Bóng đen của chiến tranh thế giới lại xuất hiện
Cùng với việc trật tự thế giới được thiết lập sau Chiến tranh Thế giới thứ hai lấy Liên Hợp Quốc làm trung tâm bắt đầu sụp đổ thì sự cạnh tranh giữa các cường quốc đã khiến tình hình địa chính trị ngày càng trở nên bất ổn. Điều này càng khiến nhiều người tin rằng liệu Chiến tranh Thế giới thứ ba có phải là điều không thể tránh khỏi hay không. Trên thực tế, đối với nhiều người mà nói, hình thức Chiến tranh Lạnh mới đã bắt đầu từ lâu giữa các cường quốc, và câu hỏi tiếp theo là chiến trường chính của Chiến tranh Thế giới thứ ba sẽ xảy ra ở đâu?
Cái gọi là chiến tranh thế giới là cuộc chiến quy mô lớn giữa các quốc gia. Tuy nhiên, quốc gia không phải là một khái niệm trừu tượng, mà quốc gia được hình thành bởi con người, và chiến tranh giữa các quốc gia cuối cùng thể hiện qua chiến tranh giữa con người với nhau. Mặc dù những người tham gia chiến tranh (dù là chủ động hay bị động) đều là dân thường, nhưng quyết định có chiến tranh hay không lại không phải do dân thường, mà là do những người nắm quyền trong các quốc gia liên quan.
Ngay cả đối với những người nắm quyền quyết định chiến tranh, chiến tranh cũng không phải là không có lý do. Từ xưa đến nay, đằng sau chiến tranh là cuộc tranh giành lợi ích một cách trần trụi. Chính lợi ích là động lực thúc đẩy con người phát động chiến tranh.
Về phương diện này, người ta có thể mở rộng tư tưởng của nhà tư tưởng Pháp Tocqueville trong tác phẩm “Chế độ cũ và Cách mạng” từ cách mạng nội bộ sang xung đột quốc tế. Tocqueville cho rằng, sự nghèo khó không nhất thiết dẫn đến cách mạng, mà cách mạng thường xảy ra trong quá trình một xã hội chuyển từ nghèo khó sang phồn thịnh. Nói cách khác, cách mạng xảy ra là do có sự phân chia lợi ích. Xung đột quốc tế cũng tuân theo logic tương tự. Sự phát triển kinh tế của một khu vực thường dẫn đến hai loại bất công. Thứ nhất là sự bất công giữa các tầng lớp xã hội khác nhau trong một quốc gia, mà Marx gọi là sự bất công giữa các giai cấp. Thứ hai là sự bất công giữa các quốc gia khác nhau. Sự bất công nội bộ dẫn đến sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy, trong khi sự bất công giữa các quốc gia dẫn đến sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc. Chiến tranh thế giới thứ nhất và thứ hai ở châu Âu chính là sản phẩm của quá trình phát triển kinh tế nhanh chóng ở châu Âu.
Với điều kiện cấu trúc này, việc hình thành “ngòi nổ” cho chiến tranh trở nên dễ dàng. Ngay cả khi không có “ngòi nổ” khách quan, cũng sẽ có người tạo ra nó. Có người hiếu chiến, có người không hiếu chiến, nhưng nhìn chung, khi các biện pháp chính trị, ngoại giao và đe dọa không thể giải quyết được tranh chấp lợi ích, con người sẽ tìm đến chiến tranh. Các chính trị gia hiếu chiến có xu hướng sử dụng chiến tranh để giải quyết xung đột hơn là các chính trị gia không hiếu chiến.
Cuộc chiến giữa Nga-Ukraine và xung đột Israel-Palestine vẫn đang tiếp tục. Mọi người lo ngại rằng những xung đột khu vực này có thể phát triển thành những cuộc xung đột lớn hơn với sự tham gia của nhiều quốc gia. Tuy nhiên, hầu hết các quan sát viên không cho rằng những khu vực này sẽ trở thành chiến trường chính của cuộc chiến tranh thế giới mới. Đồng thời, nhiều dấu hiệu cho thấy các cường quốc lớn đang nỗ lực đưa chiến trường chính của Chiến tranh Thế giới thứ ba tới châu Á, và châu Á đang nhanh chóng trở thành “thùng thuốc súng” của Chiến tranh Thế giới thứ ba.
Châu Á trở thành “thùng thuốc súng”
Bất luận nhìn từ góc độ nào, khu vực châu Á-Thái Bình Dương chắc chắn sẽ trở thành chiến trường của cuộc chiến tranh thế giới tiếp theo. Lý do rất đơn giản, nơi đây có tất cả các yếu tố dẫn đến một cuộc chiến tranh thế giới: lợi ích kinh tế + Mỹ + NATO phiên bản châu Á + hiện đại hóa quân sự + chủ nghĩa dân tộc. Nói cách khác, Mỹ đang trở thành một nhà tổ chức quan trọng trong các cuộc chiến tranh ở châu Á, và lý do chính để Mỹ lên kế hoạch cho chiến tranh là vì họ có thể thu được lợi ích kinh tế to lớn ở châu Á. Nếu xét đến việc Mỹ không thể giải quyết các vấn đề nghiêm trọng trong nước thông qua cách mạng, thì chiến tranh bên ngoài trở nên có khả năng hơn (xem bài viết “Cách mạng và Phản cách mạng của Mỹ”). Ít nhất từ thời hiện đại, cách mạng nội bộ và chiến tranh bên ngoài là hai phương pháp hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề, và không có lý do gì để đánh giá thấp khả năng Mỹ phát động chiến tranh để giải quyết các vấn đề nội bộ của mình.
Tại sao lại là châu Á? Trong khi bàn về châu Á, tầm quan trọng của Mỹ (và phương Tây) đã được đề cập rất nhiều, và những luận điểm này đã được lặp đi lặp lại vô số lần. Hai chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực đối ngoại của Mỹ, Robert D. Blackwill và Richard Fontaine, trong cuốn sách mới xuất bản của họ “Thập kỷ đã mất: Sự chuyển hướng của Mỹ sang Châu Á và Sự trỗi dậy của Quyền lực Trung Quốc” (Lost Decade: The US Pivot to Asia and the Rise of Chinese Power, Oxford University Press, 2024) đã đưa ra sự diễn giải trực tiếp nhất về vấn đề này. Theo hai nhà ngoại giao này, châu Á quan trọng vì sự hiện diện toàn cầu của nó và sự trỗi dậy của Trung Quốc. Châu Á chiếm 60% dân số thế giới, ba trong số năm nền kinh tế lớn nhất thế giới, chiếm 40% GDP toàn cầu, 41% tổng xuất khẩu toàn cầu và 37% tổng nhập khẩu. Có một nửa số quân nhân đang phục vụ trên toàn thế giới, sáu trong số mười lực lượng quân sự hàng đầu, năm trong số chín quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, và sáu trong số mười quốc gia có lượng khí thải carbon lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, theo họ, điều quan trọng hơn là “Trung Quốc tiếp tục là mối đe dọa đối với trật tự quốc tế”.
Những số liệu này không dễ dàng có được. Trong vài thập kỷ qua, khu vực châu Á là khu vực phát triển nhanh nhất và hòa bình nhất trên thế giới, có thể nói là một kỳ tích khác trong lịch sử kinh tế toàn cầu. Kỳ tích trước đó như vậy xảy ra ở châu Âu hơn ba mươi năm trước Chiến tranh Thế giới thứ nhất. Khi đó, châu Âu cũng đạt được sự phát triển nhanh chóng, thịnh vượng và hòa bình là đặc trưng chính của thời đại, đến mức người ta tin rằng không ai sẽ sử dụng chiến tranh để giải quyết các vấn đề quốc tế, và cũng không sử dụng bạo lực (cách mạng) để giải quyết các mâu thuẫn nội bộ. Nhưng bất kể người ta kỳ vọng hòa bình đến mức nào, chiến tranh vẫn xảy ra, và không chỉ một lần mà hai lần, đều là các cuộc chiến tranh thế giới liên quan đến nhiều quốc gia.
Bây giờ đến lượt châu Á. Giống như các quốc gia châu Âu trước khi xảy ra Chiến tranh Thế giới thứ nhất, ngày nay, sự phát triển kinh tế cũng đã thúc đẩy hiện đại hóa quân sự của các quốc gia châu Á. Mặc dù các quốc gia châu Á đã đạt được sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế, thậm chí là sự phụ thuộc cao độ, nhưng cũng giống như châu Âu, hòa bình ở châu Á cực kỳ mong manh do những mối thù lịch sử và mâu thuẫn thực tế. Dưới vẻ bề ngoài của sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế, cạnh tranh giữa các quốc gia châu Á diễn ra chưa từng có, và mâu thuẫn thực tế giữa các quốc gia thường xuyên gắn liền với các vấn đề lịch sử. Mâu thuẫn giữa các nước châu Á đã tạo ra một điều kiện cấu trúc cực kỳ thuận lợi cho các cường quốc “ngoài khu vực” – Mỹ – chi phối các vấn đề ở châu lục này. Mặc dù Mỹ tuyên bố mục tiêu là mang lại hòa bình dưới sự thống trị của mình ở châu Á, nhưng thực tế lại hoàn toàn ngược lại, châu Á dưới sự chi phối của Mỹ đang nhanh chóng trượt về phía chiến tranh.
Điều quan trọng hơn là, Mỹ thực sự không phải là “ngoài khu vực”. Khái niệm “ngoài khu vực” chỉ đơn giản là chỉ vị trí địa lý, tức là Mỹ nằm ở bờ Đông của Thái Bình Dương. Nhưng về mặt lợi ích, Mỹ đã gắn bó sâu sắc với châu Á. Kể từ thời kỳ cận đại, đặc biệt là từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, Mỹ đã liên tục can thiệp sâu vào các vấn đề châu Á, từ Nhật Bản đến bán đảo Triều Tiên, từ Đông Á đến ASEAN, không có một quốc gia nào tham gia sâu vào châu Á như Mỹ. Đặc biệt từ thập niên 1980, khi châu Á trở thành trung tâm kinh tế toàn cầu, Mỹ ngày càng trở thành một phần của khu vực châu Á-Thái Bình Dương về mặt kinh tế, thay vì chỉ là quốc gia thuộc Đại Tây Dương như trước đây. Do đó, sự khao khát duy trì “đế chế” (bá quyền) của Mỹ và lợi ích kinh tế thực tế của Mỹ ở châu Á đã hòa quyện với nhau, tạo thành một động lực lớn để duy trì chủ nghĩa bá quyền, đồng thời thu được lợi ích kinh tế khổng lồ.
Nhìn chung, người ta coi chính sách “Xoay trục sang châu Á” do Obama đề xuất là dấu hiệu cho thấy Mỹ bắt đầu chuyển sự chú ý, thời gian và nguồn lực đáng kể của mình sang khu vực châu Á, nhằm gia tăng khả năng chiến thắng trong cuộc cạnh tranh mang tính quyết định. Chiến lược “xoay trục sang châu Á” chủ yếu nhắm vào Trung Quốc. Thực ra, nguồn gốc của chính sách này còn sớm hơn. Sự sụp đổ của Liên Xô đồng nghĩa với việc cuộc Chiến tranh Lạnh kéo dài nửa thế kỷ đã kết thúc, “kẻ thù” truyền thống của Mỹ không còn tồn tại nữa. Kể từ đó, Mỹ bắt đầu xác định lại “kẻ thù”, và đó chính là Trung Quốc. Ngay khi George Walker Bush nhậm chức, Mỹ đã bắt đầu theo đuổi chính sách đối ngoại bảo thủ, và cũng chủ yếu nhắm vào Trung Quốc. Tuy nhiên, vụ khủng bố “11/09” đã làm thay đổi trọng tâm chiến lược của Mỹ, khiến chiến lược châu Á của Mỹ bị trì hoãn.
Trong cuốn sách của hai tác giả Blackwell và Fontaine đã tổng kết một số nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thất bại trong chiến lược “Trở lại châu Á” của Mỹ, bao gồm:
Thứ nhất, Mỹ đã đánh giá thấp thách thức mà Trung Quốc mang lại trong một thời gian dài.
Thứ hai, xung đột ở các khu vực khác diễn ra không ngừng đã phân tán sự chú ý của Mỹ. Với những xung đột cũ như chiến tranh ở Iraq và Afghanistan, các vấn đề ở Syria và IS. Những xung đột mới như cuộc chiến giữa Nga-Ukraine, sự bùng phát trở lại của xung đột Israel – Hamas ở Trung Đông.
Thứ ba, chính phủ Mỹ qua các thời kỳ đã có sự khác biệt về mục tiêu cụ thể, chi tiêu tài chính và chính sách chi tiết của chiến lược “Trở lại châu Á”.
Thứ tư, vấn đề này nhận được sự quan tâm chú ý quá thấp trong nước Mỹ, dẫn đến việc không có tổng thống nào dành sự coi trọng cho nó.
Thứ năm, khu vực châu Á-Thái Bình Dương không xảy ra các sự kiện mang tính bùng nổ như “Cuộc tấn công Trân Châu Cảng” hoặc “11/9” để thu hút đủ sự chú ý.
Do đó, điều kết luận rõ ràng là sau khi mất một thập kỷ, Mỹ bắt buộc phải quay lại tập trung vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đây cũng là điều hiển nhiên. Như chúng ta đã nói nhiều lần trước đây, kể từ khi khái niệm “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” ra đời, Mỹ đã xây dựng ít nhất 7 “nhóm đa phương nhỏ” trong khu vực này, và tất cả đều nhắm vào Trung Quốc. Trong các tuyên bố của Mỹ, họ luôn nhấn mạnh rằng Mỹ làm như vậy nhằm “kiềm chế” các xung đột có thể phát sinh từ Trung Quốc, hoặc “tránh” chiến tranh. Tuy nhiên, trên thực tế, xu hướng phát triển lại hoàn toàn ngược lại. Hành động của Mỹ đang xây dựng một cấu trúc chiến tranh tổng thể và toàn cầu, ít nhất bao gồm “NATO”, một phiên bản “NATO” ở châu Á và các quốc gia châu Á. Đồng thời, hành động của Mỹ cũng đã dẫn đến sự điều chỉnh chiến lược nhanh chóng của Nga và Triều Tiên, cũng dẫn đến “điểm xung đột” ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Chiến lược của Mỹ tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương
Trọng điểm chiến lược của NATO chuyển hướng sang Trung Quốc là nhiệm vụ cốt lõi của Mỹ trong việc kiềm chế Trung Quốc. Trung Quốc và các quốc gia châu Âu không có tranh chấp địa chính trị trực tiếp, mối quan hệ giữa hai bên chủ yếu dựa vào kinh tế và thương mại. Tuy nhiên, Mỹ đã gắn kết Trung Quốc và Nga lại với nhau, tiến hành cuộc chiến nhận thức và tạo dựng quan điểm rằng Trung Quốc là một “mối đe dọa” đối với châu Âu. Kể từ khi cuộc chiến Nga-Ukraine bắt đầu, Mỹ và châu Âu ban đầu nghĩ rằng họ có thể nhanh chóng làm suy yếu Nga, nhưng rõ ràng điều đó không đạt được mục tiêu. Do vậy, Mỹ đã chuyển hướng chú ý sang Trung Quốc, cho rằng sự hỗ trợ của Trung Quốc đối với Nga là “nhân tố chủ đạo” giúp Nga duy trì cuộc chiến này. Các tổ chức nghiên cứu chính sách châu Âu do Mỹ dẫn đầu đã nỗ lực phối hợp và thực hiện cuộc chiến nhận thức này. Điều đó nhanh chóng thúc đẩy NATO chuyển trọng tâm chiến lược sang Trung Quốc.
Năm nay, NATO kỷ niệm 75 năm thành lập và hiện đã có 32 quốc gia thành viên, với việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập sau khi cuộc chiến Ukraine nổ ra vào năm 2022. Tuy nhiên, NATO đã không còn là “người bảo vệ hòa bình” như họ đã tuyên bố mà trở thành một nhân tố gây chiến. Đằng sau cuộc chiến Nga-Ukraine chính là cảm giác bất an tột độ của Nga do sự mở rộng của NATO gây ra. Ngày nay, NATO đang nỗ lực di chuyển sang châu Á và có vẻ như đang chuẩn bị cho chiến tranh.
Hội nghị thượng đỉnh NATO năm 2024 đã được tổ chức vào ngày 9 tháng 7 tại Washington. Các nghị sĩ từ cả hai đảng tại Quốc hội Mỹ đều bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác với các đồng minh châu Âu để đối phó với cái gọi là “hành động quân sự hung hăng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”. Michael McCaul, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện và là nghị sĩ đảng Cộng hòa đã nói trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông Mỹ rằng: “Mục đích thành lập NATO là để chống lại bất kỳ kẻ áp bức nước ngoài nào, và hiện tại, kẻ áp bức đó là ‘liên minh ma quỷ’ gồm Trung Quốc, Nga, Iran và Triều Tiên.” McCaul cũng cho biết: “Điều khiến tôi lo lắng, khiến tôi không ngủ được là cuộc chiến tranh thế giới thứ ba, và NATO có thể ngăn chặn điều đó.”
Dù nhìn từ góc độ nào, người ta có thể nói rằng hội nghị thượng đỉnh lần này được tổ chức chủ yếu nhắm vào Trung Quốc. Xoay quanh Trung Quốc, NATO tập trung vào năm vấn đề chính. Thứ nhất, tại sao NATO lại chuyển sự chú ý chiến lược sang Trung Quốc? Thứ hai, NATO muốn gửi tín hiệu gì đến Trung Quốc? Thứ ba, để chống lại “mối đe dọa từ Trung Quốc,” NATO sẽ đóng vai trò thực chất như thế nào? Thứ tư, NATO có đối đầu trực tiếp với Trung Quốc hay không? Thứ năm, tại sao NATO lại một lần nữa mời Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand?
Trước thềm hội nghị thượng đỉnh NATO, các chính trị gia và phương tiện truyền thông của Mỹ và phương Tây đã nỗ lực không ngừng để biến Trung Quốc thành kẻ thù, trước sau như một trói buộc Trung Quốc và Nga lại với nhau. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông Mỹ rằng: “Cuộc chiến ở Ukraine cho thấy mối quan hệ chặt chẽ giữa Nga với Trung Quốc, Triều Tiên và Iran. Trung Quốc là tác nhân chính thúc đẩy Nga xâm chiếm Ukraine.”
Đúng như dự đoán của các quan sát viên quốc tế, hội nghị thượng đỉnh NATO đã đưa ra tuyên bố lần đầu tiên công khai lên án Trung Quốc vì đã cung cấp hỗ trợ quân sự cho Nga.
NATO chuyển hướng sang khu vực Châu Á-Thái Bình Dương
Để đưa NATO sang châu Á hoặc xây dựng một phiên bản NATO châu Á, NATO dưới sự dẫn dắt của Mỹ trong những năm gần đây đã tích cực tìm kiếm sự hợp tác với các quốc gia ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Washington năm nay một lần nữa đã mời các nhà lãnh đạo của các đồng minh Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand tham dự. Kể từ năm 2022, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand, được gọi là “Bộ tứ Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” (IP4), đã liên tục được mời tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO. Theo lời Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, việc bốn nước này được mời tham dự hội nghị thượng đỉnh là minh chứng cho sự nhận thức ngày càng tăng của các quốc gia đối tác ở châu Âu và châu Á-Thái Bình Dương về việc các thách thức an ninh của họ ngày càng hòa chung với nhau. “Đây là một phần rất có chủ ý trong chính sách của chúng tôi nhằm phá vỡ ranh giới ngăn cách giữa các Liên minh châu Âu và Liên minh châu Á.”
Trong quá trình này, Nhật Bản đóng vai trò trung tâm như một đại diện của Mỹ. Mặc dù tình hình trong nước của Nhật Bản không có nhiều thành tích đáng kể, nhưng Thủ tướng Kishida Fumio đã nỗ lực mạnh mẽ trong việc hình thành một phiên bản NATO ở châu Á. Vào tháng 6 năm nay, tại hội nghị hòa bình Ukraine, Thủ tướng Kishida đã nhấn mạnh mối quan tâm hàng đầu về an ninh của các quốc gia NATO ở châu Âu, và một lần nữa cảnh báo rằng “Ukraine hôm nay có thể là Đông Á vào ngày mai.” Đương nhiên, đây không phải là lần đầu tiên Kishida đưa ra quan điểm như vậy. Trong những năm gần đây, Nhật Bản đã liên tục “quảng bá” quan điểm này ra quốc tế, đặc biệt là đối với các quốc gia ở châu Á.
Dưới sự thúc đẩy của Thủ tướng Kishida Fumio, Nhật Bản ngày càng trở thành cầu nối giữa châu Âu và Đông Bắc Á. Vào năm 2023, Nhật Bản và NATO đã ký kết “Chương trình đối tác được thiết kế riêng (ITPP), bao gồm các lĩnh vực rộng lớn như bảo đảm an ninh hàng hải, thông tin sai lệch, không gian vũ trụ… Cả hai bên sẽ nâng cao khả năng tương tác và tương thích giữa các lực lượng quân sự, tăng cường tần suất tập trận chung, cũng như củng cố hợp tác về thông tin và kinh nghiệm tình báo. Nhật Bản cũng đã đàm phán và ký kết Hiệp định Tiếp cận Tương hỗ (RAA) mới với các quốc gia thành viên NATO để tăng cường đào tạo phòng vệ và xây dựng năng lực. Vào đầu năm 2023, Nhật Bản đã ký Hiệp định Tiếp cận Tương hỗ với Vương quốc Anh. Nhật Bản và Italy cũng đã công bố một kế hoạch hành động đến năm 2027, bao gồm 7 lĩnh vực như ngoại giao, quốc phòng và đảm bảo an ninh. Italy cũng là một trong những đối tác chính trong việc phát triển máy bay chiến đấu thế hệ mới của Nhật Bản.
Nhật Bản cũng đã ký kết Hiệp định Tiếp cận Tương hỗ với Philippines vào ngày 8 tháng 7, cho phép quân đội của hai quốc gia tiến vào lãnh thổ của nhau để thực hiện các cuộc tập trận quân sự chung nhằm đối phó với Trung Quốc. Hiệp định này đơn giản hóa quy trình thăm viếng quân sự, vận chuyển vũ khí, đạn dược, giảm bớt gánh nặng thủ tục trong các cuộc tập trận chung, nâng cao khả năng tương tác giữa quân đội hai nước. Đây được coi là một hình thức hợp tác quốc phòng tương đương với “chuẩn đồng minh” trong khu vực.
Vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên
Trong quá trình châu Á đang trở thành “thùng thuốc súng” của cuộc chiến tranh thế giới thứ ba, một yếu tố không thể bỏ qua là bán đảo Triều Tiên. Kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai, bán đảo Triều Tiên luôn là điểm nóng thực tế và tiềm ẩn của các xung đột khu vực ở châu Á. Triều Tiên từ lâu đã là mối quan tâm của Trung Quốc, Nga, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Đối với Trung Quốc, mặc dù Mỹ đang làm lớn các vấn đề ở Biển Đông và Eo biển Đài Loan, nhưng trong hai vấn đề này, Trung Quốc là bên liên quan trực tiếp và có thể điều chỉnh chiến lược của mình để quản lý hiệu quả các xung đột tiềm tàng. Tuy nhiên, tình hình ở bán đảo Triều Tiên thì khác. Như cuộc chiến Triều Tiên đã chứng minh, mặc dù Trung Quốc không phải là bên liên quan trực tiếp và không có cơ chế hiệu quả để kiểm soát tình hình ở Triều Tiên, nhưng Trung Quốc chắc chắn vẫn bị cuốn vào các xung đột trên bán đảo này. Kể từ khi vấn đề vũ khí hạt nhân của Triều Tiên xảy ra đến nay, Trung Quốc luôn ở trong tình thế bị động này.
Hiện tại, tình hình trên bán đảo Triều Tiên có vẻ yên bình, nhưng thực tế lại ẩn chứa nguy cơ lớn hơn. Kể từ khi cuộc chiến Nga-Ukraine bùng phát, Triều Tiên luôn là một trong những đồng minh trung thành của Nga. Vào tháng 6 năm nay, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thực hiện chuyến thăm cấp Nhà nước đến Triều Tiên, và hai bên đã ký kết một thỏa thuận phòng thủ chung. Mặc dù Đại sứ Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc, Kim Song, cho biết “không có lý do gì để lo ngại về thỏa thuận giữa Nga và Triều Tiên,” vì thỏa thuận này nhằm “thúc đẩy sự phát triển mối quan hệ song phương giữa hai nước”. Nhưng phương Tây không nghĩ như vậy, họ coi đây là hành động của một liên minh.
Người ta cho rằng thỏa thuận này vừa đáp ứng nhu cầu an ninh của Nga và Triều Tiên, vừa có thể là một phần trong nỗ lực của Nga để giảm bớt áp lực trên mặt trận châu Âu bằng cách chuyển trọng tâm xung đột sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Dù sao đi nữa, thỏa thuận này đã thúc đẩy thêm mối liên kết giữa Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ. Tin tức gần đây từ Mỹ càng đáng lưu ý hơn. Cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ tại Mỹ đều đã gỡ bỏ tuyên bố về “phi hạt nhân hóa Triều Tiên” trong chương trình nghị sự mới của họ. Còn Hàn Quốc lo ngại rằng liệu Mỹ có công nhận Triều Tiên là quốc gia sở hữu hạt nhân trên thực tế hay không. Đồng thời, theo thời báo “The New York Times”, Tổng thống hiện tại Joe Biden đã phê duyệt một kế hoạch chiến lược hạt nhân cực kỳ bí mật vào tháng 3 năm nay, lần đầu tiên điều chỉnh chiến lược răn đe của Mỹ để tập trung vào cái gọi là sự mở rộng nhanh chóng kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc
Thách thức xã hội ở Châu Á
Từ góc độ chuyển dịch địa chính trị lớn, châu Á đang đối mặt với nguy cơ chiến tranh chưa từng có. Dù là về địa chính trị, chiến tranh thông thường hay răn đe hạt nhân, tình hình ở châu Á đang nhanh chóng xấu đi. Nhưng điều bi quan là xã hội châu Á không chỉ thiếu nhận thức về nguy cơ này mà ngày càng nhiều quốc gia tham gia vào trò chơi chiến tranh này, dù là chủ động hay bị động. Hơn nữa, tinh thần chủ nghĩa dân tộc giữa các quốc gia châu Á đang gia tăng. Trong lịch sử, chủ nghĩa dân tộc thường là yếu tố quan trọng dẫn đến xung đột và chiến tranh giữa các quốc gia. Trong thời đại mạng xã hội, các nhà hoạch định chính sách dễ bị ảnh hưởng bởi tinh thần dân tộc, dẫn đến việc mất đi lý trí và đưa ra các quyết định thiếu hợp lý.
Trung Quốc chắc chắn là “tâm bão” trong cuộc khủng hoảng địa chính trị này. Từ góc độ biến động địa chính trị, chúng ta có thể hiểu sâu sắc hơn về “cục diện trăm năm chưa từng có”. Và điều tự nhiên là việc ứng phó với biến động địa chính trị sâu rộng như vậy là thách thức lớn nhất mà thế hệ này phải đối mặt./.
Biên dịch: Nguyễn Phượng
Tác giả: Trịnh Vĩnh Niên là Giáo sư, hiệu trưởng Đại học Trung Quốc Hồng Kông (Thâm Quyến), Chủ tịch Viện Nghiên cứu Cao cấp Toàn cầu và Đương đại Trung Quốc, Chủ tịch Ủy ban Học thuật, Viện Nghiên cứu Chính sách Công, Đại học Công nghệ Hoa Nam.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]