Thế giới ngày nay là một thế giới nóng bỏng và lộn xộn về địa chính trị. Một nguồn gốc của sự lộn xộn đó là sự thiếu đồng thuận giữa các học giả và các nhà hoạch định chính sách về sự phân bổ quyền lực toàn cầu. Liệu chúng ta có còn sống trong một thế giới cùng bá quyền của Mỹ hay không? Đó là một thế giới hai cực hay đa cực? Hay các quốc gia không còn là “nhân vật chính” của thế giới nữa và thay vào đó chúng ta đang sống trong kỷ nguyên “phân cực công nghệ”, nơi những tập đoàn khổng lồ như Amazon, Apple, Google, Meta và tỷ phú Elon Musk sẽ là những “cường quốc” mới?
Trong khi đó, ngay trong giới học thuật cũng không tìm được tiếng nói chung là một điều đáng lo ngại. Sự bất định về việc phân chia quyền lực không chỉ đơn thuần là vấn đề để tranh luận. Khi các bên không tìm được tiếng nói chung về việc chia sẻ quyền lực, chiến tranh có thể nổ ra.
Sự khác biệt về quan điểm trong giới học thuật
Hai cuốn sách được xuất bản năm ngoái đưa ra những cách giải quyết khác nhau về những vấn đề này. Trong cuốn sách Đế chế ngầm: Mỹ vũ khí hóa nền kinh tế thế giới như thế nào, Henry Farrell và Abraham Newman thừa nhận rằng Mỹ vẫn nắm giữ một lượng quyền lực đáng kể trong hệ thống thế giới. Tuy nhiên, cuốn (Những) Đế chế kỹ thuật số: Cuộc chiến toàn cầu để điều chỉnh công nghệ của Anu Bradford lại lập luận rằng siêu cường đầy tiềm năng mà không ai ngờ tới không phải là Mỹ hay Trung Quốc mà lại chính là Liên minh châu Âu.
Cả hai cuốn sách đều xem xét việc thực thi quyền lực và quản trị trong lĩnh vực kỹ thuật số. Những đánh giá trái ngược nhau của họ giúp giải thích tại sao ngay cả những nhà quan sát sắc bén nhất về các vấn đề toàn cầu cũng khó có thể đồng ý về tình trạng hiện tại của thế giới, đặc biệt khi mà có liên quan đến công nghệ.
Xem xét kỹ hơn về cuốn sách “Đế chế ngầm” của Farrell và Newman, cuốn sách này được phát triển dựa trên bài báo năm 2019 của tạp chí An ninh Quốc tế, “Sự phụ thuộc lẫn nhau được vũ khí hóa: Mạng lưới kinh tế toàn cầu định hình nên sự áp bức của nhà nước như thế nào”. Trong bài báo đó, Farrell, Giáo sư tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Cao cấp Johns Hopkins và Newman, Giáo sư tại Đại học Georgetown đã thừa nhận rằng trên nhiều lĩnh vực khác nhau của ngành kinh tế, toàn cầu hóa đã tạo ra một cấu trúc mạng lưới tập trung quyền lực vào một số nút trung tâm. Các quốc gia kiểm soát các nút đó, chẳng hạn như Mỹ có thể gây ảnh hưởng lên toàn cầu một cách đáng kể.
Cuốn sách Đế chế ngầm cũng nhắc nhở người đọc về luận điểm cốt lõi của bài viết. Trong phần giới thiệu, các tác giả viết: “Nền kinh tế toàn cầu dựa vào một hệ thống truyền dẫn dữ liệu khổng lồ mà Mỹ có khả năng kiểm soát đáng kể, đơn giản như thể chúng được một kỹ sư quân sự thiết kế riêng cho mục đích đó. Bằng cách giành quyền kiểm soát các nút truyền dẫn dữ liệu quan trọng, chính phủ Mỹ có thể bí mật nghe được những gì các đối thủ đang nói với nhau hoặc loại họ ra khỏi hệ thống tài chính toàn cầu.”
Tuy nhiên, Đế chế ngầm mở rộng và trình bày sâu sắc hơn luận điểm này. Trước hết, cuốn sách viết về một cuộc thảo luận thú vị về cách khu vực tư nhân đã giúp tạo ra thế giới tập trung này và các điều kiện theo đó các tập đoàn đa quốc gia sẵn sàng mở rộng quyền lực liên bang: “Hết doanh nhân này đến doanh nhân khác phát hiện ra rằng cách tốt nhất để kiếm lợi nhuận trong một nền kinh tế phi tập trung là nền kinh tế phải tìm ra cách để tập trung hóa các phần của nó một lần nữa.”
Trong khi đó, cuốn Đế chế Kỹ thuật số của Bradford được xây dựng tương tự dựa trên tác phẩm đi trước. Bradford rút ra từ cuốn sách năm 2020 của mình, Hiệu ứng Brussels, lập luận rằng sự kết hợp giữa sức mạnh thị trường và năng lực kỹ thuật của EU đã khiến khối này trở thành siêu cường trong các lĩnh vực mà người châu Âu ưa thích các tiêu chuẩn và quy định nghiêm ngặt. Trong cuốn sách Đế chế Kỹ thuật số, Bradford, Giáo sư tại Trường Luật Columbia cho rằng có ba cường quốc khi nói đến công nghệ trực tuyến. Mỗi cường quốc trong số đó cung cấp nhiều thứ chủ nghĩa tư bản kỹ thuật số khác nhau. Tác giả viết rằng “Mỹ đã đi tiên phong trong mô hình chủ yếu do thị trường định hướng, Trung Quốc là mô hình do nhà nước định hướng và EU là mô hình do quyền con người định hướng”.
Những cách tiếp cận khác nhau này dẫn đến cuộc xung đột theo chiều ngang giữa Mỹ, Trung Quốc và EU về các vấn đề pháp lý và công nghệ như quyền riêng tư dữ liệu và kiểm duyệt nội dung. Những mối quan tâm về kỹ thuật số khác nhau cũng tạo ra cuộc xung đột theo chiều dọc giữa các chính phủ này và các công ty công nghệ cung cấp dịch vụ hay cơ sở hạ tầng kỹ thuật số. Chính phủ Trung Quốc buộc các doanh nghiệp trong nước phải tuân thủ chặt chẽ hơn những yêu cầu của chính phủ. Các công ty Mỹ thì sẵn sàng đấu tranh với chính phủ liên bang về các vấn đề liên quan đến quyền riêng tư dữ liệu.
Cả hai cuốn sách Đế chế ngầm và Đế chế kỹ thuật số đều có những phân tích sâu sắc và đáng đọc. Farrell và Newman thêm vào câu chuyện của họ những câu chuyện thú vị. Cuốn sách của Bradford có tính chất của bách khoa toàn thư; tác giả đã tạo ra các cuộc thảo luận về các tranh chấp trong các chính sách trực tuyến toàn cầu về các vấn đề bao gồm chống độc quyền và trí tuệ nhân tạo rất toàn diện và hứa hẹn sẽ có ích cho bất kỳ ai muốn tìm hiểu về chủ đề này.
Tuy nhiên, điều khiến những cuốn sách này trở nên thú vị là chúng khác nhau trong việc đánh giá nguồn sức mạnh của nhà nước trong không gian mạng.
Đối với Farrell và Newman, Washington vẫn giữ được sức mạnh đáng kể vì phần lớn bộ phận trong thế giới kỹ thuật số có nguồn gốc từ Mỹ. Tính trung tâm của mạng lưới này mang lại cho Mỹ khả năng giám sát, gây ảnh hưởng và ép buộc các chủ thể khác trên nhiều lĩnh vực khi cần thiết.
Ít nhất một số những luận điểm là do cố ý: Các tác giả viết rằng, trong những ngày đầu của Internet, “theo một cựu nhân viên NSA, chính phủ Mỹ ‘âm thầm khuyến khích ngành viễn thông tăng số lượng lưu lượng truy cập quốc tế được định tuyến thông qua các thiết bị chuyển mạch có trụ sở tại Mỹ để giúp việc theo dõi thế giới dễ dàng hơn.” Với cuộc cạnh tranh công nghệ Mỹ-Trung,Washington đã áp dụng các biện pháp độc đáo để gây áp lực với Trung Quốc. Chúng bao gồm các quy tắc sản phẩm trực tiếp nước ngoài, cho phép Mỹ cấm xuất khẩu sản phẩm từ các quốc gia khác nếu những sản phẩm đó phụ thuộc vào linh kiện hoặc công nghệ do Mỹ sản xuất.
Nhìn chung, cuốn Đế chế ngầm cho thấy rằng một số dạng quyền lực mang tính cấu trúc cực kỳ khó có thể bị đánh bật. Giống như vào cuối những năm 1980, khi nhiều học giả quan hệ quốc tế tin rằng Mỹ đang ở giai đoạn suy thoái. Cuối cùng ta chỉ thấy quốc gia này trở thành siêu cường cuối cùng còn tồn tại trong một thập kỷ sau đó. Các nhà bình luận có thể đang đánh giá thấp sức mạnh hiện tại của Mỹ trong thế giới kỹ thuật số.
Tuy nhiên đối với Bradford, điều quan trọng là sự kết hợp giữa sức mạnh thị trường, năng lực nhà nước và sức hấp dẫn từ các ưu đãi pháp lý của chính phủ. Công thức này cho phép tác giả dự đoán rằng trong tương lai, EU sẽ là chủ thể dân chủ quan trọng nhất trong quản trị kỹ thuật số toàn cầu. Việc EU thiếu các công ty công nghệ lớn là một điểm cộng trong mô hình của Bradford vì nó làm giảm động lực của EU trong việc phục vụ các nhóm lợi ích trong nước.
Trong đế chế Kỹ thuật số, mô hình quản trị công nghệ dựa trên thị trường tự do kinh doanh của Mỹ đang mất dần sức hấp dẫn cả trong và ngoài nước. Trong nước, cả hai đảng chính trị lớn đều tỏ ra không hài lòng với Big Tech dù là với những lý do khác nhau. Đảng Dân chủ không tin tưởng vào sự tập trung của các công ty Big Tech, trong khi Đảng Cộng hòa tin rằng việc kiểm duyệt nội dung có khuynh hướng chống bảo thủ. Trên toàn cầu, những lo ngại về quyền riêng tư dữ liệu đã khiến việc làm ăn của nhóm công nghệ Big Five: Amazon, Apple, Google, Meta và Microsoft trở nên khó khăn hơn.
Khi mô hình của Mỹ mất đi vẻ hào nhoáng, Bradford cho rằng Mỹ sẽ liên kết chặt chẽ hơn với EU để chống lại mô hình quản trị kỹ thuật số độc đoán của Trung Quốc. Do đó, đối với Bradford, điều quan trọng không phải là kiểm soát các nút quan trọng mà là kiểm soát các thị trường quan trọng.
Quan điểm nào có sức nặng hơn?
Các định nghĩa về sức mạnh kỹ thuật số được đưa ra trong sách Đế chế ngầm và Đế chế kỹ thuật số không loại trừ lẫn nhau. Có thể đúng là Mỹ vẫn nắm giữ quyền lực cơ cấu đáng kể và EU thực thi quyền lực thị trường của mình một cách khéo léo. Trong khi đó, Trung Quốc cố gắng phát huy cả hai dạng quyền lực. Tuy nhiên, nếu có những đấu trường tranh chấp mà các quan chức Mỹ, châu Âu và Trung Quốc không đồng tình, hình thức quyền lực của ai sẽ chiếm ưu thế?
Tại đây, người ta sẽ phải nhường một chút lợi thế cho Farrell và Newman cũng như lập luận của họ ủng hộ sức mạnh cơ cấu của Mỹ. Lập trường của Bradford đối với EU bị suy yếu do một số tuyên bố mang tính thực nghiệm và lý thuyết không trụ vững. Chương cô viết về “ảnh hưởng toàn cầu đang suy yếu của chủ nghĩa tự do-công nghệ Mỹ” thường có sức thuyết phục về những nhược điểm của mô hình của Mỹ. Tuy nhiên, tuyên bố của Bradford rằng các nền dân chủ khác đã quay lưng lại với mô hình của Mỹ hầu như hoàn toàn dựa vào những lời chỉ trích mà các quốc gia đó đưa ra sau những tiết lộ về Edward Snowden năm 2013 hơn là việc thay đổi chính sách có ý nghĩa.
Có hai lĩnh vực khác mà những dự đoán của Bradford thậm chí còn mông lung hơn. Trong kết luận của mình, tác giả ngụ ý rằng “các công ty công nghệ đã miễn cưỡng kiểm duyệt nội dung trên nền tảng của họ nhưng giờ đây họ ngày càng có xu hướng thừa nhận rằng họ có trách nhiệm thực hiện việc đó một cách chủ động hơn”. Sau khi Musk loại bỏ nhóm kiểm duyệt nội dung của Twitter vào năm 2022, các công ty công nghệ lớn khác cũng làm theo. Như tờ Washington Post đã đưa tin vào tháng 8 năm ngoái, “các công ty truyền thông xã hội đang rút lui khỏi vai trò cơ quan giám sát chống lại thông tin sai lệch về chính trị, từ bỏ những nỗ lực giám sát những tin tức giả dối trực tuyến”. Không có dấu hiệu nào cho thấy xu hướng này giảm bớt trong năm bầu cử toàn cầu này.
Bradford cũng tuyên bố rằng Mỹ đang hướng tới EU trong các quy định về AI. Tác giả viết rằng: “Trí tuệ nhân tạo có thể là biên giới tiếp theo của Hiệu ứng Brussels”, đồng thời nói thêm rằng quy định về AI của EU “cũng có thể đóng vai trò là khuôn mẫu cho các khu vực pháp lý khác”. Nhưng một câu chuyện gần đây của Politico về sự xung đột giữa các tiêu chuẩn AI của EU và Mỹ lại cho thấy một kết quả khác. Các nước thành viên EU như Pháp không nhất thiết phải đồng ý với Brussels. Các quan chức Mỹ, cùng với các đại diện của Thung lũng Silicon cũng đã phản đối mạnh mẽ các tiêu chuẩn của EU. Các tác giả của Politico viết: “Bước vào năm 2024, những ai có cách tiếp cận ít nghiêm khắc hơn dường như sẽ chiến thắng, bất chấp các quy định ràng buộc mới của EU đối với AI”.
Liệu những quan điểm trái chiều này có mang lại ý nghĩa?
Các nguồn sức mạnh trong không gian mạng chắc chắn sẽ nằm ở đâu đó trong hai cuốn sách Đế chế ngầm và Đế chế kỹ thuật số. Tuy nhiên, có thể chúng cũng có thể thay đổi theo thời gian. Lập luận của Farrell và Newman có sức nặng đáng kể đối với các công nghệ mới khi chúng xuất hiện. Đây cũng là điều mà cuốn Đế chế ngầm tiết lộ là địa lý đóng vai trò quan trọng ngay cả trong không gian ảo, đặc biệt là khi đường nét của bất kỳ mạng công nghệ nào hiện tại cũng còn bị che khuất phần nào.
Tuy nhiên, khi thời gian trôi qua và các công nghệ trở nên phổ biến hơn, các chính phủ cũng có thể chuyển dần sang giai đoạn học tập. Tại những thời điểm này, những lập luận của Bradford về sức mạnh thị trường bắt đầu có giá trị lớn hơn. Điều này giải thích tại sao cả Trung Quốc và EU vẫn là những cường quốc trong thế giới kỹ thuật số./.
Biên dịch: Duy Hưng
Tác giả: Daniel W. Drezner là Giáo sư chính trị quốc tế tại Trường Luật và Ngoại giao Fletcher, Đại học Tufts.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]