Trong bối cảnh gần như cắt đứt quan hệ với phương Tây vì chiến sự tại Ukraine, việc nhìn về hướng Đông và tăng cường hợp tác với Trung Quốc – đối thủ chính của Mỹ và phương Tây là lựa chọn tất yếu của Nga. Trong năm 2023, hợp tác Nga – Trung phát triển mở rộng trên tất cả các lĩnh vực như kinh tế, xã hội, quốc phòng, khoa học công nghệ v..v và được dự báo là sẽ còn tăng cường hơn nữa trong năm tiếp theo. Quan hệ Nga – Trung chắc chắn là một trong những cặp quan hệ có tác động lớn đối với toàn cầu, vậy liệu có còn những góc cạnh nào chưa được đào sâu làm rõ về mối quan hệ đặc biệt này trong năm vừa qua?
Tổng quan hợp tác song phương Nga – Trung trong năm 2023
Định vị chính sách của hai cường quốc dành cho nhau. Trong tài liệu “Khái niệm chính sách đối ngoại của Liên Bang Nga” được công bố vào tháng 3/2023 đã xác định hợp tác với Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu. Nga hướng tới tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác toàn diện và hợp tác chiến lược với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, đồng thời tập trung phát triển quan hệ hợp tác cùng có lợi trong mọi lĩnh vực, cung cấp hỗ trợ lẫn nhau và tăng cường phối hợp trên trường quốc tế để đảm bảo an ninh, ổn định và phát triển bền vững ở cấp độ toàn cầu và khu vực[1]. Ở chiều ngược lại, Trung Quốc tiếp tục đánh giá cao mối quan hệ “không giới hạn” với Nga, đồng thời tiếp tục ủng hộ Nga trong các vấn đề toàn cầu. Đáng chú ý, trong báo cáo lập trường 12 điểm của Trung Quốc về chiến sự Nga – Ukarine được công bố vào tháng 02/2023, Trung Quốc đã không trực tiếp xác định Nga là kẻ xâm lược[2].
Trên các lĩnh vực cụ thể:
Về kinh tế, trong chuyến thăm chính thức của chủ tịch nước Trung Quốc tới Nga, hai bên đã đưa ra “Tuyên bố chung của Chủ tịch nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa và Tổng thống Liên bang Nga về kế hoạch phát triển các hướng chủ chốt của hợp tác kinh tế Trung – Nga đến năm 2030”. Theo đó, hợp tác kinh tế song phương giữa hai nước sẽ theo 8 hướng chính, trải dài trên nhiều lĩnh vực như thương mại, đầu tư, công nghệp, trao đổi văn hoá, du lịch v…v. Có một số điểm đáng chú ý như tăng dần tỷ trọng thanh toán bằng đồng nội tệ trong thương mại song phương, tăng cường hợp tác lâu dài trong các lĩnh vực năng lượng trọng điểm[3]. Trong buổi gặp mặt với Phó Thủ tướng Trung Quốc Trương Quốc Thanh tại Vladivostok, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cho rằng mối quan hệ song phương giữa 2 nước đã bước vào thời kỳ tốt nhất trong lịch sự với sự phát triển thuận lợi trên nhiều lĩnh vực như thương mại và kinh tế[4].
Về chính trị – ngoại giao, trong tuyên bố chung về tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện về phối hợp trong kỷ nguyên mới, hai bên chỉ ra rằng mối quan hệ Trung – Nga không giống với liên minh quân sự và chính trị trong chiến tranh Lạnh, mà vượt qua mô hình quan hệ nhà nước đó và không liên kết, không đối đầu, không nhằm vào nước thứ ba. Nga cần một Trung Quốc thịnh vượng và ổn định, còn Trung Quốc cần một nước Nga hùng mạnh và thành công[5]. Bắc Kinh và Moskva đang liên kết trong nỗ lực phá vỡ trật tự dựa trên luật lệ quốc tế do Mỹ dẫn đầu hiện nay.
Để hiện thực hoá tham vọng trên, họ đang cố gắng xây dựng một hệ thống toàn cầu đa cực, mới và linh hoạt hơn, trong đó quyền lực của phương Tây bị suy giảm, Trung Quốc và Nga sẽ có tiếng nói mạnh mẽ hơn. Trong những công cụ tiêu biểu của hai quốc gia trên sử dụng hiện tại là các tổ chức quốc tế, tiêu biểu có thể kể tới như khối BRICS, SCO v…v. Hai quốc gia Trung – Nga đang cố gắng xây dựng một khối các quốc gia hùng mạnh về kinh tế nhằm chống lại cái mà họ gọi là “chủ nghĩa đơn phương” của phương Tây. Vào cuối tháng 8/2023, các quốc gia khác như Ai Cập, Iran, Ả rập Saudi đã được mời tham gia nhóm. Với sức mạnh kinh tế ngày càng tăng của mình, các nước BRICS đang thúc đẩy hợp tác trong một loạt vấn đề, bao gồm các cách để giảm bớt sự thống trị của đồng đô la và ổn định chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ngoài ra, Trung Quốc và Nga còn thường xuyên lên tiếng ủng hộ nhau hoặc ít nhất là không chỉ trích, phản đối lập trường của đối phương trên trường quốc tế.
Ở lĩnh vực quốc phòng – an ninh. Hợp tác Nga – Trung trong lĩnh vực quốc phòng thể hiện đa dạng ở nhiều khía cạnh, hoạt động. Một mặt, Bắc Kinh không muốn mạo hiểm khiến nền kinh tế của mình rơi vào lệnh trừng phạt của phương Tây bằng cách chuyển vũ khí, đạn dược cho Nga. Tuy nhiên, Trung Quốc lại đang dần trở thành nhà cung cấp quan trọng của Nga về công nghệ lưỡng dụng, những sản phẩm có thể được sử dụng cho cả mục đích dân sự và quân sự. Ví dụ như xe tải địa hình có thể làm việc trong ngành lâm nghiệp hoặc có thể kéo vũ khí ra chiến trường; máy bay không người lái có thể chụp ảnh cho mục đích dân sự nhưng cũng có thể cung cấp toạ độ hoả lực cho pháo binh. Các báo cáo cho thấy Trung Quốc đang xuất khẩu thiết bị điện tử vi mô, quan trọng nhất là chất bán dẫn sang Nga[6]. Nga đã nhập khẩu máy bay không người lái trị giá hơn 100 triệu USD từ Trung Quốc và nhiều trang bị hỗ trợ khác[7].
Trong năm 2023, Trung Quốc và Nga đã tiến hành hai cuộc tập trận chung là cuộc tập trận “Phương Bắc. Tương tác-2023” và cuộc tập trận “Phương Bắc. Liên hợp – 2023”. Cuộc tập trận “Phương Bắc. Tương tác-2023” được tổ chức bởi Trung Quốc được diễn ra tại vùng biển giữa Bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản, có bao gồm nội dung bắn đạn thật với sự tham gia của các khí tài quân sự hiện đại của cả hai bên. Phía Nga có 2 khinh hạm, hai tàu chống ngầm; Trung Quốc có 2 tàu khu trục, 2 tàu hộ tống. Thêm vào đó là hơn 30 máy bay quân sự bao gồm tiêm kích, chống ngầm, trực thăng cũng tham gia[8]. Cuộc tập trận chung “Phương Bắc. Liên hợp – 2023” được diễn ra trên biển Nhật Bản nhằm “bảo vệ an ninh các tuyến hàng hải chiến lược”, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết cuộc tập trận nhằm tăng cường mức độ phối hợp chiến lược giữa quân đội hai nước, nâng cao khả năng cùng nhau bảo vệ hoà bình và ổn định khu vực, ứng phó với các thách thức an ninh. Cuộc tập trận với sự tham gia của tàu chiến gồm các tàu khu trục tên lửa, tàu hộ vệ tên lửa và các loại tiêm kích hiện đại của cả hai bên[9].
Hợp tác trong lĩnh vực khoa học công nghệ. Cuối năm 2022, Trung Quốc và Nga đã ký kết chương trình hợp tác phát triển giai đoạn 2023 – 2027 giữa Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga Roscosmos và Cơ quan Quản lý Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA). Ngoài ra, hai nước cũng ký thoả thuận thành lập trạm khoa học quốc tế trên Mặt Trăng, dự kiến hoàn thành vào năm 2035. Với những trang thiết bị hiện đại như tàu kéo vũ trụ hạt nhân Zevs, có nhiệm vụ đưa các vật thể lớn từ quỹ đạo gần Trái Đất đến quỹ đạo Mặt Trăng[10]. Hợp tác không gian Trung – Nga là biểu hiện của nỗ lực rộng lớn hơn nhằm xây dựng lòng tin lẫn nhau, tăng cường ảnh hưởng của Trung Quốc và Nga cũng như chống lại những áp lực chính trị và kinh tế của phương Tây, thúc đẩy cho đa cực hoá và đạt các mục tiêu an ninh quốc gia chung. Sự trừng phạt của Mỹ và phương Tây vào lĩnh vực lượng tử của Trung Quốc và Nga đã khiến hai quốc gia này tìm kiếm sự hợp tác sâu rộng hơn. Các phòng thí nghiệm của Nga đã nhập thiết bị từ Trung Quốc thay vì phương Tây. Tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực lượng tử giữa Moskva và Bắc Kinh là vô cùng lớn. Trung Quốc đã đạt được một số thành tựu lớn trong công nghệ lượng tử, bao gồm vệ tinh lượng tử đầu tiên trên thế giới, mạng truyền thông lượng tử dài nhất trên đất liền và một số máy tính lượng tử mạnh nhất hiện có. Các nhà khoa học Trung Quốc đã thiết lập một chuỗi cung ứng công nghệ lượng tử trước những lệnh trừng phạt của Mỹ[11]. Bên cạnh đó, Nga cũng đã có một nền tảng vững chức trong lĩnh vực lượng tử.
Diễn đàn Công nghệ và Kỹ thuật Trung Quốc-Nga lần thứ 10, còn được gọi là Hội nghị thượng đỉnh Kinh tế Kỹ thuật số Trung Quốc-Nga 2023, đã được tổ chức tại Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang vào ngày 02/11/2023 vừa qua. Hơn 700 học giả, chuyên gia và đại diện từ các tổ chức, công ty liên quan từ Trung Quốc và Nga đã tham dự diễn đàn với chủ đề “Tạo ra một biên giới mới mở và nuôi dưỡng năng suất chất lượng mới”. Sự kiện được kỳ vọng mang lại nhiều cơ hội hơn, nhiều hơn không gian phát triển hợp tác khoa học và công nghệ giữa hai nước. Tại diễn đàn, Hiệp hội Kỹ sư Trung Quốc và Hiệp hội Giáo dục Kỹ thuật Nga đã ký biên bản ghi nhớ nhằm tăng cường nâng cao năng lực cho các kỹ sư. Các tổ chức và doanh nghiệp khác của cả hai nước cũng đã ký kết các thỏa thuận và hợp đồng[12]. Bộ Khoa học và Giáo dục Đại học Nga và Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc, Viện Hàn Lâm Khoa học Trung Quốc đã ký Nghị định thư về tăng cường hợp tác trong nghiên cứu khoa học cơ bản. Tập đoàn Năng lượng nguyên tử bang Rosatom và Cơ quan Năng lượng nguyên tử Trung Quốc đã ký Chương trình hợp tác lâu dài toàn diện về lò phản ứng neutron nhanh và phát triển nhiên liệu hạt nhân khép kín[13]. Những hợp tác về khoa học công nghệ Trung – Nga hoàn toàn có thể được phát triển với mục đích quân sự hoá, điều này sẽ dẫn đến gia tăng căng thẳng giữa hai nước với phương Tây.
Hợp tác văn hóa có nhiều điểm sáng mới. Hợp tác Trung – Nga trong lĩnh vực văn hóa là một trong những trụ cột quan trọng của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước. Đây luôn là lĩnh vực được đề cập đến trong các cuộc gặp của quan chức cấp cao giữa hai nước. Gần đây nhất, tại cuộc gặp giữa Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường và Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin vào tháng 10/2023, ông Lý cũng đã đề cập đến việc thúc đẩy tổ chức năm văn hoá Trung-Nga và mở rộng trao đổi về giáo dục[14]. Hợp tác về giáo dục của hai nước đã có lịch sử lâu đời, ngày càng phát triển ở nhiều mảng như trao đổi sinh viên, trao đổi cán bộ khoa học, phát triển các chương trình nghiên cứu chung và tăng cường hợp tác giữa các trường Đại học[15]. Học viên Trung Quốc trẻ hơn học viên Nga. Phần lớn học viên Nga đều lớn tuổi hơn và họ thường theo học các chương trình bậc thạc sĩ trở lên ở Trung Quốc, cũng như một số lượng lớn học bổng do chính phủ Trung Quốc cấp cho học viên Nga. Ở chiều ngược lại, hầu hết sinh viên Trung Quốc đều chọn bậc đại học và số lượng học bổng dành cho sinh viên Trung Quốc tương đối nhỏ hơn so với Trung Quốc. Sinh viên quốc tế ở Trung Quốc và Nga ưu tiên chọn ngành khoa học xã hội và nhân văn, các lĩnh vực khoa học và công nghệ tỏ ra khan hiếm người học hơn. Về mức độ hợp tác, chỉ có 4 dự án là hợp tác sau đại học và việc lựa chọn chuyên ngành chưa tận dụng được lợi thế của các ngành của Nga như kỹ thuật vũ trụ, kỹ thuật khoáng sản và khai thác mỏ cũng như thiếu trình diễn và phân tích đầy đủ. làm suy yếu giá trị hợp tác giáo dục đại học giữa Trung Quốc và Nga ở một mức độ nào đó và hiệu quả không tốt[16]. Trong năm 2023, Trung Quốc và Nga đã tiếp tục đẩy mạnh hợp tác văn hóa trên nhiều lĩnh vực, bao gồm: nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh, triển lãm, văn học, giáo dục, và nghiên cứu.
Nhận định từ giới học giả quốc tế về quan hệ Nga – Trung trong năm 2023
Truyền thông và các học giả phương Tây cố gắng mô tả Nga là “đối tác cấp dưới” trong quan hệ với Trung Quốc. Sharyl Cross, Giám đốc Trung tâm Kozmetsky tại Đại học St. Edward ở Texas cho biết: “Sự hỗ trợ của Trung Quốc rất quan trọng đối với Nga trong việc quản lý các biện pháp trả đũa và trừng phạt của Mỹ, NATO và EU”[17]. Sam Greene, chuyên gia về Nga tại Trung tâm Phân tích chính sách châu Âu còn đưa ra đánh giá của mình cho rằng quá trình thống trị của Trung Quốc đối với Nga đã hoàn tất và Tổng thống Putin đã thế chấp điện Kremlin cho Bắc Kinh. Ông mô tả những thoả thuận giữa hai nước quá “một chiều” với việc Nga cung cấp xuất khẩu thô nhưng đổi lại được rất ít đầu tư của Trung Quốc[18]. Để phản bác lại với ý kiến này, học giả Philipp Ivanov đưa ra một ví dụ về mối quan hệ bất đối xứng trong quá khứ. Đó là mối quan hệ Xô – Trung vào thập niên 50 của thế kỉ XX, khi đó nhà nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa mới ra đời phụ thuộc rất nhiều vào viện trợ của Liên Xô. Nhưng điều đó không ngăn được Bắc Kinh đối đầu với Moscow ở Damanskiy và cắt đứt hoàn toàn mối quan hệ[19].
Jude Blanchette, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), lại có ý kiến hoàn toàn ngược lại: “Tôi không thấy bất kỳ bằng chứng nào cho thấy Trung Quốc đang tìm cách mở rộng quyền lực dẫn đầu đối với Nga để biến nước này thành đối tác cấp dưới. Đối với tôi, có vẻ như Trung Quốc là bên sẵn sàng trả cái giá đắt về uy tín kinh tế ngoại giao với châu Âu, với Mỹ, để tiếp tục ủng hộ Nga. Vì vậy, nếu nhìn vào Nga và cách Trung Quốc định vị mình trong mối quan hệ với Nga kể từ khi chiến tranh bùng nổ, tôi sẽ nói rằng chính Putin về cơ bản đã có thể giành được sự ủng hộ và nhượng bộ từ Trung Quốc chống lại các lợi ích khác của Trung Quốc.”[20]
Về ưu thế trong mối quan hệ song phương Trung – Nga. Nền kinh tế Nga và Trung Quốc ngày nay bổ sung tốt cho nhau. Chúng giống như hai nửa của một câu đố khớp với nhau một cách hoàn hảo[21]. Nga cần một thị trường thay thế để lấp đầy khoảng trống sau những lệnh trừng phạt của phương Tây, Trung Quốc cũng cần nguồn năng lượng dồi dào, giá rẻ đến từ Nga để vận hành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới của mình. Không chỉ năng lượng, các mặt hàng khác như nông nghiệp, hoá chất v..v cũng được Trung Quốc ưu chuộng và sẵn sàng là thị trường nhập khẩu thay thế cho phương Tây.
Những khó khăn, khác biệt còn tồn tại trong quan hệ giữa hai nước. Một số học giả Trung Quốc lại thể hiện sự bất an của mình về việc liên kết quá chặt chẽ với nước Nga. Sự bất an của họ dựa trên cơ sở như lo ngại về sự sụp đổ của Nga, tình trạng bất ổn dọc khu vực ngoại vi của Trung Quốc và việc tăng cường các biện pháp ngăn chặn do Mỹ dẫn đầu. Các học giả Trung Quốc dự đoán rằng chiến sự Ukraine sẽ thúc đẩy “sự xây dựng quân sự nhanh chóng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”, từ đó làm suy yếu vị thế an ninh của Trung Quốc ở trong khu vực[22].
Yurii Poita, người đứng đầu bộ phận Châu Á tại Mạng lưới Nghiên cứu Địa chính trị Mới nói với CNBC: “Thực sự không có cách nào để Trung Quốc làm cho Nga mạnh hơn mà không gây nguy hiểm cho lợi ích của Trung Quốc”. Trung Quốc có thể cung cấp cho Nga công nghệ quân sự công nghệ cao hoặc các linh kiện có công dụng kép như chất bán dẫn, nhưng lo ngại các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với các công ty Trung Quốc: “Hãy tưởng tượng xem họ có thể làm cho Nga mạnh hơn như thế nào, chẳng hạn như bằng cách chuyển giao cho Nga những công nghệ cao về mặt quân sự. Nó chắc chắn sẽ gây tổn hại cho nền kinh tế Trung Quốc do các lệnh trừng phạt nghiêm khắc họ sẽ phải đối mặt nếu làm như vậy”[23].
Liu Weidong, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Hoa Kỳ thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, biên tập viên điều hành của Tạp chí Mỹ Đương đại có phát biểu về sự cần thiết của việc Trung Quốc xem xét lại mối quan hệ với Nga. Ông lập luận rằng mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nga rất phức tạp và liên minh giữa hai bên sẽ mang lại nhiều vấn đề hơn là hợp tác. Bình luận của Liu lặp lại quan điểm mà các trí thức khác ở Trung Quốc đã bày tỏ cả công khai và kín đáo. Ông cũng lưu ý rằng Mỹ thường cáo buộc Nga có sự hỗ trợ của Trung Quốc đằng sau các hành động của mình, tức là cố tình ràng buộc Trung Quốc và Nga với nhau nhằm mục đích ép buộc hoặc xúi giục Trung Quốc và Nga thiết lập một liên minh có thể dẫn đến sự kiệt sức của cả hai bên. Trong khi Trung Quốc luôn tìm kiếm sự hợp tác đôi bên cùng có lợi, ông Lưu không tin rằng Nga có thể là đồng minh đôi bên cùng có lợi với Trung Quốc. Thay vào đó, ông giải thích rằng Nga đang tận dụng sự hỗ trợ của Trung Quốc và đã khéo léo ngăn chặn Trung Quốc sử dụng chính mình. Tang Shiping, giáo sư tại Trường Quan hệ Quốc tế và Công vụ của Đại học Phúc Đán, là một trong những học giả ôn hòa hơn tuy vẫn coi Nga là đối tác quan trọng của Trung Quốc, nhưng lại phản đối việc Trung Quốc hỗ trợ đáng kể cho Nga trong cuộc chiến Nga-Ukraine[24].
Tang Shiping cho rằng: “Kiềm chế cỗ máy chiến tranh của Mỹ” là lĩnh vực mà ông cảm thấy hợp tác Trung-Nga vẫn có thể hữu ích, điều này phù hợp với nhận định của ông rằng việc duy trì mối quan hệ tốt đẹp Trung-Nga vẫn là điều cần thiết đối với Trung Quốc”[25].
Mục đích của từng nước trong mối quan hệ song phương
Etienne Soula, nhà nghiên cứu tại Liên minh Bảo đảm Dân chủ thuộc Quỹ Marshall cho rằng: “Trung Quốc cần đạt được sự cân bằng giữa việc giữ Nga yếu nhất có thể để nước này không gây ra mối đe doạ cho Trung Quốc, đồng thời đảm bảo rằng Nga vẫn có thể gây khó chịu cho các đối thủ chung của họ, các nền dân chủ phương Tây do Mỹ lãnh đạo”.[26]
Hai học giả Tim ruhlig và Una Berzina-Cerenkova cho rằng mối quan hệ Nga – Trung còn tồn tại nhiều khác biệt. Đầu tiên là bắt nguồn từ tham vọng từ mỗi nước. Nga với mục đích giành lại ảnh hưởng đối với các quốc gia thuộc Liên Xô cũ, lấy lại sự công nhận là một “cường quốc”, thể hiện mình là một cường quốc trong khu vực, nhà môi giới quyền lực, đạt được ảnh hưởng kinh tế và quân sự trên toàn thế giới, đồng thời có sức mạnh ảnh hưởng và cải tiến các quy tắc, chuẩn mực chi phối thế giới. Ngược lại, Trung Quốc đang tích cực theo đuổi một vị thế ổn định và có ảnh hưởng trên trường quốc tế, vị thế này được kết nối với nhau nhằm đảm bảo sự tồn tại lâu dài của hệ thống chính trị trong nước hiện nay. Trung Quốc áp dụng quan điểm trung lập thân Nga chủ yếu là để ngăn chặn trường hợp xấu nhất: một nước Nga thất bại có thể rơi vào nội chiến và ly khai trong khu vực. Trung Quốc sẽ mất đi người bạn đồng hành thân thiết trong cuộc cạnh tranh địa chính tị với Mỹ, trong trường hợp tệ nhất, một chế độ thân phườn Tây có thể thay thế Putin ở Điện Kremlin.[27]
Ảnh hưởng từ các cuộc xung đột tới quan hệ Nga – Trung trong năm 2023
Tác động từ cuộc xung đột tại Ukraine
Phương hướng hiện tại của quan hệ Trung-Nga bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc chiến Nga-Ukraine, sự cạnh tranh Trung-Mỹ, định hướng công việc nội bộ của Nga và sự phát triển kinh tế của Trung Quốc. Khi những yếu tố này thay đổi, một số thay đổi thậm chí còn bất ngờ hơn.
Trong bài phân tích của mình đăng trên trang Asia Society Policy Institue, học giả Phillip Ivanov đã có những đánh giá của mình về mục đích của Trung Quốc cũng như sự ảnh hưởng của chiến sự ở Ukraine tới mối quan hệ Trung – Nga. Cuộc chiến ở Ukraine làm sâu sắc thêm sự phụ thuộc kinh tế của Nga và Trung Quốc, làm gia tăng sự bất cân xứng quyền lực giữa hai nước và siết chặt vị thế ngoại giao của Moscow đối với Bắc Kinh[28]. Chiến tranh ở một mức độ nào đó có lợi cho Trung Quốc, bởi vì nó càng kéo dài thì Mỹ buộc phải tập trung nhiều sự chú ý và nguồn lực hơn vào nó. Việc chiến sự kéo dài dai dẳng hay chấm dứt đều mang lại những lợi ích cũng như nguy cơ cho Trung Quốc. Chiến tranh ở một mức độ nào đó có lợi cho Trung Quốc, bởi vì nó càng kéo dài thì Mỹ buộc phải tập trung nhiều sự chú ý và nguồn lực hơn vào nó. Nói cách khác, chiến sự Nga – Ukraine đang làm chệch hướng các nguồn lực chính trị, kinh tế và quân sự của Mỹ mà Washington có thể sử dụng để chống lại Bắc Kinh. Theo logic này, lợi ích tốt nhất của Trung Quốc là đảm bảo rằng Nga không ngừng gây hấn với Ukraine bất chấp những tổn thất mà nước này phải gánh chịu trên chiến trường và bất chấp sự hỗ trợ to lớn của phương Tây giành cho Kiev. Tuy nhiên, cũng có những hạn chế, nền kinh tế Trung Quốc hội nhập vào thị trường thế giới nhiều hơn so với nền kinh tế Nga. Trong khi xuất khẩu của Nga chủ yếu bao gồm các nguồn tài nguyên năng lượng và ở mức độ nhỏ hơn là vũ khí, thì Trung Quốc là một cường quốc kinh tế toàn cầu với lượng xuất khẩu khổng lồ và rất đa dạng. Do đó, Bắc Kinh không thể – và rõ ràng là không muốn – có nguy cơ bị phương Tây đưa ra các biện pháp trừng phạt chống lại họ vì vi phạm lệnh cấm cung cấp cho Nga vũ khí, đạn dược hoặc bất kỳ viện trợ sát thương nào khác. Điều này tạo thành một hạn chế đáng kể đối với sự sẵn lòng hỗ trợ Nga của Bắc Kinh.
Tác động từ cuộc xung đột ở dải Gaza
Cuộc chiến giữa Israel và Hamas đang làm sâu sắc thêm sự chia rẽ giữa hai thế lực. Giữa một bên là Mỹ và các đồng minh của họ với một bên là Trung Quốc và Nga. Sự chia rẽ được thể hiện rõ ràng tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, nơi những nỗ lực thông qua một nghị quyết nhằm ứng phó với cuộc xung đột đã bị cản trở bởi bất đồng giữa các thành viên Mỹ, Nga và Trung Quốc[29]. Trong khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh sự ủng hộ của Mỹ với Israel, lên án cuộc tấn công của Hamas và ủng hộ sự trả đũa “có kiềm chế” của lực lượng Israel, thì Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin lại có cách tiếp cận khác. Gần như giống nhau, hai nhà lãnh đạo Nga – Trung đã lên án cuộc tấn công vào dân thường, kêu gọi ngừng bắn và không lên án Hamas một cách rõ ràng. Quan điểm chung của Nga và Trung Quốc về vấn đề ở dải Gaza đang một bước nữa thúc đẩy hợp tác chính trị giữa hai cường quốc.
Tác động đáng chú ý của quan hệ Nga – Trung
Mối quan hệ Trung – Nga ngày càng chặt chẽ rõ ràng đã tác động không nhỏ tới tình hình khu vực và thế giới. Về thương mại, cả hai nước đang cố gắng sử dụng đồng nội tệ để chống lại sự thống trị của đồng đô la. Việc Trung Quốc sử dụng đồng nhân dân tệ để mua hàng của Nga đã tăng mạnh từ sau sự bùng nổ của chiến sự Nga-Ukraine. Tỷ trọng của đồng nhân dân tệ trong thanh toán nhập khẩu của Nga vào năm 2022 đã tăng từ 4% lên 23%[30].
BRICS trở thành đối trọng với G7 của Mỹ và phương Tây. BRICS hiện chiếm khoảng 40% dân số thế giới và ¼ GDP toàn cầu. Trong hội nghị thượng đỉnh Johannesburg diễn ra tại Nam Phi, khối này đang tìm cách mở rộng nhóm các quốc gia không thuộc về phương Tây và biến nó thành một giải pháp thay thế cho các thể chế kinh tế – chính trị do Mỹ lãnh đạo. Tuy vẫn còn quá sớm để BRICS nói tới viễn cảnh BRICS sở hữu một công cụ đủ mạnh để thách thức và thay thế đồng Đô la, nhưng những ý tưởng về tham vọng trên trong khối BRICS là không hề ít và đã có những hành động trong thực tiễn. Ngân hàng BRICS gần đây đã phát hành trái phiếu rand đầu tiên ở Nam phi và đang có kế hoạch phát hành trái phiếu rupee Ấn Độ[31].
Việc mối quan hệ Nga – Trung ngày càng sâu sắc đã tạo cho Điện Kremlin một chỗ dựa để có thêm nguồn lực cho chiến sự tại Ukraine, tuy có hạn chế nhưng vẫn đem lại những hiệu quả nhất định. Điều đó gây ra nguy cơ cuộc chiến ở Ukraine, ảnh hưởng đến khu vực châu Âu nói riêng cũng như toàn thế giới nói chung.
Một số dự báo về quan hệ Nga – Trung năm 2024
Trong lĩnh vực quốc phòng, luôn có những ý kiến lo ngại nguy cơ Trung Quốc cung cấp vũ khí cho Nga, tuy nhiên nếu viễn cảnh trên thực sự xảy ra cũng khó có thể mang tới lợi ích cao nhất. Với hình thái chiến tranh tiêu hao như hiện tại, Nga sẽ rất cần xe tăng hiện đại, xe chiến đấu bộ binh, pháo binh, đạn dược cũng như máy bay không người lái
Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra trong năm 2024 có thể tác động đáng kể tới quan hệ Nga – Trung. Nếu cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào năm tới, ông có thể giảm sự ủng hộ của Mỹ giành cho Ukarine và đưa ra lời đề nghị cải thiện mối quan hệ với ông Putin[32]. Ông Trump cũng đã từng phát biểu rằng sẽ kết thúc chiến sự tại Ukraine trong vòng 24h nếu đắc cử Tổng thống Mỹ một lần nữa. Điều này có thể làm giảm đi sự sẵn lòng của Điện Kremlin trong việc hỗ trợ Trung Quốc chống lại Mỹ.
Mặc dù hợp tác ngày càng chặt chẽ trên tất cả các lĩnh vực nhưng vẫn luôn tồn tại sự ngờ vực và hoài nghi lẫn nhau giữa hai nước[33]. Vẫn tiềm ẩn những chia rẽ, tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc với đảo Bolshoi Ussuriysky hay còn gọi là Heixiazi
Trong các lĩnh vực hợp tác tiềm năng, năng lượng được dự báo là lĩnh vực hợp tác trọng tâm giữa Nga và Trung Quốc trong năm 2024. Tại diễn đàn kinh doanh năng lượng Nga – Trung Quốc tại Bắc Kinh diễn ra vào tháng 10, hai nước đã ký 20 thoả thuận về hợp tác năng lượng. Những thoả thuận nhằm tích cực hợp tác xây dựng cơ sở hạ tầng trong lĩnh vực năng lượng, tăng cường hợp tác trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, kiên quyết bảo vệ sự cởi mở và liên kết của thị trường năng lượng toàn cầu. Các công ty tham gia diễn đàn chiếm hơn 45% thương mại giữa Trung Quốc và Nga và diễn đàn tiếp theo được tổ chức vào năm 2024 sẽ diễn ra ở Nga[34], được dự báo sẽ mang đến những hợp tác sâu rộng hơn trong lĩnh vực năng lượng giữa hai nước.
Thương mại cũng là một trong những lĩnh vực tiềm năng được dự báo sẽ phát triển bùng nổ trong quan hệ Trung – Nga vào năm 2024 sắp tới. Mục tiêu đạt kim ngạch thương mại giữa hai nước cán mốc 200 tỷ USD vào năm 2024 luôn được nhắc tới trong các cuộc gặp cấp cao nhất của quan chức hai nước. Với quyết tâm của lãnh đạo hai nước cùng với bối cảnh quốc tế, phương Tây khó có thể dỡ bỏ hoàn toàn những lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga, vì thế nền kinh tế Nga – Trung ngày càng xích lại gần nhau hơn trong năm tới. Do vậy, mục tiêu kim ngạch thương mại 200 tỷ USD là hoàn toàn khả thi.
Các lĩnh vực khác như khoa học công nghệ, văn hoá, giáo dục v..v với nền tảng là một loạt những văn bản đã được ký kết trong chuyến thăm của chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đến Nga đi kèm là những hoạt động đã diễn ra trong thực tế xuyên suốt năm 2023 cũng được dự báo sẽ có bước tiến đáng kể hơn trong năm 2024.
Tạm kết
Việc Nga – Trung cùng nhau thúc đẩy BRICS hay các tổ chức quốc tế khác nhằm đối trọng với phương Tây cũng mở ra những cơ hội đối với Việt Nam. Với đường lối đối ngoại đa phương hoá, đa dạng hoá, Việt Nam có thể có thêm những cơ hội hợp tác kinh tế, thương mại với các khối như BRICS, SCO, v…v. Tuy vậy, mối quan hệ của hai cường quốc này cũng đem đến cho Việt Nam những khó khăn nhất định trong các quyết sách. Hợp tác Nga – Trung tạo ra xu hướng tập hợp lực lượng mạnh mẽ hơn, trong bối cảnh cạnh tranh nước lớn phức tạp hiện nay. Điều đó có thể tạo ra những lựa chọn khó khăn đối với Việt Nam trong việc cân bằng giữa hai bên. Cấu trúc an ninh toàn cầu kể từ khi xung đột ở Ukraine nổ ra đã và đang ngày càng phân hóa. Trong bối cảnh đó, Việt Nam chắc chắn sẽ cần chủ động thích ứng, hạn chế thách thức và tận dụng các thời cơ một cách phù hợp. Và chắc chắn, đó không phải là một bài toán dễ dàng./.
Tác giả: Phạm Quang Phúc
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
Tài liệu tham khảo:
[1] “The concept of the foreign Policy of the Russian Federation” (2023), The Ministry of Foreign Affairs of the Russian Federation, https://mid.ru/en/foreign_policy/fundamental_documents/1860586/
[2] “Full text: China’s Position on Political Settlement of Ukranie Crisis” (2023), CGTN, https://news.cgtn.com/news/2023-02-24/Full-text-China-s-Position-on-Political-Settlement-of-Ukraine-Crisis-1hG2dcPYSNW/index.html
[3] 人民日报 (2023), “中华人民共和国主席和俄罗斯联邦总统关于2030年前中俄经济合作重点方向发展规划的联合声明”, http://paper.people.com.cn/rmrb/html/2023-03/22/nw.D110000renmrb_20230322_1-03.htm
[4] Ngân Hà (2023), “Thương mại Nga – Trung có thể đạt 200 tỷ USD năm 2023”, MekongASEAN, https://mekongasean.vn/thuong-mai-nga-trung-co-the-dat-200-ty-usd-nam-2023-post26799.html
[5] 人民日报 (2023), “中华人民共和国和俄罗斯联邦关于深化新时代全面战略协作伙伴关系的联合声明”, http://paper.people.com.cn/rmrb/html/2023-03/22/nw.D110000renmrb_20230322_1-02.htm
[6] Andras Racz (2023), “How Beijing is lending Moscow’s War effort a hand”, International Politik Quarterly, https://ip-quarterly.com/en/how-beijing-lending-moscows-war-effort-hand
[7] Sarah Anne Aarup, Sergey Panov, Douglas Busvine (2023), “China secretly sends enough gear to Russia to equip an army”, Politico, https://www.politico.eu/article/china-firms-russia-body-armor-bullet-proof-drones-thermal-optics-army-equipment-shanghai-h-win/
[8] Vi Trân (2023), “Tàu chiến, máy bay Nga – Trung Quốc bắt đầu tập trận”, Báo Thanh niên, https://thanhnien.vn/tau-chien-may-bay-nga-trung-quoc-bat-dau-tap-tran-chung-185230720165153498.htm
[9] VOV (2023), “Trung Quốc và Nga kết thúc tập trận chung trên biển Nhật Bản”, Cổng thông tin điện tử Đài tiếng nói Việt Nam, https://vov.gov.vn/trung-quoc-va-nga-ket-thuc-tap-tran-chung-tren-bien-nhat-ban-dtnew-482410?keyDevice=true
[10] Quang Vinh (2023), “Tàu kéo vũ trụ hạt nhân của Nga tham gia dự án với Trung Quốc”, Vietnamplus, https://www.vietnamplus.vn/tau-keo-vu-tru-hat-nhan-cua-nga-tham-gia-du-an-voi-trung-quoc/859547.vnp
[11] Khánh Minh (2023), “Trừng phạt của Mỹ đẩy các nhà khoa học Nga hợp tác với Trung Quốc”, Báo Lao Động, https://laodong.vn/tu-lieu/trung-phat-cua-my-day-cac-nha-khoa-hoc-nga-hop-tac-voi-trung-quoc-1220095.ldo
[12] Yan Dongjie (2023), “China and Russia strengthen ties on sci-tech cooperation at forum in Harbin”, Chinadaily, https://www.chinadaily.com.cn/a/202311/02/WS6543a673a31090682a5ec27f.html
[13] Kewalramanimanoj (2023), tldd
[14] Xinhua (2023), “China-Russia cooperation not targeted at any third party: premier”, Xinhuanet, https://english.news.cn/20231025/7de57fd69b9b45debe9ba91353b35c00/c.html
[15] Kun Wu, Tat’yana V.Samuseva (2023), “Development of international educational cooperation between China and Russia”, VAK, http://publishing-vak.ru/file/archive-economy-2023-2/d14-wu-kun.pdf
[16]Yunlei Wang (2023), “Reseach on China-Russia Higher Education Cooperation under the Background of “Belt and Road”, Clausius Scientific Press, https://www.clausiuspress.com/assets/default/article/2023/04/08/article_1680958833.pdf
[17] Emily Feng, Charles Maynes (2023), “The leaders of China and Russia have finished talks. Here are some takeaways”, NPR, https://www.npr.org/2023/03/22/1165066688/xi-jinping-putin-talks-china-russia-ukraine
[18] Emily Feng, Charles Maynes (2023), “The leaders of China and Russia have finished talks. Here are some takeaways”, NPR, https://www.npr.org/2023/03/22/1165066688/xi-jinping-putin-talks-china-russia-ukraine
[19] Philipp Ivanov (2023), “Together and Apart: The Conundrum of the China-Russia Partnership”, Asia society policy institue, https://asiasociety.org/policy-institute/together-and-apart-conundrum-china-russia-partnership
[20] Holly Ellyatt (2023), “China wants to keep Russia in a ‘Goldilocks’ state – not too strong and not too weak”, CNBC, https://www.cnbc.com/2023/08/14/how-does-china-see-russia-and-the-relationship-they-have.html
[21] Kirill Babaev (2023), “Russian and Chinese Economies Complement each other Perfectly”, RIAC, https://russiancouncil.ru/en/analytics-and-comments/analytics/russian-and-chinese-economies-complement-each-other-perfectly/
[22] Lyle J.Morris (2023), “Unease, not confidence, define China’s “Partnership”with Russia”, Asia Society policy Institue, https://asiasociety.org/policy-institute/unease-not-confidence-defines-chinas-partnership-russia
[23] Holly Ellyatt (2023), “China wants to keep Russia in a ‘Goldilocks’ state – not too strong and not too weak”, CNBC, https://www.cnbc.com/2023/08/14/how-does-china-see-russia-and-the-relationship-they-have.html
[24] Bikai Chen (2023), “Chinese Scholars’ Reflections on China-Russia Relations”, US-China perception Monitor, https://uscnpm.org/2023/08/11/chinese-scholars-reflections-china-russia-relations/
[25] Bikai Chen (2023), “Chinese Scholars’ Reflections on China-Russia Relations”, US-China perception Monitor, https://uscnpm.org/2023/08/11/chinese-scholars-reflections-china-russia-relations/
[26] Holly Ellyatt (2023), “China wants to keep Russia in a ‘Goldilocks’ state – not too strong and not too weak”, CNBC, https://www.cnbc.com/2023/08/14/how-does-china-see-russia-and-the-relationship-they-have.html
[27] Una Berzina – Cerenkova, Tim Ruhlig (2023), “China’s Complex Relations with Russia: Tracing the Limits of a “Limitless Friendship”, Internationale Politk Quarterly, https://ip-quarterly.com/en/chinas-complex-relations-russia-tracing-limits-limitless-friendship
[28] Jennifer Jett, Keir Simmons (2023), “As China srengthens ties with Russia, the Israel – Hamas war deepens their divide with the U.S”, NBC news, https://www.nbcnews.com/news/world/israel-hamas-war-china-russia-us-putin-xi-jinping-biden-middle-east-rcna121168
[29] Philipp Ivanov (2023), “Together and Apart: The Conundrum of the China-Russia Partnership”, Asia society policy institue, https://asiasociety.org/policy-institute/together-and-apart-conundrum-china-russia-partnership
[30] Philipp Ivanov (2023), “Together and Apart: The Conundrum of the China-Russia Partnership”, Asia society policy institue, https://asiasociety.org/policy-institute/together-and-apart-conundrum-china-russia-partnership
[31] Neil Melvin (2023), “Building up the BRICS: An emerging counter-west oder”, RUSI, https://www.rusi.org/explore-our-research/publications/commentary/building-brics-emerging-counter-west-order
[32] Bonny Lin (2023), “The China-Russia Axis Takes Shape”, Foreign Policy, https://foreignpolicy.com/2023/09/11/china-russia-alliance-cooperation-brics-sco-economy-military-war-ukraine-putin-xi/
[33] Bonny Lin (2023), “The China-Russia Axis Takes Shape”, Foreign Policy, https://foreignpolicy.com/2023/09/11/china-russia-alliance-cooperation-brics-sco-economy-military-war-ukraine-putin-xi/
[34] Đặng Cường (2023), “Nga và Trung Quốc ký 20 thoả thuận hợp tác năng lượng”, VOV, https://vov.vn/the-gioi/nga-va-trung-quoc-ky-20-thoa-thuan-hop-tac-nang-luong-post1054125.vov