BBT – Ngày 24/10/2023, Tân hoa xã (Trung Quốc) đã đăng tải một tài liệu do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tôn Vệ Đông công bố cùng ngày với tựa đề “Triển vọng chính sách ngoại giao láng giềng của Trung Quốc trong kỷ nguyên mới”. Tài liệu này được ra mắt ngay sau khi Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế Sáng kiến Vành đai và con đường (BRI) lần thứ 3 vừa được tổ chức thành công tại Bắc Kinh. Đây là một tín hiệu đáng chú ý liên quan đến những điều chỉnh chính sách của Trung Quốc đối với các quốc gia láng giềng. Nghiên cứu Chiến lược (NCCL) trân trọng giới thiệu tới quý độc giả toàn văn tài liệu này. Lưu ý: nội dung của tài liệu hoàn toàn dựa trên quan điểm từ phía Trung Quốc.
Trung Quốc và các nước láng giềng cùng chung vận mệnh, văn hóa và lợi ích tương đồng. Lịch sử hữu nghị hơn nghìn năm của hai bên là một phần sống động của lịch sử giao lưu văn hóa, học hỏi lẫn nhau. Tình hữu nghị đó “không phai nhạt qua bốn thời đại, được củng cố qua những thách thức”.
Khu vực láng giềng xung quanh là nền tảng cho sự ổn định lâu dài, phát triển thịnh vượng của Trung Quốc. Là thành viên của gia đình châu Á và là nước lớn có trách nhiệm, Trung Quốc rất coi trọng ngoại giao láng giềng, luôn đặt vấn đề các nước láng giềng lên vị trí hàng đầu trong chính sách ngoại giao chung, luôn cam kết thúc đẩy hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng của khu vực.
“Triển vọng trong chính sách ngoại giao láng giềng của Trung Quốc trong kỷ nguyên mới” trên cơ sở đánh giá và cách nhìn về tình hình hiện tại cũng như xu hướng tương lai ở châu Á, trình bày toàn diện những thành tựu thực tiễn, khái niệm chính sách và mục tiêu của ngoại giao láng giềng Trung Quốc. Tuyên bố Trung Quốc sẽ kiên trì con đường phát triển hòa bình, thúc đẩy phát triển các nước xung quanh bằng sự phát triển của chính mình. Cùng nhau thúc đẩy tiến trình hiện đại hóa với các nước trong khu vực, xây dựng một cộng đồng có tương lai chung với các nước láng giềng. Cùng nhau vạch ra tầm nhìn về châu Á trong kỷ nguyên mới về hòa bình, an ninh, thịnh vượng cùng tồn tại hữu hảo.
Những cơ hội và thách thức mới đối với châu Á
Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa-Tập Cận Bình trong báo cáo của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã chỉ ra rằng những thay đổi của thế giới, thời đại và lịch sử đang diễn ra theo một cách chưa từng có. Thế giới một lần nữa đang đứng ở ngã tư của lịch sử. Châu Á đang phải đối mặt với những thay đổi lớn chưa từng thấy trong một thế kỷ qua, đứng ở điểm khởi đầu mới cho sự phát triển và hồi sinh cũng như đối mặt với những cơ hội và thách thức chưa từng có.
Châu Á là một lục địa rộng lớn với dân số đông, nguồn tài nguyên dồi dào, nền văn hóa và sự phát triển đa dạng. Trong vài thập kỷ qua đã duy trì được sự ổn định tổng thể. Các nước trong khu vực có sự tin cậy chính trị lẫn nhau, không ngừng gia tăng hợp tác, trao đổi ngày càng sâu sắc. Chính nhờ điều này mà châu Á đã tăng gấp đôi thị phần trong tổng sản lượng kinh tế thế giới chỉ trong khoảng 40 năm. Đạt được bước nhảy vọt từ thu nhập thấp lên thu nhập trung bình, tạo đà phát triển hợp tác và vươn lên nhanh chóng. Trong những năm gần đây, châu Á với tư cách là động lực quan trọng cho sự phục hồi và tăng trưởng kinh tế thế giới, đã đóng góp hơn 50% vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Châu Á là khu vực năng động và tiềm năng nhất trên thế giới và sẽ tiếp tục là điểm nóng cho sự phát triển và thịnh vượng.
Trong giai đoạn này chính trị toàn cầu bất ổn, tâm lý Chiến tranh Lạnh đã trở lại. Chủ nghĩa đơn phương, chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa bá quyền tràn lan. Nhiều rủi ro như năng lượng, lương thực, tài chính, chuỗi sản xuất và cung ứng, biến đổi khí hậu ngày càng gây ảnh hưởng tác động mạnh đến châu Á. Châu Á cũng đang phải đối mặt với những thách thức như phát triển kinh tế không đồng đều và các vấn đề an ninh và chính trị nổi bật. Một số nước đã đẩy mạnh xây dựng liên minh quân sự khu vực. Vấn đề bán đảo Triều Tiên phức tạp và khó giải quyết. Việc tái thiết Afghanistan gặp nhiều thách thức. Các mối đe dọa an ninh phi truyền thống như khủng bố, thiên tai vẫn tồn tại.
Xung quanh tương lai của châu Á, xuất hiện hai đề xuất và hướng đi hoàn toàn khác nhau. Một là duy trì chủ nghĩa khu vực rộng mở và bảo vệ chủ nghĩa đa phương chân chính. Tuân thủ ưu tiên phát triển, hợp tác cùng có lợi, tuân thủ sự mở rộng toàn diện. Thúc đẩy phát triển tổng hợp, cùng thực hiện chung sống hòa hợp. Hai là quay trở lại tư tưởng Chiến tranh Lạnh, tham gia vào các khối khép kín, thúc đẩy các dòng giá trị, chính trị hóa các vấn đề kinh tế, tăng cường an ninh khu vực, kích động sự chia rẽ và tạo ra sự đối đầu.
Con đường lợi ích luôn đồng hành cùng thời gian. Sự lựa chọn đúng đắn ở châu Á nên mở cửa hơn là khép kín, đoàn kết hơn là chia rẽ, hợp tác hơn là đối đầu, công lý hơn là bá quyền. Và cùng chung sống hòa hợp chứ không phải là đơn lẻ. Điều này không chỉ liên quan đến triển vọng tương lai của các nước trong khu vực, mà về cơ bản và lâu dài sẽ có tác động đến tương lai, vận mệnh của châu Á cũng như thế giới. Xây dựng một cộng đồng với một tương lai chung cho nhân loại là con đường tất yếu để cùng nhau tạo ra một châu Á và thế giới phồn vinh thịnh vượng.
Quan hệ giữa Trung Quốc và các nước láng giềng liên tục thu được thành quả quan trọng
Trong hơn nửa thế kỷ qua, châu Á đã thoát khỏi từ nghèo nàn lạc hậu, hỗn loạn và chiến tranh bước đến con đường hòa bình ổn định, phát triển và thịnh vượng. Điều này có được chủ yếu là do các nước trong khu vực kiên trì độc lập tự chủ, tự cường, tôn trọng, giúp đỡ, học hỏi lẫn nhau, hợp tác cùng có lợi. Trong quá trình này, Trung Quốc và các nước châu Á cùng nhau ủng hộ Năm nguyên tắc chung sống hòa bình, phát huy tinh thần hợp tác đoàn kết, hữu nghị. Không ngừng thúc đẩy sự phát triển tình hữu hảo với các nước láng giềng, hợp tác cùng có lợi. Kể từ Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XVIII năm 2012 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, quan hệ của Trung Quốc với các nước xung quanh đã đẩy nhanh nâng cấp chất lượng và đạt được nhiều thành quả tốt đẹp.
Sự tin tưởng lẫn nhau về chính trị tiếp tục gia tăng. Tính đến ngày công bố văn kiện này, Trung Quốc đã thiết lập quan hệ đối tác, quan hệ hợp tác hoặc quan hệ chiến lược cùng có lợi với 28 nước xung quanh (1) và ASEAN. Trung Quốc đã đạt được sự đồng thuận với Pakistan, Lào, Campuchia, Myanmar, Indonesia, Kazakhstan, Tajikistan, Uzbekistan, Thái Lan, Mông Cổ, Turkmenistan, Malaysia và Kyrgyzstan về xây dựng một cộng đồng vận mệnh chung. Đồng thời đã quyết định cùng với năm quốc gia sông Mekong (2) cùng nhau xây dựng một cộng đồng tương lai chung cho các nước Lan Thương – Mekong, và năm quốc gia Trung Á (3) để xây dựng một cộng đồng Trung Quốc-Trung Á với một tương lai chung. Trung Quốc cùng với 12 nước láng giềng (4) thông qua đàm phán đã giải quyết vấn đề biên giới còn sót lại trên đất liền và ký các hiệp ước láng giềng tốt, hữu nghị và hợp tác với 9 nước láng giềng (5). Trung Quốc đã ký và phê chuẩn Nghị định thư “Hiệp ước về Khu vực Trung Á không có vũ khí hạt nhân”; tôn trọng quy chế không có vũ khí hạt nhân của Mông Cổ; đi đầu trong việc gia nhập “Hiệp ước hữu nghị và Hợp tác ở Đông Nam Á” và chuẩn bị đầy đủ cho việc ký Nghị định thư về “Hiệp ước Khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân” bất cứ lúc nào.
Việc hợp tác đôi bên cùng có lợi được tăng cường sâu sắc. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của 18 nước láng giềng (6). Trong năm 2022, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Trung Quốc và các nước láng giềng vượt 2,17 nghìn tỷ USD, tăng 78% so với năm 2012. Tổng vốn đầu tư hai chiều giữa Trung Quốc và ASEAN đã vượt quá 380 tỷ USD. Trung Quốc đi đầu trong việc phê chuẩn “Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực” và thúc đẩy Hiệp định này có hiệu lực, nhằm nâng cao hiệu quả trong việc thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực.
“Vành đai và Con đường” mang lại nhiều lợi ích cho khu vực xung quanh. Trung Quốc tuân thủ nguyên tắc cùng tham vấn, cùng xây dựng và cùng chia sẻ. Kiên trì việc mở cửa, lý tưởng liêm chính, nỗ lực phấn đấu đạt được các mục tiêu tiêu chuẩn cao, bền vững và mang lại lợi ích sinh kế cho người dân. Trung Quốc đã ký các văn kiện hợp tác với 24 nước láng giềng (7) để cùng xây dựng “Vành đai và Con đường”. Kết nối với ASEAN và Liên minh Kinh tế Á-Âu với các kế hoạch hợp tác khác. Ủng hộ việc thành lập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng Châu Á và Quỹ Con đường tơ lụa để cung cấp hỗ trợ tài chính cho việc xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng. Với nỗ lực chung của tất cả các bên, khuôn khổ kết nối “sáu hành lang, sáu con đường, nhiều quốc gia và nhiều cảng” đã cơ bản hình thành. Việc hợp tác “Vành đai và Con đường” đã mang lại thành quả, thúc đẩy hiệu quả phát triển kinh tế địa phương, cải thiện đời sống cho người dân, tạo động lực mạnh mẽ cho quá trình phục hồi kinh tế khu vực.
Hợp tác khu vực ngày càng đi vào chiều sâu và thực chất hơn. Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, do Trung Quốc đồng sáng lập với các nước láng giềng, đã phát triển thành tổ chức hợp tác khu vực toàn diện rộng lớn và đông dân nhất thế giới. Trung Quốc và năm nước Trung Á đã thiết lập cơ chế Trung Quốc-Trung Á, trở thành một nền tảng quan trọng để thúc đẩy hợp tác sâu rộng giữa sáu nước. Hợp tác Lan Thương – Mekong là một thực tiễn thành công của hợp tác cùng có lợi trong tiểu vùng, và “Vành đai Phát triển Kinh tế Lan Thương-Mekong” đang hình thành. Trung Quốc tôn trọng tinh thần mở cửa toàn diện, tích cực tham gia hợp tác đa phương như Cơ chế hợp tác Đông Á lấy ASEAN làm trung tâm, hợp tác Trung Quốc-Nhật Bản-Hàn Quốc và APEC. Qua đó thúc đẩy phát triển hội nhập khu vực và mang lại nhiều phúc lợi cho người dân.
Quản lý hiệu quả các vấn đề nóng. Trung Quốc tích cực đóng góp công sức của mình vào việc thúc đẩy giải quyết các vấn đề chính trị các điểm nóng trong khu vực. Đồng thời đề xuất thực hiện các giải pháp cho các vấn đề điểm nóng mang màu sắc Trung Quốc. Về vấn đề bán đảo Triều Tiên, nhằm duy trì hòa bình, ổn định lâu dài trên bán đảo Triều Tiên, Trung Quốc đưa ra sáng kiến “tạm đình chỉ kép” và cách tiếp cận “hai quỹ đạo cùng tiến”, kiên trì phương hướng giải quyết chính trị, tích cực thúc đẩy đàm phán hòa bình. Về vấn đề Afghanistan, thiết lập cơ chế điều phối và hợp tác cho các nước láng giềng của Afghanistan. Khởi động lại đối thoại ngoại trưởng ba bên Trung Quốc-Afghanistan-Pakistan. Đề xuất “Sáng kiến Tunxi” tập hợp lực lượng các bên để giúp Afghanistan tái thiết và phát triển. Về vấn đề Myanmar, Trung Quốc kêu gọi tất cả các bên thu hẹp sự bất đồng, khôi phục ổn định xã hội trong nước và khởi động đối thoại chính trị càng sớm càng tốt.
Ứng phó hiệu quả với các thách thức rủi ro. Trung Quốc và các nước xung quanh cùng đồng tâm hiệp lực chung tay ứng phó với những thách thức như chủ nghĩa khủng bố, ly khai và khủng hoảng tài chính khu vực. Kể từ khi dịch Covid-19 mới bùng phát, Trung Quốc và các nước láng giềng đã cùng nhau chống dịch, cùng nhau vượt qua khó khăn, thể hiện sinh động tinh thần của một cộng đồng chung vận mệnh, phát huy vai trò chủ đạo trong đoàn kết toàn cầu chống dịch.
Châu Á giành được thành tựu và tiến bộ như ngày hôm nay là kết quả của những nỗ lực chung của Trung Quốc và các nước láng giềng, và cần được trân trọng. Sự phát triển của Trung Quốc không thể tách rời khỏi môi trường hòa bình và ổn định xung quanh. Sự phát triển của Trung Quốc và khu vực lân cận thúc đẩy và bổ sung cho nhau. Điều này sẽ mang lại những cơ hội lớn và lợi ích lâu dài cho các nước châu Á, góp phần lớn hơn cho hòa bình và phát triển ở châu lục này
Chủ trương chính sách ngoại giao láng giềng của Trung Quốc trong kỷ nguyên mới
Tổng Bí thư Tập Cận Bình trong báo cáo trước Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc nhấn mạnh rằng “Trung Quốc trước sau luôn tuân thủ mục tiêu chính sách đối ngoại là bảo vệ hòa bình thế giới, thúc đẩy sự phát triển chung, cam kết thúc đẩy việc xây dựng một cộng đồng với một tương lai chung cho nhân loại”. Dưới sự chỉ đạo của tư tưởng ngoại giao Tập Cận Bình, Trung Quốc sẽ duy trì tính liên tục và ổn định của chính sách ngoại giao láng giềng. Tiếp tục theo đuổi phương châm lấy láng giềng làm bạn, thực hiện khái niệm về mối quan hệ thân thiện chân thành. Quan hệ tốt với các nước xung quanh, tin cậy và hữu hảo. Cùng giúp đỡ lẫn nhau vì lợi ích chung và hợp tác cùng có lợi; Tuân thủ tính toàn diện, học hỏi lẫn nhau và tìm kiếm điểm chung trong khi bảo lưu sự khác biệt. Cần nỗ lực để làm cho quan hệ chính trị của Trung Quốc với các nước láng giềng thân thiện hơn, quan hệ kinh tế mạnh mẽ hơn, hợp tác an ninh sâu sắc hơn và quan hệ nhân dân gần gũi hơn, thúc đẩy hơn nữa việc xây dựng một cộng đồng tương lai chung với các nước láng giềng.
Trung Quốc sẽ thúc đẩy xây dựng quan hệ quốc tế kiểu mới và làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác bình đẳng, cởi mở và hợp tác với các nước trong khu vực. Trung Quốc kiên định bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển của mình, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các nước; tôn trọng con đường phát triển và hệ thống xã hội do nhân dân các nước tự chủ lựa chọn, không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác; tuân thủ sự bình đẳng của tất cả các quốc gia, dù lớn hay nhỏ, thúc đẩy đoàn kết và hợp tác ở “Nam bán cầu”, bảo vệ lợi ích chung của các nước đang phát triển, tăng cường đại diện và tiếng nói của các nước thị trường mới nổi và các nước đang phát triển trong các vấn đề toàn cầu; thúc đẩy sự phối hợp và tương tác tích cực giữa các nước lớn, thúc đẩy thiết lập mô hình quan hệ các nước lớn cùng tồn tại hòa bình, ổn định và phát triển cân bằng. Trung Quốc và Mỹ cần đạt được sự tương tác tích cực ở châu Á-Thái Bình Dương trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, chung sống hòa bình và hợp tác cùng có lợi, để cung cấp năng lượng tích cực cho sự phát triển ổn định của khu vực.
Trung Quốc sẽ kiên trì các nguyên tắc bình đẳng và hợp tác cùng có lợi. Thúc đẩy quá trình hiện đại hóa với các nước trong khu vực. Hiện đại hóa kiểu Trung Quốc cung cấp một lựa chọn hoàn toàn mới cho các nước đang phát triển trên con đường hiện đại hóa. Trung Quốc sẽ tìm kiếm sự phát triển của riêng mình trong khi bảo vệ vững chắc hòa bình và phát triển khu vực. Dựa vào sự phát triển mới của Trung Quốc, tiếp tục cung cấp các cơ hội mới cho các nước láng giềng đi theo con đường phát triển mở rộng, hợp tác và cùng có lợi với các nước xung quanh.
Trung Quốc sẽ tuân thủ khái niệm an ninh chung, toàn diện, hợp tác và bền vững, đồng thời hợp tác với các nước trong khu vực để bảo vệ hòa bình và sự ổn định; từ bỏ tâm lý Chiến tranh Lạnh, phản đối chủ nghĩa đơn phương, và không tham gia phe phái chính trị đối đầu quân sự; coi trọng các mối quan tâm an ninh chính đáng của tất cả các nước, duy trì nguyên tắc an ninh không thể phân khai; xây dựng một cấu trúc an ninh cân bằng, hiệu quả bền vững; cùng các nước trong khu vực định hình đường lối mới đối thoại chứ không đối đầu, kết bạn chứ không kết liên minh, hai bên cùng có lợi thay vì bên có bên không.
Trung Quốc sẽ duy trì vững chắc hệ thống quốc tế lấy Liên Hợp Quốc là trung tâm. Trật tự quốc tế dựa trên luật pháp quốc tế; các chuẩn mực cơ bản của quan hệ quốc tế dựa trên các mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc. Tuân thủ chủ nghĩa khu vực mở, thực hành chủ nghĩa đa phương thực sự. Cùng các nước xung quanh xây dựng các giá trị châu Á với hòa bình, hợp tác, hội nhập là cốt lõi. Đồng thời thúc đẩy đoàn kết, phát triển và hồi sinh châu Á. Ủng hộ sự chung sống hòa nhập, trao đổi và học hỏi lẫn nhau của các nền văn minh khác nhau, cùng tồn tại hài hòa, ủng hộ cách thức tôn trọng và đồng thuận lẫn nhau của châu Á. Thực hành truyền thống châu Á làm việc cùng nhau trong sự hài hòa và hỗ trợ lẫn nhau. Trung Quốc ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực. Không ngừng tăng cường hội nhập và gắn kết lợi ích với nhân dân các nước xung quanh trong đó có ASEAN.
Trung Quốc sẽ kiên định thúc đẩy sự nghiệp thống nhất đất nước, kiên quyết phản đối mọi hình thức hoạt động đòi “Đài Loan độc lập”. Kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ. Bắc Kinh đánh giá cao việc các nước châu Á duy trì và tuân thủ nguyên tắc một Trung Quốc. Thái độ duy trì nguyên tắc một Trung Quốc càng rõ ràng và các biện pháp kiềm chế lực lượng gây chia rẽ càng hiệu quả, thì hòa bình và ổn định sẽ càng có nhiều khả năng xảy ra ở eo biển Đài Loan cũng như hòa bình và thịnh vượng trong khu vực càng được đảm bảo.
Coi trọng chữ tín, vun đắp sự hòa hợp thân tín với các nước xung quanh là sự nhất quán của văn minh Trung Hoa. Trung Quốc đã, đang và sẽ luôn là láng giềng tốt, bạn bè tốt và đối tác tốt của các nước trong khu vực, sẽ luôn là trụ cột trong việc duy trì hòa bình, ổn định, thúc đẩy phát triển và thịnh vượng.
Tầm nhìn mới về “Thế kỷ châu Á” trong kỷ nguyên mới
Ở châu Á ngày nay, hòa bình, ổn định là xu thế chung, phát triển và thịnh vượng là khát vọng của mọi người dân. Trung Quốc và các nước trong khu vực nằm trên cùng một lục địa, cùng một đại dương. Các quốc gia trong khu vực có lúc thịnh lúc suy, nhưng không thể tách rời nhau. Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với các nước khác trong khu vực để xây dựng một châu Á cùng tồn tại hòa bình, ổn định, thịnh vượng với tình hữu nghị bền lâu.
Việc các quốc gia cùng nhau xây dựng hòa bình, cùng chung sống hòa hợp là những thành tựu lớn mà các nước châu Á đã đóng góp cho nhân loại. Trung Quốc luôn duy trì tình bằng hữu với các nước láng giềng trong một thời gian dài. Tìm kiếm điểm chung, gác lại sự khác biệt, kiên trì giải quyết sự khác biệt và tranh chấp giữa các nước bằng biện pháp hòa bình và cùng nhau bảo vệ hòa bình lâu dài trong khu vực. Cho dù phát triển đến đâu, Trung Quốc sẽ không bao giờ tìm kiếm bá quyền hoặc tham gia vào việc bành trướng. Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện đầy đủ và hiệu quả “Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông” với các nước ASEAN. Tích cực thúc đẩy và hoàn tất tham vấn về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông. Giải quyết đúng đắn các mâu thuẫn, khác biệt trên biển với các nước liên quan ở Biển Đông thông qua đối thoại và tham vấn. Tăng cường hợp tác hàng hải, làm sâu sắc hơn sự tin cậy về an ninh lẫn nhau. Thúc đẩy phát triển chung, phấn đấu xây dựng Biển Đông thành vùng biển hòa bình, hữu nghị và hợp tác.
Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với các nước trong khu vực để quản lý phối hợp các vấn đề an ninh khu vực. Thúc đẩy hợp tác an ninh kinh tế và tài chính, phối hợp chính sách kinh tế vĩ mô, tăng cường ổn định tài chính khu vực. Đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực như chống khủng bố, chống cực đoan hóa và chống tội phạm xuyên quốc gia. Tăng cường hợp tác an ninh trong các lĩnh vực như hạt nhân, không gian mạng, vũ trụ, vùng cực và các lĩnh vực khác. Nâng cao năng lực quản trị an ninh y tế công cộng khu vực và tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực như an toàn sinh học, phòng ngừa và kiểm soát các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, vật tư y tế, vắc xin, dược phẩm. Đẩy mạnh hợp tác về an ninh lương thực và năng lượng để đảm bảo an toàn, ổn định chuỗi sản xuất, cung ứng.
Cùng nhau xây dựng ngôi nhà chung thịnh vượng. Trung Quốc sẽ tiếp tục kiên định theo đuổi con đường phát triển mở cửa và cùng có lợi. Nâng cao mức độ tự do hóa, tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư, tăng cường hội nhập kinh tế khu vực và thúc đẩy hình thành một thị trường cởi mở hơn ở châu Á. Trung Quốc sẽ tiếp tục mở rộng quy mô thương mại với các nước trong khu vực, tăng nhập khẩu từ các nước láng giềng và cải thiện thủ tục thông quan thuận lợi. Trung Quốc tiếp tục thúc đẩy việc gia nhập “Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương” và “Hiệp định Đối tác Kinh tế Kỹ thuật số”. Sẵn sàng đàm phán và ký kết các hiệp định thương mại tự do tiêu chuẩn cao với nhiều quốc gia trong khu vực, cải thiện mạng lưới thương mại tự do khu vực và xây dựng một thị trường chung. Thúc đẩy phát triển chất lượng cao của “Vành đai và Con đường”, ưu tiên phát triển các dự án hành lang kết nối đường sắt và đường cao tốc với các nước láng giềng, đẩy nhanh việc xây dựng các kênh thương mại đường bộ và đường biển quốc tế mới. Xây dựng Khu vực thương mại tự do Trung Quốc-ASEAN phiên bản 3.0, thực hiện “Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực”, mở rộng thành viên và nâng cấp kịp thời. Duy trì sự ổn định và thông suốt của chuỗi công nghiệp và chuỗi cung ứng, đồng thời duy trì hợp tác, cởi mở và toàn diện. Phát triển mạnh mẽ kinh tế số, tăng cường giao lưu, hợp tác về trí tuệ nhân tạo, y học, sinh học, và năng lượng mới cùng các lĩnh vực khác để các thành tựu đổi mới khoa học công nghệ có thể mang lại lợi ích tốt hơn cho người dân các nước xung quanh.
Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với các nước trong khu vực để tuân thủ khái niệm phát triển xanh. Đẩy nhanh việc hình thành phương thức phát triển xanh, lấy đổi mới làm động lực, thúc đẩy mạnh mẽ việc chuyển đổi và nâng cấp cơ cấu kinh tế, năng lượng và công nghiệp. Nỗ lực cân bằng mối quan hệ giữa giảm phát thải và phát triển, xây dựng một ngôi nhà châu Á nơi kinh tế và môi trường cùng có sự bền vững. Tuân thủ nguyên tắc trách nhiệm chung nhưng khác biệt và tăng cường hợp tác về biến đổi khí hậu. Trong quá trình giảm và trung hòa carbon, Trung Quốc sẵn sàng cùng các nước xung quanh học hỏi lẫn nhau nhằm đạt được lợi ích chung đôi bên cùng có lợi, tăng cường hợp tác tài chính xanh và đầu tư xanh, hỗ trợ phát triển bền vững. Xây dựng quan hệ đối tác kinh tế xanh để thúc đẩy phát triển đại dương bền vững.
Cùng nhau xây dựng ngôi nhà chung hữu nghị. Trung Quốc ủng hộ sự tôn trọng lẫn nhau, đối xử bình đẳng, thúc đẩy trao đổi, đối thoại, học hỏi lẫn nhau giữa các nền văn minh. Tiếp thu giá trị tinh hoa từ hàng ngàn năm lịch sử của châu Á về văn hóa và truyền thống, mở rộng giao lưu và hợp tác các giá trị nhân văn, củng cố nền tảng quan hệ láng giềng tốt, tình hữu nghị tốt đẹp. Thực hiện nhiều biện pháp hơn để tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển của người dân các nước. Tăng cường hợp tác trong giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học và công nhận lẫn nhau về trình độ học vấn, tăng số lượng học bổng của chính phủ Trung Quốc và các học bổng đại học khác nhau cho các nước xung quanh. Cung cấp các điều kiện thuận tiện cho sinh viên quốc tế. Tiếp tục thúc đẩy trao đổi trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thanh niên, du lịch, truyền thông, các viện nghiên cứu, tổ chức dân gian v.v.. Tăng cường hợp tác trong các ngành văn hóa và thể thao ở châu Á.
Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với các nước trong khu vực dựa trên bốn trụ cột chính là kết nối, phát triển, an ninh, nhân văn và tập trung vào sáu lĩnh vực chính trị, kinh tế, thương mại, khoa học và công nghệ, an ninh, nhân văn và các thách thức toàn cầu để xây dựng một cộng đồng có tương lai chung với các nước xung quanh. Cùng quy hoạch phát triển, chia sẻ thành quả, cùng bảo vệ an ninh và gánh vác trách nhiệm. Cùng nhau xây dựng một hình tượng mẫu “Vành đai và Con đường” chất lượng cao, tăng cường “kết nối cứng” của cơ sở hạ tầng và “kết nối mềm” của các quy tắc và tiêu chuẩn. Cùng tạo ra một khu vực tiên phong cho các sáng kiến phát triển toàn cầu và xây dựng quan hệ đối tác phát triển bình đẳng. Cùng nhau xây dựng một khu vực thử nghiệm sáng kiến an ninh toàn cầu, đi theo con đường xây dựng một nền an ninh châu Á cùng có lợi. Tiếp tục mở rộng giao lưu, học hỏi lẫn nhau, hòa hợp cùng tồn tại giữa các nền văn minh.
Trung Quốc sẽ tham gia tích cực vào các cơ chế, tổ chức đa phương như Hợp tác Đông Á, Cơ chế Trung Quốc – Trung Á, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, Cơ chế hợp tác BRICS, APEC và Hội nghị về các biện pháp tương tác và xây dựng lòng tin ở châu Á. Tăng cường đối thoại và hợp tác với các tổ chức khu vực như Diễn đàn các nước đảo Thái Bình Dương, Liên minh Vành đai Ấn Độ Dương. Cùng nhau thúc đẩy kết nối, ổn định và phát triển ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương – Ấn Độ Dương.
Lời kết
Triển vọng của châu Á phục hồi đầy hứa hẹn. Chủ tịch Tập Cận Bình chỉ ra rằng khi châu Á tốt thì thế giới mới tốt đẹp hơn. Chúng ta phải phát triển và xây dựng tốt châu Á, thể hiện khả năng phục hồi, trí tuệ và sức mạnh. Xây dựng châu Á thành đầu tàu của hòa bình và ổn định thế giới, trở thành nguồn động lực tăng trưởng, hợp tác mới của thế giới.
Cùng một châu Á, cùng một vận mệnh. Chúng ta đang sống trong một thời đại đầy thách thức cũng như hy vọng. Những cơ hội và thách thức chưa từng có càng cần sự đoàn kết và hợp tác chưa từng có giữa các quốc gia. Chỉ khi tất cả các nước đi theo con đường chung của thế giới, sống hài hòa và hợp tác cùng có lợi thì sự thịnh vượng mới có thể được duy trì và an ninh được đảm bảo.
Trung Quốc đang xây dựng một nước xã hội chủ nghĩa hiện đại một cách toàn diện, phấn đấu thực hiện giấc mơ Trung Hoa về sự phục hưng vĩ đại của dân tộc. Luôn sẵn sàng hỗ trợ và giúp đỡ người dân tất cả các nước trong khu vực theo đuổi một cuộc sống hạnh phúc và bình yên. Cùng nhau thực hiện giấc mơ châu Á về hòa bình lâu dài và phát triển chung, và cùng nhau xây dựng một cộng đồng với một tương lai chung với các nước láng giềng.
Biên dịch: Nguyễn Phượng
Bản quyền dịch thuật thuộc về dịch giả và Nghiên cứu Chiến lược (NCCL). Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với Ban Biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
Nguồn: Tân hoa xã (新华社)
Chú thích:
(1) Quốc gia đã thiết lập quan hệ đối tác hợp tác hoặc quan hệ đối tác chiến lược với Trung Quốc là Afghanistan, Pakistan, Triều Tiên, Timor-Leste, Nga, Philippines, Kazakhstan, Hàn Quốc, Kyrgyzstan, Campuchia, Lào, Maldives, Malaysia, Mông Cổ, Bangladesh, Myanmar, Nepal, Nhật Bản, Sri Lanka, Tajikistan, Thái Lan, Turkmenistan, Brunei, Uzbekistan, Singapore, Ấn Độ, Indonesia, Việt Nam.
(2) Năm nước Mekong là Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam.
(3) Năm quốc gia Trung Á là Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan.
(4) 12 nước láng giềng trên đất liền đã đàm phán với Trung Quốc để giải quyết vấn đề biên giới lịch sử là Triều Tiên, Nga, Mông Cổ, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Afghanistan, Pakistan, Nepal, Myanmar, Lào, Việt Nam.
(5) 9 nước đã ký các hiệp ước láng giềng tốt, hữu nghị và hợp tác với Trung Quốc là Afghanistan, Pakistan, CHDCND Triều Tiên, Nga, Kazakhstan, Mông Cổ, Tajikistan, Turkmenistan, Uzbekistan.
(6) 18 nước láng giềng mà Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất là Pakistan, Triều Tiên, Nga, Philippines, Hàn Quốc, Kyrgyzstan, Campuchia, Malaysia, Mông Cổ, Bangladesh, Myanmar, Nhật Bản, Thái Lan, Turkmenistan, Uzbekistan, Singapore, Indonesia và Việt Nam.
(7) 24 nước láng giềng đã ký văn kiện hợp tác với Trung Quốc về “Vành đai và Con đường” là Afghanistan, Timor-Leste, Nga, Philippines, Hàn Quốc, Kazakhstan, Lào, Campuchia, Kyrgyzstan, Mông Cổ, Malaysia, Myanmar, Brunei, Pakistan, Sri Lanka, Bangladesh, Nepal, Maldives, Singapore, Tajikistan, Thái Lan, Uzbekistan, Indonesia, Việt Nam.