Tóm tắt: Sau khi chính phủ Modi lên nắm quyền, hợp tác an ninh giữa Ấn Độ và Israel đã bước lên một tầm cao mới. Ông Modi rất coi trọng hợp tác với Israel, trở thành Thủ tướng Ấn Độ đầu tiên thăm Israel. Dưới sự chỉ đạo chiến lược và hỗ trợ lẫn nhau của lãnh đạo hai nước, quy mô thương mại quân sự hai bên ngày càng tăng. Hợp tác trên nhiều lĩnh vực như Hải quân, Không quân, An ninh mạng đã thu được những kết quả tích cực. Động lực chủ yếu của hợp tác an ninh Ấn Độ-Israel ngoài việc được Mỹ hỗ trợ thúc đẩy còn là nhu cầu chiến lược của hai nước trong việc chống khủng bố, ngăn chặn sự lan rộng của tư tưởng cực đoan, bảo vệ quyền và lợi ích khu vực Ấn Độ Dương. Ngoại giao "Liên minh phương Tây" của Ấn Độ làm cho chính sách đối ngoại của họ cân bằng hơn, nhưng "ràng buộc" sâu sắc của nước này với Mỹ, Israel và các nước khác trong lĩnh vực an ninh đã đặt ra thách thức đối với việc thúc đẩy thuận lợi trong chính sách Trung Đông của một số nước lớn khác, đặt biệt là Trung Quốc. Trên cơ sở tăng cường hợp tác với Israel, Ấn Độ đã đưa ra kế hoạch kết nối mới để đối phó với sáng kiến “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc. Đồng thời, hợp tác Ấn Độ-Israel đã nâng cao hơn nữa vị thế của Ấn Độ ở Nam Á, có thể kích thích New Delhi áp dụng chính sách một cách mạo hiểm hơn đối với Bắc Kinh.
Ngày 07/10/2023, Phong trào Kháng chiến Hồi giáo Palestine (Hamas) đã mở chiến dịch quân sự chống lại Israel với mật danh “Chiến dịch Lũ lụt Al-Aqsa”. Vài giờ sau vụ tấn công, chính phủ Israel đã công bố chiến dịch có mật danh “Chiến dịch Thanh kiếm sắt” (Iron Swords) nhằm vào các mục tiêu của Hamas ở Dải Gaza. Ngay sau cuộc đụng độ, Chính phủ Modi của Ấn Độ đã lên án Hamas và bày tỏ sự ủng hộ đối với Israel. Thái độ của Chính phủ Modi vừa phản ánh lập trường cơ bản của Ấn Độ trong chống chủ nghĩa cực đoan, vừa phản ánh xu hướng chiến lược mà Ấn Độ mong muốn tăng cường hợp tác với các nước phương Tây như Mỹ, Israel để phát triển kinh tế. Ngoài ra còn bắt nguồn từ mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa Ấn Độ và Israel trong lĩnh vực an ninh và ngành công nghiệp quốc phòng giữa hai bên.
Những năm gần đây, quan hệ giữa Ấn Độ và Israel đã đạt được một loạt thành tựu, trong đó hợp tác an ninh đóng vai trò rất quan trọng. Năm 2014, Đảng Nhân dân Ấn Độ giành thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử, Modi nhậm chức Thủ tướng Ấn Độ, quan hệ Ấn Độ-Israel phát triển nhanh chóng. Năm 2022, xuất khẩu vũ khí của Israel chiếm 2% thị phần toàn cầu, trong đó vũ khí xuất sang Ấn Độ đã chiếm gần 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu của Israel. Hợp tác an ninh giữa hai nước không ngừng bước lên tầm cao mới, thể hiện nhiều hướng đi mới. Ấn Độ và Israel là hai lực lượng quân sự lớn ở khu vực Nam Á và Trung Đông. Hợp tác an ninh ngày càng sâu sắc giữa hai nước không chỉ ảnh hưởng đến các vấn đề song phương mà còn tác động đến cấu trúc an ninh khu vực, thậm chí cả quan hệ Trung Quốc – Ấn Độ.
Sự phát triển mới trong hợp tác an ninh giữa Ấn Độ và Israel
Trước khi thiết lập quan hệ ngoại giao, Ấn Độ và Israel đã triển khai hợp tác an ninh. Ấn Độ thậm chí còn đồng ý không chính thức nhận viện trợ quân sự của Israel trong chiến tranh biên giới Trung-Ấn năm 1962, chiến tranh với Pakistan năm 1965 và 1971. Tuy nhiên, quy mô hợp tác an ninh Ấn Độ – Israel lúc đó không lớn. Sau khi Liên Xô tan rã, Ấn Độ ngày càng coi trọng hợp tác công nghiệp quân sự với Israel. Năm 1992, chính phủ của Thủ tướng Narasimha Rao khi đó quyết định thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel, hợp tác an ninh Ấn Độ-Israel được triển khai “danh chính ngôn thuận”. Hợp tác an ninh Ấn Độ-Israel càng được củng cố bởi Chiến tranh Kargil giữa Ấn Độ-Pakistan năm 1999, khi Israel là một trong số ít quốc gia cung cấp viện trợ quân sự trực tiếp cho Ấn Độ. Kể từ đó kinh tế Ấn Độ bước vào con đường phát triển phi mã, tầm nhìn chiến lược cũng được mở rộng. Sau khi Modi lên nắm quyền và tái đắc cử Thủ tướng, chủ nghĩa dân tộc Ấn Độ giáo bao phủ toàn quốc. Định hướng chính sách của ông đẩy nhanh hướng cực hữu, phong cách ngoại giao cứng rắn hơn. Ấn Độ cũng ngày càng coi trọng xây dựng lực lượng quân sự, hợp tác an ninh với Israel càng thêm mật thiết.
Tăng cường đối thoại và hỗ trợ lẫn nhau giữa các lãnh đạo cấp cao
Các nhà lãnh đạo Đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) luôn ủng hộ việc tăng cường quan hệ hợp tác với Israel và đánh giá cao các hoạt động chống khủng bố mạnh mẽ và các chính sách an ninh quốc gia của Chính phủ Israel. Tháng 05/2014, Đảng BJP giành thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử, Modi được bầu làm Thủ tướng Ấn Độ, Thủ tướng Israel Netanyahu lập tức gửi điện chúc mừng. Đồng thời, Modi – người nổi tiếng với tác phong mạnh mẽ hy vọng sẽ thể hiện một diện mạo mới trong lĩnh vực đối ngoại sau khi ông nhậm chức, bày tỏ sẵn sàng đẩy nhanh hợp tác với Israel. Tháng 9 cùng năm, hai nhà lãnh đạo đã gặp nhau bên lề Đại hội đồng Liên hợp quốc và tập trung thảo luận các vấn đề liên quan đến hợp tác an ninh. Tháng 11, Bộ trưởng Nội vụ Ấn Độ Manmohan Singh thăm Israel. Hai nước tiến hành thảo luận về các vấn đề như nâng cao hợp tác an ninh nội bộ. Tháng 2/2015, lãnh đạo quân đội Israel Moshe Yaalon đã đến thăm Ấn Độ và gặp gỡ các nhà lãnh đạo cấp cao bao gồm Thủ tướng Narendra Modi, bộ trưởng Quốc phòng Paneka, tham gia triển lãm hàng không ở Bangalore. Tháng 10 cùng năm, Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee thực hiện chuyến thăm có tính lịch sử tới Israel, cho biết “Ấn Độ sẽ tiếp tục nỗ lực tăng cường quan hệ có đi có lại với Israel”, “duy trì giao lưu cấp cao giữa hai nước”. Vào tháng 01/2016, Ngoại trưởng Ấn Độ Swaraj đã đến thăm Israel và hội đàm với Thủ tướng Israel, Bộ trưởng Quốc phòng về hợp tác trong nhiều lĩnh vực. Vào tháng 11, Tổng thống Israel Rivlin đến thăm Ấn Độ, trong chuyến thăm ông đã nhiều lần lên tiếng phản đối chủ nghĩa khủng bố dưới mọi hình thức, cho rằng Israel là nạn nhân của chủ nghĩa khủng bố, ông hoàn toàn hiểu và ủng hộ các hành động chống khủng bố của Ấn Độ. Nhấn mạnh rằng “hoạt động khủng bố là khủng bố, bất kể ai phát động, bất kể ai là nạn nhân”.
Tháng 7/2017, Modi thăm Israel, trở thành Thủ tướng Ấn Độ đầu tiên đến thăm Israel. Thủ tướng Modi cho biết “chuyến thăm Israel mang tính đột phá”. Hai nước đồng ý nâng cấp quan hệ song phương thành “quan hệ đối tác chiến lược”, đồng thời ký kết 7 thỏa thuận hợp tác liên quan đến các lĩnh vực quan trọng như vũ trụ, nông nghiệp, tài nguyên nước…Tuyên bố chung của hai nước nhấn mạnh sự hợp tác giữa hai bên về chống khủng bố, quốc phòng và kinh tế. Đặc biệt nhấn mạnh “tầm quan trọng của hợp tác quốc phòng”, “sự phát triển hợp tác quốc phòng trong tương lai cần tăng cường hợp tác nghiên cứu phát triển chung giữa hai nước như chuyển giao công nghệ của Israel và sáng kiến”Made in India”, kết hợp với “cam kết chống khủng bố dưới mọi hình thức”, ủng hộ “hợp tác trong lĩnh vực an ninh nội địa và an ninh công cộng giữa hai nước”. Chuyến thăm của ông Modi đã đánh dấu một chương mới trong quan hệ hai nước.
Tháng 1/2018, Thủ tướng Israel Netanyahu thăm Ấn Độ, lãnh đạo hai nước đã ký tổng cộng 9 thỏa thuận hợp tác mới, trong đó quan trọng nhất là Bản ghi nhớ về an ninh mạng giữa hai nước. Với sáng kiến “Made in India”, Ấn Độ đã chuẩn bị sơ bộ cho các doanh nghiệp quân sự Israel vào Ấn Độ để cùng nghiên cứu và phát triển. Hai nước cũng nhận ra tầm quan trọng của việc Chính phủ đưa ra định hướng cho hoạt động sản xuất chung. Tháng 5/2020, sau khi Netanyahu tuyên bố thành lập thành công Chính phủ mới, Thủ tướng Modi đã đưa ra thông điệp đặc biệt chúc mừng ông, bày tỏ hy vọng tiếp tục thúc đẩy hợp tác Ấn Độ-Israel. Tháng 11/2021, Thủ tướng Ấn Độ Modi đã gặp Thủ tướng Israel bên lề Hội nghị các bên tham gia “Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu” lần thứ 26 (COP26) tại Vương quốc Anh và bày tỏ ông sẽ tiếp tục cam kết thúc đẩy hữu nghị giữa hai nước và nhất trí mở rộng hơn nữa hợp tác hợp tác đổi mới công nghệ cao. Năm 2022 đánh dấu kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Ấn Độ và Israel. Modi và Bennett đã trao đổi lời chào qua video. Trong bài phát biểu qua video của mình, Modi đã nhắc lại mối quan hệ giữa Ấn Độ và người Do Thái trong vài trăm năm qua và nói rằng quan hệ giữa hai nước đang bước vào một cột mốc mới, Bennett cũng ca ngợi tình hữu nghị giữa hai nước. Tháng 6/2022, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Benjamin Gantz đã quyết định mở rộng hơn nữa hợp tác quốc phòng giữa hai bên trong chuyến thăm Ấn Độ và ký “Tầm nhìn hợp tác quốc phòng Ấn Độ-Israel” với Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh, xây dựng lộ trình toàn diện 10 năm giữa hai nước, xác định các lĩnh vực hợp tác mới. Hai bộ trưởng cũng trao đổi “ý định thư” nhằm tăng cường hợp tác giữa hai bên về công nghệ quốc phòng trong tương lai.
Quy mô thương mại quân sự ngày càng tăng
Năm 1998, khi Ấn Độ tiến hành vụ thử hạt nhân, Israel là một trong số ít quốc gia trong cộng đồng quốc tế không lên án. Ấn Độ tin rằng Israel là quốc gia đáng tin cậy. Sau đó, hợp tác trong lĩnh vực trang thiết bị quân sự Ấn Độ-Israel ngày càng vững chắc. Ấn Độ nhập khẩu lượng lớn trang thiết bị quân sự từ Israel. Sau khi ông Modi lên nắm quyền, Ấn Độ và Israel đã nhiều lần hợp tác nâng cấp hoặc phối hợp nghiên cứu trong nhiều dự án khác nhau. Tháng 10/2014, sau một loạt các cuộc thử nghiệm trên chiến trường, quân đội Ấn Độ đã quyết định mua hơn 8.000 tên lửa chống tăng Spike với tổng trị giá 525 triệu USD. Tháng 2/2015, trong thời gian Bộ trưởng Quốc phòng Israel Ya’alon thăm Ấn Độ, hai nước đã ký kết hợp đồng buôn bán vũ khí trị giá hơn 1,5 tỷ USD. Cơ quan nghiên cứu phát triển quốc phòng Ấn Độ và Công ty công nghiệp hàng không Israel đã ký hợp đồng, hai bên cùng nghiên cứu phát triển tên lửa đất đối không kiểu mới. Tương tự như mô hình mua sắm hệ thống tên lửa chống tăng Spike, tên lửa đất đối không kiểu mới này cũng sẽ được tiến hành sản xuất quy mô lớn ở Ấn Độ. Cũng trong tháng 9 năm đó, Không quân Ấn Độ đã mua 10 máy bay không người lái Heron-TP của Công ty công nghiệp hàng không Israel, tổng kim ngạch khoảng 400 triệu USD. Tháng 2 năm sau, Ấn Độ đã mua vũ khí trang bị từ Israel với tổng trị giá gần 3 tỷ USD, bao gồm các loại vũ khí cao cấp như thiết bị ngắm mục tiêu “Leitning-4” và bom dẫn đường chính xác “Spice-250”. Tháng 11, Ấn Độ lại mua hệ thống kiểm soát và cảnh báo sớm trên không Phalcon/IL-76 và máy bay không người lái Heron-TP do Israel sản xuất với số tiền lên tới 1,4 tỷ USD. Kim ngạch thương mại quân sự ngày càng gia tăng làm nổi bật nền tảng tin cậy chiến lược vững chắc của hai bên, và mở đường cho sự phát triển quan hệ song phương trên nhiều lĩnh vực.
Ấn Độ mua nhiều loại thiết bị quân sự từ Israel với số lượng lớn và Israel được xếp hạng là một trong số ba nước được Ấn Độ nhập khẩu vũ khí lớn nhất. Theo số liệu Bộ Quốc phòng Ấn Độ trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc phòng, số lượng hợp đồng mua sắm quân sự Ấn Độ-Israel ký kết trong các năm 2013-2014, 2015-2016 đã vượt Nga, đối tác thương mại quân sự truyền thống của Ấn Độ, lần lượt là 37,5 tỷ rupee, 29,7 tỷ rupee. Đối với Israel, tăng cường hợp tác thương mại quân sự với Ấn Độ đã trở thành “ưu tiên hàng đầu” của các doanh nghiệp công nghiệp quân sự Israel. Từ năm 2012 đến 2016, 41% lượng xuất khẩu vũ khí của Israel được xuất sang Ấn Độ. Tháng 4/2017, Ấn Độ và Israel đã ký hợp đồng mua vũ khí quân sự lớn trị giá 2 tỷ USD, do Công ty công nghiệp hàng không Israel cung cấp hệ thống tên lửa phòng không tầm trung cho Quân đội Ấn Độ. Không lâu sau đã ký hợp đồng hệ thống phòng thủ tên lửa trị giá 630 triệu USD. Hai đơn đặt hàng lớn khiến Ấn Độ đã trở thành đối tác hợp tác thương mại quân sự lớn nhất của Israel. Hưởng ứng sáng kiến “Made in India”, Tập đoàn hàng không Israel đầu tư vào 3 doanh nghiệp liên doanh ở Ấn Độ, trong đó có nghiên cứu phát triển tên lửa Barak-8, trở thành chương trình quan trọng triển khai quốc phòng của Ấn Độ. Tháng 1/2018, Ấn Độ tuyên bố mua 131 tên lửa phòng không Barak trị giá khoảng 70 triệu USD từ Israel. Vào tháng 10, các công ty quốc phòng Israel cũng đã bán cho Ấn Độ thiết bị phòng thủ tên lửa trị giá 777 triệu USD và hai bên cũng đã tăng cường hợp tác trong lĩnh vực chế tạo vũ khí cao cấp.
Sau khi Chính phủ Modi bước vào nhiệm kỳ thứ hai, hợp tác công nghiệp quân sự giữa Ấn Độ và Israel tiếp tục được thúc đẩy. Tháng 3/2020, Ấn Độ và Israel đã ký hợp đồng mua bán vũ khí trị giá khoảng 100 triệu USD. Tháng 9, Ấn Độ và Israel đã thành lập tổ công tác hợp tác công nghiệp quốc phòng do quan chức Bộ Quốc phòng hai nước cùng tham gia. Tổ công tác này do Bộ Sản xuất công nghiệp trực thuộc Bộ Quốc phòng hai bên lãnh đạo, bàn bạc các vấn đề chuyển nhượng công nghệ cao cấp, nghiên cứu phát triển vũ khí, sản xuất, chế tạo… nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác và chuyển giao công nghệ về an ninh, trí tuệ nhân tạo v.v..Hai bên cũng đi sâu trao đổi về việc hợp tác xuất khẩu vũ khí sang các nước có quan hệ hữu nghị. Năm 2021, Ấn Độ và Israel ký đơn đặt hàng máy bay không người lái Heron thế hệ mới trị giá 200 triệu USD, Không quân Ấn Độ chính thức tiếp nhận hệ thống tên lửa đất đối không tầm trung (MRSAM) do Tổ chức nghiên cứu và phát triển quốc phòng Ấn Độ và Công ty công nghiệp hàng không vũ trụ Israel hợp tác nghiên cứu phát triển. Tháng 11 năm đó, Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng Ấn Độ và Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng Israel đã ký “Thỏa thuận sáng tạo song phương”, nhằm tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp khởi nghiệp hai nước trong các lĩnh vực như máy bay không người lái, robot, trí tuệ nhân tạo, công nghệ lượng tử, cảm biến sinh học, và các lĩnh vực hợp tác khác. Tháng 6/2022, Bộ trưởng Quốc phòng Israel thăm Ấn Độ, Bộ trưởng Quốc phòng hai nước cùng ký “Tuyên bố Tầm nhìn”, cam kết thúc đẩy hợp tác quốc phòng lâu dài. Trong tháng 2/2023, Công ty Bharat Electronics Limited của Ấn Độ và Aerospace Industries của Israel đã ký một biên bản ghi nhớ về cung cấp cho các lực lượng vũ trang Ấn Độ các hệ thống vũ khí LORA được sản xuất và cung cấp trong nước bao gồm tên lửa đạn đạo tầm xa, bệ phóng độc đáo, hệ thống chỉ huy và điều khiển, hệ thống hỗ trợ mặt đất/hàng hải, nhằm tăng cường hơn nữa khả năng tấn công chiến đấu của ba lực lượng vũ trang của Ấn Độ. Kể từ khi Modi lên nắm quyền, Ấn Độ đã tiếp nhận 40% tổng kim ngạch xuất khẩu vũ khí của Israel, trong đó năm 2017 lên tới 51%, thương mại vũ khí song phương phát triển nhanh chóng. Quan hệ đối tác quốc phòng giữa hai nước còn mở rộng với việc chia sẻ các công nghệ chính về tên lửa, hệ thống tác chiến điện tử, hệ thống radar hệ thống định vị và hệ thống kiểm soát vũ khí do Tổ chức Nghiên cứu Quốc phòng Israel thiết kế và sản xuất. Trải qua nhiều năm phát triển, Ấn Độ đã trở thành nước xuất khẩu vũ khí lớn nhất của Israel. Còn Israel vững vàng đứng đầu trong số các nước có nguồn nhập khẩu vũ khí của Ấn Độ.
Hợp tác an ninh ngày càng đa dạng
Hiện nay Ấn Độ và Israel đã tiến hành nhiều hợp tác trong các lĩnh vực hải quân, không quân, an ninh mạng và các lĩnh vực khác và đạt được nhiều kết quả.
Thứ nhất, tướng lĩnh cấp cao hai nước cử các đoàn đi thăm hỏi nhau nhằm tăng cường liên lạc, trao đổi. Năm 2014, Tư lệnh Hải quân Israel đã đến thăm Bộ Chỉ huy Hải quân Ấn Độ và sau đó cũng đến thăm các căn cứ quan trọng của Hải quân Ấn Độ – Cảng Mumbai và Cảng Cochin. Tướng lĩnh Hải quân hai nước đã đi sâu thảo luận làm thế nào thúc đẩy hợp tác công nghệ cao.Tháng 8/2015, Tàu khu trục “Trikhand” Hạm đội phương Tây của Hải quân Ấn Độ thăm cảng Haifa của Israel, tiến hành trao đổi kinh nghiệm với Hải quân Israel, đồng thời tổ chức nhiều hoạt động nhằm tăng cường sự tin cậy và trao đổi giữa lực lượng hàng hải của hai nước.
Thứ hai, Israel đã tăng cường đào tạo quân nhân Ấn Độ. Tháng 8/2016, Ấn Độ đã phái lực lượng an ninh biên phòng đến Israel và Israel đã sắp xếp hoạt động huấn luyện về hoạt động radar cho quân đội Ấn Độ. Tháng 11/2017, Lực lượng Phòng vệ Israel đã tổ chức cuộc tập trận chung quy mô lớn của lực lượng không quân mang mật danh “Blue Flag” với mục đích nâng cao năng lực chiến đấu và tăng cường hợp tác giữa hai nước. Ấn Độ lần đầu cử nhân sự tham gia cuộc tập trận ” Blue Flag” và đồng ý để Đơn vị 5101 (Đặc nhiệm Shaldag “Chim bói cá”) và Đơn vị 669 (Lực lượng cứu hộ và sơ tán không quân) của Không quân Israel huấn luyện cho Ấn Độ”.
Thứ ba, Ấn Độ sử dụng thiết bị tiên tiến của Israel để chống khủng bố. Tháng 8/2016, nhằm ngăn chặn các tổ chức cực đoan xâm nhập vào Ấn Độ, họ đã triển khai máy dò radar mua từ Israel trong rừng rậm ở Thung lũng Kashmir để theo dõi mọi hoạt động của các tổ chức này. Tháng 8/2017, Ấn Độ đã triển khai hệ thống quản lý biên giới tích hợp do Israel thiết kế nhằm cải thiện khả năng giám sát, phát hiện và trinh sát biên giới của Ấn Độ, đảm bảo một cuộc tấn công mạnh mẽ chống lại những kẻ khủng bố càng sớm càng tốt.
Thứ tư, đẩy mạnh thực hiện kế hoạch “Made in India”, trong đó công nghiệp quân sự là hướng phát triển trọng điểm. Để đẩy nhanh nhập khẩu công nghệ và vốn của Israel cũng như phát triển “Made in India”. Một mặt, các cơ quan nghiên cứu quốc phòng và quân sự của hai nước đã ký thỏa thuận tăng cường hợp tác trong lĩnh vực khoa học, công nghiệp và công nghệ quốc phòng. Mặt khác, Chính phủ Ấn Độ sao chép mô hình hợp tác với Mỹ trong lĩnh vực vũ trụ, khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân trong nước tham gia hợp tác công nghiệp quân sự với Israel. Các công ty Ấn Độ như Kalyani Strategic Systems, Reliance Defense, Power Technologies và Buni Lloyd Group đã liên tục hợp tác với các Công ty Hàng không Vũ trụ Israel, Elbit Systems, Rafael Advanced Defense Systems và các công ty khác của Israel. Vũ khí và thiết bị công nghệ cao như công nghệ tên lửa hành trình, hệ thống dẫn đường bằng laser, hệ thống vũ khí tầm xa và đạn pháo dẫn đường chính xác để cải thiện công nghệ sản xuất của Ấn Độ cũng như khả năng sản xuất các loại vũ khí và thiết bị liên quan.
Hợp tác trong các lĩnh vực mới như an ninh mạng là lĩnh vực mà Chính phủ Ấn Độ và Israel tập trung quan tâm trong những năm gần đây. Năm 2014, Thủ tướng Israel trong cuộc gặp với Modi đã mời Ấn Độ tham gia vào dự án an ninh mạng quốc gia của Israel nhằm tăng cường mối quan hệ giữa các cơ quan dân sự và quân sự của hai nước. Tháng 01/2016, Ngoại trưởng Ấn Độ Swaraj đã đến thăm Tel Aviv và nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường hợp tác giữa hai nước về an ninh thông tin, an ninh mạng và khủng bố mạng. Tháng 7/2017, ông Modi thăm Israel, tuyên bố của hai nước nêu rõ hai bên nỗ lực nâng cao an ninh và ổn định trong lĩnh vực không gian mạng của Chính phủ và nhân dân; nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường đối thoại giữa cơ quan quản lý mạng của Chính phủ hai nước. Để tích cực thúc đẩy hợp tác an ninh mạng, hai bên cần nhanh chóng quy hoạch kế hoạch chi tiết. Kể từ đó, các công ty Unicorn của Israel như Wiz, Orca Security và Coralogix đã đến Ấn Độ để kinh doanh. Khi Netanyahu đến thăm Ấn Độ vào tháng 1/2018, hai bên một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác trong lĩnh vực không gian mạng và đạt được một bản ghi nhớ hợp tác về lĩnh vực này. Tháng 7/2020, Tổng giám đốc Cơ quan Quản lý Không gian mạng Quốc gia Israel Yigal Una và Đại sứ Ấn Độ tại Israel Sanjiv Singla đã ký một thỏa thuận mở rộng hợp tác an ninh mạng, được Đại sứ quán Ấn Độ mô tả trên Twitter là “trạng thái bình thường mới” để “cùng nhau đạt đến tầm cao mới”. Việc ký kết Biên bản ghi nhớ giữa Nhóm Ứng phó Khẩn cấp Máy tính Ấn Độ thuộc Bộ Điện tử và Công nghệ Thông tin Ấn Độ và Cơ quan Quản lý Mạng Quốc gia Israel đã làm sâu sắc thêm hợp tác kinh doanh giữa hai bên và mở rộng phạm vi trao đổi thông tin về các mối đe dọa mạng. Thỏa thuận đặt nền tảng cho đối thoại, hợp tác xây dựng năng lực hợp tác an ninh mạng giữa hai nước, thúc đẩy cơ chế đối thoại bình thường hóa, chế độ hóa. Ngoài ra, Ấn Độ và Israel coi trọng hợp tác trong các lĩnh vực mới nổi khác như tăng cường hợp tác nghiên cứu trong các lĩnh vực robot, trí tuệ nhân tạo, khoa học công nghệ sinh học. v.v. và đạt được những đột phá mới trong một số lĩnh vực.
Động lực phát triển quan hệ an ninh giữa Ấn Độ và Israel
Trong những năm gần đây, sự ấm lên liên tục của hợp tác an ninh Ấn Độ-Israel được thúc đẩy bởi nhu cầu chiến lược của hai nước, các nhân tố bên ngoài như cuộc chiến chống khủng bố, duy trì an ninh ở Ấn Độ Dương và điều chỉnh chính sách của Mỹ.
Nhu cầu chiến lược của hai nước
Từ lâu, mục tiêu quan trọng trong chiến lược ngoại giao của Ấn Độ là trở thành một cường quốc “có tiếng nói” và giành được sự tôn trọng của các nước khác. Ông Modi từng công khai chỉ ra, Ấn Độ muốn trở thành một cường quốc thế giới có vai trò chủ đạo trên toàn cầu, chứ không chỉ đóng vai trò hạn chế đối với nước khác. Nâng cao năng lực quân sự, tăng cường hệ thống công nghiệp quốc phòng là khâu quan trọng để Ấn Độ theo đuổi vị thế nước lớn. Tuy nhiên, do nền tảng công nghiệp yếu kém, thiếu nhân tài về khoa học và kỹ thuật quốc phòng, Ấn Độ khó có thể độc lập hoàn thành nghiên cứu phát triển công nghệ quân sự trên nhiều lĩnh vực. Trong khi đó, Israel có công nghệ công nghiệp quân sự tiên tiến và chế độ xuất khẩu tương đối thoải mái, vừa vặn phù hợp với nhu cầu phát triển quốc phòng của Ấn Độ. Đặc biệt là sau năm 1998, do tiến hành thử nghiệm hạt nhân, các nước phương Tây như Mỹ tiến hành cấm vận vũ khí đối với Ấn Độ, nhưng Israel không những không lên án Ấn Độ tiến hành thử nghiệm hạt nhân, mà còn xuất khẩu sản phẩm công nghiệp quân sự cho Ấn Độ. Điều này đã tăng cường danh tiếng của Israel trong giới quân sự Ấn Độ. Hơn nữa, mặc dù Israel có diện tích nhỏ, nhưng chiếm ưu thế nhiều mặt ở trung tâm Trung Đông, giành được nhiều chiến thắng trong các cuộc chiến tranh Trung Đông, là thế lực không thể bỏ qua. Sức mạnh, quan hệ chặt chẽ giữa hai nước cũng phù hợp với lợi ích chiến lược của chính sách “Liên minh phương Tây” của Modi.
Trong quá khứ, tư tưởng đảng phái và quan điểm cầm quyền đã cản trở sự phát triển của quan hệ Ấn Độ-Israel. Đảng Quốc Đại Ấn Độ do dự trong việc phát triển quan hệ với Israel. Dưới thời chính quyền Manmohan Singh, họ tiếp tục lập trường cơ bản của Phong trào Không liên kết trong vấn đề Palestine-Israel là kiên định ủng hộ người dân Palestine. Nguyên nhân chính quyền Đảng Quốc Đại “hăng hái ủng hộ Palestine” trong vấn đề Palestine-Israel không chỉ bị ảnh hưởng bởi sự không liên kết trong chính sách đối ngoại mà còn bị ảnh hưởng phần lớn bởi các nhóm Hồi giáo trong nước cùng “Liên minh Thống nhất và Tiến bộ” do chính quyền Đảng Quốc Đại lãnh đạo. Sau khi chính phủ Modi lên nắm quyền, Đảng BJP trở thành đảng chiếm ưu thế và không còn bị các đảng khác chèn ép. Ngoại giao Ấn Độ bộc lộ nhiều xu hướng mới, đẩy nhanh đáng kể tốc độ trỗi dậy đất nước của Ấn Độ. Đánh giá từ triết lý điều hành của Modi, ông cực kỳ mạnh mẽ trong lĩnh vực ngoại giao và hy vọng rằng Ấn Độ sẽ đóng vai trò lớn hơn trong các vấn đề Trung Đông. Việc phát triển quan hệ với Israel dựa trên sự cân nhắc này. Vì vậy, sau khi Chính phủ Modi lên nắm quyền, Ấn Độ và Israel đã bước vào một giai đoạn mới về nhu cầu chiến lược chung.
Chống khủng bố và cực đoan
Ấn Độ và Israel đều chịu tác động rất lớn từ các hoạt động khủng bố. Nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, hai bên đã không ngừng nâng cao mức độ hợp tác trong lĩnh vực chống khủng bố. Ấn Độ và Israel từ lâu đã trấn áp các hoạt động khủng bố và đạt được những kết quả quan trọng. Hợp tác chống khủng bố giữa hai nước chủ yếu liên quan đến chia sẻ thông tin tình báo, cùng phân tích các mô hình tổ chức khủng bố và huy động tài chính. Đặc biệt sau vụ tấn công hàng loạt ở Mumbai năm 2008, khả năng chỉ huy khẩn cấp và trình độ trang bị của lực lượng chống khủng bố Ấn Độ đã bị chỉ trích trong nước. Các cơ quan chống khủng bố của Ấn Độ đã tăng cường hợp tác với các cơ quan liên quan của Israel. Mặt khác, khu vực biên giới giữa Israel và Ấn Độ đều đang phải đối mặt với thách thức chiến tranh ở mức độ thấp. Hai nước đã có những trao đổi chuyên sâu về trang thiết bị, phương tiện chống lại các lực lượng vũ trang biên giới bất hợp pháp và cải thiện các khái niệm tác chiến. Để đối phó với các hoạt động bạo lực do các phần tử cực đoan phát động, Ấn Độ có kế hoạch nhanh chóng triển khai quân đội để đạt được các mục tiêu đã đề ra. Trong quá trình truy đuổi các lực lượng vũ trang bất hợp pháp xuyên biên giới, Ấn Độ cần các thiết bị phát hiện và kiểm soát phù hợp để theo dõi, phát hiện và kiểm soát những người vượt biên bất hợp pháp ở khu vực biên giới. Trong khi đó, Israel đã phát triển những thiết bị như vậy trong nhiều năm để đối phó với sự xâm nhập của người Palestine, có nhiều kinh nghiệm cũng như hỗ trợ kỹ thuật.
Ấn Độ và Israel đều phải đối mặt với những thách thức từ những kẻ cực đoan, cả ở trong nước và các khu vực lân cận. Theo quan điểm của Ấn Độ, chính phủ Pakistan khuyến khích những kẻ cực đoan tấn công các mục tiêu ở Ấn Độ khi mục tiêu của chúng phù hợp với lợi ích của Pakistan. “Mặc dù Pakistan tuyên bố là một quốc gia thế tục nhưng nước này đang trở nên cực đoan hóa”. Trong những năm gần đây, các nhà nghiên cứu Israel cũng theo dõi chặt chẽ xu thế phát triển tư tưởng cực đoan ở Pakistan, lo ngại rằng tư tưởng cực đoan của nước này trái ngược về mặt tư tưởng với nhà nước Do Thái.
Đồng thời, cả Israel và Ấn Độ đều lo sợ trước các thế lực cực đoan nổi lên ở các khu vực xung quanh họ trong những năm gần đây. Đặc biệt, ảnh hưởng của “Nhà nước Hồi giáo” đã vượt ra ngoài Syria và Iraq. Những ảnh hưởng của nó đã mở rộng sang Nam Á, Trung Á và những nơi khác. Mặc dù Israel và Saudi Arabia hiện đang tham gia hợp tác chiến lược do những cân nhắc chung trong việc đối phó với Iran, nhưng Israel luôn nghi ngờ về chính sách đối ngoại của Saudi Arabia và tin rằng nước này chưa cắt hoàn toàn viện trợ cho các phần tử cực đoan. Ngoài ra, còn có các cộng đồng Hồi giáo ở Ấn Độ và Israel. Hiện có khoảng 170 triệu người theo đạo Hồi ở Ấn Độ và những xích mích giữa người theo đạo Hindu và đạo Hồi thường nảy sinh do tín ngưỡng tôn giáo. Khoảng 1/5 dân số Israel là người Ả Rập, và chính phủ lo ngại về những đòi hỏi ngày càng tăng của các nhóm Ả Rập và mối quan hệ ngày càng thân thiết của họ với người Palestine là những nhân tố tiềm tàng có thể gây bất ổn. Tính chất đa quốc gia ngày càng nổi bật của chủ nghĩa khủng bố cũng khiến hai nước nhận ra rằng việc hỗ trợ nhau chống khủng bố là để đảm bảo an ninh của chính mình và hợp tác chặt chẽ với nhau hơn.
Ứng phó với thách thức an ninh tại Ấn Độ Dương
Từ lâu, Ấn Độ Dương không phải là khu vực trọng điểm cạnh tranh địa chính trị, trọng tâm của các nước lớn tập trung ở Đại Tây Dương và Tây Thái Bình Dương. Bước sang thế kỷ 21, cùng với sự quan tâm của cộng đồng quốc tế đối với các vấn đề Ấn Độ Dương không ngừng tăng lên, Ấn Độ Dương trở thành khu vực trung tâm của trò chơi địa chính trị. Ấn Độ là lực lượng trên biển quan trọng của khu vực Ấn Độ Dương, đặc biệt là sau khi chính phủ Modi lên nắm quyền đã đưa ra chính sách biển mang tính quyết liệt hơn, không ngừng củng cố sức mạnh các lực lượng trên biển. Những năm gần đây, vai trò ảnh hưởng của Israel ở khu vực Ấn Độ Dương cũng không thể xem thường, nước này rất quan ngại đến chính sách hàng hải của Iran và Pakistan. Những điều này đã trở thành điều kiện quan trọng để hai nước tăng cường hợp tác quân sự.
Trong lịch sử, Israel luôn coi Ấn Độ Dương là tuyến đường giao thông hàng hải quan trọng với các nước Đông Á, đặc biệt khi các nước Ả Rập chặn đường nối đất liền giữa Israel và các nước Đông Á thì các tuyến hàng hải càng trở nên quan trọng hơn. Vì vậy, Israel rất coi trọng các ưu tiên chiến lược ở Ấn Độ Dương và có ý định tiến hành thương mại với các nước ở Nam Á, Đông Nam Á, Đông Phi và các khu vực khác thông qua các điểm chiến lược này. Trong những năm gần đây, ảnh hưởng của Iran ở Trung Đông ngày càng gia tăng, để đối phó với mối đe dọa từ Iran, Israel đã tăng cường đầu tư vào hải quân và lắp đặt một số tàu ngầm mang tên lửa hành trình tầm xa. Israel cho rằng cần có đủ chiều sâu chiến lược và sức mạnh để thực hiện đợt tấn công thứ 2. Đồng thời, việc Israel tăng cường hiện diện lực lượng ở Ấn Độ Dương cũng được coi là nhằm đối phó với Pakistan và ngăn chặn Pakistan phát triển thành một quốc gia bài Do Thái. Ấn Độ là quốc gia có diện tích lớn nhất ở khu vực Ấn Độ Dương, đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực an ninh hàng hải ở Ấn Độ Dương, ủng hộ các cơ chế đa phương như Diễn đàn Hải quân Ấn Độ Dương. Tuy nhiên, Ấn Độ lo ngại Israel sẽ bán vũ khí, thiết bị và công nghệ hàng hải tiên tiến cho các nước cạnh tranh với nước này, làm tăng sức mạnh của các đối thủ ở khu vực Ấn Độ Dương và đe dọa an ninh quốc gia của họ. Do đó, ngành quốc phòng Ấn Độ rất lo ngại về việc Israel bán công nghệ quân sự cho các nước có lợi ích liên quan ở Ấn Độ Dương, đồng thời lo ngại về sự xâm nhập từ bên ngoài vào lãnh thổ và các tuyến đường biển của nước này. Để đảm bảo sự hiện diện chiến lược và an ninh ở Tây Ấn Độ Dương, Ấn Độ, Israel và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đã không ngừng tăng cường hợp tác trong những năm gần đây, thậm chí còn thiết lập các nền tảng hợp tác đa phương để tăng cường phối hợp và liên lạc.
Điều chỉnh chính sách của Mỹ
Sau khi Ấn Độ và Israel thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1992, thương mại quốc phòng luôn chiếm vị trí quan trọng trong quan hệ Ấn Độ – Israel. Ban đầu, Mỹ đóng vai trò là đối thủ trong hợp tác quốc phòng Ấn Độ-Israel, chính quyền Clinton phản đối việc Israel xuất khẩu vũ khí sang Ấn Độ, đặc biệt sau khi Ấn Độ tiến hành vụ thử hạt nhân năm 1998. Mỹ còn yêu cầu Israel cấm chuyển giao công nghệ quân sự cho Ấn Độ. Nhưng Israel nhất quyết tăng cường hợp tác an ninh với Ấn Độ. Không lâu sau vụ thử hạt nhân của Ấn Độ, một phái đoàn ngành công nghiệp hàng không Israel đã đến thăm Ấn Độ và hai bên đã ký kết đơn đặt hàng mua vũ khí lớn để nâng cao trình độ thiết bị điện tử của Ấn Độ. Thiết bị và công nghệ Israel cung cấp cho Ấn Độ hoàn toàn do nước này sản xuất và phát triển độc lập, không sử dụng công nghệ của Mỹ. Do đó Israel đảm bảo với Ấn Độ rằng các thỏa thuận mà Ấn Độ và Israel đã ký kết sẽ được triển khai và thực hiện.
Sau vụ khủng bố “11/9”, chính quyền Bush đã thay đổi thái độ trước đây đối với hợp tác an ninh giữa Ấn Độ và Israel và bắt đầu ủng hộ hợp tác công nghiệp-quân sự giữa hai nước. Đồng thời, chính phủ Đảng BJP do Vajpayee lãnh đạo tiếp tục tăng cường quan hệ ngoại giao với Mỹ và ký kết “Quan hệ Ấn Độ-Mỹ: Triển vọng cho thế kỷ 21”, một văn bản khung định hướng quan hệ Ấn Độ-Mỹ trong thế kỷ 21. Ấn Độ coi Mỹ là đối tác trong quá trình tìm kiếm vị thế cường quốc và Mỹ tin rằng Ấn Độ sẽ đóng vai trò chủ chốt trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu trong tương lai. Để tìm kiếm sự hỗ trợ tích cực từ Mỹ, Ấn Độ và Israel cũng mời Washington là một bên khi thảo luận về hợp tác công nghiệp quân sự. Ví dụ, khi Ấn Độ mua hệ thống cảnh báo sớm Phalcon từ Israel, nước này đã mời các quan chức cấp cao của Mỹ tham gia đàm phán. Sau nhiều năm đàm phán, Mỹ đã đồng ý với thỏa thuận giữa Ấn Độ và Israel. Ngoài ra, Ấn Độ cũng đang tích cực tăng cường quan hệ với cộng đồng người Do Thái ở Mỹ. Năm 2003, Cố vấn An ninh Quốc gia Ấn Độ Mishra đã đến thăm Ủy ban Do Thái ở Mỹ và đề xuất rằng Ấn Độ nên phát triển đồng thời quan hệ với Israel và Mỹ, ông tin rằng Mỹ, Ấn Độ và Israel đều là những quốc gia dân chủ, đều đang đối mặt với mối đe dọa chung, có thể hình thành liên minh nhất định ứng phó với hoạt động khủng bố toàn cầu. Tháng 9/2014, khi ông Modi đến thăm Mỹ, ông tuyên bố rằng Mỹ là một phần không thể thiếu trong chính sách “Liên minh phương Tây” của Ấn Độ và chỉ ra rằng New Delhi và Washington cần tăng cường tham vấn về các vấn đề Trung Đông. Mỹ đã phản ứng tích cực với các đề xuất hợp tác của Thủ tướng Modi. Những trở ngại đối với hợp tác an ninh Ấn Độ-Israel đã được loại bỏ hoàn toàn.
Với sự hỗ trợ tích cực của Mỹ, hợp tác giữa Ấn Độ và Israel không chỉ đạt được những thành tựu mới trong lĩnh vực song phương mà còn đi sâu thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực đa phương. Đặc biệt là tăng cường phối hợp chính sách an ninh ở khu vực Trung Đông. Tháng 10/2021, ngoại trưởng Ấn Độ, Israel, UAE, Mỹ đã tổ chức “Diễn đàn kinh tế phương Tây” trực tuyến để tiến hành trao đổi chuyên sâu về các vấn đề như kinh tế, chính trị khu vực, an ninh hàng hải và các vấn đề khác. Ấn Độ cũng tích cực tham gia vào quá trình hòa giải Ả Rập-Israel do Mỹ chủ trì, tham gia “Cơ chế Bộ tứ Trung Đông” (Cơ chế I2U2) được xây dựng trên cơ sở “Thỏa thuận Abraham”. Tháng 07/2022, các nhà lãnh đạo Mỹ-Ấn-Israel (cơ chế I2U2) đã tổ chức cuộc họp video đầu tiên để tham vấn về xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển thương mại trong khu vực. Chính sách của Mỹ ở Trung Đông đã tác động đến Chính phủ Ấn Độ. “Cơ chế bộ tứ Trung Đông” đánh dấu sự phá vỡ hoàn toàn chính sách của Ấn Độ về vấn đề khu vực Trung Đông, phá bỏ truyền thống chống phương Tây, “coi nhẹ phương Tây”. Đồng thời tiếp thêm năng lượng mới cho giao lưu hợp tác với các nước Trung Đông trên lĩnh vực đa phương, trong khi thái độ ủng hộ của Mỹ là nhân tố thúc đẩy.
Tác động của hợp tác an ninh Ấn Độ-Israel đối với Trung Quốc
Là hai nước có tầm ảnh hưởng quan trọng ở khu vực Nam Á và Trung Đông, việc tăng cường hợp tác an ninh giữa Ấn Độ và Israel tất nhiên sẽ có tác động phức tạp đối với an ninh khu vực. Đồng thời sẽ gây ảnh hưởng đến quan hệ Trung Quốc – Ấn Độ và sáng kiến “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc.
Thứ nhất, chính sách ngoại giao “Liên minh phương Tây” của New Delhi làm cho cho chính sách ngoại giao của họ cân bằng hơn, nhưng nó cũng đặt ra những thách thức mới đối với việc thúc đẩy chính sách Trung Đông của Bắc Kinh. Ấn Độ là nước nhập khẩu năng lượng lớn và Trung Đông là nguồn nhập khẩu năng lượng chính của nước này. Ấn Độ luôn duy trì liên lạc với các cường quốc dầu mỏ vùng Vịnh. Sau khi chính phủ Modi lên nắm quyền vào năm 2014, Ấn Độ đã nhanh chóng tái cân bằng chính sách Trung Đông bằng cách tăng cường quan hệ an ninh với Israel. Sự phát triển nhanh chóng của quan hệ Ấn Độ-Israel không khiến một số nước Ả Rập tức giận như Ấn Độ lo ngại. Điều này cũng khiến Ấn Độ có cách tiếp cận chủ động hơn trong việc phát triển quan hệ với Israel. Ngoài ra, hợp tác an ninh Ấn Độ-Israel cũng có nghĩa là chính sách đối ngoại của Ấn Độ đã chuyển từ “hướng Đông” được đề xuất sau Chiến tranh Lạnh sang “cùng coi trọng Đông-Tây”. Tức vừa coi trọng tăng cường hợp tác với các nước Đông Á có kinh tế phát triển, vừa coi trọng hợp tác phát triển với các nước Ả Rập giàu năng lượng. Việc Ấn Độ và Israel cùng tham gia “Bộ tứ Trung Đông” vào năm 2021 càng khẳng định đặc điểm ngoại giao của Ấn Độ là “cân bằng Đông Tây”, phù hợp với mục tiêu chiến lược của Chính phủ Modi là trở thành quốc gia “có tiếng nói”. Ấn Độ phải có khả năng tiến hành các hoạt động chiến lược ở các khu vực trọng điểm, triển khai các lực lượng để phù hợp với vị thế cường quốc của mình. Hiện tại, Ấn Độ đang chuyển đổi từ một đối tác ngoại vi trong lợi ích vùng Vịnh thành một quốc gia có thể ảnh hưởng đến các cân nhắc chiến lược của các nước vùng Vịnh.
Việc Ấn Độ tăng cường hiện diện chiến lược ở Trung Đông đã đặt ra những thách thức mới đối với chính sách của Trung Quốc ở Trung Đông. Trước đây, bất kể là Israel hay các nước Ả Rập hầu hết đều áp dụng chính sách thân thiện với Trung Quốc. Không có ý định hợp tác với Mỹ trong cuộc cạnh tranh nước lớn ở Trung Đông, sẵn sàng tăng cường hợp tác đôi bên cùng có lợi với Trung Quốc trên các lĩnh vực từ nhiều góc độ khác nhau. Tuy nhiên, sau cuộc xung đột đẫm máu ở Galwan vào tháng 6/2020, Chính phủ Modi kiên quyết “thiết lập lại” quan hệ với Trung Quốc và khẳng định vấn đề biên giới gắn liền với sự phát triển chung của quan hệ song phương. Hiệu quả hợp tác giữa Trung Quốc và Ấn Độ giảm dần và trò chơi địa chiến lược gia tăng căng thẳng. Trong bối cảnh này, sự tham gia của Ấn Độ vào các vấn đề Trung Đông không nhìn nhận các chính sách của Trung Quốc từ góc độ hợp tác mà nhìn Trung Quốc từ góc độ cạnh tranh địa lý. Do đó Ấn Độ có thể áp dụng biện pháp “ràng buộc” an ninh sâu sắc với Mỹ để tăng cường hiện diện chiến lược ở Trung Đông, từ đó mở rộng khu vực cạnh tranh với Trung Quốc từ Đông Á, Nam Á đến khu vực Trung Đông.
Thứ hai, dựa vào sự hợp tác ngày càng tăng với Israel và các nước khác, Ấn Độ đã tham gia khởi động các dự án kết nối mới. Ở một mức độ nhất định, điều này đã cản trở sáng kiến “Một vành đai, Một con đường” của Trung Quốc. Tháng 9/2023, tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 Ấn Độ đề xuất “Hành lang kinh tế Trung Đông Ấn Độ châu Âu” (tức kế hoạch IMEC). Kế hoạch này là phiên bản Ấn Độ với mục tiêu xây dựng các tuyến đường vận tải qua UAE, Ả Rập Xê Út, Jordan, Israel và Hy Lạp để kết nối từ Ấn Độ qua Bán đảo Ả Rập đến Tây Âu. Người ta nói rằng “con đường gia vị hiện đại” này bao phủ 40% dân số thế giới. Nhiều học giả Ấn Độ lạc quan về việc xây dựng hành lang và tin rằng đây là “con đường địa kinh tế và địa chiến lược xuyên quốc gia, đa khu vực đầy tham vọng nhất”, nhằm mục đích “kích thích phát triển kinh tế và hội nhập kinh tế giữa Ấn Độ, châu Âu và Tây Á”. Hành lang kinh tế Ấn Độ-Trung Đông-Châu Âu này lấy việc duy trì quyền tự chủ chiến lược và lợi ích quốc gia của Ấn Độ làm cơ sở. Ấn Độ dự định sử dụng nó như một cơ hội để xây dựng trật tự toàn cầu mới, can thiệp sâu vào Trung Đông, kết nối Âu-Á, lấy đây là điểm tựa để tham gia hợp tác và phát triển kinh tế toàn cầu.
Sau khi đề xuất “Hành lang kinh tế châu Âu – Ấn Độ – Trung Đông” đã thu hút sự chú ý của quốc tế. Mỹ đóng vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng hành lang này từ lúc ấp ủ đến khi đề xuất, có ý định xây dựng nó thành dự án đối trọng với sáng kiến “Một vành đai một con đường” của Trung Quốc. Nâng cao năng lực cạnh tranh của Ấn Độ-Mỹ với Trung Quốc ở khu vực Trung Đông và Tây Âu. Vì vậy, dự án này không mang tính toàn diện, mang nặng hình thái màu sắc ý thức hệ, vừa loại trừ Trung Quốc có thể cung cấp hỗ trợ kỹ thuật, cũng không mời các nước quan trọng trong khu vực như Iran, Thổ Nhĩ Kỳ tham gia. Đây được cho là biện pháp quan trọng để Ấn Độ, Mỹ và các nước phương Tây chống lại việc Trung Quốc bành trướng lực lượng ở Trung Đông.
Thứ ba, sự mất cân bằng địa chính trị gia tăng ở Nam Á có thể thúc đẩy Ấn Độ áp dụng chính sách mạo hiểm hơn đối với Trung Quốc. Bố cục địa chính trị khu vực Nam Á sau Chiến tranh Lạnh đã thể hiện đặc trưng “Ấn Độ mạnh, Pakistan yếu”. Cán cân lực lượng Ấn Độ và Pakistan nhìn chung phát triển theo hướng có lợi cho Ấn Độ. Dưới sự hỗ trợ mạnh mẽ của ngành công nghiệp quân sự Israel, quân đội Ấn Độ đang đẩy nhanh cải tiến hệ thống chỉ huy, nâng cao năng lực tác chiến điện tử. Trong điều kiện chiến tranh hiện đại, khả năng công nghệ ngày càng tăng của Quân đội Ấn Độ sẽ làm tăng thêm điểm yếu trong lĩnh vực quốc phòng Pakistan. Đồng thời, về mặt ngoại giao, Ấn Độ tăng cường quan hệ với Israel và các nước Ả Rập, tiếp tục phân hóa thái độ của các nước Hồi giáo đối với Pakistan. Làm suy yếu sự ủng hộ của các nước như Saudi Arabia đối với các phương diện kinh tế, năng lượng cũng như các khía cạnh khác của Pakistan. Ấn Độ ra sức lôi kéo bạn bè của Pakistan ở các nước Ả Rập, nhằm làm suy yếu sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế dành cho nước này trong vấn đề Kashmir, thu hẹp không gian cứu vãn ngoại giao của Pakistan.
Trong một thời gian dài, Ấn Độ coi Pakistan là một mối đe dọa thực sự. Tuy nhiên, khi sức mạnh quốc gia của Ấn Độ ngày càng tăng, khoảng cách thực lực giữa Ấn Độ và Pakistan ngày càng mở rộng. Chính phủ Ấn Độ và các lực lượng đối lập đã bắt đầu hạ thấp mối đe dọa của Pakistan đối với Ấn Độ. Đồng thời tiếp tục kích động dư luận tập trung vào vấn đề chống Trung Quốc. Cần phải nói, giấc mơ trở thành cường quốc “có tiếng nói” của Ấn Độ bị bao phủ bởi một Trung Quốc hùng mạnh. Nước này không lúc nào không nghĩ đến việc “đối địch” với Trung Quốc. Trung Quốc đã trở thành đối thủ cạnh tranh hoặc vượt qua vị thế cường quốc của Ấn Độ và đây cũng là nhân tố bên ngoài quan trọng nhất ảnh hưởng đến chính sách ngoại giao của nước này. Đặc biệt sau khi Chính phủ Modi lên nắm quyền, sau nhiều năm thực hiện chính sách “Pakistan yếu”, Pakistan không còn là đối thủ chiến lược “có năng lực” và Ấn Độ bắt đầu điều chỉnh lại các mục tiêu tham chiếu của mình. Vì vậy, trong những năm gần đây, Ấn Độ đã đẩy nhanh việc triển khai quân sự và các nguồn lực chiến lược tới biên giới Trung-Ấn. Chính sách đối với Trung Quốc là tìm kiếm rủi ro và thể hiện sức mạnh, chủ nghĩa cơ hội ngày càng trở nên mạnh mẽ.
Trong khi đối mặt với những rủi ro và thách thức tiềm tàng do hợp tác an ninh Ấn Độ-Israel mang lại, cũng nên thấy rằng, hợp tác an ninh Ấn Độ-Israel đã tăng cường năng lực chống hải tặc và chủ nghĩa khủng bố ở khu vực Ấn Độ Dương, có lợi cho bảo vệ an ninh khu vực Ấn Độ Dương, gián tiếp có lợi cho Trung Quốc và Ấn Độ tăng cường hợp tác an ninh phi truyền thống ở Ấn Độ Dương. Hiện nay, Israel đã trở thành nhà cung cấp vũ khí hàng đầu của Ấn Độ, Ấn Độ cũng đã trở thành đối tác chiến lược nghiên cứu chế tạo phát triển vũ khí của Israel. Về an ninh hàng hải, xung quanh Ấn Độ có nhiều trục giao thông hàng hải huyết mạch, kênh đào Suez, eo biển Malacca đều ở khu vực gần lãnh thổ. Cân nhắc đến an toàn tuyến đường vận tải năng lượng và hàng hóa trên biển, Ấn Độ đã nhiều lần điều tàu chiến thực hiện nhiệm vụ tấn công cướp biển ở vùng biển Ấn Độ Dương. Bên cạnh đó, hoạt động của các phần tử khủng bố ở các nước ven bờ Ấn Độ Dương gia tăng, hợp tác thông tin tình báo giữa Ấn Độ và Israel, huấn luyện chung nhân viên tinh nhuệ chống khủng bố đã tăng cường năng lực chống khủng bố của Ấn Độ, có lợi cho tấn công các phần tử cực đoan như “Nhà nước Hồi giáo” cố thủ ở ven bờ Ấn Độ Dương. Trung Quốc chia sẻ lợi ích chung với Ấn Độ và Israel trong việc duy trì các lĩnh vực an ninh phi truyền thống và chống cướp biển, chống khủng bố. Do vậy, bên cạnh các tác động tiêu cực, việc tăng cường hợp tác an ninh Israel – Ấn Độ cũng là cơ sở để Trung Quốc tăng cường hợp tác an ninh với Ấn Độ và Israel ở khu vực Ấn Độ Dương.
Kết luận
Chính phủ Modi thông qua “Chính sách liên minh phương Tây” và tăng cường hợp tác với Israel đã nâng cao vị thế cường quốc của Ấn Độ. Việc trao đổi các chuyến thăm giữa các nguyên thủ quốc gia và ký kết các văn kiện hợp tác đã đáp ứng được kỳ vọng của người dân đối với chính sách ngoại giao nước lớn, nâng cao lòng tự hào dân tộc của Ấn Độ. Sự cải thiện quan hệ giữa Ấn Độ và các nước Trung Đông cũng phản ánh rằng các nước Trung Đông công nhận vị thế của Ấn Độ là một cường quốc khu vực và một nước “chuẩn cường quốc thế giới”, sẵn sàng thực hiện đầu tư chính trị và an ninh cần thiết bằng cách tăng cường hợp tác với Ấn Độ. Tuy nhiên, Ấn Độ đã gia nhập Trung Đông với tư cách là một thế lực mới và bản sắc của nước này rõ ràng khác với các cường quốc truyền thống của phương Tây như Mỹ, Nga và châu Âu, đã làm thay đổi tình trạng cô lập của Trung Quốc với tư cách là nước đang phát triển lớn duy nhất ở khu vực này. Đối với các quốc gia ở Trung Đông, Ấn Độ không chỉ có khả năng điều phối chính sách giữa Israel và các nước Ả Rập mà còn có thể đóng vai trò là đại diện cho các nước đang phát triển đạt được sự trao đổi chính sách với Mỹ và các nước phương Tây. Việc tăng cường hợp tác an ninh giữa Ấn Độ và Israel chắc chắn sẽ thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ của Ấn Độ với Mỹ và các nước phương Tây. Ấn Độ là đại diện của các nước đang phát triển ở Trung Đông sẽ được công nhận rộng hơn. Vì vậy, về lâu dài trong tương lai, “Chính sách liên minh phương Tây” của Chính phủ Modi sẽ tiếp tục phát triển và ảnh hưởng của Ấn Độ đối với các vấn đề Trung Đông cũng sẽ ngày càng gia tăng.
Ấn Độ tăng cường hợp tác an ninh với Israel, tăng cường thúc đẩy “chính sách liên minh phương Tây”, chắc chắn sẽ có tác động đối với chính sách Trung Đông của Trung Quốc. Trước đây, Trung Quốc áp dụng chính sách trung lập, khuyến khích các bên đối thoại giải quyết tranh chấp, nhấn mạnh sử dụng biện pháp ngoại giao thay vì vũ lực giải quyết tranh chấp. Hiện nay Ấn Độ cũng bắt đầu cố gắng hòa giải tranh chấp giữa các nước Trung Đông. Tuy nhiên, Trung Quốc cần hết sức chú ý đến sự tham gia của Ấn Độ, nhưng tạm thời không cần quá lo ngại. Một mặt, dự án “Hành lang kinh tế Ấn Độ Trung Đông và châu Âu” do Ấn Độ tham gia thúc đẩy “thiếu kinh phí”. Các nước tồn tại không ít bất đồng về việc thực hiện cụ thể. Mặt khác, sự tham gia hiện nay của Ấn Độ vào các vấn đề Trung Đông vẫn lấy hợp tác song phương làm chính, vẫn chưa tạo ra cơ chế sắp xếp mang tính rộng rãi và mang tính hệ thống. Vì vậy, bất kể là sự giúp đỡ thực sự đối với sự phát triển kinh tế của các nước Trung Đông hay là xây dựng nền tảng đa phương mở rộng sức ảnh hưởng của đối thoại, Ấn Độ vẫn còn một chặng đường dài phía trước. Đương nhiên, đối với hành động tấn công cướp biển và phần tử cực đoan ở Ấn Độ Dương và các nước ven biển, Trung Quốc và Ấn Độ có thể gác lại mâu thuẫn, tiếp tục tăng cường hợp tác, bảo vệ có hiệu quả lợi ích chiến lược của hai nước và các nước trong khu vực./.
Biên dịch: Nguyễn Phượng
Về các tác giả:
Phó Giáo sư Tôn Hiện Phác hiện công tác tại Trường Đảng Trung ương (Đảng Cộng sản) của Trung Quốc, là lãnh đạo cấp phó của Viện Châu Á thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế;
Dương Bân Hân là học viên cao học tại Trường Đảng Trung ương (Đảng Cộng sản) của Trung Quốc.
Ghi chú: Bài viết được đăng trên Tạp chí Khoa học của Viện Hành chính Vân Nam (Trung Quốc), Số 1-2024, trang 142-153. Các trích dẫn tham khảo của bài báo khoa học này đã được lược giản. Quan điểm nghiên cứu của bài viết thể hiện góc nhìn riêng của các tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]