Trong tháng 8/2024, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, Vương Nghị, đã có chuyến thăm Myanmar và thống nhất nhiều vấn đề với lãnh đạo Myanmar, Min Aung Hlaing. Tuy nhiên, các kênh truyền thông chính thống Myanmar hầu như chỉ công bố quan điểm ngắn ngủi rằng, Trung Quốc phản đối các cuộc tấn công phá hoại của lực lượng vũ trang dân tộc địa phương vào các nhà dân ở khu vực thành thị. Điều này liệu có thực sự là vấn đề quan trọng hay không?
Câu chuyện bắt đầu cách đây không lâu, vào ngày 5/8/2024, khi Quân đội Liên minh Kokang tuyên bố đã hoàn toàn chiếm giữ Sở chỉ huy Quân khu Đông Bắc của quân đội Myanmar tại thành phố Lashio. Đây là thất bại quân sự lớn nhất mà quân đội Myanmar phải gánh chịu trong 76 năm kể từ khi quốc gia này được thành lập. Cũng có nghĩa rằng, nó chính là thành tựu quân sự lớn nhất mà lực lượng vũ trang dân tộc địa phương Myanmar đạt được.
Còn nhớ, từ tháng 10/2023, “Liên minh Ba Anh Em” do Quân đội Liên minh Kokang, Quân đội Giải phóng Quốc gia Ta’ang và Quân đội Arakan thành lập đã phát động cuộc tấn công mang tên “Chiến dịch 1027” chống lại quân đội Myanmar. Sau hơn 2 tháng, họ đã chiếm được Sở chỉ huy Phân khu Laukkai và thành công “thu hồi” khu vực Kokang. Ngày 13/1/2024, Myanmar và “Liên minh Ba Anh Em” đã ký “Thoả thuận ngừng bắn Haigeng” tại Côn Minh, Vân Nam dưới sự hoà giải trung gian của Trung Quốc.
6 tháng sau, vào ngày 25/6/2024, Quân đội Giải phóng Dân tộc Ta’ang trong “Liên minh Ba Anh Em” đã tấn công các thành phố Naoqiu, Jiaomai nằm giữa Sở chỉ huy Quân khu Đông Bắc tại Lashio và Sở chỉ huy Quân khu Trung tâm tại Mandalay. Tối ngày 29/6/2024, Quân khu Đông Bắc tại Lashio đã bắn nhiều quả đạn pháo vào Liên minh Kokang đang tiến gần. Đến ngày 3/7/2024, Quân khu Đông Bắc tại Lashio và Liên minh Quân đội do Kokang dẫn đầu đã chính thức tái khởi động chiến tranh.
Quân khu Đông Bắc được thành lập vào năm 1972, từng được ca ngợi là “Mặt trời đỏ” của quân đội Myanmar nhờ vào thành tích đánh bại quân đội Đảng Cộng sản Myanmar thời bấy giờ và đàn áp thành công nhiều lực lượng vũ trang dân tộc thiểu số tại Bắc Myanmar. Khi nhiều học giả và chuyên gia đều cho rằng Liên minh Kokang không thể đánh bại được Quân khu Đông Bắc hùng mạnh, thì một tháng sau khi tái khởi động chiến tranh, Quân khu Đông Bắc lại chứng kiến thời khắc “mặt trời lặn”.
Chiến tranh đã thay đổi cộng đồng người Hoa ở Lashio
Lashio là một thành phố quan trọng ở miền Bắc bang Shan của Myanmar. Trong hệ thống quản lý hiện nay của Myanmar, bang Shan, bang có diện tích lớn nhất của Myanmar, được chia thành Bắc Shan, Đông Shan, và Nam Shan. Lashio không chỉ là thủ phủ của Bắc Shan mà còn là nơi đặt Sở chỉ huy Quân khu Đông Bắc.
Lashio nằm tại điểm khởi đầu của đường quốc lộ Trung Quốc-Myanmar, là đầu mối giao thông kết nối Vân Nam – Trung Quốc với Mandalay – Myanmar. Do vị trí địa lý và yếu tố lịch sử, Lashio từ lâu đã có một cộng đồng lớn người Hoa định cư. Theo cuộc điều tra dân số năm 2020, dân số của Lashio vào khoảng 600.000 người, trong đó người Hoa chiếm từ 30% đến 60%. Lashio là nơi cư trú của nhiều dân tộc khác nhau, ngoài người Hoa còn có người Shan, Bamar, Kachin, và các dân tộc gốc Nam Á khác.
Do nằm ở vị trí chiến lược, Lashio không xa lạ gì với chiến tranh. Trong lịch sử, Đảng Cộng sản Myanmar và nhiều lực lượng vũ trang dân tộc thiểu số đã từng giao tranh với quân đội Myanmar ở khu vực xung quanh Lashio. Thành phố này luôn ở gần chiến tranh, nhưng lại may mắn nằm ngoài tâm điểm của nó. Phải đến ngày hôm nay mới là lần đầu tiên trở thành trung tâm của chiến sự.
Sau khi Myanmar giành độc lập vào năm 1948, nội chiến sắc tộc đã bùng nổ trong nước với nhiều lực lượng vũ trang dân tộc thiểu số chiến đấu chống lại Chính phủ cho đến tận ngày nay. Trong hơn 70 năm, mặc dù một số lực lượng vũ trang dân tộc đã từng gây ra mối đe dọa an ninh lớn đối với quân đội Myanmar tại một số khu vực nhất định, nhưng quân đội Myanmar vẫn luôn duy trì ưu thế quân sự.
Ngày 1/2/2021, quân đội Myanmar tiếp quản chính quyền, dẫn đến các cuộc biểu tình trên toàn quốc. Các cuộc biểu tình ôn hòa sau đó đã chuyển thành cuộc đấu tranh vũ trang. Nhiều người phản đối quân đội đã thành lập Lực lượng Phòng vệ Nhân dân, và khi lực lượng này kết hợp với các lực lượng vũ trang dân tộc thiểu số, cuộc nội chiến ở Myanmar đã bước vào một giai đoạn hoàn toàn khác biệt. Chiến tranh không chỉ giới hạn ở các khu vực miền núi và biên giới nơi sinh sống của các dân tộc thiểu số, mà còn lan rộng vào nội địa. Trong trận chiến Lashio, được gọi là làn sóng thứ hai của “Chiến dịch 1027”, đã có tác động rất lớn đến quan điểm chính trị và chiến tranh của cộng đồng người Hoa tại Lashio.
Có học giả từng khẳng định rằng chiến tranh là sự tiếp nối của chính trị. Nhưng một người Hoa ở Lashio cho biết: “Cuộc chiến này mới khiến tôi hiểu rằng chính trị và chiến tranh hoàn toàn khác nhau. Chính trị là vấn đề chúng ta có thích hay không, còn chiến tranh là vấn đề chúng ta có thể sống sót hay không. Chính trị có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta, nhưng chiến tranh sẽ ảnh hưởng đến tính mạng của chúng ta.” Người Hoa này là một người đã di cư từ khu vực Greater Mengyi đến sống tại Lashio, nơi đã bị Liên minh Ba Anh Em chiếm đóng trong làn sóng đầu tiên của “Chiến dịch 1027”. Hiện tại, ông đã chuyển đến sống ở Mandalay, miền trung Myanmar.
Mặc dù người Hoa kiều và người Kokang có chung nguồn gốc văn hóa dân tộc, nhưng ở Myanmar, họ có vị thế chính trị khác nhau. Ngày 4/2/1897, Trung Quốc và Anh đã ký “Hiệp ước về việc gia hạn chi trả liên quan đến Myanmar” tại Bắc Kinh. Theo đó vùng đất Kokang, vốn thuộc về nhà Thanh được nhượng lại cho vương quốc Anh, nước thực dân đã đô hộ Myanmar vào thời điểm đó. Năm 1962, Trung Quốc và Myanmar ký hiệp ước biên giới, công nhận Kokang thuộc về Myanmar. Từ đó, người Kokang sống trong khu vực Kokang được chính quyền Myanmar công nhận là một trong 135 dân tộc bản địa. Trong khi đó, người Hoa kiều sống ngoài khu vực Kokang lại bị coi là người nhập cư.
Theo Luật Công dân Myanmar được ban hành năm 1982, công dân Myanmar được chia thành ba tầng lớp. Tất cả các dân tộc bản địa đều được coi là công dân hạng nhất, trong khi người Hoa kiều và người gốc Nam Á, bị coi là người nhập cư, chỉ có thể đạt được tư cách công dân hạng hai hoặc ba. Nhưng điều trớ trêu là trên thực tế, theo số liệu điều tra dân số của Myanmar, chỉ có 11% dân số ở khu vực Kokang có thẻ căn cước công dân hạng nhất.
Người Hoa kiều và người Kokang sống ở Lashio không hiểu rõ sự phân loại công dân phức tạp cũng như sự phân biệt hệ thống đằng sau nó, mà đều coi mình là “người Hán” và không phân biệt. Tuy nhiên, cuộc chiến đã thay đổi tình trạng này. Khi lực lượng Đồng minh Kokang gây chiến với Lashio với lý do “phản đối chủ nghĩa dân tộc Bamar”, người Hoa ở Lashio bị ảnh hưởng bởi chiến tranh cũng đã phản ánh về “chủ nghĩa dân tộc Bamar.” Có người trên mạng cho rằng Myanmar không có chủ nghĩa Bamar như Kokang đã nói, lý do là “chúng tôi sống tốt hơn so với ‘người Miến cũ’”. Dù kết luận này không hợp lý, nhưng nó phản ánh chính xác rằng cuộc chiến đã làm thay đổi quan điểm của người Hoa ở Lashio đối với người Kokang và người Miến.
“Rời đi” hay “không rời đi” là một lựa chọn khó khăn
Vào ngày 3/7/2024, khi tiếng súng vang lên bên ngoài thành phố Lashio, việc có nên từ bỏ nhà cửa, rời khỏi Lashio hay không trở thành vấn đề mà nhiều người dân Lashio phải đối mặt. Người Hoa ở Lashio thường tránh dùng từ “chạy nạn”, thay vào đó, họ sử dụng từ “rời đi” một cách kín đáo nhưng vẫn giữ được sự tôn trọng. Một số người trẻ thường động viên nhau rằng “thôi thì rời đi một thời gian”. Trên thực tế, ngay ngày hôm sau khi chiến tranh bắt đầu, tức ngày 4/7/2024, đã có nhiều đoàn xe rời khỏi Lashio.
Nhưng khi nhiều người cuối cùng quyết định “phải rời đi”, họ lại đối mặt với một vấn đề khác: người già trong nhà không muốn “rời đi.” Nhiều người lớn tuổi không thể từ bỏ những gì họ đã tích lũy cả đời và với tâm lý cầu may, họ không muốn rời đi. Điều này đã đặt nhiều người trẻ vào một tình huống khó xử về đạo đức: liệu họ nên để người già ở lại nơi nguy hiểm và đưa con cái đi, hay cả gia đình ở lại để đồng hành cùng người lớn tuổi trong vùng nguy hiểm? Trong nhiều gia đình, mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái thậm chí đã rạn nứt do tranh cãi về việc “rời đi” hay “ở lại.”
Một khi đã quyết định “rời đi” khỏi Lashio, điều đầu tiên cần làm là chọn điểm đến. Thành phố Mandalay nằm ở miền trung Myanmar, là thành phố lớn thứ hai của nước này, nơi đóng quân của Quân khu miền Trung với kinh tế phát triển, nên là điểm đến ưu tiên. Thứ hai là Taunggyi, nằm ở phía nam Shan, cũng là thủ phủ của bang Shan, khu vực này không có chiến sự. Tiếp theo là thị trấn Dangyang, nằm gần Lashio, nơi có đông người Hoa và người Kokang sinh sống, với lợi thế là vị trí địa lý rất gần và có thể có người thân hoặc bạn bè để nương tựa. Nhưng nhược điểm là chỉ cách chiến trường một ranh giới mong manh. Tuy nhiên, dù chọn hướng nào, mọi người đều phải đi chung một tuyến đường, rời khỏi Lashio từ phía tây nam, và sau khi đến Nanlan, mỗi người sẽ đi theo con đường riêng của mình.
Sau khi đã chọn được điểm đến, vấn đề tiếp theo là phương tiện di chuyển. Những gia đình có ô tô có thể tự lái xe, nhưng đối với những gia đình không có ô tô, họ phải đối mặt với giá vé đã tăng vọt lên mức cao ngất ngưởng. Trước đây, giá vé từ Lashio đến Mandalay hoặc Taunggyi chỉ khoảng 30.000 kyats Myanmar (theo tỷ giá hiện tại, khoảng 360.000), nhưng giờ đây đã tăng vọt lên 600.000 kyat (khoảng gần 7,2 triệu).
(Cần lưu ý rằng : Theo báo Myanmar Golden Phoenix ngày 17/7/2023, dựa trên tiêu chuẩn thu nhập do Ngân hàng Thế giới công bố cho năm tài chính 2023-2024, Myanmar được xếp vào danh sách các quốc gia có thu nhập trung bình thấp. Tiêu chuẩn này bắt đầu tính từ mức 1136 USD. Thu nhập quốc dân bình quân đầu người của Myanmar là 1210 USD. Trong số các quốc gia ASEAN, Campuchia, Đông Timor, Lào, Philippines, Việt Nam, và một số nước khác cũng được xếp vào danh sách các quốc gia có thu nhập trung bình thấp, nhưng khoảng cách thu nhập bình quân đầu người giữa Việt Nam và Myanmar lên tới 2798 USD.)
Sau khi có phương tiện di chuyển, các đoàn xe cần phải đến cổng thành phố vào khoảng 4-5 giờ sáng để xếp hàng và chờ đợi, vì không ai biết phía trước có an toàn và được phép đi tiếp hay không. Thường thì do không có thông tin hướng dẫn phía trước, nhiều đoàn xe phải quay về nhà vào khoảng 12 giờ trưa và tiếp tục xếp hàng vào ngày hôm sau. Sau khi rời thành phố thành công, hành trình từ Lashio đến Nanlan vốn chỉ mất khoảng 2 giờ thì giờ đây kéo dài đến 2 ngày. Trong hai đêm này, các đoàn xe chỉ có thể dừng lại qua đêm trên đường, chỉ có một số ít người già mới có cơ hội nghỉ lại trong các ngôi chùa ở làng. Do chiến tranh khiến hệ thống liên lạc bị gián đoạn, người dân Lashio hầu như không thể liên lạc với thế giới bên ngoài trước khi đến được NanLan. Phải đến ngày thứ ba, những người “rời đi” khỏi Lashio mới có thể đến được điểm đến của mình.
Những ngôi nhà và cửa hàng không có người trông coi hoặc bị thiêu rụi trong cuộc pháo kích, hoặc bị những kẻ xấu cướp phá sạch sẽ. Lashio có tổng cộng 12 khu (tức là quận hoặc đường phố), trong đó các khu 5, 9, 10, 12 là những nơi diễn ra chiến sự ác liệt nhất do có các doanh trại quân đội đóng quân. Khu 5 cũng là nơi có tình trạng cờ bạc và nghiện ma túy nghiêm trọng nhất. Do đó những ngôi nhà và cửa hàng bỏ trống ở khu 5 trở thành mục tiêu của những kẻ cờ bạc và nghiện ma túy. Chúng đập cửa xông vào nhà và cửa hàng không người canh giữ giữa ban ngày, cướp sạch mọi thứ có giá trị. Nhiều chủ nhà và chủ cửa hàng chỉ biết rằng nhà hoặc cửa hàng của mình đã bị dọn sạch qua những video do người qua đường quay lại và lan truyền.
Tại sao quân đội Myanmar thất bại?
Quân đội Myanmar, với tư cách là lực lượng quốc phòng hợp pháp duy nhất, rõ ràng có sự chênh lệch sức mạnh áp đảo so với các tổ chức vũ trang dân tộc. Hệ thống tác chiến của quân đội Myanmar được tổ chức như sau: Tổng Tư lệnh Quốc phòng là chỉ huy cao nhất của lực lượng quân đội, dưới quyền ông là Phó Tổng Tư lệnh Quốc phòng (đồng thời là Tư lệnh Lục quân) và Tổng Tham mưu trưởng các lực lượng Lục, Hải, Không quân. Dưới cấp này, có 6 Cục Tác chiến Đặc biệt, chịu trách nhiệm chỉ huy các hoạt động quân sự của 14 quân khu trên toàn quốc.
Lấy Lashio làm ví dụ, Tư lệnh Quân khu Đông Bắc do Cục Tác chiến Đặc biệt số 2 chỉ huy. Sở chỉ huy đặt tại Lashio, trực thuộc quyền quản lý của 26 tiểu đoàn và có một Bộ Chỉ huy Phân khu tại thị trấn Laojie (ở Kokang) với 9 tiểu đoàn trực thuộc. Ngoài ra, còn có 3 quân đoàn đóng quân tại các thành phố Guigai, Gunong và Dangyang. Bên cạnh đó, có 2 lữ đoàn cơ động được điều động trên toàn khu vực. Ngoài lực lượng dưới sự chỉ huy của Quân khu Đông Bắc, còn có Sở Chỉ huy Chiến đấu số 1 (cấp sư đoàn) đóng tại Jiaomai và Lữ đoàn Bộ binh Nhẹ số 16 đóng tại Denni, cả hai đều thuộc quyền chỉ huy trực tiếp của Tư lệnh Lục quân. Ngoài ra còn có Sở Chỉ huy Pháo binh gồm 15 tiểu đoàn.
Nhìn lại Liên minh Ba Anh Em, vào năm 2009, quân đội Myanmar đã sử dụng sức mạnh của ba sư đoàn và trong vòng ba ngày đã đánh bại Quân đội Liên minh Kokang, buộc họ phải rút lui về Đặc khu thứ tư của bang Shan. Vào năm 2011, Quân đội Giải phóng Dân tộc Ta’ang và quân đội Arakan được thành lập với sự hỗ trợ của Quân đội Độc lập Kachin. Năm 2015, Liên minh Ba Anh Em gồm Kokang, Ta’ang và Arakan đã tấn công quân đội Myanmar ở Kokang. Nhưng sau sáu tháng giằng co, Liên minh Ba Anh Em không đạt được kết quả gì và phải trở về tay không.
Do sự chênh lệch về lực lượng quân sự, quân đội Myanmar thậm chí không cho phép ba nhóm tham gia các cuộc đàm phán ngừng bắn toàn quốc. Tuy nhiên, trong thời gian này, Liên minh Ba Anh Em vẫn liên tục phát triển lực lượng quân sự của mình. Đến năm 2021, các cuộc biểu tình phản đối việc quân đội tiếp quản chính quyền trên toàn quốc đã tạo cơ hội cho sự phát triển của Liên minh Ba Anh Em.
Liên minh Sinh viên Quốc gia Myanmar được mở rộng từ Đảng Cộng sản Myanmar, đã thành lập Quân đội Giải phóng Nhân dân dưới sự huấn luyện của Quân đội Độc lập Kachin và quân đội Kokang cung cấp vũ khí cho họ. Quân đội Giải phóng Nhân dân Myanmar, do một nhà thơ nổi tiếng lãnh đạo, đã nhận được huấn luyện từ Liên minh Dân tộc Karen và vũ khí được hỗ trợ bởi quân Arakan. Quân đội Bảo vệ Dân tộc Karenni cũng đã phát triển nhờ sự hỗ trợ từ Quân đội Độc lập Kachin và Liên minh Dân tộc Karen. Mặt khác, chính phủ lưu vong chống lại cuộc đảo chính quân sự, gọi là Chính phủ Đoàn kết Dân tộc, đã thành lập Quân đội Bảo vệ Nhân dân.
Những lực lượng này đã gia nhập Liên minh Ba Anh Em vào năm 2023 để thành lập Lữ đoàn 611 được gọi là “Lữ đoàn Dân tộc”. Với sự gia nhập của các lực lượng mới này, sức mạnh của Liên minh Ba Anh Em đã được nâng cao đáng kể. Hơn nữa, sau khi chiến lược máy bay không người lái được Chính phủ Đoàn kết Dân tộc/Quân đội Bảo vệ Nhân dân sử dụng được Liên minh Ba Anh Em tiếp thu, nó được khai thác tối đa trong Chiến dịch Cơn bão 1027.
Do sự chủ quan nghiêm trọng và thiếu kinh nghiệm đối phó với chiến lược máy bay không người lái, quân đội Myanmar đã mất đi nhiều vị trí quan trọng trong đợt tấn công đầu tiên của Chiến dịch 1027, bao gồm Bộ Chỉ huy Phân khu Laojie, Lữ đoàn Bộ binh Nhẹ số 16 tại Denni, cũng như các lữ đoàn tại Guigai và Gunong. Ngoài ra, Tư lệnh Sư đoàn 99, được điều động đến Kokang để chiến đấu đã trở thành Tư lệnh sư đoàn đầu tiên kể từ khi Myanmar độc lập, tử trận trong cuộc chiến.
Sau đó, do toàn bộ Myanmar phải đối mặt với các mối đe dọa từ các lực lượng vũ trang dân tộc và Quân đội Bảo vệ Nhân dân, cộng thêm việc quân đội Myanmar cho rằng Liên minh Ba Anh Em sẽ không tấn công vào Quân khu Đông Bắc nữa, nên không bổ sung đủ lực lượng và chuẩn bị chiến đấu cho khu vực này. Sự thất thủ của Bộ Chỉ huy Phân khu Laojie cũng gây tác động lớn đến tinh thần chiến đấu của quân đội Myanmar. Ngay sau khi chiến tranh nổ ra tại Lashio, quân đội Myanmar đã điều chỉnh chỉ huy bằng cách thay thế Tư lệnh Quân khu Đông Bắc bằng một Tư lệnh mới từ Sư đoàn 99. Tuy nhiên, do Lashio đã bị lực lượng liên minh bao vây, Tư lệnh mới chỉ có thể chỉ huy từ xa từ thị trấn Muse. Tất cả những yếu tố này đã dẫn đến việc Quân khu Đông Bắc bị Liên minh Ba Anh Em đánh bại chỉ trong vòng một tháng.
Cần nhìn nhận chính xác “chiến dịch 1027” thế nào?
Chiến dịch 1027 đã có tác động lớn đối với tình hình trong nước Myanmar và quan hệ Myanmar – Trung Quốc. Vì vậy làm thế nào để hiểu chính xác ý nghĩa của Chiến dịch 1027 trở nên vô cùng quan trọng.
Ngay từ năm 2015, khi Lực lượng đồng minh Kokang phát động chiến dịch “về nhà” lần đầu tiên, họ đã phát “Thư gửi đồng bào Trung Quốc trên thế giới” trên internet, nhấn mạnh rằng người Kokang và dân tộc Trung Hoa đều là “con cháu của Viêm Hoàng, cùng nguồn gốc tổ tiên” và mô tả các hành động quân sự của Kokang là “ đại nghĩa dân tộc.” Họ kêu gọi các đồng hương người Hoa trên toàn thế giới đóng góp tiền bạc và sức lực, cũng như lên tiếng ủng hộ. Đến năm 2023, khi phát động Chiến dịch 1027, lực lượng Đồng minh Kokang đã đưa ra khẩu hiệu “chống lừa đảo điện tử” và nhận được sự ủng hộ của một số lượng lớn các cơ quan truyền thông trong nước ở Trung Quốc. Họ thậm chí còn được mô tả như là đội quân chính nghĩa bảo vệ quyền lợi của Trung Quốc và người Hoa, làm nổi bật sự hỗ trợ từ cộng đồng người Hoa đối với các hành động của họ.
Tuy nhiên, xét về bản chất, Chiến dịch 1027 thực chất là hệ quả của các vấn đề dân tộc tồn tại từ thời kỳ thuộc địa của Myanmar, cùng với việc quan hệ quân-dân trong nước không được xử lý tốt.
Trong thời kỳ thuộc địa, chính phủ Anh đã áp dụng chính sách “chia để trị” giữa khu vực đồng bằng của người Myanmar và các khu vực miền núi của các dân tộc thiểu số, tạo ra sự ngờ vực lẫn nhau giữa các nhóm dân tộc Myanmar. Sau khi độc lập, chủ nghĩa đại dân tộc Myanmar của Chính phủ trung ương đã làm trầm trọng thêm sự xung đột giữa các dân tộc, dẫn đến các cuộc nội chiến sắc tộc. Hơn nữa, sự khác biệt chính trị giữa quân đội và nhân dân đã dẫn đến bốn cuộc đảo chính quân sự vào các năm 1958, 1962, 1988 và 2021, làm sâu sắc thêm sự chia rẽ trong quan hệ quân-dân.
Sự đan xen giữa các vấn đề dân tộc và dân chủ đã khiến Myanmar rơi vào vòng luẩn quẩn hơn 70 năm. Vụ việc giữa Lực lượng Đồng minh Kokang và Lashio có thể coi là biểu hiện cực đoan nhất những xung đột nội bộ chính trị của Myanmar. Sự thất thủ của Lashio, hay chính xác hơn là của Quân khu Đông Bắc, rất có thể chỉ là khúc dạo đầu cho những bất ổn và hỗn loạn tiếp theo trong khu vực.
Cộng đồng quốc tế, trong đó có Trung Quốc, đã và đang nỗ lực hỗ trợ Myanmar trong việc giải quyết các vấn đề dân tộc và dân chủ của nước này. Đặc phái viên do Trung Quốc bổ nhiệm về các vấn đề châu Á đã nỗ lực thúc đẩy quá trình hòa giải dân tộc tại Myanmar trong nhiều năm. Sau năm 2021, ASEAN cũng xây dựng “đồng thuận 5 điểm” nhằm nỗ lực thúc đẩy Myanmar khởi động lại con đường dân chủ. Trung Quốc cũng nhiều lần bày tỏ sự ủng hộ “Phương thức ASEAN” trong việc giải quyết vấn đề Myanmar. Tuy nhiên, để giải quyết các vấn đề này một cách hiệu quả, chính bản thân Myanmar cần phải tìm ra giải pháp nội bộ. Quân đội Myanmar đóng vai trò quan trọng nhất trong việc này, sự thay đổi hoặc điều chỉnh từ phía quân đội sẽ là yếu tố quyết định trong việc tìm kiếm giải pháp lâu dài cho các vấn đề dân tộc và chính trị của đất nước./.
Biên dịch: Nguyễn Phượng
Tác giả: Hanh Khải là trợ lý giáo sư tại Viện Nghiên cứu Hoa Kiều và Các Quốc gia Khu vực của Đại học Hoa Kiều. Nhà nghiên cứu các vấn đề Trung Quốc -Myanmar, là người Myanmar gốc Hoa.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]