Theo bài viết mới đây trên trang mạng của Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế (IISS), thông báo ngày 25/6/2022 của Nga về kế hoạch chuyển giao tên lửa đạn đạo tầm ngắn 9K720 Iskander-M cho Belarus và nâng cấp máy bay Su-25 Frogfoot của Belarus để có thể mang vũ khí hạt nhân cho thấy chính sách về vũ khí hạt nhân của cả hai nước đã được điều chỉnh.
Theo thông báo nói trên, Tổng thống Nga Vladimir Putin đồng ý chuyển giao tên lửa đạn đạo tầm ngắn 9K720 Iskander-M cho Belarus. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên bởi từ năm 2016, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đã tìm cách có được loại vũ khí này nhằm hiện đại hóa và cải thiện năng lực của tên lửa thông thường phóng từ mặt đất của Belarus. Ngoài ra, Nga đang tìm cách cản trở các kế hoạch phòng thủ của NATO ở sườn phía Đông của liên minh, đặc biệt là khi NATO tiếp tục củng cố thế trận phòng thủ tại đó để đối phó với cuộc chiến ở Ukraine.
Tuy nhiên, điều bất ngờ là Nga sẽ cung cấp cho Belarus hệ thống Iskander phiên bản M, chứ không phải phiên bản E mà nước này đã cung cấp cho Algeria và Armenia. Tầm bắn và trọng tải của phiên bản E đã được giảm theo hướng dẫn của Chế độ kiểm soát công nghệ tên lửa đa phương (MTCR). Theo hướng dẫn này, việc xuất khẩu các tên lửa có trọng tải trên 500 kg và tầm bắn trên 300 km bị chỉ trích mạnh mẽ và chỉ được phép trong trường hợp ngoại lệ. Điều khó xử là Nga lại là Chủ tịch MTCR.
Mặc dù Belarus đã nâng cấp một số tính năng cho tên lửa thông thường phóng từ mặt đất trong thập kỷ qua, nhưng kho tên lửa của nước này chủ yếu bao gồm các hệ thống từ thời Liên Xô. Ngoài 6 hệ thống phóng tên lửa đa năng Polonez-M hiện đại, theo ước tính của IISS, Belarus hiện sở hữu 36 bệ phóng 9K79 Tochka-U. Loại thứ hai là hệ thống tên lửa tầm ngắn có tầm bắn 120 km, đã được đưa vào phục vụ tại các nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây từ năm 1975. Những hệ thống này dường như được chia thành 3 lữ đoàn khác nhau, mỗi lữ đoàn có 12 bệ phóng. Tuy nhiên, điều khó hiểu là theo thông tin công khai, Belarus chỉ liệt kê một lữ đoàn tên lửa duy nhất – Lữ đoàn 465 – đóng quân gần khu vực Asipovichy.
Việc chuyển giao Iskander-M có tầm bắn 500 km trong thời gian tới sẽ giúp Belarus tăng gấp 4 lần khả năng ứng phó của kho vũ khí tên lửa đạn đạo phóng từ mặt đất. Trong khi tên lửa của Nga đã có thể tấn công Ba Lan và các quốc gia Baltic từ khu vực Kaliningrad, thì việc lựa chọn căn cứ Iskander ở Belarus có thể tạo ra các mục tiêu tiềm tàng mới ở Romania, Hungary, Slovakia và Cộng hòa Séc, đồng thời có thể mở rộng phạm vi bảo vệ các lực lượng chiếm đóng của Nga ở Moldova. Iskander-M cũng sẽ nâng cao khả năng tấn công chính xác của Belarus vì sai số sẽ nằm trong khoảng 5-10 m và do đó độ chính xác sẽ cao hơn hệ thống tên lửa Tochka-U khoảng 10 lần.
Hiện vẫn chưa rõ Nga sẽ chuyển bao nhiêu Iskander-M cho Belarus và loại tên lửa trên sẽ tác động như thế nào đến thế trận chiến đấu của nước này. Trong khi Minsk có lẽ muốn Nga chuyển giao đủ Iskander-M để thay thế Tochka-U trên cơ sở một đổi một, thì Moskva có thể sẽ ưu tiên giao tên lửa cho các lực lượng vũ trang của mình vì Iskander-M được sử dụng rộng rãi trong cuộc chiến ở Ukraine. Do đó, trong thời gian đầu, Belarus có thể sẽ phải vận hành đồng thời cả Iskander-M và Tochka. Với tuổi đời của Tochka-U cũng như việc Lữ đoàn tên lửa 465 không được mở rộng để tiếp nhận thêm các bệ phóng, Belarus có thể sẽ tìm cách thay thế hơn là tăng cường các thiết bị cũ của mình.
Tochka-U và Iskander-M đều là các hệ thống có khả năng kép, nghĩa là chúng có thể được trang bị đầu đạn hạt nhân hoặc thông thường – một đặc điểm mà Tổng thống Putin đã lưu ý khi thông báo về việc chấp nhận chuyển giao. Tuy nhiên, vẫn chưa chắc chắn liệu Iskander-M có giống tên lửa đạn đạo tầm trung DF-26 của Trung Quốc và liệu đầu đạn có thể được thay thế nhanh chóng bằng phiên bản hạt nhân hoặc thông thường hay không. Nếu các đầu đạn của Iskander-M không thể hoán đổi cho nhau một cách dễ dàng, thì Nga sẽ phải giữ lại các tên lửa đã được lắp ráp hoàn chỉnh trên lãnh thổ của mình và giao chúng cho Belarus trong cuộc khủng hoảng hoặc chuyển chúng cho nước này cất giữ. Mặc dù Belarus đã tổ chức 22 cơ sở lưu trữ hạt nhân trong Chiến tranh Lạnh, nhưng phân tích hình ảnh của các cơ sở này cho thấy tất cả đều không ở trong tình trạng sẵn sàng.
Điều đáng ngạc nhiên hơn là việc Nga thông báo rằng họ có kế hoạch nâng cấp hoặc trang bị thêm cho máy bay tấn công mặt đất Sukhoi Su-25 Frogfoot của Belarus để chúng có thể mang vũ khí hạt nhân. Tổng thống Putin cũng nói rằng Nga có thể giúp Belarus đào tạo phi công để vận hành những máy bay này. Theo ước tính của IISS, Không quân Belarus sở hữu 22 chiếc Su-25, nhưng không rõ Nga đề xuất sửa đổi bao nhiêu chiếc trong số đó và đào tạo bao nhiêu phi hành đoàn cho mục đích chuyển giao vũ khí hạt nhân.
Su-25 có những hạn chế đáng kể trong vai trò trên và điều này đặt ra câu hỏi về độ tin cậy của thông báo từ phía Nga và Belarus. Được thiết kế như một máy bay hỗ trợ không quân tầm gần, Su-25 chỉ có thể triển khai vũ khí hạt nhân ở chế độ thả rơi tự do. Điều này sẽ tương tự như trường hợp của các máy bay có khả năng kép của NATO được giao sứ mệnh hạt nhân của liên minh. Tuy nhiên, khả năng sống sót của Su-25 sẽ kém hơn nhiều so với các loại máy bay của NATO được giao nhiệm vụ này.
Belarus vận hành 4 máy bay Su-30 SM Flanker H và loại máy bay này phù hợp hơn với nhiệm vụ vận chuyển vũ khí hạt nhân do chúng có tầm bay xa hơn, trọng tải lớn hơn và hiệu suất bay cao hơn. Do đó, vẫn chưa rõ lý do tại sao Su-25, vốn có năng lực kém hơn, lại được lựa chọn để thay thế. Có lẽ Nga và Belarus quan tâm đến tín hiệu mà Su-25 gửi đi hơn là độ tin cậy thực sự của việc trang bị thêm cho chúng. Điều này có lẽ chứng tỏ tín hiệu quan trọng đối với Moskva và Minsk hơn là độ tin cậy.
Mục tiêu mới: Belarus ở giữa
Mặc dù Belarus quan tâm đến Iskander-M, nhưng Nga vẫn từ chối đề xuất chuyển giao trước cho nước này vì nhiều yếu tố, chẳng hạn như việc Nga ưu tiên giao hàng cho lực lượng vũ trang của họ và chi phí cũng như khả năng sản xuất của Nga có hạn – nước này chỉ có thể chế tạo khoảng 50 tên lửa mỗi năm (ước tính dựa trên số lượng tên lửa và bệ phóng được chuyển giao cho quân đội Nga trong giai đoạn 2013-2018). Tuy nhiên, một số diễn biến gần đây dường như đã làm thay đổi tính toán của Nga. Điều trước tiên và quan trọng nhất là Tổng thống Lukashenko dường như đã nhượng bộ trước yêu cầu lâu nay của Tổng thống Putin về việc chấp nhận cho các lực lượng Nga đóng quân thường trực trên lãnh thổ Belarus. Thứ hai, những đề xuất về việc sửa đổi Hiến pháp Belarus theo mong muốn của Tổng thống Lukashenko đã được thông qua sau cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức hồi tháng 2/2022 với tỷ lệ ủng hộ được cho là 65,2%. Những đề xuất này bao gồm cả việc xóa bỏ lập trường trung lập của Belarus và lệnh cấm sở hữu vũ khí hạt nhân trước đây.
Khả năng tái triển khai vũ khí hạt nhân tới Belarus ở quy mô tương đương với các đợt triển khai của Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh là rất thấp, nhưng không thể bác bỏ hoàn toàn khả năng này. Nếu điều đó xảy ra, thì đây sẽ là một bước thụt lùi đối với an ninh châu Âu-Đại Tây Dương. Nếu Nga triển khai vũ khí hạt nhân tới Belarus, thì nước này có thể sẽ tham gia một thỏa thuận về căn cứ hạt nhân tương tự như hệ thống của Liên Xô và các thành viên Hiệp ước Vacsava, với việc binh lính Liên Xô canh gác, xử lý, thu nhận và chuyển giao vũ khí hạt nhân theo lệnh của Liên Xô. Nhiều khả năng Nga sẽ không hình thành một thỏa thuận chia sẻ hạt nhân với Belarus như NATO, mà theo đó vũ khí hạt nhân sẽ được triển khai khi Tổng thống Mỹ đưa ra mệnh lệnh lựa chọn các đồng minh NATO triển khai bằng các máy bay có khả năng kép.
Tuy nhiên, đề xuất nâng cấp máy bay của Belarus để thực hiện các nhiệm vụ hạt nhân khiến vấn đề trở nên phức tạp hơn và Nga cho biết sẽ đào tạo các phi công của Belarus để thực hiện nhiệm vụ thả bom hạt nhân từ trên không. Tuy vậy, Nga có thể biến Belarus thành một “quốc gia liên minh”. Khi đó, binh sĩ Belarus có thể được bố trí vào một đơn vị thuộc các lực lượng vũ trang Nga để giám sát kho vũ khí hạt nhân phi chiến lược của nước này.
Sự thay đổi này bắt nguồn từ việc cuộc chiến của Nga với Ukraine đã làm cạn kiệt sức mạnh thông thường của Moskva trong thời gian ngắn và phản ứng của NATO đối với cuộc chiến đã dẫn tới việc mở rộng biên giới của Nga với liên minh này. Việc kết nạp Phần Lan và Thụy Điển vào liên minh sẽ khiến đường biên giới trên bộ tăng thêm hơn 1.300 km và đường bờ biển Baltic dài thêm gần 8.000 km. Điều này khiến các nhà hoạch định quốc phòng Nga lo ngại. Do đó, Moskva sẽ phải cân nhắc việc bố trí một số lượng lớn binh sĩ và thiết bị ở các vị trí phòng thủ tại các điểm quan trọng ở khu vực Bắc và Đông Âu, hoặc chuyển sang phụ thuộc nhiều hơn vào vũ khí hạt nhân phi chiến lược để đáp ứng nhu cầu phòng thủ và răn đe trên lãnh thổ của mình. Do hầu hết các lực lượng vũ trang của Nga đều đang tham chiến tại Ukraine, nên nhiều khả năng Moskva sẽ rút một phần lực lượng thông thường khỏi nước này và dựa nhiều hơn vào vũ khí hạt nhân phi chiến lược để răn đe NATO.
Cho dù Belarus có gia nhập một quốc gia liên minh với Nga hay không thì các máy bay có khả năng hạt nhân tầm ngắn và tên lửa phóng từ mặt đất có thể sẽ sớm được triển khai trên lãnh thổ Belarus và có khả năng tấn công các mục tiêu bổ sung thông qua nhiều nền tảng khác nhau so với hiện tại. Dựa trên phân tích về các thiết bị mà Nga dự định cung cấp cho Belarus, có thể thấy các hành động của Moskva dường như tập trung nhiều vào khả năng răn đe hạt nhân đáng tin cậy, ít nhất là trong lúc này./.
(Theo TTXVN)
Người dịch: Trần Thị Quyên