Ngày 30/6/2022, ông Ferdinand Marcos Jr. tuyên thệ nhậm chức Tổng thống thứ 17 của Philippines sau khi giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 5 cùng năm. Trước khi ông Marcos Jr. nhậm chức, đã có nhiều tranh luận về việc chính quyền mới của Philippines sẽ tiếp cận các mối quan hệ đối ngoại như thế nào để giải quyết các thách thức kinh tế và an ninh cũng như xây dựng mối quan hệ ngoại giao ra sao, đặc biệt là với Mỹ và Trung Quốc và liệu rằng Philippines có tiếp tục chính sách “xa rời” đồng minh Mỹ, xoay trục sang Trung Quốc như dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte (2016 – 2022) hay không? Tuy nhiên, những gì mà chính quyền Tổng thống Marcos Jr. triển khai trong hơn một năm qua cho thấy họ đã đánh giá một cách cẩn trọng cán cân lợi ích chiến lược và mối quan hệ với các cường quốc, qua đó tìm cách điều chỉnh lại đường lối chính sách ngoại giao của chính quyền tiền nhiệm. Dường như chính quyền Tổng thống Marcos Jr. đã cởi mở hơn và trực tiếp khuyến khích mạnh mẽ quan hệ đối tác song phương, nhấn mạnh vào khả năng tự vệ; đồng thời nỗ lực hướng tới một tầm nhìn mới và rõ ràng cho Philippines, nhất là trong bối cảnh nước này tiếp tục bị kéo vào các động lực khu vực bao trùm của một Đông Nam Á đã và đang phải chịu ảnh hưởng rất lớn từ cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt giữa hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc. Những cấu hình địa chính trị này đang gâp áp lực đáng kể lên chính quyền hiện tại của Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. trong việc phải làm thế nào để có thể chèo lái “con thuyền Philippines” vượt qua muôn trùng sóng gió.
Sự điều chỉnh chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Ferdinand Marcos Jr.
Tổng thống Marcos Jr. nhậm chức vào thời điểm chính trị có nhiều thuận lợi, tạo điều kiện để ông có thể triển khai chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ. Ngay khi tiếp quản Cung điện Malacañang, Tổng thống Marcos Jr. tuyên bố rằng chính sách đối ngoại của ông mang cách tiếp cận độc lập như chính quyền tiền nhiệm của Tổng thống Duterte và các yếu tố then chốt trong chính sách đối ngoại của ông là: Bảo vệ nhất quán, quyết liệt toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền và các quyền chủ quyền của Philippines, đặc biệt là ở Biển Đông (Philippines gọi là biển Tây Philippines), duy trì phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài Thường trực, tiếp tục chương trình hiện đại hóa quân đội nhằm cải thiện khả năng phòng thủ lãnh thổ và răn đe. Ông Marcos Jr. nhấn mạnh đến việc phải cảnh giác để tránh không bị lún sâu vào các phạm vi ảnh hưởng hiện có, từ đó đặt ra mục tiêu duy trì sự cân bằng trong các tính toán chiến lược của mình. Ông cũng nhấn mạnh đến vai trò của Mỹ và liên minh hiệp ước giữa hai nước trong chính sách an ninh và đối ngoại của Philippines; đồng thời tuyên bố rằng các mối quan hệ với Trung Quốc sẽ tiếp tục được vun đắp để tránh làm trầm trọng thêm cấu trúc an ninh vốn đã hỗn loạn của Đông Nam Á. Ông cũng nêu bật mong muốn tiếp tục củng cố quan hệ chiến lược với các đối tác phi truyền thống và các quốc gia chủ chốt khác ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Những gì mà chính quyền Tổng thống Marcos Jr. đã triển khai thời gian qua cho thấy những bước điều chỉnh chiến lược trong chính sách đối ngoại của Philippines:
Một là “yên lặng” để thay đổi: Kể từ khi lên nắm quyền đến nay, Tổng thống Marcos Jr. luôn tránh sử dụng ngôn ngữ kích động về vấn đề an ninh khu vực khi quan điểm rằng Philippines nên thận trọng giữ khoảng cách với cạnh tranh Mỹ – Trung. Câu cách ngôn ưa thích mà ông lặp đi lặp lại trong nhiều bài phát biểu trong và ngoài nước của mình là: “Philippines nên là bạn của tất cả và không là kẻ thù của ai”.
Phong cách ngoại giao “yên lặng” này là một thay đổi không nhỏ so với các chính quyền tiền nhiệm. Các cựu Tổng thống trước đó như Benigno S.Aquino hay Rodrigo Duterte thường thu hút sự chú ý bằng các phát biểu đôi lúc có phần gây “shock”. Đặc biệt, khi đề cập đến Trung Quốc, ông Marcos Jr. tỏ ra khiêu khích hơn ông Duterte nhưng lại kín đáo hơn ông Aquino. Dường như ông đang tìm kiếm lợi thế cho Philippines theo một hướng khác khi một mặt làm ấm lại mối quan hệ với đồng minh lâu đời Mỹ vốn đã “nguội lạnh” dưới thời Tổng thống Duterte; mặt khác nỗ lực duy trì một môi trường thuận lợi cho hợp tác kinh tế với Trung Quốc, đồng thời đẩy mạnh hợp tác với các đối tác trong và ngoài khu vực.
Cho đến nay, còn quá sớm để khẳng định lựa chọn phong cách ngoại giao “yên lặng” hơn của Tổng thống Marcos Jr. có lâu bền hay không. Thời gian sẽ kiểm chứng tất cả, nhất là khi xảy ra một cuộc khủng hoảng trên đại dương rộng lớn. Tuy nhiên, đến thời điểm này, chính sách ngoại giao “yên lặng” của Tổng thống Marcos Jr. sẽ cho phép các mối quan hệ quốc phòng và thương mại của Philippines thông suốt mà không bị gián đoạn và duy trì mức độ cơ động cao hơn so với dự kiến.
Hai là, tập trung vào hợp tác quốc phòng và kinh tế với các đồng minh và đối tác theo hướng cân bằng tinh tế các mối quan hệ đối ngoại, nhất là với các cường quốc: Hiện Philippines đang theo đuổi một chính sách đối ngoại độc lập nhằm tối đa hóa quan hệ ngoại giao với các quốc gia có cùng chí hướng như Nhật Bản, Australia và Mỹ. Trong 01 năm qua, nhà lãnh đạo Philippines đã thực hiện hàng loạt chuyến công du nước ngoài, từ Á sang Âu, từ Indonesia, Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản cho đến Bỉ, Thụy Sĩ, Mỹ.; đồng thời chào đón và khuyến khích các chuyến thăm trực tiếp của các nhà lãnh đạo trong và ngoài khu vực đến Philippines. Cảm giác cân bằng trong chính sách đối ngoại của Tổng thống Marcos Jr. cũng được thể hiện rõ trong việc bổ nhiệm Ngoại trưởng Enrique Manalo, một nhà ngoại giao chuyên nghiệp từng là Đại diện Thường trực của Philippines tại Liên Hợp Quốc. Có khả năng đây là một chiến thuật nền tảng trong chính sách đối ngoại mới của Manila với phương châm “Philippines là bạn của tất cả, không là kẻ thù của ai” bởi nó sẽ “đem lại sự ổn định mà mọi quốc gia đều cần”.
Trên thực tế, có thể thấy rõ cảm giác cân bằng trong ngoại giao của Tổng thống Marcos Jr. ngay trong chuyến công du đầu tiên sau khi nhậm chức. Việc chọn Indonesia – một cường quốc khu vực ở Đông Nam Á giữ chức Chủ tịch ASEAN làm điểm đến trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên cũng là một cách củng cố cương lĩnh ngoại giao của ông. Bước sang năm 2023, Tổng thống Marcos Jr. mở đầu chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc vào tháng 01/2023, sau đó là chuyến thăm Nhật Bản vào tháng 02/2023, thăm Mỹ từ ngày 30/4 – 4/5/2023. Tại quê nhà, Tổng thống Marcos Jr. đã chào đón Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim, Bộ trưởng Quốc phòng Australia Richard Marles và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tới Philippines từ đầu năm… Tổng thống Marcos Jr. chủ trương cam kết duy trì quan hệ tốt đẹp với phần còn lại của thế giới với lợi ích quốc gia là “định hướng căn bản”.
Ba là, chính thức quay trở lại quỹ đạo bình thường với Mỹ theo hướng hiệu chỉnh và củng cố liên minh truyền thống: Chuyến thăm xứ sở cờ hoa của Tổng thống Marcos Jr. từ ngày 30/4 – 4/5/2023 là một bước tiến dài trong việc “làm ấm” lại quan hệ đồng minh vốn đã “nguội lạnh” đi nhiều trong suốt 06 năm cầm quyền của Tổng thống Rodrigo Duterte, đồng thời phát đi thông điệp rõ ràng về chính sách đối ngoại của Philippines. Đây không phải là lần đầu tiên Tổng thống Marcos Jr. đặt chân đến Mỹ kể từ khi lên nhậm chức bởi trên thực tế nguyên thủ hai nước từng có các cuộc tiếp xúc bên lề Kỳ họp 77 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tại New York (9/2022) và loạt Hội nghị Cấp cao ASEAN tại Campuchia (11/2022).
Thông qua việc xác định Mỹ là “đối tác, đồng minh, bạn bè”, Tổng thống Marcos Jr. ý thức được tầm quan trọng của mối quan hệ bị ràng buộc bởi những lợi ích song trùng từ quốc phòng, an ninh cho đến ngoại giao, kinh tế này và bài học từ chính quyền tiền nhiệm chính là lời nhắc nhở rõ ràng cho vị Tổng thống thứ 17 của Philippines về vai trò quan trọng của đồng minh Mỹ. Dẫu quan hệ Washington-Manila có “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” đi chăng nữa thì rốt cuộc người tiền nhiệm Duterte đã phải đảo ngược quyết định hủy bỏ Hiệp định các lực lượng thăm viếng (VFA) trước khi rời Điện Malacañang. Những nỗ lực đưa quan hệ đồng minh quay trở lại quỹ đạo đã đạt kết quả khi hai bên nối lại đối thoại “2+2” giữa các Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng sau 7 năm đình trệ, mở rộng Thỏa thuận Hợp tác quốc phòng tăng cường (EDCA) hay tổ chức cuộc tập trận thường niên Balikatan (Vai kề vai) với quy mô lớn nhất từ trước đến nay, cho phép Mỹ tiếp cận thêm 04 căn cứ quân sự của Philippines… Tổng thống Marcos Jr. đã thực hiện các bước đi quan trọng nhằm cải thiện và tăng cường quan hệ đồng minh với Mỹ cũng như tái khẳng định “mối quan hệ đặc biệt” giữa hai đồng minh tin cậy của nhau trong “những thời điểm thịnh vượng cũng như khủng hoảng”.
Bốn là, tập trung nhiều hơn vào các kết nối song phương nhưng vẫn tích cực hoạt động ở cấp độ đa phương: Đây là chính sách tối ưu cho Philippines, xét đến thực tế kinh tế và an ninh hiện tại của đất nước. Việc chính quyền Tổng thống Marcos Jr. tìm kiếm sự hỗ trợ của các đồng minh an ninh đáng tin cậy của mình để tăng cường và hiện đại hóa quân đội còn nhiều bất cập của Philippines là điều hợp lý. Đồng thời, xét tầm quan trọng của Trung Quốc với tư cách là đối tác thương mại hàng đầu của Philippines, các liên kết ngoại giao và kinh tế với Bắc Kinh phải được nuôi dưỡng cẩn thận thông qua đối thoại và hợp tác.
Tuy nhiên, Mỹ hay Trung Quốc không phải là mối quan hệ song phương quan trọng nhất mà chính quyền Tổng thống Marcos Jr. tập trung. Chính quyền Tổng thống Marcos Jr. đang đi theo hướng đa dạng hóa các mối quan hệ song phương, nhất là trong vấn đề an ninh và kinh tế. Trong Tham vấn chính trị Philippines – Georgia lần thứ 2 vào ngày 27/10/2022, chính phủ Philippines và Georgia đã nêu bật sự hợp tác quân sự song phương. Cuối năm 2022, Manila cũng đã ký một thỏa thuận New Delhi để tăng cường hợp tác hàng hải, thúc đẩy hợp tác an ninh biên giới với Indonesia và bày tỏ sự ủng hộ đối với liên minh AUKUS. Bước sang năm 2023, Philippines tiếp tục đẩy mạnh hợp tác hơn nữa với Canada khi tìm cách hoàn tất và ký kết một biên bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng với nước này. Philippines và Israel cũng thúc đẩy hợp tác về thương mại và đầu tư đến một thỏa thuận hợp tác về đổi mới công nghệ, nghiên cứu và phát triển. Trong chuyến thăm Nhật Bản hồi tháng 02/2023, Tổng thống Marcos Jr. và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã ký một thỏa thuận quốc phòng chính thức cho phép quân đội Nhật Bản tham gia các cuộc tập trận liên quan đến thiên tai và các dự án nhân đạo. Đây là bước đi tích cực của Philippines hướng tới hợp tác quân sự song phương rộng lớn hơn.
Về quan hệ đa phương, Philippines ngày càng tích cực hơn trong các vấn đề chung: Tại Hội nghị cấp cao ASEAN 2022 tổ chức từ ngày 10 đến 13/11/2022 tại Campuchia, Tổng thống Marcos Jr. đã công khai thúc đẩy sự cần thiết của phải ký kết Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) cùng các vấn đề khác. Các quan chức quốc phòng hàng đầu của Philippines, Australia, Nhật Bản và Mỹ cũng đang thảo luận nhóm về việc thiết lập các cuộc tuần tra chung ở Biển Đông trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng có những hành động leo thang ở vùng biển tranh chấp.
Chính sách Biển Đông của chính quyền Tổng thống Ferdinand Marcos Jr.
Hiện nay, Phlippines đang hiệu chỉnh lại một số chính sách liên quan vấn đề Biển Đông theo hướng ưu tiên hơn nữa cho các vấn đề hàng hải, đồng thời hiệu chỉnh khoảng cách với Mỹ và Trung Quốc trong các vấn đề liên quan. Phần lớn các hiệu chỉnh chính sách của Philippines trong một năm qua đều liên quan đến quyền tự bảo tồn vùng biển của Philippines. Tổng thống Marcos Jr. khẳng định lập trường ủng hộ phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực năm 2016, sử dụng phán quyết để khẳng định quyền lãnh thổ của đất nước, đồng thời nhấn mạnh lập trường kiên quyết không cho phép “một milimet quyền ven biển của Philippines bị chà đạp”. Ngày 10/01/2023, Tòa án Tối cao Philippines tuyên bố, thỏa thuận thăm dò năng lượng năm 2005 của nước này với các công ty Trung Quốc và Việt Nam là bất hợp pháp vì Hiến pháp của Philippines không cho phép các thực thể nước ngoài khai thác tài nguyên thiên nhiên và thỏa thuận này đã hết hạn vào năm 2008. Bên cạnh đó, “Đạo luật Kinh tế Xanh” nếu được thông qua cũng sẽ mang lại một loạt thay đổi về cấu trúc và trọng tâm cho Philippines trong thời gian tới.
Trên cơ sở chính sách đối ngoại độc lập, Philippines hướng đến việc duy trì quan hệ phù hợp với đồng minh Mỹ nhưng cũng tránh phụ thuộc quá nhiều vào nước này, đồng thời hợp tác với Trung Quốc thay vì áp dụng cách tiếp cận hoàn toàn đối đầu. Tuy nhiên, để bảo vệ các tuyên bố chủ quyền của mình ở Biển Đông, ngoài việc tăng cường khả năng phòng thủ, hợp tác về an ninh quốc phòng với đồng minh đối tác qua đó tăng cường năng lực cho các lực lượng trên biển, Philippines đang thực hiện chiến lược mới nhằm phơi bày các hoạt động của Trung Quốc ở vùng biển chiến lược này bao gồm các hoạt động trong “vùng xám”. Thông qua ngoại giao công hàm, Philippines lên tiếng phản đối và phơi bày các hoạt động phi lý của Bắc Kinh ở Biển Đông, tổ chức họp báo tuyên truyền cũng như công khai chỉ trích các hoạt động vi phạm của Trung Quốc ở vùng biển tranh chấp. Theo Lực lượng Bảo vệ bờ biển Philippines, việc phơi bày những diễn biến trên thực địa giúp tạo ra tranh luận công khai và nâng cao nhận thức về hành vi hung hăng của Trung Quốc. Ngày 08/3/2023, Lực lượng Bảo vệ bờ biển Philippines tuyên bố khởi động chiến lược công khai các hành động gây hấn của Trung Quốc tại các khu vực tranh chấp trên Biển.
Về phần mình, Tổng thống Marcos Jr. đã cho thấy ông sẵn sàng công khai chỉ trích Bắc Kinh vì các hành động khiêu khích của nước này trong vùng biển mà Philippines tuyên bố chủ quyền. Trong khi Tổng thống Duterte đã định hướng lại trọng tâm của quân đội Philippines đối với an ninh hàng hải, thì Tổng thống Marcos Jr. đang tạo thêm động lực trong việc nâng cao vai trò của quân đội Philippines ở Biển Đông. Ông cũng hoan nghênh ý tưởng tuần tra chung trên biển với các nước láng giềng Đông Nam Á khác và với các quốc gia ngoài khu vực như Mỹ, Nhật Bản và Australia để tăng cường khả năng tương tác, xây dựng năng lực và duy trì ổn định trong khu vực. Tuy nhiên, ông Marcos Jr. cũng đang tìm cách thiết lập các rào cản đối với vấn đề Biển Đông để tránh đẩy căng thẳng leo thang bằng cách thiết lập đường dây nóng với Trung Quốc và đề xuất nâng cấp Cơ chế Tham vấn song phương (BCM) lên cấp bộ trưởng ngoại giao.
Philippines cũng ngày càng trở nên cảnh giác với Trung Quốc và bắt đầu tận dụng mạng lưới liên minh của Mỹ để củng cố vị thế của mình ở Biển Đông. Tại Hội nghị cấp cao Nhật Bản – Philippines hồi giữa tháng 02/2023, hai nhà lãnh đạo đã nhất trí tăng cường và tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc tập trận chung và các hoạt động khác như đẩy mạnh hợp tác về thiết bị và công nghệ quốc phòng cũng như tăng cường hợp tác ba bên giữa Mỹ, Nhật Bản và Philippines. Philippines cũng đã bày tỏ ý định tìm kiếm sự tham gia của Australia và Nhật Bản để trở thành một phần trong kế hoạch tuần tra chung ở Biển Đông với Mỹ. Hơn nữa, Tổng thống Marcos Jr. còn thảo luận về vấn đề Biển Đông với Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim trong chuyến thăm của ông tới Philippines, và cả hai bên đã đồng ý giải quyết vấn đề thông qua một cách tiếp cận mới dựa trên khuôn khổ ASEAN.
Thách thức với chính sách đối ngoại của Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. trong thời gian tới
Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. dường như đang định hướng Philippines theo một hướng khác liên quan đến chính sách đối ngoại, tuy nhiên, giống như những người tiền nhiệm, ông cũng đang phải đối mặt với không ít thách thức trong việc điều hướng sự cạnh tranh Trung – Mỹ liên quan đến các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.
Một là, để đạt được sự cân bằng phù hợp giữa các mối quan hệ của Philippines với các cường quốc lớn có thể là một hành động cực kỳ bấp bênh. Trên thực tế, sự leo thang các hành động quấy rối theo chiến thuật “vùng xám” của Trung Quốc ở Biển Đông đang buộc Tổng thống Marcos Jr. phải ưu tiên an ninh quốc gia hơn là kinh tế. Trong thời gian tới, ngoài vấn đề Biển Đông, tình hình eo biển Đài Loan có thể buộc Philippines phải đưa ra những lựa chọn mới. Mặc dù Philippines có thể nhận được lợi ích từ cả Mỹ và Trung Quốc do vị trí chiến lược quan trọng của họ đối với hai nước này nhưng Philippines sẽ rơi vào tình thế bấp bênh nếu cán cân bị đảo lộn.
Hai là, việc mở rộng EDCA sẽ giúp Philippines nâng cấp các căn cứ quân sự và khả năng phòng thủ, tuy nhiên, vẫn còn phải xem liệu việc mở rộng này có ngăn cản các hành động trong tương lai của Trung Quốc ở Biển Đông hay không và tăng cường khả năng thương lượng của Manila đối với Bắc Kinh. Có khả năng là nguy cơ Philippines vướng vào một cuộc xung đột thực sự giữa Mỹ và Trung Quốc ở Biển Đông hoặc eo biển Đài Loan sẽ tăng cao và gây ra sự sụp đổ trong quan hệ Philippines – Trung Quốc. Hơn nữa, để trả đũa vai trò có thể có của Manila, Bắc Kinh có thể giảm các dòng thương mại, viện trợ và đầu tư cho Philippines, từ đó tác động trực tiếp đến sự phát triển kinh tế của Philippines.
Ba là, khi cạnh tranh Mỹ – Trung ngày càng gay gắt, nhu cầu thiết lập quyền tự chủ của Philippines sẽ phải tăng lên. Cho tới nay, Mỹ là quốc gia duy nhất có liên minh hiệp ước chính thức với Philippines, có mối quan hệ chặt chẽ và cùng có lợi trên nhiều mặt bao gồm quốc phòng, ngoại giao, thương mại và an ninh. Philippines cũng là nước nhận được nhiều hỗ trợ quân sự nhất của Mỹ ở khu vực Đông Á – Thái Bình Dương theo Sáng kiến An ninh Hàng hải Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Bộ Quốc phòng Mỹ. Trong khi đó, Trung Quốc là đối tác kinh tế lớn nhất của Philippines. Ngoài ra, dân số gốc Hoa đã có những đóng góp đáng kể cho lịch sử, văn hóa và kinh tế của Philippines. Chính vì vậy, Tổng thống Marcos Jr. sẽ phải tìm cách để duy trì cân bằng mối quan hệ với hai cường quốc này nhằm đảm bảo quyền lợi quốc gia dân tộc trong vòng xoáy cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt và các biến động địa chính trị khu vực và thế giới diễn biến khó lường.
Một số hàm ý chính sách với Việt Nam
Trong bối cảnh Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. đẩy mạnh chính sách đối ngoại độc lập theo hướng đa dạng hóa các quan hệ song phương và đa phương, quan hệ Philippines – Việt Nam trong hơn một năm qua có những bước tiến đáng kể và còn nhiều dư địa phát triển.
Một là, hai bên tiếp tục duy trì tiếp xúc cấp cao và các cấp qua nhiều hình thức linh hoạt với mức độ tin cậy chính trị ngày càng cao, qua đó góp phần duy trì đà hợp tác song phương. Hợp tác thương mại là điểm sáng trong quan hệ hai nước, đồng thời hai bên cũng chia sẻ nhu cầu mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực tiềm năng như ứng phó biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, thương mại điện tử… Hợp tác quốc phòng-an ninh, hợp tác biển và đại dương giữa hai nước ngày càng phát triển thực chất, hiệu quả
Hai là, trong hợp tác đa phương, Việt Nam và Philippines ủng hộ lẫn nhau và phối hợp hiệu quả tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, như Liên Hợp Quốc, ASEAN..; đẩy mạnh tham vấn, củng cố đoàn kết và phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực.
Ba là, trong vấn đề Biển Đông, Philippines đang tiến hành hiệu chỉnh lại một số chính sách liên quan theo hướng ưu tiên hơn nữa cho các vấn đề hàng hải, nhất là trong quan hệ với Trung Quốc, Mỹ cũng như một số nước có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Philippines vẫn đang tiếp tục cùng chia sẻ với Việt Nam mối quan tâm chung về các thách thức trên biển. Mới đây nhất, trong cuộc gặp ngày 10/05/2023, tại Labuan Bajo, Indonesia nhân dịp dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 42, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. đã khẳng định kiên trì nguyên tắc giải quyết hòa bình các tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không.
Tuy nhiên, việc Philippines tăng cường thực hiện chính sách đối ngoại độc lập theo hướng hiệu chỉnh lại quan hệ với đồng minh Mỹ cũng như nước láng giềng Trung Quốc cũng tạo ra những thách thức không nhỏ đối với việc duy trì hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông. Đặc biệt, việc Mỹ và Philippines đẩy mạnh hợp tác quốc phòng trên biển bao gồm chia sẻ thông tin tình báo trên biển, tạo ra một “hệ thống phòng thủ chung” trên biển để hỗ trợ hoạt động của các lực lượng tàu thuyền hai nước ở Biển Đông nhằm giúp hai bên nâng cao khả năng phối hợp, hành động và phản ứng nhanh trước các tình huống đe dọa an ninh trên biển cũng như việc Philippines cho phép quân đội Mỹ tiếp cận thêm 04 căn cứ quân sự của nước này (nâng số căn cứ quân sự mà Mỹ có thể tiếp cận ở Philippines lên 09) là các bước đi khiến cho tình hình an ninh Biển Đông thêm tăng nhiệt. Sự tăng cường hiện diện của quân đội Mỹ và Philippines trong khu vực khiến sự cạnh tranh trở nên hiệu quả, khiến Trung Quốc phải tính toán thận trọng hơn trong các hoạt động “gây hấn” trên biển. Tuy nhiên, đây cũng là cái cớ để Trung Quốc có thể tăng cường các hoạt động quân sự hóa Biển Đông, nhất là ở các đảo nhân tạo phi pháp mà nước này đang chiếm đóng, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động “vùng xám” nhằm gây áp lực với các nước có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông như Việt Nam, Philippines, Malaysia… Những việc này sẽ tạo ra thách thức không nhỏ với các hoạt động trên biển cũng như an ninh chủ quyền biển đảo của Việt Nam, đòi hỏi Việt Nam cần tiếp tục phát huy mạnh mẽ đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, vì lợi ích quốc gia- dân tộc.
Vài lời kết
Tổng thống Philippines thường được coi là kiến trúc sư trưởng của chính sách đối ngoại, do đó, ghi dấu cá nhân vào chính sách đối ngoại quốc gia. Điều này đặc biệt rõ ràng bất cứ khi nào có sự chuyển đổi lãnh đạo (06 năm một lần cho mỗi nhiệm kỳ tổng thống). Chẳng hạn, tính cách hợp tác và quan điểm đạo đức toàn cầu của Tổng thống Benigno Aquino II (giai đoạn 2010 – 2016) đã thúc đẩy một chính sách đối ngoại tự do và theo chủ nghĩa thể chế. Điều này hoàn toàn trái ngược với tính cách mạnh mẽ của Tổng thống Rodrigo Duterte và triển vọng xã hội chủ nghĩa toàn cầu tạo ra một chính sách đối ngoại độc lập và hiện thực cho Philippines (giai đoạn 2016 – 2022). Tuy nhiên, sau nửa thập kỷ “lập dị” và “lật kèo” chính trị dưới thời Tổng thống Duterte, chính quyền mới của Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. đang cho thấy một chính sách đối ngoại khác với chính sách đối ngoại của người tiền nhiệm. Trong hơn một năm qua, chính quyền Tổng thống Marcos Jr. đã thực hiện một loạt các điều chỉnh chính sách có tính toán cả trên mặt trận trong nước và quốc tế nhằm góp phần tinh chỉnh, làm rõ và cân chỉnh hình ảnh mới của Manila trước công chúng và cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, chính sách lối đối ngoại của Tổng thống Marcos Jr. cũng gặp phải không ít thách thức bởi trong khi tìm cách quản lý các mối quan hệ của mình với đồng minh truyền thống Mỹ và nước láng giềng Trung Quốc, thì thực tế về những thay đổi mang tính hệ thống trong phân bổ quyền lực vật chất và lợi ích đa dạng của các cường quốc đã thiết lập và đang trỗi dậy thường làm phức tạp thêm các tính toán chiến lược của Philippines.
Một chính sách đối ngoại tự chủ thực sự và hiệu quả mang lại cho Philippines đủ không gian để phát triển khi sự cạnh tranh và thù địch giữa các nước lớn ngày càng gia tăng. Thành công hay thất bại trong giai đoạn không chắc chắn này sẽ phụ thuộc vào năng lực lãnh đạo của các cá nhân nhằm đạt được sự cân bằng mong manh trong xã hội liên kết và phụ thuộc lẫn nhau này. Bên cạnh đó, những tương đồng, những khác biệt trong chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Marcos Jr. so với chính quyền tiền nhiệm cũng sẽ có những tác động nhất định đến địa vị chính trị của Philippines trong bối cảnh các động lực an ninh đang phát triển ở khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương rộng lớn hơn./.
Tác giả: Nguyên Long
Bản quyền nội dung bài viết thuộc về tác giả và nghiencuuchienluoc.org, vui lòng không sao chép khi chưa được sự đồng ý của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi phản hồi học thuật cũng như các vấn đề khác quý độc giả có thể trao đổi với Ban Biên tập Nghiên cứu Chiến lược qua địa chỉ mail: [email protected]
Tài liệu tham khảo:
- Jenny Balboa – Marcos Jr’s delicate balancing act between China and the United States. https://www.eastasiaforum.org/2023/04/12/marcos-jrs-delicate-balancing-act-between-china-and-the-united-states/
- Tomotaka Shoji – The Philippines’ policy on the South China Sea under the Marcos administration: Recalibrating its distance from the United States and China. https://www.spf.org/iina/en/articles/shoji_16.html
- Don McClain Gill: Navigating Contemporary Philippine Foreign Policy Under Marcos Jr. https://www.orfonline.org/research/navigating-contemporary-philippine-foreign-policy-under-marcos-jr/
- Angelica Magahas: Queit for a change: The Macros approach so far. https://www.9dashline.com/article/quiet-for-a-change-the-marcos-approach-so-far
- Sui-Lee Wee – Marcos, Back in Arms of U.S., Is Making His Own Name in Foreign Policy. https://www.nytimes.com/2023/05/02/world/asia/marcos-biden-philippines-china.html
- Jeremy Santiago and Florence Principe Gamboa – Major Power Relations under the Marcos Administration. https://www.factsasia.org/blog/major-power-relations-under-the-marcos administration?fbclid=IwAR227ZgutdUGTM5N5QN8Ipeb3HYB2KJSKgKsEBBsul66yQjsfrndzWHVXWk
- Jessica Martin – The New Marcos Administration https://chinaus-icas.org/research/the-new-marcos-administration/?fbclid=IwAR1IiKmmWTZaUaTVwcf3zBskgliCKFNnysB1ZnkXTAywIxLjnbOjj4ox3oU
- Aaron Jed Rabena – Duterte’s “Pivot to China” to Marcos Jr.’s “Rebalance to the U.S.”?https://fulcrum.sg/from-dutertes-pivot-to-china-to-marcos-jr-s-rebalance-to-the-u-s/?fbclid=IwAR1f1porYb6brsIAlTkeRrBkIgZdX7TGhm_Uo0hhgGUmmceAIO48Fdh8zsg