Căng thẳng giữa Israel và Iran đã bước lên một nấc cao mới, tiến gần hơn đến cuộc đối đầu vũ trang trực tiếp, sau khi nhà lãnh đạo chính trị Hamas - ông Ismail Haniyeh bị ám sát tại Tehran tuần qua và đẩy sự phẫn nộ trong khối nước Ả Rập nói riêng và thế giới Hồi giáo nói chung lên cao hơn bao giờ hết. Liệu rằng, một cường quốc trong khu vực có mối quan hệ gần gũi với Palestine và vừa bình thường hóa quan hệ với Iran như Saudi Arabia có thể làm ngơ trước tình thế leo thang hiện nay?
Vòng xoáy leo thang căng thẳng giữa Iran và Israel
Căng thẳng giữa Iran và Israel đã diễn ra nhiều thập niên qua, chủ yếu diễn ra trong bóng tối của các cuộc chiến tranh lớn nhỏ ở Trung Đông. Iran sử dụng lực lượng ủy nhiệm trên khắp Trung Đông để tấn công Israel, cung cấp vũ khí tiên tiến, đặc biệt tên lửa và máy bay không người lái (UAV), cho các nhóm vũ trang ở Dải Gaza, ở Iraq, Lebanon, Syria và Yemen.
Tuy nhiên, cuộc xung đột giữa Israel và phong trào vũ trang Hồi giáo Hamas ở Gaza đã đẩy mối quan hệ giữa Tehran và Tel Aviv leo thang lên mức cao nhất trong nhiều năm qua. Sau khi xung đột Israel-Hamas bùng nổ vào ngày 7/10/2023, Lãnh đạo tối cao Iran – ông Ayatollah Ali Khamenei lên án Israel vì cuộc chiến ở Gaza và đe dọa sẽ có phản ứng, theo kênh Al Jazeera.
“Nếu tội ác của chế độ Do Thái (Israel) tiếp tục, người Hồi giáo và lực lượng kháng chiến sẽ trở nên mất kiên nhẫn và không ai có thể ngăn cản họ” – ông Khamenei từng cảnh báo về nguy cơ leo thang Iran-Israel. Trong khi đó, các nhóm vũ trang được Iran hậu thuẫn, gồm Hezbollah (Lebanon) và Houthi (Yemen), đã tăng cường các cuộc tấn công nhằm vào Israel để thể hiện tình đoàn kết với người dân Gaza.
Tháng 12/2023, Israel được cho là đã tấn công tên lửa làm thiệt mạng một tướng lĩnh cấp cao Iran – ông Sayyed Razi Mousavi ở Syria. Ông Mousavi là cố vấn cấp cao của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC). Israel từ chối bình luận về việc này. Đáp lại, tháng 1/2024, IRGC phóng tên lửa đạn đạo vào khu vực mà Iran nói là địa điểm nước ngoài của Cơ quan tình báo Israel (Mossad) ở Iraq.
Đầu tháng 4, leo thang Iran-Israel trở nên nghiêm trọng hơn với màn “ăn miếng trả miếng” trực diện giữa hai nước. Cụ thể, ngày 1/4, Iran và Syria cáo buộc Israel tấn công vào Đại sứ quán của Tehran ở Syria khiến 2 tướng cấp cao và 5 cố vấn quân sự Iran thiệt mạng.
Iran đã phóng hàng trăm UAV và tên lửa vào Israel để đáp trả vụ tấn công. Israel tuyên bố họ đã đánh chặn hầu hết các cuộc tấn công này. Không lâu sau đó, Israel đáp trả cuộc tấn công quy mô lớn của Iran bằng cách tấn công hạn chế vào căn cứ không quân Iran ở thành phố Isfahan (Iran).
Mới đây, vụ lãnh đạo chính trị Hamas bị ám sát ngay tại thủ đô Iran hôm 31/7 đã thổi bùng căng thẳng và làm gia tăng mức độ leo thang Iran-Israel, nguy cơ đẩy Trung Đông tới một cuộc chiến toàn diện. Các quan chức Iran tuyên bố sẽ trả đũa Israel vụ việc này.
Chu kỳ leo thang Iran-Israel có vẻ khó tránh khi Iran và các đồng minh trục kháng chiến đang cân nhắc phương án trả đũa Israel, trong khi đó, Israel chuẩn bị cho khả năng xảy ra một cuộc tấn công do Iran phát động bao gồm việc bắn tên lửa vào Israel trong nhiều ngày.
Israel có thực sự muốn vượt lằn ranh đỏ?
Tại Quảng trường Palestine của Tehran, một biểu ngữ được giương lên với hình ảnh AI của những người lính Israel đang chạy trong sợ hãi, dòng chữ bằng tiếng Do Thái với ý nghĩa rằng, “các người sẽ không được an toàn, ngay cả trong boongke”. Điều ẩn ý là biểu ngữ này kèm theo hiển thị những người lính nam nhưng sử dụng liên từ giống cái. Một câu tiếng Ba Tư có nội dung: “cười một lúc, vì rất sớm thôi, các người sẽ khóc”. Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei đã tuyên bố rằng, “bổn phận” của đất nước ông là phải trả thù cho thủ lĩnh Haniyeh, sau khi ông này bị ám sát ngay tại thủ đô Tehran khi tham dự lễ nhậm chức của tân Tổng thống Masoud Pezeshkian vào ngày 30/7. Những phát ngôn cứng rắn về một cuộc trả đũa sẽ được thực hiện có mặt ở mọi nơi trên đường phố và truyền thông Iran và nó hoàn toàn có thể xảy ra khi Iran đã phóng hàng trăm UAV và tên lửa vào Israel để đáp trả vụ tấn công trước đó của Israel vào hồi tháng 4.
Vài giờ trước khi ông Haniyeh qua đời, Israel đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công tên lửa nhằm vào một tòa nhà dân cư ở Dahiya, quận đông đúc ở thủ đô Beirut (Lebanon). Vụ tấn công đã khiến chỉ huy nhóm Hezbollah, ông Fuad Shukr, cùng với một phụ nữ và hai trẻ em thiệt mạng.
Từ hai vụ ám sát trên, Israel đang cố gắng khiêu khích Iran phát động một cuộc tấn công lớn, vốn buộc các nước đã ra tín hiệu không muốn bị kéo vào cuộc chiến tranh khu vực, phải trực tiếp tham gia vào phe của họ.
Iran và “trục kháng chiến” lựa chọn cách trả đũa sẽ tạo ra những hậu quả khác nhau. Nếu Iran quyết định tập kích trực tiếp bằng tên lửa và máy bay không người lái (UAV) nhằm vào Israel như hồi tháng 4, chu kỳ tấn công và đáp trả sẽ có thể dễ dàng rút ngắn. Trong khi nếu Hezbollah, đồng minh thân cận nhất của Iran trong khu vực, quyết định tham gia vào đòn đáp trả cùng Tehran và tấn công miền bắc Israel, xung đột có thể lan rộng sang Lebanon. Và trong trường hợp Houthi, lực lượng ở Yemen được Iran hậu thuẫn, mở rộng quy mô tấn công tàu hàng mà họ cho là có liên hệ với Israel trên Biển Đỏ, Mỹ sẽ phải triển khai hải quân để giữ tuyến đường biển có thể thông suốt.
Đòn tấn công đáp trả lần này của “trục kháng chiến” có khả năng diễn ra trên quy mô lớn và phức tạp hơn trước, trong đó Iran sẽ cùng các nhóm vũ trang mà họ hậu thuẫn hiệp đồng tấn công vào Israel từ nhiều hướng, khiến Tel Aviv và đồng minh khó có thể đối phó.
Về phía Israel, theo tờ The Times of Israel, đứng trước nguy cơ 1 cuộc trả đũa nhắm trực tiếp vào lãnh thổ, Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant cho biết hôm thứ Hai rằng quân đội phải chuẩn bị “chuyển đổi nhanh chóng sang tấn công” trong chuyến thăm trung tâm chỉ huy ngầm của Không quân Israel tại Tel Aviv, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng về một cuộc tấn công dự kiến của Iran và Hezbollah vào nước này. “Kẻ thù của chúng ta đang cân nhắc cẩn thận các bước đi của họ nhờ vào khả năng mà bạn đã thể hiện trong năm qua. Tuy nhiên, chúng ta phải chuẩn bị cho mọi khả năng, bao gồm cả việc chuyển đổi nhanh chóng sang tấn công”, Gallant cho biết trong bài phát biểu do văn phòng của ông cung cấp. Bộ Quốc phòng cho biết Gallant đã quan sát hoạt động chuẩn bị của IAF “theo diễn biến an ninh” cũng như “khả năng hành động tấn công ở mọi lĩnh vực chiến đấu”.
Theo hãng tin Reuters, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ triệu tập cuộc họp với nhóm an ninh quốc gia tại phòng tình huống của Nhà Trắng vào hôm 4/8 (giờ địa phương) nhằm thảo luận về tình hình ở Trung Đông. Trên thực địa, Lầu Năm Góc ngày 2/8 thông báo sẽ triển khai thêm máy bay chiến đấu và tàu chiến đến khu vực.
Bộ trưởng Austin đã ra lệnh cho nhóm tác chiến tàu sân bay USS Abraham Lincoln thay thế nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt (hiện đang hoạt động ở Vịnh Oman). Các tàu khu trục, tàu tuần dương có khả năng phòng thủ tên lửa đạn đạo và một phi đội máy bay chiến đấu cũng sẽ được điều đến Trung Đông và Địa Trung Hải.
Có thế thấy rằng kể từ sau khi thủ lĩnh Hamas bị ám sát, Iran đã công khai nói về việc phối hợp phản ứng với các đồng minh trong khu vực. Điều đó sẽ dẫn đến phản ứng mạnh mẽ hơn của Israel và sau đó sẽ dẫn đến nhiều cuộc tấn công trả đũa dẫn đến chiến tranh toàn khu vực Trung Đông.
Thế khó cho lựa chọn chiến lược của Saudi Arabia
Vị thế cường quốc khu vực trên nền tảng là một trong những quốc gia giàu có nhất thế giới, sở hữu trữ lượng dầu mỏ khổng lồ, Saudi Arabia đã thúc đẩy lợi ích thông qua cả chính sách đối nội và đối ngoại với “quyền lực cứng” là nền kinh tế dầu mỏ và tiềm lực quân sự mạnh mẽ, còn “quyền lực mềm” là sức mạnh văn hóa, chính sách đối nội và đối ngoại linh hoạt.
Trong quá khứ, các triều đại của Saudi Arabia đã từng sử dụng “sức mạnh mềm” để điều hành đất nước, tuy nhiên, chiến lược sử dụng “sức mạnh mềm” được thấy rõ nhất là từ giai đoạn Nhà vua Abdullah bin Abdul Aziz Al Saud cầm quyền (năm 2005). Trong 10 năm cai trị đất nước (2005 – 2015), ông đã củng cố “quyền lực mềm” thông qua các chính sách thúc đẩy ngoại giao văn hóa. Kế tiếp là Vua Salman bin Abdulaziz Al Saud (năm 2015) đã thể hiện tốt chính sách đối nội và ngoại giao mang đậm tính chất “quyền lực mềm”, thông qua các hoạt động về tôn giáo, văn hóa và thể thao… Có thể thấy, “sức mạnh mềm” không chỉ giúp Saudi Arabia gia tăng vị thế, mà còn thể hiện một hình ảnh vương quốc ôn hòa và cởi mở. Với nền ngoại giao đa phương, trong “Tầm nhìn Arab năm 2030”, Saudi Arabia chủ trương thúc đẩy quan hệ với Nga, nhằm giảm sự phụ thuộc an ninh vào Mỹ, chủ động quyết định các quan hệ quốc tế, tối đa hóa lợi ích và sức ảnh hưởng của Saudi Arabia ở Trung Đông và thế giới.
Trong lĩnh vực ngoại giao, Saudi Arabia thúc đẩy quyền tự chủ, áp dụng chính sách ngoại giao thân thiện với các nước nằm ngoài cấu trúc liên minh truyền thống, tập trung vào hợp tác và đối thoại thay vì đối đầu. Năm 2024, Saudi Arabia chính thức gia nhập Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS)-bao gồm các quốc gia như Trung Quốc và Nga, vốn được coi là khối cạnh tranh với phương Tây-song mặt khác, vẫn duy trì mối quan hệ hữu hảo với thế giới phương Tây. Thành công trong nỗ lực ngoại giao hướng tới xây dựng và hòa giải của Saudi Arabia còn được thể hiện qua việc dỡ bỏ lệnh cấm vận Qatar sau “cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh”, bình thường hóa quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Syria, tích cực tham gia với vai trò trung gian hòa giải trong cuộc xung đột ở Gaza.
Với hình ảnh một quốc gia mạnh về tài chính nhưng rất mực bảo thủ trong thế giới Arab, lại đang sử dụng hiệu quả “sức mạnh mềm” để thúc đẩy hợp tác quốc tế cởi mở và khéo léo hơn, Saudi Arabia được đánh giá là biết nắm bắt và vận dụng hài hòa sức mạnh quốc gia, góp phần củng cố và phát huy sức mạnh của một cường quốc không chỉ vì mạnh về dầu mỏ ở khu vực Trung Đông.
Tuy nhiên, những thành tựu ngoại giao mà Saudi Arabia có được đang đứng trước nguy cơ sụp đổ sau khi sự kiện lãnh đạo chính trị Hamas bị ám sát ngay tại thủ đô Iran hôm 31/7/2024 đã thổi bùng căng thẳng và làm gia tăng mức độ leo thang xung đột trực tiếp giữa các bên và có thể lan rộng khắp khu vực Trung Đông. Với vị thế của mình trong khu vực và thế giới Hồi giáo Saudi Arabia buộc phải có sự tính toán trên bàn cờ chiến lược Trung Đông:
Đối với Mĩ, hai nước có quan hệ đối tác từ hơn 80 năm qua. Mối quan hệ ấy dựa trên nguyên tắc “dầu mỏ đổi lấy bảo đảm an ninh” theo Hiệp ước Quincy ký năm 1945. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Washington là nhà cung cấp các sản phẩm quốc phòng hàng đầu cho Saudi Arabia, với các hợp đồng đến nay có tổng trị giá hơn 140 tỷ USD. Tuy nhiên, quan hệ Mỹ-Saudi Arabia cũng trải qua không ít thăng trầm như lệnh cấm vận dầu mỏ năm 1973, sự kiện khủng bố ngày 11/9/2001, làn sóng “Mùa xuân Arab” ở Trung Đông-Bắc Phi những năm 2010-2011, vụ sát hại nhà báo Saudi Arabia Jamal Khashoggi năm 2018 hay việc OPEC+, liên minh gồm 13 quốc gia thuộc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng 10 nước đối tác, quyết định cắt giảm đáng kể sản lượng dầu mỏ hồi năm 2022.
Có thể thấy rằng, cả Mĩ và Saudi Arabia đều duy trì mối quan hệ như những ngày đầu của mối quan hệ, Mĩ vẫn duy trì được chỗ đứng chân ở “giếng dầu” và Saudi Arabia có được sự đảm bảo an ninh. Sự thăng trầm của mối quan hệ này lên cao xuống thấp tùy giai đoạn nhưng Saudi Arabia luôn giữ cho mình sự độc lập về chính trị trên các phương diện. Tuy nhiên, Mỹ vẫn có thể tạo ra đủ áp lực bằng nhiều cách để Saudi Arabia phải xuống thang trong nhiều vấn đề mà Saudi Arabia theo đuổi như sau sự kiện 11/9…
Trong nhiều thập kỷ qua, quan hệ đối tác Mỹ – Saudi Arabia tập trung vào dầu mỏ và an ninh, trong đó có nỗ lực chống chủ nghĩa khủng bố nhằm vào al-Qaeda và Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, cũng như việc triển khai nửa triệu binh sĩ Mỹ đến vương quốc này vào năm 1990 nhằm đẩy lùi cuộc xâm lược Kuwait của cựu Tổng thống Iraq Saddam Hussein và bảo vệ các giếng dầu của Saudi Arabia. Mối quan hệ này cũng trải qua nhiều lần căng thẳng, như vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 trong đó có 15 trên 19 tên không tặc là người Saudi Arabia, hay vụ sát hại nhà báo Khashoggi năm 2018.
Sau Hiệp ước phòng thủ Mỹ – Saudi Arabia, một liên minh chính thức có thể giúp dập tắt những tranh cãi dai dẳng ở Washington cũng như những nghi ngờ ở Riyadh về cam kết của Mỹ đối với an ninh của Saudi Arabia, ủng hộ Saudi Arabia khi đối mặt với đối thủ Iran nhằm xoa dịu quan ngại tại Mỹ rằng Riyadh có thể nghiêng sang Trung Quốc hay Nga. Thỏa thuận cũng có thể mở đường cho một liên minh Israel – Saudi Arabia và củng cố sự hiện diện của Mỹ ở Trung Đông ngay cả khi nhiều chính quyền ở khu vực này trước đó tập trung hơn vào châu Á.
Dưới tác động của Mĩ, tuy thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Saudi Arabia và Israel hồi tháng 5/2024 vẫn đang bị trì hoãn, nhưng những tín hiệu tích cực này mở ra kỉ nguyên mới trong quan hệ ngoại giao của Saudi Arabia khi vừa hợp tác với “kẻ thù” của thế giới Hồi giáo vừa bình thường hóa với Iran (quốc gia từng được coi là đối thủ truyền kiếp) vào năm 2023, Iran và Saudi Arabia đã đạt được những bước tiến chưa từng thấy sau nhiều năm đóng băng quan hệ thông qua sự trung gian của Trung Quốc.
Sự nồng ấm trong quan hệ với Iran đã mở ra thời kì hợp tác của thế giới hồi giáo. Sự chấp nhận xuống thang của Iran, giúp Saudi Arabia đã trở nên thân thiện hơn đối với các nước trong nửa kia của thế giới Hồi giáo. Viễn cảnh một thế giới Hồi giáo gắn kết và thống nhất dần được mở ra.
Quan hệ ngoại giao Iran và Saudi Arabia đã chứng kiến nhiều thăng trầm kể từ cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979 ở Iran. Trong thập niên trước, quan hệ giữa hai nước càng đi vào bế tắc sau vụ người biểu tình Iran tấn công các phái đoàn ngoại giao Saudi Arabia tại Iran hồi 2016. Theo Al Jazeera, việc hai nước “đóng băng” quan hệ đã đe dọa sự ổn định và an ninh vùng Vịnh, thậm chí trong nhiều năm qua nó còn châm ngòi cho nhiều cuộc xung đột ở Trung Đông bùng nổ. Vậy nên, việc nối lại quan hệ ngoại giao của hai nước có ý nghĩa rất quan trọng tới tình hình chính trị trong khu vực.
Cụ thể, với hiệp định này hai nước khẳng định “tôn trọng chủ quyền của nhau và không can thiệp vào các công việc nội bộ của nhau”. Theo đó, hai bên đã nhất trí tái thiết lập quan hệ ngoại giao, mở lại cơ quan ngoại giao như đại sứ quán và các văn phòng đại diện ngoại giao ở mỗi nước. Đây được xem là bước tiến quan trọng trong quan hệ ngoại giao giữa hai nước sau nhiều năm thù địch đe dọa đến an ninh và sự ổn định của vùng Vịnh.
Theo Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia Tối cao Iran – ông Ali Shamkhani, việc xóa bỏ những hiềm khích trong quan hệ giữa Tehran và Riyadh trong quá khứ chắc chắn sẽ tạo được bước tiến quan trọng trong việc cải thiện sự ổn định và an ninh cho “chảo lửa” Trung Đông. Bởi theo ông, nó có thể thúc đẩy các nước vùng Vịnh và thế giới Hồi giáo cùng nhau giải quyết những thách thức hiện tại của khu vực.
Có thể thấy rằng, Saudi Arabia đã thể hiện được sự mềm dẻo trong quan hệ quốc tế và khu vực khi vừa tận dụng được ưu thế là “siêu cường dầu mỏ”, sự giúp đỡ của các nước lớn để thực hiện được đường lối ngoại giao con thoi một cách hiệu quả. Saudi Arabia đang dần thể hiện được họ là một cường quốc khu vực và là một đất nước có trách nhiệm đối với các vấn đề của thế giới và khu vực.
Tuy nhiên, mọi thứ trở nên phức tạp sau khi sự kiện 31/7 sảy ra, Iran và các lực lượng của trục kháng chiến tuyên bố sẽ đáp trả Israel một cách thích đáng và Israel cũng tuyên bố sẽ chặn đứng các cuộc tấn công và trả đũa những lực lượng tấn công. Những điều đó đang đẩy Trung Đông rơi vào bờ vực của vòng xoáy của cuộc xung đột vũ trang trực tiếp. Saudi Arabia một cường quốc trong khu vực và đồng minh của Mĩ và nhà nước Palestine, không thể hành động một cách thiếu quyết liệt như đầu cuộc xung đột được nữa, những diễn biến của thực địa đang yêu cầu Saudi Arabia phải có những hành động cụ thể nhằm cứu vãn tình hình trước khi quá muộn.
Lựa chọn của Saudi Arabia trong kịch bản căng thẳng leo thang mất kiểm soát ở Trung Đông
Căng thẳng giữa Israel với Iran và các lực lượng do Iran hậu thuẫn đã lên đỉnh điểm kể từ ngày 31/7, thời điểm thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh bị ám sát tại Tehran khi ông tới Iran dự lễ nhậm chức của tân Tổng thống Masoud Pezeshkian.
Israel không xác nhận cũng không phủ nhận vụ ám sát thủ lĩnh Hamas nhưng tuyên bố đã hạ sát chỉ huy Hezbollah Fouad Shukr trong một cuộc không kích vào thủ đô Beirut của Lebanon.
Iran tuyên bố sẽ “báo thù rất mạnh tay vào thời gian, địa điểm với cách thức phù hợp”. Một số bên lo ngại Iran có thể hiệp đồng tập kích cùng các nhóm vũ trang mà nước này hậu thuẫn như Hezbollah ở Lebanon, Houthi ở Yemen và một số đơn vị dân quân ở Syria, Iraq. Một tuần sau vụ ám sát Haniyeh, Iran và các nhóm dân quân được nước này hậu thuẫn chưa có động thái đáp trả quy mô lớn. Thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah ngày 6/8 tuyên bố việc để Israel phải thấp thỏm chờ đợi cũng là “biện pháp trừng phạt”.
Mọi nỗ lực ngoại giao nhằm giúp xuống thang căng thẳng của cộng đồng thế giới và các nước lớn có trách nhiệm trong khu vực như Mĩ, Saudi Arabia, Ai Cập… được thực hiện một cách nhanh chóng, tuy nhiên nguy cơ một cuộc chiến trực tiếp vẫn đứng trước nguy cơ bùng nổ và Saudi Arabia phải đưa ra lựa chọn cụ thể.
Rõ ràng, Saudi Arabia không thể không tính tới khả năng Iran tấn công trả đũa nhằm vào Israel, thậm chí, một cuộc tấn công như vậy có thể mở ra một cuộc chiến quy mô lớn. Theo nguồn tin của The New York Times, lãnh đạo tối cao Ayatollah Khamenei đã ra lệnh tấn công trực tiếp vào Israel. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ khi nào cuộc tấn công này sẽ diễn ra. Đại diện thường trực của Iran tại Liên hợp quốc – ông Amir Saeed Irwani cho biết Tehran “bảo lưu quyền tự vệ bất khả xâm phạm nhằm đáp trả dứt khoát hành động khủng bố và tội phạm này, phù hợp với luật pháp quốc tế, khi nước này thấy cần thiết và phù hợp”. Nhà ngoại giao này nhấn mạnh Israel sẽ không bao giờ quyết định thực hiện bước đi như vậy nếu không có sự ủng hộ và chấp thuận của Washington.
Chuyên gia Rajab Safarov, người đứng đầu Trung tâm nghiên cứu Iran đương đại có trụ sở tại Moscow nhận định, vụ ám sát thủ lĩnh chính trị của phong trào Hamas tại thủ đô Tehran đặt Iran vào tình thế không thể không đáp trả. Rõ ràng, vụ tấn công vào ngay thủ đô Tehran như một hành động xúc phạm, khiến Iran chịu những tổn thất lớn về danh tiếng khi không thể bảo đảm an ninh cho những vị khách quốc tế đến thăm nước này. Ngoài ra, Israel đã phơi bày những yếu kém của hệ thống phòng không của Iran.
Trước đó, Iran đã tấn công không kích Israel để đáp trả vụ Israel tấn công lãnh sự quán nước này ở Damascus vào ngày 1/4. Tuy nhiên, Tehran đã phải mất 13 ngày để chuẩn bị cho cuộc tấn công. Kết quả, theo ước tính của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), Iran đã bắn khoảng 170 máy bay không người lái và 120 tên lửa đạn đạo vào Israel trong đêm 14/4. IDF báo cáo rằng 99% trong số chúng đã bị bắn hạ. Mỹ, Anh, Pháp và Jordan cho biết họ cũng tham gia đẩy lùi cuộc tấn công của Iran.
Rõ ràng, cũng như xung đột Iran – Israel vào tháng 4, Tehran không thể thoát khỏi tình trạng hiện nay nếu không dùng đến “hành động trả đũa”. Theo chuyên gia Rajab Safarov, “Iran đã bị lôi vào cuộc và cần phải kết thúc với một kết quả hợp lý. Không có lý lẽ nào có thể thuyết phục Iran từ chối tấn công, vì vậy hành động đáp trả sẽ được thực hiện trong mọi trường hợp. Ngoài ra, còn một động lực khác là mệnh lệnh tấn công từ nhà lãnh đạo tinh thần Ayatollah Khamenei. Vấn đề là quy mô và thời điểm Iran triển khai các cuộc tấn công sẽ cần phải thảo luận chi tiết”.
Bên cạnh đó, giới phân tích chính trị – quân sự cho rằng, Iran sẽ không đơn độc trong các cuộc tấn công Israel. Theo Reuters, ngày 1/8, đại diện các đồng minh khu vực của Iran từ Lebanon, Iraq và Yemen đã tổ chức cuộc họp tại Tehran. Nhiều khả năng, chương trình nghị sự tại cuộc họp lần này là nhằm thảo luận các biện pháp tấn công trả đũa Israel.
Trước nguy cơ cả khu vực Trung Đông biến thành một “lò lửa”, các nước đang dồn lực chạy đua ngoại giao nhằm ngăn chặn cuộc đối đầu giữa Israel với Hamas và Hezbollah lan rộng. Hiện vẫn chưa rõ ai có thể đóng vai trò trung gian giữa các bên tham chiến, nhưng các chuyên gia tin rằng, Saudi Arabia có thể là một lựa chọn.
Mối quan hệ đang trở nên nồng ấm với cả Israel và Iran trong vài năm trở lại đây có thể là “liều thuốc” hữu hiệu làm giảm leo thang của cuộc xung đột. Các lựa chọn thay thế từ các cường quốc châu Âu – ví dụ như Pháp – có thể sẽ không thể tác động đến tình hình vì họ không có tương tác ổn định với Iran.
Tuy nhiên, Saudi Arabia là một trong ba nước Arab (Jordan và Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE)) đã tham gia bảo vệ Israel hồi tháng 4/2024, dù Saudi Arabia chỉ đóng vai trò chia sẻ với tình báo Mỹ về kế hoạch của Iran sau khi họ nhận được thông báo từ Tehran. Nhưng họ đã gặp phải những làn sóng phản đối ở trong nước và các nước trong thế giới Hồi giáo.
Với những hành động trên thực địa và mối quan hệ đồng minh với Mĩ, hay với những nồng ấm trong quan hệ với Iran và là một quốc gia đi đầu ủng hộ độc lập với nhà nước Palestine từ trước đến nay, Saudi Arabia có thể là một trung gian hòa giải xuống thang xung đột hay chí ít là hạn chế hết mức có thể những thiệt hại mà cuộc xung đột gây ra cho khu vực Trung Đông hay không? Câu hỏi rất khó có được kết quả khi các bên đều đang đưa ra những tuyên bố cứng rắn và không có dấu hiệu ngừng. Liệu khu vực Trung Đông có tránh được một cuộc chiến tranh toàn diện gây tổn thất cho tất cả các bên hay không, điều đó sẽ phụ thuộc vào quy mô phản ứng của Hezbollah, Hamas và Iran, cũng như động thái của chính Israel. Đây sẽ là vấn đề tất cả các bên phải cân nhắc, tính toán./.
Tác giả: Lục Đình Lộc
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
Tài liệu tham khảo
1. Emanuel Fabian, Gianluca Pacchiani, ToI Staff and Agencies (2024), At command center, Gallant says IAF preparing for ‘quick transition to offense’, https://www.timesofisrael.com/at-command-center-gallant-says-iaf-preparing-for-quick-transition-to-offense/
2. Ali Jazeera (2024), “Hezbollah chief says response to Israeli assassination ‘inevitable’”, Aljazeera, https://www.aljazeera.com/news/2024/8/1/hezbollah-chief-says-response-to-israeli-assassination-inevitable
3. Dương Khang (2024), Lãnh đạo Hamas bị ám sát: Iran, đồng minh bàn trả đũa; Israel lên kịch bản đáp trả nếu bị tấn công, https://plo.vn/lanh-dao-hamas-bi-am-sat-iran-dong-minh-ban-tra-dua-israel-len-kich-ban-dap-tra-neu-bi-tan-cong-post803280.html
4. Nguyễn Hằng (2024), “Thỏa thuận bình thường hóa quan hệ Israel-Saudi Arabia gắn với vấn đề Gaza”, https://www.vietnamplus.vn/thoa-thuan-binh-thuong-hoa-quan-he-israel-saudi-arabia-gan-voi-van-de-gaza-post954710.vnp