Với địa thế là bản lề giữa khu vực Nam Á và Đông Nam Á, kết nối Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương và nằm ở cửa ngõ eo biển Malacca, Tiểu vùng sông Mekong (bao gồm 5 quốc gia Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam, viết tắt là CLMTV) luôn chiếm một vị trí quan trọng trong chiến lược, chính sách đối ngoại của các cường quốc, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc. Nơi đây, trong những năm qua, đã chứng kiến cuộc đọ sức tranh giành và xác lập ảnh hưởng gắt gao giữa 2 siêu cường hàng đầu thế giới. Xu hướng này nhiều khả năng sẽ còn có những diễn biến phức tạp trong thời gian tới, đặt ra bài toán ứng xử cho các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam để đảm bảo lợi ích quốc gia và sự phát triển bền vững.
Thế thượng phong của Trung Quốc tại Tiểu vùng
Với ưu thế gần gũi về địa lý nằm ở thượng nguồn sông Mekong, từ sau chiến tranh lạnh cho đến nay, sự can dự của Trung Quốc qua hướng Tiểu vùng được tăng cường mạnh mẽ nhằm triển khai chiến lược “Đại khai phát miền Tây” và “xây dựng cường quốc biển”, hỗ trợ tối đa cho sự trỗi dậy nhằm soán ngôi Mỹ thành siêu cường số 1 thế giới.
Để hiện thực hóa các mục tiêu này, Trung Quốc tăng cường thúc đẩy công cụ ngoại giao kinh tế thông qua việc triển khai sáng kiến BRI, tập trung hơn cả ở hợp tác Mekong – Lan Thương (MLC) – cơ chế mà nước này có năng lực dẫn dắt và ảnh hưởng chủ đạo. Thông qua MLC, Trung Quốc cam kết đóng góp 300 triệu USD cho Quỹ hợp tác Mekong – Lan Thương trong 5 năm, dành 10 tỷ nhân dân tệ cho các khoản vay ưu đãi, 5 tỷ USD cho các khoản tín dụng bên mua, 5 tỷ USD cho các khoản vay xây dựng cơ sở hạ tầng và hợp tác năng lực sản xuất. Với nguồn lực dồi dào, MLC nhanh chóng triển khai 45 dự án thu hoạch sớm, 13 sáng kiến hợp tác và cung cấp kinh phí cho khoảng 90 dự án cho các nước Tiểu vùng Mekong[1]. Tính đến nay, Trung Quốc là nhà đầu tư hàng đầu tại Lào và Campuchia, đồng thời là đối tác thương mại lớn của tất cả các nước CLMTV. Kim ngạch thương mại hai chiều giữa các nước Mekong và Trung Quốc năm 2021 đạt gần 400 tỷ USD, tăng 23% so với năm 2020[2]. Nhờ vậy, Trung Quốc đang dần đưa các nước Tiểu vùng Mekong vào quỹ đạo của sáng kiến BRI, từ đó tạo nên sự phụ thuộc về kinh tế, đồng thời tạo ra thị trường cung cấp nguyên liệu và tiêu thụ hàng hóa cho các nhà sản xuất trong nước. Theo giới nghiên cứu quốc tế, khu vực Đông Nam Á, nhất là Tiểu vùng Mekong là nơi Trung Quốc triển khai BRI thành công hơn cả[3].
Không chỉ là một nền tảng kinh tế đơn thuần, MLC còn cho thấy tham vọng của Trung Quốc trong việc tìm kiếm giải pháp thay thế cho các thể chế, cơ chế hợp tác cũ để định hình một sân chơi mới mà nước này có quyền lực đáng kể hơn. MLC có quy mô lớn hơn so với MRC và xử lý nhiều vấn đề hơn liên quan đến sức khỏe, giáo dục, hạ tầng và phát triển bền vững, đồng thời khắc phục được các vấn đề mà các tổ chức trước đó chưa thể giải quyết như việc Trung Quốc chỉ là quan sát viên của MRC hay GMS thiên về hợp tác kinh tế nhưng thiếu đi yếu tố chính trị và xã hội[4].
Ngoài công cụ kinh tế và thể chế nêu trên, Trung Quốc đang sử dụng cái được gọi là “ngoại giao thủy lợi” thông qua việc xây dựng các đập trên sông Mekong với mục tiêu kiểm soát các nước láng giềng phía Nam. Chỉ riêng với các con đập của Trung Quốc ở tỉnh Vân Nam, nước này đã có thể ngăn chặn khoảng 47 triệu mét khối nước chảy xuống hạ lưu[5]. Điều này có khả năng làm tê liệt huyết mạch của phần lớn Đông Nam Á, từ đó mang đến một đòn bẩy chính trị hiệu quả: hoặc là đi theo sự dẫn dắt của Trung Quốc, hoặc là chấp nhận rủi ro kinh tế và sinh thái. Theo đánh giá của học giả Richard Berstein, việc kiểm soát dòng chảy trên sông Mekong là động thái chính yếu của Bắc Kinh để giành thế bá quyền ở khu vực[6].
Gần đây, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trong Thượng đỉnh MLC lần thứ ba đã cam kết chia sẻ vacxin cả về số liều và chuyên môn cho các nước CLMTV, biến ngoại giao y tế thành công cụ chính trị quan trọng để củng cố vị thế của họ tại Tiểu vùng. Có thể thấy, với lợi thế “sân nhà” cùng một chiến lược được triển khai bài bản, đa dạng cách thức, ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực Mekong ngày càng được mở rộng và bao trùm, ấn định ưu thế vượt trội trong cuộc chạy đua với Mỹ và các cường quốc khác. Song ở chiều ngược lại, chiến lược Mekong của Bắc Kinh với những hệ lụy nghiêm trọng về môi trường và sinh kế cũng đã làm dấy lên làn sóng “bài Trung” mạnh mẽ, biểu hiện rõ nét qua chiến dịch truyền thông xã hội có tên gọi #StopMekongDam lan truyền trên Twitter phản đối việc Trung Quốc xây dựng các con đập. Trước đó, hồi tháng 2/2020, người dân địa phương và các tổ chức bảo tồn ở Thái Lan cũng đã gây sức ép thành công với chính phủ Bangkok để ngăn chặn một dự án do Trung Quốc đầu tư nhằm phá ghềnh và nạo vét lòng sông[7]. Ngoài ra, nguy cơ trở thành nạn nhân của ngoại giao bẫy nợ cũng đã làm gia tăng đáng kể mối lo ngại của CLMTV, buộc các nước này phải tìm kiếm sự can dự của các cường quốc bên ngoài để cân bằng thế độc tôn của Trung Quốc. Qua đó tạo điểm tựa cần thiết cho chiến lược của Mỹ tại khu vực.
Mỹ tìm kiếm sự hiện diện xứng đáng
Tiểu vùng Mekong có ý nghĩa quan trọng về mặt chiến lược đối với Mỹ, là tâm điểm của chiến lược IPS và là một bộ phận trong chính sách của Mỹ đối với ASEAN. Nơi đây có Thái Lan là đồng minh lâu đời nhất của Washington tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, còn quan hệ Mỹ – Việt Nam ngày càng quan trọng về mặt chiến lược[8]. Trước đó, vào năm 2010, trên tạp chí Foreign Policy, nhà nghiên cứu John Lee từng nhận định: “Nếu Mỹ thực sự quan tâm đến việc tăng cường sự hiện diện của mình tại châu Á, Mỹ nên tập trung vào sông Mekong vì nơi đây Mỹ gặt hái được nhiều lợi ích hơn”. Do đó, giữa lúc Bắc Kinh ngày càng trở thành nhân tố chi phối chính tại Tiểu vùng, Mỹ không chấp nhận khoanh tay đứng nhìn mà càng nhận thấy sự cấp thiết phải hành động để kiềm chế đối thủ và bảo vệ vị thế vốn có của mình.
Động thái can dự được xem là bước đi đúng đắn đầu tiên của Mỹ là Sáng kiến hạ nguồn sông Mekong (LMI), do chính quyền Obama đề xướng để thúc đẩy hợp tác với các nước Tiểu vùng, nằm trong tổng thể chiến lược quay trở lại châu Á. Thông qua khuôn khổ LMI, từ năm 2009 đến 2020, Mỹ đã cung cấp hơn 3.5 tỷ USD hỗ trợ phát triển đổi với các sáng kiến song phương và khu vực[9]. Tính đến năm 2019, thương mại hàng năm của Mỹ với 5 nước trong khu vực sông Mekong đạt giá trị gần 117 tỷ USD và hai nước Mekong –Việt Nam và Thái Lan – nằm trong số 20 đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ. Trên nền tảng những thành công của cơ chế LMI, ngày 11/9/2020, Hội nghị Bộ trưởng Quan hệ đối tác Mekong – Mỹ lần thứ nhất chính thức công bố nâng cấp hợp tác lên Quan hệ đối tác Mekong – Mỹ (MUSP), đặt nền móng cho việc phát huy tiềm năng của quan hệ đối tác, đóng góp hiệu quả cho sự phát triển bền vững, thịnh vượng của khu vực trong giai đoạn mới. Cụ thể, Mỹ cam kết hỗ trợ ít nhất 153 triệu USD cho CLMTV trong các dự án hợp tác trực tiếp. Kế hoạch hợp tác dài hạn được thông qua, trong đó Mỹ dự định cung cấp 52 triệu USD cho các vấn đề sức khỏe, cứu trợ nhân đạo, phát triển kinh tế để ứng phó với đại dịch Covid-19 tại khu vực. Ngoài ra, Mỹ còn hỗ trợ một loạt các diễn đàn tư vấn giúp các quốc gia trong khu vực đánh giá cơ hội, thách thức, hỗ trợ cộng đồng địa phương trong phát triển bền vững[10]. Với tư cách là một diễn đàn hợp tác chiến lược, các chuyên gia cho rằng, Đối tác Mekong – Mỹ dường như là đối thủ cạnh tranh với khuôn khổ MLC do Trung Quốc dẫn dắt[11].
Bên cạnh đó, chiến lược Mekong của Mỹ cũng đặc biệt chú trọng yếu tố “quốc tế hóa” và nhấn mạnh việc liên minh với các nước bên ngoài Tiểu vùng[12]. Đơn cử là sáng kiến Nhóm “Bạn hữu Hạ nguồn Mekong”, được nước này sáng lập vào năm 2011, tăng cường sự phối hợp giữa các nhà tài trợ cùng với Ngân hàng Phát triển Châu Á, Australia, Liên minh Châu Âu, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc và Ngân hàng Thế giới, tạo cho Mỹ khả năng can thiệp linh hoạt vào hợp tác khu vực. Từ năm 2019, Mỹ cũng bắt tay cùng Nhật Bản triển khai Chương trình Tăng trưởng và Phát triển Châu Á thông qua Sáng kiến Năng lượng (Asia EDGE) trị giá 29,5 triệu USD[13] nhằm hỗ trợ các nước Mekong đảm bảo an ninh năng lượng hay liên kết cùng Hàn Quốc tài trợ cho một dự án cung cấp hình ảnh vệ tinh nhằm cải thiện việc đánh giá các mô hình lũ lụt và hạn hán ở lưu vực sông Mekong.
Thiệt hại sinh thái và những mối quan ngại địa chính trị cũng mang lại cho Washington cơ hội chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc. Một biện pháp then chốt là cùng các nước Đông Nam Á lục địa yêu cầu Trung Quốc minh bạch hơn và chia sẻ các kế hoạch xả nước để có thể sớm cảnh báo cho nông dân và ngư dân vùng hạ lưu về lũ lụt hoặc hạn hán[14]. Để đạt được mục tiêu này, Mỹ đã đề xuất Sáng kiến Dữ liệu nguồn nước Mekong (MWDI) tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước thành viên LMI lần thứ 10 (tháng 8/2017) và triển khai dự án Giám sát đập Mekong vào tháng 12/2020. Đây là một nền tảng trực tuyến sử dụng dữ liệu thu thập hàng tuần để tiến hành phân tích 26 con đập trên dòng chính và các nhánh của sông Mekong, trong đó có 11 đập ở Trung Quốc. Trước sức ép và cáo buộc “thao túng nguồn nước” từ Mỹ, Trung Quốc đã buộc phải chấp nhận chia sẻ dữ liệu thủy văn cả năm của sông Lan Thương cho Ủy hội sông Mekong, điều mà nước này trước đó vẫn luôn từ chối vì cho rằng đó là vấn đề nội bộ.
Dù đã chủ động có những can dự tại khu vực, có thể nhận thấyảnh hưởng của Mỹ tại Tiểu vùng vẫn tương đối mờ nhạt, được lý giải bằng cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Về mặt chủ quan, Tiểu vùng Mekong hiện đang xếp sau những ưu tiên chiến lược khác của Mỹ tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, nhất là khi so sánh với biển Đông. Kể từ khi lên nắm quyền, chính quyền Biden đã có nhiều hoạt động sôi nổi thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của nước này trước tham vọng bành trướng của Bắc Kinh trên biển Đông như phục dựng và xây mới các liên minh đa phương QUAD, AUKUS; tăng cường đấu tranh trên mặt trận pháp lý bằng Báo cáo ranh giới trên biển số 150, củng cố hiện diện quân sự thông qua các cuộc tập trận quy mô lớn…. Trong khi đó, chưa có bất kỳ chiến lược hay động thái nào mang tính đột phá được triển khai tại Tiểu vùng Mekong, ngoài việc Mỹ cử Ngoại trưởng Antony Blinken tham dự Hội Nghị Quan hệ đối tác Mekong – Mỹ lần thứ hai theo hình thức trực tuyến vào năm 2021 hay đề cập ngắn gọn vấn đề Mekong trong Tầm nhìn chung Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN – Mỹ vào tháng 5/2022. Về mặt chủ quan, các sáng kiến của Mỹ bị hạn chế đáng kể bởi bối cảnh địa chính trị mới, nơi Lào và Campuchia gần Trung Quốc hơn nhiều so với Mỹ, và Myanmar sau cuộc chính biến một lần nữa lại dần quay trở lại quỹ đạo của Bắc Kinh. Bên cạnh đó, cách tiếp cận khác biệt giữa Mỹ và các nước Tiểu vùng cũng khiến nỗ lực can dự của nước này chưa phát huy hết hiệu quả, khi CLMTV mong muốn hỗ trợ tài chính thì Nhà Trắng lại ưu tiên thúc đẩy đối thoại chính sách; hỗ trợ nâng cao năng lực thể chế, bảo đảm quản trị chính phủ tốt và “xã hội dân sự” (1 trong 3 trụ cột cốt lõi của IPS)[15]. Điều này biến Mekong trở thành “điểm nghẽn” trong việc triển khai chiến lược IPS và làm xuất hiện tình trạng mất cân bằng cán cân chiến lược Mỹ – Trung tại khu vực.
Phản ứng và đối sách của các nước Mekong
Trước những nỗ lực tranh giành ảnh hưởng của Mỹ và Trung Quốc, các quốc gia trong khu vực đã áp dụng các cách tiếp cận không đồng nhất, xuất phát từ nhận thức của họ về các mối đe dọa và cơ hội từ cuộc cạnh tranh này.
Ở các mức độ khác nhau, các nước Mekong đều coi Mỹ và Trung Quốc là những đối tác quan trọng. Sự phát triển của các cơ chế MUSP, MLC kéo theo các khoản đầu tư, viện trợ gia tăng đã góp phần làm thay đổi bộ mặt kinh tế, tạo bước đệm quan trọng để bứt phá, vươn mình cho các nước thuộc Tiểu vùng, vốn là các nước vừa và nhỏ. Đặc biệt, trong bối cảnh Tiểu vùng Mekong đứng trước những thách thức an ninh phi truyền thống nghiêm trọng như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường,… sự hỗ trợ của Mỹ và Trung Quốc là nguồn bổ sung cần thiết giúp nâng cao năng lực ứng phó, giảm thiểu rủi ro thiên tai và đảm bảo sự phát triển bền vững. Về điểm này, các nước Mekong nhìn chung hoan nghênh hoặc ít nhất không phản đối việc tăng cường hiện diện của các đối tác này ở Tiểu vùng.
Hiện nay, sự gia tăng ảnh hưởng của cả Trung Quốc và Mỹ trong khu vực vẫn chưa đến mức khiến các quốc gia phải “chọn bên” nhưng đã đặt ra những thách thức trong ứng xử đối ngoại. Về mặt lý tưởng, tốt nhất là các nước trong Tiểu vùng cần tăng cường hơn nữa sự đoàn kết và phối hợp hành động thông qua việc thống nhất theo đuổi chiến lược phòng bị nước đôi (hedging strategy). Nghĩa là cố gắng giữ mối quan hệ ổn định với cả Mỹ và Trung Quốc, khai thác được những lợi ích và mặt tích cực trong quan hệ với các nước này, đồng thời đề phòng rủi ro chiến lược bằng nỗ lực đa dạng hóa quan hệ với các đối tác tiềm năng khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, EU,… Song trên thực tế, chỉ có Việt Nam được cho là ví dụ điển hình của chính sách này, với Thái Lan cũng đạt được những thành công tương tự. Riêng Bangkok ở vào vị thế đặc biệt hơn, không chỉ thu hút đầu tư mà đã trở thành nhà đầu tư, nhà viện trợ tại Tiểu vùng, có động thái muốn củng cố vị thế dẫn dắt tại Tiểu vùng Mekong, thể hiện rõ nét nhất qua Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyarwady – Chao Phraya – Mekong (ACMECS). Trong khi đó, “lãnh đạo những quốc gia nhỏ bé, không giàu có bằng như Lào và Campuchia cảm thấy rất khó để từ chối các khoản đầu tư”, khiến chính sách phòng bị nước đôi dần chuyển sang chính sách phù thịnh (thân Trung Quốc hơn Mỹ). Chính quyền quân sự tại Myanmar cũng ngày càng xa Mỹ gần Trung, khiến nguy cơ chia rẽ giữa các nước Mekong ngày một nghiêm trọng.
Triển vọng cạnh tranh Mỹ – Trung tại Tiểu vùng Mekong và hàm ý với Việt Nam
Mỹ và Trung Quốc đang đi tới quỹ đạo của một cuộc cạnh tranh chiến lược toàn diện không thể đảo ngược, do vậy, thời gian tới, Tiểu vùng Mekong sẽ vẫn chiếm vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại nói chung cũng như trong việc triển khai các sáng kiến IPS, BRI của Washington và Bắc Kinh nói riêng. Trong thời gian tới, Mỹ và Trung Quốc sẽ tiếp tục gia tăng can dự vào Tiểu vùng thông qua các cơ chế đa phương. Tuy nhiên, mức độ và lĩnh vực can dự sẽ khác nhau, tùy thuộc vào khả năng cam kết nguồn lực và mục tiêu của mỗi nước.
Về phía Trung Quốc, nhu cầu củng cố vùng đệm an toàn, xác lập ảnh hưởng ở các khu vực láng giềng quan trọng, trong đó có Tiểu vùng Mekong sẽ ngày càng trở nên cấp thiết. Do đó, Trung Quốc có thể sẽ gia tăng mạnh mẽ sự can dự qua hợp tác MLC khi cơ chế hợp tác này đã chuyển từ giai đoạn hình thành và khởi động sang đi vào chiều sâu, thực chất hơn. Ngoài ra, chính quyền Bắc Kinh cũng sẽ theo đuổi chiến lược ngoại giao khéo léo hơn để giảm bớt nghi ngờ chiến lược của các nước Tiểu vùng bằng việc nhấn mạnh vào yếu tố hợp tác phát triển bền vững, cân bằng, nhất là trong vấn đề an ninh nguồn nước.
Về phía Mỹ, mặc dù đã nâng cấp LMI thành cơ chế Đối tác Mekong– Mỹ (MUSP), song nguồn lực của Washington cho hợp tác ít khả năng gia tăng mạnh. Do đó, để bổ trợ về nguồn lực, Mỹ nhiều khả năng sẽ lôi kéo sự tham gia sâu hơn của các đồng minh. Cụ thể, Mỹ có thể sẽ khuyến khích sự hợp tác chặt chẽ hơn trong khuôn khổ nhóm QUAD, vốn đã bao gồm những đối tác quan trọng của Tiểu vùng là Nhật Bản, Australia và Ấn Độ nhưng hiện nay chưa có chương trình nghị sự chung dành riêng cho Mekong. Tuy nhiên, sự quan tâm của Mỹ đối với Tiểu vùng sẽ tiếp tục bị phân tán do những điểm nóng quan trọng khác như xung đột Nga – Ukraine, bán đảo Đài Loan hay biển Đông sẽ còn diễn biến phức tạp trong thời gian tới.
Đáng chú ý, cạnh tranh sẽ là xu hướng chủ đạo trong quan hệ Mỹ – Trung tại Tiểu vùng Mekong trong tương lai, nhưng không loại trừ cơ hội hợp tác. Một số lĩnh vực an ninh phi truyền thống có thể sẽ khả thi để hai bên tìm thấy nhau, chẳng hạn như hợp tác bảo vệ môi trường sông Mekong[16], từ đó hạn chế bớt tác động tiêu cực từ sự cạnh tranh chiến lược đối với hai nước nói riêng và với các nước trong Tiểu vùng nói chung.
Đối với Việt Nam, Tiểu vùng Mekong là “không gian an ninh” trực tiếp, có ý nghĩa quan trọng hàng đầu với môi trường hoà bình, phát triển và ảnh hưởng. Cùng với đà phát triển của các cơ chế hợp tác Mekong, trong những năm qua, Việt Nam luôn thể hiện là một thành viên tích cực, tuân thủ nghiêm túc và đề cao tinh thần hợp tác phát triển bền vững; thường được coi là nhân tố đi đầu, kết nối và là quốc gia có đủ năng lực và vị thế để góp phần quan trọng trong giải quyết các thách thức đang nổi lên đối với khu vực sông Mekong. Trước xu thế vừa hợp tác vừa cạnh tranh Mỹ – Trung tại Tiểu vùng thời gian tới, trong đó cạnh tranh đóng vai trò nổi trội, Việt Nam cần lưu tâm một số vấn đề sau:
Một là, tập trung nghiên cứu, xây dựng Chiến lược tổng thể về hợp tác Mekong; xác định rõ ràng các ưu tiên chiến lược, có lợi ích sát sườn của Việt Nam trong tổng thể tham gia hợp tác Tiểu vùng và trong từng cơ chế hợp tác. Qua đó gia tăng hiệu quả hợp tác, tránh dàn trải nguồn lực để tối đa hóa lợi ích quốc gia, dân tộc.
Hai là, thúc đẩy sự đoàn kết và thống nhất giữa các nước Mekong về tầm nhìn, lĩnh vực ưu tiên, định hướng phát triển trong tham gia các cơ chế hợp tác đa phương hiện có tại Tiểu vùng như MRC, GMS, CLMV, ACMECS,… Đặc biệt cần nỗ lực hơn nữa để thu hút sự quan tâm của các nước ASEAN hải đảo về vấn đề Mekong, gắn với sự phát triển tổng thể của Cộng đồng ASEAN. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với vai trò trung tâm của Hiệp hội cũng như sự ổn định, tăng trưởng của khu vực trong dài hạn.
Ba là, phát huy vai trò cầu nối trong hợp tác phát triển giữa các nước Tiểu vùng Mekong với các đối tác bên ngoài, nhất là tập trung triển khai có hiệu quả các biện pháp cụ thể tham gia các cơ chế do Mỹ và Trung Quốc dẫn dắt. Hạn chế đến mức thấp nhất những khía cạnh bất lợi trong quan hệ với từng cường quốc cũng như bảo đảm cân bằng quan hệ với các cường quốc là lựa chọn hợp lý của Việt Nam trong cả hiện tại lẫn tương lai nhằm tranh thủ tối đa nguồn lực phát triển, nâng cao và phát huy vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường khu vực và quốc tế.
Như vậy, Tiểu vùng sông Mekong hiện đang là một trong những điểm đến quan trọng trong chiến lược tranh giành ảnh hưởng giữa Mỹ và Trung Quốc tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Hứa hẹn trong thời gian tới, hoạt động cạnh tranh sẽ ngày càng mạnh mẽ hơn và đa chiều hơn, đòi hỏi Việt Nam cần nắm bắt kịp thời để có chính sách phù hợp, góp phần đảm bảo mục tiêu phát triển và hòa bình cho khu vực.
Tác giả: Lã Thị Thu Hà
Tài liệu tham khảo
- Bùi Thanh Tuấn, Đầu tư trực tiếp của Trung Quốc và Mỹ tại Tiểu vùng Mekong: Thực trạng và xu hướng, Nghiên cứu Trung Quốc
- Bùi Thanh Tuấn, Tiểu vùng Mê Công trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ, Tạp chí Lý luận chính trị
- Khánh Nguyễn, Việt Nam nêu 4 biện pháp phát triển hợp tác Mekong – Lan Thương, VTV News
- Tăng cường quan hệ đối tác Hoa kỳ-Mekong, US Embassy
- Vấn đề Mê Kông trong tương lai của Đông Nam Á, TTXVN
- Aidan Kato, Weaponizing Water: How China Controls the Mekong, Davis Political Review
- Charissa Yong, Mekong – a struggle over water, power and mainland SEA’s future, The StraitsTimes
- David Hutt, How Mekong River is turning into a new flashpoint in Indo-Pacific, DW
- Joint Statement on the JapanUnited States Mekong Power Partnership (JUMPP), US Embassy
- L. Guangsheng, China seeks to improve Mekong subregional cooperation: causes and policies, Policy report, RSIS
- Launch of the Mekong-US Partnership: Expanding US Engagement with the Mekong Region, US Mission to ASEAN
- Richard Berstein, China’s Mekong plans threaten disaster for countries downstream, Foreign Policy
- Strengthening the US – Mekong Partnership, US Mission to ASEAN
- Thepgumpanat – Panarat, Thailand scraps China-led project to blast open Mekong River, Reuters
- Uch Leang, Community responsible for subregional interests in Mekong-Lancang, Khmer Times
- Zhang Li, Regionalization or Internationalization? Different Types of Water Multilateralism by China and the United States in the Mekong Subregion, Asia Policy