Trung Quốc và Ấn Độ là hai quốc gia lớn và có ảnh hưởng sâu rộng trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Tuy nhiên, kể từ khi Trung Quốc triển khai chiến lược Vành đai và Con đường (BRI), Ấn Độ đang trải qua sức ép lớn từ quốc gia Đông Bắc Á. Sau khi Hoa Kỳ dưới thời Donald Trump công bố chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tại Việt Nam và sau đó là tái thành lập Tứ giác An ninh, Ấn Độ trở thành nhân tố quan trọng trong chiến lược ngăn chặn sự ảnh hưởng của Trung Quốc. Sự kiện kéo theo sự ảnh hưởng ngày càng rõ nét của Ấn Độ trong trật tự mới.
Năm 1950, Ấn Độ trở thành quốc gia đầu tiên ngoài khối Cộng sản hợp tác với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa sau khi quốc gia này dưới sự lãnh đạo của Mao Trạch Đông chiến thắng trong cuộc chiến với Trung Hoa Dân Quốc dưới sự lãnh đạo của Tưởng Giới Thạch. Tháng 10/1954, Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru viếng thăm Trung Quốc, đặt nền móng cho phát triển quan hệ giữa hai nước. Sau chuyến viếng thăm của Thủ tướng Nehru, lãnh đạo hai nước đã ký kết nhiều văn bản hợp tác chiến lược, thúc đẩy phát triển quan hệ thực chất giữa hai nước trên các khía cạnh kinh tế, đối ngoại và văn hóa.
Về kinh tế – thương mại, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Ấn Độ. Xuất – nhập khẩu hai nước đạt 2,92 tỷ USD vào năm 2000, sau đó đạt 41,85 tỷ USD vào năm 2008 và 70,65 tỷ USD vào năm 2014. Về quan hệ đối ngoại, Ấn Độ trở thành quốc gia đầu tiên ngoài khối Cộng sản công nhận Trung Quốc vào ngày 1/4/1950, đặt nền tảng cho sự phát triển quan hệ hai nước thời hiện đại và các chuyến thăm cấp nhà nước từ năm 2000. Tháng 6/2003, Thủ tướng Ấn Độ Atal Bihari Vajpayee đã có chuyến thăm Trung Quốc và hai nước thông qua Tuyên bố về các Nguyên tắc trong Quan hệ Trung – Ấn và Hợp tác toàn diện nhằm duy trì sự phát triển kinh tế – xã hội bền vững của hai nước, đảm bảo hòa bình; ổn định và thịnh vượng không chỉ ở châu Á mà còn trên toàn thế giới, dựa trên mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, mang tính xây dựng lâu dài và có lợi ích chung rộng rãi. Hai bên cũng bổ nhiệm Đặc phái viên để nghiên cứu các vấn đề liên quan đến biên giới (Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc, 2003). Từ ngày 9-12/4/2005, Thủ tướng Ôn Gia Bảo có chuyến viếng thăm Ấn Độ. Hai bên đã thông qua việc nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác Chiến lược và Hợp tác vì Hòa bình và Thịnh vượng trên tất cả các lĩnh vực, trong đó đáng chú ý là sự công nhận Tây Tạng thuộc Trung Quốc và quan điểm chính sách “Một Trung Quốc” của chính phủ Ấn Độ cho thấy sự gắn kết trong quan hệ hai nước. Bên cạnh đó, hai nước vẫn có nhiều xung đột và mâu thuẫn lợi ích.
Trung Quốc và chiến lược đối với Ấn Độ
Trong quan hệ quốc tế, các quốc gia duy trì hai khía cạnh hợp tác và cạnh tranh. Điều này càng thể hiện rõ hơn khi toàn cầu hóa trở thành mạch chính trong quan hệ quốc tế từ đầu thế kỷ 21. Các nước ngày càng gắn chặt với nhau về kinh tế, xóa bỏ rào cản về biên giới và chỉ còn biên giới trên giấy tờ. Điều này cũng đồng thời dẫn đến những mâu thuẫn, xung đột có tính chất phức tạp, khó lường. Đối với quan hệ Trung Quốc – Ấn Độ, cạnh tranh giữa hai nước có diện tích lớn nhất khu vực càng được quan tâm sâu sắc trong bối cảnh trật tự toàn cầu dịch chuyển về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Cạnh tranh địa chính trị là yếu tố cốt lõi trong cạnh tranh Trung Quốc – Ấn Độ. Ấn Độ là quốc gia ở khu vực Nam Á, tiếp giáp Trung Quốc thông qua Tây Tạng, Nepal và Bangladesh. Thêm vào đó, quốc gia Nam Á này có diện tích lớn trong khu vực và hướng ra Ấn Độ Dương. Khi một quốc gia có yếu tố địa chiến lược, địa – chính trị thuận lợi, quốc gia đó sẽ có lợi thế trong nhiều lĩnh vực. Do đó, đối với Trung Quốc, Ấn Độ là mối đe dọa thường trực đối với an ninh và lợi ích quốc gia trong bối cảnh quốc gia Đông Bắc Á chuyển dịch chính sách từ “thao quang, dưỡng hối” dưới thời Đặng Tiểu Bình đến trỗi dậy hoàn toàn dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình. Thực tiễn cho thấy hai quốc gia này đã có nhiều xung đột trong quá khứ liên quan đến lãnh thổ vẫn còn kéo dài đến giai đoạn hiện nay.
Nhằm ngăn chặn sự phát triển của Ấn Độ, Trung Quốc đã triển khai nhiều chiến lược nhằm cô lập quốc gia Nam Á. Trung Quốc liên kết với Pakistan thông qua nhiều chính sách kinh tế – quân sự, nhằm kìm chế sự phát triển của Ấn Độ, đặt quốc gia Nam Á này vào tình thế gọng kìm chiến lược. Năm 2013, chính phủ Trung Quốc dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình triển khai sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), ảnh hưởng của Trung Quốc đã được phủ sóng đáng kể. Ở khu vực Nam Á, ảnh hưởng của Trung Quốc thông qua BRI được triển khai mạnh mẽ và củng cố chắc chắn ở Nepal và Bangladesh nhằm đẩy ảnh hưởng của Ấn Độ ra khỏi các quốc gia này với mục tiêu phong tỏa New Delhi. Ở Bangladesh, quốc gia này đã tham gia BRI đầu tiên trong khu vực. Đến nay, Trung Quốc xây dựng 21 cây cầu và 27 dự án điện ở quốc gia này. Bangladesh sẽ nhận khoảng 40 tỷ USD liên quan đến BRI và các công ty Trung Quốc thắng thầu ở quốc gia này liên quan đến xây dựng lên đến gần 23 tỷ USD nhằm hiện thực hóa Hành lang kinh tế Bangladesh-Trung Quốc-Ấn Độ-Myanmar (BCIM) (Abbas Uddin Noyon, 2023). Ở Nepal, quốc gia này được đầu tư của Trung Quốc lên đến hơn 200 triệu USD liên quan đến sân bay Pokhara và được cho có dấu hiệu không rõ ràng (Biên tập của trang Mint, n.d.). Đặc biệt, sự kiện Sri Lanka cho Trung Quốc thuê cảng nước sâu lưỡng dụng Hambantota vào năm 2017 lên đến 99 năm thông qua bán 70% cổ phần công ty nhà nước sở hữu cảng cho công ty Trung Quốc trị giá 1,12 tỷ USD và có khả năng lên đến 198 năm sau khi không thể trả khoản nợ từ các khoản vay liên quan đến BRI trị giá 8 tỷ USD càng cho thấy hàm ý của Trung Quốc cô lập sự phát triển của Ấn Độ (Vũ Anh, 2021) (D. Kim Thoa, 2017).
Phản ứng của Ấn Độ trong cạnh tranh với Trung Quốc
Khi một quốc gia có tư tưởng bá quyền, các quốc gia trong khu vực sẽ chủ động liên kết để cân bằng ảnh hưởng vì không có bất kỳ chủ thể siêu quốc gia có thể đưa ra các chế tài kiềm chế hành vi tiêu cực. Trong lịch sử, các động thái cân bằng quyền lực được các quốc gia triển khai thường xuyên một cách rõ nét, nhằm đảm bảo sự hòa hợp trong khu vực giữa các chủ thể. Đối với Ấn Độ, tư tưởng bá quyền của Trung Quốc sẽ đe dọa trực tiếp đến an ninh và lợi ích quốc gia của đất nước Nam Á.
Ấn Độ đã nhanh chóng liên kết với Hoa Kỳ nhằm giảm thiểu tác động từ Trung Quốc. Kể từ khi bước vào thế kỷ XXI, Hoa Kỳ đã suy yếu đáng kể do can dự vào nhiều cuộc chiến ở các châu lục, cùng với những mâu thuẫn về đảng phái, sắc tộc ngày càng khó giải quyết. Đặc biệt, sự kiện “Black Lives Matter” và cuộc tiến công vào Đồi Capitol đã làm trầm trọng thêm tiêu cực trong xã hội siêu cường thế giới. Những vấn đề trên đã làm suy yếu vai trò và vị thế của Hoa Kỳ trong vấn đề lãnh đạo trật tự toàn cầu. Trong khi đó, Trung Quốc triển khai BRI trên bình diện toàn cầu, đe dọa vị thế lãnh đạo trật tự thế giới của siêu cường Hoa Kỳ. Dự kiến đến năm 2035, Trung Quốc sẽ vượt Hoa Kỳ để trở thành quốc gia có nền kinh tế lớn nhất thế giới (Thái Bình, 2024). Vì vậy, quốc gia này đã nhanh chóng triển khai tầm nhìn bằng bài phát biểu của cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton với chiến lược Xoay trục sang Châu Á – Thái Bình Dương dưới thời Tổng thống Barack Obama, đánh dấu bước ngoặt trong cuộc cạnh tranh cường quốc.
Tuy nhiên, siêu cường này không thể triển khai chiến lược do nhiều biến động của tình hình thế giới như khủng hoảng kinh tế năm 2008, xung đột Nga – Ukraine và Châu Âu, vấn đề Israel – Palestine và chương trình hạt nhân Iran. Chính phủ Ấn Độ hiểu rằng việc tăng cường quan hệ với Hoa Kỳ sẽ giúp quốc gia Nam Á giảm sự ảnh hưởng từ Trung Quốc vì Washington không muốn Bắc Kinh trở thành lãnh đạo trật tự toàn cầu mới. Sau khi chiến lược được thông qua dưới thời Barack Obama, quan hệ Hoa Kỳ – Ấn Độ đã tăng trưởng liên tục. Sau khi chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương được thông qua dưới thời Donald Trump vào năm 2017 bên lề Hội nghị APEC tại Đà Nẵng, Ấn Độ đã nhanh chóng trở thành nhân tố quan trọng trong chính sách của Hoa Kỳ với mục tiêu ngăn chặn tư tưởng bá quyền của Trung Quốc trong khu vực và trên thế giới. Chính quyền Tổng thống Trump đã đề cập trong chiến lược rằng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương trải dài từ bờ biển phía Tây nước này cho đến bờ Tây Ấn Độ, hàm ý ảnh hưởng của Ấn Độ trong chiến lược dưới thời Donald Trump. Hoa Kỳ ủng hộ Chiến lược Hướng Đông của Ấn Độ, đồng thời ủng hộ sự phát triển của New Delhi với tư cách là cường quốc lãnh đạo toàn cầu và là đối tác chiến lược, an ninh của Washington, đồng thời ủng hộ vai trò dẫn dắt của Ấn Độ ở khu vực Ấn Độ Dương, cũng như khẳng định việc hợp tác với Ấn Độ là thiết yếu đối với sự hiện diện của Hoa Kỳ tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (Donald J. Trump, 2017) (Mike R. Pompeo, 2019).
Sau khi Joe Biden trở thành Tổng thống thứ 46 Hoa Kỳ, người đứng đầu Nhà Trắng tuyên bố Washington cam kết đảm bảo một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do, cởi mở, kết nối, thịnh vượng, an toàn và vững chắc. Siêu cường này có nhiều động thái leo thang căng thẳng với Trung Quốc thông qua áp thuế lên lĩnh vực chất bán dẫn được xem là có khả năng thay đổi trật tự thế giới. Trong chiến lược Tạm thời được công bố vào tháng 3/2021, Ấn Độ được đề cập đầu tiên trong danh sách các quốc gia mà Washington cần củng cố quan hệ. Chính quyền ông Joe Biden cho rằng đối tác của Hoa Kỳ là tài sản chiến lược quan trọng nhất. Tuyên bố cho thấy Ấn Độ sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong chiến lược của Washington. Ngoài ra, tuyên bố của người đứng đầu Nhà Trắng khi cho rằng Ấn Độ là quốc gia dân chủ lớn nhất thế giới, vì vậy hai nước cần hợp tác trên lĩnh vực song phương và đa phương để củng cố Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương Tự do và Mở. Ngoài ra, sau khi Tứ giác An ninh được tái thành lập, chính quyền Joe Biden mong muốn hợp tác với Ấn Độ thông qua nhóm I2-U2 được thành lập vào ngày 14/7/2022 cùng các quốc gia Tây Nam Á để củng cố ảnh hưởng và vai trò của New Delhi ở Nam Á, Tây Nam Á và Ấn Độ Dương trong các lĩnh vực mới như chất bán dẫn và công nghệ cao trong các lĩnh vực y sinh, nông nghiệp (Bùi Gia Kỳ, 2023). Việc bổ nhiệm bà Kamala Harris người gốc Ấn cũng hàm ý Washington mong muốn New Delhi đóng vai trò quan trọng trong chiến lược quốc gia này dưới thời Joe Biden.
Tháng 9/2023, Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Joe Biden đã quyết định đầu tư 553 triệu USD thông qua Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế (DFC) được thành lập dưới thời chính quyền Tổng thống Trump với mục tiêu phát triển chính sách đối ngoại Hoa Kỳ thông qua các khoản đầu tư ở các nước đang phát triển. Cảng nằm ở phía Tây thủ đô Colombo của Sri Lanka do tập đoàn Adani của Ấn Độ phát triển và dự kiến hoạt động vào tháng 12/2024 với tổng vốn đầu tư lên đến hơn 1 tỷ USD (Biên tập của trang The Business Times, 2023). Hoa Kỳ cũng sẽ hợp tác với Ấn Độ triển khai quỹ đầu tư dành cho lĩnh vực môi trường, trong đó tài trợ 500 triệu USD thông qua DFC để triển khai ở khu vực Nam Á (PTI, 2024). Tháng 1/2023, chính quyền Tổng thống Biden sẽ đầu tư 1 tỷ USD vào Nepal trong 5 năm tiếp theo trên các lĩnh vực năng lượng xanh, điện khí hóa cho đến hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là doanh nghiệp có người nữ nắm vai trò điều hành (ANI, 2023). Trước đó, Hoa Kỳ cũng đã cung cấp khoản viện trợ 270 triệu USD thông qua USAID từ tháng 9/2022 để hỗ trợ phân bón cho nông dân và 20 triệu USD hỗ trợ nhân đạo. Ngoài ra, chính quyền Joe Biden cũng tài trợ cho Ấn Độ, Bangladesh, Sri Lanka, Maldives 6 triệu USD cho sáng kiến an ninh hàng hải ở Ấn Độ Dương và các khoản tài trợ khác lên đến hàng tỷ USD để củng cố vai trò và vị thế của Ấn Độ (Biên tập của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, 2023). Có thể thấy, mục tiêu của Ấn Độ là tăng cường sự hiện diện của Hoa Kỳ ở Ấn Độ Dương thông qua các khoản đầu tư nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.
Bên cạnh Hoa Kỳ, Ấn Độ cũng tiến hành hợp tác sâu rộng với các đối tác của siêu cường này. Đối với các nước EU, sự ủng hộ của các nước này là đặc biệt đáng kể đối với việc cân bằng quyền lực với Trung Quốc. Sau thập kỷ cạnh tranh Hoa Kỳ – Trung Quốc, các nước EU đã bị động bất ngờ và nhanh chóng đưa ra các chiến lược dành cho khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Hiện nay, ngoài Anh và Pháp có lãnh thổ ở Ấn Độ Dương, các quốc gia trong khối không thể can dự sâu sắc. Do đó, sự hợp tác với Ấn Độ sẽ là cơ sở cho các nước EU can dự vào khu vực. Năm 2020, tổng vốn đầu tư của EU vào Ấn Độ đạt 87,3 tỷ USD, tăng 23,6 tỷ USD so với năm 2017. Các nước EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của quốc gia Nam Á trong tổng kim ngạch thương mại trị giá 88 tỷ USD vào năm 2021 (Biên tập của trang European Commission, n.d.). Federica Mogherini, Đại diện Cấp cao Liên minh châu Âu về Chính sách Đối ngoại và An ninh trong Thông cáo về Ấn Độ của Ủy ban Châu Âu tuyên bố EU là đối tác hợp tác tự nhiên trong việc hỗ trợ tăng trưởng bền vững của Ấn Độ, hai bên cùng phối hợp để triển khai các sáng kiến cũng như giải quyết các thách thức chung toàn cầu thông qua luật pháp quốc tế và các khuôn khổ đa phương vì Ấn Độ có vai trò then chốt trong thế giới đa cực hiện nay với tư cách là một cường quốc toàn cầu mới nổi. Vào ngày 8/5/2021, hai bên nhất trí nối lại đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do Ấn Độ – EU (Biên tập của trang European Commission, 2018). Có thể thấy, Ấn Độ đang cố gắng liên kết với các nước EU nhằm đa dạng thị trường xuất khẩu và đầu tư tiềm năng, thay thế khoản thương mại, đầu tư trị giá trên 100 tỷ USD của Trung Quốc.
Đối với ASEAN, sự hiện diện của Ấn Độ sẽ củng cố ảnh hưởng của tổ chức này trong các vấn đề quan trọng của khu vực. Nhiều quốc gia trong ASEAN đã đạt được nhiều thành tựu về kinh tế – xã hội, góp phần củng cố tiếng nói của ASEAN trong các vấn đề quốc tế quan trọng. Sự kiện Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ – Triều Tiên được tổ chức hai lần ở hai nước Singapore và Việt Nam thuộc ASEAN đã củng cố vị thế và hình ảnh của tổ chức này, đặc biệt là khi Vai trò Trung tâm ASEAN và Tầm nhìn Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương được tổ chức này thông qua sẽ giúp Ấn Độ có thêm nguồn lực để giảm thiểu tác động từ Trung Quốc. Nhiều quốc gia ASEAN đang có xung đột, mâu thuẫn với Trung Quốc liên quan đến vấn đề biển đảo, lãnh hải và các vấn đề an ninh phi truyền thống như vấn đề sông Mekong. Do đó, sự can dự của Ấn Độ ở ASEAN sẽ làm phân tán lực lượng của Trung Quốc ở khu vực Nam Á, giảm áp lực của cả Ấn Độ và các quốc gia trong khu vực. Chính phủ Ấn Độ nhìn nhận quan hệ với ASEAN là nền tảng cốt lõi của chính sách đối ngoại được phát triển qua nhiều thập kỷ từ Chính sách Hướng Đông trong những năm 1990 của thế kỷ XX và sau đó là Chính sách Hành động Hướng Đông được chính quyền Thủ tướng Narendra Modi thông qua tại Hội nghị Thượng đỉnh Ấn Độ – ASEAN lần thứ 12 vào năm 2014. Ấn Độ – ASEAN thông qua 12 điểm hợp tác, trong đó có thể kể đến vấn đề tăng cường hợp tác trong lĩnh vực hỗ trợ nhân đạo; phát triển hệ thống hiệp hội thương mại Ấn Độ ở các nước trong khu vực; triển khai quỹ hỗ trợ các nước CLMV; Thành lập Lực lượng đặc nhiệm chung về kết nối để tiến hành công việc thăm dò mở rộng Đường cao tốc ba bên Ấn Độ-Myanmar-Thái Lan tới Campuchia, Lào và Việt Nam và các sáng kiến củng cố văn hóa các nước trong khu vực (Biên tập của Bộ Ngoại giao Ấn Độ, 2017). Ngày 28/10/2021, Hội nghị Thượng đỉnh Ấn Độ – ASEAN lần thứ 18 diễn ra theo hình thức trực tuyến và thông qua 3 vấn đề quan trọng: (i) Thông qua Tuyên bố chung ASEAN-Ấn Độ về hợp tác về Quan điểm của ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì sự ổn định hòa bình và thịnh vượng trong khu vực; (ii) Ấn Độ hỗ trợ thành lập Danh sách Di sản Văn hóa ASEAN và (iii) Khởi động quá trình thành lập Ban Quản lý Dự án ASEAN – Ấn Độ. Chính phủ Thủ tướng Modi cũng đã thành lập ba quỹ đầu tư, bao gồm Quỹ Hợp tác ASEAN – Ấn Độ (AIF); Quỹ Xanh ASEAN – Ấn Độ (AIGF) và Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ ASEAN – Ấn Độ (AISTDF). Mục tiêu của các quỹ này là thay thế các khoản đầu tư, khoản vay của Trung Quốc với BRI trong các lĩnh vực về môi trường, nông nghiệp công nghệ cao và các hoạt động liên quan đến công nghệ. Ngoài ra, hai bên cũng thành lập các cơ chế đối thoại đặc biệt để ứng phó với những thách thức chung (Biên tập của Bộ Ngoại giao Ấn Độ, 2022). Ấn Độ đang cố gắng đưa Hợp tác Mekong – Sông Hằng thành thế đối trọng với Sáng kiến Mekong – Lan Thương của Trung Quốc bằng các khoản vay, viện trợ lên đến hơn 2 tỷ USD nhằm hỗ trợ các nước ASEAN trong sáng kiến với các dự án phát triển tài nguyên nước, cơ sở hạ tầng, số hóa, điện khí hóa nông thôn, thủy lợi và giáo dục (Minh Vu, 2021). Có thể thấy, Ấn Độ đã từng bước xây dựng và hoàn thành khung chiến lược để củng cố vị thế của ASEAN nhằm giảm thiểu tác động của Trung Quốc ở Nam Á.
Thách thức đối với Ấn Độ
Chính phủ Thủ tướng Narendra Modi đã triển khai nhiều chiến lược nhằm giảm thiểu tác động của Trung Quốc, trong đó kết nối với Hoa Kỳ và đồng minh Châu Âu và củng cố vị thế của ASEAN để giảm thiểu ảnh hưởng của Trung Quốc và đạt được thành tựu. Tuy nhiên, những chiến lược triển khai vẫn có rủi ro và thách thức đối với chính quyền Thủ tướng Modi.
Đầu tiên, Ấn Độ sẽ xung đột về vị thế lãnh đạo với Hoa Kỳ trong khu vực. Từ sau Chiến tranh Lạnh, Hoa Kỳ trở thành lãnh đạo trật tự toàn cầu và chi phối các vấn đề quốc tế nổi bật. Bước vào thế kỷ XXI, mặc dù đã suy yếu tương đối so với Trung Quốc nhưng Washington vẫn là quốc gia có ảnh hưởng với tiềm lực kinh tế và quốc phòng mạnh mẽ. Từ khi Hoa Kỳ tiến hành xoay trục cho đến Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, quốc gia này luôn duy trì “trục và nan hoa” trong chính sách đối ngoại với Hoa Kỳ là trung tâm chính sách, đồng minh và đối tác “chung chí hướng” là những vệ tinh xoay quanh quốc gia này. Vì vậy, việc duy trì vai trò dẫn dắt vẫn là mục tiêu chính của Washington. Trong khi đó, việc Ấn Độ trở thành một thế lực mới trong khu vực hoàn toàn có thể tạo cho Hoa Kỳ cảm giác bất an.
Trong những năm 1980 của thế kỷ XX, Nhật Bản đã phát triển vượt bậc và trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Sự kiện đã làm giới hoạch định chính sách và tầng lớp tinh hoa Hoa Kỳ lo ngại về sự thay thế của Nhật Bản trong việc lãnh đạo trật tự toàn cầu sau Chiến tranh Lạnh khi các công ty của quốc gia Đông Bắc Á thâu tóm nhiều doanh nghiệp và thương hiệu của Washington. Năm 1987, chính phủ Hoa Kỳ áp đặt thuế quan 100% đối với hàng nhập khẩu trị giá 300 triệu USD của Nhật Bản vào thị trường nước này cùng với việc Tokyo quyết định sai lầm khi ký Hiệp định Plaza với Hoa Kỳ và các nước Anh; Pháp; Đức vào năm 1985 để bán phá giá USD với đồng Yên Nhật để tạo lợi thế cho các sản phẩm của Washington vào thị trường Tây Âu đã làm suy yếu kinh tế và vị thế của Nhật Bản (Griffiths, 2019).
Một sự kiện khác là sự phản đối của Pháp dưới thời Tổng thống Emmanuel Macron về sự lãnh đạo của Hoa Kỳ. Cụ thể, kể từ khi trở thành Tổng thống Pháp, ông Macron đã nhiều lần kêu gọi các nước Liên minh Châu Âu thành lập một quân đội thường trực dưới sự điều hành và chỉ huy của EU nhằm thay thế NATO do Hoa Kỳ dẫn dắt. Sự việc đã làm quan hệ hai bờ Đại Tây Dương luôn trong tình trạng căng thẳng. Năm 2021, Australia bất ngờ hủy hợp đồng mua tàu ngầm trị giá 66 tỷ USD với Pháp được ký vào năm 2016 để mua tàu ngầm và công nghệ của Hoa Kỳ. Sự kiện cho thấy Washington không muốn bị đe dọa vai trò lãnh đạo trong các vấn đề khu vực và toàn cầu (Phương Võ, 2021). Mặc dù Hoa Kỳ luôn ủng hộ Ấn Độ trong các văn kiện chính thức nhưng không đồng nghĩa với sự ủng hộ tuyệt đối dành cho quốc gia Nam Á này. Trong thế kỷ XX, Hoa Kỳ đã từng xem Ấn Độ là đối thủ và có nhiều động thái đối đầu vì quốc gia Nam Á này ủng hộ Liên Xô trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Do đó, việc mời gọi Hoa Kỳ để giảm thiểu ảnh hưởng của Trung Quốc là thách thức lớn đối với chính phủ Thủ tướng Modi vì sau đó Ấn Độ có thể sẽ trở thành mục tiêu cân bằng quyền lực của Washington.
Thứ hai, Ấn Độ liên kết với nhiều chủ thể sẽ tạo cho Trung Quốc tâm lý đối đầu. Khi một quốc gia bị nhiều quốc gia vây quanh với tâm lý đối đầu, các cuộc chiến quy mô lớn có thể sẽ diễn ra. Sự kiện triển khai quân đội Nga đối với Ukraine vào năm 2022 là một cơ sở điển hình của việc tạo cho đối phương tâm lý đối đầu. Các quốc gia NATO sau Chiến tranh Lạnh đã nhanh chóng mở rộng ảnh hưởng đến các quốc gia thuộc Liên Xô cũ mặc dù Nga và NATO đã ký thỏa thuận vào năm 1991 (La Vi, 2022). Sự kiện đã thúc đẩy chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine.
Sự kiện ở Châu Âu hoàn toàn có thể tái diễn ở Châu Á khi Ấn Độ đã kết nối với nhiều quốc gia trong và ngoài khu vực gây sức ép đối với Trung Quốc. Các động thái sẽ tạo tiền đề cho Bắc Kinh có cơ sở đối đầu. Năm 2020, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã tuyên bố: “Tứ giác An ninh/Bộ Tứ (QUAD) là NATO phiên bản Châu Á” và “việc xây dựng các bè phái để gây ra sự đối đầu là mối đe dọa thực sự đối với trật tự hàng hải hòa bình, ổn định và hợp tác” (Biên tập của trang Asia Society Policy Institute, 2023). Hàm ý của ông Vương cho thấy Trung Quốc đã có tâm lý cho rằng Ấn Độ và các nước đối tác của Hoa Kỳ đang muốn leo thang bằng quân sự thông qua các hoạt động hiện diện ở những nơi có chiến lược Vành đai và Con đường được triển khai. Do đó, đây là thách thức có thể leo thang xung đột toàn diện khi Ấn Độ tạo lập ảnh hưởng trong khu vực, gây sức ép đối với Trung Quốc.
Kết luận
Cạnh tranh Trung Quốc – Ấn Độ là cuộc đua tranh lâu dài giữa hai quốc gia có lãnh thổ và dân số lớn nhất trong khu vực. Ấn Độ đã triển khai nhiều chiến lược nhằm ứng phó với những thách thức mà Trung Quốc tạo ra bằng cách tập hợp lực lượng với Hoa Kỳ và các quốc gia đồng minh, đối tác nhằm đối trọng và giảm thiểu ảnh hưởng của Bắc Kinh. Tuy nhiên, những chiến lược tập hợp lực lượng của Ấn Độ cũng sẽ là những thách thức mà chính phủ Thủ tướng Narendra Modi cần lưu ý vì yếu tố bất định của trật tự quốc tế và tâm lý đối đầu của Trung Quốc hoàn toàn có thể dẫn đến những leo thang xung đột trong tương lai./.
Tác giả: Bùi Gia Kỳ
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
Tài liệu tham khảo
1. Abbas Uddin Noyon. (2023). Vành đai và Con đường của Trung Quốc thay đổi nền kinh tế và cơ sở hạ tầng của Bangladesh như thế nào. https://www.tbsnews.net/economy/how-chinas-belt-and-road-changing-bangladeshs-infrastructures-709826, truy cập ngày 6/5/2024.
2. (2023). USA to invest over $1 billion in Nepal over next 5 years. https://economictimes.indiatimes.com/news/international/world-news/usa-to-invest-over-1-billion-in-nepal-over-next-5-years/videoshow/97480371.cms?from=mdr, truy cập ngày 7/5/2024.
3. Biên tập của Bộ Ngoại giao Ấn Độ. (2017). ASEAN-India Relations. https://www.mea.gov.in/Portal/ForeignRelation/ASEAN_India_August_2017.pdf, truy cập ngày 8/5/2024.
4. Biên tập của Bộ Ngoại giao Ấn Độ. (2022). Overview of India-ASEAN- Relations. https://www.mea.gov.in/Portal/ForeignRelation/ASEAN_India_Brief_May_2022.pdf, truy cập ngày 8/5/2024.
5. Biên tập của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. (2023). S. Relationship with the Indian Ocean Rim Association and Commitment to the Indian Ocean Region. https://www.state.gov/u-s-relationship-with-the-indian-ocean-rim-association-and-commitment-to-the-indian-ocean-region/, truy cập ngày 7/5/2024.
6. Biên tập của trang Asia Society Policy Institute. (2023). China’s Response to the Quad. https://asiasociety.org/policy-institute/chinas-response-quad, truy cập ngày 8/5/2024.
7. Biên tập của trang European Commission. (2018). EU shapes its ambitious strategy on India. https://ec.europa.eu/commission/presscorner/detail/en/IP_18_6481, truy cập ngày 7/5/2024.
8. Biên tập của trang European Commission. (n.d.). India. https://policy.trade.ec.europa.eu/eu-trade-relationships-country-and-region/countries-and-regions/india_en, truy cập ngày 7/5/2024.
9. Biên tập của trang Mint. (n.d.). Nepal engulfed in China’s debt trap over Pokhara airport deal: Report. https://www.livemint.com/market/stock-market-news/titan-share-price-falls-over-4-after-q4-results-should-you-buy-sell-or-hold-the-stock-11714967393912.html, truy cập ngày 6/5/2024.
10. Biên tập của trang The Business Times. (2023). US invests US$553 million in Adani’s Sri Lanka port to curb China’s influence. https://www.businesstimes.com.sg/international/us-invests-us553-million-adanis-sri-lanka-port-curb-chinas-influence, truy cập ngày 7/5/2024.
11. Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc. (2003). Declaration on Principles for Relations and Comprehensive Cooperation Between the People’s Republic of China and the Republic of India. https://www.fmprc.gov.cn/eng/wjdt_665385/2649_665393/200306/t20030625_679085.html, truy cập ngày 6/5/2024.
12. Bùi Gia Kỳ. (2023). Mục tiêu và thách thức của Nhóm “Bộ tứ” mới do Mỹ dẫn dắt. Retrieved 5 7, 2024, from https://nghiencuuchienluoc.org/hoa-ky-va-lien-ket-i2-u2-muc-tieu-va-thach-thuc/#_ftn4
13. Kim Thoa. (2017). Thiếu nợ, Sri Lanka giao cảng chiến lược cho Trung Quốc. https://tuoitre.vn/thieu-no-sri-lanka-giao-cang-chien-luoc-cho-trung-quoc-20171214085936239.htm, truy cập ngày 6/5/2024.
14. Donald J. Trump. (2017). National Security Strategy of The United States of America.
15. Griffiths, J. (2019). The US won a trade war against Japan. But China is a whole new ball game. https://edition.cnn.com/2019/05/24/business/us-china-trade-war-japan-intl/index.html, truy cập ngày 8/5/2024.
16. La Vi. (2022). Phát hiện tài liệu cho thấy lãnh đạo phương Tây từng hứa sẽ không mở rộng NATO. https://thanhnien.vn/phat-hien-tai-lieu-cho-thay-lanh-dao-phuong-tay-tung-hua-se-khong-mo-rong-nato-1851431227.htm, truy cập ngày 8/5/2024.
17. Mike R. Pompeo. (2019). A Free and Open Indo-Pacific: Advancing a Shared Vision.
18. Minh Vu. (2021). Mekong-Ganga Cooperation shows India’s extended assistance to regional countries. https://hanoitimes.vn/mekong-ganga-cooperation-shows-indias-extended-assistance-to-regional-countries-318122.html, truy cập ngày 8/5/2024.
19. Phương Võ. (2021). Thương vụ tàu ngầm Pháp – Úc: Tiền không phải là tất cả! https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/thuong-vu-tau-ngam-phap-uc-tien-khong-phai-la-tat-ca-20210921093658513.htm, truy cập ngày 8/5/2024.
20. (2024). India-US working to deploy multi-billion dollar climate infrastructure. https://www.deccanherald.com/india/india-us-working-to-deploy-multi-billion-dollar-climate-infrastructure-2895521, truy cập ngày 7/5/2024.
21. Thái Bình. (2024). Dự báo Trung Quốc là nền kinh tế số 1 thế giới vào năm 2035. https://vtv.vn/kinh-te/du-bao-trung-quoc-la-nen-kinh-te-so-1-the-gioi-vao-nam-2035-20240401210817135.htm, truy cập ngày 7/5/2024.
22. Vũ Anh. (2021). Trung Quốc có thể thuê cảng Sri Lanka đến 198 năm. https://vnexpress.net/trung-quoc-co-the-thue-cang-sri-lanka-den-198-nam-4239965.html, truy cập ngày 6/5/2024.