Từ tháng 4 đến nay, đồng tiền các nước châu Á đồng loạt mất giá. Nguyên nhân gây ra điều này có nhiều phương diện, trong đó quan trọng nhất là chính sách đồng USD mạnh của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Hiện nay, nếu đồng đô la Mỹ tiếp tục duy trì sức mạnh, không thể loại trừ khả năng xảy ra khủng hoảng tài chính ở một số quốc gia. Nhưng những sự kiện tương tự như cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 khó có thể lặp lại. Trong ngắn hạn, FED vẫn duy trì lãi suất đồng USD ở mức cao nên áp lực mất giá đối với các đồng tiền châu Á sẽ không được loại bỏ trong ngắn hạn. Sự mất giá mạnh của các đồng tiền châu Á một lần nữa bộc lộ sự mong manh của hệ thống tiền tệ châu Á. Thúc đẩy hội nhập kinh tế của các nước châu Á, tăng cường kết nối và hợp tác trong hệ thống tài chính tiền tệ của khu vực, thúc đẩy hơn nữa quá trình “phi đô la hóa” và đẩy nhanh quá trình quốc tế hóa đồng nội tệ sẽ giảm thiểu và ứng phó tốt hơn với các rủi ro của thị trường ngoại hối.
Kể từ tháng 4, đồng tiền các nước châu Á xuất hiện làn sóng mất giá tập thể. Đồng yên Nhật, đồng won Hàn Quốc, đồng rupee Ấn Độ, đồng rupiah Indonesia, tiền đồng Việt Nam, đồng peso Philippines.. đều mất giá mạnh. Tỷ giá hối đoái của rất nhiều nước so với đồng USD đạt mức thấp kỷ lục trong vài tháng, thậm chí là lịch sử. Vào ngày 29/4, tỷ giá đồng yên Nhật Bản giảm xuống dưới 160 yên/USD, chạm mức thấp mới kể từ năm 1990. Ngày 16/4, tỷ giá won Hàn Quốc từng vượt mốc 1.400 won đổi 1 USD, thiết lập mức thấp mới kể từ năm 2022. Ngày 19/4, tỷ giá đồng rupee của Ấn Độ giảm xuống 83,5585, chạm mức thấp mới kể từ tháng 11 năm ngoái. Ngày 16/4, tỷ giá rupiah của Indonesia đã giảm xuống dưới mốc 16.000rupiah/ USD, chạm mức thấp mới trong 4 năm qua và trở thành một trong những đồng tiền có mức giảm lớn nhất trong số các đồng tiền châu Á. Ngày 17/4, tỷ giá peso của Philippines đã giảm xuống dưới mốc 57 peso đổi 1 USD, thiết lập mức thấp mới kể từ cuối năm 2022. Ngày 19/4, tỷ giá đồng Việt Nam giảm xuống 25.463, đạt mức thấp kỷ lục. Mặc dù sự mất giá của đồng Nhân dân tệ không đáng kể nhưng tỷ giá Nhân dân tệ ở nước ngoài vẫn chạm mức thấp mới kể từ tháng 11 năm ngoái. Vào ngày 16/4, đồng USD so với đồng nhân dân tệ ở nước ngoài từng đạt mức cao nhất 7,2831.
Sự mất giá mạnh đồng tiền của một quốc gia có thể dễ dàng gây ra những cú sốc kinh tế và tài chính cho quốc gia đó. Mặc dù sự mất giá của đồng nội tệ có thể làm cho giá xuất khẩu của một quốc gia giảm. Do đó cạnh tranh hơn, nhưng chi phí nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài cũng sẽ tăng lên. Điều này sẽ làm giảm lợi nhuận của doanh nghiệp, đặc biệt đối với những doanh nghiệp cần nhập khẩu số lượng lớn từ nước ngoài. Hơn nữa, do tỷ giá hối đoái giảm, làm cho giá cả hàng nhập khẩu tăng tương ứng, gia tăng áp lực lạm phát trong nước. Trước áp lực mất giá tiền tệ, hầu hết các nước châu Á đã có động thái đối phó. Ngày 19/4, các bộ trưởng tài chính Hàn Quốc và Nhật Bản cùng cho biết họ lo ngại sâu sắc về sự mất giá mạnh gần đây của đồng yên Nhật và đồng won Hàn Quốc, sẵn sàng thực hiện các biện pháp nhằm ngăn chặn biến động quá mức của tỷ giá hối đoái. Ngày 24 tháng 4, Ngân hàng Indonesia tuyên bố tăng lãi suất 25 điểm cơ bản, nâng lãi suất cơ bản lên 6,25%. Thống đốc ngân hàng trung ương Philippines cho biết ông có khả năng sẽ can thiệp vào thị trường ngoại hối trong bối cảnh đồng peso của Philippines biến động mạnh. Cơ quan quản lý tiền tệ Ấn Độ cho biết họ sẽ dựa vào dự trữ ngoại hối của mình để can thiệp vào thị trường tiền tệ khi cần thiết nhằm ổn định tỷ giá đồng rupee.
Vì sao đồng tiền các nước châu Á mất giá mạnh
Có nhiều nguyên nhân khiến đồng tiền các nước châu Á mất giá mạnh, trong đó có chính sách đồng USD mạnh của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ. Ngoài ra do nền tảng kinh tế yếu ớt của các nước châu Á cùng một số yếu tố bất ngờ trong nước, v.v..
Đồng tiền của các nước châu Á lần này mất giá mạnh có liên quan trực tiếp đến đồng USD mạnh và sự hạ nhiệt kỳ vọng của thị trường về việc giảm lãi suất của Cục Dự trực Liên bang Mỹ. Sau khi dịch COVID-19 bùng phát, để ứng phó với suy thoái kinh tế, FED đã áp dụng chính sách nới lỏng định lượng quy mô từ năm 2020 đến 2021, khiến tỷ lệ lạm phát ở Mỹ vẫn ở mức cao. Để kiềm chế lạm phát, Cục Dự trữ Liên bang đã tăng lãi suất 11 lần liên tiếp kể từ tháng 3 năm 2022, duy trì lãi suất USD ở mức từ 5,25% đến 5,50%. Do lãi suất cao của đồng USD, một lượng tiền lớn từ các nước Châu Á đã chảy vào Mỹ, dẫn đến sự mất giá đồng tiền quốc gia của họ.
Thị trường nhìn chung kỳ vọng rằng FED sẽ không duy trì lãi suất trên 5% và có nhiều kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất của FED trong năm nay. Nhưng dựa trên dữ liệu kinh tế gần đây của Mỹ và tuyên bố của Cục Dự trữ Liên bang, kỳ vọng của thị trường về việc cắt giảm lãi suất của Fed đã giảm dần. Theo số liệu do Mỹ công bố vào giữa tháng 4, doanh số bán lẻ tại Mỹ trong tháng 3 tăng 0,7% so với tháng trước, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước. Việc làm trong ngành nông nghiệp tăng 303.000, tất cả đều vượt quá kỳ vọng của thị trường. Hiệu suất mạnh mẽ của nền kinh tế Mỹ đi kèm với lạm phát cao, khiến trọng tâm chính sách của FED vẫn là kiềm chế lạm phát. Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Powell thậm chí còn ám chỉ, nếu lạm phát năm nay khó kiểm soát được, không loại trừ việc tăng lãi suất một lần nữa. Một số tổ chức dự đoán Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có thể tiếp tục tăng lãi suất lên 8%. Sự sụt giảm kỳ vọng cắt giảm lãi suất của đồng đô la Mỹ, kết hợp với sự gia tăng đáng kể rủi ro địa chính trị, đã nâng cao vị thế của đồng USD như một loại tiền tệ đầu tư và trú ẩn an toàn, khiến chỉ số đô la Mỹ tăng vọt. Ngày 16 tháng 4, chỉ số đô la Mỹ đã tăng lên 106,5- mức cao nhất trong 5 tháng.
Ngoài yếu tố đồng USD, một số vấn đề tồn tại trong nền kinh tế các nước châu Á cũng là nguyên nhân quan trọng khiến đồng tiền mất giá trong đợt này. Thứ nhất, nợ nước ngoài của các nước châu Á tương đối lớn, hơn nữa thiếu dự trữ ngoại hối để đủ can thiệp vào thị trường hối đoái. Cộng đồng quốc tế thiếu niềm tin vào khả năng duy trì sự ổn định đồng tiền của một số nước châu Á. Điều này cung cấp cơ hội cho các nước có vốn quốc tế có thể lấy mất tiền của các nước này. Thứ hai, các nước châu Á chủ yếu là các nền kinh tế mới nổi và hầu hết đều có dòng vốn tự do hoàn toàn, điều này cũng khiến đồng tiền của họ dễ bị tổn thương trước sự biến động của đồng đô la Mỹ. Thứ ba, mô hình phát triển kinh tế của các nước châu Á và vị trí của họ trong phân công thương mại quốc tế khiến họ dễ bị tổn thương hơn với nền kinh tế toàn cầu. Nền kinh tế của các nước châu Á phụ thuộc rất lớn vào xuất khẩu, nền tảng kinh tế duy trì ổn định tiền tệ trong nước rất yếu ớt. Ví dụ, tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam chiếm hơn 90% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), tỷ trọng xuất khẩu của Hàn Quốc cũng chiếm hơn 40% GDP. Điều này làm cho nền kinh tế của Việt Nam cũng như các nước khác trong khu vực bị ảnh hưởng lớn bởi sự biến động của nền kinh tế toàn cầu. Hơn nữa, các ngành công nghiệp xuất khẩu của các quốc gia thị trường mới nổi châu Á chủ yếu là các ngành sản xuất giá trị thấp, nằm ở cuối chuỗi công nghiệp trong phân công lao động quốc tế, khả năng dựa vào xuất khẩu để thu ngoại hối nhằm ổn định tỷ giá còn hạn chế. Những yếu tố này đều dẫn đến sự biến động lớn tỷ giá hối đoái của các quốc gia châu Á.
Ngoài ra, một số thay đổi trong chính sách kinh tế hoặc tình hình nội bộ của các quốc gia châu Á cũng có liên quan nhất định đến đợt giảm giá tiền tệ lần này. Đồng yên giảm giá mạnh một phần là do Ngân hàng Trung ương Nhật Bản duy trì lãi suất ở mức gần bằng 0, làm cho sự chênh lệch lãi suất giữa đồng yên và USD lên tới 8%. Mặt khác, do Nhật Bản có thâm hụt thương mại với nước ngoài, làm giảm nhu cầu đồng yên Nhật trên thị trường. Hơn nữa sự suy thoái của thị trường trong nước cũng làm cho các doanh nghiệp Nhật Bản có xu hướng giữ lại lợi nhuận từ đầu tư ở nước ngoài. Đồng Việt Nam (VND) giảm giá mạnh một phần là do các vấn đề sâu xa trong nước. Những vụ lừa đảo tài chính xảy ra ở Việt Nam trong thời gian gần đây đã khiến Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) phải chịu thiệt hại rất lớn. Để ngăn chặn sự sụp đổ hệ thống của ngành ngân hàng, Chính phủ Việt Nam đã bơm khoảng 24 tỷ USD vào SCB dưới dạng khoản vay đặc biệt. Số tiền này tương đương 5,6% GDP và 1/4 dự trữ ngoại hối. Biện pháp này đã dẫn đến chi tiêu tài chính của Việt Nam tăng mạnh, sự ổn định tài chính đang đối mặt với thách thức nghiêm trọng.
So với các đồng tiền khác, sự mất giá của đồng nhân dân tệ không đáng kể và nằm trong tầm kiểm soát. Nguyên nhân khiến đồng nhân dân tệ chịu ảnh hưởng tương đối nhỏ có liên quan chặt chẽ đến việc Trung Quốc sở hữu lượng dự trữ ngoại hối lớn và nền kinh tế Trung Quốc đang phục hồi tốt. Ngoài ra, việc kiểm soát ngoại hối của Trung Quốc cũng hạn chế sự di chuyển quy mô lớn của vốn quốc tế qua biên giới, đóng vai trò như một “tường lửa tài chính”.
Khủng hoảng tài chính châu Á 1997 sẽ không lặp lại
Liệu làn sóng đồng tiền mất giá của các quốc gia châu Á có thể sẽ dẫn đến một cuộc khủng hoảng tài chính nữa hay không? Hiện tại, nếu đồng USD tiếp tục duy trì sức mạnh, không loại trừ khả năng xảy ra khủng hoảng tài chính ở một số quốc gia. Nhưng sự kiện tương tự như cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 khả năng cao sẽ không tái diễn.
Vào thập niên 90 của thế kỷ trước, để phát triển kinh tế, phần lớn các quốc gia thị trường mới nổi ở châu Á đã phát triển mạnh mẽ nền kinh tế theo định hướng xuất khẩu, do đó nợ nước ngoài rất lớn, đặc biệt là nợ đô la Mỹ. Hơn nữa do các quốc gia này nới lỏng các quy định về kiểm soát tài chính và ngoại hối, dẫn đến hệ thống tài chính trở nên mong manh, khó có thể chống lại những rủi ro do dòng vốn quy mô lớn gây ra. Năm 1997, bắt đầu từ sự mất giá của đồng Baht ở Thái Lan, một cuộc khủng hoảng tài chính đã nhanh chóng lan rộng khắp châu Á. Để trả nợ nước ngoài và duy trì ổn định tỷ giá, phần lớn các quốc gia châu Á đã cạn kiệt dự trữ ngoại hối trong một thời gian ngắn, và đồng tiền của họ bắt đầu giảm giá mạnh. Điều này dẫn đến suy thoái kinh tế và bất ổn chính trị.
Hiện nay, tình hình trong nước và quốc tế mà các quốc gia châu Á đang đối mặt đã có nhiều thay đổi. Về tình hình trong nước, phần lớn các quốc gia châu Á đã giảm nợ nước ngoài, tăng mạnh dự trữ ngoại hối, nâng cao khả năng chống chịu rủi ro. Hơn nữa, sau khủng hoảng tài chính, vốn đầu tư nước ngoài vào các nước châu Á đã tăng mạnh trong lĩnh vực công nghiệp. Do đó độ nhạy cảm của vốn đối với biến động lãi suất tương đối nhỏ, rủi ro dòng vốn chảy ra quy mô lớn cũng tương đối thấp. Ngoài ra, phần lớn các quốc gia châu Á đã thay đổi cơ chế hình thành tỷ giá, từ bỏ tỷ giá cố định và áp dụng tỷ giá thả nổi. Điều đó cũng làm cho cơ chế tỷ giá linh hoạt hơn, có thể giảm bớt tác động của việc mất giá tiền tệ một cách hiệu quả.
Về tình hình quốc tế, sau khủng hoảng tài chính, các cơ chế phối hợp kinh tế vĩ mô đã được thiết lập ở châu Á và trên phạm vi toàn cầu, cơ chế phối hợp tiền tệ toàn cầu cũng trở nên hoàn thiện hơn, giảm khả năng xảy ra khủng hoảng tài chính quy mô lớn. Tuy nhiên, nếu đồng đô la Mỹ tiếp tục duy trì mạnh, một số quốc gia có nợ nước ngoài quá cao hoặc cơ chế tỷ giá thiếu linh hoạt vẫn có thể bị Mỹ “thu hoạch” một lần nữa và bùng nổ khủng hoảng.
Xu hướng tương lai gắn liền với chính sách tiền tệ của FED
Trong ngắn hạn, do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ vẫn duy trì lãi suất đô la Mỹ ở mức cao, áp lực giảm giá đối với các đồng tiền châu Á sẽ không được loại bỏ trong ngắn hạn. Một số cơ quan quản lý tiền tệ của các quốc gia mặc dù đã áp dụng các biện pháp cũng như can thiệp vào thị trường ngoại hối một cách thích hợp để ngăn chặn sự biến động lớn của tỷ giá, nhưng những biện pháp này đều gặp phải một số hạn chế nhất định và hiệu quả còn nghi ngờ. Các quốc gia thường rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan khi sử dụng chúng. Việc phát biểu của ngân hàng trung ương để can thiệp bằng lời nói vào thị trường ngoại hối tuy có chi phí thấp, nhưng hiệu quả phụ thuộc vào mức độ tin tưởng của thị trường đối với những phát biểu của ngân hàng trung ương. Từ tháng 4 trở lại đây, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã nhiều lần ngụ ý sẽ can thiệp vào thị trường ngoại hối, nhưng sự chậm trễ trong hành động thực tế đã dẫn đến niềm tin của thị trường vào Ngân hàng Trung ương Nhật Bản giảm sút, tăng khả năng các nhà đầu tư đầu cơ bán khống đồng yên.
Nếu sử dụng dự trữ ngoại hối để can thiệp vào thị trường nhằm ổn định tỷ giá, không những tiêu tốn một lượng lớn dự trữ ngoại hối mà còn chỉ “giải quyết được phần ngọn, không trị được phần gốc”. Trường hợp của Nhật Bản đặc biệt hơn, mặc dù Nhật Bản có gần 1,4 nghìn tỷ USD dự trữ ngoại hối, nhưng gần 1,2 nghìn tỷ USD trong số đó đã được dùng để mua trái phiếu Mỹ. Do các yếu tố liên quan đến quan hệ chính trị Nhật-Mỹ, ngay cả khi đồng yên giảm giá mạnh, Nhật Bản cũng khó có khả năng bán trái phiếu Mỹ để ổn định tỷ giá. Tăng lãi suất cũng là một biện pháp can thiệp vào thị trường ngoại hối. mặc dù tác dụng của việc tăng lãi suất rất mạnh, nhưng nó dễ gây ảnh hưởng tiêu cực lớn đến sự phát triển kinh tế trong nước. Đối với Nhật Bản, lý do họ không dám tăng lãi suất cũng một phần do quy mô nợ công là yếu tố hạn chế quan trọng. Quy mô nợ công của Nhật Bản lên tới 1.450 nghìn tỷ yên, gấp 2,4 lần GDP, một khi tăng lãi suất, sẽ làm tăng gánh nặng nợ quốc gia vốn đã rất nặng nề.
Vì vậy, hiện tại phần lớn các ngân hàng trung ương ở châu Á đang trong trạng thái chờ đợi, các biện pháp được áp dụng khá ôn hòa, vẫn hy vọng rằng nền kinh tế Mỹ sẽ suy yếu hoặc tỷ lệ lạm phát giảm, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ sớm hạ lãi suất. Một khi chỉ số đô la Mỹ giảm, áp lực mất giá đồng tiền của các nước châu Á sẽ được giảm xuống.
Việc đồng tiền của các quốc gia châu Á mất giá mạnh một lần nữa đã bộc lộ tính mong manh của hệ thống tiền tệ châu Á. Việc làm thế nào để duy trì sự ổn định đồng tiền của các nước châu Á trở thành nhiệm vụ cấp bách. Trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt, chủ nghĩa bảo hộ thương mại ngày càng mở rộng, những thay đổi và cú sốc trong hệ thống tài chính quốc tế ngày càng gia tăng.Việc thúc đẩy sự hội nhập kinh tế giữa các quốc gia châu Á, tăng cường kết nối và hợp tác trong khu vực về hệ thống tài chính và tiền tệ, đẩy mạnh quá trình “phi đô la hóa” và thúc đẩy quốc tế hóa đồng nội tệ sẽ giúp nâng cao vị thế của các quốc gia châu Á trong hệ thống tiền tệ toàn cầu. Từ đó giảm thiểu và ứng phó tốt hơn với rủi ro trên thị trường ngoại hối./.
Biên dịch: Nguyễn Phượng
Tác giả: Ngô Quốc Đỉnh là Phó nghiên cứu viên của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị thế giới, Viện Khoa học xã hội Trung Quốc.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]