẩy “quốc tế hóa Nhân dân tệ”. Bắc Kinh sẽ giữ vững vai trò “trung gian kép”, gia tăng quy mô thương mại, tạo dựng mối quan hệ kinh tế sâu rộng với toàn cầu. Điều đáng chú ý, Trung Quốc sẽ tiếp tục xâm lấn các thị trường mà Mỹ và các nước phương Tây đang giữ thế độc tôn, dần chiếm lấy vị thế đối tác kinh tế số một tại các thị trường này. Đó sẽ là một nền tảng quan trọng giúp tham vọng “quốc tế hóa Nhân dân tệ” có thêm phạm vi và nhiều cơ hội được mở rộng hơn trong tương lai.
Thứ hai, Trung Quốc sẽ tăng cường hậu thuẫn, tạo dựng chỗ dựa vững chắc cho các doanh nghiệp đẩy mạnh sử dụng Nhân dân tệ trong thương mại xuyên biên giới. Bằng vị thế của siêu cường số một toàn cầu về thương mại, nước này sẽ tiếp tục thuyết phục thêm nhiều đối tác sử dụng đồng nội tệ trong thương mại song phương. Đồng thời, mở rộng thêm quy mô thanh toán bằng nội tệ đối với các đối tác đã có thỏa thuận trước đó. Trong các hợp tác thương mại như vậy, vai trò của các doanh nghiệp lớn, chiếm tỷ trọng đáng kể trong ngoại thương và đầu tư của Trung Quốc sẽ được nhấn mạnh. Bắc Kinh sẽ không ngừng khuyến khích các doanh nghiệp này tăng cường sức ảnh hưởng trong chuỗi cung ứng và chuỗi công nghiệp. Chính họ sẽ đóng vai trò tiên phong, thúc đẩy các doanh nghiệp khác của Trung Quốc hoạt động ở trong và ngoài nước gia tăng việc sử dụng Nhân dân tệ trong hoạt động thương mại quốc tế. Thậm chí, các doanh nghiệp này cũng có thể tác động tới đối tác ở các quốc gia khác, thuyết phục họ sử dụng tiền tệ địa phương trong các giao dịch thanh toán.
Thứ ba, tạo dựng môi trường đầu tư rộng mở và gia tăng đầu tư ra nước ngoài bằng Nhân dân tệ. Cùng với vị thế về thương mại, Trung Quốc đã và đang trở thành quốc gia đầu tư nước ngoài hàng đầu của thế giới. Ưu tiên hàng đầu sẽ là sử dụng Nhân dân tệ trong các khoản đầu tư này. Đồng thời, việc tạo dựng môi trường đầu tư phù hợp với những cơ chế cởi mở hơn sẽ là một xu hướng đáng chú ý. Liệu rằng, những tuyên bố đầy thiện chí của Trung Quốc trong Sáng kiến Phát triển Toàn cầu có được thực tế hóa ở các khoản đầu tư này hay không vẫn còn cần thời gian để trả lời. Nhưng ít nhất, về mặt lý thuyết, nó đang có những khác biệt so với cách mà phương Tây đã triển khai trong các khoản đầu tư của họ.
Thứ tư, để quá trình “quốc tế hóa Nhân dân tệ” được triển khai thuận lợi, Trung Quốc cần một môi trường an ninh ổn định, hoặc ít nhất là đảm bảo được thế chủ động đối với các biến cố an ninh có thể xảy ra. Đang có rất nhiều thách thức an ninh mới đối với Bắc Kinh, hầu hết đều xuất phát từ Mỹ và các đồng minh của họ. Một xung đột không cần thiết giữa hai bên có thể làm đảo lộn mong muốn “quốc tế hóa Nhân dân tệ”. Ví dụ, một sự sụp đổ của hệ thống thương mại toàn cầu, chấm dứt kỷ nguyên toàn cầu hóa có thể làm quá trình “quốc tế hóa Nhân dân tệ” gặp những gián đoạn đáng kể. Trên thực tế, nếu mất đi vị thế thống trị của đồng đô la, kinh tế Mỹ cũng sẽ sụp đổ. Do vậy, Washington sẽ không từ thủ đoạn để bảo vệ đồng đô la. Quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ mới đi được những chặng đường ban đầu. Do vậy, nếu không nắm chắc thế chủ động an ninh, Trung Quốc sẽ không lựa chọn châm ngòi các xung đột không cần thiết trong tương lai gần. Tất nhiên, cần hiểu rằng, mọi thứ đều có lằn ranh đỏ. Quan hệ Mỹ – Trung cũng vậy.
Tuy nhiên, những định hướng không mấy mới mẻ này hoàn toàn có thể thay đổi nhanh chóng trong trường hợp thế giới xuất hiện thêm các biến cố lớn. Khi đó, để dự báo quá trình “quốc tế hóa Nhân dân tệ” sẽ được thúc đẩy như thế nào sẽ cần phải có những quan sát kỹ lưỡng, thận trọng hơn.
Nhìn chung, xung đột Nga – Ukraine từ ngày 24/2/2022 đã tạo ra một động lực không nhỏ thúc đẩy quá trình “quốc tế hóa Nhân dân tệ” của Trung Quốc tăng tốc. Mặc dù vậy, Trung Quốc cũng hiểu rằng “quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ” chỉ có giá trị khi “phi đô la hóa” về cơ bản được hoàn thành. Nếu không loại bỏ được khả năng thao túng tài chính, tiền tệ toàn cầu của Mỹ, kế hoạch của Trung Quốc cũng khó đạt được hiệu quả như họ mong muốn. Dĩ nhiên, quá trình loại bỏ đồng đô la không phải là chặng đường có thể dễ dàng hoàn thành. Nó sẽ cần nhiều thời gian và công sức. Nhưng một điều có thể nhận thấy rằng, những biến cố có tầm ảnh hưởng toàn cầu tương tự như xung đột Nga – Ukraine có thể sẽ mang đến những bước đà mạnh mẽ, giúp tham vọng của Bắc Kinh có những bước tăng tốc đáng kể. Đương nhiên, đế chế Mỹ sẽ không ngồi yên, cạnh tranh Mỹ – Trung sẽ không ngừng diễn biến phức tạp và không loại trừ khả năng leo thang căng thẳng trong những năm tới liên quan đến vấn đề vị thế của hai đồng tiền này./.
Tác giả: Hoàng Hải
Mọi phản hồi học thuật cũng như các vấn đề khác quý độc giả có thể trao đổi với Ban Biên tập Nghiên cứu Chiến lược qua địa chỉ mail: [email protected]
Chú thích:
[1] Phillip Inman, “China overtakes US in world trade”, The Guardian, 11.02.2013.
[2]中国人民银行, 2022 年人民币国际化报告, 2022, tr. 5, https://www.gov.cn/xinwen/2022-09/24/5711660/files/003e0bd04d4742a5a06869fdc37ea8c8.pdf
[3]亚太财经与发展学院,从美债危机看人民币国际化, https://afdi.snai.edu/NewsShow.aspx?FolderID=4&NewsID=3343&l=chinese
[4] 胡锦涛,胡锦涛文选,第三卷, 2016, tr. 281, http://inf.hainmc.edu.cn:5000/ContentDelivery/20210609/CEE963872EAD76025E296343A2189C02_309728431996D3846610A129262A55CF.pdf
[5] Tân Hoa xã, Quốc tế hóa Nhân dân tệ đã đi đến đâu?, 23.4.2023. http://www.news.cn/world/2023-04/23/c_1212170784.htm
[6] 亚太财经与发展学院,从美债危机看人民币国际化, https://afdi.snai.edu/NewsShow.aspx?FolderID=4&NewsID=3343&l=chinese
[7] Hudson Lockett & Cheng Leng, Renminbi’s share of trade finance doubles since start of Ukraine war, Financial Times, 14.4.2023
[8] 环球时报, 没有理由依赖美元,已向中国提议——, 04.4.2023
[9] 郭泽涵, 马克龙和冯德莱恩访华,体现欧州发展对华关系的积极意愿, 10.4.2023, http://www.china.com.cn/opinion/think/2023-04/10/content_85221411.htm
[10] 李振杰, 辩证看待全球“去美元化”趋势, 国际网, 01.6.2023
[11] Yin Yeping & Chi Jingyi, China, Brazil can cut costs by using yuan clearing in bilateral trade instead of US dollar, Global Times, 30.3.2023
[12] Nayera Abdallah & Ahmed Rasheed, “Iraq to allow trade with China in yuan”, Reuters, 22.02.2023
[13] 进出口银行, 中国进出口银行与沙特国家银行成功落地首笔贷款合作, 15.3.2023, https://www.yidaiyilu.gov.cn/xwzx/hwxw/310857.htm
[14] 中国人民银行, 中国人民银行与巴西中央银行签署在巴西建立人民币清算安排的合作备忘录, 07.02.2023, https://www.gov.cn/xinwen/2023-02/07/content_5740538.htm