Bài viết thể hiện quan điểm nghiên cứu của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược.
Ngày 07/10/2023, các nhóm quân sự Palestine do Hamas lãnh đạo đã phát động một cuộc tấn công quy mô vào Israel từ Dải Gaza, vượt qua hàng rào Gaza–Israel và vượt qua các cửa khẩu biên giới Gaza, các thành phố lân cận của Israel, các cơ sở quân sự lân cận và các khu định cư dân sự. Tel Aviv đã đáp trả ngay sau đó, khởi đầu cuộc xung đột quân sự đẫm máu mà cho tới nay, sau hơn một tháng, vẫn đang diễn ra khốc liệt.
Sự kiện ngày 07/10 chỉ là diễn biến mới nhất trong lịch sử 75 năm xung đột giữa Israel với người Palestine và nhóm vũ trang Hồi giáo Hamas. Để có một cách nhìn toàn diện về cuộc chiến này, Nghiên cứu Chiến lược trân trọng giới thiệu bài nghiên cứu dài kỳ có tựa đề "Xung đột Hamas – Israel từ những góc nhìn lịch đại và đồng đại" với ba phần:
PHẦN 3: NHẬN ĐỊNH VỀ CUỘC CHIẾN HIỆN TẠI VÀ TƯƠNG LAI
Những đánh giá về cuộc xung đột hiện nay, mục đích tấn công của Hamas, hoạt động tác chiến sử dụng của các bên xung đột, những tác động, ảnh hưởng của cuộc xung đột tới quá trình giải quyết vấn đề Israel – Palestine và cục diện khu vực và thế giới.
Xét về mặt địa chính trị, hành động của lực lượng Hamas và đồng minh của mình đã phá vỡ một trạng thái mà có lẽ Israel cho rằng đó là điểm kết thúc cho vấn đề Palestine. Thực tế, cuộc xung đột Hamas – Israel hiện nay có tác động rộng lớn hơn nhiều đối với khu vực và cả quá trình hình thành trật tự thế giới mới đang diễn ra.
Hành động khủng bố hay một cuộc chiến tranh quy ước?
Hành động của Hamas, một cuộc tấn công quân sự phức tạp và triển khai nhiều lực lượng khác nhau trong vài ngày, không đơn thuần là một hành động khủng bố như tuyên bố của Mỹ và phương Tây. Trong cuộc tấn công vừa qua phía Palestine đã bắn phá bằng rốc-két trúng mục tiêu một cách chủ đích, đã chuẩn bị chu đáo, suy tính kỹ càng để vượt qua phòng tuyến Israel và tạo ra tình huống hỗn loạn cho hệ thống phòng thủ của Nhà nước Do Thái, qua đó các đơn vị quân sự được huấn luyện kỹ lưỡng đã đột nhập thành công bằng cả đường bộ, đường biển và đường không. Các hành động này có mục tiêu chiến thuật là phá hủy các đơn vị quân đội và hạ tầng quân sự bao quanh Dải Gaza. Theo thống kê của chính Israel, Hamas và các đồng minh đã đột kích thành công qua 28 điểm trên hàng rào quân sự bao quanh Gaza (sau đó chính người dân Gaza tự mở thêm thành tổng cộng 80 lối thông).
Cuộc tấn công này là đã được lập kế hoạch và phối hợp tỉ mỉ, cả từ khía cạnh chiến thuật, chiến dịch và chiến lược, với năng lực chỉ huy và kiểm soát nổi bật. Với việc giữ chốt được hơn 1 ngày, đánh bại không ít đơn vị quân sự thù địch, bắt giữ một số lượng đáng kể con tin quân sự và dân sự, khiến một bộ phận dân chúng Israel tháo chạy và hứng chịu thương vong đáng kể – và ở đây, đúng là đã có những hành động sát hại bừa bãi. Tuy nhiên, một chi tiết ít được nhắc tới nhưng không kém phần quan trọng, là dân chúng Israel không chỉ có một lực lượng vũ trang hùng mạnh và một số lượng lớn người dân từng thực hiện nghĩa vụ quân sự, nói cách khác là từng được huấn luyện quân sự, mà còn có số lượng đáng kể người dân được vũ trang bất thường: những cư dân các khu định cư (các khu định cư Do Thái lập trên các vùng đất được phân cho người Palestine theo các nghị quyết và thỏa thuận quốc tế), những người thường có hành động mang tính bạo lực còn hơn cả chính các quân nhân.
Các lực lượng Palestine đã tiến quân trong một không gian khá rộng lớn qua các khu dân cư và địa điểm quân sự Israel, và chỉ buộc phải rời bỏ vị trí mới chiếm được khi quân đội Israel huy động một lực lượng áp đảo tuyệt đối. Nếu quả là ranh giới giữa “hoạt động khủng bố” và chiến tranh quy ước thường chỉ được xác định về mặt chính trị nhiều hơn là qua các quy luật khách quan, thì thực sự hành động vừa qua của Hamas cùng đồng minh đã vượt rất xa ngưỡng của một hành động khủng bố.
Đâu là “Chiến lược lớn” của lực lượng Hamas?
Nhà lý luận quân sự người Anh Lidell Hart từng chỉ ra rằng “chiến lược lớn” là lĩnh vực của những quyết định mang tầm quốc gia, thường ở trên tầm lĩnh vực quân sự và thường định hình cho các hoạt động quân sự và quản lý những rủi ro lớn. Nếu chúng ta đều nhất trí rằng Hamas không có có khả năng đánh bại Israel về mặt quân sự, tương tự Hamas cũng biết rất rõ rằng Israel sẽ phản ứng với sức mạnh điên cuồng trước đòn đánh mạnh nhất họ từng hứng chịu trong lịch sử, và dĩ nhiên người Palestine hiểu rõ quân đội Israel có đủ sức mạnh và cơ hội để chiếm đóng Gaza nếu nhận lệnh từ chính phủ (một khả năng đang ngày càng sát hiện thực), thì ta cũng hiểu giới chức Palestine tại Gaza đã suy tính tới một kế hoạch chính trị và quân sự, trong đó tất nhiên không bao gồm khả năng giành thắng lợi cuối cùng trên chiến trận. Kế hoạch này chắc chắn mang tính chính trị, và yếu tố quân sự chỉ là một “cột mốc” để phá vỡ trạng thái hiện tại.
Kế hoạch này cơ bản dựa trên 3 trụ cột: Thứ nhất là phá vỡ các Thỏa thuận Abraham, nói cách khác là ngăn cản quá trình bình thường hóa quan hệ của nhà nước Do Thái với các nước Arab trong khu vực dưới sự vận động và bảo trợ, và bằng cách này góp phần vào việc định hình các khối liên kết trong một thế giới đa cực. Thứ hai là buộc Israel phải ngồi xuống đàm phán một giải pháp cho vấn đề Palestine, nói đúng hơn là việc hình thành một nhà nước Palestine thực sự. Chính phủ của nhiều nước như Jordan, Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, v.v… đã tuyên bố rằng bước đi hình thành nhà nước này cần dựa trên các đường biên giới năm 1967 với thủ đô Đông Jerusalem. Thứ ba, chống đỡ về mặt quân sự đủ dài về mặt thời gian khiến cho hành động của Israel, vốn vi phạm tất cả các công ước quốc tế liên quan, buộc phải ngừng lại dưới sức ép thực tế của các nước và các tổ chức Hồi giáo, cùng với đà suy giảm sự ủng hộ vô điều kiện của các nước phương Tây. Cả hai hướng đi này đều có dấu hiệu tiến triển, thời gian đang trôi về phía có lợi cho Palestine xét về khía cạnh địa chính trị, cho dù người dân tại Gaza đang phải đánh đổi bằng chính máu của mình.
Tác chiến đô thị – Chiến thuật quân sự được triển khai tại Dải Gaza
Xung đột Israel – Hamas là một cuộc xung đột “bất đối xứng”, nơi ưu thế sức mạnh tuyệt đối trở nên tương đối khi triển khai trên thực địa. Cán cân về sức mạnh dĩ nhiên cho thấy Israel sẽ có nhiều cơ hội giành chiến thắng. Theo báo cáo Millitary Balance 2023 của Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế (Anh), lực lượng vũ trang Israel hiện có 26.000 quân nhân chuyên nghiệp và khoảng 100.000 lính nghĩa vụ, bên cạnh đó là 400.000 quân dự bị và một sư đoàn đặc nhiệm chống khủng bố, có tên gọi Sayeret Matkal. Tổng cộng, lượng quân nhân của Israel vượt ngưỡng nửa triệu người, một con số rất lớn với một quốc gia có dân số chưa tới 10 triệu người. Đội quân này được trang bị 400 xe tăng Merkava MkIV trong biên chế và khoảng 700 Merkava MkIII và 200 Merkava MkIV trong kho dự trữ, đây là những xe tăng rất ưu việt được tính toán riêng cho học thuyết chiến tranh của Israel. Tel Aviv cũng có 1.190 xe bọc thép và vài nghìn xe khác trong kho dự trữ. Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) là một đội quân đã được cơ giới hóa, và họ còn sở hữu 345 máy bay chiến đấu F16 và F15, cùng 142 trực thăng. Lực lượng hải quân Israel với quy mô khá nhỏ nhưng cũng đủ để áp chế hoàn toàn bờ biển của Gaza. Lần này, chính quyền Tel Aviv đã huy động tổng lượng quân còn lớn hơn so với các cuộc chiến quy ước trước đây.
Tuy nhiên, những con số áp đảo này không có nhiều ý nghĩa trong một cuộc chiến đô thị. Khi đó, chính là lực lượng công binh chiến đấu (mà Israel đã chuẩn bị sẵn cho các hành động như cuộc đổ bộ tiềm năng vào Gaza lần này) để rà phá và phát hiện bom mìn, bẫy hay các cứ điểm phòng ngự, cùng Binh đoàn Nhận diện, Tình báo và Chiến đấu – đơn vị quân sự cấp chiến thuật có nhiệm vụ thu thập thông tin và dữ liệu tình báo quân sự ngay tại chiến trường.
Trong khi đó, các lữ đoàn Izz al-Din al-Qassam của Hamas có khoảng 15.000 tới 20.000 chiến binh, được trang bị vũ khí nhẹ và số lượng khá lớn tên lửa vác vai và rốc-két. Mặc dù một số nguồn tin tình báo được công bố nâng số lượng các chiến binh tiềm năng của Hamas lên mức 40.000 người, với sự tham gia của những lực lượng dân quân khác tại Gaza ngoài Hamas như nhóm Hồi giáo thánh chiến Jihad, Mặt trận Nhân dân Giải phóng Palestine (FPLP) và Ban điều hành chung của Mặt trận Nhân dân Giải phóng Palestine (FDLP). Hamas nhiều khả năng đã có những đơn vị được huấn luyện chuyên biệt với cố vấn và thậm chí thực hành ở bên ngoài dành riêng cho trận chiến trên bộ sắp tới, và thậm chí đã chuẩn bị sẵn cả trận địa ở mức độ nhất định. Mục đích chính của Hamas và các lực lượng Palestine trong cuộc chiến sắp tới do vậy là gây ra thương vong lớn nhất cho quân đổ bộ Israel, giành giật thời gian và sống sót. Những kinh nghiệm trong quá khứ và mới gần đây cho chúng ta thấy những lực lượng nhỏ hơn có thể kháng cự trong thời gian dài trong các trận chiến đô thị chống lại các lực lượng có quy mô và trang bị tốt hơn, với vài ví dụ điển hình như Stalingrad, Grozni, Mariupol hay Mosul. Mức độ tàn phá đô thị do các trận không kích và pháo kích có thể được bên phòng thủ tận dụng tốt hơn bên tấn công do chúng gây cản trở khá lớn cho lực lượng thiết giáp.
Dù có chất lượng cao, những lực lượng Israel không phải là không có điểm yếu. Các nguồn tin phương Tây đã chỉ ra rằng trong cuộc chiến tại Liban năm 2006, nhóm Hezbollah đã đánh trúng bằng vũ khí chống tăng 54 chiếc Merkava, trong đó 25 chiếc không thể phục hồi hoạt động. Hamas có được trang bị quân sự tương tự hay không vẫn chưa rõ rang, nhưng những vũ khí nhỏ gọn sử dụng trong không gian đô thị sẽ trở nên rất nguy hiểm đối với bất kỳ loại hình thiết giáp nào.
Dĩ nhiên Israel biết những rủi ro chờ đón quân đội của mình trong một cuộc tiến quân trực diện vào trung tâm đô thị Gaza. Tuy nhiên, có thể Israel sẽ cố gắng chia cắt Dải Gaza thành những khu vực khác nhau nơi binh lính của họ có thể tiến quân trong một môi trường đô thị ít phức tạp hơn là thành phố Gaza. Một khi chia cắt và cô lập được thành phố thủ phủ này, họ sẽ tấn công với các vũ khí có tính hủy diệt cao. Có lẽ đây chính là lý do Tel Aviv trong những ngày qua kiên quyết yêu cầu người dân phía Bắc của Dải Gaza phải di dời xuống phía Nam, nơi họ thông báo sẽ nối lại một số dịch vụ cơ bản. Động thái tập kích thẳng vào một bệnh viện đang quá tải tại phía Bắc Gaza có thể cũng nằm trong tính toán này, khi được coi là hành động đủ mạnh tay để khủng bố tinh thần khiến người dân tại khu vực này bỏ chạy về phía Nam, còn những người bám trụ lại đơn giản sẽ được Israel xếp vào loại có thể bị xóa sổ.
Đâu là lối thoát cho vấn đề Palestine?
Trên thực tế, chiến dịch của Hamas và các tổ chức Palestine khác đã phá vỡ tình thế hiện tại. Điều này đã xuất hiện trong những tuyên bố của người Palestine cũng như của các quốc gia Hồi giáo khác, và thậm chí là từ đa số các nước trong cộng đồng quốc tế. Đó là thiết lập đàm phán dựa trên giải pháp hai nhà nước, trong đó một nhà nước Palestine tại Dải Gaza và Bờ Tây với thủ đô là Đông Jerusalem với đầy đủ thẩm quyền của một nhà nước có chủ quyền. Giải pháp đàm phán này có liên quan tới Thỏa thuận Oslo (một tiểu nhà nước Palestine bị giám sát chặt chẽ) hay thậm chí là đề xuất của cựu tổng thống Mỹ Donald Trump (một vùng lãnh thổ bảo hộ và một khu bảo tồn sắc tộc). Từ góc độ ban đầu của cuộc xung đột, dĩ nhiên đề xuất này là chưa đủ đối với người Palestine, nhưng nếu nhìn từ tình thế hiện tại thì đây là lối thoát khả dĩ duy nhất có thể ngăn chặn ngay lập tức cuộc tấn công quân sự chắc chắn sẽ rất thảm khốc của Israel (bằng một lệnh ngừng bắn), và cũng ngăn chặn được chính sách thanh lọc sắc tộc của Israel.
Tuy nhiên, lối thoát tiềm năng này đối diện một số thách thức về trung hạn. Đầu tiên là việc sẽ phải làm gì với khoảng nửa triệu “cư dân định cư” Do Thái, những người thường có lập trường cực đoan, tại Bờ Tây. Thứ hai là chính phủ hiện tại của Israel không hội đủ điều kiện để triển khai cuộc đàm phán này và tuân thủ kết quả sau đó. Khả năng cuộc chiến lan rộng được Israel nhìn nhận là rủi ro quá cao và đối với Mỹ là một tình huống cần tránh trong bối cảnh thế giới hiện tại. Vì vậy, đàm phán vẫn là lối thoát khả thi nhất, và trước đó có thể Tel Aviv sẽ trì hoãn chiến dịch quân sự trên bộ dưới sức ép của Mỹ để tìm kiếm điều kiện khả quan hơn cho nhiệm vụ hạ nhiệt căng thẳng trong khu vực Trung Đông, nhưng luôn trong thế thắng của Israel – một tính toán không dễ thành hiện thực.
“Đánh nhanh, thắng nhanh” – chiến lược quyết định chiến thắng của Israel trong cuộc xung đột
Israel chỉ có thể chiến thắng duy nhất bằng cách “đánh nhanh thắng nhanh”. Tiêu chí “đánh nhanh” ở đây được xác định là triệt tiêu được sức kháng cự của người Palestine tại Gaza trước khi “môi trường” xung quanh gia tăng sức ép tới mức can thiệp quân sự. Trong trường hợp nếu Israel đạt được mục tiêu quân sự trước khi sức ép quốc tế buộc họ phải thương lượng, họ sẽ giành chiến thắng thực sự.
Những sức ép này không chỉ đơn thuần về mặt ngoại giao. Israel không phải là quốc gia đơn độc chống đỡ môi trường thù địch xung quanh. Sự tồn tại của nhà nước Do Thái phụ thuộc vào sự hợp tác và hỗ trợ thiết yếu của phương Tây, mà chủ yếu là Mỹ. Một chiến lược quá cứng rắn của Israel sẽ đe dọa tới khả năng hậu thuẫn của các đồng minh phương Tây. Đã xuất hiện một số động thái bất lợi cho Israel theo hướng này, như việc một số lãnh đạo Liên minh châu Âu tuyên bố ý định đình chỉ hỗ trợ nhân đạo cho Palestine nhưng sau đó phải đảo ngược quyết định do sự phản đối từ Ireland, Tây Ban Nha và một số nước khác. Bên cạnh đó, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc phụ thuộc vào lá phiếu phủ quyết của Mỹ, nên đã không thể ra nghị quyết yêu cầu một lệnh ngừng bắn. Sự trì hoãn cuộc tấn công trên bộ vừa qua có lẽ không chỉ xuất phát từ những khó khăn cho việc vận động hậu cần cho nửa triệu quân nhân và nhân viên hỗ trợ, mà còn phụ thuộc vào của Washington.
Mặt khác, Israel cần duy trì được khả năng kiểm soát nội bộ giữa các chính đảng khác nhau của người Do Thái và giữa các sắc tộc thiểu số người Arab. Hiện tại, thủ tướng Netanyahu đã thành lập được một liên minh phòng thủ toàn quốc. Tuy nhiên, liên kết này vẫn mang tính tình thế, và những thành viên của “nội các thời chiến” vẫn là những địch thủ có quan điểm trái ngược trong nhiều vấn đề. Bởi sự khác biệt giữa tư tưởng Do Thái cực đoan và những thành phần theo quan điểm tự do vẫn rất lớn và có thể bùng phát bất cứ lúc nào.
Đặc biệt, một mục tiêu tối quan trọng khác của Israel là không để nổ ra một cuộc nổi dậy diện rộng của người Palestine tại Bờ Tây. Cho tới nay, các cuộc hoạt động phản đối tại đây vẫn “nằm trong tầm kiểm soát” của Israel. Tiêu chí “đánh nhanh” được áp dụng ở đây theo nghĩa Israel phải khuất phục được Gaza trước khi nổ ra một cuộc nổi dậy tại Bờ Tây.
Các nước Arab và Hồi giáo có thể thực hiện sức ép kinh tế đối với phương Tây. Đây là một nguy cơ lớn với Israel trong tình hình hiện tại khi nền kinh tế châu Âu khó có thể chống đỡ thêm một đòn đánh kinh tế có quy mô như tác động từ việc cắt đứt quan hệ kinh tế với Nga. Nói cách khác, hiện tại EU đang trong chiến tranh kinh tế với Nga, bị buộc phải giảm bớt quan hệ kinh tế với Trung Quốc và mất dần sự hiện diện tại châu Phi. Nếu EU phải gánh chịu thêm một cú sốc kinh tế từ thế giới Arab, việc đó chỉ đẩy nhanh quá trình tái định hình các mối quan hệ quốc tế có hại cho phương Tây. Điều đó dĩ nhiên cũng có hại cho Israel. Dù “cuộc chiến truyền thông” được tiến hành hiện tại tại Đức, Pháp và nhiều nước EU khác đang thành công, khả năng chịu đựng của EU đang tới hạn và không thể kéo dài lâu trước khi có những phản ứng trái chiều.
Các nước Arab và Hồi giáo sẽ gia tăng sức ép với mức độ leo thang chưa thể đoán định trước. Như vậy, một cuộc chiến kéo dài sẽ kéo dịch cán cân sức mạnh về phía bất lợi cho Israel. Cuộc chiến càng kéo dài càng kéo theo sự liên đới của các lực lượng quân sự không chính quy (nhưng không thể coi thường) như Hezbollah hay phong trào Houthi, sau đó có thể là Iran dưới hình thức nào đó, thậm chí sẽ có những va chạm và đối đầu với Qatar hoặc Saudi Arabia và các nước Arab khác, hoặc với những lực lượng được các quốc gia giầu có này ủy nhiệm và chi viện. Thậm chí, chính Thổ Nhĩ Kỳ, với những tuyên bố đang ngày càng cứng rắn nhắm vào Israel, sẽ điều chỉnh đôi chút chính sách đa bên của mình. Trước đó hai bên cũng đã có va chạm từ trước cuộc bao vây Gaza khi một đội tàu viện trợ nhân đạo do Thổ Nhĩ Kỳ bảo trợ bị Israel tấn công và một số thủy thủ đoàn thiệt mạng.
Như vậy, chiến sự leo thang có thể kéo theo một số quốc gia nêu trên vào mặt trận chống Israel ở các cấp độ khác nhau. Trong những năm qua, Israel có thể đã quá tự tin trước sự tàn lụi của các địch thủ như Iraq, Syria và Libya, và quá tự tin vào sự ủng hộ của Mỹ. Tel Aviv ý thức rõ và thường hạn chế hành động không chống lại các lợi ích của Mỹ hay vượt quá khuôn khổ mà Washington đã vạch ra. Nhưng hiện tại Mỹ có quá nhiều mặt trận mở ra. Một số các nước Arab và Hồi giáo nói trên là cường quốc có ảnh hưởng lớn trong khu vực, với vị thế vững chắc hơn và sự công nhận quốc tế lớn hơn so với vị thế của Iraq, Syria và Libya trước đây. Do đó, chính sách không đàm phán của Israel có thể làm gia tăng căng thẳng liên tục và có thể bùng nổ bất cứ lúc nào.
Tóm lại, để chiến thắng, Israel phải giành được thắng lợi quyết định về quân sự một cách nhanh chóng, trước khi môi trường khu vực chuyển hẳn sang thế đối đầu và để sự hỗ trợ của Mỹ vẫn chưa cạn kiệt, do đang phải vận hành một bộ máy chiến tranh lớn khác tại Ukraine.
“Sống sót” – Điều kiện tiên quyết cho chiến thắng của Hamas
Nếu người Palestine bám trụ lại được tại nơi sinh sống của mình, cho dù là trong đống tro tàn đổ nát, kéo dài được chiến dịch quân sự của Israel, và trên hết nếu gài phá được quan hệ của Israel với các nước khác trong khu vực, đặc biệt là nếu các thỏa thuận Abraham – chiến lược bình thường hóa quan hệ giữa Israel với các nước Arab – bị đình trệ hoặc sụp đổ một phần, đó sẽ là chiến thắng của Hamas và các đồng minh.
Hiện tại Saudi Arabia đã tuyên bố xem xét lại quan hệ của mình với Israel. Ngay cả Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), ban đầu còn thể hiện lập trường “trung lập”, giờ đây đã lên án khá gay gắt Israel. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan, trước các cuộc vận động biểu tình đông đảo của người dân, đã đưa ra bài phát biểu cứng rắn với Tel Aviv. Ngay cả Ai Cập, vốn được coi là cận vệ an toàn của Israel, cũng đang nghiêng dần về lập trường gay gắt hơn. Morocco, Jordan và các nước Hồi giáo khác cũng đi theo xu hướng chung này. Giờ đây phải chờ đợi xem những tuyên bố cứng rắn đó sẽ chuyển hóa thành những hành động kinh tế, ngoại giao và quân sự ra sao. Có thể thấy tiến trình vận động địa chính trị tại khu vực đã có bước ngoặt lớn kể từ hành động của Hamas chống lại Irael, đồng minh thân cận của Mỹ. Trên thực tế, ảnh hưởng của phương Tây trong khu vực này đang trong quá trình suy yếu, đặc biệt với sức mạnh ngày càng tăng của Iran, vai trò tích cực hơn của Thổ Nhĩ Kỳ và sự hiện diện của Trung Quốc. Một cuộc xung đột giờ đây như chất xúc tác có thể dẫn tới thế đối đầu gay gắt hơn, phân ranh giới rõ ràng hơn giữa các khối liên kết và giữa các cường quốc khu vực trong một trật tự thế giới mới đang thành hình, theo chiều hướng bất lợi hơn cho Mỹ và phương Tây.
Hamas sẽ chiến thắng nếu đại diện của Palestine ngồi được vào bàn đàm phán để tái thương lượng về sự tồn tại của mình, trong khuôn khổ thế suy yếu mang tính chiến lược của Israel. Điều này sẽ lần đầu tiên đảo ngược được phần nào đà tiến liên tục suốt nhiều thập kỷ qua của nhà nước Do Thái, qua đó tạo ra một thay đổi ý nghĩa về địa chính trị. Tùy thuộc vào sức kháng cự trên chiến trường, Hamas có thể kéo Israel vào bàn đàm phán thảo luận về giải pháp hai nhà nước, và nếu khả năng này trở thành hiện thực nó thậm chí có thể còn tạo ra sự thay đổi trong chính phủ Israel về trung hạn.
Viễn cảnh về một chiến thắng cho Palestine nhờ vào cuộc tấn công khởi đầu của Hamas dường như vẫn còn hiện hữu cho tới nay sau hơn 1 tháng xung đột. Phản ứng mạnh mẽ của Israel khu tiến hành tấn công Dải Gaza có thể chính là dấu hiệu sập “bẫy chính trị” được giăng ra từ trước.
Nguy cơ xung đột mở rộng ra toàn khu vực
Mức độ tập trung cao các lực lượng vũ trang dân quân tại Liban và ý nguyện của đa số người dân Liban và nửa triệu người Palestine tị nạn là những yếu tố khiến nguy cơ xung đột lan rộng luôn hiện hữu. Nhân vật nổi bật nhất là Hassan Nasrallah, thủ lĩnh của Hezbollah, có thể sẽ tuyên chiến vào thời khắc Israel thật sự thâm nhập Gaza. Những ngày qua vẫn luôn có những hoạt động va chạm ở cấp độ nhỏ tại vùng biên giới Liban – Israel với con số thương vong khoảng vài chục người.
Để đối phó với tình thế này, Israel đã huy động số lượng lớn binh sĩ để sẵn sàng chống chọi chiến sự trên nhiều mặt trận khác nhau. Thực tế, Lực lượng phòng vệ Israel đã phải nghiêm túc triển khai quân dọc biên giới phía Bắc. Điều này cho thấy đây là một vấn đề nghiêm trọng với một đất nước có diện tích nhỏ như Israel.
Mỹ không thể bỏ rơi đồng minh chủ chốt của mình tại Trung Đông, nhưng cũng không thể triển khai quân trên thực địa. Mỹ đã triển khai hai tầu sân bay cùng nhóm tầu chiến hộ tống tới vùng Vịnh, chưa kể căn cứ quân sự của Anh tại đảo Síp với các cơ sở phục vụ cho chiến tranh điện tử và tình báo cùng một căn cứ không quân mạnh tại đây. Động thái này đã gây ra phản ứng của Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, và thậm chí cả Nga. Mỹ sẽ hỗ trợ Israel, nhưng sẽ không triển khai quân tham chiến, giống như tại Ukraine. Israel có tổng thể sức mạnh quân sự và chính trị vững chắc hơn Ukraine ở thời điểm trước chiến tranh, nhưng cũng khó có thể duy trì một cuộc chiến kéo dài. Israel cần được tái triển khai lực lượng và cần hỗ trợ không quân, phòng không, như Mỹ đã thực hiện bằng cách đánh chặn 2 tên lửa lực lượng Houthi phóng từ Yemen vào Israel.
Theo các nguồn tin Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ đã thông qua một gói viện trợ quân sự gồm 60 tỷ USD cho Ukraine, 14 tỷ cho Israel, 7 tỷ cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương, bao gồm cho Đài Loan, 14 tỷ để củng cố an ninh tại biên giới với Mexico, cũng như 10 tỷ để viện trợ nhân đạo cho các cuộc xung đột trên thế giới. Bỏ qua con số cao ngất ngưởng cho Ukraine, thì 14 tỷ USD cho Israel cũng là một ngân sách khổng lồ, đặc biệt đây mới chỉ là gói mở đầu cho viện trợ của Washington cho Tel Aviv.
Xung đột có thể mở rộng, bao trùm khu vực, và xu hướng này đang trở thành nguy cơ hiện hữu chứ không chỉ nằm trên lý thuyết. Đây là một cuộc đối đầu mà cả hai bên đều coi là mang tính sinh tồn và quyết định vận mệnh. Đây là một cuộc chiến mà các tác nhân bên ngoài cảm nhận sự liên đới trực tiếp không chỉ qua ý chí của nhà nước. Thế giới Hồi giáo nói chung đang cảm thấy mình là một phần của cuộc chiến, khiến cho chính phủ các nước này cũng phải đưa ra mức độ cam kết nhất định và lập trường rõ ràng. Cộng đồng Hồi giáo đang thể hiện sự đoàn kết trước những nhà cầm quyền thường mang tư tưởng thực dụng hơn. Tổng hòa bản sắc, cảm xúc và ý thức hệ đó đang ngày càng mạnh mẽ trong cộng đồng công chúng xuyên quốc gia này. Một lần nữa “cao trào của những cảm xúc cực đoan” mà Clausewitz từng đề cập là một xu hướng đang phát triển, và điều then chốt mà nhà lý luận quân sự kinh điển người Phổ này từng chỉ ra là phải thấu hiểu được xu hướng vận động tới chiến tranh đó để có thể né tránh, vì nó sẽ gây ra sự hủy hoại vượt ra ngoài các mục đích chính trị. Tuy nhiên, tình trạng quá khích phi lý trí này đang rất cao và dễ phát triển thành tư tưởng và hành động cực đoan, nhất là khi Mỹ và phương Tây vẫn ủng hộ Israel và người dân Gaza tiếp tục kháng cự lại cuộc tấn công của Israel trong các điều kiện ngặt nghèo.
Quá trình tái định hình trật tự thế giới
Những bối cảnh mới của mỗi một cuộc xung đột đều hàm chứa khả năng tái định hình địa chính trị: Ukraine, vùng Kavkaz, Trung Đông, châu Phi cận Sahara, Đông Bắc Á. Đây là những điểm nóng xung đột hoặc đối đầu quân sự có quy mô mở. Một số diễn ra dưới hình thức chiến tranh quy ước giữa các tác nhân có vị thế tương đương, một số khác là xung đột hoặc đối đầu bất đối xứng, và một số khác nữa là các hình thái chiến tranh lai tạp hoặc trong bối cảnh “vùng xám”. Bất kỳ cuộc đối đầu nào đều có thể tức thì dẫn tới những thay đổi ở cấp độ khác nhau. Đó là biểu hiện của sự va chạm từ sự chuyển dịch trật tự thế giới.
Chiến tranh hiện tại được triển khai đồng thời trên nhiều lĩnh vực, với các cuộc xung đột vì nhiều lý do khác nhau: ý thức hệ, cách nhìn về các sự việc, quyền kiểm soát, vốn, tài chính, khu vực khai thác thương mại, tài nguyên, các chuỗi cung ứng, các thỏa thuận công nghệ và văn hóa, quyền kiểm soát thông tin và quảng bá ý tưởng cấp độ toàn cầu, v.v… Tất cả những gì mà một người có thể tưởng tượng ra đều có thể trở thành một lĩnh vực của chiến tranh hiện tại. Mỗi một trận địa đều là một phần của các điều kiện sẽ quyết định một quốc gia, một hội, nhóm hay lực lượng nào đó sẽ nằm trong quỹ đạo nào và hưởng mức độ tự chủ ra sao. Sự vận động thay đổi trong từng khối liên kết và giữa các khối với nhau sẽ xác định quá trình định hình địa chính trị thế giới.
Cho tới nay, vai trò của Trung Quốc và Nga trong cuộc xung đột mới bùng phát tại Palestine vẫn khá mờ nhạt. Hiện trạng này xuất phát từ một số nguyên nhân. Thứ nhất, Nga đang trong một cuộc chiến khác mà kết quả của nó sẽ mang tính then chốt với riêng Nga và với cả thế giới. Cuộc chiến tại Ukraine đã hút những nguồn lực lớn của Nga. Tuy nhiên, còn một nguyên nhân khác là quan hệ giữa Nga và Israel đang ở một thế cân bằng mà không bên nào muốn phá vỡ. Trên thực tế, dù có lập trường gần gũi với khối Arab hơn, Nga vẫn có quan hệ hữu hảo với Israel. Trong khi lập trường của Tel Aviv về cuộc chiến tại Ukraine là khá kiềm chế, với ví dụ mới nhất là việc Netanyahu đã từ chối đề xuất về một chuyến thăm của tổng thống Ukraine Zelensky tới Israel để bầy tỏ sự ủng hộ với nhà nước Do Thái. Israel muốn giữ Nga ở ngoài cuộc chiến, theo nghĩa trực tiếp và lâu nhất có thể. Tất nhiên, điều này cũng không ngăn cản Nga thúc đẩy đề xuất ngừng bắt tại Liên hợp quốc (bị Mỹ phủ quyết) để ngăn chặn cuộc tấn công trên bộ của Israel và đã bày tỏ rõ ràng lập trường ủng hộ đàm phán để công nhận chủ quyền của Palestine.
Trung Quốc trước nay vẫn luôn là một tác nhân từ xa trong vấn đề Palestine, và lợi ích của họ “gần” phía vùng Vịnh hơn như đã thể hiện trong vai trò trung gian của thỏa thuân lịch sử giữa Saudi Arabia và Iran, một thỏa thuận cho phép giảm căng thẳng giữa hai nước và mở ra khả năng hai cột trụ của hai dòng Hồi giáo địch thủ là Sunni và Shiite cùng bảo trợ một chiến lược nhất quán đối phó với cuộc tấn công của Israel. Đặc biệt, Iran, Saudi Arabia và Ai Cập vừa gia nhập khối BRICS. Cho dù không phải là một thỏa thuận nhằm thiết lập lại quan hệ quốc tế, nhưng BRICS vẫn góp phần tạo ra một con đường hướng tới quyền tự chủ chiến lược lớn hơn và tính bổ trợ lẫn nhau bên ngoài mạng lưới các thể chế do phương Tây dẫn dắt. Ngoài ra, Sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Bắc Kinh có tiềm năng khổng lồ trong khu vực, được Trung Quốc sử dụng với ý đồ tạo ra một trung tâm áp đặt trật tự thế giới mới.
Cuộc chiến mới tại Trung Đông dường như đẩy nhanh hơn quá trình hướng tới việc hình thành một khối Arab/Hồi giáo với ít mâu thuẫn nội bộ hơn và có chủ quyền lớn hơn. Điều này góp phần làm thay đổi “bàn cờ” thế giới theo hướng có lợi cho một “trật tự đa cực” mới, làm suy yếu vị thế của phương Tây tại khu vực.
EU không có nhiều ảnh hưởng, vì liên minh này hầu như không có chính sách đối ngoại riêng, và càng không có quyền tự chủ chiến lược. EU đã lùi bước liên tục trong thời gian qua, bị mắc kẹt trong các vấn đề về kinh tế suy thoái, mất đi vai trò của một cường quốc độc lập và giờ đây chỉ còn đóng vai trò theo sau khối Mỹ – Anh trong các vấn đề toàn cầu.
Mỹ Latinh gần như hoàn toàn nằm ngoài bối cảnh xung đột. Tuy nhiên, các nước có trọng lượng trong khu vực như Brasil, Colombia hay Mexico đã thể hiện lập trường cân bằng. Duy chỉ có lập trường của Argentina là khác biệt, khi chịu tác động từ giới vận động hành lang Do Thái và ảnh hưởng từ Mỹ.
Như vậy, ngoài cuộc chiến quân sự trên thực địa, cuộc xung đột tại Trung Đông là một phần của quá trình tái định hình trật tự thế giới trong một giai đoạn lịch sử mới, với những vận động liên tục biến đổi trong việc hình thành các khối liên kết mới và cách thức mỗi quốc gia tận dụng cơ hội để đạt được mục tiêu riêng của mình.
Lời kết
Vấn đề Palestine có thể được phân tích trong một giai đoạn dài bắt đầu từ hơn một thế kỷ trước khi cộng đồng Do Thái có những bước đi đầu tiên tớivùng đất này (1922), hoặc trong bối cảnh rộng lớn hơn của những cuộc đấu tranh hiện tại cho một trật tự thế giới mới. Cả hai cách nhìn lịch đại và đồng đại này đều có giá trị và đều cần thiết. Từ góc nhìn mang tính đồng đại, mức độ gia tăng căng thẳng của nhiều mặt trận mà Mỹ và đồng minh đang can dự đang tạo ra một “thời điểm địa chính trị” với nhiều cơ hội và rủi ro kèm theo. Lực lượng Hamas đã biết nắm bắt tình thế đó, thực hiện hành động quyết đoán với tư cách là một phong trào kháng chiến Palestine. Hành động của Hamas có thể làm thay đổi hướng đi của lịch sử. Kết quả của bước đi này không chỉ quyết định vận mệnh của dân tộc Palestine mà còn hé lộ nhiều đặc điểm cơ bản của một trật tự thế giới mới đang hình thành./.
Hết
Tổng hợp & phân tích: Uyển My
Tài liệu tham khảo:
1. Marwan Bishara, Israel is manufacturing a case for genocide, Al Jazeera, 12/10/2023. https://www.aljazeera.com/opinions/2023/10/12/israel-is-manufacturing-a-case-for-genocide?s=09
2. The Chris Hedges Report, Palestinians speak the language of Israel’s war on Gaza in 10explainers, Al Jazeera, 28/10/2023. https://chrishedges.substack.com/p/palestinians-speak-the-language-of–Israel’s war on Gaza in 10 explainers | Israel-Palestine conflict News | Al Jazeera
3. Marwan Kabalan, Hamas’s attack on Israel has changed the Middle East, Al Jazeera, 28/10/2023. https://www.aljazeera.com/opinions/2023/10/28/hamass-attack-on-israel-has-changed-the-middle-east
4. John Lyons, Gaza is the most miserable place on Earth and in Israel, fear is everywhere. This tragedy cannot go on, ABC News, 22/10/23. https://www.abc.net.au/news/2023-10-23/gaza-most-miserable-place-israel-fear-tragedy-cannot-go-on/103002648
5. Joaquín Estefanía, Gaza: la desinformación como arma de guerra permanente, El País, 22/10/2023. https://elpais.com/ideas/2023-10-22/gaza-la-desinformacion-como-arma-de-guerra-permanente.html
6. David Rovics, The Gaza Ghetto Uprising, WRMEA, 25/10/2023. https://www.wrmea.org/israel-palestine/the-gaza-ghetto-uprising.html
7. Thierry Meyssan, Changement de paradigme en Palestine, voltairenet.org, 10/10/2023. https://www.voltairenet.org/article219777.html
8. Harriet Sherwood, Israel-Hamas war: what has happened and what has caused the conflict?, The Guardian, 08/10/2023. https://www.theguardian.com/world/2023/oct/08/israel-hamas-gaza-palestinian-territories
9. Elena Rodriguez Pedrosa, Israel y Palestina: La ocupación pasada y presente, El Generacional, 10/10/2023. https://elgeneracionalpost.com/noticias-internacionales/2023/1010/109037/israel-y-palestina-la-ocupacion-pasada-y-presente.html
10. Atilio A. Boron, Nuevo estallido en Palestina, Páginal 12, 08/10/2023. https://www.pagina12.com.ar/595973-nuevo-estallido-en-palestina
11. Franco Berardi, Ojo por ojo y el mundo está ciego, El Salto, 12/10/2023. https://www.elsaltodiario.com/opinion/ojo-ojo-mundo-ciego-guerra-israel-bifo
12. Isabella Arria y Aram Aharonian, Biden quiere globalizar la guerra, pero en Europa hay mucho miedo, Estrategia.la, 11/10/2023. https://estrategia.la/2023/10/11/biden-quiere-globalizar-la-guerra-pero-en-europa-hay-mucho-miedo/
13. Juan Torres, Asquerosa doble moral, Página web de Juan Torres López, https://juantorreslopez.com/asquerosa-doble-moral/