Quan hệ Nhật Bản – Đài Loan là mối quan hệ song phương đặc biệt. Bất chấp những vấn đề từ thời kỳ thuộc địa, Đài Loan vẫn coi Nhật Bản là một trong những đối tác quan trọng nhất. Nhật Bản cũng coi Đài Loan là một đối tác quan trọng ở khu vực Đông Bắc Á. Trải qua nhiều thập kỷ, cho dù Tokyo đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Bắc để ủng hộ chính sách “một Trung Quốc” của đại lục, Nhật Bản và Đài Loan vẫn tiếp tục phát triển các mối quan hệ kinh tế, chính trị – an ninh chặt chẽ ở cấp độ phi chính thức. Sự hiểu biết về nhau giữa hai bên ngày càng được nâng lên và đạt được những thành tựu đáng ghi nhận.
Những thành tựu trong quan hệ giữa hai bên trên các lĩnh vực trong thời gian qua sẽ là nền tảng vững chắc cho việc thúc đẩy hơn nữa quan hệ giữa hai bên trong những năm tiếp theo. Đặc biệt khi trong khu vực đang xảy ra nhiều biến động: sự cạnh tranh đang diễn ra giữa Hợp chúng quốc Hoa Kỳ và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và những lo ngại về căng thẳng hơn nữa ở Eo biển Đài Loan đã tạo ra một tình huống mà cả hai bên đều tìm kiếm sự đảm bảo từ bên kia rằng căng thẳng sẽ không leo thang.
Quan hệ Nhật Bản và Đài Loan dưới thời bà Thái Anh Văn
Trước đó, mối quan hệ phi chính thức của Nhật Bản và Đài Loan gặp nhiều thách thức và chưa có tiếng nói chung trong nhiều vấn đề mang tính tính lịch sử như quyền sở hữu quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Nhật Bản – quốc gia giám sát quyền kiểm soát hành chính – cũng như Đài Loan và Trung Quốc tuyên bố rằng quần đảo này là một phần của của họ. Ngoài xung đột xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, còn có một tranh chấp đang diễn ra về rạn san hô không có người ở Okinotorishima, cách các đảo chính của Nhật Bản hàng nghìn dặm về phía nam và phía đông Đài Loan. Các vấn đề về kinh tế cũng là rào cản lớn đối với quan hệ song phương, khiến hai bên chưa có những hợp tác sâu rộng trên các mặt.
Mọi thứ trở nên khởi sắc hơn dưới thời của Tổng Thống chính quyền Đài Bắc bà Thái Anh Văn (2016-2024), một chính trị gia có quan điểm là cam kết đối thoại với Bắc Kinh nhưng bác bỏ nỗ lực của đại lục về việc thống nhất và đưa về mô hình “một quốc gia, hai chế độ” như tại Hồng Kông. Bà chủ động tăng cường mở rộng hợp tác với các đối tác truyền thống và mở rộng với các đối tác khác, nhằm mở rộng thị trường bên ngoài và tránh sự phụ thuộc ngày càng lớn vào đại lục của Đài Loan. Từ đó, các hợp tác về chính trị, kinh tế và an ninh với Nhật bản đã được cải thiện một cách rõ nét. Trước cuộc tổng tuyển cử năm 2016, ứng cử viên tổng thống khi đó là Thái Anh Văn đã có chuyến đi bốn ngày đến Nhật Bản, được gọi là chuyến đi “Hữu nghị Đài Loan-Nhật Bản” trong đó bà được cho là đã gặp Shinzo Abe. Cuộc bầu cử của bà vào tháng 01/2016 đã tạo ra một nền tảng vững chắc cho sự xích lại gần hơn nữa.
Tháng 01/2016 sau khi bà Thái Anh Văn đắc cử Tổng thống Đài Loan (ROC), Thủ tướng Abe và Bộ trưởng Ngoại giao khi đó là Fumio Kishida đã gửi những thông điệp chúc mừng chưa từng có. Hai ngày sau cuộc bầu cử của Thái Anh Văn, Chánh Văn phòng Nội các Yoshihide Suga đã bày tỏ sự ủng hộ Đài Loan tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), đây là một bước tiến tới cải thiện hơn nữa quan hệ. Mặc dù TPP không ra đời, nhưng nó đã được thay thế bằng Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), bao gồm 11 quốc gia châu Á.
Vào tháng 10/2016, mối quan hệ dường như được cải thiện hơn nữa với cuộc đối thoại hợp tác hàng hải đầu tiên giữa Nhật Bản và Đài Loan, trong đó hai bên đã nhất trí hợp tác về các vấn đề hàng hải như nghề cá, nghiên cứu và hợp tác bảo vệ bờ biển trong số nhiều lĩnh vực khác. Việc khởi xướng một cuộc đối thoại được tiếp nối bằng việc ký kết biên bản ghi nhớ (MOU) giữa Nhật Bản và Đài Loan vào năm 2017, cho phép tàu thuyền hoặc nhân viên bảo vệ bờ biển của cả hai bên tiếp cận và hoạt động gần đảo san hô Okinotorishima trong trường hợp khẩn cấp. Do tình trạng tranh chấp của Okinotorishima, thỏa thuận này đã tạo nên một bước đột phá.
Cũng trong năm 2017, Nhật Bản chính thức đổi tên cơ quan đại diện của quốc gia này ở Đài Loan, từ Hiệp hội Giao lưu Nhật Bản thành Hiệp hội Giao lưu Nhật Bản – Đài Loan, nhằm thể hiện sự bình đẳng trong quan hệ song phương, đồng thời nó đã mở ra một chương mới trong quan hệ phi chính thức giữa Tokyo và Đài Bắc. Tháng 5/2019, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Taro Kono đã công khai ủng hộ nỗ lực của Đài Loan tham dự Đại hội đồng Y tế Thế giới với tư cách là người quan sát trên Twitter. Đài Bắc đánh giá cao cử chỉ này và Tổng thống Thái Anh Văn nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác Nhật Bản – Đài Loan, cũng như thái độ tích cực của đất nước này đối với Nhật Bản.
Trong cuộc tái tranh cử vào tháng 01/2020, bà Thái đã giành được 57% số phiếu phổ thông, lập kỷ lục về số phiếu bầu tại Đài Loan. Trong khi bà Thái vận động để Đài Loan ít phụ thuộc hơn vào Trung Quốc về mặt kinh tế, nước vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Đài Loan, thì đối thủ Quốc dân đảng của bà, Hàn Quốc Du – được nhiều người coi là có thái độ thân Bắc Kinh – chỉ giành được 39% số phiếu bầu. Trong khi chính phủ Trung Quốc không hài lòng với diễn biến này và tuyên bố rằng cuộc bầu cử đã bị thao túng từ bên ngoài, thì có vẻ như quyết định mang tính chiến thuật của Trung Quốc là đe dọa và gây sức ép với Đài Loan cho đến khi nước này quyết định trở thành một phần của Trung Quốc đã phản tác dụng. Ngược lại, Tokyo hoan nghênh việc bà Thái tái đắc cử và Bộ trưởng Ngoại giao Toshimitsu Motegi đã chúc mừng Đài Loan về “cuộc bầu cử dân chủ diễn ra suôn sẻ” và chúc mừng bà Thái về chiến thắng một lần nữa. Motegi cho biết: “Đài Loan là đối tác quan trọng và là người bạn quý giá của Nhật Bản, chúng tôi chia sẻ các giá trị cơ bản và có mối quan hệ kinh tế chặt chẽ cũng như giao lưu nhân dân”.
Nhật Bản còn ủng hộ việc mở rộng không gian quốc tế cho Đài Loan, đặc biệt là trong bối cảnh Trung Quốc lôi kéo các đồng minh của Đài Loan (chủ yếu là các đảo quốc nhỏ ở Thái Bình Dương và vùng Caribe) chuyển sang công nhận chính sách “một Trung Quốc” và ngăn cản sự hiện diện của Đài Loan tại các tổ chức quốc tế. Nhật Bản thể hiện lập trường ủng hộ Đài Loan tham dự Đại Hội đồng Y tế Thế giới (WHA) với tư cách quan sát viên. Sách Xanh Ngoại giao Nhật Bản năm 2020 lần đầu tiên khẳng định, Nhật Bản “nhất quán ủng hộ sự tham gia của Đài Loan với tư cách là quan sát viên của WHA”. Thủ tướng Suga tại Hội nghị Thượng đỉnh các nước G7 vào tháng 6/2021, tuyên bố Nhật Bản ủng hộ Đài Loan tham dự WHA. Cũng trong tháng 6, Quốc hội Nhật Bản đã thông qua nghị quyết kêu gọi các quốc gia ủng hộ Đài Loan tham gia WHA với tư cách quan sát viên vào năm 2022. Động thái “chưa từng có tiền lệ” này của phía Nhật Bản cho thấy Đài Loan nhận được sự ủng hộ từ cả hai nhánh lập pháp và hành pháp, chứng minh Đài Loan là một đối tác ngày càng quan trọng của Nhật Bản.
Bên cạnh đó, một số quan chức Nhật Bản đã công khai gọi Đài Loan là “quốc gia”, trực tiếp “chọc giận” Trung Quốc – vốn xem Đài Loan là một bộ phận không thể tách rời của nước này. Vào tháng 6/2021, Thủ tướng Suga tại cuộc họp với Quốc hội và Thứ trưởng Quốc phòng Yasuhide Nakayama trong một sự kiện của Viện Hudson đã gọi Đài Loan là một “quốc gia”. Những tuyên bố cá nhân này, cho dù có gây tranh cãi, đều phản ánh tầm quan trọng của Đài Loan và cho thấy sự ủng hộ của Nhật Bản đối với Đài Loan.
Ở khía cạnh “ngoại giao vaccine”, Nhật Bản đã hỗ trợ kịp thời Đài Loan trong bối cảnh Đài Bắc đối mặt với làn sóng COVID-19 nặng nề từ giữa tháng 5/2021 và tình trạng thiếu hụt vaccine đang gây áp lực lên chính quyền bà Thái Anh Văn. Tính đến đầu tháng 8/2021, Nhật Bản đã viện trợ cho Đài Loan ba đợt với tổng cộng 3,34 triệu liều vaccine, và động thái này mang nhiều thông điệp chiến lược. Trước hết, Đài Loan là một trong những ưu tiên trong chương trình viện trợ vaccine của Nhật Bản, phản ánh Nhật Bản là “một người bạn trong hoạn nạn” của Đài Loan. Đáp lại, Bộ Ngoại giao Đài Loan tuyên bố việc viện trợ vaccine chứng tỏ quan hệ giữa Đài Loan và Nhật Bản là vững chắc. Những lô vaccine của Nhật Bản đến Đài Loan kịp thời, góp phần giúp Đài Loan ứng phó với thách thức cấp bách, qua đó giúp Nhật Bản nhận được cảm tình của chính phủ và người dân Đài Loan, góp phần thắt chặt quan hệ Nhật – Đài. Đồng thời, sự hỗ trợ của Nhật Bản giúp Đài Loan đa dạng hóa nguồn cung vaccine, góp thêm vào quyết tâm của Đài Loan trong việc chứng minh bất kỳ nỗ lực nào của Trung Quốc nhằm ngăn chặn Đài Loan đạt được các thỏa thuận nhận mua vaccine sẽ phản tác dụng.
“Hội nghị Đối thoại Hợp tác Hàng hải Đài Loan-Nhật Bản” lần thứ 5 được tổ chức tại Tokyo vào ngày 13/1/2023. Tại hội nghị lần này, Đài Loan và Nhật Bản đã thẳng thắn trao đổi ý kiến về các vấn đề hai bên cùng quan tâm như hợp tác bảo vệ môi trường biển, hợp tác an ninh hàng hải, hợp tác khoa học biển, hợp tác nghề cá, v.v… Hai bên đều nhận định việc tiếp tục đối thoại trong tương lai là vô cùng quan trọng. Về vấn đề “Đảo Okinotori”, hai bên nhất trí tiếp tục đối thoại và trao đổi về vấn đề tàu cá hoạt động trong vùng biển này để phát triển hơn nữa hợp tác nghề cá giữa Đài Loan và Nhật Bản.
Quan hệ kinh tế giữa Nhật Bản và Đài Loan đã phát triển ổn định kể từ khi Tokyo cắt đứt quan hệ ngoại giao vào năm 1972. Hợp tác trong ngành bán dẫn tập trung vào Công ty Sản xuất Bán dẫn Đài Loan (TSMC – gần đây đã mở một nhà máy mới tại Tỉnh Kumamoto ở Nhật Bản – cũng như việc mở rộng các kênh bán hàng mới sang Nhật Bản, chẳng hạn như tăng xuất khẩu dứa Đài Loan sang Nhật Bản sau lệnh hạn chế nhập khẩu dứa của Trung Quốc… Cả hai đều là ví dụ về sự hợp tác nhằm tăng cường an ninh kinh tế theo cách phù hợp với lợi ích kinh tế của cả Nhật Bản và Đài Loan. Việc cả hai có những bước tiến quan trọng trong những năm gần đây giúp cho Đài Loan có lối thoát cho sự phụ thuộc ngày càng lớn vào kinh tế đại lục, trong khi đó Nhật Bản có thể tận dụng mối quan hệ này nhằm tăng cường sự hiện diện tại thị trường này. Tuy nhiên, cả hai sẽ vấp phải những cản trở từ Bắc Kinh, khi Bắc Kinh luôn muốn cô lập Đài Bắc, nhằm thực hiện chính sách “một Trung Quốc”.
Trong hợp tác an ninh, trong bối cảnh cán cân quyền lực giữa Mỹ và Trung Quốc tại khu vực đang thay đổi nhanh chóng, và khả năng xảy ra xung đột ở eo biển Đài Loan đang gia tăng, yêu cầu Nhật Bản phải tìm kiếm các đối tác có thể mang lại sự hợp tác an ninh, nhằm đảm bảo ổn định trong khu vực. Nhật Bản đã ủng hộ Đài Loan trong nỗ lực duy trì hòa bình và ổn định khu vực, phản ánh Nhật Bản ngày càng quan ngại về mối đe dọa quân sự của Trung Quốc. Về phía Đài Loan, họ phải tìm kiếm các đối tác có thể hợp tác, ủng hộ họ trong những nỗ lực “phòng thủ” trước những uy hiếp từ đại lục ngày một lớn. Những yêu cầu ngày một lớn từ thực địa đã thúc đẩy những hợp tác an ninh có tính chiến lược ngày càng trở nên rõ ràng hơn.
Ngày 17/3/2021, Nhật Bản công bố sách trắng Quốc phòng, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của ổn định khu vực, đặc biệt Tokyo công khai đề cập về tầm quan trọng của sự ổn định ở eo biển Đài Loan. “Ổn định tình hình xung quanh Đài Loan có ý nghĩa quan trọng đối với an ninh của Nhật Bản và sự ổn định của cộng đồng quốc tế”, và Nhật Bản cần “chú ý sát sao tình hình” với quan ngại về khả năng khủng hoảng khu vực. Điều này truyền đi một thông điệp rõ ràng với Trung Quốc rằng Nhật Bản luôn theo dõi sát sao an ninh khu vực Đài Loan và sẵn sàng bảo vệ lợi ích của mình.
Thông qua nhấn mạnh an ninh Đài Loan có liên hệ trực tiếp tới an ninh Nhật Bản trong bối cảnh cán cân quân sự đang bất lợi cho Đài Loan, chính quyền Suga có khả năng sẽ tăng cường chia sẻ thông tin tình báo với Đài Loan, hoặc mở rộng và thúc đẩy cơ chế chia sẻ thông tin ba bên Mỹ – Nhật – Đài, nhằm giúp Đài Loan có những bước chuẩn bị tốt hơn và lường trước được các động thái của Trung Quốc tại eo biển.
Từ đó, thúc đẩy Nhật Bản và Đài Loan chia sẻ nhận thức chung về việc hợp tác và tiến hành các biện pháp cần thiết để đối phó với các áp lực từ phía Trung Quốc. Nhật Bản cho rằng khoảng cách từ tỉnh Okinawa – nơi hiện diện căn cứ quân sự của Mỹ đến Đài Loan là quá gần, chỉ cách 450 dặm. Do đó, khủng hoảng hay xung đột quân sự tại eo biển Đài Loan sẽ đe dọa an ninh Nhật Bản. Chính vì thế, một mối quan hệ an ninh chặt chẽ với Đài Bắc đóng vai trò rất quan trọng đối với an ninh của Tokyo.
Theo các nguồn thạo tin, Nhật Bản vừa bổ nhiệm một quan chức chính phủ đương nhiệm đóng vai trò như tùy viên quốc phòng tại Đài Loan, nâng cấp quan hệ an ninh trong động thái có thể khiến Bắc Kinh tức giận, Reuters đưa tin ngày 12/9/2023. Vai trò tùy viên quốc phòng trước đó vẫn được đảm nhiệm bởi một sĩ quan Lực lượng Phòng vệ Nhật đã về hưu, nhằm tránh sự phản đối của Trung Quốc. Các nguồn tin cho hay sĩ quan về hưu này đã làm việc cùng một sĩ quan từ Bộ Quốc phòng Nhật, nhằm tăng cường việc thu thập thông tin và liên lạc với lực lượng phòng vệ Đài Loan. Hành động này có thể là sự nâng cấp quan hệ an ninh lên một mức cao mới và thể hiện sự ủng hộ ngày càng lớn của Nhật Bản đối với Đài Loan.
Trong tương lai, Nhật Bản sẽ phải chú ý nhiều hơn đến các động thái của Mỹ đối với Đài Loan, nhất là những bước đi ngoại giao mới giữa Mỹ và Đài Loan, cũng như việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan, để có thể đánh giá tốt hơn mức độ cam kết của Mỹ đối với an ninh Đài Loan và khu vực.
Đài Loan sẽ tận dụng mọi cơ hội để tăng cường sức phòng thủ trước những hành động vượt “làn ranh đỏ” ngày càng thường xuyên của đại lục. Việc có được một mối quan hệ “nồng ấm” với đối tác và láng giềng như Nhật Bản, giúp Đài Bắc có được sự đảm bảo nhất định và có được thời gian cho nhưng toan tính chính trị và sự chuẩn bị về quân sự cho trường hợp xấu nhất có thể xảy ra.
Thời cơ và thách thức đối với quan hệ Đài Loan – Nhật Bản trong bối cảnh hiện nay
Sự cạnh tranh ngày một phức tạp giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đang khiến cán cân quyền lực trong khu vực thay đổi một cách nhanh chóng, kèm theo đó là những lo ngại về căng thẳng hơn nữa ở Eo biển Đài Loan ngày một gia tăng. Những thách thức đến tình hình an ninh khu vực đang đặt ra rất nhiều thách thức vô cùng to lớn trong quan hệ đặc biệt giữa Đài Loan và Nhật Bản.
Thứ nhất, Bắc Kinh và “Chính sách Một Trung Quốc” là trở ngại lớn nhất, nếu quan hệ song phương của Đài Loan và Nhật Bản có những bước tiến xa hơn trong tương lai. Cho đến nay, Trung Quốc từ chối công nhận Đài Loan là một quốc gia và coi đây là một tỉnh “phản loạn” cần phải sáp nhập bằng mọi giá. Hầu hết các quốc gia đều tuân thủ “Chính sách Một Trung Quốc”, chính sách này ngăn cản quan hệ ngoại giao của một quốc gia thứ ba với cả Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Trung Hoa Dân Quốc. Hiện tại chỉ có 15 quốc gia tiếp tục duy trì quan hệ ngoại giao với Đài Bắc.
Thứ hai, Nhật Bản có thể vượt qua trở ngại Bắc Kinh để hợp tác một cách sâu rộng hơn nữa với Đài Loan hay không?. Những động thái hợp tác “gần gũi” những năm gần đã khiến Bắc Kinh nổi giận và nhiều lần lên tiếng phản đối, trên thực địa đại lục cũng có nhiều hành động cụ thể nhằm đưa ra những răn đe có trọng lượng đối với Nhật Bản. Hồi cuối tháng 5/2024 vừa qua, Đại sứ Trung Quốc tại Tokyo Ngô Giang Hạo phát biểu rằng người dân Nhật sẽ bị lôi kéo vào “biển lửa” nếu Nhật Bản tham gia vào bất kỳ nỗ lực nào nhằm chia rẽ “nội bộ Trung Quốc”. Liệu rằng Nhật Bản có thể đưa ra các hành động mạnh mẽ hơn, vượt qua bức tường Bắc Kinh để đưa mối quan hệ Tokyo – Đài Bắc vượt lên quan hệ phi Chính phủ hay không?.
Thứ ba, quan hệ Đài Loan – Nhật Bản có trở nên là giải pháp tối ưu cho an ninh của Nhật Bản và Đài Loan có trở nên an toàn hơn hay không?. Dấu hỏi lớn này hoàn toàn có cơ sở khi những xung đột xuyên Eo biển Đài Loan dần xuất hiện nhiều hành động gây hấn mạnh mẽ và hình thành thế bao vây đối với Đài Bắc. Tháng 8/2022, Đài Loan đã chứng kiến một cuộc tập trận quy mô lớn xung quanh hòn đảo sau khi tiếp đón phái đoàn của Chủ tịch Hạ viện Mĩ bà Pelosi, chuyến thăm của bà Pelosi, để lại một Đài Loan chịu nhiều áp lực và không thể đưa ra một đáp trả nào.
Việc thể hiện quan điểm ủng hộ từ diễn ngôn chính trị hay hành động ngoại giao thực tế đều đang đẩy Eo biển Đài Loan gần hơn đến bờ vực xung đột. Những hành động của đồng minh Hoa Kỳ cũng đang dần mất đi sức nặng khi Bắc Kinh đang hành động một cách mạnh mẽ hơn, đưa Nhật Bản vào thế khó trong những nỗ lực thực hiện sự ủng hộ với Đài Bắc.
Tuy nhiên, cả Nhật Bản và Đài Loan đều nhìn thấy những tiềm năng to lớn từ mối quan hệ khăng khít phi chính thức này. Trong bối cảnh tình hình an ninh chính trị khu vực đang có những diễn biến phức tạp, chứa đựng nhiều bất ổn cùng với xu hướng toàn cầu hóa kinh tế, nhu cầu gia tăng các mối quan hệ hợp tác hai bờ Đông Tây sẽ là động lực thúc đẩy cho những hành động thực tế của cả Nhật Bản và Đài Loan.
Trước hết, Nhật Bản cẩn đảm bảo sự ổn định trong khu vực và đặc biệt là sự đảm bảo an ninh cho chính Nhật Bản. Nhật Bản chưa ở vị thế có thể trực tiếp tham gia vào việc phòng thủ của Đài Loan – thậm chí trước năm 1972, Nhật Bản chỉ gián tiếp tham gia vào an ninh của Eo biển Đài Loan thông qua Hiệp ước an ninh Nhật Bản-Hoa Kỳ. Nhưng tại Sách trắng Quốc phòng Nhật Bản năm 2021 nhấn mạnh: “Ổn định tình hình xung quanh Đài Loan có ý nghĩa quan trọng đối với an ninh của Nhật Bản và sự ổn định của cộng đồng quốc tế”, và Nhật Bản cần “chú ý sát sao tình hình” với quan ngại về khả năng khủng hoảng khu vực. Thông qua nhấn mạnh an ninh Đài Loan có liên hệ trực tiếp tới an ninh Nhật Bản trong bối cảnh cán cân quân sự đang bất lợi cho Đài Loan, chính quyền Suga có khả năng sẽ tăng cường chia sẻ thông tin tình báo với Đài Loan, hoặc mở rộng và thúc đẩy cơ chế chia sẻ thông tin ba bên Mỹ – Nhật – Đài, nhằm giúp Đài Loan có những bước chuẩn bị tốt hơn và lường trước được các động thái của Trung Quốc tại eo biển.
Điều này truyền đi một thông điệp rõ ràng với Trung Quốc rằng Nhật Bản luôn theo dõi sát sao an ninh khu vực Đài Loan và sẵn sàng bảo vệ lợi ích của mình. Những quan ngại của Nhật Bản đang thúc đẩy họ đưa ra những toan tính chiến lược trong lĩnh vực an ninh, yêu cầu phải phát triển mối quan hệ có tính an ninh trong quan hệ hai bờ Đông Tây một cách nhanh chóng và có tính phòng chủ chung. Điều này cũng là điều mà Đài Bắc mong muốn trong chính sách Quốc phòng của họ nhằm gia tăng sức mạnh quân sự của họ một cách nhanh chóng trước những hành động ngày một mạnh mẽ từ Đại Lục.
Tiếp đến, cả Đài Loan và Nhật Bản cần có một đối tác kinh tế đủ mạnh mẽ, có khả năng giúp đỡ lẫn nhau dần thoát khỏi sự lệ thuộc ngày càng lớn vào đại lục, nền kinh tế thứ hai thế giới này. Trong khi sự bế tắc với Bắc Kinh sẽ tiếp tục hạn chế khả năng hoạt động của Đài Bắc trong cộng đồng quốc tế, có khả năng tạo thành rào cản đối với những người muốn hợp tác với Đài Loan, thì thành tích của Đài Loan trong thời điểm khó khăn này có thể khiến nhiều người phải xem xét lại thái độ xa cách của họ. Nhật Bản là đối tác thương mại quan trọng thứ ba của Đài Loan – chỉ sau Hoa Kỳ và Trung Quốc, sẽ là giải pháp tốt nhất trong nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung nguyên nhiên vật liệu và mở rộng thị trường của Đài Bắc.
Cuối cùng, mối quan hệ “nồng ấm” giữa Đài Loan và Nhật Bản sẽ nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ Hoa Kỳ. Quan hệ đối tác của Hoa Kỳ có vẻ như làm lu mờ mối quan hệ Đài Loan-Nhật Bản về số lượng các hoạt động song phương hoặc các biện pháp hợp tác. nhưng Hoa Kỳ cũng có thể được coi là tăng cường mối quan hệ này, đóng vai trò là đối tác thứ ba hữu ích được hưởng lợi từ tình hữu nghị và sự hợp tác chặt chẽ giữa Nhật Bản và Đài Loan.
Trên thực tế, Mỹ không chính thức công nhận Đài Loan với tư cách là một quốc gia. Từ những năm 1970, Mỹ đã thừa nhận chính sách “Một Trung Quốc” chính sách này xác định chính quyền Bắc Kinh là chính phủ hợp pháp duy nhất của Trung Quốc. Nhưng Mỹ vẫn là nhà cung cấp vũ khí chính cho Đài Loan.
Trong các cuộc họp năm 2021, các quan chức cấp cao Nhật Bản và Mỹ đều nhấn mạnh tới tầm quan trọng của hòa bình và ổn định tại eo biển Đài Loan, như Đối thoại Nhật – Mỹ 2+2 giữa Ngoại trưởng Motegi Toshimitsu và Bộ trưởng Quốc phòng Nobuo Kishi với người đồng cấp là Antony Blinken và Lloyd Austin vào tháng 3, tuyên bố chung Mỹ – Nhật giữa Thủ tướng Suga và Tổng thống Biden vào tháng 4. Nhật Bản và Mỹ đang hội tụ về tầm nhìn chiến lược, chia sẻ nhiều điểm tương đồng về an ninh eo biển và quan ngại các hành động gây sức ép lên Đài Loan của Trung Quốc. Hơn hết, các tuyên bố giữa Mỹ và Nhật Bản đã khẳng định quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ vẫn đóng vai trò quan trọng trong chính sách đối ngoại và quốc phòng của hai cường quốc.
Bên cạnh đó, năm 2022 Washington đưa ra thỏa thuận trị giá 8 tỷ USD để cung cấp 66 máy bay chiến đấu F-16 vào năm 2026 cho Đài Loan đã được phê duyệt. Ngày 29/07/2023 vừa qua, Mỹ đã công bố hơn 345 triệu USD viện trợ quân sự cho Đài Loan. Thông báo của Nhà Trắng không nêu chi tiết về vũ khí hoặc thiết bị sẽ được cung cấp. Tuy nhiên có thể thấy rằng, Mỹ đã, đang và sẽ hỗ trợ Đài Loan nâng cao sức mạnh cứng để có thể đối đầu với Bắc Kinh. Trung Quốc đã ngay lập tức lên án thông báo này và nói rằng Mỹ nên ngừng bán vũ khí cho Đài Loan và ngừng tạo ra các yếu tố dẫn đến căng thẳng ở Eo biển Đài Loan”.
Tháng 8/2022, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi và phái đoàn Mỹ đã có chuyến thăm Đài Bắc, hai bên đã thảo luận biện pháp tăng tốc chuyển giao vũ khí Mỹ cho Đài Loan. “Chúng ta cần duy trì bán vũ khí cho Đài Loan và bảo đảm tiến độ giao hàng kịp thời, cũng như đẩy mạnh hợp tác kinh tế, đặc biệt là thương mại và công nghệ”. Tiếp đó, tháng 9/2022, trong một cuộc phỏng vấn, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tiết lộ nếu có một cuộc tấn công từ Trung Quốc tới Đài Loan, các lực lượng Mỹ chắc chắn sẽ cung cấp hỗ trợ quân sự để bảo vệ hòn đảo. Để chuẩn bị cho sự hỗ trợ này, Mỹ đã tăng cường hợp tác quân sự với các đồng minh lân cận là Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines để có thể đảm bảo phản ứng nhanh nhất khi có một cuộc tấn công xảy ra.
Sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ phía Hoa Kỳ, sẽ thúc đẩy khả năng hỗ trợ của Nhật Bản cho Đài Loan trước áp lực quân sự của Trung Quốc. Điều này không loại trừ Nhật Bản sẽ có những hành động cụ thể nhằm đảm bảo an ninh quốc gia và góp phần duy trì hòa bình và ổn định khu vực như gắn kết quan hệ với Mỹ và tích cực hợp tác về an ninh với Đài Loan.
Bức tường Bắc Kinh sẽ là thách thức lớn nhất không chỉ ở cộng đồng quốc tế, mà mối quan hệ với Tokyo của Đài Bắc sẽ trở nên khó khan hơn bao giờ, khi mà Bắc Kinh mạnh mẽ trong các diễn ngôn chính trị và tăng mạnh hành động trên thực địa trong vấn đề Eo biển Đài Loan. Bên cạnh đó, động lực từ đồng minh Hoa Kỳ đối với mối quan hệ Nhật Bản – Đài Loan, sẽ là động lực lớn cho mối quan hệ hợp tác 2 bờ Đông Tây trong viễn cảnh cán cấn quyền lực khu vực có sự thay đổi nhanh chóng và thiếu ổn định như hiện nay.
Xu hướng quan hệ Nhật Bản – Đài Loan
Tháng 01/2024, ông Lại Thanh Đức ứng cử viên của Đảng Dân chủ tiến bộ (DPP), đã đắc cử vị trí lãnh đạo Chính phủ Đài Bắc trong 4 năm tới. Tại Nhật Bản, ngày 14/8/2024, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã khiến chính giới nước này chấn động khi tuyên bố sẽ không tái tranh cử nhiệm kỳ thứ hai với tư cách là lãnh đạo Đảng Dân chủ Tự do (LDP) vào tháng 9 này, đồng nghĩa với nhiệm kỳ thủ tướng của ông cũng chấm dứt sau 3 năm nắm quyền.
Những thay đổi trong chính trường hai bờ Đông Tây sẽ tác động lớn tới chính sách của cả hai. Tuy nhiên, như lời ông Lại phát biểu sau khi thắng cử: Ông Lại kêu gọi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa “ngừng đe dọa Đài Loan về mặt chính trị và quân sự, đồng thời cùng Đài Loan đảm nhận trách nhiệm toàn cầu để nỗ lực duy trì hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan và trong khu vực, để đảm bảo thế giới không còn lo sợ chiến tranh nổ ra”. Tiếp đó, ông Lại nhắc lại quan điểm của người tiền nhiệm Thái Anh Văn rằng Đài Loan và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa không phụ thuộc lẫn nhau. Ông kêu gọi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa “tôn trọng sự lựa chọn của người dân Đài Loan và, với thiện chí, chọn đối thoại thay vì đối đầu, trao đổi thay vì ngăn chặn và, theo các nguyên tắc bình đẳng và tự trọng, hợp tác với chính phủ hợp pháp do người dân Đài Loan lựa chọn”. Những diễn ngôn chính trị và hành động chính trị trước và sau cuộc bầu cử cho thấy ông Lại sẽ duy trì những di sản chính trị mà bà Thái Anh Văn đã đạt được để củng cố niềm tin đối với những nước đang có hợp tác và quan điểm ủng hộ với thực thể chính trị đang tồn tại ở Đài Bắc.
Ngay khi kết quả bầu cử ở Đài Loan được công bố, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Hayashi Yoshimasa gọi Đài Loan là “đối tác và bạn bè rất quan trọng” của Nhật Bản, và phát biểu với các phóng viên rằng Tokyo “muốn tăng cường hơn nữa và phát triển quan hệ song phương” với Đài Bắc. Mặc dù thời điểm hiện tại Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tuyên bố không tái tranh cử cho nhiệm kỳ Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do (LDP) tiếp theo của mình, thì Đảng Dân chủ Tự do vẫn là đảng cầm quyền trong Nghị viện Nhật Bản. Việc duy trì chính sách đối ngoại với Đài Loan là quan điểm thống nhất và có sự ủng hộ lớn trong nội bộ Đảng từ thời cố Thủ tướng Abe, điều này giúp cho chính sách đối ngoại của Tokyo sẽ được duy trì trong nội các mới sau cuộc bầu cử Chủ tịch Đảng tháng 9 sắp tới.
Việc đánh giá mối quan hệ Hoa Kỳ và Trung Quốc trong khu vực, và sự căng thẳng leo thang ở Eo biển Đài Loan là mấu chốt cho định hướng quan hệ 2 bờ Đông Tây:
Thứ nhất, hợp tác an ninh sẽ là chủ đạo trong quan hệ Nhật Bản – Đài Loan. Việc nhấn mạnh đến an ninh xung quanh Đài Loan trong Sách trắng Quốc phòng phản ánh khả năng nhất định trong cam kết của Tokyo dành cho Đài Bắc cũng như phát triển hy vọng về khả năng hợp tác an ninh với Đài Loan và Mỹ nỗ lực duy trì hòa bình và ổn định eo biển Đài Loan cũng như khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Thông qua nhấn mạnh an ninh Đài Loan có liên hệ trực tiếp tới an ninh Nhật Bản trong bối cảnh cân quân sự đang bất lợi cho Đài Loan, chính quyền Tokyo có khả năng sẽ tăng cường chia sẻ thông tin tình báo với Đài Loan, hoặc mở rộng và thúc đẩy cơ chế chia sẻ thông tin ba bên Mỹ – Nhật – Đài, nhắm giúp Đài Loan có những bước chuẩn bị tốt hơn và chuyển tiếp trước các thái độ của Trung Quốc tại eo biển.
Thứ hai, hợp tác sâu rộng giữa Nhật Bản và Đài Loan mang lại lợi ích cho cả hai bên. Trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc và tác động của sự phát triển kinh tế trong nước của Trung Quốc, các chính sách mà Tokyo và Đài Bắc đã theo đuổi để đảm bảo an ninh cho nền kinh tế, xây dựng và củng cố các quy tắc và chuẩn mực của nền kinh tế và hợp tác với các đối tác quốc tế trong hai nền kinh tế phát triển. Nhu cầu và sự cần thiết phải hợp tác chặt chẽ hơn để đảm bảo khả năng phục hồi của các mạng lưới của Nhật Bản và Đài Loan, các dự án chung, ngăn chặn dòng chảy nguồn vốn và công nghệ sang Trung Quốc và giúp Đài Loan tham gia vào các thể chế đa phương.
Bên cạnh đó, Đài Loan có thể tận dụng mối quan hệ này để nâng cao vị thế quốc tế và dần thoát khỏi thế bị bao vây và cô lập do Bắc Kinh thiết lập. Tương tự như vậy, hợp tác với Đài Loan mang lại lợi ích đáng kể cho Nhật Bản. Tokyo có thể tránh khỏi vào sự phụ thuộc vào thị trường và một số công nghệ của Trung Quốc.
Mối quan hệ nồng ấm giữa Nhật Bản và Đài Loan được xây dựng trên nhiều thập kỷ hợp tác thực tế, các giá trị chung và lợi ích an ninh chung. Sự hợp tác của họ có thể không chính thức, nhưng đã có hiệu quả trong việc hướng tới một số nhiệm vụ quan trọng: nâng cao vị thế quốc tế của Đài Loan và hội nhập Đài Loan vào cộng đồng quốc tế, chứng minh lợi ích của việc tăng cường hợp tác cho cả hai đối tác, cũng như chia sẻ chuyên môn và hỗ trợ về các mối quan tâm an ninh truyền thống và phi truyền thống quan trọng. Nhật Bản là tăng cường quan hệ đối tác với Đài Loan theo cách không chính thức, đồng thời nỗ lực giảm căng thẳng với Trung Quốc. Hiện tại, có thể khẳng định rằng cách tiếp cận chính sách đối ngoại của Nhật Bản đối với Trung Quốc sẽ không hạn chế cơ bản khả năng tăng cường hợp tác và thúc đẩy lợi ích chung với Đài Bắc của Tokyo.
Tác giả: Lục Đình Lộc
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
Tài liệu tham khảo
1. Madoka Fukuda, 2024, Prospects for Taiwan-Japan Relations after the 2024 Election, https://globaltaiwan.org/2024/05/prospects-for-taiwan-japan-relations-after-the-2024-election/
2. IPDefenseForum, 2024, Tân Tổng thống Đài Loan khẳng định khát vọng hòa bình, ổn định, https://ipdefenseforum.com/vi/2024/05/tan-tong-thong-dai-loan-khang-dinh-khat-vong-hoa-binh-on-dinh/
3. Eleanor Shiori Hughes, 2023, Japan and Taiwan: A Relationship Filled With Promise, But Not Without Limits, https://globaltaiwan.org/2023/04/japan-and-taiwan-a-relationship-filled-with-promise-but-not-without-limits/
4. Pamela Kennedy, 2021, Japan-Taiwan Relations: Opportunities and Challenges, https://www.stimson.org/2021/japan-taiwan-relations-opportunities-and-challenges/
5. T.Lan, 2024, Nhật Bản: Thủ tướng Kishida Fumio tuyên bố không tái tranh cử Chủ tịch đảng cầm quyền, https://dangcongsan.vn/the-gioi/tin-tuc/nhat-ban-thu-tuong-kishida-fumio-tuyen-bo-khong-tai-tranh-cu-chu-tich-dang-cam-quyen-675004.html
6. NCQT, 2021, Sách Quốc trắng phòng Nhật Bản 2021: Nhân tố Đài Loan và phát triển mong hợp tác an ninh Nhật-Đài, https://nghiencuuquocte.org/2021/07/19/sach-trang-quoc-phong-nhat-ban-2021-nhan-to-dai-loan-va-trien-vong-hop-tac-an-ninh-nhat-dai/
7. Thúy Anh, 2023, Tổng thống Thái Anh Văn mong Nhật Bản ủng hộ Đài Loan tham gia tổ chức quốc tế, Nghị sĩ Nhật: toàn lực ủng hộ Đài Loan tham gia WHA, https://vn.rti.org.tw/news/view/id/2009246
8. Niklas Swanström và Lea Heck, 2020, Taiwan-Japan (Unofficial) Relations: In a Sea of Troubles, https://www.isdp.eu/publication/taiwan-japan-unofficial-relations-sea-troubles/
9. Nguyễn Thành Trung, 2023, Nhà lãnh đạo Đài Loan gặp chủ tịch Hạ viện Mỹ: ‘Đọc’ thông điệp từ uyển ngữ và hàm ý, https://tuoitre.vn/nha-lanh-dao-dai-loan-gap-chu-tich-ha-vien-my-doc-thong-diep-tu-uyen-ngu-va-ham-y-20230407081806772.htm
10. Thái Hà, 2022, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đã tới Đài Loan, https://cand.com.vn/the-gioi-24h/chu-tich-ha-vien-my-nancy-pelosi-da-toi-dai-loan-i662595/
11. Khánh An, 2023, Nhật Bản nâng cấp quan hệ an ninh với Đài Loan?, https://thanhnien.vn/nhat-ban-nang-cap-quan-he-an-ninh-voi-dai-loan-18523091220500476.htm?
12. Taiwan Today, 2024, Đài Loan và Nhật Bản ký kết Bản ghi nhớ trao đổi và hợp tác trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp, https://vn.taiwantoday.tw/news.php?unit=458&post=234276
13. Ministry of Foreign Affairs, 2023, Đài Loan và Nhật Bản tổ chức thành công “Hội nghị Đối thoại Hợp tác Hàng hải” lần thứ 5, https://nspp.mofa.gov.tw/nsppvn/news.php?