Bạo lực đỉnh điểm, băng đảng tiếm quyền và khủng hoảng nhân đạo đã một lần nữa “giúp” Haiti thu hút ánh nhìn từ khắp nơi trên thế giới.
Kể từ trung tuần tháng 2/2024, cuộc khủng hoảng sâu sắc và kéo dài tại đảo quốc Caribe này và cả tin tức về nó trên các phương tiện truyền thông thế giới tăng tốc đáng kinh ngạc. Báo chí quốc tế không tiếc dùng những tính từ ảm đạm nhất để mô tả thảm họa Haiti như một thất bại hoàn toàn và vô vọng.
Thủ tướng mà trên thực tế là tổng thống tạm quyền Ariel Henry – người thay tế cố tổng thống bị ám sát Jovenel Moise – cuối cùng đã từ chức ngày 11/3 và tạm thời ở lại Puerto Rico. Về ngắn hạn, hoạt động can thiệp từ bên ngoài – cả vũ trang và nhân đạo – dường như là không thể tránh khỏi, trong khi các cuộc thảo luận định đoạt tương lai đất nước đang diễn ra tại Haiti với trợ giúp của Cộng đồng Caribe (CARICOM) và dưới áp lực của Mỹ.
Nhưng nếu đặt sang một bên chủ nghĩa duy cảm và sự tò mò trước những điều kỳ lạ, để hiểu đúng quy mô và bối cảnh của tình thế Haiti hiện tại, cần có cái nhìn phân tích theo 3 bước: giải ảo những điểm giật gân nhưng thiếu chính xác về câu chuyện Haiti đang được lan truyền, tái lập lại các sự kiện cũng như hệ quả liên quan và phân tích những yếu tố quyết định “cuộc chơi” ngày hôm nay. Nói cách khác là đưa ra ánh sáng những vấn đề và thách thức chung nhất mà Haiti đang đối mặt đằng sau hình ảnh về tính ngoại lệ thường thấy.
Giải ảo những sai lệch
Thói quen của truyền thông quốc tế mô tả Haiti theo lối “kể chuyện dân gian”, thiếu nghiêm túc và nhận định toàn diện, và thậm chí thiếu cả thông tin đáng tin cậy. Đó không phải là điều mới mẻ. Trong những tuần qua, đất nước Caribe này hiện lên trên những tiêu đề của báo chí thế giới như một xứ sở hỗn loạn nơi tình trạng băng đảng bừa bãi khiến khoảng 5.000 người bị sát hại mỗi năm.
Các phương tiện truyền thông này tường thuật kỹ càng từng chi tiết và đăng tải những hình ảnh tác động mạnh về những hành vi thái quá của các băng đảng tội phạm “đang kiểm soát 80% thủ đô” Port-au-Prince. Theo họ, tần suất và cường độ của các cuộc tấn công này không còn mang tính ngẫu nhiên, mà các băng đảng đột kích theo một lịch trình có hệ thống vào các trụ sở công, trại giam, bệnh viện, trường học và các cơ sở đầu não kinh tế như cảng biển hay sân bay. Phản ứng trước tình trạng này, một phần của các phái đoàn ngoại giao, bao gồm của cả Liên minh châu Âu và Mỹ, đã rời bỏ Haiti dưới danh nghĩa “sơ tán”.
Sau vài tuần “kết minh”, các băng đảng chủ chốt tại Haiti đã ra tuyên bố thủ tướng Ariel Henry là “nhân vật không được hoan nghênh”, tự quảng bá là những thế lực ép buộc nhận vật này ra đi, thậm chí đe dọa tiến hành “nội chiến” và “thảm sát” nếu ông không từ chức.
Cuộc xung đột hiện tại được giới thiệu chủ yếu như cuộc đối đầu giữa các băng đảng tội phạm – những nhóm đã tiến hành một vài cuộc ám sát hàng loạt được chính phủ tạm quyền ngó lơ khi những hành vi côn đồ thái quá này có lợi cho họ trong việc trấn áp các phong trào đấu tranh quần chúng thực sự, đồng thời kiểm soát thủ đô và một số vùng lân cận – với một chính phủ khiếm khuyết và đã tan rã từ ngày 7/2 vừa qua. Đúng lúc này, các tuyên bố của một trong những thủ lĩnh băng đảng khét tiếng nhất, cựu sĩ quan cảnh sát Jimmy Cherisier, biệt danh “Barbecue”, cho thấy mục đích mà các nhóm tội phạm này hướng tới lại đột nhiên mang tính “cách mạng” và rằng họ muốn bảo vệ Haiti trước bất kỳ sự can thiệp nào từ bên ngoài. Và như vậy, họ điềm nhiên thay thế nhà nước đã biến mất của Haiti, và hình mẫu kiểu Robin Hood thời hiện đại này lại trở thành “truyền thuyết” mới được khai thác cho những người tò mò.
Trên thực tế, không khó để vạch trần những cách thức trình bầy bóp méo và dối trá này về các sự kiện và tình hình tại Haiti, cho dù điều này cũng kèm theo nguy cơ giảm nhẹ mực độ nghiêm trọng và quy mô của cuộc khủng hoảng mà đất nước Caribe này đang trải qua. Đơn cử nhưng không có bất cứ cuộc tấn công nào vào các trụ sở công được mô tả biến thành việc phá hủy hay chiếm đóng lâu dài các tòa nhà và cơ quan công quyền này, và nhiều phái đoàn ngoại giao và nhân viên các tổ chức quốc tế hoàn toàn có thể ở lại Haiti mà không vấp phải nguy hiểm lớn nào.
Hơn nữa, Haiti không chỉ có Port-au-Prince, và hơn 7 triệu người dân (trong tổng dân số 11,5 triệu người) không sống tại thủ đô vẫn tiếp tục sản xuất, lao động và đấu tranh bất chấp những khó khăn khi không lưu thông thuận tiện được với thủ đô và cũng là đầu não kinh tế đất nước. Nhưng trên hết, phải nhấn mạnh rằng, ngay từ thời điểm ra đời vào đầu thế kỷ XXI, các băng đảng tội phạm đã luôn tấn công, sát hại, cướp bóc và xua đuổi khỏi khu phố hầu như chỉ những thành phần quần chúng và nghèo đói nhất Haiti. Sẽ không bao giờ có nội chiến trong bối cảnh mà chỉ có bạo lực và giành giật địa bàn là động cơ của các băng đảng, những kẻ không có một ý thức hệ nào khác ngoài tư tưởng tội phạm.
Thêm nữa, cũng không còn gì là bí mật rằng những nhân vật hùng mạnh nhất trong giới tư nhân, giai cấp chính trị gia và cả mafia là nguồn gốc của quá trình phát triển và nguồn cung vũ khí dồi dào của cho các nhóm tội phạm này.
Tới thời điểm này, mới chỉ một số các thế lực chu cấp tài chính cho các băng đảng này bị giới chức các nước có liên quan hoặc có lợi ích (Mỹ, Canada, Cộng hòa Dominica) “trừng phạt”. Do vậy, không thể coi những bầy đàn luôn nghe theo lệnh chủ nhân này – cho dù gần đây chúng có được những người chi trả cho mình nới lỏng đôi chút – là một phần cho giải pháp nghiêm túc tại Haiti.
Nghiêm trọng hơn, có thể nhận thấy xu hướng công cụ hóa và khôi phục với mục đích chính trị lời kêu gọi mang tính dân tộc chỉ nghĩa về một giải pháp nội tại cho cuộc khủng hoảng Haiti. Lời tuyên truyền này trong lập luận của giới băng đảng không hề là ngẫu nhiên hay bột phát. Lập luận này bỏ qua hoàn toàn lịch sử những người từng ủng hộ một giải pháp Haiti cho cuộc khủng hoảng và những vấn đề then chốt đang được đàm phán xung quanh khả năng can thiệp từ bên ngoài.
Mặt khác của đồng tiền là nhưng lời kêu gọi liên tục về nhu cầu nhân đạo ngày càng tăng tại đảo quốc này, hiện đã tới mức nguy kịch mà Liên hợp quốc ước tính trị giá gói hỗ trợ lên tới 700 triệu USD, một con số trên thực tế cũng tương đương với nguồn tài chính cho một lực lượng an ninh đa quốc gia thực hiện nhiệm vụ tại Haiti. Trong số những nhu cầu khẩn cấp được nêu, có những nhu cầu rất cơ bản như lương thực, nước sạch và thuốc men, mà tình trạng thiếu hụt đang đe dọa trực tiếp mạng sống của người dân đô thị, đặc biệt tại thủ đô Port-au-Prince.
Trong tổng quan này, Haiti hiện lên như một vùng đất ưu tiên cho một đợt xung phong giải cứu quốc tế cả về nhân đạo lẫn an ninh. Liên hợp quốc và Hội đồng Bảo an của thể chế toàn cầu này, Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS), Cộng đồng Caribe và thậm chí cả G-20 đã phân tích cuộc khủng hoảng Haiti và đưa ra nhiều quan điểm theo những cách khác nhau, nhưng với đặc điểm chung là không bên nào cam kết dứt điểm hồ sơ Haiti. Đằng sau những diễn văn hiện tại về cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Haiti, có một tiến trình phức tạp liên quan tới đa phần những nhân tố quốc tế đang muốn “giúp đỡ” này.
Cuộc khủng hoảng hiện tại: một vài ghi nhớ và đính chính
Để hiểu cuộc khủng hoảng Haiti hiện tại, cần nhớ lại những giai đoạn khác nhau của quá trình Nhà nước Haiti sụp đổ, vì thực sự ngày hôm nay cơ chế đó đã tan tành. Không một thể chế then chốt nào còn hoạt động, thậm chí ngay cả Chính phủ vừa giải tán cũng không hề có tính chính danh và hợp pháp nào. Tuy nhiên, thực trạng này là hệ quả của một quá trình lịch sử, mà ở đây chỉ xin nhắc lại một số sự kiện then chốt.
Giới truyền thông thường đánh dấu ngày khởi đầu của cuộc khủng hoảng trầm trọng hiện tại của Haiti là ngày 7/6/2021 – khi Tổng thống Moise bị ám sát một cách dã man tại dinh thự của mình. Trên thực tế, quá trình hủy hoại Nhà nước Haiti đã bắt đầu từ 2011, khi một mệnh lệnh quốc tế đã đưa ca sĩ Michel Martelly lên cương vị Tổng thống: OAS, Đại sứ quán Mỹ và phái đoàn Liên hợp quốc tại Haiti đã can thiệp để điều chỉnh kết quả của cả 2 vòng bầu cử theo hướng có lợi cho Martelly.
Cách hành xử hoàn toàn xem thường những nghĩa vụ, lịch trình và thậm chí cả những nghi lễ liên quan tới công tác điều hành của Nhà nước ngày càng lan rộng và tất nhiên đối với tất cả những gì liên quan tới công quyền. Khi nhiệm kỳ Martelly kết thúc, Haiti đã không còn đủ điều kiện để thực hiện lịch trình bầu cử thông thường. Đó là lúc cuộc khủng hoảng thứ hai nổ ra trong cuộc bầu cử và lần tiến hành lại bắt buộc vào các năm 2015 – 2016, với kết quả là Jovenel Moise lên cầm quyền. Đó cũng là cuộc bầu cử gần nhất được tiến hành tại Haiti: các cuộc bầu cử nghị viện và địa phương được ấn định lần lượt vào các năm 2019 và 2020, cùng cuộc bầu cử tổng thống lẽ ra phải tiến hành vào năm 2020 đều không được thực hiện.
Vụ sát hại tổng thống từng làm rúng động thế giới năm 2021 đã mở ra một giai đoạn mới cho quá trình tan rã Nhà nước Haiti. Đầu tiên, đó là việc nhân vật dân cử cuối cùng cầm quyền – cho dù với quyền lực khiếm khuyết – đã không còn; kế đó là tội ác này đã khiến bùng phát “cuộc chiến kế vị” trong đó vai trò của các nhà bảo trợ quốc tế – tự gọi là Nhóm Hạt nhân (Core Group) – đã thể hiện quyền lực của mình với việc chỉ định thông qua một thông điệp Twitter. Nhóm quyền lực này bao gồm Đức, Brazil, Canada, Tây Ban Nha, Mỹ, Pháp, Liên minh châu Âu, OAS và chính phái đoàn Liên hợp quốc tại Haiti.
Cuối cùng, trong vòng 32 tháng kể từ tháng 7/2021 tới nay, các yếu tố của bối cảnh hỗn loạn ngày hôm nay từng bước hình thành: quyền lực nhà nước hao mòn và bị xóa bỏ hoàn toàn với việc tiếng nói chính thức cuối cùng của nó – thủ tướng tạm quyền Henry – bước ra khỏi vũ đài; hoạt động tội phạm, được thả lỏng từ thời cựu Tổng thống Martelly, giờ đây vượt mọi khuôn khổ trước sự thụ động mang tính hệ thống của cảnh sát và hành chính công; tầng lớp chính trị tan vỡ trong những cuộc đấu đá nội bộ hoặc đảng phái, rất nhiều lần chỉ thuần túy từ quyền lợi nhóm hoặc cá nhân.
Song song với đó, từ năm 2020, một mặt trận các tổ chức xã hội dân sự cũng thành hình, nỗ lực kích thích đời sống chính trị tích cực và tìm kiếm một chỗ đứng trong cuộc tìm kiếm một lối thoát cho đất nước. Tháng 3/2021, Ủy ban Tìm kiếm lối thoát Haiti cho Khủng hoảng (CRSC) ra đời và vài tháng sau tổ chức này đưa ra Thỏa thuận 30/8 hay Thỏa thuận Moncada. Hội nhóm này rõ ràng là một tiếng nói mạnh mẽ từ xã hội và đã soạn thảo không ít đề xuất thực tiễn có thể đặt lên bàn đàm phán. Trên thực tế, nỗ lực khởi động một tiến trình chính trị mà CARICOM thúc đẩy tại Haiti dựa trên những đề xuất của CRSC, điển hình là đề xuất trong Thỏa thuận Moncada về một cương vị tổng thống tập thể bước đầu lấp chỗ trống trong bộ máy hành pháp.
Một điều hiển nhiên là sự suy kiệt của mô hình cầm quyền và các cấu trúc xung quanh mô hình đó chính là tâm điểm của cuộc khủng hoảng toàn diện hiện tại. Nếu nhìn thẳng vào sự thật, trong bối cảnh tan rã về xã hội và suy kiệt về tổ chức, chỉ có sự kiểm soát quyền lực từ Nhóm Hạt nhân, đặc biệt là Mỹ, mới giải thích được sự duy trì tới hơn 2 năm rưỡi một chính quyền hành pháp vừa bất hợp pháp, không có nhân lực và tài lực, vừa bị cả xã hội tẩy chay như tại Haiti.
Những vấn đề then chốt
Tình trạng bế tắc hiện tại bắt đầu, xét theo sự việc cụ thể, từ yêu cầu mà cựu thủ tướng Henry trình Liên hợp quốc ngày 2/10/2023. Quyết định tổ chức một sứ mệnh đa quốc gia để hỗ trợ an ninh Haiti được thông qua tại thể chế toàn cầu này. Sáng kiến này đã gây ra 2 luồng phản ứng mà cuối cùng đã bóp nghẹt các cơ sở ủng hộ vốn đã yếu kém của chính phủ tạm quyền.
Đầu tiên là sự phản đối của đa số người dân Haiti đối với sự can thiệp của các lực lượng vũ trang nước ngoài, như đã được phản ánh trong Thỏa thuận Moncada, thậm chí từ chính những đồng minh của Chính phủ. Thứ hai là hệ lụy của một lời kêu gọi can thiệp là sự xen ngang công khai từ bên ngoài vào các quyết định mang tính quốc gia. Cũng ngay lập tức, nẩy sinh vấn đề ai sẽ là người đảm trách thực hiện nghị quyết của Liên hợp quốc.
Mỹ, bên thúc đẩy thực sự nghị quyết này, ban đầu tiến hành tham vấn với Canada, sau đó hướng tới cá nước Caribe và Mỹ Latinh để tìm “người đồng hành” và cuối cùng là Kenya. Tại Haiti, nổi lên các cuộc tranh luận nội bộ về sự can dự của lực lượng cảnh Kenya, trong tình trạng an ninh và bạo lực băng đảng liên tục gia tăng với tốc độ chóng mặt và dường như không thể kìm hãm trong bối cảnh Nhà nước bị xóa sổ.
Với tình trạng lan tràn các vụ tấn công, bắt cóc, sát hại trong các khu đông dân cư (Bel Air, Carrefour-Feuille, La Plaine, Torcel là những khu phải hứng chịu các hành vi tấn công đặc biệt đẫm máu, nhằm xua đuổi đồng thời hàng trăm gia đình đang phải ẩn náu trong các tòa nhà công vốn không có chức năng tiếp đón họ) và quá trình mở rộng theo cấp số nhân các nhóm tội phạm cùng sự bành trước của chúng ra các khu vực xung quanh Port-au-Prince, thủ đô Haiti đang bị tê liệt một phần và ngày càng bị cô lập với phần còn lại của đất nước. Điều đáng nói là những kẻ gangster này kiểm soát số lượng súng đạn đồ sộ. Trước quá trình phân rã xã hội này, nổi cộm thái độ bất động toàn diện và đáng ngờ của giới tư bản đầu sỏ, cho dù họ cũng là bên chịu tác động.
Điểm đáng chú ý nhất là sự yếu kém đa chiều của giai cấp chính trị, những người ngày hôm nay phải đối diện trong trạng thái chia rẽ quá trình chuyển tiếp sau khi vị thủ tướng tạm quyền rời bỏ đất nước.
“Sự chuyển tiếp” từng là đề tài thường trực kể từ khi nền độc tài của gia đình Duvalier kết thúc quá trình gần 3 thập kỷ cầm quyền của mình vào năm 1986. Cho dù ở cùng khu vực và chia sẻ bầu không khí văn hóa chính trị của những cuộc chuyển tiếp và điều chỉnh, khác với các xã hội cùng châu lục với các vấn đề tương tự, Haiti không xây dựng và ổn định được một hệ thống chính trị theo chu kỳ và với nghĩa vụ ràng buộc đối với cá lực lượng chính trị cầm quyền. Ngày nay, đây là vấn đề trọng yếu nhất trong các mối bận tâm của các nước can thiệp vào Haiti, trong đó ngoài các cường quốc truyền thống còn có cả Cộng hòa Dominica, Mexico, Brasil và một vài quốc gia Caribe khác.
Như vậy, vấn đề chuyển tiếp đặt ra hai nghi vấn để thấu hiểu trường hợp Haiti. Đầu tiên, là cách thức dàn xếp giữa các thế lực liên quan để đạt được nhưng đồng thuận tối thiểu để có thể tiến hành chuyển tiếp. Chính trường Haiti vốn bao gồm một nhóm đông các chính đảng nhỏ, có định hướng tư tưởng nhất định nhưng rất yếu kém về tổ chức. Đây vừa là nguyên nhân vừa là hệ quả của xu hướng phân nhỏ bối cảnh chính trị và “giữ nguyên hiện trạng” vốn có lợi cho giới tư bản đầu sở và cho phép các thế lực bên ngoài kiểm soát dễ dàng hệ thống chính trị, đặc biệt là cơ chế bầu cử của Haiti.
Từ năm 2000, thái độ chán ghét của giới cử tri là khá rõ ràng, và từ năm 2011 không có cuộc bầu cử nào diễn ra mà không có các làn sóng biểu tình ồ ạt đi kèm. Tình trạng bất ổn chính trị, và trạng thái đình đốn của các dự án công, tính đứt đoạn và thiếu sự liên tục các chính sách công – thước đo rõ ràng của mức độ bền vững của hệ thống chính trị, do đó luôn bám riết toàn bộ xã hội Haiti.
Điểm mới trong khung cảnh chính trị đó là sự vươn lên của xã hội dân sự trong giai đoạn 2018 – 2024. Các tổ chức nhân quyền, nông dân và đoàn thể ngành nghề khuyến khích tranh luận và hòa chung tiếng nói về những đòi hỏi xã hội và chính trị chính đáng. Tuy nhiên, sự thiếu hụt bên tiếp nhận và đối thoại đầy đủ chức năng từ hệ thống nhà nước khiến cho các tổ chức này chưa thể vượt qua những hạn chế căn bản – đặc biệt là khả năng bám rễ vào quần chúng chưa sâu rộng – và ngăn cản tác động tích cực tiềm năng của chúng, thậm chí còn đặt một số tổ chức trong số này trước nguy cơ bị biến thành công cụ cho các nhóm chính trị truyền thống. Tuy nhiên, cho dù bị các chính trị gia và thế lực bảo trợ nước ngoài cố tình bỏ qua và “gạt ra rìa”, sức nặng chính trị của các nhóm hoạt động xã hội này vẫn đang tăng, như được ghi nhận với vai trò khá nổi bật trong các cuộc tranh luận chính trị hiện tại.
Tái quy nạp các thành tố nhà nước
Vòng tranh luận bắt đầu từ trung tuần tháng 3 vừa qua dưới sự bảo trợ của CARICOM và đề xuất mà cộng đồng khu vực này công bố sau đó về một lối thoát cho cuộc khủng hoảng đa chiều đang đè nặng lên Haiti đang được các bên “bảo hộ” nước ngoài của Haiti, từ lớn tới nhỏ, thương lượng và phiên chuyển thành công cụ để đan xen lợi ích và quan điểm của chính mình.
Cho tới nay, đề xuất này chưa mang lại giải pháp nào, nhưng là một nỗ lực đáng kể nhằm đạt được sự hòa hoãn giữa các thủ lĩnh chính trị, trong bối cảnh các ưu tiên bức thiết hiện tại là tái lập an ninh thực trật tự, an ninh xã hội và kinh tế của một cả một dân tộc đang thảng thốt kinh hoàng trước các băng đảng tội phạm; và khôi phục cá thể chế nền tảng của Nhà nước: chính quyền các cấp, Nghị viện và hệ thống tư pháp.
Quá trình hiện thực hóa các ưu tiên này, theo logic, sẽ đặt lại nền móng – cùng với sự đồng hành khá chặt chẽ của các đối tác bên ngoài – cho công cuộc tái thiết Nhà nước. Sẽ có những nhiệm vụ to lớn phải tiến hành: phục hồi cương vị tổng thống – đã biến mất từ 3 năm qua, thay thế một chính phủ và thủ tướng vốn bất hợp pháp ngay từ con đường và cách thức nhậm chức, và củng cố các bộ máy an ninh và tư pháp để sớm trả lại sự bình yên, dù là tương đối, và bảo đảm sinh mạng cho người dân.
Đa phần các tác nhân có “vai vế” đã kịp lên tiếng chỉ trích “công thức CARICOM”, tuy nhiên may mắn là các cuộc thảo luận giữa các nhân tố trong nước của Haiti vẫn tiếp tục và đi tới một công thức đồng thuận cơ bản. Công thức này bao gồm việc hình thành một cương vị tổng thống tập thể – sẽ mang tên Hội đồng Tổng thóng – với sự tham gia rộng rãi của xã hội dân sự, các lưu phái chính trị và doanh nghiệp tư nhân. Những cái tên cụ thể ban đầu được ấn định lịch trình chốt lại vào ngày 19/3 nhưng tới nay vẫn chưa được công bố, tuy vậy vấn đề đáng xem hơn từ các thỏa thuận này là cơ chế bảo đảm quá trình triển khai ra sao. Một lần nữa, bóng đen quá khứ về sự kình địch về ý thức hệ và lợi ích cá nhân – từng cản trở nhiều thập kỷ phát triển của Haiti – lại ám ảnh các cuộc tranh luận. Nhưng có lẽ, như điều may mắn trong bất hạnh, là dường như các tác nhân đều ý thức được rằng tình trạng đã chạm đáy và rằng đất nước cần một chút triển vọng tăng trưởng cụ thể và do đó, kể cả đại diện của giới tư bản, đều có thiện chí hướng tới một giải pháp chung thực sự.
Một điểm cuối cùng không thể bỏ qua, là giới tội phạm đang tìm kiếm đảm bảo được miễn truy tố thông qua những đe dọa vũ lực và nhân dân thì đã khô kiệt. Một thỏa thuận, cho dù là tầm thường, nhưng khi và chỉ khi phản ánh được các giá trị tươi sáng và không cho phép thỏa hiệp với những tên tội phạm và những kẻ tham nhũng, sẽ hữu ích trong thời điểm này để tìm ra một lối thoát. Mặc khác một cuộc can thiệp quân sự – nhân đạo từ bên ngoài vẫn đang chờ đợi hiệu lệnh xuất phát. Tuy nhiên, tái thiết nhà nước theo nghĩa nhất định cũng là định nghĩa lại con đường phát triển của đất nước, một mục tiêu ngoài tầm với trong ngắn hạn nhưng là thiết yếu để Haiti có một tương lai thực sự./.
Biên tập và chuyển ngữ: Uyển My
Tác giả: Sabine Manigat – nhà nghiên cứu chính trị và sử gia Haiti. Bà hiện là cố vấn độc lập của Đại học Quisqueya tại Port-au-Prince và là thành viên điều phối của Thỏa thuận Montana.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]