Một cuộc tấn công bất ngờ của Hamas vào miền nam Israel vào ngày 07/10/2023 đã dẫn đến một cuộc xung đột ngày càng nguy hiểm mà không có giải pháp trước mắt. Hamas là nhóm chiến binh Hồi giáo Palestine kiểm soát Dải Gaza. Hamas đã phát động cuộc tấn công phối hợp đường không, đường biển và đường bộ vào miền nam ngày 07/10. Các chiến binh từ Gaza đã bắn hàng nghìn quả tên lửa về phía các thị trấn của Israel, sau đó vượt qua hàng rào biên giới và xâm chiếm các thị trấn dân sự cũng như các căn cứ quân sự của Israel. Theo phát ngôn viên Lực lượng Phòng vệ Israel, Trung tá Jonathan Conricus cho biết cuộc tấn công của Hamas đã khiến hơn 1.200 người thiệt mạng ở Israel. Khi rút lui vào Gaza, lực lượng Hamas tuyên bố đã bắt giữ 150 con tin và đe dọa sẽ giết họ nếu Israel phản kích nhắm vào Gaza mà không báo trước.
Israel đã trả đũa bằng các cuộc không kích ở Gaza khiến ít nhất 1.354 người thiệt mạng và 6.049 người bị thương, bao gồm cả dân thường[1]. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã tuyên chiến với Hamas. Nathan Brown, giáo sư khoa học chính trị và các vấn đề quốc tế tại George Washington, cho biết cuộc phản công của Israel nhằm mục đích cho thấy “rằng họ sẽ trừng phạt một phần vì mục đích trừng phạt và một phần nhằm tiêu diệt Hamas với tư cách là một tổ chức”.[2]
Làm cách nào Hamas có thể vượt qua sức mạnh phòng thủ của Israel[3]
Đối mặt với một trong những hệ thống giám sát phòng thủ tinh vi nhất hành tinh, Hamas chỉ đơn giản là hòa vào bóng tối.
Cuộc tấn công của Lữ đoàn cảm tử Al-Qassam đã khiến bộ máy an ninh quốc gia của Israel hoàn toàn bị động – một thực tế gây sốc với quy mô của cuộc xâm nhập. Các cơ quan tình báo của Israel luôn được đánh giá là một trong những hệ thống tinh vi nhất trên thế giới và Dải Gaza là một trong những nơi được giám sát nhiều nhất trên hành tinh. Đường dây điện thoại bị nghe trộm, vệ tinh theo dõi trên cao và các điệp viên theo dõi 2 triệu cư dân của khu vực này. Theo tờ Times of India, trên lý thuyết điều này căn bản không nên xảy ra, Israel và Mỹ sẽ cần nhiều năm để xem lại điều thất bại này, là cho phép Hamas hành động với sự bất ngờ và hậu quả thương vong như vậy.
Sự chuẩn bị tỷ mỉ của Hamas
Ali Baraka, người đứng đầu quan hệ đối ngoại của Hamas cho biết: “Chúng tôi đã chuẩn bị cho trận chiến này trong hai năm”. Thực tế rằng, Hamas đã sử dụng các công nghệ thấp, tránh khả năng phát hiện tình báo của Israel và thậm chí đã khai thác niềm tin của Lực lượng phòng vệ Israel rằng các cuộc tấn công tên lửa sẽ bị đẩy lùi hoặc ngăn chặn.
Beth Sanner, cựu Phó Giám đốc Tình báo quốc gia Israel nghi ngờ rằng “Hamas đã có thể duy trì hoạt động huấn luyện theo trường phái rất cũ, các chiến binh mang theo một lượng lớn đạn dược và họ không sử dụng thiết bị điện tử để liên lạc. Họ được phân chia thành các nhóm nhỏ, thực hiện các nhiệm vụ khác nhau, không có sự tương tác và rất ít người hiểu toàn bộ kế hoạch.”
Để che giấu cuộc tấn công của mình, Hamas khai thác các điều kiện ở Dải Gaza, nơi Hamas nắm quyền vào năm 2007 và khoảng 2,3 triệu người bị bao vây phía sau đường biên giới dài 51 km. Đặc điểm mật độ dân cư và công trình xây dựng đông đúc của Gaza giúp Hamas bố trí các thiết bị như máy ủi, đủ gần biên giới để sử dụng với tốc độ nhanh. Hiện vẫn chưa rõ các chiến binh đã được các chỉ huy kế hoạch tấn công cảnh báo trước ở mức độ nào, nhưng với danh tiếng tuyển dụng nhân lực của Israel, các nhà lãnh đạo Hamas có thể đã giữ kế hoạch của họ cực kỳ chặt chẽ.
Ông Andrew Borene, Giám đốc Điều hành của Flashpoint và cựu giám đốc tại Trung tâm chống khủng bố quốc gia Mỹ, cho rằng cũng có thể kế hoạch của nhóm dựa trên công nghệ mã hóa: “Tôi có cảm giác rằng cũng có một phần liên lạc bí mật sử dụng các thiết bị”. Alon Arvatz, cựu thành viên Đơn vị 8200 của Israel, chịu trách nhiệm về tình báo quân đội, cho biết Hamas có thể đã vượt qua khả năng chặn liên lạc qua điện thoại và email của Israel: “Rõ ràng là họ đã biết cách thu thập thông tin tình báo và họ học cách tránh nó”.
Nếu việc tắt thông tin liên lạc có thể giúp Hamas tránh được việc nghe lén thì việc di chuyển dưới lòng đất đã giúp Hamas đã vô hiệu hóa các vệ tinh giám sát của Israel.
Theo nguồn tin của Tình báo Mỹ, Hamas đã xuất sắc trong việc che dấu kho vũ khí của mình trong đường hầm hoặc dưới lòng đất trong nhiều năm. Kết quả là Israel đã tấn công các kho vũ khí trên mặt đất nhiều lần nhưng không có kêt quả. Các đường hầm dường như đã hỗ trợ việc thực hiện cuộc tấn công. Nhà phân tích quân sự Israel, Eado Hecht cho biết, thay vì tìm cách đào bên dưới bức tường ngầm được trang bị cảm biến mà Israel đã hoàn thành vào năm 2021, “họ đã chọn phương án đào lên chướng ngại vật và sau đó bất ngờ lao ra ngoài. Họ đã gửi một cuộc tấn công hàng loạt khiến hệ thống choáng ngợp vượt quá khả năng phản ứng của nó.”
Khả năng Hamas lên kế hoạch tấn công và che giấu ý định của mình cũng phải đặt ra trước những thiếu sót của chính Israel. Kế hoạch của Hamas có lẽ còn được hỗ trợ bởi sự tinh vi ngày càng tăng của bộ máy tình báo của tổ chức này. Theo một nghiên cứu tháng 5/2023 trên tạp chí “Intelligence and National Security” (tạm dịch: Tình báo và An ninh Quốc gia), khả năng tình báo của Hamas đã mở rộng đáng kể từ khi giành quyền kiểm soát Gaza vào năm 2007. Cục Tình báo Quân sự của Hamas đã dành nguồn lực đáng kể để quan sát biên giới với Israel, điều hành các điệp viên trong nước và lắng nghe thông tin liên lạc chiến thuật của Lực lượng Phòng vệ Israel. Theo nghiên cứu, Hamas đã tích lũy được kiến thức về vũ khí, huấn luyện và triển khai quân sự của Israel. Kenneth Katzman, cựu chuyên gia hàng đầu về Trung Đông của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội cho biết, Hamas “có thông tin tình báo rất tốt rằng biên giới Israel có ít người canh gác, họ có thể đến đủ gần để kích nổ chất nổ và vượt qua hàng rào, dây điện và trạm kiểm soát – đó là chìa khóa.” Tất cả những thông tin này đã thúc đẩy Hamas “lập kế hoạch cho kiểu tấn công này”.
Thất bại tình báo của Israeel
Có ý kiến cho rằng, việc Hamas có thể thành công tiến vào sâu lãnh thổ Israel có nghĩa là tình báo quân sự Israel thiếu nguồn nhân lực được gửi gắm trong ban lãnh đạo của Hamas.
Chính phủ Israel phải đối mặt với cáo buộc rằng Cơ quan An ninh Quốc gia của nước này đã bị phân tâm bởi đấu đá nội bộ. Nhiều người Israel đã phản đối trong nhiều tháng chống lại nỗ lực của Thủ tướng Benjamin Netanyahu nhằm tước bỏ quyền lực khỏi cơ quan tư pháp quốc gia. Ngày 9/10, tờ Times of Israel đưa tin rằng tình báo Ai Cập đã nhiều lần cảnh báo Ai Cập rằng Hamas đang lên kế hoạch cho “điều gì đó lớn lao”, nhưng các quan chức Israel đã chọn tập trung vào Bờ Tây thay vì Gaza.
Ngay cả cảnh báo trước vài giờ hoặc phút cũng có thể tạo ra sự khác biệt. Những khoảnh khắc cuối cùng trước cuộc tấn công – khi các chuyển động có thể được theo dõi dễ dàng hơn – có thể đã bị bỏ lỡ trong ngày lễ tôn giáo Sukkot, cũng như khóa huấn luyện trước đó, bao gồm cả khóa huấn luyện của các chiến binh bay dù lượn.
Cũng có khả năng Israel đã trở nên quá tự tin, một phần vì sự tinh vi về công nghệ của họ đã khiến họ chìm vào cảm giác an toàn sai lầm. Hai năm trước, Lực lượng Không quân Israel đã đăng một bài viết trên trang web về Công nghệ độc quyền tên lửa của IDF. Bài báo vạch ra một kịch bản không thể xảy ra hôm 07/10 khi hàng nghìn quả rocket của Hamas áp đảo hệ thống phòng không của Israel. Bài viết đã nói rằng “trong suốt cuộc chiến ở Gaza năm 2014 chống lại Hamas, IDF đã tấn công hàng trăm kẻ khủng bố bị bắt quả tang đang bắn tên lửa vào Israel. Nhiều người trong số họ đã bị tấn công ngay trước khi phóng, những người khác đã trở thành mục tiêu sau khi hành động”. Theo ông Sanner, Israel dường như cũng đã hiểu sai mục đích, động cơ và khả năng của Hamas khi không lường trước được khả năng xảy ra một cuộc đột kích xuyên biên giới. Việc các hệ thống giám sát không đưa ra cảnh báo về cuộc tấn công của Hamas ngày 07/10 thể hiện sự thất bại về thông tin tình báo có thể sẽ được nghiên cứu và thảo luận trong nhiều năm, điều này cũng cho thấy trong kỷ nguyên AI, không có gì là tuyệt đối và những điều bất ngờ vẫn có thể xảy ra.
Sự kiện cho thấy chính quyền Israel đã trở nên quá tự tin vào khả năng của hệ thống phòng thủ tên lửa Dome, đây là lời cảnh báo cho các chính phủ khác, khi họ ngày càng chuyển sang sử dụng nhiều ứng dụng trí tuệ nhân tạo, với hứa hẹn có thể đưa ra những phân tích chính xác và cảnh báo sớm.
Các cơ quan tình báo của Mỹ và đồng minh vốn tự chúc mừng vì đã cảnh báo sớm về cuộc tấn công Ukraine vào tháng 02/2022 của Nga cũng dường như bị bất ngờ. Họ cũng có thể sẽ xem xét những gì đã xảy ra tại Israel để rút ra bài học nhằm tránh điều tương tự xảy ra với cuộc xung đột tiềm tàng khiến Washington bận tâm nhất thời điểm hiện tại: hành động quân sự của Trung Quốc nhắm vào Đài Loan.
Hamas lấy vũ khí từ đâu?[4]
Buôn lậu trên biển
Trong lịch sử, một tỷ lệ đáng kể vũ khí của Hamas được vận chuyển bằng đường biển, nơi các thùng kín chứa vũ khí được thả ra khỏi bờ biển Gaza, được gọi là “chuyển từ tàu sang bờ”. Bất chấp những rủi ro do sự hiện diện của hải quân Israel gây ra, phương pháp này cho phép Hamas vượt qua các biện pháp kiểm soát biên giới chính thức, để cung cấp liên tục các kho vũ khí một cách đáng kể.
Mạng lưới đường hầm bí mật
Sau khi Israel rút quân khỏi Gaza năm 2005, Hamas đã thiết lập một tuyến đường cung cấp bí mật với Iran và Syria thông qua một mạng lưới đường hầm phức tạp bên dưới biên giới Ai Cập-Gaza, phần lớn vẫn bị ẩn giấu với cộng đồng quốc tế.
Nguồn vũ khí nước ngoài
Hamas đã duy trì liên minh chặt chẽ với Iran và Syria để củng cố kho vũ khí của mình. Đồng thời, nhóm này cũng đã mua sắm vũ khí, bao gồm tên lửa Fajr-3, Fajr-5 và M302, từ các nguồn nước ngoài. Sự đa dạng trong nguồn cung ứng này nâng cao khả năng tham gia vào các cuộc xung đột của Hamas.
Sự thống trị của vũ khí tên lửa
Vũ khí tên lửa có tầm quan trọng đặc biệt đối với các phe phái ở Palestine, đặc biệt là Hamas, vì nó cho phép tấn công đường dài một cách hiệu quả và tương đối đơn giản. Chiến tranh Gaza năm 2014 chứng kiến hơn 4.500 quả tên lửa do Hamas bắn vào Israel, nhấn mạnh tầm quan trọng của chúng.
Việc vạch trần chuỗi cung ứng phức tạp cho vũ khí của Hamas là một nhiệm vụ đầy thách thức, liên quan đến nhiều tác nhân khác nhau như những kẻ buôn lậu, đơn vị vận chuyển và nhà tài trợ, mỗi bên đều góp phần cung cấp dòng vũ khí liên tục. Cả Israel và Hamas đều liên tục thích nghi, khiến quá trình mua sắm vũ khí trở nên ngày càng phát triển.
Các phương pháp mua sắm vũ khí của Hamas rất đa dạng và mức độ linh hoạt cao, bao gồm buôn lậu, Ship-to-shore, liên minh bí mật với Iran và Syria cũng như tham gia vào thị trường chợ đen. Vũ khí tên lửa vẫn là một yếu tố mạnh mẽ trong kho vũ khí của Hamas.
Tại sao Hamas tấn công Israel?
Trong nhiều thập kỷ, các phương tiện truyền thông phương Tây, các học giả, chuyên gia quân sự và các nhà lãnh đạo thế giới đã mô tả cuộc xung đột Israel-Palestine là khó giải quyết, phức tạp và bế tắc. Căng thẳng giữa người Israel và người Palestine đã tồn tại từ trước khi thành lập nước Israel năm 1948. Hàng nghìn người của cả hai bên đã thiệt mạng và nhiều người khác bị thương trong nhiều thập kỷ xung đột. Hiến chương thành lập năm 1988 của Hamas kêu gọi tiêu diệt Israel, và nhóm này bị Israel, Mỹ, Liên minh châu Âu, Canada, Ai Cập và Nhật Bản coi là một tổ chức khủng bố. Trước chiến dịch ngày 07/10, Hamas và Israel đã xảy ra nhiều cuộc chiến.
Ngày nay, quân đội Israel thực thi các hạn chế an ninh của Israel đối với việc di chuyển và hoạt động của người Palestine và “những người định cư” Israel ở Bờ Tây, khu vực trên danh nghĩa do Chính quyền Palestine kiểm soát nhưng nằm dưới sự chiếm đóng của Israel. Trong khi đó, Gaza được kiểm soát bởi Hamas, một đảng Hồi giáo chính thống, tuy không phải là sự chiếm đóng của bộ binh nhưng cũng bị Israel phong tỏa. Người Palestine ở Bờ Tây lẫn Dải Gaza thường xuyên cáo buộc chính sách kiểm soát của Israel khiến cuộc sống của họ trở nên khó khăn. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đã gọi lãnh thổ này là một “nhà tù ngoài trời”. Hơn một nửa dân số sống trong nghèo đói và không an toàn lương thực, và gần 80% dân số sống dựa vào hỗ trợ nhân đạo. Mohammed Deif, thủ lĩnh quân sự của Hamas, kêu gọi tất cả người Palestine tham gia “Chiến dịch Bão Al-Aqsa” và tuyên bố Palestine không thể tiếp tục chịu đựng tình trạng chiếm đóng do Israel áp đặt. Hamas mô tả hành động vừa qua của mình là một nỗ lực nhằm “giải phóng” nhà thờ Hồi giáo Al Aqsa ở Jerusalem, nơi diễn ra cuộc đối đầu ngày càng gia tăng giữa những người Do Thái theo chủ nghĩa dân tộc và những người biểu tình Palestine.
Về cốt lõi, Hamas muốn có một nhà nước Palestine độc lập, một nhà nước mà theo tuyên ngôn năm 2017, ít nhất sẽ bao gồm vùng đất mà người Palestine nắm giữ vào năm 1967, một lập trường mà chính phủ Israel từ lâu đã bác bỏ. Họ cũng muốn có quyền lực chính trị lớn hơn, cả ở Palestine và quốc tế.
Hàng nghìn người Palestine đang bị giam giữ trong các nhà tù của Israel, nhiều người trong số họ bị kết tội vi phạm an ninh hoặc liên quan đến khủng bố. Muhammad Deif, lãnh đạo cánh quân sự của Hamas, viện dẫn việc giam giữ hàng nghìn chiến binh Palestine trong các nhà tù của Israel là một trong những lý do dẫn đến cuộc tấn công hôm thứ Bảy.
Cùng với đó, mục đích của Hamas trong hành động lần này hướng đển cả phá vỡ thỏa thuận ba bên giữa Israel, Ả Rập Saudi và Mỹ. Bởi thỏa thuận này sẽ chứng kiến Israel và Ả Rập Saudi chính thức công nhận lẫn nhau trong quan hệ đối tác an ninh, quốc phòng và kinh tế với Mỹ. Người Palestine nhìn thấy thế giới Ả Rập từ bỏ họ khi công nhận Israel bởi Israel là nhà nước Do Thái trong khi những người Palestine là người Hồi giáo. Điều này sẽ khiến tương lai về một quốc gia Palestine tự do độc lập càng trở nên bế tắc. Một phát ngôn viên của Hamas nói rằng cuộc tấn công là “một thông điệp” gửi đến các nước Ả Rập, kêu gọi họ cắt đứt quan hệ với Israel.[6]
Bản chất của tình hình hiện tại, trong đó Israel kiểm soát các hoạt động của người Palestine, tạo ra những động lực mạnh mẽ cho các nhóm cực đoan như Hamas tham gia vào các hành động khủng bố tàn bạo. Cả Hamas và chính phủ hiện tại của Israel đều nghiêng về ý thức hệ đối với bạo lực hơn là hòa bình, xung đột hơn là hợp tác.
Các quốc gia khác và lực lượng ủy nhiệm của họ có thể đã biết trước những gì?
Theo cựu phát ngôn viên quân đội Israel Jacob Dallal viết trên tờ Times of Israel vào cuối tuần này, tình báo Israel vào mùa thu này tin rằng mối đe dọa lớn hơn nhiều là một cuộc tấn công từ Hezbollah do Iran hậu thuẫn phát động từ Lebanon. Israel có thể vẫn lo ngại cuộc tấn công của Hamas từ Gaza là điềm báo trước cho điều đó. Hezbollah hôm 08/10 cho biết họ đã bắn tên lửa và pháo vào ba điểm ở Israel “để thể hiện tình đoàn kết” với người dân Palestine.
Israel có thể cũng nghi ngờ hơn đối với Ai Cập – quốc gia đã cam kết bảo đảm biên giới Gaza – cũng như Qatar, nơi đặt trụ sở chính trị của Hamas và làm trung gian cho một thỏa thuận giữa nhóm này và Israel để mở lại các cửa khẩu Israel-Gaza tại Gaza vào cuối tháng 9 sau hai tuần ngừng hoạt động. Khi Israel tìm cách giải cứu con tin, hai quốc gia này có thể vẫn là một trong những con đường đàm phán tốt nhất.
Nhưng với nhiều công dân Mỹ và các công dân nước ngoài khác cũng có thể đã bị giết hoặc bị bắt, Hamas có thể sẽ phải hứng chịu hành động quân sự rộng lớn hơn của Mỹ và có lẽ với tất cả các nguồn lực tình báo đi kèm.
Con tin là ai và hiện Hamas giấu ở đâu?[7]
Có bao nhiêu con tin?
Chính quyền Israel vẫn chưa công khai thông tin chi tiết cụ thể về số lượng hoặc danh tính của các nạn nhân bị bắt cóc, nhưng các quan chức quân sự cho biết họ bao gồm cả người già và trẻ em. Hầu hết đều bị bắt từ các thị trấn nhỏ ở biên giới Israel vào sáng ngày 07/10.
Theo đánh giá sơ bộ được chia sẻ bởi một quan chức quân sự cấp cao của Israel, ít nhất 150 người Israel đã bị những kẻ tấn công người Palestine bắt làm con tin. Sau cuộc tấn công của Hamas, một phát ngôn viên quân đội Israel cho biết gia đình của ít nhất 50 người Israel đã được thông báo rằng người thân của họ đang bị bắt làm con tin ở Gaza.
Con tin là ai?
Một số con tin dường như đã bị bắt khỏi nhà của họ ở các cộng đồng biên giới Israel, nơi đã bị các tay súng Palestine tràn vào hôm 7/10. Những người khác có thể bị bắt giữ từ một khu rừng gần biên giới, nơi họ đã qua đêm tại một lễ hội âm nhạc.
Một số con tin là các nhà hoạt động vì hòa bình, một phần của các tập thể gần biên giới Gaza mà các thành viên có xu hướng thiên về trung lập và ủng hộ các sáng kiến hòa bình cũng như quyền của người Palestine.
Người thân của họ đã tìm đến các tổ chức tin tức và mạng xã hội, chia sẻ ảnh của những người mất tích và chia sẻ video trực tuyến để tìm kiếm manh mối.
Con tin đang bị giam giữ ở đâu?
Abu Obeida, phát ngôn viên của cánh vũ trang Hamas, tuyên bố trong một tuyên bố trên ứng dụng Telegram rằng họ đã giấu “hàng chục con tin” ở “những nơi an toàn và đường hầm của quân kháng chiến”. Nhóm chiến binh này được cho là sử dụng mạng lưới đường hầm phòng thủ dưới lòng đất, phần lớn nằm dưới cơ sở hạ tầng dân sự, để di chuyển mà không bị phát hiện và di chuyển vũ khí.
Ngày 9/10, cánh vũ trang của Hamas, Lữ đoàn Qassam, cho biết 4 người Israel bị các tay súng bắt giữ đã thiệt mạng trong cuộc pháo kích của Israel, cùng với những người Palestine đang giam giữ họ. Tuyên bố chưa được xác minh.
Israel phản ứng thế nào?
Trong bối cảnh bị chỉ trích rộng rãi về việc thiếu thông tin đáng tin cậy về các con tin, Thủ tướng Benjamin Netanyahu của Israel hôm Chủ Nhật đã tuyên bố bổ nhiệm Gal Hirsch, một tướng đã về hưu, làm điều phối viên cho những người bị bắt và mất tích.
Quân đội và cảnh sát cũng mở một trung tâm chung để các gia đình đăng ký người thân mất tích, yêu cầu họ mang theo ảnh và đồ vật để có thể thu thập mẫu DNA.
Chuyện gì xảy ra tiếp theo?
Vấn đề người Israel bị giam cầm là một vấn đề gây xúc động sâu sắc ở Israel. Năm 2006, các chiến binh Gaza đã bắt giữ một người lính Israel, Gilad Shalit, và Hamas đã giam giữ anh ta trong 5 năm, cho đến khi anh ta được trao đổi lấy hơn 1.000 tù nhân Palestine, nhiều người trong số họ bị kết tội tấn công khủng bố chết người chống lại người Israel.
Việc bắt giữ nhiều con tin cho thấy Hamas có thể muốn giữ họ như những con bài mặc cả để trao đổi tù nhân và có thể sử dụng họ làm lá chắn sống khi Israel tấn công trở lại Gaza. Ismail Haniyeh, lãnh đạo Hamas, xuất hiện hôm 10/10 để loại trừ việc trao đổi tù nhân chừng nào tình trạng thù địch vẫn tiếp diễn. Ông nói “Hồ sơ này sẽ không được mở cho đến khi trận chiến kết thúc”.
Vào tối 09/10, cánh vũ trang của Hamas đe dọa sẽ hành quyết một con tin dân sự mỗi khi một cuộc không kích của Israel tấn công người dân Gaza “vào nhà của họ mà không báo trước”.
Phản ứng quốc tế dối với cuộc giao tranh
Cuộc tấn công với quy mô chưa từng có của Hamas vào Israel đã tạo nên một cú sốc đối với cộng đồng quốc tế.
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cho biết: “Tôi thừa nhận những bất bình chính đáng của người dân Palestine. Nhưng không gì có thể biện minh cho những hành động về việc tấn công và bắt cóc thường dân Israel. Tôi nhắc lại lời kêu gọi của mình là chấm dứt ngay các cuộc tấn công này và thả tất cả con tin Israel. Và đối với các cuộc không kích của Israel nhằm Gaza. Tôi cũng vô cùng lo lắng trước những báo cáo thương vong. Thật không may, những con số này đang tăng lên từng phút, khi các hoạt động của Israel vẫn tiếp tục. Tôi thừa nhận những lo ngại an ninh chính đáng của Israel, nhưng tôi cũng phải nhắc nhở Israel rằng các hoạt động quân sự phải được tiến hành theo đúng luật nhân đạo quốc tế”.[8]
Người đứng đầu Liên đoàn Ả Rập Ahmed Aboul Gheit đã kêu gọi “ngưng ngay lập tức các hoạt động quân sự ở Gaza” và “chu kỳ đối đầu vũ trang giữa hai bên”: “Việc Israel tiếp tục thực hiện các chính sách bạo lực và cực đoan là một quả bom hẹn giờ tước đi bất kỳ cơ hội ổn định nghiêm túc nào trong khu vực trong tương lai gần.” Trong tuyên bố chính thức được đưa ra sau cuộc họp bất thường của Liên đoàn Arab (AL) ở Cairo ngày 11/10, Ngoại trưởng các quốc gia Arab đã kêu gọi Israel chấm dứt ngay lập tức cuộc tấn công vào Dải Gaza và ngừng bao vây khu vực này. Tuyên bố của Ngoại trưởng các nước thành viên AL đã lên án mọi hành động trái với luật pháp quốc tế và luật nhân đạo quốc tế, nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo vệ dân thường phù hợp với các giá trị nhân đạo chung và luật pháp quốc tế.[9]
Bộ Ngoại giao Brazil cho biết trong một tuyên bố: “Chính phủ Brazil lên án hàng loạt vụ đánh bom và tấn công mặt đất được thực hiện ngày 07/10 ở Israel, bắt đầu từ Dải Gaza”, đồng thời kêu gọi các bên “tránh leo thang tình hình”.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết: “Trung Quốc quan ngại sâu sắc về sự leo thang căng thẳng và bạo lực hiện nay giữa Palestine và Israel”, đồng thời “kêu gọi tất cả các bên liên quan giữ bình tĩnh và kiềm chế, ngừng bắn ngay lập tức, bảo vệ dân thường và ngăn chặn tình trạng xấu đi thêm.”
Người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU, ông Josep Borrell cho biết: “Chúng tôi lên án mạnh mẽ các cuộc tấn công của Hamas. Bạo lực khủng khiếp này phải chấm dứt ngay lập tức. Khủng bố và bạo lực chẳng giải quyết được gì cả.”
Ai Cập cảnh báo về “những hậu quả nghiêm trọng” từ sự leo thang căng thẳng giữa Israel và Palestine trong một tuyên bố của Bộ Ngoại giao được hãng thông tấn nhà nước đăng tải. Đồng thời kêu gọi “kiềm chế tối đa và tránh khiến dân thường gặp nguy hiểm hơn nữa”.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết đất nước của ông “đoàn kết với Israel vào thời điểm khó khăn này”.
Iran đã phủ nhận sự liên quan trực tiếp đến hoạt động của Hamas nhưng họ bày tỏ sự ủng hộ đến cuộc kháng chiến. Tướng Yahya Rahim Safavi của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran cho biết “chúng tôi ủng hộ chiến dịch này và chúng tôi chắc chắn rằng mặt trận kháng chiến cũng ủng hộ vấn đề này”. Những tuyên bố ủng hộ ngay lập tức từ Tehran đối với các cuộc tấn công của Hamas, cũng như những gì Israel nói là nỗ lực lâu dài để vận chuyển vũ khí cho cả Hamas và Hezbollah (là một nhóm vũ trang và chính trị người Hồi giáo Shia được Iran hậu thuẫn, được thành lập vào năm 1982 để chống lại sự chiếm đóng của Israel ở miền nam Lebanon) sẽ làm tăng thêm sự nghi ngờ của Israel rằng Iran có liên quan trực tiếp đến cuộc tấn công vừa qua.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tuyên bố sẵn sàng đứng ra làm trung gian hòa giải cho các bên: “Chúng tôi muốn chính quyền Israel ngừng bắn phá vùng đất Gaza của người Palestine. Người Palestine cũng ngừng quấy rối các khu định cư dân sự ở Israel. Tôi muốn bày tỏ rằng, với tư cách là Thổ Nhĩ Kỳ, chúng tôi sẵn sàng hòa giải trên mọi lĩnh vực, bao gồm cả việc trao đổi tù nhân, nếu các bên yêu cầu”.
Tương lai của cuộc chiến
Khi cuộc xung đột dự kiến sẽ leo thang hơn nữa trong những ngày tới, các chiến lược dài hạn cho cả Hamas và Israel vẫn chưa được xem xét. Các chuyên gia Trung Đông cho rằng xung đột sắp bước vào giai đoạn tàn khốc hơn, đồng thời cho rằng kết quả cuộc chiến là không chắc chắn. Có sự bi quan lan rộng về triển vọng giảm leo thang trong thời gian ngắn trong bạo lực giữa Israel và Hamas, trong đó dân thường được sẽ phải gánh chịu gánh nặng của cuộc giao tranh.
Trong ngắn hạn, khả năng tồn tại và chống chọi trước phản ứng của Israel của Hamas đang bị đặt dấu hỏi. Tuy nhiên, việc Hamas nắm trong tay một số lượng con tin lớn có thể làm phức tạp xung đột. Các chiến binh Hamas đang giam giữ con tin và đe dọa sẽ giết con tin dân sự nếu Israel tấn công dân thường ở Gaza. Tuy nhiên, cho đến nay có rất ít dấu hiệu cho thấy những lời đe dọa của Hamas sẽ làm chậm phản ứng của Israel. Trợ lý giáo sư và chuyên gia chống khủng bố tại Đại học Reichman ở Israel, Daphné Richemond-Barak cảnh báo rằng Hamas cũng có thể quyết định sử dụng các con tin làm lá chắn sống, rải chúng ra khắp các địa điểm quân sự quan trọng trong nỗ lực bảo vệ các thành trì của Hamas khỏi các cuộc tấn công của Israel. Ngay cả khi người Israel lo lắng về những người thân bị bắt, các nhà lãnh đạo dường như không mấy muốn đàm phán một thỏa thuận có thể liên quan đến việc giải phóng hàng nghìn người Palestine bị cầm tù với nhóm đã gây ra quá nhiều đổ máu.
Anthony H. Cordesman, một chuyên gia về chiến tranh ở Trung Đông tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho biết: “Chính phủ Israel sẽ phải cân nhắc cái giá chính trị của việc mất con tin trước nguy cơ tạo tiền lệ bằng cách cho phép kẻ thù bắt giữ con tin cản trở phản ứng quân sự. Nếu không có đối sách, họ có thể thấy thêm rất nhiều con tin bị bắt trong tương lai.”[10]
Theo tờ Al Jazeera, khi cuộc tấn công của Israel kết thúc, nếu Hamas sống sót, họ sẽ tuyên bố chiến thắng trước Israel. Nếu Hamas giành được nhiều tính hợp pháp hơn ở Gaza và Bờ Tây với hoạt động của mình, cũng sẽ phải đối mặt với thách thức chuyển nó thành các chính sách và quản trị sẽ phục vụ người Palestine trong dài hạn. Ngược lại, nếu Israel tiến vào Gaza và lật đổ hoàn toàn Hamas mà không có sự thay thế sẵn sàng cho Hamas, Israel sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc nắm quyền kiểm soát trực tiếp Gaza, điều này rất có thể sẽ làm trầm trọng thêm chiến binh Palestine, làm sâu sắc thêm sự chia rẽ trong xã hội Israel và trói buộc các nguồn lực quân sự và kinh tế của mình trong một chiến dịch chống nổi dậy kết thúc mở[11].
Có rất ít chuyên gia cho rằng Hamas có thể bị tiêu diệt hoàn toàn. Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Quân sự và An ninh tại Viện Chính sách Cận Đông Washington, ông Michael Eisenstadt: “Tôi không nghi ngờ gì rằng thông qua các vụ tấn công, Israel có thể tiêu diệt một số lượng lớn các chiến binh Hamas và phá hủy rất nhiều khả năng quân sự của họ, nhưng Israel không thể phá hủy một hệ tư tưởng”. Anthony H. Cordesman cung cho rằng: “Vấn đề là nếu Israel quá kỹ lưỡng trong việc tiêu diệt Hamas, họ có thể tạo ra một người kế nhiệm tồi tệ hơn”.[12]
Sự tức giận trước phản ứng quân sự rầm rộ của Israel ở Gaza – có thể làm phức tạp thêm một thỏa thuận do Mỹ đàm phán sắp xảy ra giữa Ả Rập Saudi và Israel, được xây dựng dựa trên một hiệp định tương tự với Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Mỹ có thể sẽ phải tạm dừng các kế hoạch hòa giải bình thường hóa vào lúc này. Với tâm trạng công chúng hiện tại trong thế giới Ả Rập sau vụ tấn công Gaza, sẽ quá phức tạp để thúc đẩy các cuộc đàm phán về thỏa thuận Saudi-Israel.
Bất kể hòa giải nào cuối cùng xảy ra giữa Israel và Hamas, nó không có khả năng giải quyết nguyên nhân gốc rễ của cuộc xung đột. Dường như không có bất kỳ ý chí chính trị nào bên trong Israel để giải quyết các vấn đề như bỏ tù người Palestine, kiểm soát các hoạt động kinh tế xã hội khiến điều kiện sống trở nên tồi tệ ở Gaza và Bờ Tây, hoặc tiếp tục mở rộng khu định cư. Điều này có nghĩa là cuộc xung đột Palestine-Israel sẽ tiếp tục diễn ra và tạo ra các chu kỳ bạo lực.
Cuộc chiến làm gia tăng thêm tình hình căng thẳng và phức tạp ở Trung Đông. Trong bối cảnh chiến sự ở Ukraine vẫn đang tiếp diễn, cuộc tấn công và phản công giữa Hamas – Israel đẩy môi trường thế giới vốn đang rất căng thẳng lại càng thêm gay gắt. Nhiều câu hỏi được đặt ra lúc này là liệu thế giới có thực sự hoà bình và liệu Trung Quốc có có thêm động lực để có một hành động quân sự vào Đài Loan hay không?
Tác giả: Thi Thi
Bản quyền nội dung bài viết thuộc về tác giả và Nghiên cứu Chiến lược, vui lòng không sao chép khi chưa được phép. Mọi trao đổi học thuật cũng như các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với Ban Biên tập qua địa chỉ: [email protected]
[1] Abbas Al Lawati and Nadeen Ebrahim (2023), Israel is at war with Hamas. Here’s what to know, CNN, https://edition.cnn.com/2023/10/09/middleeast/israel-hamas-gaza-war-explained-mime-intl/index.html
[2] Nicole Narea and Li Zhou (2023), Hamas, the militant group that attacked Israel, explained, VOX, https://www.vox.com/politics/2023/10/10/23911661/hamas-israel-war-gaza-palestine-explainer
[3] Times of India, “Hamas outmaneuvered Israel’s surveillance prowess by going” dark,https://timesofindia.indiatimes.com/world/middle-east/hamas-outmaneuvered-israels-surveillance-prowess-by-going-dark/articleshow/104301099.cms
[4] Vinograd, C. and Kershner, I. (2023) Hamas Took Scores of Hostages From Israel. Here’s What We Know About Them. The New York Times https://www.nytimes.com/2023/10/09/world/middleeast/israel-hostages-hamas-explained.html.
[5] Abbas Al Lawati and Nadeen Ebrahim (2023), Israel is at war with Hamas. Here’s what to know, CNN, https://edition.cnn.com/2023/10/09/middleeast/israel-hamas-gaza-war-explained-mime-intl/index.html
[6] Zack Beauchamp (2023), Why did Hamas invade Israel?, VOX, https://www.vox.com/2023/10/7/23907323/israel-war-hamas-attack-explained-southern-israel-gaza
[7] Sneha Swaminathan (2023), From where does Hamas acquire its weapons? Understanding the sources and transit routes, WION, https://www.wionews.com/world/from-where-does-hamas-acquire-its-weapons-understanding-the-sources-and-transit-routes-643953
[8] Đình Nam (2023), Gaza hứng đòn giáng trả – Tối hậu thư từ Hamas và cơ hội ngừng bắn, VOV, https://vov.vn/the-gioi/gaza-hung-don-giang-tra-toi-hau-thu-tu-hamas-va-co-hoi-ngung-ban-post1051561.vov
[9] Báo quân đội nhân dân, “Xung đột Hamas-Israel: Tổng Thư ký LHQ cảnh báo nguy cơ xung đột lan rộng”, https://www.qdnd.vn/quoc-te/tin-tuc/xung-dot-hamas-israel-tong-thu-ky-lhq-canh-bao-nguy-co-xung-dot-lan-rong-746757
[10] MATHIAS HAMMER, What Military Experts Say to Look Out for in an Israel-Hamas War, TIME, https://time.com/6322493/israel-hamas-ground-war-gaza-military/
[11] Alexander Palmer and Daniel Byman (2023), What’s Next for Hamas and Israel?, CSIS, https://www.csis.org/analysis/whats-next-hamas-and-israel
[12] MATHIAS HAMMER, What Military Experts Say to Look Out for in an Israel-Hamas War, TIME, https://time.com/6322493/israel-hamas-ground-war-gaza-military/